Home Biến Cố CG SJ Sách Tiếng Lương Tâm Tiếng Lương Tâm (Phần 5)

Tiếng Lương Tâm (Phần 5) PDF Print E-mail
Tác Giả: Đỗ Văn Hiến   
Thứ Năm, 03 Tháng 12 Năm 2009 20:51

 

41-  NGỤY BIỆN

 Từ ngày cuốn phim ‘ƯỚC MƠ GIÁO XỨ’ ra đời, nhiều người ở xa vùng San Jose, sau khi coi phim (có người coi 2, 3 lần), đã thay đổi hoàn toàn ý kiến của họ về cuộc tranh đấu của giáo dân và bắt đầu ủng hộ giáo dân. Nhiều người đã nói với tôi là họ tiếc từ trước đến giờ họ không hiểu; bây giờ họ mới hiểu rõ.

 Họ không thể hiểu được thái độ “lì lợm” của Cha Dương. Họ còn nói là người VN mình có nhiều tự trọng, nhất là trong việc giao tiếp với người khác. Những câu “hữu thỉnh hữu lai, vô thỉnh bất đáo” hoặc “ăn có mời, làm có khiến” là những câu châm ngôn ai cũng phải biết để hướng dẫn cách xử sự trong đời. Một vị Linh Mục bị chống đối như vậy thì, theo họ, không có lý do gì để đến Họ Đạo làm việc nữa. Linh Mục đó có thừa lý do để xin từ chức và ĐGM sẽ không ngần ngại chấp nhận lời yêu cầu của Ngài. Người ta chỉ có thể nghĩ được lý do mà Cha Dương còn cố bám lấy chức vị chính xứ, đó là vì tự ái. Nhưng tự ái trong trường hợp này rất tai hại cho thiên chức Linh Mục của Cha. Thiên chức Linh Mục buộc Cha phải nghĩ đến ích lợi của con chiên hơn là nghĩ đến mình. Ích lợi cho sự sống đạo của giáo dân phải là ưu tiên số một của mọi Linh Mục. Dĩ nhiên, những người ủng hộ Cha sẽ lý luận rằng: chính vì nghĩ đến ích lợi của con chiên mà Cha Dương phải kiên trì để về làm chính xứ Họ Đạo. Theo tôi, đó là nguỵ biện, vì các sự việc xảy ra từ trước đến nay đã chứng minh ngược lại.

 Ta đã nghe những kẻ chống giáo dân nguỵ biện nhiều lần rồi; và mỗi lần giáo dân đều đã trả lời lại họ và vạch rõ cho họ biết là họ đã sai. Gần đây ta lại nghe những luận điệu nguỵ biện khác như sau đây:

 1. (Cô/Ông/Bà) Ngọc Lan, trong bài ‘Chính Nghĩa hay không Chính Nghĩa’ đăng trong Tín Hữu, đã viết, “Đối với việc bổ nhiệm Cha chính xứ Lưu Đình Dương chúng tôi nghĩ rằng đây là một vấn đề mà nhóm chống đối run sợ nhất, vì họ luôn luôn biết rằng Cha Dương là người cương trực, không để cho một số người lợi dụng Giáo Hội để làm đảo lộn cộng đồng, nên nhóm này đã quyết tâm chống lại Cha Dương.

 Tôi cho đó là nguỵ biện che dấu sự thật về vụ này. Hành động của giáo dân từ trước đến nay đã tỏ ra họ chỉ kính sợ người đạo đức, khiêm tốn, vị tha; và cực lực chống lại kẻ thân vị kỷ. Vì thế mà tình trạng chống đối Cha còn kéo dài đến bây giờ. Ngọc Lan nói là nhóm chống đối “run sợ” (!) Tôi thấy đó là chuyện khôi hài (người Mỹ nói là: It’s a joke). Nếu thực tình Cha Dương nắm được lý lẽ vững mạnh trong cuộc khủng hoảng này thì tại sao Cha không lên tiếng? Ở nước Mỹ này có đủ mọi phương tiện để Cha bày tỏ ý kiến và lập trường. Xin mời Cha lên Tivi đối diện với những người chống đối để xem họ có “run sợ” trước lý lẽ của Cha không. Hay Cha nghĩ rằng Cha là Bề Trên không thèm đôi diện với bề dưới? Nếu Cha nghĩ vậy thì Cha quá kiêu căng. ĐGM đã lên Tivi, đã họp báo. Cha Sullivan đã lên Tivi đối diện ông Bài trước mặt các phóng viên. Không lẽ Cha Dương còn cao hơn ĐGM hay Cha Sullivan sao? Cha Dương đã từ chối khi ông Nguyễn Mạnh xin phỏng vấn Cha trên Tivi. Xin Cha cho biết lý do tại sao Cha tránh né đối diện với giáo dân tranh đấu.

 Tôi đã nói chuyện với nhiều người VN và Mỹ về vụ này. Người VN thì nói là Cha “lì lợm”, còn người Mỹ thì nói Cha cần ra trước công chúng, ví dụ trên Tivi, để làm sáng tỏ lập trường của Cha. Nếu không, Cha nên rút lui thì hơn. Cả phần đạo lẫn phần đời, nếu có điều gì làm khuấy động công luận thì các người liên hệ đều ra trước công chúng, trên Tivi, để làm sáng tỏ lập trường của mình. Đó là cách làm việc ở xứ Mỹ này. Người dân có quyền được biết rõ về các việc liên quan đến họ. Tại sao đến lúc này mà Cha Dương vẫn từ chối ra trước công chúng? Ông Nguyễn Đạt Thịnh, chủ bút nhật báo Dân Việt, còn đưa ra ý kiến “tổ chức một đại hội người Việt” về vấn đề này. Tôi đã viết thư gửi ông Thịnh, tán thành ý kiến xây dựng của ông và yêu cầu ông cùng Báo Dân Việt xúc tiến thực hiện việc tốt đẹp này. Tôi vẫn tin rằng Cha Dương có thể làm chính xứ Họ Đạo nếu Cha thuyết phục được giáo dân tranh đấu thay đổi ý nghĩ của họ đối với Cha. Nếu không, thì sự áp đặt này chẳng những không có lợi mà còn có hại nữa. Vậy xin đừng ai nguỵ biện là giáo dân tranh đấu run sợ khi phải đương đầu với Cha Dương, vì không ai có thể tin được điều đó.

 2. Trên Tivi đài 48 Việt Nam Tự Do và trong bài ‘Quiet majority of the parishioner support Bishop against dissidents’ đăng trong báo San Jose Mercury News ngày 23-6-87, Ông Trần Hiếu đã lý luận rằng giáo dân VN ở vùng Santa Clara County có chừng 8000 người. Phe chống đối có chừng 500 người, còn lại 7500 là số người ủng hộ ĐGM. Ông Trần Hiếu đã làm một cái tính trừ rất đúng, nhưng sự suy luận của ông đã sai, vì nó quá ngây ngô và quá xa sự thật. Theo tôi hiểu, nếu Ông Hiếu đã thật tình muốn biến về những con số này và đừng cố tình tự dối mình thì ông nên suy luận rằng: giáo dân chống đối có chừng 500 người tích cực; phe ủng hộ ĐGM có chừng 100 người tích cực (100 người có nhiều quá không?). Vậy số giáo dân chống đối gấp 5 lần số giáo dân ủng hộ ĐGM. Theo cách ức đoán của những người chuyên môn về thăm dò ý kiến dân chúng (pollster) thì nếu có một cuộc bỏ phiếu, số giáo dân chống đối sẽ có độ 4000 người; số giáo dân ủng hộ ĐGM sẽ có độ 800 người, và số còn lại là giáo dân trung lập (không có ý kiến) sẽ độ 3200 người. Sự sai biệt về con số có thể độ -5% hay +5%.

 Khi tôi thấy ông Trần Hiếu lý luận như trên, tôi không khỏi buồn cười vì tôi nhớ lại biến cố ngày 9-8-86: Cha Dương cấm Lễ VN các nơi để giáo dân phải dồn về nhà thờ chánh toà dự lễ của Cha. Cha bị giáo dân giơ bảng “No Father Dương” quá đông đảo; thế mà phe Cha Dương khẳng định chỉ có 282 người chống đối thôi. Tôi tự hỏi: “Làm sao trong lúc ô hợp như vậy mà phe Cha Dương đếm người tài tình, chính xác đến thế? Điều đó chứng tỏ cách làm việc ẩu tả của họ, không kể gì đến sự thật. Tôi thấy cách lý luận trên đây của ông Trần Hiếu có tính cách “vơ vào” để lừa bịp dân chúng. Ông coi thường sự hiểu biết của dân chúng. Một đứa con nít cũng nhận thấy cách nguỵ luận của ông.

 Nếu ông Trần Hiếu vẫn nghĩ là phe ủng hộ ĐGM có đa số thì ông có dám đề nghị với Toà Giám Mục mở một cuộc trưng cầu dân ý như báo Chính Nghĩa đã từng đề nghị không? Hay là ông nghĩ rằng bỏ phiếu không phải là cách làm việc của Giáo Hội. Đến đây, tôi nhớ lại một chuyện mâu thuẫn của Cha Sullivan được ghi lại trong chương trình ‘Face to Face’ giữa Cha và ông Bài trên đài Tivi 11 ngày 3-8-86 như sau: Chiều ngày 21-7-86, cảnh sát San Jose, Cha Sullivan và “đoàn hộ tống” đưa Cha Dương về Trung Tâm một cách bất ngờ để nhậm chức; nhưng bị một số giáo dân canh gác Trung Tâm ngăn chận. Cha Sullivan thấy phía Cha Dương đông hơn nên Ngài hô hào: “BỎ PHIẾU” (Take a vote). Giáo dân canh gác giơ bảng “NO FR. DƯƠNG”. Đến ngày 3-8-86, trên Tivi đài 11, Ông Bài có đưa ra ý kiến là xin TGM cho tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vì phía TGM luôn luôn nói rằng phía giáo dân tranh đấu là thiểu số. Cha Sullivan trả lời rằng, “Bỏ phiếu không phải là cách làm việc của Giáo Hội”. Liền sau đó, Cha Sullivan có nhắc lại là chiều ngày 21-7-86 (ngày đưa Cha Dương về Trung Tâm) Cha có hô hào “Bỏ Phiếu”, nhưng giáo dân tranh đấu đã từ chối. Cô Maggi Scurra, người điều khiển chương trình, xin Ông Bài cho biết ý kiến về điều này. Ông Bài trả lời là lúc đó dân chúng đang xúc động và chưa tụ tập đông đủ nên việc bỏ phiếu sẽ không chính xác. Tôi muốn nêu ra nhận xét sau đây: Cha Sullivan đã biết là Bỏ phiếu không phải là cách làm việc của Giáo Hội. Vậy tại sao khi đưa Cha Dương về Trung Tâm, Cha lại hô hào bỏ phiếu? Có phải vì lúc đó bị bất ngờ nên giáo dân tranh đấu chỉ có ít người thôi và phe Cha Dương chuẩn bị đông hơn nên Cha muốn bỏ phiếu? Vậy nếu có lợi cho TGM thì bỏ phiếu là hợp pháp, còn nếu không lợi thì Bỏ phiếu không phải là cách làm việc của Giáo Hội. Ta thấy cách làm việc bất nhất, thiếu đúng đắn, thiếu thành thực của Cha Sullivan như vậy có đáng cho mọi người tín nhiệm không? Một người như vậy mà vẫn được ĐGM tin dùng thì làm sao có thể tìm được giải pháp ổn thoả, bền vững cho cuộc khủng hoảng này.

 Tôi tin là nếu thực sự hiện nay phe Cha Dương có đa số giáo dân ủng hộ như quý vị trong Liên Lực Lượng thường rêu rao thì chắc là, bằng mọi cách, TGM đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý rồi. Vậy xin quý vị đừng lớn tiếng là phía mình có đa ố và phía giáo dân tranh đấu là thiểu số, kẻo người ta chê cười, cho là quý vị ăn nói bửa bãi, vô trách nhiệm và nguỵ biện.

 Tôi nghĩ giáo dân tranh đấu sẵn sàng đối diệnvới quý vị, Cha Dương để thảo luận về mọi khía cạnh của cuộc tranh đấu này. Quý vị, Cha Dương còn chờ gì nữa mà không gặp giáo dân tranh đấu trên Tivi để làm sáng tỏ mọi vấn đề vì lợi ích của mọi người.

 Dân chúng muốn nghe những điều hợp lý. Dân chúng không muốn nghe ngụy biện.

Monterey ngày 19-7-87

42-  GÓP Ý VỚI BÁO ĐƯỜNG SỐNG

 Tôi đã được đọc bài ‘BIẾN CỐ SAN JOSE : CƠN SỐT VỠ DA CỦA CỘNG ĐỒNG CÔNG GIÁO VIỆT NAM Ở HẢI NGOẠI’, một bài đúc kết của bộ biên tập Đường Sống do Ông Trần Phong Vũ chép lại, đăng trong Nguyệt San Đường Sống, tháng 6-87. Trong bài này Ông Vũ (hay bộ biên tập) , chủ yếu đưa ra một đường lối tổ chức cho Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kỳ. Ông Vũ nhận thấy là Liên Đoàn CGVN chưa trưởng thành đủ về tổ chức nên đã gây ra những khó khăn là nguyên nhân làm cho “những mầm mống mâu thuẫn phải nảy sinh ra khi mà biến cố San Jose đã nổ ra như một biến cố tất nhiên không thể tránh. Nếu không phải là San Jose thì cũng là một nơi nào đó tập trung một số tín hữu đủ đông để tạo thành vấn đề . . .” Tôi thấy nhận xét này rất đúng và rất xây dựng. Mong rằng trong tương lai Liên Đoàn có những vị lãnh đạo tài đức, tận tâm làm việc hòng thực hiện được những đề nghị và bộ biên tập Đường Sống đã đề ra để giúp cho các cộng đoàn và giáo xứ VN có thể hoạt động hữu hiệu khắp nơi trong nước Mỹ.

 Tuy nhiên, có mấy điểm trong bài này, tôi không thể đồng ý với nhận xét của bộ biên tập. Đó là quý vị đã cả quyết rằng “bằng những thủ đoạn phi tôn giáo được áp đặt bởi những phần tử cộng sản, hai nhân vật lãnh đạo “mặt nổi” cuộc tranh đấu chống Đức Cha Du Maine tại San Jose đã đẩy những mục tiêu ban đầu đi quá xa . . .” Tôi rất tiếc là quý vị đã hấp tấp kết luận một cách quá nông nổi, thiếu tìm hiểu nguyên nhân của nội vụ nên đã vô tình sa vào cạm bẫy của CS như ông Hoàng Văn Trác đã viết trong bài ‘CHIẾN DỊCH HOA HỒNG ĐỎ HẢI NGOẠI’ vạch trần mưu mô kiều vận của Việt Cộng, đã được đăng trong nhiều báo chẳng hạn báo Ngày Nay (Houston) số 81 ngày 15-12-84. Tôi xin trích lại đoạn sau đây: “ . . . Cộng sản bước thêm một bước nữa trong giai đoạn của Cánh Hồng 3, đó là lũng đoạn hàng ngũ quốc gia với nhau. Ai cũng biết LM Nguyễn Văn Tịnh, nguyên chủ tịch Hội Đồng Tu Sĩ Công Giáo toàn quốc là một giáo sư đại học ngành hoá học, một vị LM rất khiêm tốn, đạo đức. LM Tịnh là người có tinh thần quốc gia rõ rệt. Vậy mà có một thời nhiều người Công Giáo nghi ngờ LM Tịnh là CS . . . Đòn của CS gây lũng đoạn hàng ngũ quốc gia còn thiên hình vạn trạng. Nếu người quốc gia không tỉnh táo sẽ rất dễ bước vào cạm bẫy của CS giăng ra. Những hình thức bôi bẩn do CS chủ trương hoặc xúi giục người quốc gia bôi bẩn lẫn nhau xảy ra nhan nhản khắp nơi, tại Washington, tại Oregon, tại California, tại Texas, tại Louisana, tại Washington D.C  và nhiều nơi khác toàn nước Mỹ đã đôi khi làm cho người quốc gia nản chí, nhất là khi biết chắc những đòn hạ nhục đó do chính anh em bạn hữu cùng một chiến tuyến, chỉ vì óc tị hiềm, tự ái của cá nhân, bất bình, đã vô tình lọt đúng vào bước tiến gây lũng đoạn của CS nhằm vào hàng ngũ quốc gia.” Tôi sợ đó là trường hợp của quý vị.

 Ông Vũ đã nói là giáo dân San Jose chống phá Giáo Hội. Tôi đã nhiều lần lên tiếng hỏi những kẻ nói như vậy, rằng giáo dân San Jose chống phá Giáo Hội ở chỗ nào? Tuyệt nhiên tôi chưa thấy ai trả lời câu hỏi này của tôi. Giáo dân San Jose chỉ chống lại lệnh bất công của ĐGM Du Maine. Chống lại lệnh bất công mà quý vị gọi là chống phá Giáo Hội thì tôi thấy là quý vị chưa chín chắn đủ, hoặc quý vị cố tình xuyên tạc, bôi nhọ giáo dân.

 Mấy tuần trước đây, trên Tivi và trong báo The (Monterey) Herald, July 3-87 có loan tin là 10 vị Linh Mục (Mỹ)  đã đệ đơn ra Toà Thượng Thẩm (phần đời) của quận-hạt Monterey để kiện Đức Giám Mục bản quyền Shubsda về sự bất công trong việc hoạch định quy chế lương bổng hưu trí. Các Linh Mục này còn tố cáo trong đơn kiện là quy chế lương bổn của Toà Giám Mục có mưu toan lừa gạt các Linh Mục. Vậy, nếu chống lại lệnh bất công của ĐGM như là giáo dân San Jose mà quý vị gọi là chống phá Giáo Hội thì hành động của các LM trên đây chẳng những chống ĐGM mà còn tố cáo là TGM có mưu toan lừa gạt thì quý vị gọi hành động này là gì? Ai dám nói các LM này chống phá Giáo Hội?

 Ông Vũ có nghĩ rằng việc đưa chó và cảnh sát vây quanh nhà thờ và trong nhà thờ thì cảnh sát mang vũ khi đứng xếp hàng quay lưng lên bàn thờ và quay cái mặt lầm lì dòm ngó giáo dân đang dự Thánh Lễ thì hành động này của ĐGM Du Maine có phi tôn giáo không? Tôi chưa bao giờ thấy một Thánh Lễ nào bị tục hoá như vậy!

 Ông Vũ nói rằng giáo dân tranh đấu “đã đẩy mục tiêu thỉnh nguyện ban đầu đi quá xa”. Ông có biết thỉnh nguyện giáo dân là gì không? Hai thỉnh nguyện của giáo dân chưa được đáp ứng một mảy may nào cả thì làm sao nói là đã đi quá xa được?

 Ông Vũ nói là có cộng sản áp đặt các thủ đoạn trong cuộc tranh đấu của giáo dân. Tôi thật chán ngán với cách ăn nói hồ đồ này. Ông có bằng chứng gì không? Xin ông cho giáo dân biết để họ lột mặt nạ cộng sản ra. Nếu không, thì tôi e rằng chính ông đã mắc phải cạm bẫy của cộng sản; chúng dùng người quốc gia để bôi bẩn người quốc gia như ông Hoàng Văn Trác đã viết trong bài ‘Chiến dịch hoa hồng đỏ hải ngoại’ mà tôi đã trích trên đây.

 Một điều nữa tôi thật khó hiểu là khi ông nói rằng, “Tương tự như trường hợp San Jose, tại giáo phận Orange, đã từ nhiều năm qua, một vài phần tử bất mãn với quý Linh Mục thuộc Trung Tâm Công Giáo VN trong giáo phận đã lên tiếng mở chiến dịch vận động với Toà Giám Mục để bãi bỏ Trung Tâm đồng thời thỉnh nguyện cho giáo dân VN gia nhập các xứ đạo Hoa Kỳ tại nơi cư ngụ.” Tại sao ông Vũ lại so sánh ngược đời như vậy? Giáo dân San Jose chẳng những không đòi bỏ Trung Tâm mà còn xin ĐGM nâng Trung Tâm Họ Đạo lên hàng giáo xứ để họ được làm giáo dân của giáo xứ VN, khỏi phải gia nhập các xứ đạo Hoa Kỳ tại nơi cư ngụ. Nếu ai muốn gia nhập giáo xứ Mỹ thì phải ghi tên vào xứ đó. Muốn đồng hoá thì quá dễ dàng. Tại sao ông Vũ nói họ phải thỉnh nguyện để được đồng hoá vào các xứ đạo Hoa Kỳ? Tôi sợ là ông Vũ không hiểu rõ vấn đề này nên những điều ông viết về giáo dân bị sai lạc.

 Cuối cùng, tôi xin quý vị trong Đường Sống góp ý về vai trò của Cha Lưu Đình Dương trong biến cố này. Nếu theo dõi kỹ càng thì quý vị đã thấy Cha Dương là nguyên nhân gần của vụ bùng nổ này. Vậy mà tuyệt nhiên không bao giờ thấy quý vị đề cập đến Cha Dương và vai trò của Cha. Bất cứ ai cũng nhận thấy sự thiếu sót quan trọng này về phần những vị phê bình chống giáo dân.

 Khi giáo dân thấy là thái độ của quý vị thiên lệch, bất công đối với giáo dân thì họ sẽ khinh thường những lời của quý vị; vì họ cho rằng tại sao họ phải nghe theo lời những kẻ chỉ tìm cách chống đối họ và lờ đi những lỗi lầm của đối phương của họ. Tôi thấy thái độ của giáo dân như thế là đúng, là hợp lẽ.

 Biến cố San Jose là một vết thương đau đớn do ba phần tử chính yếu gây ra: giáo dân, Cha Dương, ĐGM Du Maine. Nếu thiếu một phần tử thì không xảy ra vụ này. Vậy nếu không có sự dung hoà, đồng ý của cả ba phần tử thì vụ này không thể giải quyết ổn thoả được. Nếu ĐGM lấy uy quyền mà cố tình áp đặt giải pháp của Ngài thì tôi nghĩ rằng không sớm thì chày một vụ bùng nổ khác sẽ xảy ra tai hại hơn. Không ai muốn điều đó xảy ra. Vậy nếu quý vị có thiện ý muốn giúp giải quyết ổn thoả thì cần phải biết rõ nguyên nhân rồi đề nghị giải quyết từ nguồn gốc thì mới mong có kết quả lâu dài.

 Về phần giáo dân, họ xin được thảo luận với Cha Dương, nếu cần, trước công chúng – trên Tivi – để làm sáng tỏ những vấn đề khó khăn,  hy vọng tìm được giải pháp cho cuộc khủng hoảng này, nhưng cho đến nay Cha chưa chấp thuận.

Monterey ngày 25 tháng 7 năm 1987

43-  HÃY SUY NGHĨ LẠI

 Tôi rất ái ngại khi viết bài về những điều chướng tai gai mắt do những người chống phá giáo dân viết trong báo chí của họ, vì nó tất tiêu cực. Thực sự tôi thấy những điều đó không đáng cho chúng ta quan tâm vì tự nó đã tỏ ra vô giá trị. Nhưng những người ở xa không nắm vững được tình hình nên có thể bị lừa bịp. Vì thế, một đôi khi ta phải lên tiếng. Đó là điều bất đắc dĩ. Sau đây là một vài ví dụ:

 1. Trong Tín Hữu do Liên Lực Lượng thực hiện, số 19 ngày 11-7-87, tác giả bài ‘Những vụ đột kích lẻ tẻ’ đã viết những dòng sau đây:

 “Bốn người bị bắt giam trong vụ công tác phá hoại Thánh Lễ Chúa Nhật 7-6-87 được cảnh sát coi như thành phần nguy hiểm, bởi đó, họ đã dùng những biện pháp an ninh như ghi tên và ám số lên thân thể phạm nhân. Việc làm chuyên môn này đã bị một số người thiếu hiểu biết về luật lệ và vấn đề an ninh công cộng lớn tiếng phản đối, xem như một vụ vi phạm nhân phẩm con người. Ông cảnh sát trưởng thành phố Milpitas, với 30 năm phục vụ trong ngành, đã lên truyền hình và làm sáng tỏ vấn đề . . .”

 Đọc những dòng chữ quái gở trên đây, tôi thấy hỗ thẹn cho tác giả bài đó. Việc làm tàn bạo của cảnh sát Milpitas đã bị công luận (cả Mỹ lẫn Việt) lên án. Hội Luật Sư Á-Đông lên án. Chính cảnh sát trưởng Milpitas James Murray, khi trả lời đặc phái viên Việt Nam nhật báo và khi bị Luật Sư Đỗ Văn Quang Minh cật vấn trong buổi truyền hình trên đài 48 Việt Nam Tự Do, do Ông Nguyễn Mạnh điều hành, đã phải công nhận rằng hành động của cảnh sát dưới quyền ông, dùng bút chì mỡ vẽ lên mặt và thân thể của bốn người bị bắt vào chiều ngày 7-6-87 là sai, là trái luật, là điều đáng tiếc. Ông nói ông đã điều tra và phạt nhân viên phạm lỗi đó rồi. Ông hứa sẽ không để hành động đó tái diễn. Một bức thư phản kháng khác về vụ này có chữ ký của tất cả các Luật Sư VN vùng San Jose và một số Luật Sư Mỹ tố cáo hành động kỳ thị, tàn bạo của cảnh sát và đòi cảnh sát phải xin lỗi cộng đồng và 4 người bị bắt trong vụ này. Bức thư này đã làm cho cảnh sát trưởng, một lần nữa, phải lúng túng nhận lỗi về việc làm sai trái của nhân viên dưới quyền mình.

 Thế mà tác giả bài báo trong Tín Hữu đã trắng trợn bênh vực sự phạm pháp và tàn bạo của cảnh sát đối với giáo dân VN. Tác giả có biết những người phản đối hành động tàn bạo này mà ông gọi là những người thiếu hiểu biết về pháp luật là ai không? Họ không phải là những người a dua, xu thời. Nhưng họ là công chúng và là những Luật Sư VN, Mỹ. Không một ai bênh vực hành động bỉ ổi này của cảnh sát trừ ông và phe nhóm của ông! Như vậy chứng tỏ các ông đang đứng về phía bên sai quấy của pháp luật. Ông cho hành động của cảnh sát là đúng trong khi chính cảnh sát công nhận việc làm của họ là sai. Tôi thật không hiểu tại sao tác giả bài báo này trong Tín Hữu lại có thể ăn nói càn bậy như vậy. Ông ghét giáo dân. Đó là quyền của ông; nhưng ông không nên để sự giận ghét làm mờ ám trí khôn của ông để rồi viết ra những điều xằng bậy, làm trò cười cho thiên hạ. Có lẽ ông tưởng rằng cứ chạy theo những kẻ có quyền thế (thần quyền và thế quyền), mặc dù họ sai nhưng mình cũng chẳng bị gì và được an thân. Nhưng ông có biết rằng làm thế là ông đã tự chuốc cho mình sự khinh bỉ của mọi người; vì hành động đó tỏ ra tư cách bất xứng của con người ông. Xin ông hãy suy nghĩ lại.

 2. Những người chống giáo dân thường cố tình vu cho giáo dân là ly khai, chống phá Giáo Hội trong khi giáo dân chỉ chống lại lệnh bất công của ĐGM Du Maine. Việc làm của giáo dân không trái luật Chúa, không trái luật Giáo Hội. Trước mặt Chúa và Giáo Hội, giáo dân tranh đấu không bị mắc cản gì cả vì họ vẫn trung thành với Chúa và Giáo Hội. Vì vậy, họ được hưởng mọi ân sủng, mọi bí tích của Chúa và Giáo Hội.

 Còn về một số người thường vu cho giáo dân là ly khai, là chống Giáo Hội, quý vị hãy tự xét mình xem, trước mặt Chúa, trước mặt Giáo Hội, quý vị có thấy là mình đã tự ly khai khỏi Giáo Hội vì hành vi trái Giáo Luật của quý vị không? Lời Chúa phán dạy phải được mọi người suy gẫm: “Tại sao ngươi thấy cái rác trong mắt anh em mà không thấy cái xà trong mắt ngươi?” Tục ngữ VN có câu: “Chân mình thì bẩn mê mê, lại cầm bó đuốc mà rê chân người”. Xin quý vị hãy suy nghĩ lại.

 3. Quý vị vu cho giáo dân là bị cộng sản giật giây mà không đưa ra được một bằng chứng nào cả ngoại trừ phương cách đấu tranh của giáo dân mà quý vị cho là giống phương cách của cộng sản. Tại sao lại có thể lý luận mơ hồ như thế được? Chỉ vì phương cách giống nhau mà bảo là mục đích giống nhau thì sự suy luận đó thật là ấu trĩ. Tôi có thể đưa rất nhiều ví dụ để chống lại cách lý luận này. Chẳng hạn như cách tổ chức của cộng sản đã rập theo cách tổ chức của công giáo về nhiều phương diện. Vậy mà có ai cho là cộng sản đã bị công giáo giật giây không? Công giáo có các đoàn thể từ trẻ đến già, cả nam lẫn nữ. Cộng sản cũng bắt chước tổ chức các đoàn thể như thế. Công giáo có những buổi tĩnh tâm, sinh hoạt hội thảo, có các Cha, các Thầy, các Sơ hướng dẫn. Cộng sản cũng có những buổi sinh hoạt sửa sai, học tập chính trị, chính sách của đảng do các cán bộ nồng cốt điều khiển, hướng dẫn v.v. . .

 Trong cuộc biểu tình ở Phi chống bạo quyền tham nhũng Marcos, các nam nữ tu sĩ hợp cùng dân chúng Phi đặt tượng Đức Mẹ trên các xe vận tải chạy khắp các phố thì không ai chê trách gì cả; còn giáo dân San Jose kính cẩn vác Thánh Giá tuần hành chung quanh nhà thờ, họ không làm mất trật tự hay ngăn cản xe cộ lưu thông để bị thảm hoạ đau khổ mà họ phải gánh chịu do sự bất công gây ra thì lại cho là bất kính và giống cộng sản! Thật là “lưỡi không xương nhiều đường lắt léo.” Quý vị nên cẩn thận kẻo mắc mưu cộng sản. Chúng rất quỷ quyệt, dùng người quốc gia bôi bẩn người quốc gia như ông Hoàng Văn Trác đã viết trong bài “Chiến dịch hoa hồng đỏ hải ngoại” mà tôi đã có dịp trích dẫn trước đây. Quý vị hãy suy nghĩ lại.

 Cuộc khủng hoảng này hiện đang trong vòng bế tắc. Hiện nay vai trò của Cha Dương là then chốt của cuộc khủng hoảng. Sự bất bình giữa giáo dân và Ngài là cội rễ của sự bế tắc này. “Nhỗ cỏ, phải nhỗ tận gốc”. Vậy muốn cho sự hoà giải thành công lâu dài thì phải giải quyết từ cội rễ; nghĩa là phải làm sao xoá bỏ được sự bất bình này. Tôi nghĩ chỉ Cha Dương có thể làm được điều này nếu Cha tìm được một đường lối thích hợp. Nếu Cha cố gắng, Cha sẽ làm được. Cha đừng quá ỷ thế vào uy quyền của ĐGM, vì bao lâu lòng người chưa thuận thì dù bề ngoài Cha có thành công đi chăng nữa, sự thành công đó cũng chỉ như chiếc bánh vẽ mà thôi. Mặc dù giáo dân có đi dự lễ của Cha đông mấy đi nữa, điều đó không có nghĩa là họ ủng hộ Cha. Giáo dân đi Lễ tiếng Việt vì nhu cầu. Khi nào cần thì họ sẽ tỏ thái độ như ta đã thấy từ trước đến nay. ĐGM và Cha đã tính nhầm về cảm nghĩ của giáo dân nên mới xảy ra hai biến cố hãi hùng ở nhà thờ chánh toà và nhà thờ Maria Goretti. Xin ĐGM và Cha Dương hãy suy nghĩ lại.

 Giáo dân đã được giác ngộ về quyền hạn và trách nhiệm của họ theo Công Đồng Vatican. Họ biết rằng ĐGM đã bất công với họ trong việc từ chối không cho họ một giáo xứ thể nhân như Giáo luật cho phép và bắt họ phải chấp nhận một LM chánh xứ mà họ có nhiều nghi vấn, trái với Giáo điều 524. Họ đã xin ĐGM tạm đình việc bổ nhiệm này để họ được trình bày với Ngài, nhưng Ngài coi thường họ, không nghe và chèn ép họ, vì thế đã xảy ra những điều đáng tiếc. Họ không có lỗi gì trước mặt Chúa, trước mặt Giáo Hội. Họ vẫn là người Công Giáo trung thành và được hưởng mọi ân sủng của Giáo Hội. Quý vị chống phá giáo dân nên hiểu biết điều này, đừng ăn nói bậy bạ vì không lừa bịp được ai. Quý vị đang để lộ ác ý của mình đối với giáo dân và vì thế, thay vì giúp tình hình sáng sủa thì quý vị càng làm cho nó thêm đen tối. Quý vị hãy suy nghĩ lại.

Monterey ngày 2-8-87

44-  NHẬN ĐỊNH BÀI DIỄN VĂN
“NGUYÊN NHÂN CUỘC ĐẤU TANH CHỐNG GIÁO QUYỀN” CỦA ÔNG TRƯƠNG TIẾN ĐẠT

 Tuần trước tôi đã được bà con và mấy người quen gửi cho mấy số báo của Dân Việt và cuốn video có bài diễn văn với đề tài “Nguyên nhân cuộc tranh đấu chống giáo quyền” của ông Trương Tiến Đạt, chủ tịch Hội Nhân Sĩ Công Giáo VN San Jose. Tôi rất bất bình về luận điệu quá khích một chiều của ông. Tôi xin có vài nhận định sau đây:

 Ông Đạt đã nói, “Tôi nhận định rằng Cộng Đoàn chúng ta bấy lâu đã bị một nhóm lũng đoạn. Nhóm đó trước kia là Cha Tịnh, Ông Thiện và Ông Nhựt . . . . “ Trong suốt bài diễn văn Ông Đạt đã ám chỉ Ông Nhựt là cộng sản và là “cánh tay mặt” của Cha Tịnh. Như vậy, bằng mọi cách nham hiểm, ông đã ám chỉ Cha Tịnh cũng là cộng sản.

 Nói thật với Ông Đạt, bao lâu ông ám chỉ Cha Tịnh là cộng sản thì những điều ông viết về Cha đều vô giá trị., vì trong thâm tâm của hầu hết mọi người (trừ ông và những người như ông) đều biết Cha Tịnh là một Linh Mục đạo đức, có tinh thần quốc gia, yêu nước thương nòi mãnh liệt. Vì vậy họ không tin ông và họ có nhiều nghi vấn về ông. Họ nghi ông có sự gì hiềm thù riêng tư với Cha Tịnh nên mới có những ý nghĩ xấu về Cha. Ông xét mình xem họ nghi ông như thế có đúng không?

 Khi ông nhận định về cuộc tranh đấu của giáo dân, tôi thấy ông đang đeo cái kín râm màu thâm nên nhìn mọi công việc của giáo dân đều đen tối. Ví dụ ông nói, “Phe tranh đấu có ý định đánh đập các Cha Thư, Cha Dương, Cha Kỷ.” Tôi không tin như vậy, vì hình như ông thiếu khả năng phân biệt thực, hư. Chẳng hạn trong Công Giáo Thời Luận số 12, bài “Tại San Jose cuộc nổi loạn đã trở thành phản loạn”, những điều mà ông cả quyết là “sự kiện” thì đã hoàn toàn không có. Tôi đã kiểm chứng và đã trả lời ông thẳng như thế trong bài tôi viết trong Chính Nghĩa số 45. Ông có thành kiến chống giáo dân nên những điều ông nói đều không khách quan. Về ba Cha Thư, Kỳ, Dương, chắc là giáo dân đã có ác cảm với các Ngài vì các Ngài đã hội họp, thảo luận và đồng lòng báo cáo lên ĐGM rằng giáo dân VN chỉ cần Trung Tâm Mục Vụ cũng đủ rồi và chống lại nguyện vọng của giáo dân nên họ không tin tưởng vào các Ngài. Đó là điều rất dễ hiểu. Ông nhìn sự việc qua cặp kính đen lại thêm trí tưởng tượng quá mạnh nên mới ghép cho giáo dân những hành động đó. Ông đã dựa vào mấy lý do sau đây để vu cáo cho giáo dân tranh đấu là chống phá Giáo Hội:

 1. Ông nói là giáo dân đòi quyền bổ nhiệm cha sở.

 Ông nói thế ai mà tin ông được. Giáo dân chỉ xin ĐGM đừng bổ nhiệm Cha Dương vì Ngài đã có thành tích chống thỉnh nguyện “giáo xứ” của họ. Họ xin ĐGM xét lại lệnh bổ nhiệm này nhưng Ngài không thèm đếm xỉa tới đơn của họ, cứ một mực tiến tới nên mới xảy ra nông nổi. Đối với giáo dân Mỹ, có làm như thế không? Chắc chắn là không? Ngài hỏi ý kiến giáo dân Mỹ cẩn thận trước khi bổ nhiệm một cha sở cho họ. Làm thế mới có lợi cho sự sống đạo của giáo dân. Vậy nhìn lại việc ĐGM bổ nhiệm Cha Dương và dựa vào Giáo Luật điều 524 về việc bổ nhiệm Linh Mục chánh xứ, ông thấy ai là người cố chấp, ĐGM hay giáo dân?

 2. Ông nói là giáo dân đòi làm chủ tài sản của Giáo Hội.

 Trung Tâm là tiền của giáo dân mua. Giáo dân nào muốn đến Trung Tâm cũng được. Đức Giám Mục đã ra toà đời xin trát đuổi giáo dân ra khỏi Trung Tâm. Nhưng vị chánh án cho giáo dân được ở lại. Vì thế giáo dân ở lại để sinh hoạt những việc chung của cộng đồng. Như thế có gì là sai?

 3. Ông nói là giáo dân phá Thánh Lễ.

 Chắc ông biết rõ hơn ai hết, khi bổ nhiệm Cha Dương, ĐGM đã kh6ng thèm hỏi ý kiến giáo dân VN như Ngài đã làm với các giáo dân Mỹ. Khi giáo dân đệ đơn kêu xin Ngài đình lại việc bổ nhiệm này thì Ngài làm ngơ và cứ nhất định thi hành quyết định của Ngài “tấn phong Cha Dương”, dùng chó và cảnh sát làm áp lực. Làm thế là Ngài đã dồn giáo dân vào góc tường như một quả balloon bị chèn ép nên nổ tung ra. Nếu ĐGM khôn ngoan đình lễ “tấn phong” này lại, đừng chèn ép quá, thì đã không xảy ra biến cố này. Cái tài của người lãnh đạo ở chỗ là họ biết khi nào nên làm gì để tránh xung đột mà vẫn đạt được kết quả.

 Ông Đạt đã quá thiên lệch chống giáo dân nên mới có những lập luận như trong bài diễn văn của ông. Nếu ông công bằng trong nhận xét của ông thì chắc là ông đã tìm ra những nguyên nhân chính của cuộc tranh đấu như sau:

 1. Thay vì cho giáo dân được giáo xứ như giáo luật điều 518 (trong nước Mỹ đã có 17 giáo xứ Việt Nam do các ĐGM địa phương cho phép thành lập), ĐGM Du Maine gửi các Linh Mục VN một bức thư đề ngày 31-5-84, trong đó Ngài hoạch định chương trình mục vụ của Ngài cho giáo dân VN. Ngài chia gia đình VN ra làm ba thành phần, giáo dân VN phải dự các nghi lễ công giáo ở các nhà thờ Mỹ, không được làm các nghi lễ ở nhà thờ Trung Tâm. Như thế không phải là đồng hoá chứ là gì? Vì thế giáo dân lo sợ, đệ thỉnh nguyện xin ĐGM cho họ được giáo xứ như giáo luật điều 518 quy định.

 2. ĐGM bổ nhiệm Cha Dương, một Linh Mục hoàn toàn ủng hộ chính sách đồng hoá của ĐGM nên giáo dân lo sợ là nếu Ngài làm chánh xứ thì Ngài sẽ thi hành chính sách đồng hoá của ĐGM. Vì thế họ phản đối Cha Dương. Họ đâu có dám đòi quyền bổ nhiệm cha xứ như ông Đạt đã vu cho họ.

 3. ĐGM nhất định dùng cho và cảnh sát để làm láp lực bắt giáo dân phải chấp nhận Cha Dương làm chánh xứ trong lễ “tấn phong”. Giáo dân bị chèn ép quá nên cuộc xung đột bùng nổ. Ai cũng nhận thấy ĐGM quá cố chấp.

 Đó là nguyên nhân của cuộc tranh đấu của giáo dân San Jose.

 Thêm vào sự xuyên tạc về nguyên nhân của cuộc tranh đấu, Ông Đạt còn có gian ý khi ông nói là, “có một bàn tay của một người núp trong bóng tối gửi hình chó săn đi khắp thế giới . . .” Hình chó săn ở nhà thờ Maria Goretti đã được các đài truyền hình Mỹ, Việt Nam thu hình công khai và phát hành trên các đài truyền hình. Cuốn Video “Ước mơ giáo xứ” có cảnh chó săn và cảnh sát ở nhà thờ đã được bán khắp thế giới. Chính báo Công Giáo Thời Luận số 5 của ông Đạt cũng in hình chó và cảnh sát bao vây chung quanh nhà thờ và trong nhà thờ cảnh sát mặc sắc phục có vũ khí quay lưng lên bàn thờ, mỗi ảnh lớn nửa trang báo. Như vậy có gì là bí mật mà phải có “bàn tay của một người núp trong bóng tối gửi đi khắp thế giới.” Có phải ông muốn ám chỉ là một bàn tay cộng sản không? Ông Đạt, ông nham hiểm thật. Càng đọc bài diễn văn của ông Đạt càng thấy ông thiên lệch, cắt nghĩa sai lạc qua cặp kính đen của ông.

 Ông còn nói là nhóm tranh đấu “dùng chiêu bài dân tộc để đánh phá Giáo Hội.” Ông chứng minh bằng câu nói sau đây: “Khi dùng đến chiêu bài dân tộc họ nói rằng Thánh Lễ ở nhà thờ Maria Goretti là Thánh Lễ dành cho những người Mỹ gốc Việt.”

 Ông Đạt đã cố tình bỏ đi một phần quan trọng trong câu này để cắt nghĩa sai lạc ý của giáo dân. Câu đó như sau: “Thánh Lễ ở nhà thờ Maria Goretti là Thánh Lễ dành cho những người Mỹ gốc Việt đã tự nguyện hội nhập vào giáo xứ Mỹ Maria Goretti”. Ông Đạt đã cố tình cắt đi những chữ “đã tự nguyện hội nhập vào giáo xứ Mỹ Maria Goretti.”

 Đúng thế, cộng đoàn Đồng Tâm là cộng đoàn giáo dân gốc VN nhưng đã tự nguyện hội nhập vào giáo xứ Mỹ rồi. Giáo dân tranh đấu không chống đối gì họ cả, vì đó là quyền lựa chọn của họ. Giáo dân tranh đấu chỉ ước mong rằng: những anh em trong nhóm Đức Tin cũng đừng chống đối giáo dân khi giáo dân xin giáo xứ VN để họ được gia nhập vào xứ này. Như thế thì sai ở chỗ nào? Hiện nay chưa có giáo xứ VN, vì thế giáo dân đi nhờ Lễ các Cha VN phó các xứ Mỹ như Maria Goretti, St. Lucy v.v. . . Đó là điều dễ hiểu. Lý do giáo dân tranh đấu thật là giản dị, hợp tình, hợp lý, hợp luật của Giáo Hội. Tại sao ông Đạt cứ cố tình xuyên tạc, gây thêm chia rẽ để càng kéo dài sự đau khổ của mọi người.

 Ông Đạt còn ví nhóm tranh đấu như “một giỏ lươn có bầy lươn cứ cuộn lên ào ào, chúng ta không hiểu cái gì làm cho bầy lươn xào xáo nhốn nháo. Nhưng nhìn kỹ thì thấy bên dưới có một con rắn.” Ai cũng thấy ông ám chỉ con rắn đó là một tay sai của cộng sản. Xin ông Đạt hãy bỏ cặp kính đen ra thì ông sẽ thấy rõ là con rắn làm cho đám lươn xào xáo nhốn nháo đó không phải là tên cộng sản nào cả mà chính là chính sách đồng hoá của ĐGM, là sự độc tài, độc đoán, cố chấp, chèn ép của ĐGM, sự mưu toan chống phá giáo dân của phe Cha Dương đã làm cho giáo dân vùng lên tranh đấu cho quyền lợi chính đáng của mình.

 Khi ví giáo dân tranh đấu như bầy lươn, ông Đạt đã tỏ ra là con người bất nhã. Ông có biết rằng cuộc tranh đấu của giáo dân đã được nhiều người thức giả khắp nơi ủng hộ. Tiêu biểu là cụ Nguyễn Đức Hiệp, tác giả bài “Đi viếng Đền Thờ Nữ Vương La Vang” đăng trong Chính Nghĩa số 1 (bộ mới). Cụ là một vị lão thành công giáo, năm nay cụ 79 tuổi, đã xa quê hương 37 năm. Vậy mà tôi chưa thấy ai tha thiết với quê hương, với Giáo Hội Mẹ VN hơn cụ. Người Bùi Chu, Phát Diệm từ 50 tuổi trở lên, hầu như ai cũng biết tiếng cụ. Cụ là cánh tay mặt của Đức Cha Lê Hữu Từ trong việc giao thiệp với chính phủ Hồ Chí Minh, cụ là bạn cùng nhà của cụ Ngô Đình Diệm khi ở Rôma, cụ được cụ Ngô mời về làm việc nhưng cụ từ chối vì một vài chính kiến bất đồng. Vì có thành tích cách mạng chống Pháp nên mỗi khi có “quan Tây” về Phát Diệm là cụ bị các “quan ta” gọi lên huyện quản thúc. Sau khi nghiên cứu tình hình San Jose cụ tự nguyện ủng hộ cuộc tranh đấu này. Là người có rất nhiều kinh nghiệm trong việc đạo, đời và chính trị, cụ thấy con đường đồng hoá gần ngay trước mặt, nếu không tranh đấu thì sẽ không bao giờ được Giáo Xứ Thể Nhân. Và gần đây, cụ nói là cuộc tranh đấu của giáo dân đã thành công tuy chưa được như lòng mong muốn, vì nó ngăn cản được chính sách độc tài, độc đoán của ĐGM. Ngài đã học được một bài học quý giá cho hành động của Ngài trong tương lai, nó đã tạo ra được điều kiện khả quan cho giáo dân VN trên khắp thế giới.

 Khi tôi hỏi cụ nghĩ gì về điều những người chống đối giáo dân thường nói là nếu cho giáo dân được giáo xứ rồi thì giáo dân cứ tiếp tục đòi mãi, hết cái này đến cái kia, kiểu “được voi đòi tiên”. Cụ quắc mắt nhìn tôi, nói, “Kẻ nào nghĩ như vậy thì kẻ đó trí khôn như một đứa trẻ lên 5, thật là ấu trĩ, chưa biết phân biệt phải trái. Tranh đấu cho những điều sai trái, thì ai theo. Nói như vậy là nói càn, nói bậy”.

Monterey ngày 9-8-87

45- ÔNG ĐẠT, ÔNG LÀ AI?

 Trong bài diễn văn “Nguyên nhân cuộc tranh đấu chống giáo quyền”, ông Trương Tiến Đạt đã nói rằng: “Ông không đưa một cá nhân nào ra để nói về đời tư mà chỉ nói về đời công của người đó”. Tôi rất đồng ý với ông về điểm này. Một người thợ, người bán hàng, Bác sĩ, Luật sư, Ký giả, Thư ký . . . v.v thì không ai nên nói đến đời tư của họ, vì nó không liên hệ gì đến người khác. Nhưng nếu chẳng hạn một nguời làm giám đốc nhà băng và có cái tật cờ bạc thì nhất định là khách hàng của ông ta có quyền biết cái tật xấu này của ông, vì không ai muốn gửi tiền vào một nhà băng mà ông giám đốc có thói cờ bạc. Vậy tìm biết về thói cờ bạc của ông giám đốc nhà băng trong trường hợp này không có nghĩa là nói xấu về đời tư của ông ấy. Khi tôi bầu vị dân biểu của tôi, tôi không quan tâm đến tình trạng gia đình của ứng cử viên: giàu, nghèo, ly di, con cái, nghề nghiệp . . . v.v Nhưng tôi quan tâm về lập trường chính trị của ông ấy. Tôi có quyền biết. Nếu ông là người thiên cộng sản thì chắc chắn tôi không bầu cho ông ấy. Ở đâu cũng thế, nhất là ở Mỹ, người dân đòi biết về khía cạnh đời sống của người đại diện cho họ liên quan đến chức vụ của ông ấy.

 Theo lời giới thiệu trong báo Dân Việt, tôi được biết ông Đạt là Chủ Tịch Hội Đồng Nhân Sĩ Công Giáo VN tại San Jose. Theo đúng danh xưng của nó, Hội này là một hội rất có uy tín. Nếu ông Đạt chỉ là một hội viên hoặc hội này là hội Nhân Sĩ (không Công Giáo) thì không ai được nói đến khía cạnh tôn giáo của ông. Nhưng ông là chủ tịch một hội đoàn công giáo; nên, vì chức vụ chủ tịch, lãnh đạo và đại diện của ông trong hội này liên hệ đến sinh hoạt và thanh danh của hội và cộng đồng công giáo, những người nhập hội và muốn nhập hội có quyền biết về khía cạnh trong đời sống của ông liên quan đến vấn đề Công Giáo. Về phương diện Công Giáo, tôi đã nghe có điều không tốt về ông. Nhiều người nói chuyện với tôi là Ông Đạt có hai vợ. Vậy nếu ông còn vướng mắc với giáo luật về vấn đề này thì tức là ông đã tự tách ra khỏi Giáo Hội, là ly khai khỏi Giáo Hội. Vì vậy, ông không xứng đáng làm chủ tịch Hội Nhân Sĩ Công Giáo. Nhưng nếu hiện nay ông không còn vướng mắc gì cả thì xin ông lên tiếng để đánh tan mọi hiểu lầm về ông trong vấn đề này. Và tôi xin lỗi ông. Có lẽ ông vẫn tự biện luận rằng đó là chuyện riên giữa ông với Chúa, không ai được quyền nói đến, chỉ mình Chúa có quyền phán đoán ông mà thôi. Tôi không đồng ý vì lý do tôi vừa trình bày ở trên.

 Đọc báo do Công Giáo thời luận ông Đạt chủ trương, tôi nhận thấy ông là người có tư tưởng bảo thủ đến nỗi quá khích ngay cả đối với Giáo Hội. Ông tin là có những áp lực phản Giáo Hội núp trong bóng tối nhưng rất hùng mạnh tại triều đình Vatican hiện nay (CGTL số 3, trang 20). Ông tin là cộng sản đã lan tràn vào cả giới lãnh đạo tối cao của công giáo và lũng đoạn Giáo Hội (CGTL số 3, trang 18). Vì thế ông nhìn ở đâu cũng có bàn tay cộng sản cả. Khi biết về ông như vậy rồi thì sẽ dễ hiểu tại sao ông đã ám chỉ cho rằng có cộng sản núp bóng đàng sau cuộc tranh đấu của giáo dân. Dĩ nhiên tôi biết là ông đã sai; vì nếu có cộng sản giật dây, tôi sẽ là người đầu tiên chống lại cuộc tranh đấu này. Sau đây tôi xin chứng minh về tư tưởng bệnh hoạn của ông đối với Giáo Hội.

 Những người công giáo chúng ta được dạy bảo và tin tưởng rằng Chúa đã lập nên Hội Thánh Người trên một nền tảng vô cùng vững chắc, dù quỷ hoả ngục dấy lên cũng không phá được. Chúa đã hứa ở với Giáo Hội cho đến tận thế và Chúa Thánh Thần luôn luôn soi sáng dẫn đường cho Giáo Hội. Sau bao nhiêu năm làm việc và cầu nguyện, các Đức Giáo Hoàng từ Gioan XXIII đến Đức Giáo Hoàng đương kim Gioan Phaolô II, Giáo Hội mới có được Công Đồng Vatican II. Thế mà Ông Đạt đã kịch liệt đả phá Công Đồng này. Ông nói: “Người ta có thể nhận ra mục đích tối hậu của Công Đồng Vatican II là “dân chủ hoá” Giáo Hội, đưa Giáo Hội tới chỗ mỗi địa phận là một Giáo Hội tự trị, có Giám Mục do nhân dân bầu lên, và chắc chắn, mọi sự sẽ do nhà nước điều khiển (CGTL số 7, trang 48).”

 Lý luận như vậy là ông đã cắt nghĩa sai lạc về mục đích của Công Đồng. Làm sao Ông Đạt quả quyết là Giám Mục sẽ do dân bầu lên? Ông còn chắc chắn là mọi sự (trong Giáo Hội) sẽ do nhà nước điều khiển? Ông nói tiếp: “Chúng ta sẽ thấy rằng chủ trương “dân chủ hoá Giáo Hội” của Công Đồng Vatican II là một chủ trương nhằm phá tan Giáo Hội Công Giáo” (CGTL số 7). Không cần phải suy luận sâu xa, ta thấy là ông Đạt đã hoàn toàn sai lầm. Làm sao ông Đạt có thể kết luận là chính Đức Giáo Hoàng, vị chủ xướng Công Đồng Vatican II, lại chủ trương phá tan Giáo Hội? Nghe mà ghê sợ, có ai tin được không? Việc Đức Giáo Hoàng làm mà ông còn buộc tội như thế thì việc đấu tranh của giáo dân cho hai thỉnh nguyện chính đáng này làm sao tránh được sự buộc tội của ông. Điều đáng nói ở đây là tôi thấy lời của ông không một mảy may giá trị gì cả. Nó thật là vô nghĩa nếu không nói là điên khùng. Vậy mà cũng có kẻ vỗ tay tin theo. Đó là một sự sỉ nhục cho người Công Giáo.

 Ông Đạt cho là tay sai của Sa-tăng hiện đã xâm nhập Vatican và đã tác oai tác quái trong triều đình Toà Thánh từ lâu. Ông dùng danh từ “bọn” để chỉ những Đức Hồng Y mà ông không thích (Bọn Hồng Y, CGTL số 3). Ông Đạt đã cố sức truyền bá những điều trên đây trong báo của Ông.

 Tôi đã có dịp đọc những bài của nhóm Công Giáo cực hữu xuất bản bằng tiếng Pháp từ Canada, có những tư tưởng quá khích như ông Đạt. Ta đọc cho biết chứ không nên tin theo vì nó không có giá trị gì bao nhiêu. Nếu một người thiếu căn bản thì sẽ bị hoang mang và như vậy thì có hại hơn là có lợi. Viết đến đây, tôi nhớ lại một câu tuyên bố của một hội viên John Birch Society ở Mỹ, hội này theo đường lối cực hữu trong chính trị Mỹ. Hội viên này đã tuyên bố công khai trên báo chí và truyền hình Mỹ rằng: “Tổng Thống Eisenhower là tay sai của cộng sản Nga”. Dân Mỹ chỉ cười và cho đó là quá khích, là khùng, loại người này thường rất kiêu ngạo và tự phụ vì họ nghĩ rằng chỉ họ là người hiểu biết; và đây cũng là trường hợp của Ông Đạt. Xin quý vị đọc tiếp những lời lẽ sau đây của Ông Đạt.

 Trong CGTL số 3, trang 2, ông Đạt quả quyết là, “Sau khi đọc kỹ tất cả các sách tiên tri nói về đế quốc cộng sản, chúng tôi thấy là tư tưởng ‘Chúa đứng về phe cộng sản’ quả là một điều chắc chắn, vì chính Chúa đã phán như thế nhiều lần”. Sách tiên tri, sấm ký, ý tưởng bao la, rộng rãi khó hiểu. Nhiều người suy luận khác nhau tuỳ theo khuynh hướng, kiến thức và khả năng học vấn của mình. Trong Giáo Hội, từ cổ chí kim, có bao nhiêu các bậc thông thái siêu phàm, các Thánh Tiến Sĩ khảo cứu về KINH THÁNH. Thế mà ông Đạt đã tự phụ dám nói rằng: “Chúng tôi là người đầu tiên tìm ra được những bài sấm quan trọng nói về đế quốc cộng sản trong sách Gióp”.  Tôi xin miễn phê bình về câu tuyên bố này, vì tôi không thể tìm ra được lời nào thích hợp.

 Ta thấy tư tưởng quá khích và tự cao tự đại của Ông Đạt về các vấn đề công giáo có hại hơn là có lợi cho giáo dân. Vì vậy có rất nhiều người và Linh Mục khắp nơi phản đối. Chính ông cũng đã phải công nhận điều này trong báo của ông.

 Ta thử đọc lại những những điều ông buộc tội giáo dân giống hệt những điều ông buộc tội Đức Giáo Hoàng và Toà Thánh Vatican:

 1. Ông buộc tội các Đức Giáo Hoàng qua việc triệu tập Công Đồng Vatican II, có chủ trương phá tan Giáo Hội Công Giáo (CGTL số 7, trang 3).

 - Ông vu cáo là giáo dân tranh đấu có chủ trương chống phá Giáo Hội.

 2. Ông quả quyết là cộng sản đã xâm nhập Vatican và đang tác oai tác quái trong triều đình Toà Thánh từ lâu. (CGTL số 3, trang 18).

 - Ông vu cáo là có cộng sản giật dây giáo dân tranh đấu.

 3. Ông nói là có áp lực phản Giáo Hội núp trong bóng tối nhưng rất hùng mạnh tại triều đình Vatican hiện nay (CGTL số 3, trang 20).

 - Ông vu cáo có người núp trong bóng tối giật dây giáo dân tranh đấu.

 Sau khi biết về phương diện xã hội, công giáo và tư tưởng của ông Đạt như vậy rồi thì ta thấy là những điều ông nói về Đức Giáo Hoàng và về giáo dân tranh đấu thật là sai lầm và vì vậy không có giá trị gì cả. Nó chỉ có một cái lợi là làm cho mọi người thấy rõ con người thật của ông Đạt.

Montery ngày 10-8-87


46-  TỪ DÂN TỘC NGÀY TRƯỚC ĐẾN DÂN VIỆT NGÀY NAY

Nhật báo Dân Việt là sự biến hình của tuần báo Dân Tộc. Tôi được quen ông chủ nhiệm tiên khởi của báo Dân Tộc, Hà Túc Đạo, nên tôi đã ghi tên mua báo dài hạn ngay từ lúc đầu, khi báo đang chuẩn bị ra đời. Nhưng rồi theo dòng thời gian, báo này đã thay đổi từ nhân viên, hình thức đến nội dung. Trước kia tôi ham đọc Dân Tộc bao nhiêu thì tôi chán Dân Việt bấy nhiêu.

Trước kia Dân Tộc có những cây bút đứng đắn, tài ba phụ trách những mục xã luận, phiếm luận, thời cuộc, hài hước và những bài vở xây dựng, hấp dẫn, tin tức chính xác, vô tư. Nhưng sau năm đầu, bây giờ những cây bút đó đi đâu hết rồi? Ngày nay người ta thấy những cây bút phụ trách những mục này có định kiến, quá khích, tầm thường. Bài họ viết, đọc lên chỉ thấy chát chúa, hằn học, đả phá, diễu cợt trơ trẽn, tin tức một chiều. Từ một cơ quan ngôn luận đứng đắn, hướng dẫn dư luận quần chúng của tờ Dân Tộc lúc ban đầu, nay Dân Việt đã hạ xuống làm một tờ báo tầm thường, ăn nói điêu ngoa, gây nhiều chia rẽ, mù oán. Với sự nhận định trưởng thành của độc giả Việt Nam hiện nay Dân Việt đã mất điểm rất nhiều.

Đã đành rằng mỗi tờ báo có một chủ trương, đường lối, lập trường riêng của mình. Đó là điều rất hay để mở rộng đường ngôn luận. Độc giả được đọc nhiều ý kiến khác biệt, tương phản để có một cái nhìn bao quát về cái xã hội phức tạp, tự do này. Nhưng những ý tưởng đó phải được trình bày một cách hợp lý trong những bài, mục dành riêng cho nó; đừng để nó xâm nhập vào mục tin tức, vì như vậy, trái với mục đích thông tin trung thực, và bất công đối với độc giả vì độc giả không bao giờ  biết được sự thật. Chí có báo chí cộng sản mới làm như thế mà thôi. Dĩ nhiên mỗi báo có quyền đăng tin mình muốn và bỏ qua những tin mình không muốn. Nhưng một khi đã đăng tin nào thì phải đăng cho chính xác, đừng xuyên tạc, vì xuyên tạc là vô trách nhiệm, là gian trá, là lừa bịp độc giả. Một khi độc giả nhận thấy bị lừa thì thái độ và phản ứng của họ sẽ rất tai hại cho tờ báo đó.  Sau đây tôi xin đưa ra một vài ví dự để chứng minh những điều tôi nói ở trên về báo Dân Việt.

1. Cách loan tin xuyên tạc, có ác ý của Dân Việt

 Gần đây báo Chính Nghĩa loan tin là có âm mưu đốt phá Trung Tâm Công Giáo (attempted arson). Thế mà Dân Việt lại loan tin là ‘Nhóm Ly Khai tung tin Nhà Thờ Bị Đốt’ (arson). Hai danh từ này khác nhau một trời một vực, chẳng khác gì hai chữ ‘attempted murder’ và ‘murder’ (mưu sát và cố sát). Thật là xuyên tạc trắng trợn. Thế rồi trong mấy số liên tiếp, Dân Việt ám chỉ là giáo dân bịa ra chuyện đó. Ai cũng biết rằng làm thế chẳng những là vô trách nhiệm, xuyên tạc lại còn có ác ý nữa. Ông Trần An Bài theo CN số 5, đã gửi thư yêu cầu Dân Việt đăng để cải chính. Tôi nghĩ là Dân Việt có bổn phận phải đăng thư này vì đó là theo luật lệ báo chí hiện hành ở mọi nơi, nhất là ở nước Mỹ này. Nếu Dân Việt không đăng thì chẳng những Dân Việt lỗi luật báo chí mà còn tỏ ra thái độ cố chấp, thấp kém của mình, gián tiếp nhận rằng mình có lỗi xuyên tạc. Biết nhận lỗi là một điều đáng khen và là tư cách của người khôn ngoan. Nhưng có lỗi mà còn cố bào chữa mình là đặc tính của kẻ dại dột như câu người Mỹ thường nói: Wise men admit their mistakes, fools defend them.

 2. Cách loan tin không hợp lý của Dân Việt

 Trong số 55 ngày 31-7-87 Dân Việt có đăng tải bức thư (bằng tiếng Anh và được dịch sang tiếng Việt) của cảnh sát trưởng Milpitas, James Murray, trả lời ông Minh Q. Steven Dovan. Luật sư Minh là người đứng gửi bức thư của nhóm Luật Sư VN và Mỹ cho cảnh sát trưởng (thư này không phải là thư riêng của ông Minh). Dân Việt đã không đăng bức thư của nhóm Luật Sư này (đã được gửi cho Dân Việt). Vì thế độc giả đọc thư trả lời của cảnh sát trưởng mà không hiểu trả lời cái gì. Nếu Dân Việt không đăng nguyên văn bức thư của nhóm Luật Sư thì ít nhất Dân Việt cũng phải nhắc lại ý chính của thư đó thì khi đọc thư trả lời, độc giả mới hiểu được và như vậy mới hợp lý. Thư của nhóm Luật Sư Việt, Mỹ gửi cho cảnh sát trưởng không được Dân Việt đăng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt. Sự thiên vị, bất công của Dân Việt quá rõ rệt, trắng trợn. Thế mà nhiều lần trước đây Dân Việt đã dám nói mình là vô tư, không thiên vị. Loan tin như vậy là loan tin một chiều, là lừa bịp độc giả, là thiếu tư cách nhà nghề. Tôi chỉ có thể tìm được một lý do để cắt nghĩa hành động này là , vì sự thiên vị của Dân Việt quá mạnh nên Dân Việt không muốn đăng bức thư của nhóm Luật Sư Mỹ, Việt vì nó vạch trần sự sai trái, kỳ thị của cảnh sát đối với người Việt Nam. Người ta tự hỏi tại sao Dân Việt lại muốn che dấu sự kỳ thị sai trái của cảnh sát chống lại ngừoi Việt Nam như vậy. Chính luật sư Mỹ cũng bênh vực quyền lợi cho người VN; và cảnh sát đã phải nhận lỗi rồi.

 3. Cách châm biếm bỉ ổi của Dân Việt

 Người VN có câu: “Chửi cha không bằng pha tiếng.” Diễu cợt giọng nói của một vùng, một miền mà người VN còn coi là một lầm lỗi quan trong còn hơn “chửi cha”, huống hồ là diễu cợt tên của một người. Tên của người ta rất được quý trọng. Vì vậy ta thấy người VN thường hay tránh nhắc đến tên của những người vị vọng. Cái điều sơ đẳng về phong tục VN này ai mà không biết. Thế mà người trong Dân Việt (số 61) đã mang tên Dovan của Luật Sư Minh ra diễu cợt. Họ diễu Dovan có thể là Đỗ Văn, cũng có thê là Đo Ván. Thật là trơ trẽn. Tôi còn nhớ năm ngoái (Dân Tộc số ngày 28-1-86), người trong báo Dân Tộc đã diễu tên của Thống Đốc California Deukmejian là “Đụ mẹ dân”. Kẻ diễu cợt này đã mất hết liêm sĩ rồi. Tôi sửng sốt vô cùng, vì tôi thấy kẻ đó có học mà sao lại ăn nói càn bậy như vậy. Xin độc giả hãy bình tĩnh suy nghĩ xem cách diễu cợt đê tiền này của báo Dân Việt có làm cho người VN chúng ta hổ thẹn không; vì nếu chẳng may có người Mỹ nào hiểu nghĩa của ba chữ “Đụ mẹ dân” mà một tờ báo người Việt đã dùng để diễu tên của  một vị Thống Đốc, thì thử hỏi họ sẽ nghĩ chúng ta là loại người gì. Nếu diễu cợt trong một nhóm riêng tư thì còn có thể tạm hiểu được. Nhưng ở đây, người trong báo Dân Việt đã diễu cợt trên giấy trắng mực đen còn lưu truyền mãi mãi thì ta phải tự hỏi trình độ hiểu biết và giáo dục của họ như thế nào.

 Dịp đó tôi có nghe một vài người lên tiếng phản đối cái tư cách hạ cấp này. Tôi tưởng sự phản đối này sẽ làm cho người trong Dân Việt tỉnh ngộ. Nhưng tôi thất vọng vì tôi thấy thói xấu này đã ăn sâu vào xương tuỷ của họ rồi.

 Tôi thầm nghĩ nếu những người không thích ông PHÁC, chủ nhiệm Dân Việt, mà tư cách cũng tầm thường như bề dưới của ông, thì chắc là họ đã diễu tên ông PHÁC từ lâu rồi. Nhưng nói chung, người Việt Nam đâu có hèn hạ vô liêm sĩ như thế.

Monterey ngày 22-8-87

47-  SỰ IM LẶNG CỦA CHA DƯƠNG

 Trong bài ‘Một Năm Tranh Đấu : Nói láo và ô nhục’, Tín Hữu số 23 nơi trang 8, tác giả bài này đã hết lời ca ngợi sự im lặng của Cha Dương, so sánh sự im lặng của Cha Dương với sự im lặng của Đức Phật, của Chúa Giê-su trước mặt Philatô. Tác giả viết, “Sau 365 ngày bị đóng đanh trên thập tự giá vô hình, sau 8760 tiếng đồng hồ bị lăng nhục vu cáo, hăm doạ hành hung, phỉ báng mạ lỵ, tấn công bạo động, sau 525.600 phút uống mật ong cùng dấm chua do kẻ thù của Giáo Hội trao cho, sau 31.356.000 giây đồng hồ trong tay Thiên Chúa quan phòng, Linh Mục chánh xứ Phaolô Lưu Đình Dương vẫn im lặng, mỉm cười. Những nụ cười hiền lành, khiêm nhượng và tội nghiệp. Nụ cười của sự tin yêu và phó thác. Ngài chưa hề than thở, trách móc hay buồn giận. Ngài chưa hề lên tiếng cải chính, phân bua, biện bạch...”

 Tôi ngạc nhiên vì thấy rằng tác giả viết bài mà không biết mình viết gì; vì tôi thấy nó hoàn toàn mâu thuẫn với những gì đã thật sự xảy ra. Tuy tôi ở xa chưa bao giờ được trực tiếp với Cha Dương, nhưng tôi đã được đọc trong Đức Tin, Tín Hữu, báo công giáo Mỹ và một số báo khác về những điều Cha Dương làm và nói, tuy ít nhưng hậu quả còn to tát hơn những kẻ nói nhiều và làm nhiều. Tôi xin chứng minh như sau:

 1. Trong Tín Hữu số 17, ra ngày 6-4-87, Cha Dương cho đăng bức tâm thư của Cha Tịnh. Cử chỉ này tuy không phải là lời nói nhưng thật ra nó đã nói rất nhiều về tư cách của Cha. Nó đã nói lên tư cách tự cao tự đại và sự bất tín của Cha đối với Cha Tịnh. Cái hình ảnh của bức thư Cha Tịnh trên Tín Hữu nó gấp ngàn lần lời nói của Cha, như câu tục ngữ Mỹ: “A picture is worth a thousand words” (Một hình ảnh bằng một ngàn lời nói). Như thế mà tác giả nóilà Cha Dương im lặng à? Cha Dương đã sai trong việc này. Ai cũng thấy cái hành vi của Cha Dương là vị thân, vị kỷ và họ càng thấy rõ cái đức độ vị tha, khiêm nhượng lớn lao của Cha Tịnh. Thật là hai thái cực.

 2. Trong báo The Catholic Voice, Nay 25-87, Cha Dương đã đề cập đến bức thư của Cha Tịnh với phóng viên Teresa Baggot. Cha Dương nói là “Cha đã tha thứ cho Cha Tịnh rồi” (Father Duong said he has forgiven Father Tinh). Tôi kinh hồn khi đọc mấy chữ này.

 Chỉ vỏn vẹn tám chữ mà người ta biết về con người Cha Dương hơn là đọc cả một pho sách về Ngài. Cái cung cách kiêu căng nó hiển nhiên một cách đáng ghét trước cái cử chỉ rất mực khiêm tốn của Cha Tịnh được biểu lộ trong bức tâm thư gửi Cha Dương. Cha Dương nói ít, nhưng thật sự Cha đã để lộ ra quá nhiều về tư cách của Cha. Người ta ước ao, giá Cha Dương được một phần tư cách và đức độ của Cha Tịnh thì giáo dân đã không chống đối Cha. Cha Dương đã quá sai khi nói câu này. Thế mà tác giả nói là Cha Dương im lặng à?

 3. Khi giáo dân bị cấm Thánh Lễ tiếng Việt hồi tháng 12-86, họ đi lễ nhà thờ Chánh toà. Cha xứ Mỹ thấy giáo dân VN quá đông mà không hiểu tiếng Anh gì cả. Cha xứ Mỹ thương tình cho giáo dân VN được đọc mấy kinh và Sách Thánh tiếng Việt sau giáo dân Mỹ, thì ngày hôm sau Cha Dương đưa phái đoàn Tín Hữu, Đức Tin đến trách móc Cha xứ Mỹ và Hội Đồng giáo xứ tại đây là tại sao lại để cho những giáo dân VN đi lễ nhà thờ này được đọc kinh, đọc Sách Thánh và hát bằng tiếng Việt; và yêu cầu Cha xứ Mỹ ngưng cho phép giáo dân làm như thế (CN số 28 trang 13). Như vậy mà tác giả nói là Cha Dương im lặng và không hề trách móc ai à? Hành động ngấm ngầm của Cha Dương còn độc ác, xấu xa hơn nhát gươm đâm sau lưng giáo dân. Những chuyện như vậy mà không có hoà giải thì làm sao có bình an được. Tôi không thể hiểu được tại sao Cha Dương cứ tiếp tục đi con đường mà Cha đang đi bây giờ. Không biết nó sẽ dẫn đến đâu?

 4. Báo CN số 49, nơi trang bìa cuối có trích một đoạn bức thư của hai ông Thiện, Bài đề ngày 18-6-87 gửi ĐGM như sau:

 “Đức Cha sẽ nghĩ sau về Linh Mục Dương khi Ngài cùng Linh Mục Dương Kỷ phá rối trước giờ Đức Cha và chúng con họp báo? Đức Cha nghĩ gì khi chúng ta đang họp báo thì Cha Dương tuyên bố với nhiều quan khách của địa phận rằng chúng con là cộng sản?”

 Khi viết như vậy hai ông Thiện, Bài đã phải có bằng chứng vì liên quan đến người khác. Ta không thấy Cha Dương lên tiếng cải chính, như vậy ta có thể chắc được rằng Cha Dương đã có những hành vi và lời nói như trong đoạn thơ trích trên đây. Cha Dương vu cáo giáo dân là cộng sản mà tác giả nói là Cha Dương im lặng à? Lối vu cáo này con nguy hiểm hơn mọi loại vũ khí giết người. Cha Dương đã phạm lầm lỗi tày trời. Cha gây thêm uất hận trong lòng giáo dân. Với cách cư xử của Cha như vậy, làm sao giáo dân chấp nhận Cha được nếu không có sự hoà giải trước.

 5. Trong tờ Chân Lý ra ngày 24-5-87, Cha Dương nói là Toà Thánh “đã y án” vạ tuyệt thông của hai ông Thiện, Bài. Một lần nữa Cha Dương đã nói sai vì những lý do sau đây:

 a. Bản Thông Cáo Chung của ĐGM và hai ông Thiện, Bài ra ngày 10-5-87 đã nói rõ là Toà Thánh không hề phán đoán về hành động của hai ông.

 b. Chính Cha Boyle, phát ngôn viên của Toà Giám Mục San Jose, đã tuyên bố trong báo The Catholic Voice, ngày 25-5-87, rằng, “ĐGM Du Maine đã nhận được chỉ thị của Bộ Thánh Vụ Vatican về Giáo Sĩ và Tu Sĩ là Ngài phải đích thân gặp hai ông Thiện, Bài để cố gắng thương lượng tiến tới một sự thoả thuận.” (Bishop Du Maine had received a directive form the Vatican’s Sacred Congregation for Clergy to meet with Thien and Bai personally to attempt to negotiate an agreement, Father Boyle said). Ta thấy là chỉ thị này của Toà Thánh đã gián tiếp buộc ĐGM phải giải vạ tuyệt thông cho hai ông, vì không lẽ ĐGM lại đi thương lượng với những người mà Ngài đã ra vạ tuyệt thông. Vậy phải giảivạ trước rồi mới nói chuyện với nhau được. Đó là lý do mà ĐGM giải vạ cho hai ông, chứ đâu có phải vì lòng thương như Cha Dương đã rêu rao.

 c. Khi ra vạ tuyệt thông, ĐGM đã đưa ra ba lý do:

  1. Vì các ông Thiện, Bài không chấp nhận Cha Dương do ĐGM bổ nhiệm.
  2. Vì phá rối Thánh Lễ.
  3. Vì xách động giáo dân chống đối ĐGM.

 ĐGM còn nói là khi nào hai ông từ bỏ ba điều trên đây thì Ngài mới giải vạ cho. Nhưng, như ta đã thấy ĐGM đã giải vạ rồi mà không hề nhắc đến ba điều kiện trên; và việc không chấp nhận Cha Dương vẫn còn tiếp diễn.

 d. Theo thủ tục của bất cứ toà án nào, đời cũng như đạo, khi một án lệnh hay sự y án được ban ra thì chính bị can phải là người nhận được bản án đó. Ông Thiện và Ông Bài không hề nhận được bản án nào của Toà Thánh cả.

 Thật rõ như ban ngày là Toà Thánh chẳng những đã không “y án” mà còn gián tiếp buộc ĐGM phải giải vạ tuyệt thông cho hai ông mà không có thành kiến và không gây thiệt hại gì cho hai ông cả như đã được xác định trong . Bản Thông Cáo Chung. Như vậy ta thấy là Cha Dương nói sai, sai quá. Nếu không biết mà nói thì là nói bừa, nói ẩu. Nếu biết là sai mà cứ nói là nói bậy, nói gian, nói dối. Thế mà tác giả dám nói là Cha Dương vẫn im lặng à?

 Ta phải thành thật mà nhận rằng trong suốt một năm qua Cha Dương đã nói rất ít; nhưng những điều Cha nói ra thì sai và có hậu quả tai hại rất nhiều cho Cha, cho sự hoà giải. Bây giờ ta thử đặt một câu hỏi: Nói ít mà còn sai và tai hại như thế, vậy nếu nói nhiều thì còn sai và tai hại đến đâu? Hèn chi giáo dân kêu gào xin Cha cho họ gặp công khai để thảo luận các vấn đề hòng đánh tan những sự hiểu lầm, nếu có, giữa họ và Cha, hy vọng đi đến hoà giải thực sự, nhưng Cha vẫn tránh né. Không có hoà giải làm sao có hoà bình. Nếu chỉ dựa vào quyền lực mà không đếm xỉa tới lòng dân thì thử hỏi cách làm việc này có thành công được không?

 Trở lại điều tác giả nói là từ một năm nay “Cha Dương vẫn im lặng, hiền lành, khiêm nhường. Ngài chưa hề lên tiếng trách móc, cải chính, phân bua, biện bạch.” Ta thấy tác giả đã không biết mình nói gì vì sự thậ đã xảy ra ngược lại. Cha Dưong đã nói nhiều bằng hành động sai trái của Cha. Giáo dân đều biết cả. Mọi người đều biết cả, ngoại trừ những người có định kiến, có trí khôn mà không muốn suy nghĩ, có tai mà không muốn nghe, có mắt mà không muốn nhìn. Tác giả không thể lừa bịp được ai. Phe Cha Dương thường nói là giáo dân tranh đấu nói láo. Nhưng theo sự thật, chính họ mới là những người nói láo.

Monterey ngày 28-8-87

48-  “CÁI TÁT TAI CỦA ÔNG CẢNH SÁT TRƯỞNG MILPITAS”
HAY ÔNG CẢNH SÁT TRƯỞNG MILPITAS BỊ TÁT TAY?

 Trên trang bìa cuối ngoài của Tín Hữu số 23 tôi thấy mấy dòng chữ rất lớn nổi bật: “Đón đọc số tới: “Cái tát tai của ông cảnh sát trưởng Milpitas” Tôi xin người quen gửi cho tôi những số Tín Hữu này. Tôi đọc trong Tín Hữu số 25, ra ngày 23-8-87, có trích lại toàn bộ của Dân Việt bức thư tiếng Anh của cảnh sát trưởng Milpitas gửi cho Luật sư Minh Q. Dovan, kèm theo bảng dịch bằng tiếng Việt và bài “Cò Murray mạ lỵ Luật sư Dovan” đăng trong mục ‘Lội ngược dòng’ của ông Cuội.

 Trước đây, sau khi đọc những bài trong Dân Việt và hỏi chuyện ông Bài và LS Minh (vì hai ông này đã được ông Murray nhắc đến trong thư) tôi thấy mấy bài này trơ trẽn không đáng gì cho mình phải mất thì giờ viết lách. Nhưng vì Tín Hữu “tưởng bở” muốn sao lại nguyên văn đăng lại toàn bộ lần nữa, nên tôi thấy cần phải lên tiếng theo sự hiểu biết của tôi, để tuỳ độc giả nhận định.

 A. Trước hết tôi muốn nói về thái độ mập mờ xuyên tạc của ông cảnh sát trưởng Milpitas James Murray trong thư gửi cho LS Minh.

 Sau khi hỏi chuyện ông Bài và LS Minh, tôi được biết là ông Bài có đề nghị với cảnh sát trưởng Murray yêu cầu ĐGM đừng để Cha Dương cử hành Lễ tiếng Việt ở Milpitas, vì theo Bản Thông Cáo Chung, Thánh Lễ VN cần được tổ chức ở Trung Tâm Họ Đạo trước. Ông Bài không hề yêu cầu ông Murray làm áp lực ĐGM bỏ mọi Thánh Lễ tiếng Việt như ông Murray đã mập mờ xuyên tạc; vì như vậy, theo Ông Bài, là vô lý. Từ trước đến giờ Cha Hiền, Cha Thư vẫn làm lễ tiếng Việt ở Maria Goretti và St. Lucy, có bao giờ xảy ra điều gì đâu. Chính ông Murray, theo lời LS Minh, cũng nghĩ là nếu Cha Dương còn tiếp tục làm lễ ở nhà thờ St. Elizabeth thì có thể xảy ra biến động và giáo dân Mỹ ở gần nhà thờ sẽ phản đối kịch liệt. Lúc đó LS Minh mới đề nghị là vì tình hình căng thẳng và nghiêm trọng như vậy, ông Murray nên thuyết phục ĐGM đừng để Cha Dương làm lễ ở đó nữa kẻo phiền cho các giáo dân Mỹ ở gần đó.

Ông Murray nói ông sẽ trình bày với ĐGM và tuỳ ĐGM định. Mấy ngày sau, ông Murray cùng với một số thành viên của Hội Đồng thành phố Milpitas đến gặp ĐGM và thảo luận khá lâu. Do đó, người ta có thể biết được là: vì muốn thuyết phục ĐGM nên các viên chức Milpitas mới đến gặp Ngài. Nếu không thì đến gặp Ngài làm gì? Theo một nguồn tin thân cận với cảnh sát cho biết, ĐGM nói rằng Ngài không thể cấm Cha Dương làm lễ. Việc đó tuỳ Cha. Vì vậy, mới xảy ra biến cố Milpitas.

 Cái mập mờ, gian trá của ông Murray là xuyên tạc từ ý nghĩa “Thánh Lễ tiếng Việt do Cha Dương cử hành” ra “mọi Thánh Lễ tiếng Việt”.

 B. Bản phổ biến báo chí của VACAA (Vietnamese-American Committee For Affirmative Action) ngày 23-6-87 là của một nhóm Luật Sư gồm tất cả mọi Luật Sư Việt Nam vùng San Jose và một số Luật Sư Mỹ, trong đó có nhiều Luật Sư nổi tiếng đã từng làm giáo sư Luật khoa và chủ tịch Luật Sư đoàn. Thế mà, ông Murray lại mập mờ xuyên tạc cho đó là ý kiến của mình LS Minh (LS Minh chỉ là một thành viên của VACAA vì trong thư “trả lời”  LS Minh, ông Murray đã viết, “Tôi thấy việc ông viết trong bản phổ biến báo chí rằng ông lo ngại về nhân quyền . . .” Trong đoạn khác ông Murray viết, “Sự quan tâm rõ rệt của ông về việc . . .” Tiếp đó, khác ông Murray viết, “Ông đã biết rõ hành động không đúng của một cảnh sát viên . . .” Rõ rệt là ông Murray có gian ý. Tại sao ý kiến của một đoàn thể luật sư có ký tên đàng hoàng mà ông Murray lại xuyên tạc là ý kiến của mình LS Minh. Ông Murray tưởng làm thế là giảm bớt sự quan trọng của nội dung bản phổ biến báo chí, vì nó đã lên án mạnh mẽ sự kỳ thị, phạm pháp, vô kỷ luật của cảnh sát Milpitas đối với người Việt Nam. Thiết tưởng cũng cần nhắc lại mấy điều chính của bản phổ biến báo chí của nhóm Luật Sư Việt Mỹ này:

 1. Phản đối và tố cáo hành vi tàn bạo của cảnh sát Milpitas đã viết số lên mặt và thân thể của những người Việt Nam bị  giữ.

 2. Hành động dã man (barbaric) này đã vi phạm trắng trợn nhân quyền căn bản của những người này. Hành động này phải bị lên án bởi bất cứ một người nào biết tôn trọng quyền căn bản của con người. Hành động dã man này chỉ có thể xảy ra ở các nước độc tài chuyên chế có những chính phủ đàn áp dân chúng.

 3. Đòi các cơ quan hữu trách thuộc mọi cấp: địa phương, tiểu bang, liên bang điều tra. Đòi cảnh sát Milpitas phải xin lỗi những người bị cảnh sát bạc đãi, hạ nhục; điều tra và trừng phạt các nhân viên cảnh sát đã có hành động kỳ thị chủng tộc.

 4. Bản phổ biến báo chí này bày tỏ sự quan tâm sâu xa của các Luật sư ký tên đối với hành vi bất xứng của cảnh sát. Tổ chức VACAA không hề có lập trường đối với việc tranh chấp nội bộ của Cộng Đồng Giáo Dân Việt Nam San Jose.

 Đó là lập trường chung của các Luật Sư Việt, Mỹ ký tên trong Bản phổ biến báo chí của VACAA. Ông Murray đã mập mờ xuyên tạc, cho đó là lập trường riêng của mình Luật Sư Minh.

 Vụ Milpitas này đã làm cho uy tín và danh dự của Ông Murray bị tổn thương rất nhiều. Như một con cọp bị trọng thương, ông cuốn cuồn phản ứng quàng xiên.

 C. Bản tính của tôi không ưa dùng những từ ngữ có tính cách “bạo động”. Nhưng lần này tôi xin mượn danh từ ‘tát’ của Tín Hữu để dùng cho cảnh sát trưởng Milpitas James Murray.

 Cái tát thứ nhất là vụ Luật sư Á-đông (Asian Law Alliance) gửi thư đề ngày 16-6-87 cho Ông Murray phản đối kịch liệt về hành động kỳ thị, tàn bạo của cảnh sát đối với bốn người VN bị giữ, bị kỳ thị, bị hạ nhục; và đòi sở cảnh sát phải công khai xin lỗi những người này, trừng phạt nhân viên phạm lỗi. Thư này đã được gửi đến các cơ quan từ cấp thành phố đến cấp liên bang và các cơ quan truyền thông.

 Cái tát thứ hai là Bản phổ biến báo chí của nhóm Luật Sư VACAA, ra ngày 23-6-87. Nội dung tóm tắt đã được dịch đăng trong bài này. Bản phổ biến báo chí này cũng đã được gửi cho Ông Murray, các cơ quan truyền thông và các cơ quan chính quyền từ cấp thành phố đến liên bang.

 Cái tát thứ ba là bức thư của Luật Sư Leonard Sprinkles, chủ tịch Luật Sư đoàn quận hạt Santa Clara gửi cho cảnh sát trưởng Murray, sau khi Ông Murray đã tách riêng Luật Sư Minh ra để đả kích.

 Trước đây LS Minh đã không muốn công bố bức thư của LS Sprinkles vì theo ông, đối với những người hiểu biết thì thư của Ông Murray đả kích ông tự nó đã vô nghĩa, vì ông Minh chỉ là một thành viên của VACAA. Nay vì Tín Hữu đã học theo Dân Việt đăng lại thư của Ông Murray, nên ông Minh thấy cần phải cho đăng thư của ông Sprinkles để độc giả có thể biết được tất cả nội vụ. Thư đó được dịch từ tiếng Anh sang tiếng Việt như sau:

Ngày 15-7-87

 Thân gửi Cảnh sát trưởng Murray:

Tôi đã nhận được bản sao của thư ông đề ngày 6-7-87 gửi cho Ông Minh Q. Steven Dovan. Hình như ông nghĩ là cách tốt nhất để trả lời về những quan tâm của tôi và của Cộng đồng là đả kích ông Dovan. Mặc dù tôi cảm thấy chính tôi bị xúc phạm bởi sự đả kích này, tôi sẽ giới hạn sự đòi hỏi của tôi vào một vấn đề chính, thực và duy nhất: Đó là ông hãy giải thích tường tận và chi tiết về việc tại sao Cảnh sát Milpitas đã ghi số lên mặt và thân thể của những người bị giữ; và có lẽ điều quan trọng hơn cả là sở cảnh sát đã làm gì để những hành động như thế sẽ không bao giờ xảy ra nữa.

Kính thư,
(Ký tên) Leonard Sprinkles

Bản sao thư này đã được gửi cho các Luật sư Việt, Mỹ (VACAA); các cơ quan hữu trách quận hạt Santa Clara; Thị trưởng và nhân viên Hội Đồng thành phố Milpitas; ông Thống Đốc California Deukmejian; Bộ Tư Pháp Chính Phủ Liên Ban Hoa Kỳ.

 Có thể Ông Murray sẽ bị một cái tát thứ tư của ACLU (American Civil Liberties Union); vì theo nguồn tin thân cận trong giới Luật sư thì ACLU sắp bắt đầu điều tra vụ phạm pháp của Cảnh sát Milpitas đối với những người Việt Nam bị giữ. Nên biết ACLU là một nghiệp đoàn Luật Sư Hoa Kỳ rất mạnh, chuyên bênh vực nhân quyền cho những kẻ thấp cổ bé miệng, đã thắng nhiều vụ nổi tiếng chống lại các cơ quan chính quyền. Dĩ nhiên, nói về kiện tụng thì không ai có thể biết trước được kết quả sẽ như thế nào. Cứ xem ngay trước mắt vụ ĐGM kiện đuổi giáo dân ra khỏi Trung Tâm thì biết. Chính Cha Boyle đã phải công nhận là Cha ngỡ ngàng hết sức, không hiểu được vì Luật sư Toà Giám Mục ngay từ đầu đã đoan chắc là Toà Giám Mục sẽ thắng. Thế mà không đầy nửa tiếng đồng hồ, Toà đã xử: Bác đơn của Toà Giám Mục và cho giáo dân thắng.

 Có người nghĩ rằng Ông Murray đã về hưu rồi, chẳng làm gì được ông ta nữa. Nghĩ thế là lầm. Việc phạm pháp cảnh sát này đã xảy ra khi Ông Murray làm cảnh sát trưởng nên ông vẫn phải chịu trách nhiệm. Ta cũng thây trên Tivi hàng ngày nhiều cảnh sát viên đã bị còng tay cả bọn vào tù vì phạm pháp hoặc đã vì lạm dụng quyền hạn của mình.

 D. Thật ra điều đáng buồn nhất ở đây là những người trong Tín Hữu và Dân Việt đã mù quáng đến nỗi không còn biết phân biệt phải trái mà chỉ hành động theo sự giận ghét của mình.

Việc làm sai trái của cảnh sát đối với bốn người Việt Nam bị giữ là một hành động kỳ thị, hạ nhục, tàn bạo, phạm pháp, đê tiện đến nỗi chính những người Mỹ có địa vị cũng phải lên tiếng để bênh vực cho người Việt Nam. Thế mà chính người Việt Nam trong Tín Hữu và Dân Việt lại đi bợ đỡ cảnh sát trong việc làm sai trái và phạm pháp của họ. Chúng ta thử hỏi có người Việt Nam nào mà không hổ thẹn cho hành động bợ đỡ này không?

Tín Hữu và Dân Việt đáng được công luận cho một cái tát để mở mắt ra mà nhận lấy bài học về liêm sỉ.

Montery ngày 5-9-87

49-  TÔI ĐỌC BÁO TÍN HỮU

Thỉnh thoảng tôi có dịp được đọc Tín Hữu do người quen gửi cho. Càng đọc càng thấy nó tiêu cực. Tôi có hỏi một số người quen về Tín Hữu, họ đều trả lời rằng họ không muốn sờ tới báo đó vì toàn ăn gian nói dối, đọc mất thì giờ. Riêng tôi, khi được người quen gửi cho số Tín Hữu nào, tôi cũng cố đọc để biết các anh chị em bên Tín Hữu nói gì.

Tôi thấy trong Tín Hữu có nhiều bài vở cóp lại của các báo chí, sách vở khác. Phần nhiều những bài còn lại, đọc lên thấy giọng văn hằn học, tục tĩu, bịa đặt. Trong bài này tôi không có ý định tranh luận phải trái. Tôi chỉ lần lượt đưa ra những ví dụ, những sự kiện để chứng minh những điểm tôi nêu trên đây.

 1. Tín Hữu hằn học.

Hầu hết các bài trong Tín Hữu đều mang cái giọng hằn học, nhất là bài ‘Một năm Đấu Tranh: Nói láo và Ô Nhục’. Bài này không có tên tác giả; vậy ta phải hiểu đó là của bộ biên tập Tín Hữu hoặc của một người đuợc Tín Hữu cử viết để bày tỏ lập trường chung của tờ báo. Giọng hằn học từ đầu đến cuối. Cách lập luận của họ làm cho độc giả chán ngán, mệt mỏi. Ta thử đọc những dòng sau đây: “Một sự nói láo đã xa sự thật, thì sự nói láo từ sự nói láo càng xa sự thật biết bao. Tất cả mọi sự nói láo, căn cứ trên sự nói láo căn bản đều là sự nói láo của sự óiláo”. (Tín Hữu số 23, trang 10). Những từ ngữ họ dùng cũng thật là độc đáo. Họ viết, “Kẻ thù của Giáo Hội đang toan tính lôi cổ Thượng Đế xuống khỏi ngôi Chúa Tể.” (Tín Hữu số 25, trang 8). Hai chữ “lôi cổ” (Thượng Đế) làm cho chúng ta thấy lòng của họ hằn học, tràn đầy oán giận như điên cuồng. Họ hậm hực vu cáo giáo dân tranh đấu là “nói láo không biết tanh mồm, không ngại thối miệng.” (Tín Hữu số 24, trang 8).

 Đọc những dòng chữ trên, ta có thể hình dung thấy một kẻ mặt sắt đen si, lòng đầy giận dữ, đang múa may quay cuồng, miệng xùi bọt mép, hò hét quát tháo om sòm cho hả giận, như muốn “nuốt sống, ăn tươi” những giáo dân mà họ cho là kẻ tử thù của họ.

 2. Tín Hữu ăn nói tục tĩu.

Trước khi đề cập đến điều này, tôi phải xin lỗi độc giả vì tôi sẽ phải trích dẫn một số chữ tục tĩu mà Tín Hữu đã dùng để làm bằng chứng.

 Tín Hữu nói là Cha Tịnh có lập trường thiên tả (không ai có thể tin được điều này) và dù Cha Tịnh có cố tình giấu mấy cũng không được. Tín Hữu ví tư cách của Cha Tịnh như “cái đuôi giấu sau kẽ đít có ngày cũng pảhi lôi ra tắm rửa kỳ cọ cho nó.” (Tín Hữu số 24, trang 8). Tục tĩu quá!

 Tín Hữu thích kể chuyện sờ voi (đã kể đi kể lại nhiều lần rồi). Tín Hữu viết về những người khách ở viễn phương (tức là các Linh Mục Việt Nam từ miền xa, muốn đến San Jose để giúp hoà giải) như sau: “Ngày hôm nay, khi nghe có ‘voi’ xuất hiện ở San Jose, có (những) người khách ở viễn phương (dĩ nhiên là thầy bói) hối hả chạy lại. Các anh rờ phải cái gì chẳng hiểu bèn làm ầm lên rằng: ‘Con voi giống hai quả Football vậy thôi, giản dị mà!” .” (Tín Hữu số 25, trang 11). Bậy bạ quá! Tín Hữu dám nói về các Linh Mục Việt Nam như vậy sao? Liền sau đó, Tín Hữu viết tiếp, “Có hai cha con anh thày bói khác (cũng là khách viễn phương) hơi vồ vập xốc nổi mà lại khoái danh. Cha con anh vớ phải vật gì bèn phát (đại) ngôn rằng: ‘Con voi thì có gì lạ, nó chỉ giống như cây gậy (bat) chơi baseball mà thôi!” (Tín Hữu số 25, trang 11). Thô bỉ quá! Hết liêm sỉ rồi!

 Tôi phải nói thẳng với Tín Hữu rằng cách ăn nói tục tĩu này chỉ xứng đáng cho loại báo Playboy mà thôi. Những báo thường cũng không đuợc ăn nói bậy bạ như vậy, huống chi là một tờ báo đạo, bảo vệ “Đức Tin” Công Giáo như Tín Hữu thường tự nhận. Thảo nào Tín Hữu có những người lãnh đạo nổi tiếng về phương diện tồi bại này. Tôi thật hổ thẹn cho Tín Hữu, cho những người đã nhận Tín Hữu là tờ báo của mình.

 Nếu Tín Hữu coi thường phương diện tục tĩu này, thì tôi đề nghị Tín Hữu nên gửi chuyện ‘sờ voi’ này cho Playboy để đăng vào mục chuyện vui. Tôi chắc chẳng những Playboy sẽ đăng mà còn thưởng cho Tín Hữu nữa, vì chuyện ‘sờ voi’ này do Đức Phật dùng để dạy người đời. Thế mà Tín Hữu đã thêm ý tưởng tục tĩu vào chuyện của Đức Phật; như vậy được ý của Playboy quá rồi. Hơn nữa, Tín Hữu còn diễn tả các Linh Mục Việt Nam có thiện chí muốn giúp đỡ hoà giải: Tín Hữu khinh rể các Cha, ví các Cha như  thầy bói mù sờ voi và cho là con voi như hai quả Football. Thật là hỗn xược, tục tĩu. Tôi không thể hiểu nổi tư cách hạ cấp của Tín Hữu. Thế mà cũng có kẻ coi chuyện này làm khoái chí. Thật đúng như câu chữ Hán: “Tiểu nhân đắc chí tiểu hi hi.” Một tờ báo đạo mà ăn nói như thế có đáng khinh không?Có đáng tin không? Có đáng đọc không?

 3. Tín Hữu ăn nói bịa đặt, gian dối.

Mục ‘Tin tức cộng đoàn’ trong Tín Hữu số 25, trang 18 đã loan tin “Rửa tội chui” như sau:

 “Tuần qua, một vụ rửa tội chui khác lại được 2 Linh Mục (?) Việt Nam cử hành tại một bờ biển vùng Monterey. Một nguồn tin cho biết là khoảng 150 giáo dân ly khai và 2 Linh Mục, Linh Mục NMT và Linh Mục NC tham dự.

 “Theo nguồn tin của giới an ninh thẩm quyền thì những người này tụ tập tại Monterey không phải với mục đích cử hành nghi thức Thánh Tẩy mà là để  nghiên cứu địa hình địa vật và những chiến thuật đột kích nhân ngày Công Du của Đức Giáo Hoàng vào tháng 9 sắp tới.”

 Từ trước đến nay, khi Tín Hữu đưa tin về các sự việc, tôi thường nửa tin, nửa ngờ và nghĩ rằng có lẽ cũng có được một phần sự thật, chứ chẳng lẽ Tín Hữu hoàn toàn bịa đặt sao. Nay thì tôi biết chắc chắn là Tín Hữu hoàn toàn bịa đặt, bất chấp sự thật, miễn làm sao có lợi cho mình và hại cho giáo dân tranh đấu là được. Tôi nói quả quyết như thế vì những lý do sau đây:

 Chính tôi là người đã giúp vào vụ hành hương và Rửa Tội này. Chuyện như sau: Vì tôi ở Monterey, sát cạnh Carmen nên Cộng Đồng Công Giáo VN San Jose có nhờ tôi xin phép Cha Sở Carmen, nơi hành hương nổi tiếng ở vùng này, để Ngài cho giáo dân được đến dự lễ tại nhà thờ Carmen, nơi có mộ của Á Thánh Serra, do Cha Tổng Tuyên Uý Cộng Đồng Nguyễn Mạnh Tân cử hành lúc hai giờ chiều ngày 15-8-87. Cha Sở Carmen, Đức Ông Mc Mahon, rất vui vẻ cho phép.

 Buổi sáng Cộng Đồng đi picnic ở bờ bể Carmen, thăm Dòng Kín đối diện bờ bể. Sau picnic Cộng Đồng tới dự Lễ như đã định ở nhà thờ (Vương Cung Thánh Đường) Carmen. Lễ xong mọi người viếng mộ Thánh Serra, các di tích của Người  như phòng làm việc, phòng ngủ v.v. . .

 Ông Lê Văn Ý, thủ quỹ Cộng Đồng và tôi vào Cha Sở để cám ơn Cha và tặng Cha số tiền thu trong buổi lễ, cho quỹ chi tiêu vào cuộc công du của Đức Thánh Cha. Cha Sở nói, trong khi cử hành Thánh Lễ, Cha có qua lại nhà thờ vài lần để quan sát, Cha rất cảm động thấy giáo dân VN hát lễ, đọc kinh, dự lễ sốt sắng mặc dù Cha không hiểu tiếng Việt. Cha nói là nhà thờ của Cha chưa hề có một đoàn hành hương nào đông và lại có lễ sốt sắng như thế. Trong nhà thờ các ghế ngồi kín không còn chỗ, có rấ nhiều người phải đứng ở cuối và ngoài nhà thờ.

 Trước khi ra về Cha còn chụp ảnh vớichúng tôi và dặn: Trở lại nữa nhé” (Come back again).

 Chuyến hành hương đàng hoàng như thế, lễ rửa tội diễn ra trong Vương Cung Thánh Đường trước mặt Cha Sở và đông đảo giáo dân mà Tín Hữu dám nói là “Rửa Tội chui ở bờ biển”. Tại sao lại có thể xuyên tạc đến như thế? Nếu Tín Hữu không thích chuyến hành hương đầy thành công của cộng đồng thì chỉ việc lờ đi không đăng gì cả. Tại sao lại dại dột loan tin gian dối như vậy, làm cho những người biết chuyện thấy rõ ác ý và sự ma giáo của Tín Hữu. Tại sao Tín Hữu lại đánh dấu (?) sau những chữ “2 Linh Mục”? Có phải Tín Hữu muốn ám chỉ là Cha Tân và Cha Chính không còn là Linh Mục nữa không? Tín Hữu đừng dựa thế ĐGM mà ăn nói càn bậy kẻo người ta khinh.

 Tín Hữu còn nói là, “Theo nguồn tin của giới an ninh thẩm quyền thì những người này tụ tập tại Monterey không phải với mục đích cử hành nghi thức Thánh Tẩy mà là để nghiên cứu địa hình địa vật và những chiến thuật đột kích nhân ngày Công Du của Đức Giáo Hoàng vào tháng 9 sắp tới”.

 Tín Hữu đã bịa đặt trắng trợn lại còn tỏ ra ngu dốt nữa. Tôi xin hỏi các vị trong Liên Lực Lượng, có vị làm đến chức đại tá: Có khi nào đi thám thính mà mang cả một trung đoàn đi cùng với ban quân nhạc, kèn trống ầm ĩ không? Ăn nói vô ý thức như vậy mà Tín Hữu dám nghĩ là những người biết suy nghĩ dám tin mình à? Rõ ràng là Tín Hữu chỉ nhằm vào những độc giả gà mờ thôi hoặc quá khinh thường sự hiểu biết của độc giả. Nào đã hết đâu! Tín Hữu còn thêm đầu đuôi cho ra vẻ. Tín Hữu viết, “Theo nguồn tin của giới an ninh thẩm quyền . . .” Nguồn tin an ninh thẩm quyền nào vậy? Tín Hữu bịa đặt vừa vừa thôi chứ!

 Bây giờ tôi biết rõ bộ mặt thật của Tín Hữu rồi, nghĩa là: Tín Hữu nói dối trơ trẽn, bịa đặt trắng trợn, bất chấp lẽ phải, không kể gì đến sự thật. Thế mà cũng có người tin theo. Bao giờ những người này mới biết dùng trí khôn mà suy nghĩ? Giáo dân tranh đấu còn phải chịu những điều vu oan thác hoạ này cho đến bao giờ? Điều trớ trên hơn cả là chính những người “nói láo từ sự nói láo” trong Tín Hữu lại trơ trẽn nói rằng giáo dân tranh đấu nói láo!

 Vì thủ đoạn bịa đặt gian dối trắng trợn, vô trách nhiệm của Tín Hữu mà tôi đã trình bày trên đây, tôi lo ngại rằng những người trong Tín Hữu có thể làm việc bất chính rồi đổ thừa cho giáo dân tranh đấu để bôi nhọ giáo dân. Độc giả chỉ còn cách là phải rất thận trọng khi đọc Tín Hữu, kẻo bị lừa.

 Nhân dịp Cộng Đồng Công Giáo Việt Nam đi hành hương Carmel, Monterey, tôi được một anh bạn cho tờ báo Tín Hữu số 23 do LiênLực Lượng thực hiện. Đọc xong, tôi thấy lòng buồn rười rượi, không phải vì thái độ đánh phá giáo dân tranh đấu của phe Cha Dương nhưng là vì cách viết bài trong Tín Hữu. Nó mâu thuẫn, có lúc tới độ ngớ ngẩn. Tôi không hiểu tại sao họ lại có thể viết kỳ cục như thế được. Tôi đoán, có lẽ vì có sẵn định kiến chống giáo dân tranh đấu nên lòng họ đầy giận ghét, họ không suy nghĩ nhiều cứ để sự giận ghét trào theo ngọn bút rồi viết bừa bãi, chẳng cần biết những điều mình viết ra có nghĩa lý gì hay không. Làm thế họ chỉ có thể lừa bịp được một số người thiếu suy nghĩ thôi.

Tôi xin đưa ra một vài ví dụ điển hình sau đây. Vì tôi phải trích dẫn những lời của họ nên xin độc giả kiên nhẫn.

I. Đọc bài ‘Quan Điểm’ của Cô Ngọc Lan trong Tín Hữu số 23, trang 18, cột 2, thấy cô đả kích ông Phạm Kim Vinh, tác giả loạt bài ‘Cuộc Chiến Cho Danh Dự Người Việt’ đăng trong Chính Nghĩa (bộ mới), tôi rất ái ngại cho cô. Tôi xin trích dẫn và góp ý rồi tuỳ độc giả nhận định.

Cô Ngọc Lan đặc biệt đưa ra câu ‘Chiếc áo không làm nên Thầy tu’ trong bài của ông  đăng trong Chính Nghĩa (bộ mới) để đả kích. Cô viết, “Điểm này riêng về Giáo Hội Công Giáo, tác gỉa (Phạm Kim Vinh) đã trực tiếp chống lại lời của Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô Đệ II. Trong lá thơ về ‘Kỷ Luật Của Các Giáo Sĩ’, Ngài khuyến cáo các giáo sĩ phải mặc sắc phục để có sự cách biệt với người đời.” Trong một đoạn sau cô viết tiếp, “Ngoài ra, Đức Hồng Y Ugo Poletti, Cha xứ thành Rôma đã viết trong thơ để ủng hộ lời khuyến cáo của Đức Giáo Hoàng: Y phục tôn giáo hoặc áo choàng của giáo sĩ đều bắt buộc trong các lễ, các phép bí tích và trong khi rao giảng cũng như trong công việc chăn chiên.” Sau khi viết những dòng trên đây, cô Ngọc Lan kết luận: “Đây là những lối viết muốn đánh phá Giáo Hội Công Giáo của tờ Chính Nghĩa.”

Tôi thật ngỡ ngàng, không hiểu cô Ngọc Lan muốn nói gì. Theo lời cô viết, thì tôi đoán là cô đã tin rằng, khi viết câu đó, Ông Phạm Kim Vinh đã có ý khuyên các giáo sĩ không nên mặc chiếc ao tu hành; và như vậy là trái với ý Đức Giáo Hoàng. Câu này làm sao có nghĩa như thế được. Tôi xin phép độc giả để giúp cô Ngọc Lan hiểu. “Chiếc áo không làm nên Thầy tu” đã được dịch từ câu tiếng Pháp “L’habit ne fait pas le moine” có nghĩa là một Thầy tu phải có đức độ, tư cách thật của một vị tu hành tự trong lòng mình. Nếu mặc áo Thầy tu mà lòng dạ xấu xa, tư cách hèn hạ thì cái áo tu hành mà người đó mặc cũng không làm cho người đó trở thành Thầy tu được.

Tôi không thể tưởng tượng được một người như cô mà không nghĩa của câu ‘Chiếc áo không làm nên Thầy tu’. Cho đến giờ phút này tôi vẫn còn ngỡ ngàng về lời lẽ của cô. Tôi thầm nghĩ: Một câu thông thường như thế mà cô còn không hiểu thì không biết cô hiểu thế nào về câu tục ngữ VN: “Đi với bụt mặc áo cà-sa, đi với ma mặc áo giấy” Có lẽ cô nghĩ là thời buổi càng văn minh bao nhiêu thì càng có nhiều ma bấy nhiêu, vì hiện nay nhiều hãng đang nghiên cứu để làm áo bằng giấy cho đỡ tốn và đỡ phiền phức giặt ủi; thậm chí ngay cả áo cưới cô dâu cũng bằng giấy luôn. Chắc là cô Ngọc Lan cho rằng loại cô dâu này biết chồng thuộc loại ma, có vợ rồi mà vẫn có thể đi đêm như loại ma trơi (chơi), nên cô dâu mặc áo giấy để đi với ma cho hợp.
Sau khi chỉ trích Ông Phạm Kim Vinh về câu ‘Chiếc áo không làm nên Thầy tu’ cô Ngọc Lan còn giảng luân lý cho ông. Cô viết, “khi đặt bút xuống viết về đề tài gì thì tác giả phải là người hiểu rõ vấn đề hơn ai hết, những điều sơ đẳng mà chúng tôi nêu trên thiết tưởng rằng với người có tầm mức hiểu biết bình thường cũng có thể suy luận được, đàng này với tư cách là một văn sĩ, một nhân sĩ không thể nào bỏ qua những ý tưởng sơ đẳng đó được.” Tôi đồng ý với cô rằng một người có tầm mức hiểu biết bình thường cũng có thể hiểu được câu này. Tôi thấy cô không hiểu được câu này, vậy sự hiểu biết của cô ở mức độ nào?

Đọc những lời cô Ngọc Lan dám dùng để khuyên răn, giảng dạy ông Luật Sư, nhân sĩ, văn sĩ kiêm bình luận gia Phạm Kim Vinh, tự nhiên tôi cảm thấy lòng buồn rười rượi, vì thấy cuộc đời thật là trớ trêu, có những kẻ lỗ mãng khi lòng giận ghét là quên hết mọi sự phải trái trên đời: có trí khôn mà không biết suy nghĩ, có mắt mà như mù, có tai mà như điếc. Thật đúng như câu ngạn ngữ Việt Nam: “Điếc không sợ súng” và câu chữ Hán “Si nhi bất uý hổ” (Con nít ngu si không biết sợ cọp). Trên đời này có thiếu gì loại người này. Nếu cần, có dịp, chúng tôi sẽ trình bày thêm.

Sau khi “bình luận thao thao bất tuyệt” về câu nói‘Chiếc áo không làm nên Thầy tu’ trong bài của ông Phạm Kim Vinh, cô kết luận: “Đây là những lối viết muốn đánh phá Giáo Hội Công Giáo của tờ Chính Nghĩa”. (sic, sic, sic . . .)
Thật là chán chường cho cô Ngọc Lan. Đã không hiểu nổi một câu có tính cách phổ thông quốc tế mà ông Phạm Kim Vinh đã dùng, cô lại còn cắt nghĩa bậy bạ, sai lạc rồi dựa vào đó mà kết tội là giáo dân “móc nối” (với Ông Vinh) để đánh phá Giáo Hội. Quý vị độc giả thử nghĩ coi giáo dân tranh đấu còn phải làm nạn nhân của sự ngu si của những kẻ chống phá giáo dân cho đến bao giờ?

Với mức độ hiểu biết như thế, thảo nào họ cứ buộc tội giáo dân tranh đấu là ly khai, là chống phá Giáo Hội. Thì ra bây giờ tôi mới vỡ lẽ: họ buộc tội giáo dân là vì họ giận ghét giáo dân, chứ thật ra họ chẳng biết ly khai là gì, chống phá Giáo Hội là gì, ‘Chiếc áo không làm nên Thầy tu’ là gì! Những lời nói, lời buộc tội giáo dân của họ thật là trơ trẽn, gian trá, vô nghĩa. Nhưng họ hy vọng là cứ nói mãi rồi nó sẽ nhập nhiễm vào đầu óc của dân chúng và rồi dân chúng sẽ tin. Đó là cách làm việc của cộng sản. Họ đâu có nghĩ được rằng trình độ dân chúng bây giờ đâu có còn thấp kém như ngày trước. Ai muốn nói gì người dân cũng nghe nhưng rồi người dân dùng trí phán đoán của mình để biết ai nói phải, ai nói trái, ai nói trật, ai nói dối.

II. Nhóm Cha Dương thường tuyên truyền là nhóm giáo dân tranh đấu chỉ là một số ít, đếm được trên đầu ngón tay. Người ta thường nói: “Đường đi hay tối, nói dối hay cùng”. Nói gian nói dối mãi rồi cũng có lúc phải nói thật.
Trong Tín Hữu số 23, nơi trang 5 và trang 6, tuy là hai tác giả của hai bài khác nhau, nhưng cả hai đã có một điểm giống nhau là cả hai vị này đã nói toạc ra rằng giáo dân tranh đấu là số đông. Tôi xin trích lời các vị đó như sau. Ở trang 5, một vị viết, “ . . . Bởi vậy, đem số đông ra mà tranh đấu là không ăn nhằm gì cả . . .” Và ở trang 6, vị khác viết, “Việc dùng số đông áp lực bắt người chủ chiên phải theo ý mình là hoàn toàn sai đối với Luật Hội Thánh. Ở đây tôi không muốn bàn về ai phải, ai trái (điều này đã được tranh luận từ lâu rồi). Tôi chỉ đưa ra một điểm quan trọng là mặc dù phe Cha Dương tuyên truyền gian dối rằng giáo dân tranh đấu là số ít, nhưng trong một lúc xao nhãng họ đã để tìm thức của họ làm việc và vì thế, nói ra sự thật là giáo dân tranh đấu là số đông, như lời tôi vừa trích dẫn trên đây.

Thật ra tôi không muốn nhắc lại chuyện số đông, số ít làm gì, nhưng tôi muốn vạch trần sự gian dối của nhóm người thường ăn nói càn bậy, thiếu suy nghĩ với hy vọng là họ sẽ ăn nói chín chắn hơn, tôn trọng sự thật; vì độc giả đòi biết sự thật, có quyền được biết sự thật. Cũng vì theo đuổi chiều hướng này mà tôi đã nhiều lần kêu gọi Cha Dương ra gặp dân chúng để mọi sự được phơi bày ra ánh sáng thì chắc là cuộc khủng hoảng này sẽ được giải quyết sớm hơn. Xin Cha Dương nhận lời.

Monterey ngày 4-9-87

50-  LỜI ĐỨC THÁNH CHA
ÁP DỤNG TRONG CUỘC TRANH ĐẤU CỦA GIÁO DÂN VIỆT NAM TẠI SAN JOSE

Nhân cuộc công du của Đức Thánh Cha tại nước Mỹ và nhất là tại California, tôi xin có một vài ý kiến về những lời tuyên bố của Đức Thánh Cha liên quan đến ý nghĩa cuộc tranh đấu của giáo dân VN San Jose.

Theo các bài diễn văn và những lời tuyên bố của Đức Thánh Cha trên khắp các nẻo đường người đi, ta thấy chính sách của Người là muốn Giáo Hội, hàng giáo sĩ và nhất là giáo dân phải tha gia tích cực vào công cuộc tranh đấu cho nhân quyền, chống lại sự bất công về mọi mặt: xã hội, chính trị, kinh tế . . . Chính sách này đã được góighém gọn gàng trong câu Nguyền tuyên bố sau đây: “Giáo Hội không bao giờ có thể im lặng trước những sự bất công” (The Church can never remain silent in the face of injustice) (AP, New Orleans, Sept, 13, 1987)

Cuộc tranh đấu của giáo dân VN San Jose đã xảy ra theo đúng tinh thần đó. Giáo dân đã vùng lên vì bị chèn ép, giáo dân đã vùng lên vì quyền lợi của mình được ấn định trong hai điều giáo luật 518 và 524 đã bị chối từ. Nói tắt, giáo dân vùng lên vì bị bất công.

Sau hơn một năm trời ròng rã, biết bao nhiêu đau buồn, khổ cực, mặc dầu bị những kẻ xấu bụng dựa thế ĐGM vu cáo đủ điều, nhưng giáo dân vẫn một mực đoàn kết, bền gan vững chí. Tất cả mọi người, Công Giáo hay không Công Giáo, đều ao ước thấy cuộc biến động này chấm dứt bằng một giải pháp công bình, đem lại an bình bền vững, lâu dài.

Nhưng làm thế nào để thực hiện ý muốn đó? Câu hỏi này đã dày vò tâm tư của biết bao nhiêu người trong cuộc cũng như ngoài cuộc. Tại sao chưa có thể thắng vượt được sự khó khăn trong việc tìm một giải đáp thoả đáng? Sau đây, tôi xin mạo muội phân tích theo sự hiểu biết của một người bình thường, không dám ước mong gì hơn là để rộng đường ngôn luận. Để có một ý niệm tổng quát, ta thử xem qua lại những điểm chính trong lịch trình tiến triển của cuộc khủng hoảng này:

1. Trước hết, ta thấy là ĐGM Du Maine đã dùng quyền để bắt giáo dân VN theo chính sách mục vụ của Ngài.

2. Giáo dân Việt Nam nhận thấy là chính sách mục vụ này (được hoạch định rõ ràng trong bức thư của ĐGM gửi các Linh Mục VN đề ngày 31-5-84) sẽ đưa đến sự đồng hoá giáo dân VN vào các xứ Mỹ, ngược lại với giáo luật điều 518 của Giáo Hội về việc thiết lập Giáo Xứ Thể Nhân mà họ nghĩ là họ có đủ điều kiện và khả năng để được. Họ có thêm bằng chứng làm hậu thuẫn cho nhận định của họ khi họ thấy ĐGM thuyên chuyển Cha Tịnh (người ủng hộ việc thành lập Giáo Xứ Thể Nhân) và quyết định bổ nhiệm Cha Dương (người chống lại Giáo Xứ Thể Nhân) Về thay Cha Tịnh (Xin đọc các văn kiện trong CN số 5, trang 16, 17 và 18).

3. Có sự gay go giữa ĐGM và giáo dân, vì ĐGM nhất định dùng quyền của mình và giáo dân dựa vào giáo luật để bênh vực quyền lợi của mình, vì họ nghĩ rằng ĐGM không thể ở trên giáo luật được.

4. Sự gay go này đã gây ra cuộc tranh đấu, sau khi ĐGM đã từ chối xét đơn của giáo dân kêu xin Ngài tạm đình quyết định thi hành của Ngài về việc bổ nhiệm Cha Dương vào chức vụ chánh xứ và cho giáo dân có dịp được trực tiếp trình bày cảm nghĩ của họ.

5. Sự đụng chạm gay gắt đã là nguyên do cho ĐGM ra vạ tuyệt thông cho hai ông Thiện, Bài. Nhưng tám tháng sau, ĐGM đã giải vạ cho hai ông sau khi nhận được văn thư của Toà Thánh.

6. Cuộc tranh đấu đã vượt ra ngoài phạm vi địa phận và đã tới Toà Thánh Vatican. Cho tới nay, vẫn chưa thấy dấu gì là cuộc biến động sắp kết liễu.Người ta tự hỏi: Tại sao Toà Thánh không dùng quyền của mình để giải quyết, vì một lời Toà Thánh phán ra là mọi người phải nghe theo ngay. Giáo dân tranh đấu đã tuyên bố ngay từ đầu cuộc tranh đấu là họ sẵn sàng vâng phục sự phán dạy của Toà Thánh. Sau đây là nhận xét của tôi, rất đơn sơ và giản dị của một người bình thường. Tôi xin đưa ra ví dụ mộc mạc sau đây: Giáo dân, Đức Giám Mục, Đức Thánh Cha (Toà Thánh) có thể ví như một gia đình đại tam đồng đường: Giáo dân là con, Đức Giám Mục là Cha, và Đức Thánh Cha (Toà Thánh) là ông. Trong gia đình Giáo Hội, Đức Thánh Cha có quyền trên Đức Giám Mục, Đức Giám Mục có quyền trên giáo dân. Điều này thật sơ đẳng và ai ai cũng biết như thế. Hiện nay giáo dân đang bất bình với ĐGM vì giáo dân nghĩ là ĐGM đã dùng quyền của mình một cách bất công đối với giáo dân. Vì không hoà giải được giữa ĐGM và giáo dân nên cả hai bên đều báo cáo lên Toà Thánh. Khi nào Toà Thánh đưa ra quyết định thì cả ĐGM và giáo dân sẽ phải nghe theo và sự lộn xộn trong gia đình Giáo Hội sẽ chấm dứt ngay. Vậy tại sao Toà Thánh chưa ra quyết định? Chính vì Toà Thánh chưa ra quyết định nên tôi dám suy luận như sau:

1. Giáo dân đã làm đúng.

Thật vậy, giáo dân đã làm đúng. Vì nếu giáo dân làm sai thì quá dễ dàng cho Toà Thánh quyết định.  Giáo dân là con cái, thấp nhất trong gia đình Giáo Hội, nên Toà Thánh sẽ thẳng tay phán bảo là giáo dân sai, phải dẹp hết mọi chuyện và phải vâng phục ĐGM. Giáo dân sẽ răm rắp vâng phục ngay vì giáo dân tin rằng Toà Thánh có quyền tối cao, vì thế, mọi điều Toà Thánh phán bảo phải được mọi người trong Giáo Hội tuân theo.

2. Đức Giám Mục đã làm sai. Toà Thánh đã thấy sự bất công của Đức Giám Mục đối với giáo dân.

Đây là một điều rất khổ tâm cho Toà Thánh khi phải quyết định về việc này.
Tôi nói Toà Thánh “khổ tâm”, vì một đàng Toà Thánh phải giữ thể diện cho ĐGM, một đàng phải bênh vực những điều hợp giáo luật mà giáo dân đã theo để xin hai thỉnh nguyện, đồng thời thực hiện những điều mà Đức Thánh Cha đang giảng dạy là “Chúng con hãy tranh đấu chống lại mọi hình thức bất công”.

Trong các cuộc công du của Đức Thánh Cha trước đây tại các nước Châu Mỹ La-tinh và tuần trước ở Hoa Kỳ, Đức Thánh Cha luôn luôn nhấn mạnh là phải tìm cách diệt bỏ mọi bất công. Không lẽ những bất công về kinh tế, xã hội, chính trị thì Đức Thánh Cha giục giã mọi người phải tranh đấu, còn bất công viề việc cai trị trong địa phận như trong trường hợp này thì không được tranh đấu? Nếu vậy thì giáo luật điều 518 và 524 đặt ra để làm gì? Làm sao Đức Thánh Cha có thể làm ngược lại những lời giảng dạy của chính Người? (Nên nhớ là giáo dân chống lại lệnh bất công của ĐGM về phương diện hành chánh, không phải về tín lý hay luân lý).

3. Năm ngoái, khi ĐGM ra vạ tuyệt thông cho hai ông Thiện, Bài, hai ông đã kháng án lên Toà Thánh. Toà Thánh đã không muốn xử vụ này. Toà Thánh ra chỉ thị cho ĐGM phải đích thân gặp hai ông để thương thuyết đi đến thoả thuận như Cha Boyle đã tiết lộ trong báo The Catholic Voice ngày 25-5-87, mà tôi có trích đăng trong bài “Sự im lặng của Cha Dương” (CN, bộ mới, số 9, trang 3). Cha Dương và những người có thành kiến chống giáo dân đã sai khi họ nói Toà Thánh đã y án như tôi đã trình bày trong bài nói trên. Mặc dầu Toà Giám Mục không công bố văn thư của Toà Thánh, nhưng theo sự tiết lộ của Cha Boyle, ta có thể hiểu được là Toà Thánh đã không y án. Đàng khác, hai ông Thiện, Bài cũng biết sự thật vì hai ông đòi ĐGM phải xem văn thư của Toà Thánh trước khi họ ký Bản Tuyên Cáo Chung với ĐGM. Nhưng hai ông phải hứa giữ bí mật, nên không dám tuyên bố. Trong cuộc phỏng vấn trên đài truyền hình Tự Do, ông Nguyễn Mạnh có hỏi ông Bài về văn thư này. Ông Bài công nhận là đã được đọc, nhưng ĐGM bắt ông hứa không được tiết lộ nội dung của văn thư. Ông Mạnh hỏi tiếp là theo ông Bài thì văn thư đó có cần giữ bí mật không? Ông Bài đã trả lời “không”, nhưng vì ĐGM muốn giữ bí mật thì ông phải theo. Người ta tự hỏi: Tại sao ĐGM muốn giữ bí mật văn thư đó? Nếu thật sự Toà Thánh y án vạ tuyệt thông thì chắc chắn ĐGM đã công bố văn thư để mọi người biết là Toà Thánh đồng ý với ĐGM và như vậy, cuộc tranh đấu của giáo dân phải chấm dứt ngay.

Vậy, căn cứ vào việc ĐGM muốn giữ bí mật văn thư của Toà Thánh, việc giải vạ cho hai ông mà “không hề có thành kiến hoặc gây thiệt hại gì cho hai ông cả”, việc Cha Boyle tuyên bố với báo The Catholic Voice và nhiều khác mà tôi đã trình bày trong bài “Sự im lặng của Cha Dương” tiểu mục 5 (CN, bộ mới, số 9 trang 3), ta biết được rằng Toà Thánh đã không muốn ra phán quyết vì muốn giữ thể diện cho ĐGM, một đàng không thể nói là giáo dân sai trong việc xin hai thỉnh nguyện của họ.

Trở về  MỤC LỤC   *   Phần 6