Nghệ sĩ Lệ Thủy : Thinh sắc lưỡng toàn |
Tác Giả: Lê Phước/RFI |
Thứ Năm, 30 Tháng 8 Năm 2012 20:31 |
Trong nghệ thuật cải lương, để thành công, một nghệ sĩ đòi hỏi phải có một trong hai yếu tố tiên quyết : thinh và sắc...Trong hai yếu tố này, cái thinh luôn đi trước cái sắc. Thế nhưng, thỉnh thoảng cũng có một vài nghệ sĩ được trời ban cho cả thinh và sắc. Trong số lượng ít ỏi đó có nữ nghệ sĩ Lệ Thủy, một nghệ sĩ “thinh sắc lưỡng toàn”.
Tài không đợi tuổi Lệ Thủy tên thật là Trần Thị Lệ Thủy, sinh ngày 20/05/1948, là con cả của một gia đình nông dân nghèo có 8 người con tại làng Đông Thành, huyện Bình Minh, tỉnh Vĩnh Long. Từ nhỏ cái trách nhiệm “chị hai” (gọi theo kiểu miền Nam) đã sớm đè nặng lên đôi vai Lệ Thủy. Do cuộc sống khó khăn, nên từ nhỏ cô đã theo gia đình bôn ba đến Sài Gòntìm kế mưu sinh. Được phát hiện tài năng ca cổ từ năm mới lên 10 tuổi. Lúc đó các em của Lệ Thủy liên tục đau ốm, gia đình nợ nần tứ phía, Lệ Thủy phải nghỉ học đi làm việc để phụ giúp gia đình và quyết định xin đi theo gánh Trâm Vàng ở Biên Hòa Đồng Naiđể đỡ gánh nặng cho ba má. Cũng như nhiều nghệ sĩ thành danh khác, “vai diễn” đầu tiên của Lệ Thủy trên sân khấu là ngâm thơ hậu trường, rồi có khi được đóng thế những vai kép con, và rồi đóng đào nhì trên sân khấu đoàn Trâm Vàng... Sau đó, Lệ Thủy về công ty Kim Chung của ông bầu Trần Viết Long, một đại bang có đến 7 đoàn hát. Tại sân khấu Kim Chung Lệ Thủy bắt đầu tỏa sáng với vai trò đào chính. Năm 15 tuổi, tức năm 1963, Lệ Thủy được ban tuyển chọn giải Thanh Tâm quyết định trao “Huy chương vàng triển vọng”. Thế nhưng, sau đó ban tuyển chọn mới biết Lệ Thủy 15 tuổi, chưa đủ tuổi theo điều lệ giải. Vì thế, phải đợi đến năm 1964, Lệ Thủy mới chính thức nhận giải thưởng cao quý này cùng với nam nghệ sĩ Thanh Sang. Trong tổng số 24 nghệ sĩ qua 10 đợt phát giải của giải Thanh Tâm, Lệ Thủy là nghệ sĩ có tuổi đời trẻ nhất khi nhận giải. Hồ Bảo Xuyên-Lệ Thủy: đỉnh cao của nghệ thuật ca diễn Ở đoàn Kim Chung, Lệ Thủy đã có dịp đóng cặp với “kép đẹp” Minh Phụng, và đã tạo nên một đôi bạn diễn được khán giả ái mộ, đến mức mà báo chí khi ấy gọi họ là “Cặp bão biển đang lên”. Giai đoạn này, Lệ Thủy đã ghi đậm dấu ấn trong lòng người mộ điệu qua hàng loạt các vở cải lương: Xin một lần yêu nhau, Đêm lạnh chùa hoang, Kiếp nào có yêu nhau, Người phu khiêng kiệu cưới, Áo vũ cơ hàn, Hoa Mộc Lan, Chung Vô Diệm, Mạnh Lệ Quân, Máu nhuộm sân chùa, Tây Thi, Tiêu Anh Phụng, Kiếm Sĩ Dơi, Manh áo quê nghèo, Mỹ nhân và loạn tướng… Trong các vở đó, có lẽ Đêm lạnh chùa hoang là vở mà Lệ Thủy được khán giả nhớ đến nhiều nhất. Lệ Thủy sở hữu một ngoại hình có thể nói là thuộc hàng “bắt mắt nhất” trong số các nữ nghệ sĩ cải lương. Trên sân khấu, dù vào bất cứ vai nào, ở Lệ Thủy cũng toát lên một vẻ đẹp “chân phương” khó tả, nói chung là một vẻ đẹp rất đổi “Nam Bộ”. Có lẽ đó cũng chính là một ưu thế giúp cô dễ dàng lấy được thiện cảm của khán giả miền đồng bằng sông nước Cửu Long. Nói về diễn xuất, Lệ Thủy có một phong cách diễn “chân phương” tương đồng với vẽ đẹp “chân phương” của cô. Ở Lệ Thủy, ta thấy cô thể hiện nhân vật lúc nào cũng “rất vừa đủ”, không bao giờ diễn quá lố, mà cũng chẳng khi nào có chuyện diễn “không tới”. Đây là một cách diễn rất khó, vì nó đòi hỏi người nghệ sĩ phải nghiên cứu rất kỹ kịch bản, nhất là phải là “chân tài thực học” thì mới có đủ khả năng ước lượng chính xác cách diễn thế nào là “vừa đủ”, bởi diễn quá một chút là “dư”, mà diễn non một chút là “thiếu”, trong khi trên sân khấu cải lương, “thiếu” hay “dư” gì cũng đều không tốt. Hơn nữa, cách diễn “chân phương”, nói cách khác là “có sao diễn vậy”, góp phần đưa sân khấu gần hơn với đời thường, gần hơn với khán giả, khác hẳn với những nghệ sĩ bị chi phối bởi trường phái “ước lệ tượng trưng” của nghệ thuật hát bội. Cải Lương chi bảo Bạch Tuyết nhận định: “Hiếm ai cùng một lúc hội đủ cả hai yếu tố ca - diễn nhưng Lệ Thuỷ đã làm được, và đã làm trên cả tuyệt vời”. Trong tuồng Đêm lạnh chùa hoang, với vai quận chúa Mông Cổ Hồ Bảo Xuyên, Lệ Thủy đã thật sự đạt đến trình độ “ca trong diễn, diễn trong ca”. Cái vai quận chúa Hồ Bảo Xuyên như viết ra là chỉ để dành cho Lệ Thủy, bởi cô có một sắc diện “sáng sân khấu”, rất hợp làm một “lá ngọc cành vàng”, cô cũng có một giọng ca kim pha thổ, trong trẻo mà có pha chút trầm lặng, rất hợp để biểu hiện cho tâm trạng “buồn nhưng không thảm”, “bi nhưng không lụy”, một tâm trạng bi hùng của nàng quận chúa Mông Cổ. Hồ Bảo Xuyên của Lệ Thủy là một quận chúa Mông Cổ uy nghi, oai phong lẫm liệt, lấy sát phạt làm niềm vui, lấy xâm lăng làm lẽ sống, thế nhưng đã bị tiếng sét ái tình đánh trúng khi gặp chàng trai đất Trung Nguyên tên Tần Lĩnh Sơn. Thế là tình yêu đã sinh ra trong chiến tranh và loạn lạc, giữa một kẻ trong tư thế xâm lăng, và một người quyết chí bảo vệ quê hương đất nước. Đoạn hay nhất trong vở tuồng này là đoạn cuối, lúc Tần Lĩnh Sơn vào ngôi chùa hoang lấy được nửa bức mật đồ, và sau đó bị quân của quận chúa Hồ Bảo Xuyên bao vây. Trước tình thế trái ngang phải chọn lựa giữa tình yêu và đất nước, Hồ Bảo Xuyên đã chọn cách hy sinh thân mình để cứu người yêu. Đến lúc đó, khán giả bổng dưng rơi lệ xót xa cho số phận của nàng quận chúa Hồ Bảo Xuyên-Lệ Thủy trên sân khấu. Đoạn ca diễn lúc Hồ Bảo Xuyên và Tần Lĩnh Sơn uống rượu chia tay trong ngôi chùa hoang trước khi quyết đấu sinh tử là đoạn ca diễn “trên cả tuyệt vời”, làm cho người xem được “sướng con mắt”, còn người nghe thì được “đã cái lỗ tai”. Năm 2007, trong kỉ niệm 45 năm nghiệp cầm ca tổ chức tại nhà hát lớn thành phố Hồ Chí Minh, một Lệ Thủy tuổi lục tuần đã vào vai một Hồ Bảo Xuyên tuổi đôi mươi một cách “ngọt lùi”. Nhất là đến đoạn trong ngôi chùa hoang nói trên, khi Tần Lĩnh Sơn-Minh Phụng đang chợp mắt sau khi lấy được nửa bức mật đồ mà không hề biết quân Mông Cổ đến bao vây, Hồ Bảo Xuyên-Lệ Thủy ca một đoạn Lý Con Sáo: “Sầu đêm này và ngàn đêm nữa đi, em vẫn yêu chỉ yêu một mình anh. Dù chia lìa tình đôi nơi cách xa, ngủ đi anh một giấc mơ thần tiên”, rồi vô vọng cổ: “Ngủ đi anh một giấc ngủ thần tiên trên trăm miền hoa cỏ, rồi rạng sáng ngày mai mình chia tay vĩnh viễn, người ở đầu sông kẻ cuối chân trời”, nghe Lệ Thủy ca, xem Lệ Thủy diễn trên sân khấu, khán giả chợt thốt lên: “Đúng là gừng càng già càng cay”, bởi ca ngọt quá, mà diễn cũng hay quá. Tô Ánh Nguyệt-Lệ Thủy : một hình mẫu kinh điển của sân khấu cải lương Nhìn lại những thập niên 1960-1970, Lệ Thủy “tung hoành” chủ yếu trong các tuồng kiếm hiệp. Bắt đầu những thập niên 1980, cô mới thật sự chinh phục khán giả trong các vai xã hội. Giai đoạn đoạn này, tên tuổi Lệ Thủy được gắn nhiều nhất với đoàn 2-84. Số là váo tháng Hai năm 1984, Lệ Thủy cùng với một số nghệ sĩ gạo cội như Diệp Lang, Minh Vương, Bạch Tuyết, Ngọc Giàu … theo đoàn nghệ sĩ của nhà nước Việt Nam đi biểu diễn ở Tây Âu, đây được xem là lần đầu tiên cải lương Việt Nam đem chuông đi đánh xứ người. Sau chuyến lưu diễn ấy, các nghệ sĩ trong đoàn hợp lại thành lập nên đoàn nghệ thuật 2-84. Ở đoàn 2-84, Lệ Thủy để đời với các vai diễn trong nhiều vở cải lương đặc sắc như Tô Ánh Nguyệt, Áo cưới trước cổng chùa, Kiếp chồng chung, Lôi vũ …Trong các vở đó, vai diễn làm bất tử hình ảnh Lệ Thủy trong lòng người mộ điệu là vai Nguyệt trong tuồng Tô Ánh Nguyệt của soạn giả Trần Hữu Trang. Từ đó đến nay, mỗi khi nhắc đến Lệ Thủy là người mộ điệu cải lương lập tức nghĩ trước tiên đến Tô Ánh Nguyệt, mà mỗi khi nhắc đến Tô Ánh Nguyệt là nghĩ ngay đến Lệ Thủy. Bàn về vai Nguyệt, trước Lệ Thủy, đã có khá nhiều nữ nghệ sĩ bậc thầy thủ diễn thành công. Bởi vậy, nhận đóng vai này quả thật là một “sự liều lĩnh” đối với Lệ Thủy. Ấy thế mà, chính “sự liều lĩnh” kia đã thật sự làm bất tử tên tuổi Lệ Thủy trong nghệ thuật sân khấu cải lương. Cái hay của Lệ Thủy là cô đã không rập khuôn theo các nghệ sĩ đi trước, mà cô đã diễn vai Nguyệt đúng theo phong cách “chân phương” của riêng mình. Lệ Thủy đã thành công khi lột tả được một cô Nguyệt “kiên cường và bản lĩnh”: kiên cường vượt qua vòng lễ giáo phong kiến để lựa chọn tình yêu cho chính mình, kiên cường vượt qua sóng gió cuộc đời để bảo vệ bào thai là kết quả của một mối tình thơ mộng, kiên cường bứt ruột giao con cho vợ chồng Minh để theo cha về nhà phụng dưỡng mẹ già đang lâm trọng bệnh, kiên cường tỏ vẻ lạnh nhạt với Minh để bảo vệ hạnh phúc cho người mình yêu và cho đứa con khờ, kiên cường ôm đau khổ về quê sau khi bị chính đứa con ruột của mình tìm đến xua đuổi… Thế nhưng, cô Nguyệt của Lệ Thủy không chỉ có kiên cường, mà vẻ kiên cường đó là sự cố gắng bên ngoài, còn trong cõi lòng thì đầy phong ba bão táp. Đoạn thể hiện tâm lí nhân vật hay nhất là đoạn gần hai mươi năm sau, lúc ấy Minh đã có vợ, con của Minh và Nguyệt là Tâm thì được vợ chồng Minh nuôi dưỡng, còn Nguyệt thì âm thầm tìm đến sống gần đó để được phần nào có cảm giác gần con. Thế là Minh thường xuyên lui tới thăm Nguyệt và van nài Nguyệt nối lại tình xưa. Nguyệt kiên quyết không chấp nhận vì hạnh phúc của Minh và của con mình. Bởi vậy, trước mặt Minh, Nguyệt phải tỏ ra lạnh lùng, kiên quyết từ chối, thậm chí còn nặng lời xua đuổi Minh, ấy thế nhưng trong lòng thì cô còn yêu Minh nhiều lắm. Hay lắm đoạn Minh-Minh Vương van nài Nguyệt-Lệ Thủy nối lại tình xưa, Nguyệt-Lệ Thủy nói: “Chúng ta hãy dành tất cả những gì tốt đẹp nhất cho con”. Minh-Minh Vương hỏi khó: “Còn chúng ta ?”, thì Nguyệt-Lệ Thủy trả lời: “Hãy sống như loài chim Uyên Ương khi thời tiết đổi thay, một con chẳng may bị cuốn vào sóng dữ, thì con còn lại một mình đương sức gió, vẫn tháng tháng tháng ngày ngày gào to trên sóng dữ”. Minh-Minh Vương chỉ vào cập gối thêu chim Uyên Ương hỏi tiếp: “Nhưng đã từ lâu rồi em….?!”, trong dụng có ý nhắc Nguyệt rằng: “Em vẫn còn yêu anh, và bằng chứng là cặp gối thêu chim Uyên Ương này”, thì Nguyệt-Lệ Thủy trả lời: “Giấc xuân mộng từ lâu cam trống trãi. Tình gối chăn nay vẫn chịu lạnh lùng. Nghĩa mẹ con xin có lúc được trùng phùng. Duyên can lệ…”. Đến chữ “Duyên can lệ”, Nguyệt-Lệ Thủy đưa mắt nhìn Minh-Minh Vương nói tiếp: “…không thể nào tái hợp”. Ánh mắt của Nguyệt-Lệ Thủy khi ấy thể hiện sự dứt khoát cho người kia thấy rõ rằng: câu chuyện bắt buộc phải giải quyết như vậy, và không còn cách nào khác. Ấy thế nhưng, trong sự dứt khoát đó, Lệ Thủy lại để trong ánh mắt cô Nguyệt đượm nét u buồn đong đầy tình cảm, một nổi u buồn sâu thẳm miên man, một ánh mắt không phải chỉ để thể hiện sự quyết liệt từ chối của mình, mà còn để cho người kia biết rằng: “Em còn yêu anh lắm, bởi thế đến nay vẫn không bước thêm bước nữa. Nhưng thôi anh ơi, chúng ta hãy sống vì hạnh phúc của con. Anh hãy hiểu và xẻ chia với em điều đó”. Cái ánh mắt dứt khoát nhưng tình cảm để tìm kiếm sự cảm thông kia thật sự đã khẳng định trình độ diễn xuất thượng thừa của Lệ thủy, nó đã “ám ảnh” người xem suốt suốt mấy chục năm qua. Rồi đến khi Minh từ biệt ra về, lúc ấy Minh-Minh Vương- đang bệnh nặng, nên phải lê bước rất nặng nề và cất tiếng ho, ở sau lưng, Nguyệt-Lệ Thủy ứa nước mắt len lén nhìn theo, khi thấy Minh-Minh Vương toan ngoái đầu lại, lập tức Nguyệt-Lệ Thủy cuối đầu làm mặt lạnh trong nước mắt, rồi khi Minh-Minh Vương vừa bước chân đi khỏi, thì Nguyệt-Lệ Thủy mới khóc òa lên. Có hay đâu khi giọt nước mắt của Nguyệt-Lệ Thủy đang âm thầm trên sân khấu, thì khán giả dưới kia chợt thấy con tim khó thở, đến khi cô Nguyệt-Lệ Thủy khóc òa, thì cũng là lúc nước mắt khán giả bỗng tuôn trào lai láng. Đoạn này tuy rất đời thường, diễn biến tâm trạng không mấy phức tạp, nhưng lại rất khó diễn, bởi như người ta thường nói: “Vẽ ma thì dễ chứ vẽ người thì khó”, do đó diễn xuất một cái gì càng gần với đời thường chừng nào thì càng khó diễn chừng ấy, diễn dư hay thiếu một chút là bị phát hiện ngay. Trong vai Tô Ánh Nguyệt, quả thật là Lệ Thủy đã diễn rất “vừa đủ”, một sự vừa đủ chuẩn mực, diễn quá một chút nữa cũng không được, mà diễn non một chút nữa cũng không hay. Cuối năm 2011, Lệ Thủy đã được tái ngộ khán giả Paris sau 27 năm kể từ khi cải lương Việt Nam đem chuông đi đánh xứ người vào năm 1984. Xem Lệ Thủy diễn lại vai Tô Ánh Nguyệt trên sân khấu, khán giả mới chợt nhận ra rằng: không còn ranh giới giữa nhân vật và nghệ sĩ nữa. Lệ Thủy đã thật sự biến thành cô Nguyệt, và cô Nguyệt cũng đã thật sự “nhập” vào Lệ Thủy. Tất cả những động tác trên sân khấu, từ nói, ca, đi, đứng, khóc, cười của cô Nguyệt-Lệ Thủy khi ấy đã trở thành một cái gì rất tự nhiên, rất vừa đủ, rất chân phương và rất Lệ Thủy. Có thể nói rằng, Lệ Thủy đã tạo nên một hình mẫu cho nhân vật Tô Ánh Nguyệt. Thành công của Lệ Thủy trong vai diễn này lớn đến mức mà đã có khuynh hướng làm lu mờ các thế hệ sau khi diễn vai Tô Ánh Nguyệt, bởi khi nghe nói Tô Ánh Nguyệt, là người mộ điệu nghĩ ngay đến Lệ Thủy. Giọng ca Lệ Thủy: Vang mãi tiếng chuông ngân Cái duyên sân khấu của Lệ Thủy rất lớn, bởi vậy dường như vừa xuất hiện trên sân khấu là khán giả đã “cảm thấy thương rồi”. Bên cạnh đó, giọng ca của Lệ Thủy cũng có cái duyên đặc biệt khó tả, một giọng ca cũng được xem là “vừa nghe đã thấy thương rồi”. Đi vào kỹ thuật một chút thì ta thấy rằng giọng ca Lệ Thủy sang sảng, trong như pha lê, nhưng lại có pha một chút trầm buồn. Đó là “giọng kim pha thổ”, lảnh lót, sâu lắng, rất ngọt, rất giòn. Ở ngoài đời, giọng nói Lệ Thủy nghe khàn khàn, thế mà khi lên sân khấu bổng nhiên trở nên trong trẻo, lảnh lót. Trong một lần diễn chung với cô, trước khi lên sân khấu, thấy giọng cô khàn khàn nên tôi hơi lo vì sợ một chốc lên sân khấu cô sẽ không hát được, nhưng cô cười và cho tôi biết, giọng cô ngoài đời và trên sân khấu xưa nay rất khác nhau, ngoài đời giọng cô khàn khàn, có khi bị bệnh lại càng khàn hơn, nhưng mà lạ thay, khi lên sân khấu thì lập tức cái giọng khàn khàn ấy trở nên trong trẻo ngọt ngào. Và quả đúng như vậy, lần ấy khi cô lên sân khấu, tôi chợt giật mình vì cái giọng khàn khàn đã biến đi đâu mất, mà thay vào đó là một giọng ca lảnh lót đến khó tả. Đúng thật là “lạ thay”, cái “lạ thay này” này chính là “cái duyên sân khấu” của Lệ Thủy. Giọng Lệ Thủy rất tương đồng với giọng hát của nữ danh ca Thanh Hương: cả hai đều được cho là có “giọng kim pha thổ”, ngoài ra cả hai điều cùng một trường phái “ca chân phương”, nói nôm na là “có sao ca vậy”. Mà “chân phương” lại chính là cái hồn của bài vọng cổ, bởi vậy mà hai cô đều đã để đời với nhiều bài vọng cổ đặc sắc. Lệ Thủy từng tâm sự là cô thần tượng giọng ca Thanh Hương, người thuộc hàng tiền bối của cô, bởi khi Lệ Thủy mới chập chững vào nghề thì giọng ca Thanh Hương đã nổi đình nổi đám trong làng cải lương Nam Bộ. Lệ Thủy cho biết: “Nghệ sĩ trẻ thường hay nghe rồi bắt chước cách luyến láy, sắp xếp nhịp của nghệ sĩ đi trước nhưng nó chỉ là cái nền, còn phát triển theo hướng nào phải tùy vào nỗ lực của mình”. Và Lệ Thủy đã làm được điều đó: cũng là lối ca chân phương, nhưng với sự rèn luyện không ngừng, giọng ca Lệ Thủy đã dần thoát khỏi ảnh hưởng của Thanh Hương ở cái gọi là “hoa lá”, tức cách nhấn nhá, luyến láy, xấp chữ đã tạo thành nét riêng của Lệ Thủy. Thậm chí đến giọng ca, dù là cùng giọng “kim pha thổ”, nhưng Lệ Thủy đã tạo được một giọng ca rất riêng mà hễ vừa cất lên thì người nghe biết ngay là Lệ Thủy, không thể nhầm lẫn vào đâu được. Lệ Thủy đã khẳng định mình thành công đến mức mà đã được nhiều nhà chuyên môn xếp cô thành một trường phái ca cổ riêng: “Trường phái Lệ Thủy”, tức tách biệt hẳn với “Trường phái Thanh Hương”. Giọng ca Lệ Thủy lảnh lót, trong trẻo lại có chút trầm buồn nhưng không quá bi lụy, giống như tiếng chuông chiều ngân nga trong gió, nó vang rất xa nhưng lại được truyền đi một cách nhè nhẹ mơ hồ, nó không chói tai khi nghe gần mà rất rõ khi ở xa, nó không quá ồn ào nhưng lại đầy đủ âm điệu và hơi thở. Bởi vậy mà người nghe có được cái cảm giác “nhẹ nhàng” để rồi mới nghe xong lại muốn tiếp tục nghe nữa, để rồi thấy tiếng ca duyên dáng, chân tình biết bao nhiêu, để rồi nhắm mắt lại thả hồn theo tiếng ca như thả hồn nương theo tiếng chuông chiều ngân nga trong cơn gió nhẹ lướt trên con sóng nhấp nhô của những dòng sông hiền hòa miền Châu Thổ Cửu Long. Đó chính là nét độc đáo của giọng ca Lệ Thủy, một giọng ca mà người mộ điệu cải lương không chỉ còn ái mộ ở mức thông thường, mà đã lên đến mức “yêu thương say đắm”. Khán giả mãi không bao giờ quên giọng ca Lệ Thủy qua hàng loạt các bài vọng cổ trứ danh: Cô gái bán đèn hoa giấy, Tiền và lá, Anh đi xa cách quê nghèo, Bạch Thu hà, Chàng là ai, Quán gấm đầu làng với Minh Cảnh, Chuyện tình Lan và Điệp với Trọng Hữu, Bánh Bông Lan với Minh Vương, Dòng sông quê em với Thanh Tuấn, Con gái của mẹ với Phượng Liên… Năm 2007, trong Live Show 45 năm nghiệp cầm ca của mình, Lệ Thủy đã cùng hai giọng ca nữ quí báu khác còn sót lại của sân khấu cải lương là Sầu nữ Út Bạch Lan và Cải lương chi bảo Bạch Tuyết khẳng định một lần nữa nét đẹp của bản vọng cổ khi cả ba ru hồn khán giả qua bài Tình quê hương của nghệ sĩ Bạch Tuyết dưới bút danh là Nguyễn Thị Khánh An. Nghệ sĩ được sự yêu mến ngoại hạng của khán giả Đóng góp nghệ thuật của nghệ sĩ Lệ Thủy đã được ghi nhận qua nhiều giải thưởng cao quý:Giải Thanh Tâm năm 1964, Giải Kim Khánh năm 1974, “Danh ca vọng cổ được yêu thích nhất” năm 1989 do báo Sân khấu TP.HCM tổ chức, Danh hiệu nghệ sĩ ưu tú năm 1993, “Kỷ lục Guiness Việt Nam 2008 cho Đôi bạn diễn lâu năm và ưng ý nhất” (cùng với nghệ sĩ Minh Vương), Giải Mai vàng cho hạng mục “Nữ diễn viên cải lương được yêu thích nhất” do báo Người Lao Động tổ chức năm 2008và 2009, Danh hiệu nghệ sĩ nhân dân năm 2012. Thế nhưng, còn một giải thưởng không thể không nhắc đến, một giải thưởng cực kì quý giá mà bất kì nghệ sĩ nào cũng mơ ước, đó là sự ái mộ đặc biệt của khán giả Nam Bộ dành cho nữ nghệ sĩ Lệ Thủy, một sự ái mộ “chưa từng thấy”. Từ những năm 1990, Lệ Thủy là một trong những nghệ sĩ thuộc hàng "cây đa cây đề" về lưu diễn ở các tỉnh Miền Nam, đem lời ca tiếng hát đến cho đồng bào vùng sâu vùng xa. Những câu chuyện “thật như đùa” về sự ái mộ “không thể tưởng nổi” của khán giả dành cho Lệ Thủy cũng bắt đầu xuất hiện. Còn nhớ ngày ấy lần đầu tiên Lệ Thủy về biểu diễn ở quê tôi, một xã vùng sâu thuộc Miền Tây Nam bộ, vì xã không có rạp hát nên nhà tổ chức phải dùng lưới sắt và vải bao thành một vòng tạo ra “rạp hát ngàn sao” trước sân ủy ban xã. Nghe nói 5 giờ chiều là Lệ Thủy sẽ lên đến “rạp”, thế là bà con không kể già, trẻ, lớn, bé từ 3 giờ chiều đã đứng chật cứng cổng “rạp” để chờ Lệ Thủy. Cuối cùng, khoảng 5 giờ xe hơi chở Lệ Thủy đã đến trước cổng “rạp”, nhưng không cách nào chạy vào trong được vì bà con hò hét đòi gặp Lệ Thủy. Không hiểu sao lúc đó trời bắt đầu mưa như trút nước như là để “giải vây” cho Lệ Thủy, thế nhưng lạ thay, lạ kỳ thay: bà con không ai chạy đi tránh mưa, tất cả vẫn “bám trụ vị trí chiến đấu” mặc cho cơn mưa xối xả. Đến mức mà Lệ Thủy phải cầm dù (ô) bước ra khỏi xe chào bà con, thế là bà con mới “tha” cho xe chở Lệ Thủy vào. Khi một nghệ sĩ lớn về quê biểu diễn thì lúc nào cũng có phần giao lưu trực tiếp với khán giả: nghệ sĩ đứng trên sân khấu nói chuyện với khán giả, khán giả được phát micro để tâm tình công khai với nghệ sĩ trên sân khấu. Qua những lần giao lưu như thế, mới càng thấy rõ cái lòng ái mộ không thể tưởng nổi của khán giả nông thôn dành cho Lệ Thủy. Nào là chuyện một bà lão cầm micro tâm sự: “Mỗi ngày đi mần (làm) về, nghe tiếng con ca là má hết mệt liền”, rồi chuyện có một nữ khán giả tuổi gần ngũ tuần, đứng dậy cầm micro hỏi tuổi Lệ Thủy, khi nghe Lệ Thủy cho biết tuổi, khán giả nữ nọ tỉnh bơ: “Vậy là con lớn hơn má hai tuổi”. Thế đấy, trong lòng bà con mê cải lương Nam Bộ, Lệ Thủy vẫn mãi trẻ trung như giọng ca lảnh lót ngọt ngào của cô vậy. Rồi đến chuyện có một cụ bà mới 2 giờ chiều đã lụ khụ mang chiếu đến ”rạp ngàn sao” chọn chỗ gần sân khấu để trải chiếu ngồi chờ đến tối khi Lệ Thủy diễn thì được nhìn rõ mặt Lệ Thủy hơn. Đến khi vãn hát, cụ bà về nhà mới phát hiện… ăn trộm đã vét hết lu gạo rồi. Còn nghe kể có cụ bà khi hấp hối còn kêu con cháu bật máy cassette để nghe tiếng hát Lệ Thủy. Có khi trên đường đến chỗ hát, đoàn xe chở Lệ Thủy phải qua phà. Thế là nhiều lần xe chở Lệ Thủy lên phà rồi, phà chạy đến giữa kênh đào thì không tài nào cặp bến bên kia được: vì bà con hay tin tập trung dầy đặc cả hai bên bờ kênh. Còn việc về Miền Tây mà thấy có những gia đình vì quá yêu Lệ Thủy nên đặt tên cho con gái mình là Lệ Thủy cũng là chuyện rất phổ biến…và còn nhiều câu chuyện “thật như đùa” như vậy lắm, đúng là “kể đến sáng cũng chưa hết”… Trong lịch sử cải lương Nam Bộ từ gần một thế kỉ nay, thật sự khó mà tìm được một nghệ sĩ được khán giả nông thôn ái mộ đến mức như thế. Giải thích nguyên nhân thì có nhiều lắm: có người cho rằng do giọng ca Lệ Thủy chân phương, mộc mạc nên dễ tiếp cận người nông thôn, có người lại bảo là do Lệ Thủy có một vẻ đẹp rất bình dị, lại có một lối sống bình dân nên được bà con thương mến … Ai cũng có lý riêng của mình, nhưng để giải thích đến nơi đến chốn một sự ái mộ “đến khó hiểu” như vậy thì thật là không thể, chỉ còn biết bảo rằng: “cái duyên sân khấu” của Lệ Thủy quá lớn, cô đã được tổ nghiệp ưu ái và đã đền đáp cho sự rèn luyện, cống hiến của cô bằng phần thưởng cao quý đó, một phần thưởng mà “có vàng cũng không mua được”.
|