Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Tấn Tài : Vị hoàng đế có giọng ca liêu trai

Tấn Tài : Vị hoàng đế có giọng ca liêu trai PDF Print E-mail
Tác Giả: Lê Phước   
Thứ Tư, 22 Tháng 8 Năm 2012 20:59

Nhắc đến Tấn Tài, trước tiên là nhắc đến một người có tâm hồn yêu cải lương tha thiết, đến mức mà bỏ cả nghề giáo để theo nghiệp cầm ca. 

 


Giọng ca Tấn Tài để đời với Hận Kinh Kha và Phạm Lãi biệt Tây Thi (DR)

Sân khấu cải lương thời hoàng kim đã tạo nên một phong trào “trăm hoa đua nở” với sự thành danh của nhiều nghệ sĩ bậc thầy. Cái đặc sắc nhất của các nghệ sĩ thuộc thế hệ này, là dù tất cả đều hay, đều nổi tiếng, đều được khán giả ái mộ, nhưng lạ thay, từ giọng ca đến phong cách biểu diễn, không ai trùng lắp với ai.

Đặc biệt là giọng ca, khi nghệ sĩ vừa cất giọng, dù chưa nhìn thấy mặt, thì người mộ điệu cũng lập tức biết ngay đó là giọng ca của nghệ sĩ nào. Trong những giọng ca đặc sắc đó có giọng ca liêu trai của “Hoàng đế đĩa nhựa” Tấn Tài. Với giọng ca ngọt nhẹ và kiểu nhấn nhá rất đặc trưng, giọng ca Tấn Tài đã tạo được một trường phái ca cổ riêng trong làng sân khấu cải lương. Đến giờ phút này, giọng ca và lối ca của Tấn Tài vẫn thuộc hàng "độc bộ thiên hạ".

Nhà giáo mê nghiệp cầm ca

Nhắc đến Tấn Tài, trước tiên là nhắc đến một người có tâm hồn yêu cải lương tha thiết, đến mức mà bỏ cả nghề giáo để theo nghiệp cầm ca. Nghệ sĩ Tấn Tài tên thật là Lê Tấn Tài, sinh năm 1938 tại xã Vĩnh Trạch, huyện Núi Sập, tỉnh An Giang. Cha mẹ ông làm nghề buôn bán. Sau khi thi đậu trung học đệ nhất cấp ở An Giang, ông ra làm thầy giáo dạy học ở trường Thoại Ngọc Hầu. Khi ấy, ông thường xuyên tham gia đờn ca tài tử. Sân chơi tài tử ấy đã làm cho ngọn lửa yêu cải lương ngày càng bùng lên dữ dội trong lòng nhà giáo trẻ. Thế là vào năm 1959, ông khăn gói lên Sài Gòn theo gánh hát. Gia đình đã nhiều lần đến bắt ông về, nhưng ông vẫn quyết chí theo đuổi nghiệp cải lương.

Trong xã hội Việt Nam lúc bấy giờ, cái nghề ca hát dù được nổi danh, dù kiếm được nhiều tiền, nhưng vẫn còn phải hứng chịu cái quan niệm cổ hủ “Xướng ca vô loài”. Trong khi đó, thì từ bao đời nay, nhà giáo luôn được xã hội quí trọng dù nghèo khổ về bề vật chất. Thế mới thấy quyết định bỏ nghề giáo theo nghiệp cầm ca của Tấn Tài quả là một quyết định táo bạo, cho thấy cái lòng yêu cải lương của Tấn Tài mới mãnh liệt làm sao! Chẳng bao lâu khi rời quê lên Sài Gòn, nhà giáo trẻ ngày nào đã trở thành anh kép chánh Tấn Tài, được các đoàn cải lương và các hãng đĩa lớn săn đón, được khán giả mến mộ.

Anh kép không biết kén đào

Nghệ thuật cải lương có một điều kì diệu, đó là “cái duyên sân khấu”. Trong nghề hát ca, không phải nghệ sĩ tài năng nào cũng được nổi tiếng, cũng được mến mộ. Sự yêu ghét của khán giả dành cho một nghệ sĩ thật không thể lí giải được theo lô gích thông thường, mà khi một nghệ sĩ được thành công, tức được khán giả yêu mến thì người ta cho rằng nghệ sĩ đó “có duyên sân khấu” và “được tổ đãi”. Trên thực tế, có nhiều trường hợp nghệ sĩ có tài có sắc thật sự, nhưng rốt cuộc lại không được nổi danh bằng chị bằng em, đành phải chấp nhận số phận và tự nhủ là “tổ nghiệp không thương”, tức thiếu “cái duyên sân khấu”.

Bên cạnh đó, “cái duyên sân khấu” còn có thể được hiểu là “cái duyên đóng cặp” của một đôi nghệ sĩ trên sân khấu. Không phải đào kép nào đóng cặp cũng được khán giả đón nhận. Có khi cả đào lẫn kép đều là nghệ sĩ tài năng, nổi tiếng, nhưng “không có duyên diễn chung”, cho nên dù cố gắng đóng cặp cũng không tạo được dấu ấn trong lòng khán giả.

Về vấn đề này, có lẽ Tấn Tài là một trường hợp ngoại lệ bởi ông được mệnh danh là “Kép không kén vai nữ”. Năm 1964, Tấn Tài là kép chánh của đoàn Dạ Lý Hương bên cạnh Cải lương chi bảo Bạch Tuyết. Có thể nói đây là một trong những đôi bạn diễn thành công nhất của sân khấu cải lương, từ sự tương đồng về giọng ca, cách nhả chữ, đến nghệ thuật biểu diễn điêu luyện. Ngoài Bạch Tuyết, Tấn Tài còn đóng cặp thành công với nhiều nữ diễn viên cải lương gạo cội khác như Út Bạch Lan, Thanh Nga, Lệ Thủy, Ngọc Giàu, Mộng Tuyền, Mỹ Châu…

Không chỉ thành công trong các vở tuồng xã hội, mà Tấn Tài còn để đời với nhiều vai diễn kiếp hiệp đặc sắc. Có lẽ do xuất thân nhà giáo, nên cái nét chững chạc cũng đeo bám anh trên sân khấu. Tấn Tài có một lối diễn đơn giản mà chững chạc, diễn mà như không diễn, không quá ồn ào cũng không quá trầm lặng. Nói chung, anh diễn rất tiết độ với biểu hiện vừa đủ cho tâm trạng nhân vật. Cách diễn này tưởng dễ mà quá ra lại rất khó, bởi nó đòi hỏi người nghệ sĩ không được ỷ lại vào tài năng để hát cương, mà phải nghiên cứu kỹ lưỡng nhân vật để điều tiết cách ca diễn cho vừa đủ. Lối diễn này có vẻ đang thiếu ở thế hệ nghệ sĩ cải lương hiện tại, bởi có người thì không chịu nhập vai nên cái tính “giả bộ”, cái tính “đóng cải lương” lộ rõ trên sân khấu, có người nhập vai nhưng lại thể hiện thái quá tâm lí nhân vật.

Trong vô số vở cải lương có Tấn Tài tham gia biểu diễn, có lẽ Chuyện Tình An Lộc Sơn là vở diễn minh chứng rõ ràng nhất cho đỉnh cao nghệ thuật ca diễn của Tấn Tài. Bên cạnh Nữ hoàng sân khấu Thanh Nga trong vai Dương Quí Phi, Tấn Tài thể hiện vai An Lộc Sơn một cách xuất thần, cả về diễn xuất lẫn kỹ thuật ca. An Lộc Sơn của Tấn Tài là một vị võ tướng uy phong lẫm lẫm, nhưng khi yêu thì trở nên rất dịu dàng và yêu say đắm. Tấn Tài đã tạo ra một An Lộc Sơn rất lịch lãm trong tình yêu, nhưng cũng rất thiện chiến trên sa trường. Cách biểu diễn của Tấn Tài đã khiến cho người xem không thấy rằng An Lộc Sơn yêu Dương Quí Phi một cách mù quáng đến mức phải khởi binh tạo phản, mà là một An Lộc Sơn được khán giả cảm thông bởi vì đã sẵn sàng đánh đổi tất cả nhằm bảo vệ tình yêu chân thật của mình. Đến hiện tại, vai An Lộc Sơn của Tấn Tài vẫn chưa thấy có người thay thế xứng tầm.

Một giọng hát liêu trai

Nhắc đến Tấn Tài là nhắc đến một giọng ca “lạ”, và đến hiện tại giọng ca này vẫn thuộc loại “độc bộ thiên hạ”. Xuất thân là nhà giáo, nên ông rất nghiêm túc trong mọi việc. Mỗi nhân vật, mỗi lời ca ông đều tìm hiểu kỹ lưỡng, bởi thế ông biết nhấn nhá, luyến láy đúng nơi đúng chỗ, biết chọn “vuốt” những từ cần thiết để khơi dậy xúc cảm của khán giả. Về mặt này, soạn giả Viễn Châu - danh cầm Bảy Bá nhận định: “Tấn Tài xuất thân là một nhà giáo nên cách ca và luyến láy của anh đầy tính văn học. Chính anh đã góp phần làm sang trọng thêm bài vọng cổ.

Về kỹ thuật ca, người trong nghề nói vui với nhau rằng, Tấn Tài ca dường như muốn đùa giỡn với dàn đờn. Bởi người nghệ sĩ phải nắm vững niêm luật, cách chơi mới dám đùa giỡn với nhịp. Nghe anh Tấn Tài ca cứ tưởng anh sẽ bị rớt nhịp và dàn đờn sắp vớt anh, thế mà không bao giờ anh rớt. Nghe anh ca vọng cổ vì thế mà sướng trong sự cảm nhận, bởi chất nam tính trầm hùng, chất lãng mạn liêu trai như quyện chặt vào bài vọng cổ”.

Tấn Tài có một làn hơi rất riêng khiến người nghe không thể nhầm lẫn với bất kì giọng ca nào khác. Lối ca của Tấn Tài vừa ngọt, vừa cao, vừa nhẹ. Cái mà khán giả dễ nhận ra nhất ở Tấn Tài đó chính là cách ông “nhấn kéo dài”những chữ mang dấu sắc nói riêng và cách ông “vuốt” những chữ mang thanh trắc (sắc, hỏi, ngã, nặng) nói chung. Ông thả hơi cho những chữ này rất nhẹ và “mỏng như lá lúa”. Ví dụ như ba tiếng “Thái Chân ơi” mà ông ca trong vở Chuyện tình An Lộc Sơn, ông ca thành “Th…á…i....(thả hơi)…Chân ơi”. Tức thay vì ca liên tục ba chữ như những người khác, Tấn Tài kéo dài chữ “Thái” và ca liên tục hai chữ còn lại. Khi ông kéo dài, giữa chữ “Thái” và chữ “Chân” không đứt quãng hẳn, mà vẫn còn được kết nối bằng một làn hơi thật mỏng, và chính cái làn hơi thật mỏng này là nét rất riêng của Tấn Tài.

Hay như trong bài vọng cổ Hận Kinh Kha, trong câu thơ nói lối: “Tân khách muôn người lệ chứa chan”, Tấn Tài đã xử lí bằng cách ca kéo dài giữa hai chữ “chứa” và “chan”, khiến cho giữa hai chữ này chỉ còn tồn tại một làn hơi thật mỏng, thật nhẹ, và thật độc đáo. Hoặc như trong bài Bên rặng ô môi, đoạn vô vọng cổ câu một: “Bến nước năm xưa chỉ còn cội đa già chơ vơ rũ bóng”, Tấn Tài cũng vuốt mỏng hai chữ “Bến…..nước” thật ngọt ngào. Ngay cả trong lòng bản ca vọng cổ, Tấn tài cũng có cách vuốt rất nhẹ, rất mỏng, có thể nói là một kiểu vuốt “đứt dây đờn”.

Làn hơi mỏng đó kết hợp với giọng hát “nhẹ bổng” đã tạo thành một lối ca “rất mỏng” và “rất nhẹ”, mỏng và nhẹ đến mức mà nó có thể len lỏi một cách dễ dàng vào tận cùng sâu thẳm con tim người mộ điệu. Nghe Tấn Tài ca, ta không hề thấy người ca phải “ca ráng hơi”, mà ta lại có cảm giác là ông ca rất nhẹ nhàng, bởi vậy người nghe cũng tìm được cái cảm giác nhẹ nhàng, mới thật sự được “sướng cái lỗ tai”. Nghe Tấn Tài ca, ta có cảm giác như tiếng ca đang văng vẳng từ xa nhưng lại rất gần ở đâu đó, thật đúng là một giọng hát “liêu trai”.

Nhà giáo làng lên ngôi “Hoàng Đế”

Hồi những thập niên 60 của thế kỷ trước, giọng ca Tấn Tài đã làm khuynh đảo thị trường băng đĩa cổ nhạc ở Sài Gòn, nhiều hãng đĩa lớn tranh nhau mời Tấn Tài thu âm. Được biết, khi ấy mỗi ngày ông thu khoảng 5-6 bài, thù lao cho mỗi bài khi ấy tương đương một lượng vàng. Chỉ tính từ năm 1962 đến 1975, ông đã thu âm khoảng 1 000 bài vọng cổ và chừng 500 trăm vở cải lương lớn nhỏ. Đó là một con số kỷ lục mà cho đến nay chưa có nghệ sỹ nào vượt qua. Thành quả nghệ thuật đó cũng chính là nguyên nhân để khán giả và báo giới Sài Gòn khi ấy phong tặng Tấn Tài danh hiệu "Hoàng đế đĩa nhựa”.

Năm 1963, khi về cộng tác với đoàn Thủ Đô, với vai Điệp Nhứt Lang trong vở Cát Dung Phương Tử của soạn giả Thiếu Linh, Tấn Tài đoạt Huy chương vàng giải Thanh Tâm ( cùng năm với các nghệ sỹ Diệp Lang, Thanh Tú, Bạch Tuyết, Mộng Tuyền và Trương Ánh Loan), một giải thưởng danh giá nhất của sân khấu cải lương tính đến hiện tại. Năm 2011, trên bầu trời nghệ thuật cải lương Nam Bộ, một trong những ngôi sao sáng nhất đã vụt tắt khi nghệ sĩ Tấn Tài vĩnh biệt người mộ điệu ở tuổi 74.

Ông mất đi, nhưng để lại cho đời nhiều vai diễn ấn tượng, đặc biệt là một giọng hát liêu trai “độc nhất vô nhị”. Với tất cả những gì ông thể hiện trên sân khấu cải lương, nhất là trong các bài vọng cổ, ta có thể mạnh dạn nói rằng, Tấn Tài là một trong những giọng ca hàng đầu góp phần khẳng định rằng: “ca vọng cổ” không chỉ đơn giản là “ca”, mà đó là cả “một nghệ thuật có tính hàn lâm”.