Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Thời hoàng kim của sân khấu cải lương - Cuộc sống của Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn

Thời hoàng kim của sân khấu cải lương - Cuộc sống của Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Phương   
Thứ Hai, 13 Tháng 8 Năm 2012 05:29

 

Ưu Tú hay nghệ sĩ Nhân Dân, thật khó mà phân tích, khó tìm ra chỗ khác nhau để mà so sánh, ngưỡng mộ. 

Soạn giả Nguyễn Phương

Trong các thập niên 50, 60, và năm năm đầu của thập niên 70, các nghệ sĩ tài danh được khán giả và ký giả kịch trường phong tặng cho nhiều danh hiệu, phù hợp với khả năng ca diễn hoặc tính chất đặc biệt của nghệ sĩ. Khác với danh hiệu nghệ sĩ Ưu Tú hay nghệ sĩ Nhân Dân mà nhà nước phong cho các nghệ sĩ sau năm 1975, khán giả dù ái mộ cải lương đến thế nào cũng khó phân biệt giữa nghệ sĩ Ưu Tú này với nghệ sĩ Ưu Tú kia khác nhau ở chỗ nào. Hay, dở hay chuyên môn đặc biệt có gì khác giữa nghệ sĩ

Ưu Tú hay nghệ sĩ Nhân Dân, thật khó mà phân tích, khó tìm ra chỗ khác nhau để mà so sánh, ngưỡng mộ.
Chỉ biết nghệ sĩ Nhân Dân là nghệ sĩ phục vụ cho đảng nhiều hơn nghệ sĩ Ưu tú, và nghệ sĩ Ưu Tú thì trung kiên với đảng nhiều hơn nghệ sĩ thường. Người ta còn biết thêm: nhiều Nghệ Sĩ Nhân Dân là đảng viên cộng sản, trung kiên có nhiều tuổi đảng; trong khi Nghệ Sĩ Ưu Tú phần lớn chỉ mới là đoàn viên thanh niên cộng sản.

Nếu nói về tài nghệ và hành nghề ca hát lâu năm thì phải kể đến nghệ sĩ Hồng Nga, người có hơn bốn mươi năm trong nghề hát, là nghệ sĩ ca hay, hát giỏi. Hồng Nga diễn “bi” cũng lấy được nước mắt khán giả, diễn “hài” cũng làm cho khán giả cười vỡ bụng, và nếu diễn các vai “mụ độc, đào ác” thì cũng làm cho khán giả nguyền rủa và căm ghét. Ấy vậy mà sau bao nhiêu đợt phong tặng danh hiệu Ưu Tú, Nhân Dân, nghệ sĩ Hồng Nga vẫn không có được một danh hiệu nào cả, mặc dầu nghệ sĩ Hồng Nga là bậc thầy của các nghệ sĩ đã nhiều năm được nhà nước phong tặng danh hiệu Ưu Tú. Phải chăng vì nữ nghệ sĩ Hồng Nga không chịu cúi đầu thần phục, không làm đơn xin xỏ cái danh hiệu “ưu tú”, không làm cái thủ tục “đầu tiên” (tức tiền đâu) cho các ông có chức trách tuyển chọn và đề bạt cho nhà nước cứu xét.

Những danh hiệu mà khán giả tặng cho nghệ sĩ cải lương là do lòng yêu quý của khán giả. Họ xem hát nhiều lần, đánh giá tài năng của nghệ sĩ một cách chính xác. Do đó, danh hiệu mà khán giả và ký giả kịch trường tặng cho nghệ sĩ là nét tài năng tiêu biểu thật sự cho người nghệ sĩ đó, là dấu ấn riêng biệt mà không một nghệ sĩ nào khác có được. Ví dụ khán giả và ký giả kịch trường tặng cho nghệ sĩ Út Trà Ôn là Vua Vọng Cổ, thì quả là không có người nghệ sĩ thứ hai nào có giọng trầm ấm, mạnh mẽ, có cách sắp câu, kỹ thuật ca hay như Út Trà Ôn.

Cuộc sống của Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn:
Người ta biết trong thời huy hoàng của sận khấu cải lương, nghệ sĩ danh ca được hưởng contrat bạc triệu và có số lương đêm rất cao nhưng không biết chính xác số tiền đó là bao nhiêu.

Trường hợp của danh ca Út Trà Ôn thì tiền contrat và tiền lương mỗi suất hát của anh tăng lên theo cấp số nhân.
Năm 1937, anh Út 18 tuổi, từ xã Đông Hậu, huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long cùng các bạn lên Saigon ca tài tử chơi. Năm 1939, nhân hãng rượu Bình Tây tổ chức thi ca vọng cổ, anh Nguyễn Văn Út tham dự và đoạt giải nhất về ca vọng cổ, được hãng rượu Bình Tây thưởng 2000 đồng và một cặp rượu Bình Tây.
Năm 1942, anh Út được gánh hát Tân Thinh của ông bầu Trương Văn Thông mời cộng tác, anh Út đã tập tuồng hát nhưng sau đó có chuyện buồn lòng, anh bỏ về Saigon tiếp tục ca hát tài tử ở Đài Phát Thanh Pháp Á và được hãng dĩa Asia mời thu thanh dĩa vọng cổ.

Năm 1943, anh Út được ông bầu Lập đoàn hát Hề Lập mời hát với tiền ký giao kèo phải hát hết một năm, anh được thưởng trước 20.000 đồng. Đây là số tiền rất lớn ở vào thời điểm 1943 vì lúc đó sổ số Đông Pháp, lô độc đắc là 100.000 đồng. Anh Út thủ vai Hoàng Tử trong tuồng Lý Chơn Tâm Cỡi Củi. Năm 1944, Bầu Lung gánh hát Thanh Long nghe đồn kép trẻ Mười Út thủ vai Hoàng Tử, ca vọng cổ rất hay, nên cho quản lý đến xem. Sau đó ông mời Mười Út với giá contrat là 30.000 đồng, 20.000 đồng để thối lại cho Hề Lập, còn lại 10.000 đồng là phần thưởng cho anh Mười Út. Lương mỗi suất hát là 300 đồng.
Từ năm 1945 đến năm 1947, vì mới khởi đầu chiến tranh Việt-Pháp, dân chúng phải lo di tản tránh những nơi có chiến cuộc, các gánh hát không hát được nên rã gánh, đào kép cũng giải tán, trở về quê.

Năm 1947, anh Mười Út từ Trà Ôn lên Saigon, thu thanh cho hãng Asia hai bộ dĩa Tôn Tẩn Giả Điên và Thái Sư Văn Trọng. Hai bộ dĩa đó bán chạy như tôm tươi. Sau đó anh Mười Út thâu thanh 20 câu vọng cổ Sầu Vương Biên Ải và được hãng dĩa đặt cho nghệ danh Út Trà Ôn.
Năm 1948, ông Bầu Trương Gia Kỳ Sanh, chủ gánh hát Tiến Hóa, mời danh ca Út Trà Ôn ký hợp đồng hai năm cộng tác với đoàn hát Tiến Hóa. Số tiền contrat lên đến 50.000 đồng, nhưng trong giao kèo nghệ sĩ Út Trà Ôn phải cam kết hát đủ hai năm thì mới hưởng được số tiền thưởng ghi trong giao kèo là 50.000 đồng. Nếu chưa hát đủ hai năm cho đoàn Tiến Hóa mà đã rời đoàn đi hát cho đoàn hát khác thì Út Trà Ôn phải bồi thường thiệt hại cho ông bầu Tiến Hóa là 100.000 đồng tức gấp đôi số contrat 50.000 đồng, vì nghệ sĩ hát chưa đủ thời gian đã cam kết nên không được hưởng số tiền thưởng ghi trong giao kèo.

Năm 1950, còn hơn bốn tháng mới dứt giao kèo với đoàn Tiến Hóa, nhưng đoàn hát Mộng Vân mới thành lập thu nhận nhiều nghệ sĩ của đoàn Tiến Hóa, trong số đó có nghệ sĩ Út Trà Ôn, nên ông bầu Mộng Vân đã ký contrat với Út Trà Ôn 150.000 đồng, để sau khi bồi thường 100.000 đồng cho bầu đoàn Tiến Hóa thì Út Trà Ôn vẫn còn được 50.000 đồng để chi xài. Trong contrat ký với bầu Mộng Vân, thì Út Trà Ôn nếu chưa hết contrat hai năm mà bỏ đoàn Mộng Vân thì Út Trà Ôn phải bồi thường cho ông Mộng Vân 300.000 đồng.

Năm 1952, bầu Nghĩa thành lập đoàn hát Thanh Minh, thu nhận một số nghệ sĩ của đoàn Mộng Vân có cả nghệ sĩ Út Trà Ôn. Ông bầu Nghĩa ký contrat với Út Trà Ôn 350.000 đồng. Út Trà Ôn hưởng trọn số tiền 350.000 đồng, vì anh đã hết hợp đồng hai năm với đoàn Mộng Vân, và đoàn hát Mộng Vân cũng rã vì ông bầu Mộng Vân bị bệnh, mất ở nhà thương Đồn Đất. Theo contrat mới ký với bầu Nghĩa, nếu Út Trà Ôn rời đoàn Thanh Minh trước khi dứt contrat 2 năm, thì Út Trà Ôn phải bồi thường cho ông bầu Nghĩa 700.000 đồng. Lương mỗi suất hát của nghệ sĩ Út Trà Ôn là 1.000 đồng. Ngày Chúa nhựt hát hai suất, lương 2000 đồng. Ba ngày Tết, mỗi ngày hát hai suất cộng thêm tiền thưởng, từ mùng Một tới mùng Ba, hát 6 suất, Út Trà Ôn lãnh 9.000 đồng (9 suất lương).

Năm 1954, bộ tứ danh ca Út Trà Ôn-Kim Chưởng-Thanh Tao-Thúy Nga họp lại thành lập đoàn hát Kim Thanh-Út Trà Ôn. Vì hát chưa hết hai năm theo hợp đồng đã ký với Thanh Minh, nên Út Trà Ôn phải bồi thường 700.000 đồng cho ông bầu Nghĩa.

Năm 1959, sau khi mãn hợp đồng làm bầu gánh hát Kim Thanh, nghệ sĩ Kim Chưởng đứng ra lập gánh hát Kim Chưởng, chuyên hát tuồng hương xa và đánh chưởng. Nghệ sĩ Thanh Tao lập gánh hát Thanh Tao. Nghệ sĩ Thúy Nga cùng với chồng là nghệ sĩ Phước Trọng lập gánh hát Thúy Nga-Phước Trọng. Riêng nghệ sĩ Út Trà Ôn ký hợp đồng hát cho đoàn Thanh Minh bầu Nghĩa, số tiền contrat lên đến 1.500.000 đồng (một triệu năm trăm ngàn đồng) trong hai năm. Lương mỗi suất hát là 1.500 đồng.
Như đã kể, với tiền lương mỗi suất hát cao như vậy, với contrat bạc triệu của đoàn hát, đó là chưa kể tiền contrat ký với hãng dĩa, tiền thu thanh ca mỗi mặt dĩa là 1000 đồng (3 phút 10 giây), nghệ sĩ Út Trà Ôn có một cuộc sống như một triệu phú. Ông mua một biệt thự ở đường Phan Thanh Giản (sau này là đường Điện Biên Phủ), mua xe hơi 8 máy mới. Ông mướn tài xế lái xe, mướn bà đầu bếp chuyên nấu ăn cho gia đình, ba cô ở với nhiệm vụ chăm sóc các con của ông bà và làm việc vặt trong nhà. Nhà có máy giặt, có máy lạnh. Vợ ông Mười Út trước đây là cô giáo dạy ở Cần Thơ, nay về ở với chồng là nghệ sĩ nhưng bà không thường ra rạp hát, bà chỉ ở nhà dạy con và chăm sóc khi ông đi hát hay đi thu thanh về. Ông Út Trà Ôn sống và làm việc như một người công chức khi ở nhà, nhưng khi ra rạp hát, ông dám đánh bi da ăn thua với số tiền 10.000 đồng một độ. Người mua bán hột xoàn đã gạ bán cho ông một chiếc cà rá hột xoàn thật lớn, không nhớ rõ là ba hay bốn carat, ông đeo cà rá xoàn đó, khi hát, múa tay dưới ánh projecteur chói sáng như có ánh hào quang chớp chớp.

Ngoài nghệ sĩ Út Trà Ôn, nhiều nghệ sĩ danh ca như Hữu Phước, Thành Được, Tấn Tài, Minh Vương, Minh Cảnh, Minh Phụng hay các nữ diễn viên danh ca như Thanh Hương, Út Bạch Lan, Ngọc Giàu, Mỹ Châu, Bạch Tuyết, Phượng Liên v.v... đều được hưởng contrat bạc triệu, lương mỗi suất hát cao bằng cả tháng lương của một công chức bình thường.
Nhiều người thấy vậy cho con cháu của họ đến các lò cổ nhạc học ca với hy vọng con họ có thể một sớm một chiều trở thành danh ca để ký contrat bạc triệu như Út Trà Ôn.

Theo lời kể chuyện của danh ca Út Trà Ôn, ông có một giọng ca thiên phú. Từ lúc mười, mười hai tuổi, giọng của ông rất trong và âm thanh vang xa nên những lần cúng đình ở làng, ông đều được Ban nhạc lễ nhờ đứng xướng danh cho Hương Chức Hội Tề cúng lễ.
Các nhạc sĩ Tư Hiệu đờn violoncelle, Năm Tồn đàn tranh dạy cho ông học ca các bài bản nhỏ và vọng cổ nhịp tư. Từ chỗ chơi đàn ca tài tử, ông tập luyện thêm cách vô câu vọng cổ, cách sắp chữ giữ nhịp đờn, cách luyến láy khi ca, và nhờ vậy ông ca rất hay, nổi danh trên Đài Phát thanh Pháp-Á với các bản vọng cổ mà khán giả rất ưa thích như bài Thức Suốt Đêm Đông, Sầu Bạn Chung Tình, Tôn Tẩn Giả Điên, Sầu Vương Biên Ải...

Soạn giả kiêm nhạc sĩ Viễn Châu, người từng cộng tác với Út Trà Ôn trên 40 năm trong các hãng dĩa và đoàn hát cải lương, nhận xét về giọng ca của Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn như sau: “Nghệ sĩ Út Trà Ôn chơi đồng trầm ấm, phong cách ca ngâm khoan thai, chững chạc, thích hợp với tâm tư một ông lão chèo đò, sống ung dung tự tại cùng sông nước, không màng chuyện thế thái nhân tình. Giọng ca không chân phương quá mà cũng không luyến láy kỹ thuật quá, người ca biết tôn trọng ý tứ của người viết và tìm cách thể hiện cho thật phù hợp với bài ca. Nghệ sĩ Út Trà Ôn còn được xem là bậc thầy về lối hành văn, sắp chữ, câu nhiều chữ ca vẫn nghe hay, câu ít chữ kéo ra vẫn duyên dáng. Nhịp nhàng chắc chắn, cung bổng cung trầm đâu đó rõ ràng”.

Cái âm sắc đồng pha thổ trong giọng ca cộng với lối vô chồng được sử dụng trong câu vô tạo cho người nghe một cảm xúc khó tả. Hay như trong vở Tuyệt Tình Ca, khi ông gặp lại vợ mình, ông ca: “Tôi đứng đây như đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến trở lại với hai con... Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn, con nước lớn lục bình trôi rời rã...” là người nghe tưởng tượng như mình cũng đứng trên bờ sông ấy, cũng thấy cảnh vật ấy. Thuở đương thời, ngay cả Hữu Phước, Thành Được, Hùng Cường cũng rất khâm phục và xem ông là Đệ Nhất Danh Ca về Vọng Cổ.
Sau năm 1975, Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn được chọn cho gia nhập đoàn hát tập thể Saigon 1 với lương nghệ sĩ hạng A 10 đồng một suất hát (không đủ để trả tiền một tô hủ tíu ở tiệm Hồng Phát đường Võ Văn Tần).

Ông chịu đựng cái khó khăn, nghèo khổ chung của giới nghệ sĩ sau ngày giải phóng. Giải phóng rồi thì nghệ sĩ cũng hết ký tiền contrat, lãnh lương bình quân, ví dụ như bác sĩ kia mà lương cũng chỉ được lãnh có một đồng cho một ca mổ, mình hát hò có mệt nhọc gì cho cam mà lãnh được 10 đồng, vậy là còn hạnh phúc lắm rồi. Nói là nói vậy nhưng có quá nhiều nghệ sĩ tân và cổ nhạc vượt biên, họ nói: “Tư bản nó bóc lột nhưng công mình làm ra, nó còn cho mình được hưởng. Sau giải phóng, công mình làm ra, cán bộ hưởng hết”.

Nghệ sĩ Út Trà Ôn đã từ trần lúc 7 giờ 30 phút tối thứ Hai 13 tháng 08 năm 2001, an táng tại nghĩa trang Nghệ Sĩ ở Gò Vấp. Ông được tặng danh hiệu Nghệ Sĩ Nhân Dân nhưng các nghệ sĩ và khán giả ái mộ ông vẫn gọi ông là Vua Vọng Cổ Út Trà Ôn.