Home Văn Học Văn, Nhạc, Thi Sĩ Hồ Điệp Mộng và thơ Nguyễn Bính

Hồ Điệp Mộng và thơ Nguyễn Bính PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Cẩm Xuyên   
Thứ Hai, 11 Tháng 6 Năm 2012 21:08

Kể từ một buổi chiều buồn 30 tết, cuối năm Ất Tị (20/1/1966) Nguyễn Bính ra đi đột ngột tại nhà một người quen cũ – nay đã 44 năm qua. Lòng người yêu thơ thắp nén tâm hương tưởng nhớ một vì sao sáng trong làng thơ Việt Nam.

 

Khóc Nguyễn Bính, nhà thơ tài hoa mà mệnh bạc, ta càng nhớ những vần thơ đẹp, mộc mạc tựa ca dao, dân ca. Có thể mệnh danh Nguyễn Bính là ”nhà thơ chân quê”. Thật vậy, thơ Nguyễn Bính gần gũi với ngôn từ và tâm tưởng của người dân Việt vùng đồng bằng Bắc bộ. Những cách ví von, ẩn dụ, nhân hóa…trong thơ Nguyễn Bính rất giống với câu hò điệu hát của quê hương, hết sức mộc mạc và ý vị.

HÌNH TƯỢNG “BƯỚM” (HỒ ĐIỆP) TRONG THƠ NGUYỄN BÍNH

Sống giữa vùng quê Vụ Bản, thơ Nguyễn Bính đầy ắp kỉ niệm; kỉ niệm quyện đầy chất quê hương với những giậu mùng tơi, với những bến đò ngang dọc, với hoa bưởi, hoa xoan, cành dâu xanh, lá sen tơ… Và một điều thật lạ là trong thơ đầy hoa, đầy hương đồng gió nội, đậm chất quê hương ấy lại thường xuất hiện hình tượng Bướm. Hình tượng này lãng mạn và mộng mơ… lửng lơ giữa thực và mộng.

Lá sen vương phấn hương sen ngát
Ấp ủ hai ta chút nhụy hờ
Lũ bướm tuởng hoa cài mái tóc
Theo về tận cửa mới tan mơ.

………….

Chiều nay bướm trắng ra nhiều quá!
Không biết là mưa hay nắng đây?

Cánh bướm có khi lại hóa thân thành người, thành cô hàng xóm trong giấc chiêm bao .

Tôi chiêm bao rất nhẹ nhàng…
Có con bướm trắng thường sang bên này

Bướm ơi! Bướm hãy vào đây!
Cho tôi hỏi nhỏ câu này chút thôi…
…Mắt nàng đăm đắm trông lên…
Con bươm bướm trắng về bên ấy rồi!

Cô láng giềng lại vừa mới mất đêm qua; con bướm trắng lại xuất hiện trong thơ làm cái cớ cho nhà thơ than khóc;

Hỡi ơi! Bướm trắng, tơ vàng!
Mau về mà chịu tang nàng đi thôi!
Ðêm qua nàng đã chết rồi
Nghẹn ngào tôi khóc… quả tôi yêu nàng.

Hồn trinh còn ở trần gian?
Nhập vào bướm trắng mà sang bên này.

Cũng có khi bóng bướm chỉ là chiếc bóng man mác dư âm cũ của một thời vang bóng:

“Cành dâu cao, lá dâu cao
Lênh đênh bóng bướm trôi vào mắt em
Anh đi đèn sách mười niên
Biết rằng bóng bướm có lên kinh thành…”

Ý NGHĨA CỦA HÌNH TƯỢNG BƯỚM TRONG THƠ ?

Nguyên nhân từ đâu thơ Nguyễn Bính đã có nhiều “bướm” đến vậy? “Bưóm” đã gợi cho người đọc ít nhiều suy nghĩ. Một số bài viết cũng đã từng bàn đến nhưng cách lí giải ít thuyết phục, thậm chí có bài đã trình bày cách hiểu khá thô thiển; ví dụ bài “Cánh bướm và đóa hướng dương” của Vương Trí Nhàn:

“…tại sao Nguyễn Bính, một kẻ có theo đòi bút nghiên từ lúc nhỏ, từng có những bài dịch thơ Đường khá hay, người có thể nghĩ thơ bằng chữ Hán nữa, tại sao Nguyễn Bính đó lại để cho hình ảnh con bướm đó lui tới quá nhiều trong thơ mình? […] Với vốn văn hóa sẵn có, ông thừa biết nói nhiều đến cánh bướm là không được đàng hoàng, là thiếu khí cốt là nhảm…(*) .

Thật ấu trĩ khi nghĩ như trên – bởi vì việc “theo đòi nghiên bút…dịch thơ Đường… nghĩ thơ bằng chữ Hán” chẳng có gì đối lập với việc “để cho hình ảnh con bướm lui tới quá nhiều trong thơ”… Không những không đối lập mà chính nhờ theo đòi nghiên bút từ nhỏ mà Nguyễn Bính đã mang được hình tượng con bướm vào thơ tài hoa đến vậy!

Lí giải cặn kẽ hơn : “Bướm”- Hồ điệp trong văn học Việt Nam cũng như ở Trung Hoa xưa, vẫn thường được dùng với ý nghĩa truyền thống của dân gian hoặc với ý nghĩa của triết học Đông phương:

1- “Bướm” tượng trưng cho người con trai, khách đa tình… “con bướm lượn vành mà chơi” trên những đóa hoa là hình ảnh mang nét lãng mạn phá cách của văn học dân gian thời phong kiến. Kế thừa ý nghĩa này, Nguyễn Công Hoan đã dựng nên nhân vật Lan và Điệp trong tiểu thuyết Tắt lửa lòng.

2- “Bướm”- Hồ điệp là một biểu tượng, là điển cố về sự hoài nghi thực tại trong tư tưởng Đạo gia.

Con bướm trong thơ Nguyễn Bính thuộc nhóm ý nghĩa thứ hai: mang màu sắc của triết học Đông phương. Nam Hoa Kinh của Trang tử có kể câu chuyện Hồ điệp mộng. Trang Chu nằm mộng thấy mình hóa bướm, bay lượn nhởn nhơ vui thú lắm, tỉnh dậy cứ suy nghĩ mãi không biết có phải là mình đã nằm mộng hóa bướm không hay là chính mình bây giờ đang là bướm và đang mộng hóa Trang Chu ? (Ở Tây phương, trong Sáu suy niệm Siêu hình học, Descartes- nhà khoa học kiêm triết gia cũng đã từng nêu vấn đề mộng và thực tương tự như thế). Riêng ở Việt Nam, từ ngàn xưa (cả trong văn học viết lẫn văn học dân gian) các nhà thơ đã thâm nhập hình tượng trên từ văn học Trung Hoa. Nguyễn Du đã viết trong Truỵện Kiều:

Khúc đâu đầm ấm dương hòa,

Ây là hồ điệp hay là Trang Sinh.

Đến Nguyễn Bính thì Hồ điệp đã được đưa thật nhiều vào thơ và nhà thơ đã yêu hình tượng ấy đến mức là đã chọn luôn cho mình bút hiệu Điệp lang ( Chàng Bướm ).

Cũng như Trang Sinh, Nguyễn Bính đã từng mơ giấc mơ hóa bướm :

…ngày xưa vua nước Bướm

Kén nhân tài mở “ Điệp lang khoa ”.

Vua không lấy trạng, vua thề thế.

Con bướm vàng tuyền đậu Thám hoa….

Vợ chồng bướm là phò mã, là công chúa của nước Bướm trong tưởng tượng của Nguyễn Bính bỗng lạc lối về… rồi tỉnh mộng trở lại trần thế.

Câu chuyện của Nguyễn Bính dựng nên trong thơ cũng gần với biết bao truyện truyền kỳ khác trong kho tàng văn học Trung Quốc và Việt Nam : Giấc Nam kha , giấc Hoàng lương, giấc Mai, giấc Lá hươu...và giấc bướm trong thơ là một trong những giấc mơ huyền thoại ấy của văn học cổ điển.

Nguyễn Bính xuất thân trong một gia đình nho học ở vùng quê Nam Định. Ông thân là một thầy đồ.

”…Thầy tôi dạy học chữ nho.

Dạy dăm ba đứa học trò loanh quanh.”

…và nhà thơ cũng đã học chữ Nho từ tấm bé , nhưng rồi thời thế đổi thay – cũng như Trần Tế Xương – ông phải “đổi lông ra sắt “ để thành nhà thơ quốc ngữ. Nhiều bài thơ ra đời với nhiều hương đồng gió nội, nhiều hoa và nhiều bướm. Ngoài phần lớn thơ lục bát đậm hương vị ca dao, Nguyễn Bính còn làm thơ Đường. Thơ Đường của Nguyễn Bính cũng phóng khoáng như thơ Lý Bạch :

“Xử thế nhược đại mộng,

Hồ vi lao kỳ sinh ?”

“ Cuộc đời là giấc mộng lớn “ ; đây không phải là tư tưởng truyền thống của nhà Nho mà chính là tư tưởng Lão Trang đã mặc nhiên thâm nhập vào Nguyễn Bính từ thiếu thời, cũng như bao nông dân chân lấm tay bùn khác cũng đã thâm nhập tư tưởng tam giáo từ lâu đời rồi tư tưởng ấy được thể hiện qua ca dao, dân ca, qua những câu hát ru, những buổi hát ví, hát đối đáp, qua những vở chèo, tuồng của những dịp hội hè đình đám, qua những truyện cổ tích…

Chúng ta không bàn ở đây vấn đề của tri thức luận để phê bình Trang Tử hay Nguyễn Bính đã hoài nghi, hư vô hóa hiện thực mà chỉ trân trọng cảm xúc đầy chất thơ của một thi sĩ và chúng ta cũng đừng thắc mắc tại sao Nguyễn Bính lại chọn hình ảnh bướm để đưa vào thơ, và cũng đừng cho rằng hình ảnh này là thiếu khí cốt, là nhảm bởi vì bướm trong thơ Nguyễn Bính là một hình tượng nghệ thuật thuần túy…, bởi vì thơ Nguyễn Bính là “thơ chân quê”, là cách nói, cách nghĩ của nông dân Việt với những lối ví von, ẩn dụ, nhân hóa…của ca dao, dân ca , hết sức mộc mạc và ý vị… và cánh bướm đã được dùng trong cách ví von ấy, là hình tượng ẩn dụ đọng vào kỷ niệm từ thưở ấu thơ của Nguyễn Bính, hết sức gần gũi thân mật và đậm biết bao tình thương mến.

Nói cho rõ vấn đề hơn là con bướm trong thơ Nguyễn Bính chính là sự thăng hoa tâm hồn của một người nhà quê Việt Nam xuất thân trong một gia đình Nho học. Ở nông thôn và học chữ nho từ tấm bé…tự bao giờ hồn thơ Nguyễn Bính đã thấm đẫm truyền thống tư tưởng Đông phương, thấm dẫm sự hài hòa của tam giáo: Nho-Phật và Lão Trang. Con bướm trong thơ Nguyễn Bính khi là hồ điệp trong giấc mơ hóa bướm của Trang tử khi lại na ná giống như những nhân vật trong cổ tích Việt Nam mang màu sắc tư tưởng Phật giáo…đầu thai qua nhiều kiếp.

Một hình ảnh trong thơ, trong văn, nếu xét cho cặn kẽ , thường gắn kết với cả một hệ thống ý thức của cả một thời đại, một dân tộc. Nói như vậy tuy có vẻ đao to búa lớn nhưng mà thật vậy : Dân tộc ta gắn liền suy nghĩ với cả một hệ tư tưởng phương Đông từ lâu đời. Bướm trong văn chương, trong điển tích văn học Việt Nam -Trung Quốc vốn dĩ rất đẹp, rất nên thơ vì vậy nó vào thơ Nguyễn Bính một cách hết sức tự nhiên và có lẽ cũng rất được nhà thơ trân trọng.
Nguyễn Cẩm Xuyên


CHÚ THÍCH:
(*)Vương Trí Nhàn, “Cánh bướm và đóa hướng dương”; Báo THỂ THAO VĂN HÓA – XUÂN 1996 (Ngô Viết Dinh; trích in lại trong ĐẾN VỚI THƠ NGUYỄN BÍNH; NXB Thanh Niên -1998 ; trang 146)