Home Văn Học Tùy Bút Mẹ hiền

Mẹ hiền PDF Print E-mail
Tác Giả: Trần Trà Vinh   
Thứ Hai, 13 Tháng 8 Năm 2012 05:13


Lòng mẹ bao la như biễn thái bình... dạt dào
Tình mẹ tha thiết như dòng suối hiền ngọt ngào...

 

 

Tiếng hát ngân nga, kéo dài ở mổi cuối câu hát, với tôi sao nghe có nhiều mỉa mai cay đắng, từ thi ca, thơ văn, cho đến âm nhạc, tiểu thuyết của Việt Nam không biết bao nhiêu là tác giả đã viết về đề tài mẹ, không biết bao nhiêu là lời hay ý đẹp, dành cho mẹ, những lúc nghe như thế tôi hoang mang tự hỏi có thật như thế không?

Mẹ, quả là một đề tài bất tận, trong bất cứ lãnh vực nào trong văn hoá Việt Nam. Gần đây tôi lại đọc được bài, trong một tờ báo nào đó so sánh giữa bà mẹ Á Đông và những bà mẹ tây phương, tác gia ca ngợi sư tận tụy của những bà mẹ Á Đông. Có thật vậy không?

Thật ra tôi luôn hững hờ với những bài hát, bài thơ, hay bất cứ đề tài nào viết về mẹ, ngày Mother day của Mỹ cùng không ngoại lệ, nó là một cuộc trốn chạy trong tiềm thức đau khổ của tôi.

Đọc đến đây chắc có bạn sẽ lên án tôi là người con bất hiếu, xin bạn hãy bình tĩnh đọc hết câu chuyện của tôi rồi kết tội tôi củng chưa muộn.

Không biết có phải do sự ra đời của tôi hay không mà gia đình tôi ngày càng suy xụp? Biểu hiện rõ nhất qua những bữa cơm, vốn hết sức đơn sơ của miền quê ngày càng thêm đạm bạc, chiến tranh lan rộng khắp mọi nơi kể cả ngày tết. Đó là muà xuân 1968, khi tôi vừa lên 7 tuổi, gia đình tôi ngày càng thiếu hẳn mùi thịt cá, hoạ hoằn lắm, năm khi mười họa trong những ngày giỗ chạp, tôi mới được ngửi đến; nói ngửi đến là vì chỉ đủ cho đứa em út tôi và hai người chị tôi thôi còn tôi, được chút nước thịt kho chan cơm cho biết mùi là hạnh phúc lắm rồi.

Thịt thà thì như thế, nhưng đòn roi thì tôi lại được phần ưu tiên ngoài ước muốn. Đứa em trai út khóc... tôi cũng bị đòn. Chén cơm bị em tôi nghịch ngợm làm bể… tôi cũng bị đòn.

Mới hơn ba tuổi nó cũng đủ thông minh, khi ghét tôi nó chỉ cần khóc thét lên là những cái cú đau điếng nhức cả đầu sẽ đến với tôi ngay, từ lưng đến chân lằn ngang nét dọc dấu tích của những…. trận đòn.

Nói tóm lại cuộc đời ấu thơ của tôi là ngững ngày tràn đầy roi vọt, trong tục ngữ nói về quan hệ cha mẹ con cái của Việt Nam, có lẽ không có câu nào mĩa mai, cay độc, mang đầy tính bạo ngược, cho bằng câu, “Thương con cho roi cho vọt, ghét con cho ngọt, cho bùi.”

Thôi nói mà làm gì, khi mọi người thay nhau ca ngợi tình me, chỉ có những đứa bé bất hạnh như tôi mới thấu hiễu nỗi niềm cay đắng của câu tục ngữ ẤM TÌNH cha mẹ như trên.

Tuy cuộc đời là những roi, những vọt, nhưng nhớ nhất vẫn là trận đòn mà mãi đến bây giờ, không biết đã qua bao nhiêu là năm dài tháng rộng, mà mỗi khi nhớ đến, tôi vẫn còn rùng mình kinh hãi.

Sáng sớm hôm ấy, ba tôi tươm tất trong bộ đồ bà ba trắng tinh, mà tôi ít khi nhìn thấy, bên cạnh mẹ tôi, trong chiếc quần lãnh đen mướt, chiếc áo màu tím than, với chiếc khăn choàng cổ củng trắng tinh, cùng ba đi đám giổ ở nhà chú tôi gần cuối xóm; thế là tôi có một ngày yên thân, tôi thầm reo vui trong lòng.

Chuyện cải vã giữa ba mẹ tôi đã ám ảnh cả lũ chúng tôi, nên sự vắng mặt ông bà như trút đi gánh năng, nên chị em chúng tôi tha hồ mà chạy nhảy; cuối cùng vẫn là màn trốn kiếm, đứa em trai út của tôi vô ý thế nào, mà khi chui ra khỏi gầm bàn thờ, lôi luôn cả tấm vải nhựa trải bàn, chiếc chân đèn bằng gỗ qúi rơi xuống đất gãy ra từng mãnh vụn. Chị em chúng tôi cùng xanh mặt nhưng chẵn biết làm sao.

Cuối cùng là thảm cảnh, nhưng chỉ xảy ra với một mình tôi, dù với những tiếng thét đau đớn sau những cái vụt roi thẵng tay của mẹ:

- Mẹ ơi không phải con !


Sau đám tang nội tôi lại lững thững trở về, giữa chị em cha mẹ lại càng thêm xa cách.

Tiếng thét không làm nguôi cơn giận của mẹ. Tôi chỉ còn biết cắn răng chịu đựng, nhưng vẫn không kềm nổi tiếng thét, sau những ngọn roi tre liên tiếp vụt xuống thân hình bé bỏng của tôi. Sau một hồi có lẽ vì mỏi tay, nên trận đòn chấm dứt, kèm theo lời đe dọa qua tiếng rít:

- Ngày mai sẽ tính tiếp tội mày,

Tôi uất ức ngồi dậy, chờ ba tôi về, hy vọng ở ông một sự công bằng cho nổi oan ức của tôi. Mãi đến khi trời nhá nhem tối, cha tôi mới bước thấp bước cao, người đầy mùi ruợu, loạng choạng bước vào nhà. Mẹ tôi cao giọng:

- Ông coi đó, ở nhà nó làm gãy tiêu bộ chân đèn rồi.

Rồi như ngưng lại để lấy thêm hơi:

- Tôi mà không mệt, tôi đã đánh chết cái con báo đời này mới hả dạ!

Không hỏi tôi một lời, cha tôi chỉ lè nhè:

- Con đừng có hư quá mà phải roi đòn.

Tôi chỉ còn kịp ôm mặt chạy ra hè để mặc cho nước mắt tuôn rơi, mang theo bao nỗi niềm oan ức; bao nhiêu câu hỏi hiện ra, nhưng vĩnh viễn không có câu trả lời, với ông chỉ đơn giản thế sao?

Ngày hôm sau tôi lại lững thững ôm mấy cái quần và vài manh áo cũ sờn vai, không còn vừa vặn với chị tôi, bước theo sau ba tôi ra căn chòi nơi nội tôi ở, đễ cùng bà hủ hỉ với nhau. Ba tôi bảo.

- Thế cũng tốt thôi biết đâu đó là dịp giải thoát cho tôi? Tôi thầm nghĩ.


Trên con đường đất quanh co lồi lõm, thấp cao, dẫn ra cánh đồng lúa, mùa gặt vừa xong, những con én như tiếc nuối mùa xuân, vẫn còn bay lượn một cách uể oải trên cánh đồng chỉ còn trơ gốc rạ. Căn nhà nội tôi được làm bằng là dừa nước; nói là nhà, chứ căn chòi chỉ vừa đủ kê một chiếc giường tre nhỏ và bếp là ba ông táo được nặn bằng đất bùn trộn với trấu, được kê trong một góc chòi gần cửa ra phía sau. Vừa bước vào nhà khoanh tay thưa nội, bà đã kéo tôi vào lòng bà, xoa đầu, xoa lưng tôi, khi bàn tay run rẩy của bà chạm phải những lằn roi còn hằng đậm trên lưng tôi, bà lẩm bẩm:

- Mẹ mày ác lắm!

Tôi lại oà lên khóc tức tửi trong vòng tay của nội. Ba tôi chỉ nói chuyện qua loa rối từ giã ra về.

Ở với nội tuy buồn nhưng thật là nhàn hạ. Buổi sáng chỉ nấu cho bà bình trà, trưa nấu nồi cơm, giặt quần áo cho nội, còn thức ăn thì chị tôi mang từ nhà ba mẹ; ngoài những công việc ấy tôi tha hồ lang thang chung quanh căn chòi, phía sau căn chòi là đám lá dừa nước rậm rạp, giữa đám lá có cái ao, mặt nuớc lúc nào cũng trong veo, những con chuồn chuồn đỏ, vàng, bay lượn khi mỏi cánh chúng nhẹ nhàng đậu trên những cành cây nhỏ ven bờ, hay những cọng lát xanh đong đưa trong gío nhẹ. Dưới hồ là bầy cá nhỏ làm lăn tăn mặt nước trong xanh, nhưng bất thình lình, xoẹt một cái, con chim bói cá từ trên cành cao lao xuống, nhanh như chớp. Khi con chim bói cá với bộ lông xanh, đỏ, vàng, sặc sỡ cất cánh bay lên, giữa chiếc mỏ màu vàng xinh xắn, là con cá bé nhỏ vẫy vùng trong tuyệt vọng; thoáng một cái con chim biến mất sau đám dừa rậm rạp, tôi thẫn thờ nhìn bầu trời trong xanh bao la, cái cảm giác mình là con cá con bé bỏng kia, bị kẹp giữa chiếc mỏ của con chim bói cá từ đâu ập đến trong lòng tôi, từ đó ghét luôn loài chim bói cá.

Chim bói cá

Tôi ở với nội đâu chừng hơn bốn tháng, thì mùa mưa đến. Những trận mưa đầu mùa luôn kèm theo những tiếng sấm vang rền, và nhiều giông tố; căn chòi ọp ẹp, oằn mình rên xiết đu đua theo luồng gío như một bà lão bị nhận chìm giữa giòng nước cuồn cuộn chảy, cố vươn đầu lên trong cơn sóng dữ. Trong một đêm mưa dữ dội, tôi kéo mền trùm kín đầu đánh một giấc cho đến khi trời sáng; tôi giật mình, tôi linh cảm có một điều gì khác thường. Không nghe tiếng nội tôi, vì bà vẫn thường thức sớm; nhìn sang, bà vẫn còn nằm cạnh tôi, miệng mở rộng và chìm trong giấc ngủ. Tôi ngạc nhiên đưa tay lay bà dậy, nhưng thân thể bà đã cứng ngắc và lạnh tanh. Tôi nhảy dựng dậy, chỉ biết kêu gào hoảng loạn và không còn biết gì nữa. Chừng ba mẹ tôi và mọi người chạy đến, tôi ngồi co ro nơi góc chòi khóc ngất, tôi gào, tôi thét, tôi kêu, “Nội Ơi! nội ơi!”

Sau đó chỉ chừng hai tháng, khi trở về từ bữa tiệc giỗ ở nhà Bác Tư Bền bên kia sông có lẽ ba tôi đã say, nên khi lội sông về nhà, ông đã bị giòng nước của con sông hiền hoà - mà chúng tôi thường rủ nhau ra tắm trong những trưa hè nóng nực - cuốn đi, mãi hai ngày sau mới có người tìm thấy thi thể nổi lên ở một khúc quanh gần nghĩa địa cuối thôn.

Trong đám tang của cha tôi, tôi không được mang tang như chị em, không được đến gần huyệt mộ; lúc quan tài vừa hạ huyệt, mọi người thi nhau lấp đất, tôi la hét, chạy lại nhìn quan tài ông lần cuối, nhưng bị những người thân trong giòng họ ngăn lại. Tôi không thể nào hiểu nổi tại sao lại như thế. Càng bị ngăn cản tôi như con thú hoang điên cuồng vùng vẫy, cố đến gần huyệt mộ. Cuối cùng một bạt tai như trời giáng làm tôi thức tỉnh. Thì ra mẹ tôi đã ra tay, kèm theo một câu nói mà tôi không tài nào hiểu được. Qua cái nghiến răng mặt bà đanh lại:

- Bộ ba mày chết chưa đủ sao?

- Mày muốn giết cả nhà mới vừa lòng à?

Tôi ngồi gục xuống tiếng gào thét cũng chấm dứt theo cái tát của mẹ. Ba tôi! là một người đàn ông hiền hoà trong xóm, chỉ mang mỗi tật ghiền rượu; dù vậy ông chưa bao giờ đánh tôi dù chỉ một bạt tai; tuy không gần gũi và bảo vệ tôi trong những trận đòn, nhưng khi có mặt ông những ngọn roi của mẹ tôi giảm hẳn cường lực bình thường của nó, tôi nhận ra điều đó trong một lần đang bị đòn, thì ông bất thình lình bước vào nhà dù trong cơn say ông củng nhừa nhựa nói:

- Thôi đủ rồi, dù sao nó củng là con ruột bà đó, bà không định giết chết nó chứ?

Mẹ tôi tỏ thái độ không vui, nhưng trận đòn cũng chấm dứt theo câu lầm bầm mà tôi không nghe rõ. Sau cái chết của ba tôi, cả mẹ và chị em tôi xem tôi như là một quái vật, từ một hành tinh xa lạ nào, qua sự rầm rì to nhỏ, thì hình như tôi là cội nguồn của mọi sự bất hạnh trong nhà.

Rồi thời gian cũng âm thầm lặng lẽ trôi qua, như cuộc đời tôi, duy chỉ có chiến tranh càng ngày càng khốc liệt, tiếng súng đêm đêm vang vọng từ mọi hướng, ngày lại gần thêm, rồi ngày 30 tháng tư năm 1975 đến như một định mệnh đã an bày.

Sau một thời gian đi hoan hô và đã đảo, đời sống nông thôn vốn đã nghèo khỗ lại càng thêm đói rách. Bữa cơm nhà tôi không còn thuần gạo nữa, mà độn thêm khoai, thêm bắp, rồi lại ngày chỉ còn một bữa cơm sáng, buổi cơm chiều biến mất, được thay vào bo bo mà cán bộ tuyên truyền là rất bổ dưỡng với cái tên “cao lương” sang trọng.

Anh du kích mới gia nhập đoàn quân giải phóng, cầm loa kêu gọi nhà nào có con trên 18 tuổi phải gửi người đi đào kinh, đấp đập, gọi là làm thủy lợi; Mười tám tuổi trở lên là mỗi năm phải đi làm không công cho nhà nước 32 ngày; nhưng tôi thì tiếp nối hết kỳ này sang ký khác, mặc dù chưa đến tuổi, mới đầu tôi đi thay cho hai người chị, sau đó hàng xóm người nào muốn tránh không đi thủy lợi, thì chỉ đến nhà tôi, thì thầm với mẹ tôi là ngày sau tôi lại khăn gói lên đường. Người mướn tôi khi thì dúi cho tôi năm bảy con khô cá biển mặn chát, gói trong tàu lá chuối khô, hay vài ba con mắm sặc, tiền bạc thì họ đã tính với mẹ tôi rồi.

Lần thủy lợi sau cùng cũng là lần thay đổi cuộc đời tôi.

Đêm ấy là một đêm không trăng, nằm ngủ dưới mái lá che tạm, bên bờ sông gần con đập mà chúng tôi đang đắp dở dang, tôi đang say ngủ sau một ngày còng người chuyền đất, thị chị Nga lay mạnh vai tôi:

- Dậy đi! dậy đi! Lượm.

Chị thì thào đưa tay bịt miệng tôi, khi tôi ú ớ định hỏi chị chuyện gì mà nữa đêm chị lại gọi tôi như thế? Chị nắm tay tôi lôi tôi dậy, tuy không biết chuyện gì nhưng củng lủi thủi theo chị, đến chừng xuống chiếc xuồng nhỏ cùng vài ba người lạ hướng ra biển, tôi mới biết là chị dẫn tôi vượt biển. Khi xáp lại ghe lớn thì anh Tâm chồng và bé Thủy con chị cũng có mặt trên ghe tự lúc nào rồi.

Sau bốn ngày lênh đênh trên biển, cuối cùng ghe chúng tôi cập đất liền Mã Lai, sau đó được chuyển đến Pulau Bidong, tôi được chị nhận là em, chồng chị là trước năm 1975 là lính nên chúng tôi được định cư ở Mỹ.

Đến Mỹ qua giới thiệu bạn của chị Nga ban ngày tôi làm ở một nhà hàng mà chủ là người Việt; tuy có hơi vất vả, nhưng ông bà chủ thật là dễ thương, tận tình chỉ dẫn lại được chia phần tiền tips; tối cùng chị Nga đi học tiếng Anh. Bà giáo của tôi là một người Mễ, thân hình bà thật nặng nề, nhưng miệng bà lúc nào củng nở một nụ cười thân thiện. Bà luôn hỏi thăm tôi, nhưng tiếng Anh tôi đâu đủ để hiểu bà nói gì. Thấy tôi ít nói, bà hỏi chị Nga về tôi, hôm sau bà ôm chặt tôi, khóc nức nở, miệng thì hết I’m sorry này, đến I’m sorry khác, làm tôi không hiểu chuyện gì. Chừng vỡ lẽ, mới biết chị Nga đã thuật lại câu chuyện đời tôi cho bà nghe, làm bà bàng hoàng xúc động. Có lẽ với bà trên đời này không có bà mẹ nào lại đối xử với con mình như thế.

Tuy phải vừa học vừa làm, nhưng khi chị Nga gửi quà về Việt Nam, tôi cũng tiện tặn gửi theo. Khi thì vài lọ thuốc tây, năm mười yard vãi, kèm theo chút ít tiền, không thiếu một kỳ nào nhất là dịp tết. Sau năm 1988 thư từ dễ dàng, tôi bắt đầu nhận thư của mẹ tôi, nhưng qua nét chữ của chị những lời nhớ thương dạy dỗ, làm con phải có hiếu đễ, phải lo cho cha mẹ, lúc tuổi già. Như sợ tôi chưa hiểu trọn vẹn, bà còn gửi cả cuốn video, kèm theo với những lời nhắn nhủ nhớ thương, đủ cả hình ảnh hai người chị tôi và đứa em trai tôi nữa. Nói thật tôi không thể nào diễn tả nổi cái cảm xúc lẫn lộn khi xem cuộn video đó. Kèm theo những lời thăm hỏi nhắn nhur từ chị tôi, em tôi, cuối cùng là xin tôi ít tiền, không phải vài trăm, vài ngàn mà là 30,000 đô-la để cất nhà cho nở mặt nở mày vời hàng xóm bà con. Để sánh với những người gả con cho Đài Loan, Đại Hàn mới mấy năm mà nhà cao cửa rộng, không bõ gia đình mình có con là Việt Kiều Mỹ. Con số mới 30,000 đô-la làm tôi choáng váng. Có một cái gì đổ vỡ trong tôi. Thấy tôi buồn rầu mất ăn mất ngủ và đây là câu chuyện chị Nga kể cho tôi nghe, trước khi chị từ giã cỏi đời vì bệnh ung thư ngực.

Tôi sinh ra đời vào năm Dần năm 1962, cái năm mà theo sự mê tín là năm xui xẻo nếu sinh ra con gái. Năm ấy mẹ tôi bụng man dạ chửa, nhà cũng không lấy gì làm dư giả, nhưng mẹ tôi cùng Ba tay xách con gà giò mới lớn, tay mang giỏ trái cây, đến nhà thầy Ba, mà người cùng xóm gọi là ông ba Cụt, vì ông chỉ có một tay; nghe đâu ông theo việt minh chế thuốc nổ sao đó, tay ông bị mất đi trong một tai nạn, từ đó trở về đời sống dân sự, ông hành nghề bói toán coi định ngày gã cưới, tang lễ.

Sau khi xin phép ông, đơm đĩa trái cây lên bàn thờ, cùng nhốt con gà vào cái bội phía sau nhà, đốt nén nhang cho bàn thờ tổ nhà ông, mẹ tôi mới nhỏ nhẹ mở lời nhờ ông xem cái bào thai tốt hay xấu. Sau một hồi hỏi thăm tuổi tác cha tôi, mẹ tôi, ông mới mở to đôi mắt trắng đục và lớn tiếng:

- Không được, không được, phải phá ngay cái thai, nó là hồng hài nhi giáng thế, đem tai họa cho cả nhà ông bà, phá ngay! phá ngay!

Nhưng có lẽ tôi là Hồng Hài nhi thật cũng nên. Bao nhiêu chén nước rau răm cay đắng mẹ tôi nuốt vào mong tống xuất được cái tai họa vô hình mà ông thầy Ba Cụt nói, đúng ngày đúng tháng tôi vẫn cứ tà tà ngang nhiên ra đời một cách bình thường và khỏe mạnh như bao đứa trẻ khác. Ngày tôi chào đời ba tôi không buồn ngó xem trai hay gái. Mẹ tôi thì nước mắt tuôn rơi, không nói một lời, những giọt nước mắt của ker bất lực, chấp nhận những ngày tai ương sắp đến do chính đứa con bà mang lại, bà luôn tin như thế.

Để tránh phần nào sự xung khắc mà tôi mang lại, theo sự hướng dẫn của thầy Ba Cụt, tôi được mang ra bỏ bên vệ đường. Sau đó ba tôi giả bộ như người đi đường lượm lại. Cái tên Lượm của tôi ra đời từ đó. Và đó cũng bắt đầu nghiệp chướng của một sanh linh nhỏ bé như tôi, phải cam chịu suốt thời thơ ấu, có thể suốt đời nếu không có bàn tay mầu nhiệm của chị Nga đưa tôi qua bên đây bờ biển lớn.

Đủ chưa bạn?

Có phải tôi là một đứa con bất hiếu? Có phải tất cả bà mẹ Việt Nam nào củng đáng yêu không bạn?

Và cuối cùng xin hỏi bạn, có phải tôi chỉ là trường hợp duy nhất trong xã hội tràn đầy mê tín như xã hội Việt Nam không?