Đó Đây Trên Quê Hương |
Tác Giả: Darren Thăng |
Chúa Nhật, 27 Tháng 5 Năm 2012 21:00 |
Như bao thanh niên thời ly loạn, bố tôi đi quân dịch theo lệnh tòng quân nhập ngũ 3 năm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi vừa mới di cư vào Nam không được bao lâu.
LTG: Kính dâng thân phụ đã phù hộ để hoàn thành sáng tác nầy. Như bao thanh niên thời ly loạn, bố tôi đi quân dịch theo lệnh tòng quân nhập ngũ 3 năm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm khi vừa mới di cư vào Nam không được bao lâu. Năm 1954, ông chừng 19-20 tuổi và mới lập gia đình với mẹ tôi từ ngày còn ở miền Bắc. Dĩ nhiên lúc đó, ông bà chỉ là cặp vợ chồng son nên đi đâu cũng có nhau. Mẹ tôi với bản tính nhút nhát, hay dựa vào quyết định của chồng nên hễ ông đóng quân ở đâu thì bà lại tháp tùng đi theo đến đó. Bố tôi hay bị thuyên chuyển đi nhiều nơi, thậm chí có thể nói là khắp vùng I và II chiến thuật. Ông là người thẳng thắn, không luồn cúi cấp trên nên thường bị xếp đì đi chốn xa xôi. May mắn thì được đóng ở gần thành đô độ vài tháng, rủi ro thì nơi rừng sâu nước độc mút chỉ cà tha. Những địa danh hẻo lánh nhiều sơn lam chướng khí, ít dân thì chỉ mình ông đơn độc đi mà thôi. Dần dần mấy năm sau đó, vài mống con sinh ra đời trong doanh trại nên khi chúng tôi lớn lên đành phải coi trại gia binh là nhà của mình vậy... Những nơi bố tôi từng đi qua như Huế, Đà Nẵng và cao nguyên Trung phần, không có nơi nào tôi có ấn tượng sâu sắc bằng Huấn Khu Dục Mỹ(đặc biệt là Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân) và thành phố Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên. Khoảng năm 1965 hay 1966 lúc đó tôi lên 5 tuổi, đã hiểu biết và có trí khôn một phần nào nên chỉ nhớ được các địa danh nầy mà thôi. Vài hình ảnh ở Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ, cứ gợi đi rồi gợi lại xao xuyến trong tiềm thức của tôi từ nhỏ cho đến nay đã gần về già, như chính mình từng sống qua cuộc đời lính chiến gian khổ vậy. Nếu nhớ không lầm như là tôi cùng với mấy nhóc tì, con cái của sĩ quan huấn luyện đã chứng kiến khoá sinh tập huấn các bộ môn căn bản Biệt Động Quân như đi dây kinh dị, tử thần, cầu dây, leo núi và tuột núi. Bài học đi dây tử thần (tựa zip line) mà hầu hết các khóa sinh, từng tốt nghiệp khóa Rừng Núi Sình Lầy đều biết. Lũ nhóc gọi đùa môn đi dây nầy là: “tuột ga phăng thắng”, bằng cách dùng dây cáp để băng qua suối. Điểm A đầu dây cáp cao hơn điểm B, cuối dây. Trước hết, khoá sinh leo lên vị trí bục cao với tư thế chuẩn bị. Hai bàn tay khóa sinh nắm chặt đoản cây móc vào trục ròng rọc (pulley), nối với sợi dây cáp. Khóa sinh đu nhẹ co hai chân lên, hơi bật ngửa ra phía sau để lấy trớn và trục ròng rọc bắt đầu lăn dốc nhanh về hướng bên kia bờ suối. Trục ròng rọc trì vào sợi dây cáp do vận chuyển sức nặng thân người, tạo ra lực ma sát kêu xành xạch. Khi khóa sinh ra giữa dòng suối dây cáp nặng chùng xuống, người huấn luyện viên đứng bên kia bờ phất cờ màu đỏ, khóa sinh sẵn sàng buông tay khỏi đoản cây móc vào trục để rơi xuống mặt nước một cái bõm. Nước bắn lên tung tóe và khóa sinh tự lội vào bờ hay được vớt bằng canoe. Điều lạ kỳ là các khóa sinh phải mặc quân phục và đi giầy sault trong lúc luyện tập nên khó bơi. Ở bãi tập khác, khóa sinh đi trên cầu dây có hai dây quai vịn tay để băng ngang một con suối với một thời gian ấn định. Đơn giản tôi chỉ nhớ được như thế! Không biết có chính xác hay không? Đại khái binh sĩ tập luyện bộ môn của binh sĩ. Còn con nít sống trong trại cũng có trò chơi riêng. Nhớ mang máng ai đó, đã cột một sợi dây thừng lớn vào một thân cây để bắc qua con suối cạn, từ bên nầy sang bên kia với chiều cao hai bên bằng nhau. Đám nhỏ từng đứa một, bám tay vào sợi dây thừng. Đu lần ra giữa con suối rồi nhẩy dù xuống nước. Tại một tụ điểm ghềnh thác khác, con nít hay đứng trên các mõm đá nhẩy ùm xuống dưới suối tắm và nô đùa với nhau vào mỗi buổi trưa chiều. Thời đó, nước đổ từ ghềnh cao xối xả và trong lắm. Tắm mát đã luôn. Nay mường tượng lại nhiều trò chơi trong Huấn Khu Dục Mỹ, thấy dzui ơi là dzui… Nhắc đến Dục Mỹ là nói về thác và suối. Nhiều nơi trong Huấn Khu Dục Mỹ, nhìn đâu cũng thấy thác nước, hồ và suối? Đa số vợ con binh sĩ đồn trú ở Huấn Khu Dục Mỹ đều uống nước suối và tắm giặt bằng nước hồ thì phải? Một thắc mắc lớn mà tôi đặt câu hỏi mãi cho tới nay, là nhiệm vụ của bố tôi làm gì ở Huấn Khu Dục Mỹ (Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân nói riêng) vào năm 1965? Ông chức vụ gì, mà có thể mang theo vợ con vào đó sống chung? Cũng không biết gia đình chúng tôi sống ở trung tâm huấn luyện nầy được bao lâu? Bố tôi không phải là sĩ quan khoa trưởng hay huấn luyện viên. Chưa một lần trong đời tôi thấy ông mặc quân phục nhà binh hay bộ tác chiến hoa dù. Không đeo lon lá gì cả. Cho đến khi mãn phần, ông không một lần kể khoe khoang hay tiết lộ bất cứ điều gì về kỷ niệm đời quân ngũ của mình. Tôi cũng không bao giờ hỏi tới vì có ngờ đâu, nay tôi viết được văn chương nên cần chi tiết dữ kiện để kiểm chứng cho đúng(các bạn trẻ nên để ý kinh nghiệm nầy). Đôi khi thấy ông yêu đời, hay ngân nga bản nhạc tiền chiến Bức Tâm Thư: “Vài hàng gởi anh trìu mến. Vừa rồi làng có truyền tin. Nói rằng nước non đang mong. Đi quân dịch là thương nòi giống…” Thật ra tôi chỉ thấy ông qua hình ảnh của một người y tá nhiệt tình. Có thể ông thuộc ngành quân y ngày xưa và sau này là dân sự? Tướng mạo của ông cao trung bình và dáng vóc oai vệ thuộc típ điển trai hao giống hình ảnh của cố Chuẩn Tướng Trần Văn Hai vậy. Nhìn bề ngoài thì nhiều người lầm tưởng ông phải là một vị sĩ quan cao cấp, nếu như vô tình gặp mặt ở Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Nhưng trên thực tế, ông chỉ là một dân chính bình thường như bao nhân viên công chức khác mà thôi. Gia đình chúng tôi về lại phố biển Tuy Hòa, tỉnh Phú Yên năm 1966? Theo lời cha mẹ kể lại trước khi dọn đến Huấn Khu Dục Mỹ, chúng tôi đã từng sống ở thành phố nầy? Vì còn bé bỏng làm sao nhớ được? Lần trở lại đây, không còn ở trong trại gia binh nữa(hiện nay là doanh trại quân đội nhân dân Việt Nam qua online). Bố tôi đã giải ngũ, chuyển qua dân sự và làm việc cho Bệnh Viện Tỉnh Phú Yên. Bố mẹ tôi thuê một căn nhà gạch tồi tàn, tường vôi bạc mầu ở một khu lẹp xẹp tại phường 2, thị xã Tuy Hòa. Chỉ trong nhà mới lót gạch bông cũ kỹ và nhà bếp thì nền bằng đất. Đun củi chụm bằng dầu hôi. Cửa ra vào xiêu vẹo, không có khóa vặn tay. Chỉ gài then chốt sơ bên trong vào ban đêm, còn buộc giây xích có ổ khóa bên ngoài khi đi chợ. Chung quanh hàng xóm láng giềng một số thuộc lực lượng dân sự chiến đấu và đa số là lính Biệt Động Quân. Nhìn khu xóm tưởng đây cũng là trại gia binh, nhưng khác một tí là không có hàng rào kẽm gai. Chẳng có ai thuộc diện sĩ quan Biệt Động Quân sống trong khu vực nầy cả. Ngày xưa sĩ quan của ta sống biệt lập với lính trơn, nên đâu có ai muốn ở chung chạ với lính để làm mất giá trị của mình? Những người hàng xóm lính trơn Biệt Động Quân và vợ con của họ rất dễ thương. Nước da của họ đen thui đen thủi nên anh em chúng tôi không biết, gọi đại họ là người Campuchia. Ngôn ngữ của họ phát âm tựa tiếng Khmer và nói lơ lớ tiếng Việt Nam. Sau nầy qua Mỹ, ngẫm nghĩ lại mới biết họ là người dân tộc thiểu số gốc Ê Đê (Rhađê trước 75) gì đó. Họ sống hòa mình với tất cả mọi người. Gia đình tôi không còn diện lính nữa, nhưng họ vẫn cư xử như thành phần binh sĩ với nhau. Họ thuộc tầng lớp nghèo, chỉ dựa vào đồng lương lính của chồng. Họ quý bố tôi lắm vì ông hay tiêm thuốc cho gia đình họ, đôi khi không tính tiền nong. Vì vậy mà có cái gì ngon là họ đem biếu hay gọi bố tôi qua nhậu cho vui. Mà có cái gì ngon đâu. Dăm quả cóc, miếng xoài, trái ổi và vài xị đế hay rượu cần dzô dzô, chén anh chén tôi. Lâu lâu họ bẫy được con heo mọi hay săn được nai và nhím trong rừng, mang về xẻ thịt. Nghe tiếng các bà nội trợ lính trong xóm gọi nhau ơi ới cùng nhau bầy vẽ làm các món ăn như giả cầy, heo quay và thui v.v. Họ hay nướng thịt mùi hơi khét khét, tiếng cháy của mỡ xèo xèo khi lửa bốc lên ngoài sân chung với nhau, rất vui nhộn. Có miếng thịt nai thì quý hóa lắm, nhưng họa hoằn hiếm khi săn được. Thịt nai đỏ tươi được cắt thớ mỏng đem phơi khô ngoài nắng trên lưới đan, có rắc chút vừng lên trên đó. Nói chung là họ luôn chia ngọt xẻ bùi. Có miếng cùng hưởng, có họa cùng chia. Đối diện nhà tôi có một ông người kinh làm nghề kẹo kéo mang đi bán dạo mỗi ban trưa. Ông dùng cây cột trụ nhà là nơi đập kẹo kéo có trộn đậu phộng ở giữa. Bủa vài khối kẹo vào thân cây cột nhà với nhau, kéo dài cây kẹo mỏng tơ ra cho nó dẻo dẻo. Lúc đầu kẹo kéo mầu vàng đục, hình như làm bằng đường cát, nhìn thấy chẳng hấp dẫn chút nào? Quất mạnh rầm rầm tới lui nhiều lần, mầu kẹo vàng đục trở lên trắng dần. Theo dõi cách làm mà muốn chảy nước miếng. Lũ nhóc chúng tôi xin tiền mẹ mua ăn khen ngon đáo để. Lâu lâu mua thêm phần kẹo cho vài đứa bạn chơi thân, mút cho dzui dzẻ. Ngày đó còn con nít, chẳng để ý cột nhà người ta dơ như hạch, ruồi nhặng bu đầy và thật mất vệ sinh. Cứ thấy kẹo ngon là mua ăn, mà còn phải trực chờ đứng xem cho đến khi ông ta ra kẹo nữa chớ. Con nít ở Việt Nam ngày xưa thấy cái gì ngon ngọt cũng cảm thấy thèm và thiếu… Lực lượng Biệt Động Quân vào năm 1965-67 đánh nhau rất chì. Họ được coi là đơn vị tổng trừ bị ưu tú với huy hiệu “Cọp Ba Đầu Rằn”, oai hùng ngang hàng gần với Sư Đoàn Nhẩy Dù và Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến vậy. Những năm đó, lực lượng nầy chưa cải tuyển thành Biệt Động Quân Biên Phòng vì lính Biệt Động Quân người dân tộc đâu có đóng ở các tiền đồn xa xôi hẻo lánh? Họ sống tại thành phố Tuy Hòa, là hàng xóm với chúng tôi cho tới khi lính Mỹ bàn giao các căn cứ gần biên giới cho QLVNCH vào cuối năm 1970. Nhiều lần đi hành quân, lực lượng Biệt Động Quân đều chiến thắng vẻ vang trở về. Mỗi lần như vậy, họ đều mở tiệc ăn mừng linh đình và nhảy nhót vũ điệu dân tộc. Ngỡ lính nào ở đâu chết thì chịu, nhưng ít thấy lính Biệt Động Quân xóm tôi hy sinh. Đa số lính Biệt Động Quân nầy hay chơi bùa ngải để giữ mạng. Cổ người nào cũng đeo mấy miếng bùa vải, nanh heo rừng hay vật gì giống như tai người phơi khô quéo. Hỏi họ là cái gì thế, thì họ nói đùa vui chơi là tai của Việt Cộng chết, cắt về phơi khô để làm bùa hộ mạng. Nhưng rồi họ cũng đâu tránh được đạn thù mãi mãi. Chiến tranh leo thang và người lính đánh giặc cũng ra đi. Một số hy sinh vào các cuộc hành quân sau. Vợ con họ khóc lóc đau khổ lắm, làm gia đình chúng tôi mủi lòng thương xót. Người sống góp tiền góp công giúp đỡ an ủi để lo hậu sự. Một điều thắc mắc lúc còn nhỏ, là vài người lính Biệt Động Quân người dân tộc đoán biết vận số của họ trong những lần hành quân sắp đến? Có người linh tính nói rằng trận tới họ sẽ hy sinh? Hình như, một số người dân tộc thiểu số gốc Ê Đê (Rhađê trước 75) không thích chôn dưới lòng đất như người kinh? Xác họ được hỏa thiêu theo tục lệ Chămpa xưa, hay mang về những vùng rừng núi quê nhà ở cao nguyên Darlac? Xóm tôi hơn chục căn nhà gốc gác đều là lính Biệt Động Quân người dân tộc thiểu số, ngày càng thưa dần theo tháng năm…
Sống ở đâu cũng có nhiều kỷ niệm vui buồn. Tuy nhiên, sinh ra và lớn lên trong một đất nước chiến tranh thì nỗi buồn nhiều hơn vui. Bên trái xóm Biệt Động Quân của chúng tôi xa xa là Thánh Đường Tuy Hòa. Nhà thờ được xây dựng vào đầu thập niên 1960, theo lối kiến trúc tây phương rất đẹp. Đặc biệt có tháp chuông cao chót vót và mái ngói đỏ kiểu hình chữ A tọa lạc trên một mô đất cao. Nhìn dưới xóm ngó qua triền đồi, cảm tưởng thánh đường như một bức tranh sơn dầu vẽ trên vải bố (canvas) trong các làng mạc bên Âu Châu. Sau những cơn mưa rào vào mùa hè, vừng thái dương xuất hiện ngoài biển Đông, thường thấy cầu vồng bảy sắc óng ánh hiện trên nền trời bên phía thánh đường trông rất đẹp mắt. Chung quanh nhà thờ ngày đó còn trống trải, không có dân cư ngụ nên hiển nhiên trở thành một mục tiêu tốt để cộng sản bắn phá cho bõ ghét. Một sáng sớm tinh sương nào đó, bọn cộng sản pháo kích vào nhà thờ làm lủng một lỗ to tướng trên mái ngói đỏ. Khoảng độ 4-5 giờ rạng sáng, khi chưa có ai đi nhà thờ nên không người nào thiệt mạng cả. Sáng hôm sau, cha sở và giáo dân xem xét hiện trường. Nhiều người rủa bọn cộng sản tưng bừng vì lấy chi phí đâu để sửa chữa thiệt hại. Cả tuần lễ sau trên mái ngói đỏ đó, được lợp mấy miếng tôn mầu xám tro, vít lỗ hổng lại để che nắng che mưa. Sân cỏ nhà thờ nầy thường là nơi trẻ con đá bánh và chạy nhẩy tung tăng vui đùa với nhau.
Còn bên phải xóm Biệt Động Quân là chùa Bảo Tịnh. Chùa tọa lạc trên một thửa đất mầu nâu nâu bằng phẳng rất rộng. Chùa Bảo Tịnh có cổng tam quan kiến trúc rộng rãi. Xe hơi có thể chạy ra vào dễ dàng. Chùa được xây dựng vào năm 1962, nằm trên đường Phan Đình Phùng(kiểm chứng trên online), rất gần xóm chúng tôi. Hai bên đường lộ trồng dọc hàng cây dương liễu và thông, gió biển thổi vào làm cây lá dập dìu với nhau tạo lên âm thanh rì rào vi vút suốt ngày lẫn đêm. Trong vòng bán kính chu vi rộng lớn bao chung quanh ngôi chùa, rất ít bóng người qua lại. Bên trái ngôi chùa ngày đó có chừng 3 hồ sen rộng lắm. Có hồ thì nhiều sen và nước đục ngầu xanh rờn, nên không tắm được. Còn các hồ kia nước trong hơn, thường là nơi tụ họp tắm lậu của đám con trai vắt mũi chưa sạch. Tất cả các hồ đều cắm bảng cấm tắm, nhưng không ngăn được đám con nít sống trong vùng thích bơi. Tôi cùng vài nhóc tì hay tà tà theo mấy anh lớn đi nghịch nước. Cha thì đi làm đầu tắt mặt tối kiếm tiền. Mẹ thì ở nhà trông nom em bé và lo việc nội trợ gia đình. Chẳng hay biết còn mình cúp cua, hùa với nhau đi chơi nghịch phá. Buổi trưa thường cởi áo nhẩy xuống hồ, mà đa số có biết bơi gì đâu. Hồ sen sâu hơn chiều cao của đứa trẻ Á Đông 6-7 tuổi. Nhiều thằng con nít liều mạng nhẩy xuống bơi theo các anh lớn tưởng dễ ẹt, bị uống nước sặc gần chết. Đến khi có đứa chìm lỉm, mấy trai lớn mới hô hoán ầm ỹ lên vì không cứu được, thì sư sãi mới chạy ra cứu vớt. Nhưng đôi khi cũng quá trễ, chỉ mong vớt được xác lên để người nhà đem về chôn cất. Thấy tai hại như vậy mà đám trẻ cũng không chừa. Chứng nào tật nấy! Cũng vì hay di chuyển chỗ ở nhiều nơi và lêu lổng học hành mà chính tôi phải ở lại lớp. Học trễ hơn chúng bạn đồng tuổi một cấp lớp. Âu cũng là một kỷ niệm đáng nhớ trong đời với câu nói mỉa mai: “Nhỏ không học lớn làm Đại Úy!” Không biết chùa Bảo Tịnh bây giờ có còn mấy cái hồ đó nữa không nhỉ? Mỗi tuần lễ, bố tôi thường trực đêm ở Bệnh Viện Tỉnh Phú Yên, ít ra hai hay ba lần. Địa điểm bệnh viện tọa lạc ở hướng bắc, bên trái trên con đường Trần Hưng Đạo(kiểm chứng trên online), hơi xa trung tâm thành phố một chút. Đường đi gần bờ biển có trồng rất nhiều rặng dương liễu và thông reo. Ban đêm vào 8 giờ tối, bố tôi thỉnh thoảng đèo 1-2 người con theo ông tuốt một lèo chỉ một con đường cái đi ra bệnh viện. Nghe gió vi vu xào xạc của liễu thông là thấy rợn cả người. Đèn đường thì chỗ tỏ chỗ mờ. Đa số phải dựa vào đèn xe gắn máy. Cảm tưởng trên đường lúc nào cũng có những vệt sáng chiếu ngược từ hướng bệnh viện về trung tâm thành phố như bóng ma trơi. Có lẽ do ảo giác vì ánh đèn xe gắn máy rọi phản chiếu mầu cát trắng? Chúng tôi sợ phát khiếp vì đường quá vắng vẻ rất ít xe cộ qua lại, hay lúc đó còn nhỏ nên ai mà không sợ. Người lớn thấy còn run nữa, huống chi là con nít. Bệnh Viện Tỉnh Phú Yên sơn mầu trắng có nhiều tầng lầu cao ốc. Mặt tiền bệnh viện hướng ra biển. Bên trong khuôn viên bệnh viện trồng nhiều cây liễu thông cao vút và nhìn đâu cũng thấy cát trắng. Năm 1966-67, bệnh viện chỉ có 1 building trơ chọi. Chung quanh không có dân cư ngụ. Theo nhận xét của tuổi thơ có trí nhớ tốt thì bệnh viện thuộc dân sự, nhưng cũng phục vụ cho lính khi cần. Thị xã Tuy Hòa vào ban đêm ít người ra đường lắm. Bãi biển Tuy Hòa tương đối dài bằng phẳng nhiều cát trắng nhưng bị lu mờ vì địa thế nằm cạnh bãi biển Nha Trang thơ mộng và nổi tiếng hơn, nên chẳng có mấy du khách đến viếng thăm? Vả lại nước ta đang trong thời kỳ chiến tranh, thiên hạ sợ ngay ngáy có ai ham thích để đi du lịch? Có một lần tác giả mục kích vài tàu há mồm với số lớn binh sĩ mặc quân phục mầu xanh tác chiến, mang súng ống đầy mình đổ bộ lên trên bãi biển lúc xế chiều, không xa Bệnh Viện Tỉnh Phú Yên là bao. Nhìn chung quanh loáng thoáng chỉ số ít thường dân ngắm biển đứng xem. Nói về ăn uống, Phố biển Tuy Hòa có nhiều món đặc sản tuyệt vời như sò huyết nướng bằng than vào xẩm tối ăn quên chết luôn! Nhìn mấy tay nhậu nhâm nhi, vừa uống bia 33 một hớp, húp chút chất ngọt sò huyết chấm muối tiêu vắt tí chanh, là quên đi cảnh chiến tranh chết chóc. Ai là lính từng đóng ở Tuy Hòa, chắc không quên món quê hương nầy hỉ? Ngoài ra dọc duyên hải miền Trung còn có nhiều cồn cát rộng mênh mông. Đi lún cả chân và nắng cháy da người, như đi trong sa mạc vậy. Những kỷ niệm trên tuy tầm thường, nhưng nay có dịp để viết lên cho biết đó biết đây! Sống ở thị xã Tuy Hòa lần thứ 2 không được bao lâu, thì bố tôi lại thuyên chuyển về Bệnh Viện Biên Hòa. Nơi đây bố tôi từng làm việc với các bác sĩ Úc và Mỹ để học hỏi kiến thức Tây Phương. Bác Sĩ Úc thương tặng boomerang(móc gỗ ném đi thì nó quay ngược trở lại). Bác Sĩ Mỹ tặng Whisky vào dịp lễ Giáng Sinh hay dự tiệc liên hoan uống beer Budweiser lon tiễn họ về nước. Nhưng mơ ước của ông là được về gần gũi với gia đình bên nội, đang sinh sống ở Sàigòn. Thú thật ngoại trừ Sàigòn ra, chẳng có nơi nào làm tác giả nhung nhớ bằng Huấn Khu Dục Mỹ và thị xã Tuy Hòa nói riêng, nơi có nhiều kỷ niệm của thời ấu thơ. Tuy thời gian ở đó ngắn ngủi và sự hiểu biết non nớt, nhưng hình ảnh của các anh lính trơn Biệt Động Quân người dân tộc thiểu số và thân nhân của họ thật đáng mến. Họ sống vô tư lự, không nghĩ đến ngày mai. Có đồng nào xào đồng nấy. Tiền lính tính liền! Một điều cảm phục nhất, là họ đã dấn thân phụng sự đất nước một cách dũng cảm vô biên, không sợ chết! Biệt Động Quân người dân tộc thiểu số hy sinh không ít trong cuộc chiến Việt Nam. Họ xứng đáng được Tổ Quốc Ghi Ơn! Bố tôi phục vụ ở Bệnh Viện Biên Hòa khoảng 3 năm, thì lại thuyên chuyển về Viện Quốc Gia Phục Hồi tọa lạc ở số 70 đường Bà Huyện Thanh Quan, Quận 3, Thành Phố Sàigòn với chức vụ Y Tá Trưởng khu điều dưỡng và trợ lý chức năng tay chân giả cho thương binh tật nguyền. Nơi nào ông cũng phục vụ thương binh và trẻ em khuyết tật bẩm sinh tận tình. Ông được giữ lại phục vụ một thời gian sau biến cố 30 tháng 4 năm 1975, rồi bị thôi việc. Gia đình được tôi bảo lãnh qua Mỹ vào mùa hè năm 1991 và ông bà chọn định cư ở Nam Cali, nơi có nhiều thân nhân họ hàng của ông cư ngụ. Hơn 10 năm sau, bố tôi mắc phải chứng bịnh bệnh nan y vì ăn uống nước ao tù đầy muỗi mòng sốt rét từ ngày còn trong quân đội? Hay có lẽ do hệ lụy phục vụ thương bệnh binh trong phòng mổ thiếu vệ sinh khử trùng? Ông qua đời vào tháng 10 năm 2003 ở miền Nam Cali. Nay tôi có dịp viết lên trân trọng cảm ơn người đã mang chúng tôi theo, qua những vùng đất quê hương miền Trung khó nghèo và sống gần gũi thực tiễn với đời sống binh sĩ Việt Nam Cộng Hòa. Để cảm thông nỗi khổ đau, đồng chứng kiến sức chịu đựng bền bỉ và sự mất mát to lớn của họ trong chiến tranh Việt Nam. Darren Thăng |