Home Văn Học Tùy Bút Viên Xạ Thủ Đại Liên

Viên Xạ Thủ Đại Liên PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Trác Hiếu -Bác Sỉ Quân Y -VNCH   
Thứ Bảy, 14 Tháng 4 Năm 2012 05:42

Mùa hè đỏ lửa năm 1972. Chiến sự thật sôi động. Quân ta và địch đang quần thảo nhau dữ dội ở các mặt trận Kon Tum, Tân Cảnh. Tôi trực Cấp Cứu Quân Y Viện Qui Nhơn. Hết đợt nầy đến đợt khác, trực thăng tải thương thay nhau đáp xuống QYV.

 

hình Cựu Sinh Viên Quân Y -VNCH

Chiều xuống, tôi và toán y tá vừa đói vừa mệt vì làm việc không ngưng nghỉ. Một y tá chạy ra chiếc quán cóc trước QYV mua cho tôi một dĩa bánh cuốn và một chai nước ngọt. Tôi ngồi ngay trong phòng cấp cứu ăn vội dĩa bánh và uống chai nước để lấy sức. Nhiều binh sĩ bị thương nhẹ còn nằm ngồi la liệt trong phòng cấp cứu chờ được săn sóc. Chưa quá 12 tiếng mà chúng tôi đã nhận hơn trăm thương binh. Thêm một y sĩ giải phẫu nữa vừa được chúng tôi gọi vào tăng cường giải quyết những trường hợp cần mổ gấp.

Hai chiếc trực thăng tải thương nữa lại vừa mới bay về từ mặt trận. Một chiếc đang đáp, một chiếc còn đang vần vũ trên QYV chờ bãi. Chiếc trực thăng chở nặng, bay thấp, tiếng máy nổ lớn bùng tai, ran ngực và thật hăm dọa. Toán y tá chụp vội băng ca, chạy khom người dưới làn bụi cát để tiếp nhận thương binh. Một y tá hét vào tai tôi, “Chuyến nầy nhiều bệnh nặng lắm bác sĩ ơi!”

Y tá phòng cấp cứu QYV là những người có rất nhiều kinh nghiệm về cấp cứu chiến thương. Họ làm việc có phương pháp và nhanh chóng. Yếu tố thời gian thật quan trọng trong việc cấp cứu thương binh. Chậm trễ đôi phút cũng đủ để cho tử thần cướp đi những chiến binh ưu tú.

Hai chiếc trực thăng đã mang về cho chúng tôi nhiều thương binh với đủ loại thương tích nặng. Có tới ba thương binh đang bị kích xúc do mất nhiều máu. Tôi vừa đặt xong một đầu dây truyền máu vào tĩnh mạch của một thương binh bị kích xúc thì nghe một y tá gọi lớn, “Lại ngay đây bác sĩ ơi! Em tìm không ra mạch.” Đây là một thương binh to con, đầu cổ mình mẩy quấn đầy băng trắng thấm đỏ máu. Da mặt anh xanh xám, môi anh tím ngắt và mắt anh nhắm nghiền. Mồ hôi lạnh ứa ra đầy trán anh. Anh đã bất tỉnh, không có phản ứng gì với đau đớn. Huyết áp anh xuống thật thấp, mạch anh không bắt được và hơi thở anh thật cạn như muốn ngưng lúc nào không hay.

Thấy cánh tay trái anh còn một chỗ hở không bị băng bó, tôi dùng dao mổ rạch ngang trên vị trí của một tĩnh mạch rồi dùng ngón tay trỏ moi chiếc tĩnh mạch đã xẹp ra. Y tá tôi cắm đầu dây truyền máu vào tĩnh mạch anh rồi hai tay ra sức siết mạnh bọc máu đỏ. Chúng tôi giúp anh thở bằng cách bơm dưỡng khí vào phổi anh và tiêm truyền cho anh đủ loại thuốc và dung dịch cấp cứu mà chúng tôi đang có đầy đủ trong tay. Huyết áp anh bò lên đôi chút rồi lại tụt xuống đôi ba lần. Có lúc hơi thở anh đứt quãng, tưởng chừng anh không vượt qua nổi cơn kích xúc do đau đớn tột cùng và mất máu nặng.

Trong quá khứ, cũng đã có lần chúng tôi tranh đấu quyết liệt với tử thần mà cũng không giành giựt lại được mạng sống của đồng đội bị kích xúc. Sau gần một giờ cấp cứu tận lực, chúng tôi nhận thấy da anh trở hồng hơn một chút, anh thở sâu hơn và huyết áp bắt đầu lên lại. Chúng tôi khám thấy anh bị gãy nhiều sườn, gãy xương chân, xuất huyết nội trong bụng và gần hai trăm vết thương lớn nhỏ trên khắp thân thể anh. Anh vẫn nằm thiêm thiếp. Y tá tôi túc trực bên anh chờ cho anh hồi phục đủ tiêu chuẩn để được giải phẫu.

Một thương binh cùng đơn vị anh kể cho chúng tôi nghe rằng anh là một trung sĩ xạ thủ đại liên của một thiết vận xa M113. Khi quân ta đang phản công địch thì thiết vận xa của anh bị một quả B40 của địch bắn trúng. Quả đạn nổ gần thổi tung thân anh lên cao rồi rớt xuống đất. Anh còn nói được khi vừa bị thương ở mặt trận nhưng đã ngất đi trên trực thăng tải thương vì mất quá nhiều máu.

Trời bắt đầu tối. Y tá báo cho tôi biết anh xạ thủ đại liên đã hồi phục đủ để được giải phẫu. Tôi đi theo người y tá đẩy băng ca anh lên phòng mổ. Một y sĩ giải phẫu từ phòng mổ bước ra hành lang lắng nghe chúng tôi phúc trình ngắn gọn về ca bệnh. Anh khám nhanh thương binh rồi nhìn chúng tôi lắc đầu buồn bã. Chúng tôi ngạc nhiên nhìn anh dò hỏi. Người y sĩ giải phẫu nầy thuộc lớp đàn anh của tôi, đã đến phục vụ tại QYV Qui Nhơn hơn 10 năm, khi mà tôi mới vừa tốt nghiệp trung học tại thành phố nầy. Thấy chúng tôi sững sờ, anh dịu dàng giải thích, “Hai em à, qua đã từng mổ rất nhiều ca mà thương binh bị quá nhiều thương tích nặng như ca nầy. Có mổ cũng không thấy ai sống sót... Mình nên để dành thì giờ cho những ca còn lại nhẹ hơn mà mình còn có chút hy vọng cứu sống...”

Tôi bỗng thấy nghèn nghẹn ở cổ. Tôi không hề nghi ngờ gì về thiện chí hay kinh nghiệm của người y sĩ đàn anh của tôi nhưng tôi cảm thấy không thể nào đẩy người thương binh nầy trở lại phòng cấp cứu mà chờ cho anh chết. Đầu tôi chợt như đông đặc lại. May thay, người y tá trẻ đã vội vàng khẩn khoản, “Bác sĩ ơi, mấy ca nhẹ đã được bác sĩ L. tăng cường đêm nay lo rồi, bác sĩ mổ ca nầy đi. Mình gắng hết sức mà anh ấy có mệnh hệ nào thì mình cũng an lòng và gia đình vợ con anh ấy cũng không trách mình được.” Người y sĩ đàn anh của tôi xiêu lòng bảo chúng tôi đẩy thương binh vào phòng mổ. Người y tá tươi cười siết tay tôi nói, “Em sẽ cầu nguyện cho anh ấy, bác sĩ...”

Người y tá trở lại phòng cấp cứu. Tôi đứng nán lại trong một góc phòng mổ quan sát toán y tá phòng mổ sửa soạn nhanh ca mổ. Người lo đánh thuốc mê, người dùng bàn chải cọ xát hàng trăm vết thương trên thân thể anh xạ thủ sau khi đã đổ lên người anh nguyên một thùng nhỏ dung dịch sát trùng màu xanh nhạt. Quả thật khó mà đếm cho hết những vết thương lớn nhỏ lỗ chỗ trên thân anh. Da anh có chỗ bị thuốc nổ cháy đen. Máu đỏ vẫn tiếp tục ứa ra thành nhiều đường dài từ những vết thương hở miệng đó.

Lại có tiếng trực thăng tải thương vần vũ, hăm dọa trên nóc QYV. Tôi rời nhanh phòng mổ trở lại phòng cấp cứu. Bốn giờ sáng đêm ấy, tôi mệt lả nhưng không đói, chỉ thấy miệng và lưỡi khô rốc. Viên y tá trưởng nói, “Giờ nầy khuya quá, trực thăng không về nữa đâu, bác sĩ về phòng trực nằm nghỉ một chốc. Nếu có thương binh về em sẽ báo ngay.”

Tôi lững thững bước ra khỏi phòng cấp cứu của QYV Qui Nhơn. Đêm yên lặng. Gió biển khuya mát lạnh thổi vi vu qua hàng phi lao trước mặt QYV. Sóng biển vẫn vô tình đều đặn từng chập vỗ bờ. Chòm sao Hiệp Sĩ vẫn còn nằm nghiêng nghiêng trong bầu trời đêm, như đang yên lặng quan sát những đau thương của một cuộc chiến tương tàn.

Về đến phòng trực, tôi nặng nề thảy người trên chiếc giường con, không màng cởi bỏ đôi giày trận hay bộ treilli vấy máu thương binh. Tôi thiếp đi và mơ thấy hàng chục chiếc trực thăng tải thương ào ạt đổ thương binh xuống QYV, người nào mình mẩy cũng đẫm máu...

Chiến trận trên cao nguyên và trong vùng 2 vẫn tiếp tục sôi động. Chúng tôi trực gác liên miên. Có ngày thương bệnh binh được chuyển về ngập phòng cấp cứu QYV. Một ngày tôi được tin một người bạn cùng trường vừa tử trận. Ngày khác, vài người bạn thân nữa mất tích. Tinh thần chúng tôi thường trực căng thẳng. Tôi quên bẵng viên xạ thủ đại liên được giải phẫu vài tuần trước.

Một hôm, khi tôi vừa trở lại phòng cấp cứu thì người y tá từng đẩy anh xạ thủ đại liên lên phòng mổ, chạy đến tươi cười nói với tôi, “Tin vui bác sĩ, anh chàng thoát rồi. Anh chàng trung sĩ xạ thủ đại liên đấy.” Tôi chợt nhớ lại trường hợp cấp cứu ấy và cũng vui lây. Người y tá tiếp, “Anh chàng đang nằm ở trại 14. Khi nào rảnh bác sĩ ghé lại thăm anh chàng nhé!”

Tôi nhìn vào mắt người y tá trai trẻ đầy nhiệt tình, “Nhờ em đã chân thành cầu nguyện cho anh ấy.” Người y tá mỉm cười, “Em nghĩ cũng nhờ tài giải phẩu của bác sĩ C. và sự cố gắng tận tình của anh em y tá phòng mổ nữa.” Tôi hỏi, “Em có tin là người có số không?” Người y tá đáp không ngần ngừ, “Dạ, tin chớ.”

Vài hôm sau tôi ghé trại 14. Tôi nhận ra anh xạ thủ ngay vì vóc dáng cao lớn của anh. Mặt anh còn sưng, mắt anh còn bầm, những vết thương trên khắp thân thể anh còn chưa lành hẳn. Chân anh được băng bột, ruột già bị lủng của anh được bác sĩ C. cắt khâu vào thành bụng đỏ hỏn chờ giải phẫu tiếp. Tình trạng sức khỏe của anh có vẻ khả quan. Tôi ngồi xuống bên thành giường thăm hỏi anh. Anh cho tôi xem tấm ảnh vợ và hai đứa con anh chụp chung. Hai đứa bé thật kháu khỉnh. Nói chuyện một lúc tôi nhận ra quê anh không xa quê tôi mấy. Tôi ở hữu ngạn, anh tả ngạn sông Côn. Anh kể, “Vợ em tưởng em chết rồi nên khóc sưng cả mắt. Khi đến QYV thấy em còn đây nó mừng quá cũng lại khóc bù lu bù loa...”

Nói chuyện với tôi anh nghĩ tôi là một trong những y sĩ điều trị của trại anh. Anh không hề biết tôi là y sĩ trực cấp cứu của ngày anh bị thương thập tử nhất sinh. Tôi ngồi nghe anh nói mà cảm nhận và chia xẻ được nỗi vui mừng của bản thân anh, của gia đình và vợ con anh.

Hôm ấy, tôi bước ra khỏi trại 14, lững thững đi bộ giữa những hàng thông cao trong khuôn viên QYV. Ngoài kia, tiếng sóng biển vỗ bờ dường như nhịp nhàng và êm ả hơn.Tiếng gió biển thổi vi vu qua rặng phi lao mơn man và dịu mát hơn. Nắng vàng tràn ngập QYV hôm đó cũng óng ả và ấm áp hơn.