Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Nguyễn Thế Hoàng Vui Buồn Trong Chuyến Đi

Vui Buồn Trong Chuyến Đi PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thế Hoàng   
Thứ Bảy, 13 Tháng 11 Năm 2010 10:08

Khu công viên đối diện Sở Ngoại Vụ, số 4 Thái Văn Lung, thành phố Saigon, không biết ai đã đặt cho nó một cái tên nghe dí dỏm " trung tâm trao đổi tin tức"  duy nhất có một không hai đối với số đông đang xây mộng đi nước ngoài sau ngày miền Nam lọt vào tay giặc Cộng.

Hầu hết những tin tức được phổ biến dành cho những chuyến đi để mỗi người tự tô vẽ sơn phết cho mình một cái khung thích hợp tùy từng hoàn cảnh. Họ quy tụ về đây khắp mọi miền Đất Nước. Từ Quảng Trị, Huế vào, từ Dalat, Banmêthuột xuống, từ Cà Mau, Châu Đốc lên để được đến góp mặt. Họ là dạng con lai Mỹ, dạng bảo lãnh, Pip, hôn phu hôn thê, làm sở Mỹ... và đông đảo nhất là dạng H.O. của mấy ông Quân Công Cán Chính chế độ Việt Nam Cộng Hòa vừa sụp đổ, có từ 3 năm tù cải tạo trở lên. Họ đến Sở Ngoại Vụ bổ túc hồ sơ, làm các thủ tục chuyến đi, hoặc nghe ngóng, thăm dò...hồ sơ, giấy tờ có phải bị trở ngại, trục trặc ở chặng nào không, và điều duy nhất là để góp mặt với "trung tâm trao đổi tin tức".  

Sự góp mặt như một nhu cầu cần thiết, ghiền gập nếu thiếu đi hoặc vắng mặt một hai ngày là cảm thấy nhớ một cách kỳ lạ, nhớ kinh khủng, nhớ quay quắt đến chết người đi được. Vì sao ? Vì nơi đó có những tin tức được bật mí thật sốt dẻo, vô cùng hấp dẫn như đang ở trong giấc mơ, nghe đến khoái màng nhỉ lạ đời !! Tin tức đúng hay không, không cần biết, nào ai phối kiểm cho nổi, miễn được người ta nói, mình sung sướng đứng lắng nghe như đang ngửi một chất ma túy thấm dần vào từng thớ thịt, chạy rần rần trong huyết quản, vào óc, vào tim, khiến người đờ đẫn ngẩn ngơ như đang lạc vào cõi mơ. Vừa nghe chỗ này, bước qua chỗ kia lại cũng đang được người người rao giảng những tin tức đó hoặc những tin tức giật gân nghe đến trân người. Rồi cũng áp vào, lấn chen để nghe, càng nghe càng khoái, càng hãnh diện tự hào là mình đang sắp được hưởng bao nhiêu là quyền lợi vô cùng đặc biệt được ưu đãi có một không hai. Một người nói, nhiều người nghe và những người nghe sẽ trở thành những phát ngôn viên khắp mọi nơi. Vì vậy, những tin tức mỗi ngày có giá trị khả tín rất cao qua sự truyền đạt giữa người này và người khác có thể sẽ thành sự thật trăm phần trăm. Mỗi người tự cảm thấy cái giá trị của mình đang ở độ cao không như hồi Việt cộng mới vô, bọn chúng và người dân coi ai cũng rẻ rúng.   

Đại loại thì có những tin tức như Mỹ đang xây cất các khu gia cư dành cho các cựu tù nhân chính trị tái định cư theo diện H.O. trên nhiều thành phố của các tiểu bang. Mỗi gia đình được cấp phát một ngôi nhà có phòng khách, phòng ăn, phòng tắm, ba bốn phòng ngủ, có garage để xe, và trong nhà thì trang bị đầy đủ bàn ghế, salon, tủ giường với tất cả mọi tiện nghi đời sống. Gạo, mắm, cá thịt, rau quả, trái cây chất đầy trong tủ lạnh lớn. Một chiếc xe hơi láng coóng để sẳn trong garage. Khi gia đình H.O. xuống máy bay, có ủy ban quản trị đón tại phi trường và chở về nhà được cấp phát có tên sẳn trong danh sách, mình chỉ nhận chìa khóa nhà, chìa khóa xe là xong. Sao mà thần tiên như vậy !?   

Ôi ! nghe sao mà thích thú quá trời đi chứ ! Sung sướng nào bằng ! Đời sẽ lên hương, trải thảm hoa, đầy hoa hồng rực rỡ !  Tôi cũng như những người khác vội vã đi học lái xe, để khi qua Mỹ nhận xe hơi thì phải biết lái chở vợ con đi đây đi đó kẻo Mỹ nó cười mình dở. Bây giò đang đạp xe đạp lộc cộc, lạch cạch đãy, nhưng hễ khi xuống máy bay là lái xe hơi chạy vi vút có thua gì ai đâu nào !  

Lại một tin khác được loan truyền, là một số cấp lớn đã qua Mỹ trước đang phối hợp với Chính Phủ Hoa Kỳ lập danh sách các tù nhân chính trị H.O. được định cư tại Mỹ để trả tiền lương truy lảnh từ ngày mất nước đến khi đến Mỹ, sau đó được trả lương 3/4 số lương trước đó. Mọi người được trả lương trong tư thế sẳn sàng chờ lệnh. Không biết là lệnh gì ? Ai ai cũng mừng khấp khởi, rồi còn đưa yêu sách phải trả  bằng đô la theo thâm niên công vụ, cấp bậc, ngạch trật mới thăng thưởng hằng năm. Rồi ai ai cũng được nhắc nhở nhau là hãy tìm lại các giấy tờ lương bổng cũ để sau này trình ra có gì sai sót thì khiếu nại đến nơi đến chốn.  

Rồi "trung tâm trao đổi tin tức" phóng tin giật gân : trợ cấp tù. Cứ một năm tù trong lao tù Cộng sản là được trợ cấp một số tiền, chưa biết là bao nhiêu. Ai có nhiều năm tù được trợ cấp nhiều hơn. Nghe thích lắm, khoái lỗ tai, nở phồng mủi. Được dịp, mấy anh ở tù nhiều năm lại chọc quê những người ở tù ít năm là chưa đủ tiền uống la de. Đây là tiền chùa, tiền trên trời rớt xuống, tự dưng mà có, hãy để dành riêng cho mục nhậu, du hí. Không được tiết lộ, rủi ro mấy bà xã biết được là lột sạch sành sanh. Rồi không ai bảo ai đều lo cất giữ cho thật kỹ cái "giấy ra trại"của tụi Việt cộng cấp lúc được thả về, xem như giữ một báu vật. Thật là vui.  

Về khoản tiền vé máy bay không biết "trung tâm trao đổi tin tức" đã tiếp vận làn sóng nào mà phát ra một tin rất ư là kỳ thú : "đi máy bay miễn phí". Chở gia đình tù cải tạo đi Mỹ không phải trả tiền vé ! Nghe thích lắm ! Có người chi li thử tính một gia đình năm người đi phải mất độ bốn ngàn đô la. Số tiền quá lớn ! quá lớn !  Thỉnh thoảng có người bác bỏ tin này bảo, không có miễn phí gì hết trơn, khi qua đến nơi phải trả góp trong vòng ba năm, nếu vậy cũng được, chứ mới ở tù ra, đói rách, lấy tiền đâu mà trả.  

Người mau miệng khi nhận được tin vô cùng hấp dẫn, thật đáng tin cậy ở mức độ A1 thì vội vàng thót lên xe về nhà ngay dù cho đường xa nghìn dặm để báo tin cho má nó hay mà cùng mừng với nhau.  

Kẻ bán tín bán nghi thì cẩn thận hơn phán nước đôi rằng có thể tin mà có thể không tin, cần phải phối kiểm, giải đoán. Đừng quá tin rồi thất vọng. Từ từ...từ từ..chớ nôn nóng.  

Lại có người nhất quyết không tin, nói khẳng khái :  

- Thật khổ cho qúy ông ăn ở không, vô công rỗi nghề, rồi nặn, rồi phịa đủ thứ hoa lá cành. Đừng ăn ốc nói mò. Không ai tin. Mỹ nó không ngu như qúy ông tưởng.  

Hai phe tin, và không tin lâu lâu xáp trận tranh cãi õm tỏi, ai cũng cho mình như thế này là đúng, như thế kia là đúng, không ai nhường ai. Tôi không ở phe nào khi nghe tin được phát cảm thấy không có lý, nhưng khi họ trưng những tờ báo được cắt ra, photo và từ Mỹ gởi về khiến tôi hoang mang không còn biết đâu mà lần. Nhưng tôi an tâm xác định rằng chẳng bao giờ có những ân huệ như tin tức đồn đãi. Người Mỹ họ thực sự chi tiền có tính toán, mà không đời nào chi ra bạc triệu, bạc tỉ để làm những chuyện không mang lợi ích cho đất nước họ. Họ có lòng nhân đạo cưu mang tù cải tạo được tái định cư trên đất nước họ để tránh nanh vút hành hạ trả thù độc ác của lũ người vong bản là quý hóa lắm rồi. Xin cám ơn chính phủ và nhân dân Hoa Kỳ đã nghĩ đến tập thể cựu tù nhân cải tạo. Nguyện vọng, mơ ước duy nhất của cựu tù nhân chính trị sau thời gian ở tù được đi tái định cư ở Hoa Kỳ, vì không thể sống chung trong chế độ kiềm kẹp, phân biệt đối xử của lũ Cộng nô. Ai có sẳn tiền bạc để lo chuyến đi là may mắn. Ai nghèo rớt mồng tơi, bệ rạc thì chạy đôn chạy đáo vay mượn làm giấy tờ, tiền lời bằng hai ba tiền vốn, hẹn nợ qua Mỹ gởi về trả.  

Hầu hết sau khi ở tù về đều nghèo khổ, đói rách lang thang, vợ con nheo nhóc hoặc quay lưng lấy chồng khác, không công ăn việc làm, bệnh hoạn, mặc cảm giai cấp, nhưng nghị lực vẫn bền bĩ, lòng dạ vẫn sắt son. Họ thường la ca tụ tập từ sáng đến tối tại các quán cà phê giải khát, tại nhà bạn bè quanh chiếc máy thu thanh để nghe ngóng, trao đổi tin tức, bàn luận đủ mọi chuyện cho chuyến đi của từng mỗi người. Nếu không có cơ hội về ăn dầm nằm dề ở "trung tâm trao đổi tin tức" thành phố Saigon, thì quay ra mở lén các đài VOA, BBC, RFM.....để góp nhặt tin tức tái định cư....Nghe rồi thu băng sang ra nhiều cát sét để gởi bạn bè cùng nghe như là món quà cho tình đồng đội, tình chiến hửu vẫn còn son sắt mặn nồng trong huyết quản.  

Tôi cũng như mọi người, cũng rạo rực, cũng nôn nao, cũng lo lắng trong những tháng ngày chờ đợi bước chân ra đi đến miền đất hứa, rời khỏi quê hương thân yêu đang quằn quại dưới chế độ hà khắc phi nhân của bè lũ vong bản. Tôi được may mắn sau mưòi năm tù trở về được vợ con lo cái ăn cái mặc và còn cưng chìu mọi thứ, muốn gì có nấy, cũng là vì vợ con đảm đang tháo vát biết lo...và thật ra tôi cũng là "nhân vật sáng giá" trong gia đình, là cột trụ có được để vợ con có cơ hội thỏa mộng ước được sống tại nước ngoài.  

Vợ tôi thường hay hỏi han và còn căn dặn tôi :  

- Bửa nay họ đi H.O. mấy rồi ?  Hồ sơ của mình có trục trặc gì không ? Chừng nào mới được phỏng vấn ? Anh phải liệu mà theo dõi công việc. Em bận làm kiếm tiền, không rảnh mà lo đâu nhé. Đừng để có gì mà không biết, rồi hỏng mất chuyến đi là anh mệt với em đó.  

Được vợ ‘’ủy nhiệm’’ công việc, tôi mừng hết lớn vì được dịp đi Saigon vung vít lấy cớ là theo dõi thăm dò hồ sơ, là nghe ngóng tin tức và thích thú nhất là được làm "thành viên" của "trung tâm trao đổi tin tức" mà sau này còn gọi là "Vườn Tao Ngộ" trước Sở Ngoại Vụ cho đời thêm chút hương hoa thơm phức, cho bỏ công gian khổ trong mười năm lao tù Cộng sản.  

Mỗi lần đi Saigon "lo công việc" tôi đều được bà xã dúi cho một cộc tiền và còn đeo vào ngón tay chiếc nhẫn vàng y 2 chỉ với lời căn dặn như một mệnh lệnh :  - Tiền đó anh liệu mà dè sẻn, khi nào lâm nguy cùng cực, anh mới xài đến chiếc nhẫn này ! Em giao quyền cho anh có nhiệm vụ lo liệu chuyến đi cho thành. Có gì là phải tức tốc về nhà cho em biết. Cẩn thận !..coi chừng...móc túi..! mà đói rách dọc đường...  

Thế là hành trang đi Saigon của tôi gồm một chiếc xe đạp được thay cặp vỏ mới cho chắc ăn với hai cái thắng xe thật tốt, một túi xách vải nhỏ móc vào ghi đông xe để đựng mọi thứ lặt vặt cần thiết sử dụng trong ngày, một cái xách tay đựng vài bộ quần áo được cột vào ba- ga đằng sau xe, chân mang dép da, đầu đội mũ lưỡi trai để che mưa nắng. Gọn gàng. Giản dị. Dễ xoay chuyển. Từ miền Trung vào Saigon tôi ngụ tại nhà đứa em vợ ở quận Bình Chánh, chồng nó cũng là một H.O. đã nạp hồ sơ, đang chờ ngày được phỏng vấn. Tôi đã gặp được tần số và dĩ nhiên mọi vấn đề gì liên quan đến sự ra đi đã được trao đổi thật dồi dào khi giáp mặt nhau.   

Cứ mỗi buổi sáng mặt trời chớm mọc đằng Đông, tôi lên quần áo dắt xe đạp ra khỏi nhà đến quán cà phê đầu đường ngồi thư thả nhâm nhi từng ngụm cà phê phin với mấy điếu ba số, lòng thư giản nhẹ nhàng, không bận bịu lo toan thế sự chuyện đời, mắt rảo nhìn ngắm trông bạn bè đồng điệu để góp tin chia xẻ.  Việc làm ngày qua ngày như một thông lệ, thói quen. Cà kê hơn giờ sau từ quán cà phê tôi lên đường. Con ngựa sắt của tôi phon phon trên đường tráng nhựa về hướng xa cảng miền Tây, qua Chợ Lớn đến bùng binh Saigon quẹo Nhà Thờ Đức Bà và điểm đến là Sở Ngoại Vụ đối diện khu công viên, mệnh danh là "trung tâm trao đổi tin tức" hoặc gọi thân thương hơn là "Vườn Tao Ngộ". Ngày nào cũng vậy khi đến nơi là đã hơn 8 giớ sáng, còn quá sớm đối với những kẻ vô công rỗi nghề như tôi, vậy mà cả dãy công viên chạy dài đã thấy rải rác từng nhóm người đang say sưa phát thanh, phổ biến, bàn cãi, tranh luận nhiều tin tức nóng hôi hổi, giựt gân đã lấy được từ Sở Ngoại Vụ, từ các đài phát thanh, báo chí ngoại quốc, thư từ của thân nhân nước ngoài gởi về, từ Toà Đại sứ Mỹ ở Bangkok, phái đoàn Mỹ phỏng vấn, Bệnh viện Chợ Rẩy, trung tâm chích ngừa, các dịch vụ làm hồ sơ....và ngay cả đài phát thanh, báo chí của Việt cộng. Vô số tin tức đã được cập nhật từng ngày, nghe không hết, nhớ không xuể. Nghe nhiều, nghe mãi nhập tâm, nghe đến như thâm niên nghe ngóng, dồi dào kinh nghiệm, rồi mỗi người tự ý chọn lọc sàng sảy tin tức. Có tin tức mình cho là đúng thì kẻ khác bảo là sai, là bịa, là thổi phồng. Vỉ vậy lại được phát sinh ra những bình luận gia để phân tích, giải đoán và đánh giá được nhiều người mến mộ.  Từ sáng đến chiều tối tôi có mặt thường trực tại khu công viên, tôi thả bộ, tay dắt xe đạp tấp vào nhóm này một chập rồi lại tuồng qua nhóm khác. Lúc nào mệt mỏi tôi dựng xe đạp sát gốc cây ngủ một giấc ngon lành. Thức ăn, nước uống có sẳn trong giỏ xách được mua ở dọc đường máng trên ghi đông xe. Tuy nhiên, khi thèm ăn thêm món gì thì đều có hàng dạo trong khu công viên, thật tiện lợi. Lúc nào chán, đem xe đạp gởi, mua vé vào rạp xi nê tìm vài giờ thoải mái.  Hầu hết, các quân công cán chính đến đây, họ ăn mặc thật bình dân. Đa số đi  dép, áo bỏ ngoài quần, phương tiện duy nhất vẫn là xe đạp, số ít đi Honda, xích lô, xe buýt. Nhìn chung vào có thể nhận ra ngay những người cư ngụ ở Saigon, Chợ Lớn, Gia Định, các vùng lân cận với những vị ở phương xa mới đến góp mặt một hai ngày. Sự khác biệt rất rõ nét. Họ là những thành phần từng nắm giữ vận mệnh Đất Nước qua hai chế độ VNCH, tướng lãnh, cấp Tá, cấp Úy, Nghị sĩ, Dân biểu, Bộ Trưởng, Giám Đốc , An ninh, Tình báo, Cảnh sát, Tỉnh trưởng, Quận Trưởng, Xã Trưởng...đến cả Nghĩa Quân, Nhân Dân Tự Vệ...các chức sắc các tôn giáo trong cương vị tuyên úy. Họ đã trải qua nhiều năm tù đày trong lao tù Cộng sản phải ít nhất ba năm trở lên. Hiện trạng tụ họp đông đảo từng nhóm nhỏ rải rác trong khu công viên thường xuyên mỗi ngày từ sáng đến tối, chính quyền Cộng sản vẫn làm ngơ, không có lệnh cấm, nhưng bên trong vẫn có những tên tình báo Việt cộng len lỏi, trò múa rối ấy ai mà không biết.   

Ngày trước giặc mới tràn vào, đất nước ngữa nghiêng, quân công cán chính VNCH đột nhiên trở thành mục tiêu hành hạ, thảm sát, thủ tiêu, tù đày thật thâm độc bởi lũ người vong bản, người dân đa số quay lưng như có ý khinh dễ, có những bà vợ đánh mất tiết hạnh nhào ra lấy Việt cộng, lấy người giàu tiền lắm bạc. Nhưng hôm nay thì ngược lại, mỗi cựu tù cải tạo là một viên ngọc rất quý đang được mọi người nâng niu thật trang trọng và hết sức ước ao thèm muốn.   Phong trào mơ ước là làm sao được ra nước ngoài để sống nhất là đi Mỹ của mọi người đã âm ỉ bừng sôi lên khắp nơi, lan truyền như cơn bệnh dịch tả, hấp dẫn cuốn hút con người mạnh mẽ khốc liệt.  Người ta đổ xô đi tìm mua con lai Mỹ, giá năm mười, mười lăm cây vàng. Túng thế thì kiếm con lai Pháp, lai Đức, lai Tân Tây Lan...hoặc có thể lai Ấn Độ, Ma rốc (giống như Mỹ đen) cũng được, miễn là có chất "lai" , không giống người Việt Nam mủi tẹt da vàng. Người thì viết thư than thở thân nhân ở các nước khẩn thiết lập hồ sơ bảo lãnh. Kẻ thì gấp rút tìm kiếm giấy tờ để hợp thức hóa tình trạng công nhân viên chức làm cho sở Mỹ. Đa số rần rộ gom tiền, góp vàng, bán nhà bán đất tìm đường vượt biển, vượt rừng sâu đi tìm đất hứa. Nhưng thâm trầm nhất, ly kỳ hấp dẫn nhất là các bà các cô độc thân, góa chồng, không chồng, lỡ thời, không ai ưng, giàu tiền lắm bạc lại vô cùng thèm muốn ước ao đi Mỹ, đi Úc, đi Pháp. đi Anh...mà không vớ được cơ hội, không có điều kiện đang bủa lưới săn tìm những đấng H.O. độc thân, góa vợ, vợ bỏ đi lấy Việt Cộng, vợ chết, vợ chê... để gạ gẫm xin gán ghép vào hồ sơ được ra đi với điều kiện duy nhất là trao trọn cả tình lẫn tiền cho chàng muốn sử dụng và hưởng thụ bao nhiêu tùy ý. Ôi ! thích thú biết bao ! cuộc đời lên hương thơm phức biết là ngần nào ! Thân phận tù tội vừa ra khỏi trại giam đói rách, không tiền không bạc lang thang lếch thếch, đột nhiên có người tự dâng hiến tấm thân ngà ngọc thơm phức lẫn cả tiền bạc, vòng vàng, tài sản...chỉ có đánh đổi một việc hết sức dễ dàng là mang nàng cho bằng được ra nước ngoài, thế thôi, đâu có gì khó khăn đâu mà không làm được. Thật tình mà nói những cựu tù H.O. độc thân, vợ bỏ, vợ chết, vợ chê...khi ra khỏi nhà tù không xu dính túi, trong lúc lại đủ điều kiện ra đi, lại không có tiền mà đi, cơ cực thật, tủi cho tấm thân, lòng chỉ thầm mong ai đó có lòng nhân cứu khó phò nguy. Kẻ mong, người tìm, rồng mây gặp hội là chuyện thường tình.  

Những đấng nữ nhi hào hoa thì suy tính chi li. Họ tính bỏ ra năm mười, hai mươi cây vàng để mua một đứa con lai đâu có ngon lành bằng tóm cho được một chàng H.O. nào đó cũng ấm áp được cuộc đời giá lạnh. Dẫu là gì đi nữa thì chàng cũng là dân trí thức, bản thân tràn trề kinh nghiệm, ngày trước cũng có chức có phần được mọi người kính nễ, nếu hợp gu thì sẳn sàng nâng khăn sửa túi, bằng trắc trở nhiêu khê điều gì thì khi ra nước ngoài, hai bên sẽ đồng ca bài ca con cá, đường ai nấy đi, tình nghĩa đôi ta phải rẻ phân, không ai nhận chịu thiệt thòi vì ai điều gì, mà đôi bên đều có lợi.  

Thường ngày từ sáng đến chiều tại "trung tâm trao đổi tin tức" có một không hai của thành phố Saigon được tô điểm lai rai vài bóng hồng xinh xắn mỹ miều. Đó là các kiều nữ thuộc nhiều lứa tuổi giàu tiền lắm bạc, phòng không chiếc bóng, lòng nặng chĩu một giấc mơ vàng son quyết đổi đời ở hải ngoại. Họ đang tìm kiếm đối tượng để gởi gấm cuộc đời thực hiện giấc mơ. Người nào cũng đẹp nhờ phấn son tô điểm, phục sức sang trọng, thời trang, lời nói nụ cười duyên dáng thanh tao, sắc nét phong lưu chững chạc và đi những chiếc cúp đời mới bóng loáng. Họ ít tham dự vào từng đám đông nghe ngóng điều này điều khác mà chỉ thư thả dạo loanh quanh, hoặc dựng xe ngồi một chỗ kín đáo rảo mắt quan sát, nhìn ngắm cảnh vật, con người, để tìm kiếm, chấm định mục tiêu. Khi bắt mắt được đối tượng nào là tìm mọi cách làm quen từ sơ đến thân rất nhanh để tỏ bày ý định như một nhu cầu không quanh co úp mở.  

Tôi cũng là một trong những đối tượng được đôi mắt xanh chấm định bám sát. Nàng mới xuất hiện được bốn năm ngày nay và cứ quanh quẩn những chỗ nào tôi có mặt. Nàng đang để ý đến thân phận tôi. Nàng không thuộc loại "chim sa cá lặn", nhưng có sắc đẹp dễ nhìn, phong cách qúi phái với lứa tuổi trên dưới bốn mươi gì đó. Mỗi ngày nàng diện một loại y phục màu sắc trang nhả hợp với làn da trắng mịn màng. Mái tóc đen bồng bềnh thả xuống nửa lưng trông rất bắt mắt, có hôm nàng bới cao đuôi gà trông người trẻ thêm ra. Không biết thuộc loại góa chồng, hay chồng chê chồng bỏ, hoặc lỡ thời không ai ưng, mà cũng có thể bỏ chồng tìm đường giải phóng cuộc đời. Những suy nghĩ vẩn vơ ấy cứ chiếm lĩnh đầu óc tôi. Nghĩ là nghĩ chứ thật sự tôi không đặt trọng tâm vào cái chuyện ngoài lề ấy.   

Những lần nàng đến khu công viên  tôi để ý thấy nàng cứ cho xe Honda chạy rề rề từ khu này qua khu khác. Khi nào giáp mặt tôi, nàng nhìn tôi cười thật tươi như có ý muốn làm quen. Tôi phớt lờ, tỉnh bơ như người Saigon coi như không có gì xảy ra, không có gì phải chú ý. Trước thái độ bình thản của tôi có lẽ làm cho nàng không được vui, và trong những ngày đó nàng thường bỏ về nửa chừng.  

Cuối cùng trong hôm nay nàng quyết khởi sự tấn công tôi. Nàng rề rề xe dí sát vào xe đạp tôi như tạo một cái cớ để được hân hạnh mở đầu câu chuyện khi tôi vừa đi vừa dẫn chiếc xe đạp bước xuống đường dự tính đi gởi xe rồi chui vào rạp ciné tìm một vài giờ thư giản.  

- Chào anh...!   

Nàng lách nhẹ bánh xe Honda chặn ngang đầu xe đạp của tôi. Nàng nhìn tôi mĩm cười rất ư là tình trong cử chỉ săn đón vồn vã. Tôi khựng lại vài giây nhưng cũng có ý thích thích hành động của nàng. Tôi nhìn thẳng vào đôi mắt thật đẹp có hàng lông mi cong vút để muốn đoán xem nàng đang có những dự tính gì trong đầu đối với tôi. Tiếng nàng thật trong trẻo,  lơ lớ giọng Bắc :  

- Còn sớm thế mà anh về à ! Mãy hôm em thấy anh về tối lắm mà.  

Tôi vẫn biết nàng để ý tôi, nhưng tôi làm ra vẻ ngạc nhiên :  

- Cô để ý tôi từng ngày vậy sao ? Thế mà tôi đã vô tình không biết mình đang bị theo dõi.  Nàng tủm tĩm cười :  

- Em là Bích Trâm, em hân hạnh được quen với anh.  


Tôi lịch sự đáp lại không kém :  

- Tôi là Thắng, rất may mắn được quen với cô Bích Trâm.  

Nàng khởi sự tấn công liền :  

- Em thấy anh thường đến đây, anh làm hồ sơ đi diện nào vậy ?  

- H.O.  

Bích Trâm hỏi một câu thừa :

- Anh Thắng là tù cải tạo hả ?  

- Không phải tù cải tạo làm sao đi chương trình H.O. hả cô Bích Trâm ?  

Cả hai cùng cười. Bích Trâm xuống xe dắt bộ, nói thân mật :  

- Em hân hạnh được mời anh lại quán nước phía trước nghỉ chân một lát.  

Tôi gật đầu dắt xe đạp đi bên cạnh. Tôi biết Bích Trâm bắt đầu mở màn dàn trận cho "chương trình làm việc" của nàng. Biết vậy, tôi không thắc mắc hỏi han. Tôi để nàng chủ động để xem nàng sẽ trình diễn những màn gì.   

Vừa ngồi xuống ghế trong quán giải khát Bích Trâm gọi hai ly cam vắt, bánh ngọt. Nàng vô đề :   

- Anh Thắng ở Saigon hả ?  

- Không. Tôi ở Nhatrang.  

- Vào Saigon anh ở đâu ?  

- Nhà đứa em.  

- Chừng nào anh về lại ngoài đó ?  

- Có lẽ cũng sắp. Vào đây gần tháng rồi. Có về rồi thỉnh thoảng vô lại không biết chừng.  

- Em ở Saigon đây. Có dịp nào hân hạnh mời anh ghé lại nhà em cho biết nhà.  

Tôi cười, đánh hơi :  

- Đến có trở ngại điều gì không ?  

- Chẳng có gì anh phải lo. Em ở với bà già em một  mình.  

Bích Trâm xuống giọng tiến hành cuộc điều tra :  

- Gia đình anh đi mấy người, bà xã và mấy đứa con ?  

Tôi khựng lại vài giây trong suy nghĩ khi nghe Bích Trâm gạn hỏi bầu đàn thê tử của tôi. Tôi nảy sinh ý tinh nghịch chưa muốn phải khai rõ sự  thật để xem nàng tính sao.    

Tôi thở dài, tỏ vẻ chán chường :  

- Đâu có ai...! Chỉ có ba cha con thôi cô Bích Trâm ạ ?  

Nàng phấn khởi hỏi dồn :  

- Chứ bà xã anh đâu ?  

Đã nói dối thì phải trót, tôi đáp nhanh :  

- Bả lấy Việt cộng khi tôi mới đi tù !  

Bích Trâm tỏ dấu thương xót :   

- Thật tội cho anh, anh Thắng ạ ! Em xin chia buồn cùng anh. Em rất ghét loại  đàn bà như thế. Đồ hư thân mất nết. Sau ngày mất nước, chồng đi ở tù, vợ ở nhà cặp người khác không phải ít. Em hiểu và rất thông cảm hoàn cảnh của các anh.  

Dứt lời, Bích Trâm bưng ly nước và cùng mời tôi, nhìn tôi thắc mắc :  

- Anh đi một mình uổng thật. Anh không tìm người ghép đi có vui  hơn không ?  

- Tôi không thích. Mà có thích cũng không tìm đâu ra.  

Nghe tôi nói như trúng ý, Bích Trâm chớp thời cơ :  

- Tại anh không muốn, không thích. Biết bao nhiêu người trông ngóng, tìm kiếm. Anh chưa gặp, chứ nếu anh gặp rồi, em chắc chắn anh sẽ vừa ý ngay.  Tôi tỏ vẻ lo lắng :  

- Đâu có chuyện dễ dàng như vậy đâu. Đa số những người ở tù về như tôi đều đói rách lang thang lếch thếch lại thất nghiệp thì làm gì được vinh dự người ta để ý đến.  

Bích Trâm phân trần :  

- Không phải vậy đâu anh Thắng. Các anh là thần tượng được nhiều người hết lòng ngưỡng mộ mơ ước mà các anh đâu có biết. Họ không chê nghèo khổ, lang thang, lếch thếch, thất nghiệp...như anh nói đâu. Họ sẽ "bao giàn" trọn bộ, miễn sao các anh đưa họ đi ngoại quốc là điều kiện duy nhất. Nếu các anh đồng ý ký "bản án giao kèo" thì cuộc sống của các anh sẽ thay đổi toàn diện trong những ngày còn ở trong nước cho đến lúc ra đi. Em nói hết ý như vậy đó, anh cảm thấy thế nào ?  

Tôi cười, hỏi đùa :  

- Cô Bích Trâm đang hành nghề môi giới chào hàng, hay là...tự mình giới thiệu mình ?  

Khuôn mặt Bích Trâm trông rạng rỡ, cười tình nhìn tôi đăm đăm :  

- Em đố anh nói trúng em thưởng anh.  

Tôi hỏi thẳng :  

- Tôi biết cô đang ôm ấp mộng đổi đời ở hải ngoại, vậy thì đã có mục tiêu nào chưa ? Nếu chưa, tôi xin giới thiệu cho.  

Nàng cười dòn :  

- Sao lại phải giới thiệu hả anh  Thắng?  Em ghét anh quá. Chứ anh không thích sao ?   

- Tôi sợ bị phĩnh gạt nửa chừng thì quê lắm, vì tôi cũng đã từng nhìn thấy...  

Nét tươi vui vẫn hiện rõ trên khuôn mặt đầy đặn ửng hồng, và với nàng tôi đang bị cuốn hút trước nhan sắc hồng hào đằm thắm của người đàn bà đang quá tuổi xuân no đầy sức sống. Trong chiếc áo cánh mỏng màu vàng ửng, hở cổ, phơi lộ làn da mịn mát, những đường nét cơ thể no tròn ẩn hiện đã làm cho tôi có một đam mê nhìn ngắm trong tâm trạng mơ ước.  

Bích Trâm nhìn tôi trong ánh mắt chiêu dụ xoáy tận tâm hồn, phảng phất nét đa tình lãng mạn, nàng đề nghị :  

- Anh đừng nghĩ thế, em không chịu đâu. Không ai phĩnh gạt như anh tưởng. Anh có thể giúp em, anh Thắng. Giúp em đi, em lo trọn bộ cho anh.  Em đang thèm khát một chuyến đi ra hải ngoại.  

Tôi lại hỏi ngớ ngẩn trước lời van xin của nàng :  

- Tôi giúp cô à ? Giúp như thế nào và để làm gì ?  Bích Trâm thở dài, trách nhẹ :  
- Anh thích hỏi em vẩn vơ, quanh co thế ? Em đã nói với anh hết ý vừa rồi. Em đề nghị anh cho em biết ý kiến của anh có được không ?  

Tôi ngồi trầm ngâm trong cái đa tình ngớ ngẩn và buồn cười của mình tự nhiên gây nên chuyện lẩm cẩm  không tưởng. Bích Trâm nói tiếp :  

- Anh Thắng à, em muốn xuất ngoại để có cuộc sống tự do thoải mái hơn ở đất nước này, nhưng em không có điều kiện mà từ lâu em hằng mơ ước, dù phải trả giá bao nhiêu em cũng chấp nhận. Em nhắc lại, anh giúp em, anh bổ túc hồ sơ ghép em vào cùng đi với gia đình anh. Được không anh ? Chẳng có gì rắc rối, trắc trở.  Tôi vẫn ngồi lặng thinh trước sự thôi thúc của Bích Trâm và lòng tự hỏi phải trả lời sao đây ? Gia đình vợ con đề huề làm sao mà "đèo" nàng thêm cho được. Tự nhiên tôi lại gây sự cho mình một cách bốc đồng dỡ hơi như thế này. Bà xã nhà mà biết được là cho de luôn.  Hay là coi thằng bạn nào độc thân nghèo khổ để giới thiệu thì may ra gở rối cái lòng dòng này.  

Tôi ỡm ờ trả lời :  

- Bổ túc hồ sơ... ngó bộ khó khăn lắm đó. Còn ghép ...là ghép như thế nào đây ? Hồ sơ của tôi đang chờ lên danh sách để được phỏng vấn, chưa biết là H.O. mấy ?   

Bích Trâm trả lời gọn trơn :  

- Bổ túc hồ sơ....dễ dàng lắm mà anh. Anh đồng ý đưa giấy tờ cho em, em lo dịch vụ, em hiểu rõ đường đi nước bước, có tiền là xong ngay, anh chớ lo lắng mục này, em bảo đảm trăm phần trăm, đừng ngại. Còn ghép thì....Bích Trâm nheo đôi mắt liếc nhìn tôi rất tình...cười tũm tĩm. Ghép có nhiều cách. Này nhé, anh nhận em là vợ mới cưới của anh sau khi ở tù về, vợ trước đã bỏ đi lấy người khác. Anh và em đến Phường làm giấy kết hôn. Chi cho họ một số tiền là xong ngay. Nếu anh thích,  chúng mình sẽ sống chung xây dựng hạnh phúc, bằng không, anh cứ xem em là người vợ trên giấy tờ, gọi là vợ hờ, khi ra hải ngoại thì chia tay. Mình phải thỏa thuận với nhau như thế anh nhé. Em hứa chu toàn tất cả mọi thứ trong đời sống của gia đình anh thật đầy đủ cùng tất cả chi phí cho chuyến đi. Anh Thắng, em nói thật lòng em đấy.  

Tôi trầm ngâm trước những vạch lối chỉ đường của Bích Trâm, rồi chợt nhớ đến thằng bạn ở cùng quê, cùng ra tù một lượt, bị vợ bỏ từ ngày mới vào tù. Sau mười năm tù trở về không một xu dính túi, lang thang lếch thếch, không tiền làm hồ sơ để đi. Bích Trâm gặp nó là cơ hội may mắn. Cái tờ "Giấy Ra Trại" của nó đóng dấu mười năm tù là lá bùa hộ mạng tạo cuộc sống hạnh phúc. Thực sự những tờ "Giấy Ra Trại" được in trên loại giấy hẩm xì mốc thếch lại là một thứ bảo vật đáng giá ngàn vàng, trong đó ghi tên họ, chức vụ, cấp bậc và thời gian ở tù là những chi tiết sáng giá nhất của người tù cải tạo. Chúng tôi cần nó, mọi người cần nó để làm một cuộc ra đi đổi đời trốn lánh Cộng sản.   

Thấy tôi ngồi thừ người ra trong dáng suy nghĩ, Bích Trâm tiếp tục tung chưởng để quyết tóm bắt con mồi :  

- Em biết anh đang suy tính rồi thế nào cũng phải thuận lòng với em. Để tiện việc bàn thảo trong sự "hợp tác" của chúng mình,  em hân hạnh mời anh ghé qua nhà em.  

Dứt lời, không đợi ý kiến của tôi, nàng đứng dậy gọi quán trả tiền và nhìn tôi như biểu đồng tình tương ứng. Không biết tại sao tôi tỏ ra ngoan ngoản  bước theo Bích Trâm ra đến đường. Nàng bảo tôi gởi xe đạp, và chở tôi sau xe của nàng. Dọc đường Bích Trâm hỏi thêm tôi một số vấn đề riêng tư và gia cảnh. Tôi lại cứ phịa đủ hoa lá cành. Nàng lại bảo nếu anh thích thì cứ sử dụng chiếc cúp đời mới cấu cạnh này là món quà đầu tiên nàng tặng tôi ngày gặp nhau. Tôi cứ ậm ừ chưa có ý kiến gì cả. Bích Trâm nói, tôi chỉ cười cười trong niềm vui tinh nghịch, tò mò mà bản tính tuổi trẻ ngày xưa đang trỗi dậy trong những ngày tháng trống vắng, những năm miệt mài tù đày gian khổ.  

Nhà của Bích Trâm là ngôi biệt thự nhỏ bên Thủ Thiêm xung quanh trồng hoa và cây ăn trái. Bên trong ngôi nhà là quanh cảnh cuộc sống phong lưu của kẻ giàu tiền lắm bạc. Nhà vắng. Ngoài bà mẹ chỉ có thêm người giúp việc. Nàng tâm sự :  

- Năm hai mươi bốn tuổi em và người bạn trai cùng trường làm lễ hỏi, rồi anh ấy tiếp tục du học ở Pháp chờ ngày về làm lễ cưới. Nhưng khi tốt nghiệp anh ấy không về Việt Nam, ở lại cưới vợ và sống luôn bên ấy. Em buồn chán không còn muốn lập gia đình, ở vậy cho đến nay. Nhờ Trời, nhà em có của cải tài sản để lại cho em và hiện em đang làm chủ một số xe vận tải chở hàng trên các tuyến đường đến các tỉnh. Cuộc sống em đầy đủ,  em sợ rằng Việt cộng họ không để em yên thân.  Em muốn xuất ngoại dù cuộc sống nước ngoài có kham khổ vẫn thích hơn. Nếu đi thì toàn bộ cơ ngơi này mẹ em sẽ giao cho người chú ruột trông coi. Đấy, anh Thắng thấy không, giấc mơ của em phải đánh đổi toàn bộ gia sản  đang có trong tay em. Anh Thắng tin em nói không ?  

Tôi tin Bích Trâm. Tôi tin giấc mơ của nàng nhưng tôi không thể làm theo ý nàng yêu cầu tôi. Chỉ trong ba giờ quen nhau Bích Trâm đã xem tôi như người thân. Nàng thổ lộ các việc riêng tư và những điều ước muốn xuất ngoại, những nhu cầu cần phải có, những hứa hẹn làm cho tôi vui lòng bất cứ điều gì tôi muốn.  

Sau bữa cơm tối Bích Trâm thết đãi hết sức trang trọng, tôi quyết định phải nói sự thật và dự định giới thiệu Hoài, thằng bạn cùng quê mà tôi vừa nghĩ đến. Tôi cố gắng làm được những gì tôi mong muốn và hợp lý để tạo niềm vui không riêng cho tôi mà cả cho Bích Trâm và Hoài. Khi nghe tôi phân trần những điều tôi muốn nói ra, Bích Trâm càng vui mừng phấn khởi bảo tôi :  

- Hoàn cảnh của anh không được thì nhờ anh giới thiệu anh Hoài cho em, miễn sao em được ghép làm vợ một người nào đó trong chương trình H.O. để được xuất ngoại. Anh Thắng giúp em càng sớm càng tốt. Em sẽ chu cấp cho anh Hoài mọi thứ kể cả cuộc sống của anh ấy.  

Tôi thở phào nhẹ người :  

- Được rồi. Kiểu này ngày mai tôi phải trở về Nhatrang để tìm Hoài và nói với hắn. Tôi tin chắc rằng Hoài sẽ vui mừng và bằng lòng. Tôi sẽ dẫn Hoài vào cho Bích Trâm và...bây giờ tôi phải về, sợ em tôi đợi...  

Bích Trâm phác tay bảo tôi chờ chút. Nàng vội vào phòng trong rồi trở ra đến sát bên tôi đang đứng lớ ngớ chờ đợi. Bích Trâm cầm lấy tay tôi và đặt vào đó một cộc tiền :  

- Em đưa anh chút ít tiền làm lộ phí. Phần anh Hoài nhờ anh chuyển hộ giùm anh ấy số tiền này cho ảnh. Xin anh cố gắng giúp em. Em không có cơ may là vợ anh thì em hy vọng em là vợ của anh Hoài, cho dù là vợ hờ, vợ trên giấy tờ.
      

Một năm sau tôi đạt được kết quả của phái đoàn Mỹ phỏng vấn gia đình tôi cho chuyến đi định cư. Tôi được xếp vào danh sách HO9-608 rời khỏi Việt Nam vào mùa Hè 1992. Tôi đạt được giấc mơ như bao nhiêu người mơ ước trong muôn vàn khó khăn bằng mồ hôi, nước mắt và sự tủi nhục của cuộc đời. Bây giờ tôi đang nghiễm nhiên là người nước ngoài và đang có mặt trên đất nước Việt Nam thân yêu, lòng thanh thản, nhẹ nhàng không còn vướng bận mọi phiền toái của cuộc sống giữa chế độ Cộng sản phi nhân. Khu công viên Thống Nhất, còn gọi là Vườn Tao Ngộ, được mệnh danh là Trung tâm trao đổi tin tức, còn những tên mỹ miều dễ thương khác mà người nào đó đã đặt để ra ngày ngày vẫn còn biết bao nhiêu người dập dìu lui tới "nuôi mộng sông hồ", tạm biệt quê hương mà một thời đã đổ biết bao nhiêu xương máu gìn giữ bảo vệ. Trong đó đang vẫn có lằn ranh kẻ ở người đi, niềm vui xen lẫn nỗi lo âu trông đợi.  

Ngày bước lên máy bay rời khỏi Đất Nước lòng tôi nao nao buồn thống thiết như tâm trạng những ngày tù đày, những ngày chờ đợi cho chuyến đi. Tôi phải đi xa, rời khỏi Quê Hương, nơi tôi sinh ra lớn lên, vào đời, và đã góp tay cùng mọi người để bảo vệ mảnh giang sơn tiền nhân để lại nhưng trách nhiệm mọi người chưa chu toàn trong niềm chua xót. Bao kỷ niệm vui buồn trong cuộc sống đã qua phải bỏ lại sau lưng. Bạn bè thân yêu, kẻ còn người mất. Sau lưng tôi, Đất Nước đang chìm đắm trong cuộc sống lầm than, đói nghèo, bệnh tật, lạc hậu dưới chế độ bạo quyền Cộng sản.  

Ngoài số bạn bè, người thân ra tiển đưa gia đình tôi tại phi trường, còn có Hoài và Bích Trâm có mặt. Tôi rất vui và bằng lòng cho việc làm của tôi. Hai người cùng hợp ý đang chung sống với nhau trong tình yêu đậm đà, chứ không phải vợ hờ, vợ trên giấy tờ như Bích Trâm suy tính, và  giờ họ đang chờ được xếp danh sách H.O.  vào phỏng vấn.  

Máy bay rời phi trường Tân Sơn Nhất lên độ cao đang dần dần rời khỏi không phận Việt Nam như đang cắt đứt quá khứ cuộc sống của tôi bỏ lại sau lưng và nối kết cuộc đời tương lai ở phương trời xa thẳm, nhiều hứa hẹn, mới lạ.  

Sau đó, máy bay đáp xuống Thái Lan, gia đình tôi ở lại một ngày một đêm tại đây để chờ chuyển máy bay sang phi trường Narita - Tokyo nghỉ vài giờ rồi trực chỉ về tiểu bang Washington, tại đây đi máy bay nội địa về Dallas, Texas rồi lại về phi trường Orlando, Florida. Tôi là dân đầu trọc, nói nôm na là con bà phước, và rõ ràng hơn là không thân nhân bạn bè ở đất Mỹ, nên phái đoàn phỏng vấn Mỹ đã chấm cho gia đình tôi về tiểu bang Florida, không biết là sướng hay khổ, lạnh hay mát, cứ phó mặc, dù gì cũng là xứ tự do.  

Bước chân xuống phi truờng quốc tế Orlando cũng như từ lúc đến Thái Lan, Nhật, và qua các tiểu bang tôi luôn luôn bị choáng ngợp và vô cùng ngỡ ngàng trước cuộc sống văn minh, tiến bộ của xứ người mà ở Việt Nam trong chế độ Cộng sản  có lẽ không bao giờ có được. Nghĩ thật thảm thương và chua xót cho đất nước Việt Nam thân yêu.  

Được căn dặn kỹ càng khi xuống phi trường tiểu bang đến sẽ có người sponsor ra đón và đưa về nhà, khiến tôi nhớ lại tin tức từ Khu Công Viên bên Sở Ngoại Vụ là sẽ có phái đoàn tiếp đón chở về nhà được cấp phát giao chìa khóa nhà, chìa khóa xe, rồi sẽ được truy lảnh lương, tiền trợ cấp tù, được đi máy bay miễn phí..vv..và.. ..vv.. nghe thú vị và hấp dẫn làm sao !! Giờ đây các tin tức ấy hoàn toàn sai lạc, bịa đặt ! Lòng con người ước mong sớm ra đi rời khỏi đất nước lánh nạn Cộng sản, lòng thèm khát một cuộc đổi đời huy hoàng nên đã có vô số tin tức do từ tưởng tượng mà có. Người nói, người nghe hưởng ứng theo để tự tạo cho một phấn khởi say mê vô thưởng vô phạt.  

Gia đình tôi và gia đình người Mỹ sponsor nhận ra nhau nhờ tấm bảng có ghi tên tôi. Hai ông bà người Mỹ lớn tuổi tay bắt mặt mừng chúng tôi rất niềm nở. Họ chở gia đình tôi về nhà họ, giao cho một căn phòng lớn đầy đủ tiện nghi. Họ giúp đở làm các giấy tờ cần thiết, xin welfare, foodstamp. Mỗi người được hưởng tám tháng trợ cấp. Hai tuần lễ sau hai ông bà người Mỹ sponsor mướn cho gia đình chúng tôi một ngôi nhà rộng rãi có đầy đủ vật dụng. Thỉnh thoảng họ đến giúp đở mọi thứ. Họ tìm cách kiếm cho gia đình tôi làm các công việc nhận tiền mặt trong lúc còn hưởng trợ cấp. Vợ chồng con cái vui thích đi làm các công việc ban đầu trên đất Mỹ để có thêm tiền bù vào cho cuộc sống. Chỉ sau vài tháng thôi trong nhà đã có tivi, đầu máy, tủ lạnh. quạt máy, microwave, bàn ghế tủ giường trãi drap thẳng tắp...mà mọi thứ đó ở Việt Nam tôi đã từng mơ ước chưa bao giờ có rất khó khăn và xa vời.  

Hơn năm sau, cuộc sống trong gia đình tôi thật bề thế so với đời sống còn ở Việt Nam. Đồ đạc, vật dụng mọi thứ trong nhà mỗi ngày mỗi đầy đủ nhiều lên chã bù lại khi bước xuống máy bay trên xứ người mỗi người chỉ có một xách tay đựng mấy bộ quần áo. Ông bà người Mỹ sponsor quá tốt bụng và tận tình giúp đở. Vợ chồng tôi và mấy đứa con lớn được cơ quan USCC tìm cho mỗi người một công việc làm. Tất cả vừa làm vừa đi học tiếng nói để dễ dàng hội nhập vào xã hội mới. Nhà đã tậu được ba chiếc xe hơi cũ sử dụng rất ngon lành. Thịt cá tôm cua rau quả trái cây...chất đầy trong hai tủ lạnh ê hề tha hồ ăn uống không bao giờ sợ thiếu. Bia, nước ngọt, rượu các loại cần bao nhiêu cũng có, lại quá rẻ...bù lại khi còn ở Việt Nam mua hai lon coca  chia đều ra cho bảy tám người cùng uống để thưởng thức món hàng gọi là xa xí phẩm. Quần áo mang từ Việt Nam  đang từ từ loại bỏ, thay thế các loại y phục hợp thời giữa cuộc sống với dân bản xứ. Các Mall, Shop, chợ búa Mỹ, Việt ...gia đình tôi đều có mặt để "cải tạo"cuộc sống đang đổi đời.  

Mỗi buổi sáng tôi lái xe đi làm, ngồi trong xe nhâm nhi ly cà phê Mỹ thơm phức, vừa nghe nhạc vừa lái xe, bên ngoài thì khí trời mát lạnh, lòng thấy khoan khoái thư giản. Đến sở làm tám tiếng, chiều về lai rai một đôi lon bia, xem ti vi, đọc báo, viết bài...hoặc gọi điện thoại vài người quen thân nói chuyện. Cuối tuần đi giải trí ở các thắng cảnh, ở Disney Word, hoặc tụ họp bạn bè ăn nhậu nói chuyện đời, hoặc tham gia sinh hoạt cộng đồng, hội đoàn...  

Trong ngôi nhà ở là một thế giới riêng biệt, bên cạnh những tiện nghi đầy đủ không còn gì phải lo lắng hay lo sợ, hoặc cảnh giác đề phòng bọn công an mật vụ dòm ngó. Đời sống được tự do thoải mái trong những suy nghĩ và trong những công việc mình muốn làm. Đó là niềm vui trên bước đường tỵ nạn. Tôi vô cùng nhớ ơn ông bà người Mỹ làm sponsor  và cả dân tộc Mỹ đã giúp cho những người Việt Nam tỵ nạn Cộng sản có cuộc sống yên lành, no ấm, tự do và hạnh phúc trên đất nước Hoa kỳ. Tôi không đòi hỏi người Mỹ có thêm những đặc ân nào khác như mọi tin tức đồn đại khi còn ở Việt Nam. Tôi chỉ cần có cuộc sống như tôi có hiện nay trong đó bằng sự cố gắng phấn đãu do đôi tay mình làm ra.               

Chỉ thời gian ngắn chưa đầy hai năm, gia đình tôi đã tạo được ngôi nhà rộng, khang trang làm sở hửu chủ mà suốt quãng đời tôi khi còn ở Việt Nam không biết đến bao giờ mới có được. Bây giờ tôi lại đóng vai trò sponsor cho Hoài và Bích Trâm về Florida. Tôi đã làm tròn trách nhiệm của mình như ông bà người Mỹ đã giúp đở tôi.  

Trong một bữa tiệc được tổ chức để đón mừng giới thiệu Hoài và Bích Trâm vừa đến bến bờ tự do trước một số bạn bè, tôi xin mọi người hãy nhớ đến bạn bè đồng đội còn ở lại quê nhà lang thang lếch thếch đói khổ khắp mọi nẽo đường, không có tiền làm hồ sơ ra đi, toàn dân Việt Nam đang bị giam cầm trong một nhà tù vĩ đại, cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc trong chế độ phi nhân Cộng sản. Từng ngày và từng ngày biết bao nhiêu người kẻ đứng người ngồi, đi lại trong ngoài khu vực Sở Ngoại Vụ ở Saigon, khu công viên "trung tâm trao đổi tin tức"...để cố sức chen lấn, giành giựt cho được một chuyến ra đi nước ngoài, ngay trên biển cả, rừng sâu, biên giới, người người chen nhau trước vô vàn hiểm nguy chết chóc để tìm lấy hai chữ ''tự do''...và...nếu cột đèn, nhà cửa, lăng tẩm, đền đài, cao ốc, tường thành, núi rừng, cây cối, thảo mộc, sông suối....biết đi, biết bò, biết chạy, biết bay, biết tàng hình, biết độn thổ, biết thăng thiên....thì mọi thứ sẽ không còn nhìn thấy ở lại trên Đất Mẹ Việt Nam..! Từ đó, trong suy nghĩ và hình dung ra trong mỗi chuyến đi của từng vật thể vẫn có niềm vui, nỗi buồn chung điểm...!!
Nguyễn Thế Hoàng