Trên nỗi ước mơ PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Thế Hoàng   
Thứ Sáu, 03 Tháng 7 Năm 2009 01:41

  Sáng nay, tôi bước ra khỏi trại giam với tờ giấy Ra Trại có dấu son đỏ chói và vài chục ngàn tiền lộ phí đi đường do Trại cấp để trở về quê quán. Sau tròn sáu năm khốn đốn trong lao tù với bản án kết tội buôn lậu do ông quan Tòa có khuôn mặt đầy thịt nung núc tuyên án năm đó, giờ tôi đang khởi sự làm quen với không khí tự do bên ngoài nhà tù.

 Buổi sáng, trời mát, ánh mặt trời đang le lói hướng Đông, sương đêm óng ánh còn đọng trên những vệt cỏ xanh  hai bên vệ đường. Rừng cây trước mặt, sau lưng dày đặc, bưng bít bao trùm muôn ngàn bí ẩn. Tôi bước từng bước thoăn thoát trên con đường đất từ Trại ra đến đường lớn. Niềm vui nở rộ trong tôi từ lúc bước ra khỏi cổng trại giam, giờ như hụt hẫng, khựng lại trên từng bước chân. Bất chợt tôi cảm nhận những bước chân của mình thật vô định. Về đâu bây giờ ? Câu hỏi như thôi thúc, tìm kiếm để tự giải đáp.

Tôi mồ côi mẹ từ tuổi lên mười. Cha tôi qua đời khi tôi vừa ở trong tù hơn hai năm. Chồng tôi đành đoạn bỏ tôi cô đơn trong  nhà tù, đi lấy một người đàn bà khác ngay khi cha tôi vừa nằm xuống. Hai đứa con thơ đang gánh chịu sức ép kềm kẹp của một người đàn bà lạ bắt chúng gọi bằng mẹ, đói khát, rách rưới, không tình thương. Thế là xong một gia đình hạnh phúc mà trước đây tôi cố vun vén, bồi đắp bằng công sức của tôi. Những ngày mới vào tù, tôi mong ngày về ghê gớm. Thương con, nhớ chồng, lo lắng cha già. Mong từng ngày, mong từng đêm, mong những dịp lễ lớn để may ra được giảm án, được phóng thích, được về sớm với gia đình. Rồi sau đó, niềm ước mong không còn nữa. Tình cảm trở nên chai đá, mất niềm tin, tương lai đã bị hỏa táng. Tôi đã như muốn ở lỳ trong tù, từ năm này đến năm khác, đến mãn cuộc đời và mong được chết rục xác trong bốn bức tường để đền tội. Vậy mà họ vẫn thả cho tôi về, lấy cớ là tôi đã mãn hạn tù. Mãn hạn tù thì phải về, không ai thèm nhốt tôi thêm một ngày nào tốn cơm, tốn gạo, mặc dù tôi đã phải cật lực lao động hằng ngày đến bở hơi tai để họ thu lợi nhuận trên mồ hôi nước mắt của tôi.
 Niềm bối rối khắc khoải chẳng biết đi đâu, về đâu càng ray rứt không định hướng khi chiếc xe đò vừa ngừng lại trên đường lớn. Một thôi thúc chợt đến, như một cái máy tôi vội bước lên xe đò quyết về quê nơi có chồng con của tôi đang sống.
 Hai ngày đêm thay đổi chuyến xe tôi về đến quê nhà vừa lúc trời sẩm tối. Tôi tạt qua nhà, và đứng bên ngoài hàng rào nhìn vào. Nhà cửa của tôi, những gì bên trong, bên ngoài vẫn còn đó, quen thuộc như in do bàn tay tôi làm nên. Mồ hôi, nước mắt, công sức với sự gan dạ, lỳ lợm trong những chuyến hàng lậu để có được nó đang hiện diện trước mắt tôi, để rồi tôi phải trả một giá rất đắt bằng sáu năm tù tan nát hạnh phúc. Nhìn vào bên trong nhà, đèn sáng rực rỡ. Chồng tôi đang ngồi trước mâm cơm bên cạnh một người đàn bà trẻ mà anh đã rước nó về chiếm lĩnh ngôi nhà này nhiều năm nay. Hai người đang ăn tối, trò chuyện rất ư là vui vẻ, thân mật. Hai đứa con tôi ngồi cách đó không xa, mỗi đứa bưng một tô cơm với chiếc muỗng và đang xúc cơm đưa lên miệng lặng lẽ ngồi nhai thật buồn hiu như hai pho tượng, chẳng nụ cười, chẳng nét sinh động. Nhìn chúng ốm tong teo, không mặc áo, chỉ độc mỗi chiếc quần xà lõn che thân. Tôi gục đầu xuống hàng rào, nước mắt dàn dụa lưng tròng. Nhà cửa, chồng, con tôi đó sao tôi cảm thấy cách xa nghìn trùng. Sáu năm trời xa cách, hình ảnh tôi đã trở nên xa lạ đối với họ rồi sao ? Tôi không còn đủ sức để vói đôi bàn tay gầy đến con tôi, chồng tôi.
Sáu năm đi qua, con tôi có lớn, nhưng cái lớn của da bọc xương, đần độn, khù khờ và ngơ ngáo bên cạnh người cha không tròn trách nhiệm và một người đàn bà khác. Tôi chưa chết hẳn. Tôi còn sống và trở về, nhưng trước bối cảnh này tôi đâu còn một giá trị nào, vì bản thân tôi hiện tại vẫn chưa có được một chỗ dừng chân trong đêm nay. Tôi đang bị tổn thương cùng cực. Tôi cảm thấy bất lực tột cùng. Tôi cứ đứng chôn chân cạnh hàng rào trong mất cảm giác, cho đến khi con chó ngửi thấy mùi ngưòi lạ, chu mỏ về phía tôi sủa ầm lên. Tôi bấn loạn  mới sực nhớ rồi chập choạng từng bước đi, lòng rã rời nặng chĩu. Đi đâu ? Nhưng tôi phải đi. Tôi lầm lũi đi trong đêm tối như một kẻ cướp đang tìm đường tẩu thoát sau khi hành động tội ác. Đầu óc tôi điên cuồng, tuyệt vọng tột cùng.
 Cứ thế tôi bước nhanh về phía biển như một bóng ma trơi trong bóng đêm. Biển u tối, đen xì, mênh mông trước mặt. Sóng biển rì rào như đang hợp tấu một thiên trường ca êm ái, bất tận...Đôi chân khẳng khiu của tôi chạm vào nước biển, lạnh ngắt...Cứ thế tôi lội hì hụp trong khối nước đen sì trước mặt...Nước từ chân lên bụng, đến ngực, qua khỏi đầu..tôi hụt hẫng...Đôi mắt tôi hoa lên những đom đóm... Từng đợt sóng nhồi tôi lên xuống và nhận chìm tôi trong khối nước đen mênh mông vô tận...!!

Đến khi tôi tỉnh dậy, đầu nhức như bưng, khắp người ê ẩm nhức nhối từng lóng xương, bắp thịt. Ai đó đã đặt tôi nằm trên chõng tre trong túp lều nhỏ dưới hàng thông cạnh bờ biển. Cạnh đó là bếp lửa đang tàn, nhưng hơi nóng vẫn đang áp vào người tôi. Quần áo tôi ẩm ỉ không khô lắm đang có mùi khăm khẳm mặn. Nhìn qua khe cánh liếp, bầu trời bên ngoài tối đen lấp lánh đầy sao. Trong bóng tối nhờ nhờ nhá nhem của túp lều, tôi nhìn lờ mờ dáng một cô gái đang ngồi gục đầu trên hai đầu gối ngủ gật. Nhìn thấy và biết thế, tôi vẫn bất động rồi lại chìm vào hôn mê không còn ý thức được gì nữa.  
Sáng hôm sau, cô gái khẻ đánh thức tôi :  
- Chị ơi !..có khoẻ không ?  
Tôi mở mắt ngơ ngác nhìn cô gái. Cô gái đẹp, mảnh mai, trông rất hiền. Nét mặt  cô đầy lo lắng. Ánh sáng đầu ngày soi qua khe cửa liếp chói chan nhức nhối. Tôi bồi hồi nhớ lại những gì đã xảy ra. Tiếng nói cô gái sâu lắng :
- Em tên Diệu Lan. Chị để em đánh dầu thêm cho chị.
Tôi chợt hiểu :
- Không. Chị khoẻ rồi. Chị không sao cả.  
Tôi vụt đưa tay ôm choàng đôi vai gầy Diệu Lan, òa khóc nức nở. Nàng như người thân nhất của tôi lúc này. Nước mắt tôi dàn dụa ướt đẩm vai áo nàng.  
- Em đã cứu chị tối hôm qua ?
-  Này, sao chị làm như thế ? Có phải chị định tự tử ?  Em đã chú ý từ lúc chị bước xuống nước rồi đi nhanh ra xa...cho đến lúc không còn nhìn thấy chị,  em mới phóng ra...  
- Đáng lẽ em đừng ra tay...có phải hơn không ? Chị đâu muốn sống !   
Tiếng nói tôi lấp lửng nghẹn ngào với nỗi đắng cay quằn quại tiếp tục đốt cháy ruột gan mình. Tôi nhìn chăm chăm cô gái trẻ xa lạ đối diện đã cứu sống tôi trong giờ phút tuyệt vọng tột cùng đêm qua. Tôi thầm cám ơn khi nghĩ rằng cái chết không phải là chuyện dễ dàng đến cho mình. Giờ tôi lại muốn sống. Tôi cảm thấy gần gũi với Diệu Lan để rồi không ngần ngại kể lể sự tình, như trút bớt đớn đau tủi nhục đang chĩu nặng cõi lòng.
Khi kết thúc câu chuyện, nước mắt tôi tuôn dài trên đôi má nhợt nhạt. Diệu Lan nhìn tôi, mắt nàng cũng đỏ
hoe :  
- Đời chị còn niềm hy vọng, vẫn còn tương lai tươi đẹp nếu chị nhẫn nại phấn đấu không như em. Cuộc đời mỗi con người nhìn lại chẳng có gì gọi là vui, hoặc buồn. Dù trong hoàn cảnh nào ai ai cũng phải chấp nhận để hoàn thành trách nhiệm của mình trong danh dự trước đấng Tạo Hóa.
- Em như thế nào ? Tôi bồn chồn hỏi.  
- Em đấy à ! Chị có tin rằng em đang bị nhiễm HIV không ? Đời sống em bây giờ chỉ là giai đoạn. Em đã biết được ngày giờ cái chết nó sẽ đến với em, nhưng em không chán chường tuyệt vọng. Em rất bình tĩnh và vui sống để làm tròn trách nhiệm của mình.  
Tôi ngơ ngác không tin những gì Diệu Lan nói. Một cô gái đẹp, duyên dáng, mảnh mai, tuổi đời chưa quá ba mươi lại đang mắc căn bệnh quái ác của thế kỷ.  Diệu Lan nói tiếp :  
- Em đã có chồng và sống rất hạnh phúc. Chồng em yêu thương, cưng chiều em. Một năm sau em đi mổ khối u ở cánh tay. Em thử máu mới phát hiện em bị nhiễm căn bệnh ghê tởm ấy. Em cũng không rõ nó lây lan từ đâu. Từ đó, chồng bỏ, người thân xa lánh, xóm làng kỳ thị. Mọi người ghê tởm nhìn em bằng đôi mắt khinh bỉ lẫn sợ hãi. Em bỏ nhà cửa quê quán, trôi giạt đến chốn xa lạ này với hy vọng rằng đừng ai biết đến căn bệnh hiểm nghèo của mình để em được sống ẩn nấp với niềm vui bình an của những ngày còn lại trên trần gian đầy bất hạnh này. Em dựng nên căn lều này để sinh sống bằng nghề bơm vá vỏ xe đạp và tủ thuốc lá lẻ trên góc bãi biển này nhiều năm qua. Chị tin không ?  
Những buổi chiều, hoặc tối em thường đi dọc theo bờ biển biếu không những bao cao su cho ai cần sử dụng, những tờ giấy phòng, chống bệnh Aids được photo phát không. Đôi lúc, em giúp đở ít tiền cho những cô gái lỡ đường không gặp được khách bán thân trong đêm. Những lúc có cơ hội, em khuyên nhủ mỗi người hãy tự gìn giữ bản thân mình. Tiền dành dụm có được em thích làm những việc ấy. Em không muốn ai giống mình. Mọi người cần được khỏe mạnh, hạnh phúc mà tự họ có được. Sau đó, trong đêm thanh vắng, cạnh  sóng biển rì rào đã ru em đi vào giấc ngủ ngon lành, khỏe khoắn và bình an từng đêm, từng đêm chị ạ ! Em không than phiền, trách phận. Em không chán nản, buông xuôi. Em yêu đời cho dù tử thần đang chờn vờn trước mặt cướp đi mạng sống của em trong tích tắc bất cứ lúc nào. Chị thấy không ? Cuộc đời này vẫn còn cho ta cơ hội dù rất ngắn. Hãy nắm lấy cơ hội hoàn thành trách nhiệm.  
Tôi không ngờ một cô gái mảnh mai nhỏ nhắn đang mang trong người một căn bệnh hiểm nghèo lại toát lên một sức sống mãnh liệt và thật an bình với tấm lòng tự tin. Nhìn lại mình, nỗi bất hạnh chưa đến phải ngã qụy, suy sụp. Tôi vẫn còn một cơ thể khỏe mạnh. Tôi có những mơ ước. Tôi còn có cơ hội tạo dựng một tương lai như ý muốn cho chính bản thân mình. Tôi còn có được những đứa con yêu thương đang chờ tôi. Và rồi tôi sẽ có hạnh phúc, dù nhỏ nhoi, dù hiếm muộn không bằng ai, nhưng là của mình. Tôi có  điều kiện, cơ hội vượt thoát thân phận yếu hèn điều mà ở Diệu Lan gần như đã mất. Thế thì tại sao tôi yếu hèn, buông xuôi trước những thách đố của cuộc sống.  
- Nghe em kể, chị cảm thấy tự hổ thẹn không những cho bản thân mình, còn với các con của chị, gia đình, cha mẹ, anh chị em, dòng họ. Chị phải làm gì và nhất định phải như thế. Tự hủy diệt thân thể mình là có tội. Tội đối với cha mẹ, với đấng Tạo Hóa.  
Diệu Lan nhìn tôi, mĩm cười đồng tình :  
- Chị có được suy nghĩ hợp lý. Chị hãy phấn đấu. Điều cần nhất chúng ta phải biết tự tin nơi chính mình để tự mình bước đi vững chắc mà không bị vấp ngã.   
- Đã hẳn là thế. Em đã giúp chị nghị lực vươn lên và nhìn được những gì cần làm.  
- Hoàn cảnh chị cô đơn, nếu không ngại, chị em mình cùng sớm hôm bên nhau.  
- Chị chẳng còn biết về đâu lúc ra khỏi tù. Nhà cửa, chồng con đó...trong tầm tay, sao chị thấy khó vói tới....vì tự ái, vì sĩ diện, không làm gì được, do mình thua sút, hèn hạ chăng ? Còn với Diệu Lan, căn bệnh em có thể chữa trị không đến nỗi phải tuyệt vọng.
Diệu Lan cười giòn giã, nụ cười đầy thách đố :   
- Chữa trị ? Em nghèo không đủ sức đành phó thác số mệnh. Những gì mình được quyền hưởng thì chẳng bao giờ đến tay mình. Trên đời vẫn có những tấm lòng nhân hậu giúp người, cho không biếu không để cứu mạng sống kẻ khác. Khốn thay, vẫn có những thành phần ích kỷ, chỉ biết thu tóm, ai chết mặc ai. Em chữa trị bệnh bằng lối sống, bằng việc làm giữa không gian trong lành với niềm vui tự có....thế đó chị.

Ngày tháng sau đó, Diệu Lan và tôi quyết di chuyển đến một vùng biển xa lạ khác. Cần thiết thay đổi không khí, bối cảnh cuộc sống, tránh những nhàm chán quen thuộc quê mình có thể phân hóa, gây phiền phức tình cảm không tránh khỏi về sau, an tâm làm lại ước mơ.
 Bằng một quyết tâm, với những đồng bạc chắt chiu, quán nước bên lề đường cũng gần hướng biển vừa mới đến được mọc lên. Nói là quán, nhưng chỉ là mái che bằng cót đặt trên bốn trụ tựa vào một gốc cây thông lớn. Bốn vách được che chắn bởi những tấm cạt tông, hoặc vải nhựa. Những chiếc ghế vuông nhỏ thấp xập xệ. Dăm chiếc bàn gỗ tạp ráp nối bằng thùng đạn. Một tủ thuốc bán lẻ cũ mèm được xếp những gói thuốc lá rẻ tiền để ngay giữa quán. Vài vỏ và ruột xe đạp cũ treo trên gốc cây thông, một thau đựng nước thử ruột xe, một thùng sắt nhỏ đựng búa, kiềm, mỏ lết, vài dụng cụ linh tinh bơm vá vỏ ruột. Cơ ngơi chúng tôi là thế với tất cả những chắt chiu và tìm kiếm để có đưọc.  
Buổi sáng tinh sương, tôi bán vài ly cà phê đen nóng, những điếu thuốc lá lẻ cho những người đạp xích lô, ba gác đi vội uống vội. Buổi trưa những ly đá chanh, những ly cà phê đen đá rẻ tiền cho khách giải khát qua đường, những kẻ nhàn du ngồi hóng gió biển, những cô cậu học sinh nhác học tạt qua giây lát để rồi đưa nhau trên chiếc xe đạp  tìm nơi thanh vắng tình tự.  
Diệu Lan thỉnh thoảng có người đến nhờ bôm hoặc vá vỏ xe. không những thế, nàng còn sửa chữa được những hư hỏng lặt vặt cho chiếc xe đạp của người dân miền quê trên đường đi ngang. Chỉ thời gian ngắn, tôi cũng như Diệu Lan đã quen các công việc nhỏ nhoi trong quán. Chúng tôi sống bên nhau thân mật, chia xẻ nhau niềm vui, nỗi buồn, những cơ cực, nổi khó khăn cùng chịu đựng, từng chén cơm manh áo...và một tình thương yêu hơn cả ruột thịt trong túp lều gọi là quán nước bên vệ đường...!  
Những buổi tối rảnh rỗi hai chị em thích thả bộ dọc bờ biển nhìn trăng lên, hoặc  nhìn biển cả mờ ảo trong sương đêm, nghe sóng biển rì rào, ngắm nhìn từng đợt sóng nhấp nhô tràn lan lên bờ cát mịn. Thích nằm dài trên bãi cát khô, thả hồn theo gió thoảng mây trôi. Thích nhìn bầu trời lấp lánh đầy sao. Thích đếm say sưa những vì sao li ti trên nền trời bao la không bao giờ dứt, mà cõi lòng đong đầy quá khứ, hình ảnh người thân, chồng con, nhà cửa, gia đình riêng tư mỗi người. Những mẫu tâm sự được khơi dậy qua tiềm thức đồng kể nhau nghe trong yêu thương nuối tiếc. Diệu Lan thường nhắc đến anh chồng, những kỷ niệm, những hạnh phúc với bao thương nhớ và đổ vỡ. Nàng vẫn còn mong ước lúc nào đó gặp lại người chồng bội bạc để nhìn cho rõ mặt kẻ bội tình, cũng chỉ vì căn bệnh hiểm nghèo mà anh ta vội dứt bỏ cô vợ xinh đẹp không luyến tiếc. Tôi nhớ hai đứa con ruột thịt không lúc nào nguôi. Ngày tôi vào tù, đứa trai đầu  năm tuổi, đứa gái kế lên ba thơ dại. Chúng đang sống thiếu tình thương của tôi, bên cạnh người đàn bà không máu mủ ruột thịt, không mang nặng đẻ đau. Tôi mong tạo cơ hội để được sống gần con tôi. Chúng phải được sống bên tôi dù bất cứ giá nào để tôi có dịp được nuôi nấng dạy dỗ con tôi nên người. Con tôi là nguồn hạnh phúc duy nhất, là phần thưởng vô giá mà Tạo hóa đã ban cho tôi.  
Từng ngày tôi nhặt nhạnh dành dụm từng đồng tiền kiếm được để mua được một máy may cũ. Tôi quyết thực hiện cái nghề tôi đã có được ngày xưa của mẹ đã dạy tôi. Ngoài những ly cà phê, những điếu thuốc lẻ, những cái bánh kẹo nhỏ nhoi bán được, tôi chăm chú may vá theo nhu cầu của người dân quê mang đến. Tôi nhận may gia công khi có ai đặt hàng. Diệu Lan đồng góp sức với tôi. Nàng tỏ ra năng nổ công việc, luôn luôn vui đùa và lúc nào cũng hồn nhiên vô tư như để cố quên đi tử thần đang chờn vờn trước mặt. Thật tội nghiệp cho kiếp hồng nhan đa truân. Phải biết tự tin vào chính mình. Phải biết tự cứu lấy bản thân mình dù trong hoàn cảnh nào. Chính là bí quyết thành công mà Diệu Lan vẫn thường nhắc đến tạo cái lực trong cuộc sống của hai người. Cũng chính vì thế, tôi yêu mến Diệu Lan như cô em gái của mình, cho dù nàng đang bị nhiễm HIV đến giai đoạn hai. Tôi không sợ lây lan. Bệnh Aids chỉ dễ dàng truyền nhiễm qua đường vào máu và tình dục. Tôi hiểu và thật an tâm ở bên nàng. Tôi cũng không nở bỏ nàng cô đơn. Sống chết có số, trời kêu ai nấy chấp nhận. Cho dù tôi có bị nhiễm bệnh như nàng tôi không ân hận, nếu không tôi cũng không còn sống sót đến hôm nay. Tôi ăn ở chung đụng với Diệu Lan không rời một bước.  
Tự tin vào chính mình, tôi miệt mài tìm kiếm, sáng tạo, thiết kế được nhiều mẫu mã quần áo mới lạ, đẹp mắt và thông dụng. Quán được sửa sang, nâng cấp cao ráo, rộng rãi, tươm tất và sạch sẽ. Các cửa tiệm buôn trong vùng biết được đến đặt hàng, giá cả nhẹ nhàng, nên khách hàng có thường xuyên. Tôi mua sắm thêm máy móc, tìm thêm người làm. Công việc làm ngày phất lên. Tôi và Diệu Lan tậu được một ngôi nhà khang trang sau bốn năm phấn đấu bằng cách tự tin vào chính mình để tự cứu lấy bản thân mình. Ngôi nhà mới mua được ngay giữa trung tâm thị trấn vừa là chỗ ở của tôi và Diệu Lan, vừa là hiệu may có trên mười máy may và một số nhân công.        
Những ngày đầu tắt mặt tối trong bao nỗi lo toan công việc, tôi cũng đã để tâm dọ dẫm, nghe ngóng chồng con và nhà cửa của tôi. Chồng tôi vẫn ấp ủ người đàn bà ấy suốt và dường như đã quên hẳn sự hiện diện của tôi trên cõi đời. Thời gian cũng đã dài, cũng đã bảy tám năm hai người gắn bó nhau thì chuyện quên người vợ cũ  hẳn là đương nhiên của người đàn ông bạc tình. Hai đứa con của tôi có đi học, nhưng không lành lặn, chúng  vẫn đói khát, thiếu thốn. Đời sống con trẻ không được yêu thương chăm sóc, hướng dẫn, dạy dỗ thường mang mặc cảm cô đơn và trầm cảm đến dại khờ.  
Tôi cậy người đến đánh tiếng với chồng tôi để tôi được nhận hai đứa con. Tôi không muốn đối diện nhất là người đàn bà lăng loàn kia đã ngang nhiên lăn xả vào cướp hạnh phúc của tôi. Tôi muốn tránh xô sát, hoặc đấu khẩu những lời lẽ thô tục khi cơn giận và lòng tự ái sôi lên. Nếu cần, tôi có thể nhờ luật pháp can thiệp. Tuy nhiên, khi nghĩ đến hai con tôi sau này không có cha, tôi chưa nở dứt tình.  
Phải mất một ít lâu tôi mới đưa được hai con tôi về sống bên tôi để tôi được chăm sóc chúng. Bây giờ tôi đang thực sự hạnh phúc với hai đứa con ruột thịt của mình và không còn mơ ước gì hơn.  
Vào một buổi tối, Diệu Lan dẫn về nhà một người đàn ông và giới thiệu :  
- Anh Nhân, chồng của em đấy chị. Sau khi biết em nhiễm HIV, anh ấy có vẻ lơ là và lảng tránh em và còn nghi ngờ em điều này điều khác, em buồn rồi bỏ nhà, bỏ quê mà đi như chị đã biết. Sau đó, ảnh lại tìm em khắp nơi, giờ mới gặp.  
- Mừng cho hạnh phúc của em, vợ chồng sum họp. Gia đình mình lại có thêm người, đông và vui.  Tôi vừa nói, vừa nhìn Nhân, trông anh chàng cũng đứng đắn, trí thức. Diệu Lan và Nhân rất xứng đôi, vậy mà hôn nhân không được thông suốt cũng chỉ vì bị ám ảnh căn bệnh hiểm nghèo. Sống với Diệu Lan tôi thấy nàng luôn vô tư nhí nhảnh và vui tính, không gợn chút ưu tư lo lắng gì trong cuộc sống trong lúc nàng mang căn bệnh quái ác của thời đại. Thời gian sau này sức khỏe của Diệu Lan lại  rất tốt, da dẻ hồng hào đầy sức sống. Hy vọng Diệu Lan có thể sẽ vượt qua bệnh tật. Tôi nói như thế cho Nhân biết để mừng.
Nhân lên tiếng :  
- Thưa chị, em tìm Diệu Lan để đưa vợ em về quê chửa bệnh. Em đủ khả năng để lo và em sẽ thực hiện được. Em chắc chắn vợ em sẽ qua khỏi.   
- Chúng em đã bàn tính khi vừa gặp nhau ngoài thị xã. Thấy anh Nhân đi tìm em là em mừng lắm chị ạ. Em chỉ cầu xin em là người đàn bà khoẻ mạnh để có được ước mơ làm vợ, làm mẹ, em chỉ mơ ước nhỏ nhoi vậy thôi. Chị cũng thế, hy vọng anh sẽ nghĩ lại và trở về với chị một ngày nào đó. Chị hãy tin như thế.  Tôi cũng đặt niềm tin như Diệu Lan nói và tôi chờ đợi điều ấy sẽ đến với tôi vào một ngày nào đó. Hai đứa con của tôi là niềm hy vọng, là nhịp cầu đưa chồng tôi trở về với tôi.  
Tôi buồn buồn nói :  
- Em tính bỏ chị đi sao chứ ? Tình nghĩa chị em như ruột thịt bao nhiêu năm, em là người đã cứu sống và làm lại cuộc đời của chị. Nếu không thì chị chẳng có ngày hôm nay.  
- Nhà cửa, tài sản này chị hãy giữ lấy. Em mong chữa lành bệnh, rồi em đi ra đi vào với chị mà.  Nhân tiếp lời :  
- Đã biết nhau thì vợ chồng em xem chị như người chị ruột, Lan đã nói về chị cho em nghe, vợ chồng em không để chị phải cô đơn.  
Vài ngày sau, Nhân đưa vợ về quê, ngôi nhà lại thêm vắng những lúc về đêm quanh quẩn có ba mẹ con. Công việc may vá trước đây có Diệu Lan phụ giúp, giờ chỉ mình tôi coi trong ngó ngoài với một số công nhân, thật vất vả nhưng tôi cảm thấy vừa lòng những gì mình đã đạt được với niềm tự tin ở chính mình .  Tôi tiếp tục phát triễn công việc làm, mua thêm máy móc, cần thêm thợ và ngôi nhà được nới rộng ra phía trước thành một shop may có bảng hiệu thật bề thế. Hai năm sau tôi nghiễm nhiên trở thành chủ nhân một tiệm may mặc tuy không đồ sộ nhưng nổi bật nhất nhì của thị trấn.  
Một buổi chiều, con gái tôi đi học về, chạy ùa vào nhà tìm tôi và reo lên :  
- Mẹ ơi ! ba về mẹ ạ ! Ba về !  
Tôi sững sờ và không tin đó là sự thật, điều mà bao lâu tôi đã ước mơ. Tôi ôm chầm lấy con tôi với niềm vui :  
- Con nói gì ?  Ba con về. Thật không ?  
- Ba gặp con ở cổng trường và bảo chúng con dẫn về nhà để gặp mẹ.  
Vừa nói, đứa con gái tôi vừa kéo tay tôi ra trước sân. Tôi thấy Duy, chồng tôi đang nắm tay thằng con trai bước qua cửa ngõ. Tôi ôm con tôi đứng lặng nhìn chồng tôi trong nỗi xúc động bồi hồi.  
- Em ạ ! anh mong được về với em. Hôm nay anh về với em. Em chấp nhận em nhé.  
Niềm cảm xúc tràn ngập, tôi nói không thành tiếng :
- Anh ! anh thật sự về với mẹ con em đấy sao ?  
- Anh về tạ lỗi với em. Anh cầu xin em một sự tha thứ.  
Tôi nói như trút nổi niềm ray rứt, nói để giải tỏa :  
- Em chấp nhận tất cả để có ngày hôm nay vì tương lai hai đứa con để chúng nó đủ cha, đủ mẹ, trong lúc anh đã bỏ phế em từ lúc em còn trong lao tù. Em đã tự tin ở chính mình để tự cứu lấy em, cứu lấy gia đình có được ngày hôm nay. Những ngày không có anh, em xem như anh đã vắng nhà và bây giờ anh mới về. Những gì anh đã làm chỉ là sự đam mê nhất thời của một người đàn ông mà thói thường vẫn có. Em tin như thế. Và em chấp nhận.  
- Anh cám ơn em đã nghĩ được như thế cho anh.  
Tôi hỏi :  
- Còn người đàn bà mà anh đã từng ôm ấp ? Không lẽ anh bỏ rơi họ, tội nghiệp họ chứ ?  
- Anh đã đuổi cô ấy ra khỏi nhà gần nửa năm nay. Anh không chịu nổi cái thói say mê cờ bạc suốt ngày đến khánh tận, suýt chút nữa phải bán nhà trả nợ. Cũng may anh đã thức tỉnh được điều sai trái của mình. Em tha thứ cho anh.  
Chồng tôi đã trở về với tôi và với con tôi. Chính sự trở về của anh là sự xác nhận niềm tin của anh ở nơi tôi để chồng tôi có được cuộc sống tốt lành không những cho tôi mà cho các con của tôi. Từ lâu tôi cầu mong anh có sự thay đổi toàn diện. Tôi mong anh cố gắng chăm sóc, vun vén gia đình để chứng tỏ mình là người đàn ông xứng đáng và làm chỗ dựa vững chắc cho mẹ con tôi.  
Qua bao năm tháng lao đao ngụp lặn trong gian khổ để cố vươn lên trong niềm tự tin cho chính mình, tôi đã thực sự hạnh phúc bên cạnh chồng con với nổi ước mơ thật nhỏ nhoi của con ngưòi. Những lúc im ắng tâm hồn, nhớ lại giây phút suy nghĩ nông cạn thuở nào tôi không khỏi rùng mình ớn lạnh. Tôi luôn nhớ ơn Diệu Lan, cô gái trẻ đẹp, đức hạnh, có lòng vị tha lại vướng phải căn bệnh hiểm nghèo, đã vực tôi ngoi lên bằng tình thương và nghị lực của nàng để tôi có được ngày hôm nay. Tôi luôn cầu nguyện ơn Trên phù hộ Diệu Lan vượt qua để nàng được mãi hạnh phúc bên chồng và những đứa con dễ thương...mà nàng hằng ước mơ..! (Trích trong
http://maylangdu-vnfl.blogspot.com)