Đêm Chờ Ngưng Bắn Nhớ An Lộc |
Tác Giả: Đào Vũ Anh Hùng | |||
Thứ Năm, 17 Tháng 5 Năm 2012 22:24 | |||
"Tưởng niệm Trần Thế Vinh, Nguyễn Cao Hùng, và những cánh chim đã bay cao, không bao giờ hạ cánh."
Cấm quân gắt gao từ nửa tháng trước Tết, Vụ nổ kho bom đầu tháng mười làm căn phòng tạm trú trong dãy cư xá Sĩ Quan độc thân bên cạnh Phi Đoàn bị xụm tang thương, khiến tôi lêu bêu không chỗ ngủ những đêm cấm trại. Tôi phải xuống phòng Hải mượn tấm nệm dư, mỗi tối vác lên Phi Đoàn trải lên bàn làm chỗ ngả lưng qua đêm. Sáng lại hì hục vác xuống trả. - Sao mà cực khổ vậy? Lao động quá không tiếc sức sao? Hải nhăn răng cười: - Chắc cũng không khỏe hơn được chút nào đâu. Đêm nay còn bao nhiêu đạn nó pháo tối đa cho chạy vung vít cả lũ, tha hồ mà khỏe. Tôi cuốn tấm nệm cho gọn, lăn xuống đất và ngồi lên: Đêm qua địch pháo một loạt 122 và 107. Hai giờ sáng hỏa tiễn nổ tung giấc ngủ. Tôi choàng thức khi quả pháo đầu tiên nổ phành dữ dội như ở ngay bên cạnh. Còi hụ ré lên. Tiếng rít của hỏa tiễn bay vút trên đầu. Nổ chới với, nổ lung tung khắp chung quanh và thật gần trong khu vực Không đoàn. Tôi tỉnh như sáo, vùng dậy nhanh cấp kỳ. Vội vàng mặc áo bay, vội vàng xỏ chân vào đôi giày trận, vớ theo cây súng cá nhân, bước nhanh ra cửa... Loạt pháo dứt tiếng khi tôi đứng dưới mái hiên trước phòng hành quân Phi Đoàn. Đêm về sáng trong quang và mát lạnh. Đêm pháo kích mang vẻ lạnh lùng dè dặt. Đêm như co mình lại trong tiếng còi báo động liên miên rền rĩ kéo dài từ ngay khi quả nổ đầu tiên chạm đất. Chung quanh và trong tầm mắt tôi, vắng hoe không một bóng người nhưng tôi nghe như đêm có tiếng thở phập phồng hồi hộp. Tôi nghĩ mọi người đều đang co người trong các hầm tránh pháo hay đang bối rối trong phòng, nằm bẹp dưới chân giường đợi dứt cơn pháo đầu tiên mới phóng chạy tìm nơi trú an toàn. Tôi chống nạnh nhìn những trái hỏa châu nổ lụp bụp soi sáng vòng đai phòng thủ phi trường vá bên Quân Đoàn 3. Hỏa châu như những chiếc đèn lồng sáng rỡ treo ngược bằng những giải khói mỏng manh uốn éo, bay la đà lờ lững trên trờ xanh lấm tấm sao. Một đám khói đen cuồn cuộn bốc lên phía chung cư Mỹ gần cổng Một. Ánh châu soi tỏ bóng cột khói đen ngòm vắt ngang những mái nhà và phi đạo trực thăng. Tôi đợi tiếng nổ của đợt pháo thứ hai nhưng đã qua mấy phút chỉ nghe rên rỉ tiếng còi báo động và tiếng pháo binh ta phản pháo. Không khí của những phút chờ đợi đặc sệt và, đột nhiên, khi đám cháy khu barrack Mỹ bùng cao ngọn lửa, tro than bay tung tóe lên không với tiếng nổ lốp bốp của tôn gỗ bị hỏa thiêu, đêm bỗng náo nhiệt.
Có thêm tiếng xe cứu hỏa chạy cuống cuồng. Những xe Jeep chở quân phòng thủ phóng vội vã qua khu vực. Tôi nghe những bước chân thình thịch. Rồi tiếng ồn ào và những đầu người nhô lên khỏi lớp bao cát vây bọc quanh cái Trailer phòng nghỉ trực của nhân viên phi hành, cách nơi tôi đứng chừng vài ba bước nhẩy. Thì ra những ông hoa tiêu trẻ trung của Phi đoàn tôi đã nhanh chân trốn pháo ở đó tự bao giờ. Sự xuất hiện đột ngột của những cái đầu sau ụ cát gần bên khiến tôi bỡ ngỡ. Nhưng cái bỡ ngỡ đó cũng chưa bằng nỗi ngạc nhiên khi tôi nghe ngoài phi đạo trực thăng có tiếng phi cơ quay máy và lần lượt đủ ba chiếc UH-1 đèn chớp sáng lòa ầm ầm nối đuôi nhau cất cánh. Tôi phải ngạc nhiên, bởi tôi không tưởng tượng nổi bằng phản ứng nhậm lẹ nào, bằng ý thức trách nhiệm nào mà những nhân viên phi hành trực phòng thủ đêm của Phi Đòan tôi lại có thể khi đang say ngủ, nghe tiếng pháo, vùng dậy lấy nón bay, chạy băng băng một quãng đường dài - dưới đợt mưa pháo kích, mở dây cột cánh quạt, bình tĩnh cho nổ máy phi cơ, bình tĩnh ngồi chờ một Phi Hành Đoàn đầy đủ và cất cánh trong vòng không đầy mươi phút kể từ quả pháo đầu tiên phóng vào căn cứ? - Đêm qua nó pháo, tao tưởng tao nhanh nhất rồi mà vẫn còn thua nhiều đứa. Pilot vậy mà vẫn còn bị chê. “Tây” nó cũng không có mặt trên trời nhanh bằng “Mít” mình đêm qua. - Tụi nó ngon lành. Đêm nay mày trực Night Alert, ráng khi nghe pháo thì phóng liền ra tàu nghe cưng. Hay mày đem mùng mền ra phi cơ mà ngủ, giữ tàu luôn. Tụi nó đứa nào cũng khoái đêm nay lên trời hơn nằm dưới đất, pháo kích nhức tim...Dám tối nay có thằng không trực ra giánh phi cơ để bay lắm ạ.. - Tám giờ sáng mai ngưng bắn. Từ giờ tớ tám giờ sáng mai còn bao nhiêu bom đạn, hỏa tiễn khuân ra mời nhau đớp cho bằng thích. - Khóa mày chết bao nhiêu thằng, nhớ không? Tôi thở dài, đăm đăm nhìn ngọn đèn điện sáng tỏa căn phòng hẹp. Ngọn sáng làm tôi nhớ cảm giác tê lạnh hãi hùng của phút giây chứng kiến cuộc hóa thân bi thảm của người bạn thiết đang lúc vẫy vùng bay bỗng, bỗng rụng rời gẫy cánh trên vùng đất Tân Khai mịt mù lửa đạn, tháng năm, năm ngoái... ******** Chiếc khu trục thả rơi trái Napalm dữ dội ngay đầu quân địch, xòe đôi cánh sắt, vút lên cao, đột nhiên biến thành một khối lửa cháy bùng, rực sáng, nổ tung trên bốn ngàn độ cao và ngay trước mắt tôi đang bay gần phía Nam. Tôi hãi hùng tưởng như tê liệt trong cái “sát-na” khủng khiếp ấy. Tôi há hốc miệng, không kêu được một tiếng. Tôi mở mắt trợn trừng. Và khối lửa hồng rực rỡ như ngọn pháo bông, như tinh cầu lạc loài tinh thể, lao chớp nhoáng một đường thẳng băng, tóe tung tàn lửa trên đám ruộng khô rồi cháy hiu hiu để lại không gian một sợi khói mỏng manh dần dần tan nhạt.
Con chim sắt đã rơi..Đem theo một đời trai trẻ Phi công mà thịt xương tan nát dính bám vào từng mảnh kim loại vô tri của thân tàu vỡ vụn. Tôi nào biết cánh chim bất hạnh đó là ai? Khổ thân tôi, đến khi biết ra người Phi công tên Nguyễn Cao Hùng, tôi tím lịm cả hồn. Tôi mắt mờ giọt lệ, long đong bay trở lại Lai Khê mà lòng tan nát. Tôi đâu ngờ lại có phút giây sầu thảm chứng kiến cuộc giã từ đời, vĩnh biệt không gian đau đớn và âm thầm tội nghiệp của người bạn thân, thật dễ thương cùng khóa. ******** - “Hi” Hùng! Bonjour bồ. Lâu quá mới thấy bồ, nhớ bồ quá bồ ơi. Không bay bỗng gì sao mà bò qua đây ăn sáng vậy? Tôi nhận ra ngay. Lối “bồ bồ tôi tôi”, giọng nói nồng nhiệt thân quen hết sức của Nguyễn Cao Hùng. Hai thằng lâu ngày mới gặp nhau. Hùng nọ vồ vập lấy Hùng kia, tíu tít vui mừng như vớ được người yêu trong mộng. Tôi ôm lấy tay Cao Hùng, vỗ vỗ: - Bonjour!...Lâu gì, mới gặp nhau đây mà kêu nhớ? nhớ thì hôn đi! Hôn một miếng cho đỡ nhớ! Cao Hùng cười vang, ghé môi gần má tôi, giả vờ hôn “chụt” một tiếng rồi nheo mắt kêu lên: - Bồ “đĩ” quá bồ ơi. Nước hoa thơm lừng! - Nhờ cậu tí. Đĩ mà biết caọ râu? Bồ không có râu bao giờ biết được xê-kỳ nó có cái gọi là after-shave “East Jade”? Như thế đấy, hai đứa mỗi lần gặp nhau thường vui đùa, giả vờ hôn hít loạn cả lên. Kỷ niệm hồi ở Lackland. Hoa Kỳ tổ sư đồng tình luyến ái, lại làm ra vẻ ghê tởm mấy chú “Mít” nắm tay khoác vai nhau diễu phố. Bọn này bèn diễn cảnh Homo trêu ngươi mấy anh bạn đồng minh cho bõ ghét. Thêm hai tên bạn cùng khóa cười cười tiến lại. Tưởng “khu trục” lừ lừ như chiếc Skyraider đang vào cận tiến hạ cánh. Ẩn chìa bắt tay tôi, siết chặt. Ẩn lùn mà bắt tay như bóp nghiến và cất giọng oang oang bất cần thiên hạ: - “Hi” Hùng! Ăn gì đi toa? Uống cái chi gọi nó đem ra luôn. Ăn uống “free”, đừng ngại. Tôi nắm tay Ẩn, tay kia ôm vòng lấy Cao Hùng và Tưởng “khu trục”: - Xong, xong ngay! Đớp “chùa” mà từ chố thì phụ cả tấm lòng.... - Đại tá đãi bữa ăn sáng trước khi bọn moa biệt phái Đà Nẵng. - Bay ở đây mà không rét à? Mày biết câu hát này không... Ẩn nhắc đến Tuấn “khùng”, đến Vinh “Tô Tô”, khơi dậy trong tôi nỗi ngậm ngùi xúc động râm ran buốt nhói suốt từ hôm được Thụy Hùng báo tin Vinh gẫy cánh. Khóa 65A Phi Hành có ba đứa tên Hùng. Thụy Hùng inapte sức khỏe, ra khỏi Không Quân, đi biệt kích Delta một thời gian rồi trở lại Không Quân khi ngành trực thăng bành trướng. Thụy Hùng rất thân và ở chung phòng với Vinh bên cư xá Bắc Tiến. Tôi nhớ hôm đó là sáng thứ hai 10 tháng 4. Bởi vì Vinh rớt hôm chủ nhật mùng 9 tháng 4. Tôi xách Helmet đi bay, gặp Thụy Hùng ngoài phi đạo. Hùng thắng khựng Vespa ngay trước mặt tôi, mếu máo: - Hùng ơi, mày biết tin chưa? Thằng Vinh “Tô Tô” nó rớt rồi. Tôi sửng sốt. Thụy Hùng ngồi lặng trên chiếc Vespa nổ máy, đôi vai run nhẹ, thẫn thờ hướng về phía cuối đường bay, đầm đìa nước mắt trên gò má. Tôi choáng váng. Toàn thân bỗng lạnh. Tay tôi run, lời tôi khàn đục như không phải tiếng tôi hỏi bạn: - Lấy được xác nó về không? Hùng cắn môi, đờ đẫn lắc đầu. Tôi phập phồng muốn khóc. Một lát sau, hết nghẹn ngào, tôi mới nói: - Tao linh cảm được cái chết của Vinh “Tô Tô” ngay từ tối hôm thứ bảy. Coi TV thấy Thiếu tá Hùng Phi đoàn trưởng 518 ca tụng nó quá. Câu nào cũng Đại Úy Trần Thế Vinh chiến đấu xuất xắc.
Đại úy Vinh hạ xe tăng Cộng Sản nhiều nhất. Thứ hai này Đại úy Vinh sẽ về Sàigòn, lên TV nói chuyện với đồng bào....Tao nghe, vừa khoái thằng Vinh, vừa hãnh diện, vừa sợ. Tao hỏi vợ tao, em nhớVinh “Tô Tô” không? Vợ tao bảo nhớ. Tao nói đấy đấy ông Hùng “Tây Lai” vừa nói bốc thơm nó đấy. Nhưng anh nghi quá em ơi. Phải làm sao kéo nó về sớm chứ bốc nó nổi quá, khó sống. Nó say máu, bay hoài thế nào cũng “dính”. Phòng không Việt cộng đâu có ít? Tao nghĩ vậy thôi, đâu ngờ nó chết thật. Nhảm quá. Suốt ngày hôm đó đi bay, tôi như đứa mất hồn. Vinh bô trai, dễ thương, bay giỏi và tư cách, chết đi thật uổng phí. Gặp Huỳnh Hạnh Kim Hồng ở Lai Khê, Hồng nói Xê kể nghe phút cuối anh hùng của Vinh: - Nó nói, “Mẹ kiếp phòng không thì đứa nào chẳng sợ. Nhưng cậu bay trên quốc lộ thấy dân chạy loạn lếch thếch mà còn bị tụi nó bắn giết dã man, cậu si-neẹc. Nó bắn mình hả? Thì mình dội bom lên đầu nó, chết bỏ? Thế là Vinh hùng hục đi bay. Thời tiết xấu tàn nhẫn. Trần mây 500 bộ. Nó bay rasemotte trên mặt biển, tới cửa Việt rẽ vào Đông Hà. Đại bác trên xe tăng bên này sông bên kia sông câu lẫn nhau, Vinh nó chui dưới hai lằn đạn, ngóc lên, bổ nhào xuống. Nó đánh bom thật trúng. Một Napalm là một tăng bốc cháy. Tiếp theo là loạt đại bác, bộ binh tùng thiết VC ngã la liệt. Mỗi pass đánh xong nó chui tọt lên mây tránh phòng không, rồi lại rình rình nhào xuống... Xê với Định bảo Vinh Tô Tô đánh đẹp và lì, chưa từng thấy ai bay đẹp và lì như nó trong khi thời tiết xấu chỉ sợ hai phi tuần đụng nhau. Cuối cùng Vinh rơi tan xác với con tàu trúng đạn phòng không bắn trực xạ ở cao độ thấp. Buổi chiều từ mặt trận An Lộc về, tôi mua tờ báo Sóng Thần. Thấy ảnh Vinh, nụ cười má lúm “tí ti đồng tiền”, dáng hiên ngang, tôi nhớ Vinh muốn khóc. Nhớ ngày Vinh mới nộp đơn gia nhập Không Quân, rất sữa. Vinh cao cồ, mặc áo ca rô ngắn tay màu vàng, quần ka ki xám. Khám tổng quát bên Trung Tâm Giám định Y khoa, vì huyết áp cao, cu cậu chui vào phòng tắm xối nước lạnh cho hạ tension. Ai ngờ trúng gió bị rút gân cổ, đầu Vinh tự nhiên ngoẹo một bên, cứng ngắc đến vài phút. Rốt cuộc Vinh cũng thành Phi công khu trục. Mà là một phi công khu trục tuyệt vời nữa. Một lần gặp Vinh đang học bay ở Randolph qua Lackland chơi, tôi đùa hỏi: - Ê Vinh, nếu đang bay formation, đầu mày ngoẹo như hôm khám sức khỏe thì làm sao? Vinh to con và khỏe, tính tình đàng hoàng, rất tốt với bạn bè và có tư cách, có tướng chỉ huy. Ngày ở quân trường, Vinh được đề cử làm trưởng toán, làm SVSQ cán bộ và là một trong mấy đứa cao lớn hầu kỳ trong các buổi lễ hay diễn hành. Những ngày đó Vinh dẫn khóa đi học, đi ăn, chạy phạt .v.v..bằng tiếng hô đếm bước dõng dạc và bắt giọng cho chúng tôi vừa di chuyển vừa hát những khúc quân hành. Có bao giờ Vinh ngờ được mình là một Phi công “danh tiếng”, cái chết trở thành huyền sử cánh chim tự do hào quang sáng rỡ? Về cái hỗn danh Vinh “Tô Tô”, tôi muốn nhắc với các bạn 65A nhớ đến xuất xứ của nó. Ấy là cái hỗn danh do Đỗ Phụng Hoàng đặt cho Vinh khi thấy Vinh làm dáng, viết tên mình theo lối Mỹ: Vinh T.T. – Vinh T2 hay Vinh, Trần Thế - với hai dấu chấm sau mỗi chữ T viết tắt như hai chữ “O” nhỏ và Hoàng “Tôbia” gọi đầu tiên là “Vinh Tô Tô”.... - Vinh “Tô Tô” chết uổng ha bồ? Nó bay “nghề” nhất phi đoàn, tư cách không ai hơn. Bữa nào rảnh bồ nên viết về nó một bài. Tôi gật đầu cười, nói tôi cũng định hôm nào rảnh sẽ viết cho Vinh một bài tưởng niệm. Tôi là bạn thân của Vinh, thật tình hãnh diện vì Vinh đã chết anh hùng, thật tình thuơng tiếc bạn tôi bất ngờ gẫy cánh. Vinh bây giờ đã là người của cả nước, là thần tượng hào quang chói lọi. Việc làm của Vinh và cái chết của Vinh ngời ngợi hai tiếng “anh hùng”, không cần đến ai đánh bóng. Không cần phải dựng đứng lên rằng “Vinh mãn khóa hoa tiêu quan sát tại Nha Trang, được du học khóa T28 tại Hoa Kỳ và đậu thủ khoa..” mới xứng đáng với công nghiệp. Trần Thế Vinh dâng cho Tổ Quốc? Đâu cần phải đậu thủ khoa, phải học Cessna mới thành anh hùng khu trục hạ 21 xe tăng địch? Tôi vui với sự nồng nàn thân mến của Hùng, đồng thời tôi bỗng rờn rợn âu lo cho chuyến biệt phái hành quân vùng địa dầi giới tuyến của bọn Hùng. Người vừa nằm xuống đã có người vội vã bước lên thay nơi tuyến đầu máu lửa. Tôi quyến luyến không muốn rời gương mặt trắng hồng như con gái của Nguyễn Cao Hùng. “Baby” Hùng môi hồng, răng ngọc, má lúm đồng tiền, tóc mềm lả lơi nghệ sĩ. Tôi vẫn đùa gọi Cao Hùng là “Tây con” hay “Babilac”. Hùng nhà giàu thế lực, học trường tây, cốt cách phong lưu quý phái. Hồi đó tôi cứ tiếc cho Hùng sao vào Không quân bỏ dở việc học. Hùng có nỗi khổ tâm riêng về tình cảm gia đình, tôi loáng thoáng biết nhưng không bao giờ hỏi han và càng thương quý bạn. Những ngày Cao Hùng đi biệt phái, tôi vẩn vơ lo lắng hồi hộp chờ tin bạn. Chưa bao giờ tôi lại nghĩ ngợi đến nỗi an nguy của Cao Hùng nhiều như vậy. Nhớ hôm từ giã, Hùng với Ẩn dặn tôi bay cẩn thận, chúc tôi may mắn. Nhớ đôi má bầu bĩnh có lúm đồng tiền sâu hoắm của Hùng, nhìn gần đầy những tàn nhang và lông măng phơi phới. Cao Hùng thật dễ thương. Ngày tôi lên lon, Hùng lấy dao găm cắt bỏ cặp mai Trung úy trên vai áo bay tôi, bảo mua tặng tôi một cặp lon Đại úy. - Bồ đeo Trung úy hơn 4 năm rồi còn gì. Bây giờ mang cái lon Đại úy cho “gồ ghề”, đàn em nó khó dỡn mặt. Mấy ngày sau, Hùng nhờ Văn thư đánh máy và thị thực cho tôi mười mấy bản sao quyết định thăng cấp Đại úy thực thụ, đem qua tận Phi đoàn cho tôi, đùa: - Đeo lon mới, Quân cảnh hỏi, bồ lấy cái này dán vào mắt nó cho đui luôn.... Cao Hùng biệt phái lần đó về vô sự. Tôi gặp Hùng lần cuối cùng là hôm Hùng lái chiếc xe Floride mui trần, mặc đồ bay đen, thấy tôi, cười vẫy vẫy. Tôi cũng đưa tay vẫy lại rồi vội công việc, đi luôn. ******** Tôi bay trên năm ngàn bộ, theo dõi từng chiếc Skyraider nhanh nhẹn luân phiên đâm bổ xuống mục tiêu, say sưa hào hứng. Bỗng một chiếc AD6 vừa thả xong hai trái Nalpalm, vút ngược lên cao...Tôi thấy một tia khói cuộn lên từ bụi cây bên bờ con suối cạn. Chiếc phi cơ bỗng phát nổ. Ngay trước mắt tôi, thấp hơn cao độ phi cơ tôi một chút. Và thật rõ ràng kinh khủng, tôi thấy một khối lửa chói lòa rực rỡ như quả pháo bông, vun vút rơi thẳng băng xuống đất... Tôi trợn tròn đôi mắt. Miệng há hốc không kêu được tiếng nào. Khối lửa bắn tung tóe và đang cháy hiu hiu trên mặt ruộng, để lại không gian một sợi khói đen theo đường rơi của chiếc phi cơ xấu số. Tôi không thấy một cánh dù bung nở. Như là hoa mắt. Như ảo tưởng trong mơ. Tôi nhói điếng ở tim khi nhìn thấy ba chiếc khu trục cơ còn lại gầm rú điên cuồng bay lượn trên vùng trời phi cơ rớt.
Tôi gọi máy báo với toán liên lạc Điều không: 17 giờ 25, SA7 Cộng Sản bắn rơi một phi tuần khu trục tại Tân Khai. Tọa độ XT..không thấy hoa tiêu nhảy dù. Nghĩ thế nào, tôi lại hỏi thêm: - “Panther” cho “Charlie One” biết ai bay chiếc Skyraider vừa bị rớt? Một giọng đầy kích động trong máy UHF, như mũi dao nhọn hoắt xói giữa tim tôi: - Đại úy Nguyễn Cao Hùng, Phi đoàn 518... ******* - Đứa bạn nào của mình nằm xuống cũng đều đáng thương và tiếc nhớ. Nhưng cái chết của Hùng “Babilac” khiến tao đau đớn nhất bởi vì tao thấy tận mắt và Cao Hùng nó dễ thương thật là dễ thương.
|