Bà Linh |
Tác Giả: Trần Văn Sơn | |||
Thứ Ba, 15 Tháng 5 Năm 2012 06:21 | |||
Chuyện viết đầu tiên vào tháng 9 năm 1998 sau khi tác giả đi thăm bà Linh tại Âu châu dưới nhan đề “Người Chị Dâu”. Bà Linh vừa qua đời đầu tháng 4 năm 2012 tại Paris. Tang lễ cử hành ngày 4 tháng 5 năm 2012 tại nhà quàn Mont Valerien, Nanterre. Nhà văn Bùi Bích Hà viết phần cuối chuyện khi được nghe tác giả thuật lại.
Bà Linh trở mình thức giấc. Ánh nắng chiếu qua màn cửa sổ, khiến bà cảm thấy ấm trên má. Bà Linh đoán mặt trời bên ngoài đã lên cao lắm. Dưới vườn, ríu rít tiếng chim sẻ. Trong nhà, không khí yên tĩnh, các cháu chắc đã đi học. Về thăm quê lần này, bà ở chơi lâu nên không vội vàng giờ giấc như những lần trước. Sáng nào bà cũng dậy trễ, nằm lườn khươn trên giường, mơ màng đủ thứ chuyện trước khi bỏ chân xuống đất, nhìn qua mình trong gương, chải chuốt đôi chút rồi xuống nhà bếp nói chuyện với Thúy, cô em gái nhỏ hơn bà tới mười tuổi, hiện cùng chồng làm chủ ngôi nhà do bố mẹ bà để lại. Bà Linh rời khỏi ngôi nhà hương hỏa này năm 26 tuổi, khi bà tái giá. Bà lấy chồng lần đầu năm 17 tuổi. Ông Bình, người bạn đời đầu tiên của bà, thương yêu bà rất mực. Tiếc thay, số phận chỉ cho vợ chồng bà sống hạnh phúc bên nhau một năm rồi ông Bình tử nạn. Phong ba bão táp dồn dập đổ xuống cuộc đời người sương phụ giữa tuổi thanh xuân. Phải tám năm sau, bà mới nguôi ngoai và bước vào cuộc hôn nhân lần thứ hai với Hùng, tạo lập một cảnh nhà an bình, sinh nở và nuôi dạy ba đứa con chung. Sau biến cố năm 1975, bà Linh cùng gia đình di cư qua Thụy Sĩ. Hai vợ chồng mua một căn nhà rộng rãi ở Geneve, cạnh bờ hồ Leman. Bà Linh có ba anh chị em, một anh trên, một em trai dưới và Thúy. Song thân bà qua đời đã lâu, để lại di sản là ngôi nhà quen thuộc, nơi chứng kiến bà và các anh chị em lần lượt ra đời, lớn lên bên nhau, nay để cho người em gái ở. Anh bà đi theo kháng chiến rồi tập kết ra Bắc. Năm 1975, anh trở về, có quyền thế và cuộc sống bình ổn tuy ít thân cận với các anh chị em. Riêng em trai bà, là sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa, đã hy sinh trong chiến tranh. Căn nhà bằng gỗ, cha mẹ tạo dựng đã lâu nhưng còn vững chãi, chỉ có mái tranh hai năm phải lợp lại một lần. Xung quanh nhà là khu vườn hai mẫu đất trồng nhiều cây ăn trái, mít và nhãn, nhiều nhất là thơm và cau. Năm ngoái, khi trở về thăm nhà lần đầu, bà Linh đã giúp em gái tiền lợp lại mái tranh mới. Trước năm 1986, Thúy và chồng làm việc cho một hợp tác xã đóng giày của thị xã Huế. Bà Linh về thăm mấy lần, thấy cuộc sống chật vật của em gái, vợ chồng phải đi làm lao động suốt ngày, để mặc con cái ở nhà lêu lổng và khu vườn cây ăn trái không ai chăm sóc, bà đứng ra giúp em thuê người xới đất, làm cỏ, đào giếng, đặt bơm nước, chăm bón lại khu vườn. Sau một năm, thấy hoa lợi đủ chi tiêu, hai vợ chồng xin nghỉ việc hợp tác xã và dùng toàn thời giờ để săn sóc, khai thác khu vườn cây ăn trái cũng như trồng thêm rau củ. Lợi tức khấm khá nên ngoài việc sinh sống và tốn phí chăm bẵm vườn tược, Thúy còn dành dụm để trả dần vốn cho bà Linh. Có em gái ở nhà, vừa quán xuyến gia đình vừa bầu bạn với chị, năm nay bà Linh quyết định về ở chơi lâu. Thường ngày quen dậy trễ, hôm nay, bà còn dậy trễ hơn vì đêm hôm trước, bà trằn trọc không yên giấc, lẩn quẩn trong đầu với ý nghĩ có nên đến thăm ngôi nhà bố mẹ người chồng vắn số cũ, nơi cô Linh là bà ngày ấy, đã sống với chồng một tuần lễ ngắn ngủi trước khi theo chồng vào Nam. Ở tuổi mười bảy, Linh nổi tiếng đẹp nhất làng, được nhiều thanh niên trong xóm ngấm nghé, tuy chỉ để mơ ước nhiều hơn là hy vọng. Không những thế, gia cảnh nhà Linh sung túc, thân phụ là một y tá lành nghề làm việc tại bệnh viện trung ương Huế, được làng xóm kính nể. Thanh niên trong làng hầu hết con nhà nghèo, sống bằng nghề làm rẫy, thợ mộc hay thợ hồ. Họ thích ngắm Linh, hát những câu ca dao trữ tình xa gần để trêu ghẹo bâng quơ nhưng họ biết không bao giờ với tới được cô dù chỉ là mơ tưởng. Bình quê Kim Long, làm việc ở Sài Gòn sau khi đỗ bằng Thành Chung. Mẹ Bình quen với mẹ Linh. Thấy Linh đẹp, nết na, bà ngỏ ý xin cho con trai. Sau khi xem tấm hình Bình mặc âu phục, khôi ngô, tuấn tú, với chiếc răng cời có duyên ẩn dưới nét môi nghiêm nghị của cậu, mẹ Linh ưng ý ngay. Bà cẩn thận, đợi lúc thuận tiện mới khéo léo đưa tấm hình cho Linh xem, ngụ ý cho con gái biết bà đã chọn được rể. Tết năm đó, Bình theo mẹ đến thăm gia đình Linh. Đứng ở phòng trong, Linh kín đáo nhìn Bình qua bức màn vải mỏng trong khi hai bà mẹ vừa uống trà vừa chuyện trò với nhau một cách tương đắc. Thỉnh thoảng, mẹ Linh hỏi Bình những câu hỏi vô thưởng vô phạt. Linh thấy Bình ngồi yên nghe, nhỏ nhẹ vâng dạ, nhưng ánh mắt không dấu được sự bồn chồn chờ đợi. Linh chợt cảm thấy hài lòng và nhận ra cô cùng chia sẻ sự nôn nao của người bên ngoài. Chưa từng yêu ai cho đến giây phút ấy, Linh yên tâm đón nhận sự xếp đặt của mẹ. Giờ đây, Bình ngồi đó, đẹp trai, cao lớn, với chiếc răng cời có duyên Linh đã thấy trên tấm hình, làm cho tâm hồn Linh rào rạt, mơ tưởng chuyện yêu đương. Bỗng Linh nghe tiếng mẹ gọi: “Linh, con ra chào bác và anh Bình rồi giúp mẹ thu dọn ấm tách trà nhé!” Chỉ đợi có thế, Linh vén vội mái tóc, dịu dàng bước ra cúi chào mẹ Bình và đảo mắt liếc nhanh về phía Bình. Đôi sóng mắt gặp nhau, người này cảm nhận ở người kia sự hài lòng dành cho nhau một cách hồn nhiên. Sáu tháng sau, Bình xin về phép đặc biệt để tổ chức lễ cưới với Linh. Cưới xong, Linh về nhà chồng một tuần lễ trước khi cả hai chuyển vào Nam. Hạnh phúc lứa đôi của họ chưa tròn năm, họ cũng chưa kịp có con đầu lòng thì biến cố tới, chồng Linh bị lính Pháp bắn chết khi chúng tái chiếm các tỉnh miền Nam năm 1946. Góa bụa giữa cảnh loạn ly, Linh vượt gian lao trở về quê với ý định ở với bố mẹ chồng cho phải đạo dâu con. Linh thuật lại cho cha mẹ chồng biết hoàn cảnh Bình bị lính Pháp giết và giải thích lý do tại sao Linh đã không tìm được xác chồng? Bố mẹ Bình quá đau khổ trước tin dữ, quên cả nỗi đau khổ không kém của riêng Linh. Ông bà thống trách con dâu lỗi đạo phu thê, nỡ bỏ chồng chết thảm, bơ vơ không có cả một mấm mồ. Phần phẫn uất và tuyệt vọng vì chồng chết, phần gia đình bố mẹ chồng thiếu thương yêu và hất hủi, Linh đành gạt nước mắt trở về nhà cha me ruột. Nhiều năm sau Linh gặp Hùng, người cùng làng. Thân phụ Hùng là giáo viên của chính phủ bảo hộ, được bổ dạy học tại một tỉnh xa nên mang theo cả gia đình.Ở làng, ít ai biết rõ nguồn cội xuất thân của Hùng, chỉ thỉnh thoảng thấy Hùng theo thân phụ về thăm quê. Lần cuối cùng là vào năm 1943. Hùng gặp Linh khi đó trong dáng dấp một cô gái vừa đến tuổi dậy thì. Khi ra đi, Hùng mang theo hình ảnh của Linh, lòng thầm mong sẽ có một ngày trở về. Thế nhưng Hùng đi biền biệt. Lấy xong bằng cử nhân, Hùng thi tham vụ ngoại giao, sau đó được biệt phái làm việc cho Ủy ban Văn hóa Liên hiệp quốc tại Sài gòn. Hùng chỉ gặp lại Linh năm 1954 tại Huế, khi về nghiên cứu kế hoạch trùng tu Đại nội trong chương trình phục hồi di tích văn hóa thế giới của Liên hiệp quốc. Tình bạn, rồi tình yêu đến dễ dàng giữa hai người. Năm sau, lễ cưới của hai người được tổ chức đơn giản tại Huế. Hùng không biết Linh đã qua một đời chồng. Phần Linh cũng không có ý định giấu. Linh từng dự tính cho Hùng biết tâm sự của mình trước khi cưới nhau nhưng tiếc thay, cơ hội đó không bao giờ tới. Sau khi ổn định tại Thụy Sĩ, Linh sống hạnh phúc với Hùng và các con, quên dần quá khứ. Ý muốn kể sự thật với chồng lần hồi tan biến. Nhiều đêm trở mình thức giấc, nằm bên chồng, Linh có cảm tưởng như mình thiếu trong trắng, nhưng khi muốn nói với chồng Linh lại sợ làm mất sự yên tĩnh của gia đình Lần này về quê, ở lâu, ý muốn nhìn lại ngôi nhà cũ - nơi bà đã chung sống với Bình và đã đau khổ, buồn giận bố mẹ chồng mà bỏ đi - trở lại thôi thúc bà mãnh liệt. Thế nhưng bà vẫn còn do dự. Bà tự hỏi: “Thăm làm gì và còn gì để thăm?” Trong thâm tâm, bà sợ khơi lại đống tro tàn dĩ vãng. Tuy nhiên, sau cùng, ý bà đã quyết. Chiều hôm qua, ra vườn chơi với Thúy đang chăm chút mấy luống rau, vừa lúc mặt trời đang xuống, bầu trời sáng rực, nắng vàng chiếu hắt lên, xuyên qua một vầng mây trắng lớn, làm nổi bật giữa khoảng không bóng một đàn chim đang xoãi cánh nhịp nhàng bay về phía chân trời. Bức tranh thiên nhiên vô tình gợi lại hình ảnh bà thường thấy khi còn sống với Bình. Ngày xa xôi ấy, mỗi chiều cơm nước xong, bà và Bình thường mang ghế ra ngồi trước sân nhà nhìn mặt trời lặn và nhìn những đàn chim vội vã bay về tổ, mang trên cánh những mảnh hoàng hôn lấp lánh. Mùa thu, Bình vừa thích dõi theo lũ chim di động vừa hát đủ cho bà Linh nghe: “...Đến nay thu tàn, phương xa kìa chiếc én bay về. Khuất trong mây ngàn, riêng ta nhìn đâu thấy bóng quê...” Thanh âm tiếng hát của Bình như còn văng vẳng đâu đây, Linh bỗng thấy nhớ Bình tha thiết, nhớ khoảng thời gian đã cho bà vui hưởng mộng đẹp thuở đầu đời của người vợ trẻ sung sướng bên chồng. Tắm mát xong, bà Linh trang điểm qua loa, chọn mặc chiếc áo mầu hoa cà là mầu Bình thích nhất rồi ra đi. Băng qua mấy con đường làng quen thuộc dẫn về phía bờ sông Hương, bà thấy khung cảnh lạ dần, cây cối không còn um tùm như trước mà nhường chỗ cho nhiều ngôi nhà mới mọc chen chúc nhau, mái tranh xen lẫn mái ngói. Đến một cánh đồng nhỏ, mùa này lúa chưa trổ bông, bà Linh thấy trải ra trước mắt mình con đường tỉnh lộ chạy sát mé sông. Một kiệt nhỏ rẽ ngang từ tỉnh lộ dẫn đến nhà Bình. Bà Linh sẽ không chắc mình vào đúng lối nếu ở đầu cái kiệt nhỏ không có chiếc miếu thành hoàng nay bỏ hoang. Thời gian ngắn ngủi ở với Bình, mỗi lần về nhà thăm mẹ trở lại, bà Linh đã lấy ngôi miếu làm chuẩn để nhận ra đường. Bà cảm thấy bồn chồn. Gần năm mươi năm bà mới đặt bước trở lại con đường nhỏ này. Cũng gần 50 năm, bà không giữ quan hệ nào với gia đình Bình. Bố mẹ Bình chắc không còn, nhưng còn ba đứa em của Bình? Hai người một trai một gái suýt soát tuổi bà và chú em út tên Văn, hồi đó chừng 12 tuổi, chưa biết gì và là người duy nhất trong gia đình có cảm tình với bà. Nhiều khi thấy bà ngồi khóc một mình, chú bé Văn đến bên cạnh ngây thơ hỏi: “Sao chị khóc?” rồi hôn lên má chị trước khi bẽn lẽn chạy đi. Đường kiệt nhỏ đầy con nít, chỗ này mấy đứa đánh bi cãi nhau chí chóe, chỗ kia mấy đứa tụ lại bên cạnh một quán nhỏ, ồn ào mua bánh kẹo. Vài đứa lớn ngẩng nhìn bà Linh, có vẻ đắc ý nhận diện được người khách lạ. Bà nghe chúng thì thào kháo nhau: “Việt kiều tụi bây ơi!” Bà mỉm cười. Danh hiệu Việt kiều từng mang đến cho bà niềm vui cũng như nỗi buồn. Vui khi được cưng chiều vì Việt kiều đồng nghĩa với khả năng chi tiêu rộng rãi; buồn khi bị đối đãi như một người khách lạ ngay trên chính quê hương mình. Bà Linh cảm thấy lạc lõng với tâm cảnh một người mất mát cội nguồn. Mặt trời lên đã khá cao và độ ẩm làm khí trời nóng bức. Làn gió nhẹ thoảng lên từ giòng sông Hương im lìm không làm cho bà Linh cảm thấy mát. Bà rảo bước để xua đuổi mấy ý nghĩ bực mình. Dưới ánh nắng trưa, ngôi nhà ngày xưa hiện rõ trong tầm mắt. Bà Linh lấy chiếc nón đang đội xuống, khoác vào cánh tay để quan sát ngôi nhà cho rõ hơn. Ngôi nhà mái ngói trông khô khan, tường quét vôi trắng, nằm gọn giữa khu vườn rộng nay không còn nhiều cây ăn trái như xưa, mấy luống khoai mì lá úa vàng, thân thể khẳng khiu vì thiếu nước. Trong nhà, vẳng lên tiếng một phụ nữ đang mắng con, bà biết ngôi nhà đã đổi chủ. Lòng bà bỗng dưng tẻ lạnh. Quá khứ chôn chặt năm mươi năm, cho dù chỉ muốn khơi lại một lần, một chút, cũng không còn gì. Tất cả đã vùi chôn dưới tro than dĩ vãng, ngay cả con đường này, ngôi nhà đó, nơi bà đã sống những ngày hạnh phúc với chồng. Tất cả đều xa lạ, trong một quá khứ đã chết. Bà Linh thấy chơi vơi trong nỗi trống trải khôn cùng. Nuốt vội mấy giọt nước mắt nghẹn ngào trong cuống họng, bà đội lại chiếc nón lá lên đầu rồi lầm lũi bước nhanh, rẽ vào lối khác trở về. Ngồi trên máy bay trở lại Thụy Sĩ, bà Linh thấy lòng bớt nặng nề. Lời hướng dẫn an toàn của nữ tiếp viên phi hành, tiếng động cơ của máy bay cất cánh trên phi đạo không lọt vào tai bà, đem theo cảm giác lo âu như những chuyến bay trước. Bà tìm được sự bình an cho tâm hồn sau giây phút xúc động mãnh liệt chạm mặt với những kỷ niệm xưa. Bà tìm cách lấp một khoảng trống để chỉ thấy một khoảng trống khác hiện ra, nhưng ít nhất, bà đã trở về thăm nơi chốn đó. Máy bay hạ thấp cao độ. Qua cửa sổ thân tàu, cảnh vật quen thuộc bên dưới hiện dần ra. Bà vui mừng xiết lại dây an toàn, sửa thẳng lại lưng ghế, sung sướng sắp được gặp lại Hùng và các con. Phi trường Geneve nhiều hành khách ngoại giao, chỉ thua Nữu Ước, rộn rịp như thường lệ. Nhân viên quan thuế và di trú làm việc nhanh chóng và lễ độ. Đi lẫn với đoàn hành khách đáp cùng chuyến bay, bà Linh làm thủ tục quan thuế và nhập cảnh xong, vội vàng bước ra ngoài. Nhận ra nét mặt rạng rỡ của mẹ, cô gái út vừa đỡ hành lý cho mẹ vừa tíu tít: “Mẹ! Mẹ về quê ngoại chuyến này lâu, vui lắm hả mẹ?” Hùng ngắm vợ, cười bằng ánh mắt vui tươi và phụ họa: “Con nói đúng, bố thấy mẹ gầy đi chút ít nhưng khuôn mặt mẹ thật bình an, như người vừa đắc đạo.” Quay sang vợ, ông âu yếm hôn lên má bà và trêu: “Mấy kỳ trước, sau mỗi lần thăm nhà trở về, anh thấy em buồn như luyến tiếc một cái gì muốn mang theo chẳng được, đành bỏ lại. Em nghiên cứu giáo lý nhà Phật và tập thiền định đã có kết quả đấy.” Bà Linh mỉm cười ngượng ngùng, pha lẫn chút hãnh diện. Một buổi sáng đi chợ về, bà Linh thấy chiếc phong bì đóng dấu bưu điện Việt Nam gởi cho bà từ Đà Lạt. Bà dự cảm một điều gì lại đang xảy tới, làm xáo trộn đời bà? Vừa bóc thư, bà vừa lục tìm trí nhớ xem còn bạn bè nào ở Đà Lạt? Không. Bà không còn ai thân thích ở Đà Lạt. Bà Linh nín thở đọc lá thư, sắc mặt biến từ ngạc nhiên đến xúc động. Đọc xong, không kềm chế nổi mình, bà đặt lá thư xuống bàn và ôm mặt khóc nức nở. Vừa lúc đó, Hùng đi chơi quần vợt về. Thấy vợ khóc, phong thư còn mở bên cạnh, Hùng thoạt nghĩ chắc có chuyện chẳng lành trong gia đình vợ ở Việt Nam. Nhưng Hùng không tin. Ông biết vợ là người giỏi chịu đựng và quen tự chế cảm xúc. Xưa nay dẫu buồn khổ gì, bà chỉ để thoáng lên nét mặt, chưa bao giờ khóc, ngay cả lần đứa con trai thứ nhì năm đó mới 8 tuổi, đi học về, bị xe cán, phải nằm phòng hồi sinh mấy ngày mới biết thoát chết, bà cũng chỉ cắn răng chịu đựng chứ không khóc. Hùng yên lặng đến ngồi cạnh vợ, âu yếm đặt nhẹ bàn tay lên vai bà, đôi mắt nhìn hỏi han mà không nói, sẵn sàng chia sẻ thống khổ với bà. Bà Linh ngừng khóc, cầm lá thư đưa cho Hùng, nhẹ nhàng bảo chồng: “Anh đọc đi.” Hồi hộp, Hùng mở bức thư: Tôi xin giới thiệu ngay để chị khỏi ngỡ ngàng. Tôi là Nguyễn Văn Giang, em của anh Nguyễn Văn Bình ở Kim Long. Chắc chị chưa quên người chồng bất hạnh chỉ được hạnh phúc sống bên chị một năm rồi tức tưởi qua đời trong chiến tranh? Bốn mươi tám năm nay, từ hồi anh tôi bị lính Pháp bắn chết rồi quăng xác xuống sông như lời chị thuật lại, ba má tôi vì quá đau khổ, đã không biết phải đối xử với chị như thế nào cho đúng, khiến chị buồn lòng phải quay về ở cùng hai bác. Một phần vì chiến tranh tiếp diễn, một phần vì chúng tôi còn nhỏ, không ai nghĩ đến việc tìm xác anh tôi xem đã trôi dạt phương nào? Hơn nữa, chỉ có chị là người duy nhất biết rõ những chi tiết cuối cùng trước khi anh tôi qua đời, thì từ đó đến nay gần 50 năm, chúng tôi bặt tin chị. Do hoàn cảnh của một đất nước bị chiến tranh xâu xé, hòan cảnh cá nhân thay đổi, gia đình bọn em và chị mất liên lạc với nhau. Cách đây mấy năm, tại Việt Nam có phong trào truy tầm tử sĩ bỏ mình trong chiến tranh. Tôi vào Nam lên Bến Cát hỏi thăm, sau đó liền về Huế hỏi thăm tin chị. Chị có còn nhớ chú Văn hồi đó 12 tuổi, thương chị nhất nhà không? Thỉnh thoảng chú vẫn hỏi tôi về chị? Ở Huế, tôi được biết chị vừa về thăm quê và ở chơi gần sáu tháng mới trở lại Thụy Sĩ. Cô An, bạn chị, cho tôi địa chỉ của chị. Vậy, vì tình cũ nghĩa xưa với người chồng đã khuất, xin chị vui lòng cho tôi biết thật đầy đủ những gì chị còn nhớ về những ngày biến động kinh hoàng năm 1946 ấy, may ra tôi truy tìm và nhân diện được xương cốt của anh tôi. Biết đâu có ai đó giúp gói ghém, chôn cất, hoặc vùi lấp tại một nghĩa trang tử sĩ nào chăng? Hiện nay, tỉnh nào cũng có nghĩa trang liệt sĩ dành cho những người đã bỏ mình trong cuộc kháng chiến chống Pháp giành độc lập. Tại nghĩa trang liệt sĩ Bến Cát, có một ngôi mộ vô chủ, đề tên Nguyễn Văn Bạc. Tôi sẽ xin khai quật để xem có phải đó là mộ phần của anh tôi không sau khi có thêm được chi tiết chị cho để giúp kiểm chứng. Anh tôi có một chiếc răng cời. Năm anh về Huế cưới chị, nghe nói anh có ý định sẽ nhổ đi, nhưng tôi không biết anh có kịp đi nha sĩ trước khi lâm nạn không? Năm 1946, chị trở về Huế sau khi anh tôi qua đời. Nhớ lại, tôi rất tiếc ba má và chúng tôi đã đối đãi thiếu thông cảm với chị. Mới rồi, tôi lên Bến Cát, lên cầu Bến Củi, nhìn con sông Bến Lức cuồn cuộn chảy dưới cầu, vào làng Hòa Định nghe các cụ già kể lại chuyện Tây khủng bố trắng dân làng khi tái chiếm, bắn hằng loạt người đôi khi có cả phụ nữ, tôi biết chị không có cách nào khác hơn là chạy thoát lấy thân để về cho ba má tôi biết sự tình. Lúc này, có cơ hội để hiểu và thông cảm nỗi khổ tâm của chị thì ba má tôi đều đã trăm năm thiên cổ. Tôi rất mong thư chị hồi âm để chuẩn bị đi Bến Cát một lần nữa. Giang.” Đọc xong lá thư không hề chờ đợi, Hùng thấy tim đau nhói, người choáng váng. Ông cố trấn tĩnh, hiểu rằng nếu Linh đã không thể thổ lộ với ông sự thầm kín bí ẩn của đời nàng trước khi cưới nhau thì nàng sẽ càng không đủ can đảm bày tỏ khi đứa con đầu lòng ra đời và gia đình ngập tràn hạnh phúc. Hùng nhớ lại thời gian cả hai quấn quýt thân cận trước khi cưới, hơn một lần đang giữa lúc vui, bỗng nhiên Linh trở nên trang nghiêm và nói: “Anh Hùng, Linh có chuyện quan trọng cần nói với anh,” thì mười lần như một, lần nào Hùng cũng sợ làm mất giây phút thần tiên quí báu bên người tình kiều mị đang chiếm ngự hồn xác mình nên gạt đi: “Không có gì quan trọng hơn giây phút anh và em ở bên nhau.” Hồi tưởng lại chuyện cũ, Hùng chợt thấm ngấm nỗi đau của vợ, một mình lặng lẽ chôn chặt sầu muộn trong lòng suốt nửa thế kỷ qua, thật tội nghiệp cho bà quá! Ông bỗng thấy dấy lên trong lòng niềm thương cảm dành cho người vợ từng sống chan hòa bên ông với không một điều gì có thể chê trách. Thấy Linh im lặng chờ đợi, Hùng vội đáp để vợ bớt lo âu: “Anh biết anh đã không cho em cơ hội nói chuyện này với anh từ những ngày chưa cưới nhau. Lỗi tại anh. Bây giờ, vấn đề là chúng ta có nên cho các con biết không?” Linh buột miệng dứt khoát trước khi bà kịp nghĩ ngợi: “Không, không anh. Chúng ta không nên và cũng không có quyền làm như thế.” Vài hôm sau, Linh ngồi xuống, viết thư cho Giang: “Chú Giang, Thú thật với chú, chị hết sức ngạc nhiên và ngỡ ngàng lúc nhận được lá thư mang bưu ấn Đà Lạt, một nơi chị không còn ai trong vòng quen biết. Lục lọi ký ức, cũng không nhớ được ai là Nguyễn Văn Giang. Vội vàng đọc lướt mấy hàng chữ, đến hàng thứ nhì, mấy chữ Nguyễn Văn Bình làm chị quá xúc động. Cả một trời dĩ vãng máu lệ đau thương vụt sống lại trong trí óc chị, trải ra như cuốn phim truyện trường thiên buồn nhiều hơn vui, xuyên suốt thời gian gần nửa thế kỷ hòa trộn cùng lịch sử đất nước với quá nhiều biến động. Vì hoàn cảnh riêng, chị đã một mình ôm trọn, một mình khâm liệm tất cả trong tận cùng đáy lòng không thể thổ lộ với ai. Chị đọc đi đọc lại thư chú nhiều lần. Trước hết, chị cảm tạ chú và chú Văn đã nghĩ đến việc tìm kiếm hài cốt của anh Bình, người chồng ngỡ là trăm năm của chị, để mang về quê quán cho anh được gần mộ phần cha mẹ. Chị cũng cảm thấy lòng mình được bình thản hơn sau khi đọc đoạn thư chú cho biết các cô, các chú, sau chuyến đi Bến Cát, đến cầu Bến Củi, xuống tận xã Hòa Định, hỏi han các cụ già là nhân chứng còn sống sót qua những vụ người Pháp ruồng bố dân làng, sát hại những người theo kháng chiến, để hiểu rõ nguyên nhân cái chết bi thảm của anh Bình và thấu hiểu được hoàn cảnh nghiệt ngã nào đã không cho chị nấn ná ở lại tìm cho ra xác chồng trước khi trở về không có cả một vành khăn trắng trên đầu. Hồi tưởng lại năm xưa, khi chị cố nuốt lệ để trình bày về cái chết của anh Bình, cha mẹ và các cô chú đều không tin đó là sự thật mà ngờ rằng có một bí ẩn nào khuất lấp bên trong nên đã tìm cách xua đuổi người con dâu góa bụa với không một lời an ủi cho số phận không may của nó. Không còn lựa chọn nào khác hơn, chị đành ôm vết thương lòng trở về nhà bố mẹ. Như câu chuyện đã thuật lại với cha mẹ cách đây 48 năm, chị xin nhắc thêm các nét chính để chú dùng làm dữ kiện xác minh mồ mả của anh Bình. Chắc chú còn nhớ, anh Bình là nhân viên quản lý trại tù Ông Yệm, nơi giam giữ trẻ vị thành niên phạm pháp. Khi Việt Minh cướp chính quyền năm 1945, anh Bình và một số nhân viên làm việc cho chính quyền cách mạng. Qua các hoạt động của anh Bình, chị biết anh đã tham gia phong trào chống Pháp từ trước. Năm 1946, khi Pháp tái chiếm Nam bộ, anh Bình hướng dẫn một số nhân viên sở Ông Yệm, trong đó có anh giáo Trinh, tham gia các tổ du kích tiếp tục chống lại người Pháp. Anh Bình giả làm thường dân, sống như mọi gia đình khác tại một căn nhà cạnh bìa rừng để hoạt động. Cuộc sống nguy hiểm và đầy bất trắc vì quân Pháp bố ráp thường xuyên. Hơn một lần anh Bình bảo chị: “Em nên tìm cách về Sài Gòn, liên lạc với bà con bên ngoại của anh rồi liệu kiếm đường về Huế ở với cha mẹ một thời gian. Kháng chiến thành công, anh sẽ về đón em.” Tuy vậy, cứ ngày đêm lần lữa bên anh, quen dần với hiểm nguy, chị bịn rịn không rời anh được. Một buổi sáng trước rạng đông, một tiểu đội lính Pháp ập vào chòi lá anh chị đang ẩn náu, chĩa súng, nạt nộ, bắt anh dong tay, lục xét người anh và toan đánh đập anh ngay tại chỗ. Thấy anh nói tiếng Pháp lưu loát, chúng kiêng nể nên không dám thẳng tay hành hung anh. Khi bị chúng áp giải đi, anh mặc chiếc áo sơ mi trắng đã ngả màu, bên ngoài khoác cái áo len màu nâu do chính tay chị đan, quần sọt kaki vàng. Chiếc răng cời của anh mà chú nhắc trong thư vẫn còn nguyên. Hôm sau, chị bôi mặt mày, giả dạng bà già đi với chị Bảy, bạn cùng xóm, tìm đến đồn lính Pháp hỏi thăm tin tức anh. Họ cho anh và chị gặp mặt. Anh Bình khuyên chị trốn đi, vài hôm được thả, anh sẽ tìm chị. Nhưng chị quyết không đi đâu cả mà nương náu nhà anh chị giáo Trinh, mong đợi tin lành của anh. Bốn hôm sau, một buổi sáng chị và chị Trinh vào rừng kiếm củi trở về, vừa trông thấy chị, anh giáo Trinh bưng mặt khóc và nói: “Chị ơi! liên lạc vừa báo tin anh Bình đã bị chúng giết chết rồi. Chúng bắn anh trên cầu Bến Củi, trước mắt dân chúng để thị uy, xong đá xác anh xuống sông.” Chưa nghe hết câu, chị đã ngã lăn ra đất, bất tỉnh không biết bao lâu, nhờ vợ chồng anh giáo Trinh cứu chữa mới hồi lại. Sau đó, chị lên cơn sốt triền miên, thân thể, lòng dạ nóng như hơ lửa, đếm từng giờ khắc ngóng đợi tin từ liên lạc viên của tổ chức xem có tìm được xác anh không? Các cụ già nói xác trôi sông nhiều lắm ba ngày sẽ nổi lên. Thế nhưng chị chờ mãi mà không thấy âm hao gì. Chị nghe nói sông Bến Lức chảy về Thủ Dầu Một rồi ra sông lớn và ra biển. Không còn hy vọng nào tìm được xác anh để cho anh nấm mộ, chị cùng gia đình anh giáo Trinh tìm đường về Thủ Dầu Một và từ đây, chị về Sài Gòn. Có lẽ nhờ vong linh anh Bình phù trợ, chị may mắn tìm được gia đình anh Khánh, bà con xa bên ngoại của anh Bình. Chị bán mấy chiếc áo, thêm chút tiền giúp đỡ của anh chị Khánh, dùng làm lộ phí ra Vũng Tàu rồi từ đây, đáp tàu thủy ra Hải Phòng, sau đó, lấy tàu điện lên Hà nội rồi đi xe lửa về Huế. Chị không đủ giấy mực để có thể kể lại hết mọi gian truân của chuyến đi kéo dài ròng rã hai tháng này. Nhiều lúc, chị đã tưởng chừng không cách nào mang được xác về đến quê hương. Năm ấy, chị vừa 18 tuổi. Chị hy vọng với những gì chị ghi nhớ như trên và hồn thiêng của anh Bình sẽ giúp chú tìm được mộ phần của anh. Chị cầu nguyện và chờ thư chú.” Được thư Giang thông báo, năm sau, từ Los Angeles Văn đến Genève thăm gia đình chị Linh. Trở về, Văn viết cho anh: “Anh Giang, Nhân có việc đi Thụy Sĩ, em đến thăm chị Linh và gia đình. Như đã hẹn trước, chỉ có anh chị ở nhà đón tiếp em. Chị nhìn em bỡ ngỡ, không ngờ có ngày gặp lại chú bé em chồng năm xưa. Chị nấu bún bò Huế, anh Hùng tự tay mở rượu chát đỏ mời đãi em. Câu chuyện trao đổi thân tình, ấm áp, mặc dù đối với anh Hùng, em là người xa lạ, và đối với chị Linh, em là hiện thân của một quãng đời nhiều kỷ niệm đau buồn nhất của chị. Cả ba người đều cố không nhắc đến anh Bình tuy em biết không ai quên. Lúc em đến, chị Linh chào em ở một khoảng cách vừa đủ nhìn vào mắt nhau nhưng lúc tiễn em ra cửa, chị ôm em vào lòng, dấu vội mấy giọt nước mắt và nói nhỏ: “Chú giống anh Bình quá!” Chia tay nhau xong, anh chị như không muốn kéo dài giây phút lưu luyến nên chỉ đứng ở ngưỡng cửa nhìn theo em ra xe về.” Sau này, để tránh gợi lại nỗi thương tâm cho cả ba, mỗi lần đi Âu châu, Văn cầm lòng không đến thăm chị Linh nữa. Những dịp lễ lạc, Tết nhất, Văn cũng không gởi thiệp chúc mừng đến chị. Văn vẫn rất nhớ thương chị, nhưng anh biết chị cần phải quên đi để được sống bình an sau những năm tháng lao đao như chiếc bách giữa giòng bị sóng gió vùi dập. Thời gian vụt bay theo những tờ lịch mỏng gió cuốn đi. Một buổi chiều đầu tháng Tư năm 2012, mùa Xuân trở lại, mưa lất phất chợt đến chợt đi trên thành phố Los Angeles, Văn nhận được điện thư của cô con gái chị Linh, báo tin chị vừa tạ thế: Gia đình cháu rất thương tiếc báo tin đến bác, mẹ cháu vừa qua đời sáng hôm qua trong giấc ngủ bình an, thọ 86 tuổi. Người y tá vẫn đến nhà săn sóc mẹ cháu từ it lâu nay, khi kéo tấm màn cửa sổ phòng bà, biết rằng không phải thức bà dậy nữa. Cháu sẽ có thư báo tin đến bác ngày giờ và địa điểm cử hành tang lễ, xin bác góp lời cầu nguyện cho mẹ cháu. Lệ Quyên.” Cách Lệ Quyên xưng hô cho Văn hiểu rằng anh được xếp vào danh sách bằng hữu của cha mẹ cô chứ không phải một thân nhân trong gia quyến. Dẫu sao, anh cũng không ngờ “chị Linh của anh” thực sự đã không bao giờ muốn quên những gì anh thành tâm cầu mong chị quên được. Chị vẫn “giấu quanh dấu quẩn nỗi buồn một nơi” như ca từ một bản nhạc phổ thơ nổi tiếng của Từ Công Phụng. Địa chỉ điện thư của anh chị hỏi trong lần duy nhất anh đến thăm chị, đã được chị ghi lại kỹ lưỡng cùng với tên của anh cho lần cuối cùng này. Quả thật, “chị Linh của anh,” người phụ nữ Việt Nam can trường của một “thuở trời đất nổi cơn gió bụi,” đã sống để dạ, chết mang theo, cuộc tình không may với anh Bình của Văn. Viết lại tháng 4/2012
|