Ngày tôi còn là môt chàng trai mới lớn, ở cái “xứ” Việt Nam nhỏ bé trên bản đồ châu Á chưa có cái ngày đặc biệt gọi là ngày Valentine.
Ngày ấy khi “quen” nhau, tất cả 365 ngày trong năm đều có thể là ngày … yêu. Tôi tận dụng mọi chủng loại hoa cỏ bắt gặp trên đường đi học, đi chơi. Từ hoa dâm bụt, hoa mười giờ, hoa mắc cở, hoa … cứt lợn, đến các loại động vật dễ thương như mấy cô bướm nhiều màu sặc sỡ, chú chuồn chuồn ớt đỏ chót, ép khô dâng tặng nàng. Kể cả đom đóm, cào cào, châu chấu, con gì có thể tóm được là tôi không tha.
Tuy mối tình đầu của tôi biểu thị toàn bằng “cây nhà lá vườn” nhưng cũng tốn kém không ít, bởi mỗi lần muốn hẹn hò nàng ra cuối sân đình là phải có tí tiền còm để mua bánh kẹo . Nàng có con em út, mỗi lần ra khỏi nhà là phải “đeo” nó theo. Con nhỏ này miệng như cái loa kèn của tổng lãnh thiên thần Mi Ca E, khóc rất to và ăn rất nhanh, vừa ăn hết bánh là nó gào lên đòi về, nên tôi phải thủ bịch bánh bự chảng nếu muốn được đứng với nàng lâu lâu một tí. Tuy “đời thường” là vậy, nhưng thơ mộng lãng mạn, da diết nóng bỏng cho tới tận ngày nàng đi …lấy chồng. Vì trong khi tôi vẫn còn là một …”gã khờ ngọng ngịu đứng làm thơ” thì nàng đã đến tuổi “cập kê”, nên tôi đành ngậm ngùi đứng nhìn “con sáo sang sông”.
Ngày miền Nam đổi chủ, con trai tôi vừa tròn một tuổi. Thời còn ở trong quân ngũ tôi ít khi có dịp về phép thăm nhà. Hành quân liên miên vì chiến trường nóng bỏng, việc nhà lẫn nuôi dạy con giao phó hết cho vợ. Bây giờ không đi trận nữa thì phải đi …”học”. Tôi đi học (tập) mút mùa năm tháng không hẹn ngày về.
Vì tôi “đi” nhiều như thế nên rất tội nghiệp người vợ trẻ. Từ những ngày xưa yêu nhau, mỗi lần về phép tôi chẳng đem được cánh hoa rừng nào về tặng nàng, chỉ lẻo mép hát mấy câu để dụ khị dỗ dành:- Nếu em không là người yêu của lính. Ai thương nhớ em chiều rừng hành quân. Ai sẽ nhớ em đêm đông lạnh lùng và giữa chốn muôn trùng ai khắc tên em lên tay súng. Tôi tránh không hát câu “ Ai hái hoa rừng về tặng em” , sợ nàng vin vào đó mà đòi thì lấy đâu ra? Vì hoa rừng là loài hoa dại mong manh mau héo. Cũng có những giò phong lan đẹp quyến rũ man dại mọc trên vách đá cheo leo, hay bám trên ngọn cây cao vút, nhưng hành quân gian khổ, chứ đâu phải nhàn hạ thảnh thơi đi ngắm cảnh để hái hoa bắt bướm, nếu không muốn làm “người ở lại Charlie”. Có lần nàng ca cẩm: -Anh không lãng mạn tí nào! Chả bao giờ thấy anh tặng hoa … hoét gì cho em cả. Tôi cười cười rồi bất chợt hôn đại vào má nàng một cái, liến thoắng: -Xời ơi!...cần gì hoa mau héo em. Để anh nói mẹ mua hoa…tai làm sính lễ rồi “em theo anh đi về, về quê hương ta đó….” Nàng lườm yêu với đuôi mắt sắc lẻm: -Anh chỉ được cái dẻo miệng! Đã xa rồi cái thuở đi học trên đường làng, gặp cái gì bứt cái nấy tặng người yêu bé nhỏ dại khờ (khờ mới mừng rơn khi được cho mấy cái bông bụp). Lớn lên, với cái túi quá hẻo của lương lính, tôi không thể “dứt ruột” mua hoa tặng người yêu, vả lại tôi thấy cái màn tặng hoa này …cải lương quá. Thà là tặng nàng mấy vần thơ vắt ra từ “tim óc” (khiếp) hay đưa nàng đi ăn bún riêu bún ốc, ăn chè đậu xanh đậu đỏ bánh lọt mà củng cố tình yêu thực tế hơn. Từ ngày tôi đi “học”, em ở nhà bương chải vất vả nuôi mẹ, nuôi con và nuôi…tôi. Cuộc sống ngày càng khó khăn khắc nghiệt thì em ngày càng gầy gò khô héo hơn. Trong chiếc giỏ lát mỗi lần thăm nuôi, lủng củng mấy cái lon, mấy cái gói. Lon mắm ruốc kho xả, lon muối mè muối đậu, lon cá lòng tong kho khô quéo. Gói đường tán, gói cá khô, gói thuốc rê. Lần này có cả mấy trái quýt đường, gọi là “bồi dưỡng” thêm. Tôi ôm thằng con ngồi trong lòng, lột cho nó trái quýt. Nó ăn ngấu nghiến vội vã, ăn hết lại nhìn vào trong giỏ. Lột cho nó trái nữa, vợ ngăn lại: -Thôi anh để đem vào trong đó, lúc nào làm mệt quá thì ăn cho khỏe. Tôi nhìn con, thương ứa nước mắt: -Chắc cái gì em cũng để dành đưa vào cho anh, ở nhà không cho con? Vợ nuốt tiếng thở dài: -Ở nhà lúc nào thèm thì mua ăn, anh ở trong này thiếu thốn đủ thứ…
Tuy em nói vậy, nhưng tôi biết ở nhà rất cơ cực đói khát. Em dành dụm chắt chiu, để mỗi kỳ thăm nuôi có tiền mua “miếng ngon vật lạ” đem vào cho tôi. Ở nhà mẹ con … đi tu bất đắc dĩ, ăn chay trường kỳ với rau muống đậu hũ, tới nỗi thằng nhỏ xanh lớt như tàu lá, đầu cạo trọc láng giống “tiểu sư phụ” trên núi Thiếu lâm vì ghẻ tàu, vẫn thấy hình miếng đậu hũ in trên trán trắng bợt.
Mỗi khi đi “lao động” qua cánh rừng, tôi thấy cơ man nào là hoa dại, những nụ hoa be bé xinh xinh đủ màu sắc. Thương nhất là chùm hoa bằng lăng tím. Màu tím mang ý nghĩa thủy chung son sắt, ước gì tôi có thể hái chùm hoa này để dành tặng em…
Tôi đào một củ huệ rừng đem về trồng trong góc vườn rau, ngày ngày vun tưới. Cây nhú lên một cái ngó hoa xanh mướt. Huệ này không phải màu tím, kệ, màu gì cũng được. Tay cán bộ thấy tôi chăm chút cây hoa, không biết ý đồ của tôi, tưởng tôi trồng cho đẹp cảnh quan trại, lên tiếng khen: -Anh Tuấn … “tinh thần” nhỉ (???). Đào thêm vài củ “lữa” về … giồng cho đẹp, ngày ”nễ” sắp tới có hoa mà cắm. Tôi chửi thầm: Mẹ!...nễ…nát cái gì? Lấy hoa cứt lợn mà cắm. May quá, kỳ thăm nuôi sắp tới, ngó hoa chắc cũng vừa kịp lớn. Tôi sẽ ngắt ngọn hoa dấu vào túi áo, đem ra dấm dúi tặng vợ. Em sẽ xúc động rưng rưng, ngập lòng hạnh phúc, bù đắp chút tinh thần cho em thêm sức mạnh chèo chống gia đình thay cho trụ cột là tôi, “học” mãi không biết bao giờ mới “ra trường”.
Tôi nôn nao không ngủ được dù cả ngày “lao động” mệt nhọc. Ngày mai được thăm nuôi rồi. Em không bao giờ bỏ kỳ nào thăm tôi, dù nhà thiếu thốn trăm bề, chỉ vì thương nhớ nhau… Sáng sớm ra vườn đảo mắt một vòng không thấy ai, tôi ngắt vội ngọn hoa bỏ vào túi, hí hửng về phòng ngồi đợi. Nắng lên cao, từng tốp anh em được gọi tên thăm nuôi, ra rồi…vào, vui vẻ rộn rịp, “khoe khoang” rôm rả. Tôi nóng ruột, nhấp nha nhấp nhổm ngóng cổ giỏng tai, chăm chăm vào miệng tay cán bộ, hy vọng nhìn “khẩu hình” sẽ thấy tên trước khi âm thanh phát ra, thậm chí muốn chồm hẳn lên coi vào tờ giấy, xem có tên mình hay không? Có thể anh ta bị quáng gà “đột xuất”, bỏ xót tên tôi!?
Nắng chiều nhạt màu xiên qua kẽ lá, nhấp nhô trên đất. Tốp người được thăm cuối cùng đã trở về. Tôi tắt ngấm hy vọng, thẫn thờ. Bất giác bóp nghiến ngọn hoa trong túi áo. Em bệnh? Em không đủ tiền xe, tiền quà thăm tôi? Hay ở nhà có chuyện gì??? Lạy trời!...Đừng ai nói với tôi rằng em đã lấy…chồng cán bộ như trường hợp một vài anh em ở đây gặp phải.
Đi tù mười mấy năm trở về tôi như mán rừng xuống phố. Mọi thứ thay đổi lạ lẫm. Cả nước đang tiến lên “công nghiệp hóa, hiện đại hóa”, bộ mặt xã hội phồn vinh hào nhoáng nhờ “mở cửa” đón đầu tư của các nước giàu có văn minh. Với lại “giặc Mỹ” đã bỏ “cấm vận” nên người dân khấm khá hơn nhờ những giọt rơi rớt của tầng lớp tư bản đỏ. Phú quý sinh lễ nghĩa, ngày càng “mọc” ra nhiều lễ lạt bắt chước phương tây. Đình đám nhất là ngày Valentine rộn rang, quan trọng. Nhờ vậy đám dân nghèo kiếm chác thêm được chút thu nhập nhờ bán hoa hồng vào ngày này.
Vợ tôi cũng không bỏ lỡ cơ hội. Con gái mới sinh được năm tháng, em “vất” ở nhà cho tôi, cùng thằng con trai lớn lục đục dậy từ ba giờ sáng đi chợ hoa sỉ lấy hàng, rồi mẹ con chia nhau đi bán đến tối mới về. Vợ vừa hoan hỉ đếm tiền, vừa bô bô kể chuyện: -Anh biết không? Năm nay “đoàn quân” bán hoa đông lắm. Đến đâu mời cũng bị từ chối vì người ta mua rồi, ế nhệ! Nhưng em gặp hên, còn 12 bông đi mỏi cẳng chẳng ai mua, buồn quá đi về. Trên đường ngang qua trạm xe buýt thấy hai cô cậu đứng chờ xe, em mời cầu may, nghĩ bụng người đi xe buýt vậy chắc nghèo, dễ gì bán được. Ai ngờ cậu ta mua hết, cô gái ngăn lại. Nhưng anh chàng nói : “ 12 bông cho 12 tháng, nghĩa là tháng nào ngày nào cũng là ngày Valentine anh dành cho em”. Đó, anh thấy người ta … điệu ghê chưa, còn anh chẳng bao giờ tặng hoa gì cho em cả, chán!.... Tự nhiên bị vợ trách móc tôi đâm “oán” cái anh chàng chơi bốc, chửi thầm: “Mẹ…mày, điệu đi, rồi từ giờ đến cuối tháng cho mà “thổi kèn” rát cuống họng nghe con”. Tôi giả lả nịnh vợ: -Xời!...mua hoa cho lắm vào, nhưng chưa chắc đã là “người tình trăm năm” như anh và em. Chẳng phải anh mới tặng em một bông hoa đáng giá ngàn vàng đây sao? Con gái này mai mốt lớn lên, em mặc sức cắm hoa mỏi tay. Lại hứng trọn một “quả” lườm của vợ: -Anh lúc nào cũng dẻo…mép. Coi chừng thằng Tú nghe thấy nó nổi da gà. Nói vui vậy, nhưng lòng tôi xót như muối xát. Em đi chùn chân nứt gót, bán từng bông hoa, đem niềm vui hạnh phúc đến cho người khác, còn mình chẳng được tặng gì. Phụ nữ ai cũng muốn nghe lời ngọt ngào, muốn nhìn hành động bày tỏ lãng mạn mà tôi thì chưa bao giờ có dịp “phô trương” tình cảm như thế, dù tôi thương yêu em lắm lắm.
Mười mấy năm lao tù khổ sai, giờ được đồng minh ngày xưa tàn nhẫn bỏ rơi bù đắp cho một “xuất” đi Mỹ, đến một nơi “độc lập tự do” thật sự, không phải chỉ là khẩu hiệu hô hoán cho… sang. Những năm đầu ở xứ người, bao nhiêu điều khó khăn cần phải học phải làm, chúng tôi hội nhập thật vất vả. Vợ làm nail ngày 10 tiếng, thứ bảy chủ nhật và những ngày lễ càng không được nghỉ. Hai vợ chồng ít có dịp cùng ăn cơm chung, ít có thời gian chuyện trò lâu, nhưng không vì thế mà tình nghĩa của chúng tôi thay đổi. Vẫn êm ả, bình yên và … lặng lờ. Thỉnh thoảng vào những cuối tuần hay ngày lễ, gia đình cũng có thay đổi không khí, đưa nhau đi ăn tiệm. Vợ tôi với bản tính chắt chiu cố hữu, nàng chỉ “chuyên trị” Buffet. Theo lý luận của vợ, Buffet vừa ngon vừa rẻ. Vào yên vị chỗ ngồi là xách đĩa đi lấy thức ăn, ăn thoải mái những thứ mình thích và nhiều món khác nhau, mỗi thứ thử một chút, không phải chọn lựa khó khăn giữa một tờ thực đơn phong phú, rồi dài cổ ngồi đợi trong lúc bụng đói cồn cào, “thưởng thức” mùi thơm ngào ngạt của thức ăn bàn kế bên được dọn trước. Cha con tôi lúc nào cũng phải tuân lệnh.
Năm nay đúng 25 năm ngày tôi rước nàng về…nhà tôn (không phải dinh). Ngày kỷ niệm của chúng tôi lại ngẫu nhiên sát ngày Valentine. Một công hai chuyện. Tôi quyết liệt “tranh đấu” với vợ, đưa gia đình đi ăn ở một nhà hàng sang trọng, có đặt trước bánh kem, hoa, nến, tạo sự ngạc nhiên bất ngờ (ngày trọng đại mà lị). Tôi sẽ chứng tỏ cho nàng thấy tôi cũng hào hoa lãng mạn chẳng kém ai, chẳng qua thời thế “vùi dập” tâm hồn mà thôi.
Bước vào nhà hàng, đến nơi chiếc bàn đã đặt trước, tôi trịnh trọng kéo ghế cho vợ ngồi. Ra quầy nhận bó hồng nhung đặt trước, giấu sau lưng đi tới trước mặt nàng, bất ngờ hai tay dâng lên (chưa đủ can đảm quỳ) mồm lắp bắp nói mấy câu tiếng Anh mới học : I love you forever. Em mắc cở với hai đứa con, mặt đỏ lựng, nhưng chắc lòng xúc động lắm, khóe mắt rưng rưng. Thằng Tú con Hoa cười rúc rích phê bình: -Trời!...Love story của Daddy and mommy romantic hết cỡ. Tôi đắc chí nhìn nàng cười, ngụ ý: - Đó thấy chưa, anh cũng biết bày tỏ chứ bộ. Bữa ăn diễn ra vui vẻ đầm ấm. Lòng tôi phơi phới mãn nguyện, Tôi đã làm được một việc cho vợ vui, biểu lộ chút tình để bù đắp biết bao hy sinh của em cho tôi trong những ngày xưa khốn khó. Gần tàn tiệc vợ đứng lên đi restrooms, lúc trở lại chỗ, tôi lại nhanh nhẩu đứng lên gallant, kéo nghế cho nàng ngồi. Hỡi ôi!!!... chẳng may lúc vợ ngồi xuống, đúng là lúc tôi kéo cái ghế ra….. Tôi thật là có tướng phong … thấp chứ không phải phong độ. Có thể hào hùng chứ không thể hào hoa. Lần đầu tiên muốn tỏ chút gallant muộn màng với vợ lại làm ra một sự cố vô cùng đáng tiếc, biến buổi tối “rồ men tịch” thành rồ men…khùng. Vợ giận suốt một tuần và thề không bao giờ cho tôi có cơ hội … biểu diễn “ga lăng” lần nữa.
|