Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Các Tác Giả Nhận xét về: Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân

Nhận xét về: Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Đạt   
Thứ Hai, 02 Tháng 4 Năm 2012 05:31

 
Truyện thời chiến của Phạm Tín An Ninh; ông là nhà văn quân đội, cựu tù nhân chính trị, thuyền nhân  hiện  định cư tại Na Uy.

Để xem và nghe truyện, xin các bạn bấm vào hình

      Tôi có được đọc một vài truyện ngắn và tùy bút của Phạm Tín An Ninh đăng trên các diễn đàn và báo Việt ngữ hải ngoại. Rừng khóc Giữa Mùa Xuân có lẽ là  tác phẩm mới viết, tôi được đọc trong dịp Tết trên tờ báo xuân tại Texas.
 
      Phạm Tín An Ninh viết truyện này theo lời kể của một nhân chứng, một người vợ lính về cuộc di tản kinh hoàng trên đường số 7 từ Pleiku xuống Tuy Hoà giữa tháng 3-1975 trong kế hoạch triệt thoái Cao Nguyên,  con đường này đã được ký giả chiến trường Phạm Huấn mệnh danh là một “hành lang máu”. Phạm Tín An Ninh bằng lời văn chân thực, cảm động  đã làm sống lại một thời chinh chiến đã qua, những ngày tàn của cuộc chiến tại miền Nam Việt Nam giai đoạn cuối với những hình ảnh đau thương gian khổ của quân dân ta, những người lính chiến can đảm, lưng cõng con,  tay cầm súng  chiến  đấu chống quân thù, tìm sự sống trong cái chết cùng nhiều  giai thoại thương tâm  đầy nước mắt..
 
      “Nhân vật chính xuất thân một cô gái xinh đẹp đất thần kinh, gia đình rời về Nha Trang, lấy chồng lính chiến năm 1968,  nhà chồng khá giả, mấy  năm sau sinh đứa con trai đầu lòng tại Pleiku, đặt tên Cao Nguyên, hai năm sau đó lại sinh con gái đặt tên Thùy Dương để nhớ Nha Trang nơi hai người đã có nhiều kỷ niệm đẹp
 
     Giữa tháng 3-1975, Pleiku, Kontum được lệnh di tản giữa mùa xuân, chị và chồng bồng bế con cái theo đoàn xe về Tuy Hoà qua đường tỉnh lộ 7, tới hậu Bổn bị Việt Cộng pháo kích bao vây rất ngặt, máy bay ta lại ném bom nhầm khiến nhiều người chết oan. Di chuyển tới Phú Túc bị địch tấn công dữ dội, đoàn xe bất động, mọi người bỏ xe đi bộ về Củng Sơn, người chồng lấy võng làm gùi cõng con trai 4 tuổi sau lưng, vợ bồng con gái, Việt cộng pháo kích dữ dội, mạnh ai nấy chạy. Lệnh thượng cấp từ trên trời ban xuống “ đạp lên mà đi”.
 
     Người chồng lưng cõng con, tay cầm súng điều động binh sĩ chiến đấu, Việt Cộng tấn công, Biệt động quân  xung phong sát Cộng…khi ấy chị vợ lạc chồng và Lê cao Nguyên trên lưng anh nhằm ngày 19-3-1975. Những người lính  biệt động quân chiến đấu tới cùng rồi tự sát chết với địch. Sau đó đoàn người gồm lính và gia đình binh sĩ bị Việt Cộng bắt hết, chị ta cùng con gái Thùy Dương về được Nha Trang khi đã bị địch chiếm đóng.
 
     Hơn một tuần sau chị nhờ cậu em  chở xe Honda lên đường số 7, vào hỏi thăm các trại tù tìm chồng con nhưng biệt vô âm tín, chị gặp anh đại  đội phó được biết chồng chị bị thương nhưng cố lết đưa Lê Cao Nguyên đến nơi có dân cư. Chị bèn thuê năm người Thượng đi tìm chồng tại nơi hai người còn gặp nhau lần cuối nhưng cũng chẳng thấy tăm hơi gì, chỉ thấy toàn những cảnh tượng hoang tàn ngổn ngang xe cộ bị đốt cháy, những bộ xương người vương vãi đó đây, những nấm mộ bị lấp vội bên đường , cả một vùng xông mùi tử khí….
 
     Hàng năm tới ngày 19-3 chị cùng con gái Thuỳ Dương trở lại Phú Bổn tìm đến chân đồi nơi hai người còn gặp nhau lần cuối để thắp hương tưởng niệm chồng con đã mất tại nơi đây, mười năm sau, tháng 5-1985 chị vượt biên được tầu Na Uy vớt vào định cư tại xứ sở vùng Bắc cực này.
 
      Hai mươi năm sau Thùy Dương lấy chồng, chị đưa con về Nha Trang thăm gia đình, rồi thuê xe trở lai Cao Nguyên vào giữ mùa xuân đến nơi trước đây chị còn gặp chồng và Lê cao Nguyên lần chót, lần này có bà  giúp việc hồi xưa cùng đi theo. Nơi đây không còn dấu tích gì của chiến tranh . Chị thuê nhà trọ cho cả nhà, hôm sau ra chợ mua gà để làm thịt cúng chồng con. Chị gặp một anh bán gà người Thượng tên Tlang, anh ta nói tiếng Việt không rành có vết sẹo trên cánh tay y như con trai Lê Cao Nguyên ngày xưa bị thương nhẹ trong một trận pháo kích, chị ngạc nhiên hơn khi thấy trên hai vành tai của anh ta cũng có hai lỗ tai nhỏ như Lê Cao Nguyên bèn gọi bà  người làm lại hỏi, bà  này bảo chắc là hắn.
 
      Bà chủ nhà tử tế đã nhờ người công an khu vực làm thông ngôn và đưa tới tận nhà cha mẹ anh Tlang, sau một thời gian vặn hỏi bà chủ cho biết hồi tháng 3-1975, tai nơi đây diễn ra trận chiến ác liệt , một ông lính rằn ri bị thương lưng cõng đứa trẻ cố lết vào dưới nhà sàn rồi chết, vợ chồng bà đã chôn ông lính dưới một gốc cây gần đây rồi nuôi dưỡng đưa trẻ lên bốn tuổi nay là Tlang… Đứa trẻ ấy chính là Cao Nguyên nay đã một vợ hai con .
 
       Sau mấy chục năm xa cách chị đã tìm lại được đứa con nhưng trớ trêu thay, nó đã trở thành người Thượng, là người của núi rừng với cái tên định mệnh Cao Nguyên mà vợ chồng chị đã đạt cho nó hồi mới sinh , Tlang từ chối trở về đồng bằng vì đã là người của núi rừng, chị làm cho con một căn nhà sàn và từ bỏ ý định cải táng chồng về Nha Trang vì muốn ông ở lại với đứa con trai ..”
 
      Rừng Khóc Giữa Mùa Xuân chỉ là một truyện ngắn do người nhân chứng, nạn nhân của cuộc chiến tranh tàn nhẫn kể lại bằng một ít trang giấy đơn sơ chân thực nhưng cũng quá đủ để diễn tả lại trang sử đầy máu và nước mắt của một thời chinh chiến đã qua.
 
    Người thiếu phụ trở lại cao nguyên khi về thăm quê hương , chiến tranh đã chấm dứt từ mấy chục năm qua, con đường số  7 cùng với cuộc di tản đẫm máu kinh hoàng ngày nào nay đã được tái thiết, tráng nhựa đổi  tên thành Quốc Lộ 25. Chiến tranh đã chấm dứt nhưng vết thương vẫn còn để lại với những mối  dây oan nghiệt không  cùng, di sản mà cuộc chiến để lại như không bao giờ dứt. Chị đã tìm được đứa  con trai thất lạc trong cơn khói lửa nhưng nó đã trở thành người của núi rừng, chẳng khác nào có cũng như không, còn cũng như mất.
 
      Hình ảnh người đàn bà đã bao lần vạn lý tầm phu  trong cơn tuyệt vọng khiến chúng ta thấy như sống lại cả một thời nho phong xa xưa với những người vợ thủ tiết thờ chồng, thủy chung như nhất. Mấy chục năm trôi qua, người vợ đã thể hiện được  lòng chung thuỷ đời đời của tình nghĩa vợ chồng theo đúng luân lý cổ truyền của người phụ nữ Việt nam khiến cho ta thấy như sống lại cả một nền văn minh tinh thần cao đẹp  xa xưa mà nay chỉ còn lại cái tiếng vang.
 
       Sau khi chiến tranh chấm dứt , chị nói.
        “ Ngày 19-3 là ngày giỗ của hai cha con.
      Hàng năm, cứ đến ngày này, tôi và Thùy Dương đều trở lại Phú Bổn , tìm đến chân đồi , dưới gốc cây nằm giữa đỉnh đồi, mà đêm cuối cùng chồng tôi ôm tôi vào lòng, thấp hương tưởng niệm anh và cháu Cao Nguyên. Tôi đã dùng dao khắc đậm tên anh và cháu Cao Nguyên vào thân cây. Lần nào khi nước mắt ràn rụa, trong tiếng gió rừng, tôi mơ hồ như có tiếng khóc từ gốc cây này, rồi văng vẳng bao nhiêu tiếng khóc từ những thân cây khác, từ những khúc gỗ nằm vương vãi do bom đạn hôm nào, tạo thành những âm thanh não nùng xé ruột”
 
       Rồi mấy chục năm sau khi chiến tranh đã hoàn toàn chấm dứt, không còn thấy vết  tích gì của một thời chinh chiến đã qua nhưng tiếng khóc than não nùng của rừng cây chẳng khác nào hồn tử sĩ trước những đợt gió ù ù thổi, những tiếng khóc than ai oán của ngàn, vạn sinh linh đã bỏ thây trên con đường tỉnh lộ đẫm máu  mấy chục năm về trước .
       “Tôi nghĩ tình mẫu tử thật thiêng liêng nhưng có lẽ ông Trời đã phạt tôi. Tôi sinh ra Cao Nguyên nhưng không bảo vệ được con mình, để mất nó trong núi rừng này từ ngày nó lên bốn tuổi. 
     Tôi rời khỏi Cheo Reo, chạy ngược về cầu sông Ba theo tỉnh lộ 7 ngày xưa, mang theo trong lòng  nỗi đau đứt ruột. Đang giữa mùa xuân nhưng cả bầu trời nhuộm mầu ảm đạm. Nhìn núi rừng hai bên đường , trong ràn rụa nước mắt, tôi mơ hồ như cây lá không còn nữa, mà tất cả đều mang hình dáng của những bộ xương người nối tiếp nhau trùng điệp. Tai tôi nghe trăm ngàn tiếng khóc quyện vào trong gió. Không biết đó là tiếng khóc của người hay tiếng khóc của cây.”