Tôi Chỉ Là Đàn Bà |
Tác Giả: Nghi Bình | |||
Thứ Năm, 27 Tháng 9 Năm 2012 20:55 | |||
Hai năm quen biết trôi qua, một chiều mùa đông, Nick tỏ tình với tôi. Tôi thật sự bất ngờ vì tôi không bao giờ nghĩ tới tình yêu giữa tôi và người đàn ông khác… 1. - Mày đi với tao, anh tao đang chờ trong phi trường, biết đâu anh tao biết tin của Quang. Vài ánh mắt nhìn tôi bực dọc, tôi sợ hãi bóp chặt bàn tay Quyên, nép vào người Quyên rồi không ai bảo ai, hai đứa cùng rơi nước mắt… Có lẽ chiều nay mẹ tôi sẽ lo lắng đi tìm tôi khắp nơi trong thành phố đang lên cơn sốt cao độ ấy và khi tìm không thấy tôi, mẹ sẽ ra sao? Thốt nhiên tôi thấy ruột mình quặn đau, người ta bảo "mẹ con liền khúc ruột", biết đâu mẹ vừa linh cảm sự mất mát của mình khi ruột tôi quặn đau? Và còn Quang, không biết anh còn sống hay đã chết ? Tôi nôn nao nhớ lại những câu chuyện thê lương do những người tị nạn vào thành phố kể lại. Nếu như Quang đã chết rồi thì sao? Bom đạn không biết tự chủ, còn người sử dụng chúng nếu không mất nhân tính để bảo vệ thứ lý tưởng vô lý nào đó thì cũng vì bảo vệ mạng sống mình và đồng đội. Tôi bất chợt nhắm nghiền mắt đau đớn nghĩ đến Quang có thể đã gục ngã nơi rừng cao núi thẳm hay ở thành phố xa lạ nào đó tôi chưa hề đặt chân đến; hoặc tệ hơn, biết đâu "bọn họ" đã bắt Quang và như thế sống còn khổ hơn đã chết. Tôi kêu trời trong bụng, nhớ mẹ, nhớ Quang nhưng tôi như người đã phóng lao phải theo lao, không còn cách gì có thể quay lại được nữa và tôi không biết được những gì đang chờ đợi tôi phía trước, chỉ biết rằng phía sau tôi mịt mờ khói đạn, ly tán, kẻ lấn người chen để có thể rời khỏi mảnh đất quê nhà nơi chôn nhau cắt rún. Tôi thốt nhiên òa khóc thật to cho mình, cho mẹ, cho Quang và cho mọi người đang thất thần nhốn nháo quanh tôi… Tôi định cư ở vùng Đông Bắc Hoa Kỳ. Maryland là tiểu bang hiền hòa. Ngoài những ngày lạnh nhiều hơn những ngày ấm trong năm, tôi tìm được sự bình an ở nơi nàỵ Như bao người tị nạn khác, tôi chăm chỉ làm việc và sau đó trở lại trường, vạch cho mình một hướng đi nhất định. Những ngày xoay xở cô đơn đã khiến tôi trưởng thành hơn, suy nghĩ kỹ càng hơn trước khi quyết định bất cứ sự việc gì. Cũng may, hai anh em của Quyên ở tiểu bang sát bên cạnh nên thỉnh thoảng chúng tôi vẫn gặp được nhau. Với tôi, anh em Quyên là "người thân" duy nhất ở xứ sở này và chừng như với họ, tôi cũng là "người thân duy nhất”. Tôi đã liên lạc được về nhà, lá thư đầu tiên mẹ cho biết vẫn chưa tìm được Quang: "Có người nói chính mắt thấy nó ngã xuống giữa bom đạn và đồng đội, có người lại nói thấy nó đi trình diện học tập cải tạo. Như con đã biết, mẹ rất thương thằng Quang nhưng con gái chỉ có một thời, con đã lớn lại sống một mình bên ấy, mẹ thật sự không an tâm. Đôi khi không tin vào định mệnh cũng không được con ạ, có duyên phận với nhau mới nên được vợ chồng...". Hầu như lá thư nào của mẹ cũng có những câu tương tự như vậy về vấn đề tình cảm của tôi. Mẹ đâu biết rằng có lúc tôi "đầu tắt mặt tối" với học hành và công việc. Đôi khi nghĩ tới Quang, lòng tôi vẫn thắt chặt cơn đau và từ trong sâu thẳm lương tâm, tôi bối rối tự trách tôi quá ích kỷ nhưng khi đối diện với hiện tại, tôi lại đâm ra phân vân không còn hiểu được chính mình, chỉ biết rằng thời gian không bao giờ ngừng lại và tôi như người trượt trên dòng thời gian ấy để đi tới mãi. Có lúc quên mất tôi chỉ là một người đàn bà vô cùng đơn độc, người đàn bà trong thể xác đứa con gái 22 tuổi tự bảo vệ chính mình bằng cách tạo cho mình tấm áo choàng bằng gai nhọn để những ai đối diện với tôi sẽ không cho rằng tôi yếu đuối quá. Tấm áo ấy khiến tôi thành công không ít và đôi khi cũng khiến tôi vô cùng xót xa, nhất là những đêm nhớ nhà, nhớ Quang da diết... 2. Những năm đầu tị nạn, tôi rất chật vật vì ngôn ngữ, do đó tôi cố gắng thu xếp để đi học lại. Thời đó, thư viện trở thành nơi tạm trú thường xuyên của tôi và tôi không ngờ tình duyên của tôi bắt đầu từ nơi này. Khi đó Nick đang chuẩn bị cho luận án Tiến Sĩ. Nick đi làm đã nhiều năm, có nhà cửa đàng hoàng nhưng Nick cho biết Nick thích khung cảnh ở thư viện vì khung cảnh này gợi nhớ tới thời còn là sinh viên nghèo mạt nhưng… vui. Chúng tôi quen nhau nhờ một bài luận văn tôi phải viết lại sau khi lãnh con "F" to tướng của bà giáo. Thật nản lòng, tôi ngồi bó gối trên ghế nhìn qua khung cửa, không biết Nick đang tò mò nhìn tôi từ bàn bên cạnh. Vài phút sau đó và mãi tới sau này, Nick trở thành "thày giáo ESL" của tôi. Nick rất kiên nhẫn với mớ chữ nghĩa tiếng Mỹ ít ỏi của tôi nhưng chúng tôi lại từ từ trở thành bạn thân và nơi gặp gỡ vẫn là góc bàn trong thư viện quen thuộc. Hai năm quen biết trôi qua, một chiều mùa đông, Nick tỏ tình với tôi. Tôi thật sự bất ngờ vì tôi không bao giờ nghĩ tới tình yêu giữa tôi và người đàn ông khác… chủng tộc. Nick nhìn nét mặt tôi, khẽ hỏi: Hôn lễ của chúng tôi vô cùng đơn giản. Hai anh em Quyên đại diện nhà gái. Nick là con duy nhất, bố mất, mẹ đã già nên đám cưới của chúng tôi chỉ trong vòng bạn bè thân mật. Nhìn Nick lồng nhẫn cưới vào ngón tay tôi, nửa phần lý trí bảo rằng tôi sẽ rất bình an với mối tình của Nick, nửa kia lại ngần ngừ với những suy nghĩ rối ren, mâu thuẫn. Tôi vốn luôn có một câu hỏi cho những người con lai, đó là làm sao họ xác định được đâu mới thật sự là quê hương của họ. Nhận lời lấy Nick, con cái của chúng tôi rồi sẽ có lúc bối rối để tìm câu trả lời cho chính xác "đâu là quê hương". Tôi là người con gái mang hai dòng máu Bắc, Nam. Tôi đã từng không biết trả lời sao nếu có ai hỏi tôi người miền nào. Hôn nhân là kết thúc đời sống độc thân để bắt đầu đời sống với mối ràng buộc có bằng chứng, có ký kết. Nghĩ thế, bỗng dưng bản tính đàn bà yếu đuối lại nổi dậy trong tôi … Không lẽ đã nói "I do" rồi nhưng tôi vẫn còn chưa cảm được tình yêu từ chính trái tim tôi? 3. Cho tới khi ấy tôi vẫn không biết được tôi yêu Nick bao nhiêu hoặc là vẫn chưa hoàn toàn yêu. Khái niệm về tình yêu của tôi từ những năm xa Quang đã dần dần trở nên mù mờ. Tôi biết rằng tôi bằng lòng làm vợ của Nick với cảm giác bình an và tự nhiên như sự việc phải thế. Nick luôn luôn mang lại niềm vui và tiếng cười. Bên cạnh Nick chừng như tôi ít khi phải lo toan. Tôi cũng không có cảm giác nghi ngờ khi Nick không ở cạnh tôi, có lẽ vì tôi là người tận tâm với công việc nên tôi hiểu niềm đam mê của Nick đối với sự nghiệp. Và, tôi biết tôi nghĩ gì nên tôi không nhìn thấy những phức tạp của riêng mình. Từ khi Cecelia bắt đầu đi học, thời khóa biểu của tôi chính xác như bốn mùa. Hôm nào lơ lễnh, hai mẹ con tôi lại trễ giờ và chúng tôi phải lýnh quýnh chạy ào ra khỏi nhà. Đôi khi tôi cũng có cảm tưởng tôi là cỗ máy, cỗ máy ấy già nua dần theo Sinh Nhật hằng năm của con gái… Mẹ tôi mất. Tất cả chúng tôi đều về Việt Nam chịu tang. Nick và Cecilia cảm thấy lạ lùng với mọi thứ vì chưa bao giờ họ đặt chân tới quê hương của tôi. Riêng tôi lại thấy lạ lùng vì tôi không sao nhận ra được những nơi chốn quen thuộc cũ. Tôi gặp lại vài người bạn của thời con gái xa xưa nhưng giữa chúng tôi chừng như không còn sự niềm nở, thân quen như trước nữa dù họ cũng đã làm vợ, làm mẹ nhưng giữa chúng tôi chừng như không còn sự thông cảm nào, chả bù với ngày xưa, mỗi ngày gặp nhau tíu tít đủ thứ chuyện lớn, nhỏ trên đời. Điều làm tôi vui mừng hơn cả là cả Nick và Cecilia đều có thể nói chuyện với họ hàng, người quen biết của tôi bằng tiếng Việt. Dù Nick không nói được lưu loát như Cecilia nhưng tôi cảm thấy được an ủi vô cùng vì Nick đã từ ba chữ "anh yêu em" ban đầu mà giờ đây gần như hòa nhập được vào với đời sống của tôi một cách tuyệt diệu. Điều làm tôi hối hận nhất chính là đã không đưa chồng, con về gặp mẹ tôi khi người còn sống. Căn nhà nhỏ của chúng tôi ngày xưa giờ cũng đã thay đổi nhiều… Nhưng không thay đổi sao được vì nhiều năm đã trôi qua, tôi đã từ căn nhà nhỏ này trải qua thời hoa mộng, lần đầu tiên có bạn trai, lần đầu tiên biết yêu, lần đầu tiên ấp úng kể cho mẹ nghe và cũng từ căn nhà nhỏ này, tôi đã lần đầu tiên khiến mẹ khóc hết nước mắt khi tìm không ra tôi năm 1975. Mẹ có lần viết trong thư "…không có gì chính xác bằng linh cảm của người làm mẹ đối với con cái của mình nên dù rất lo lắng, mẹ vẫn tin tưởng là con hãy còn sống. Miễn là con còn sống thì sẽ có ngày mẹ con mình lại sum họp…". Tôi vẫn không sao quên được lần trở về đầu tiên thấy mẹ đứng chờ ở phi trường với mái tóc bạc phơ và chiếc áo tơ vàng trên cơ thể ốm yếu. Nếu tôi không bằng xương bằng thịt trở về, hẳn mẹ sẽ còn mỏi mòn ốm yếu hơn dù đời sống vật chất của bà vô cùng sung túc. Lần về đó tôi chưa có Cecilia và hẳn nhiên, tôi không dám cho Nick cùng về vì sợ "bọn họ" làm khó dễ… Bây giờ nhìn Nick và Cecilia tóc vàng, mắt màu hạt dẻ, đầu quấn khăn tang, mồ hôi nhễ nhại đứng cạnh quan tài mẹ cùng tôi đáp lễ người viếng, lòng tôi càng thêm buồn bã nhớ mẹ vô cùng, chỉ ước gì mẹ còn sống để được ngồi cạnh bên ngửi mùi dầu Nhị Thiên Đường thoang thoảng từ người mẹ toát ra, được liếng thoắng chuyện trò với mẹ và nhất là trêu mẹ để nghe mẹ mắng "ơ, con bé này …", bỗng dưng tôi bắt đầu hiểu được vì sao những bậc cha mẹ chẳng bao giờ "thấy" con cái của mình "lớn" trong mắt của chính mình. 4. oOo Tôi gặp lại Quang thật bất ngờ trong một buổi chiều cuối tuần. Như mọi chiều cuối tuần, tôi thường đi chợ mua thức ăn cho cả tuần lễ. Chỗ tôi ở có khá nhiều chợ do người Đại Hàn làm chủ, bởi thế người đi chợ không chỉ có người Việt Nam mà bao gồm cả người Đại Hàn, người Tàu và người Mễ, thế nhưng tôi đã nhìn thấy Quang giữa bao nhiêu con người xa lạ, ồn ào. Trông Quang già hơn trước nhiều nhưng điều làm tôi mừng thầm chính là không có nét khắc khổ nào hằn trên gương mặt Quang. Tôi bất chợt nhẩm tính trong đầu, "25 năm không gặp"! Tôi cũng đã già… già theo 25 năm cách biệt, già theo những thăng trầm, mất mát trong đời. Tôi dợm chân định bước tới chào hỏi nhưng cùng lúc ấy, tôi thấy một người đàn bà đến cạnh Quang, họ nói gì với nhau và cùng cười vui vẻ. Tôi dừng lại ngắm họ, không hiểu sao tôi cảm thấy thật an tâm như vừa vứt được tảng đá nặng trên vai xuống. Ít ra không có tôi, Quang vẫn vui và hạnh phúc. Đó là điều khiến tôi mãn nguyện. Những chuyện ngày xưa bất chợt thoảng qua trong tâm trí, như thoáng của chiêm bao. Tôi bỏ ngang buổi chợ ra về. Nick ngạc nhiên nhìn tôi đi tay không vào nhà và tôi như đứa bé, kể không kịp thở cho Nick nghe về chuyện "thấy Quang ở chợ". Nick trầm lặng nhìn tôi: Tôi ngẩn ngơ nhìn Nick. Phải, chừng như trong lòng tôi vô cùng xáo trộn. Tôi đã từng mong gặp lại Quang, từng muốn biết xem Quang còn sống hay đã chết. Tôi đã từng ao ước sẽ có lúc ngồi cạnh Quang kể cho Quang nghe những gì đã xảy ra sau khi tôi mất tin Quang… Thế nhưng, bây giờ chừng như mọi việc đã không còn dính dáng tới tôi nữa. Chuyện Quang và tôi chỉ là một phần đời trong suốt cuộc đời của tôi. Phần cuộc đời đó đã qua và đã chấm dứt. Nick và Cecilia là hai người đã đi cạnh tôi suốt bao nhiêu năm qua với những khi nghèo, giàu, buồn, vui… Từ bao giờ Nick và Cecilia đã trở thành những phần thân thể không thể tách rời được của tôi… Tôi bất chợt mỉm cười, lẳng lơ nhìn Nick: 5. Càng lớn tuổi tôi càng trầm lặng hơn, trong lòng thường nhớ tới quá khứ, nhất là những ngày còn nhỏ. Đôi khi đứng nơi góc bếp chỉ thoáng thấy khoảng trời nhỏ qua khung cửa sổ, lòng tôi bất chợt chùng xuống bồi hồi, hình ảnh lũy tre và mảnh nắng vàng hực chợt đến trong tâm trí. Đôi khi nghe khúc hát quen thuộc, tôi lại nhớ về mái trường xưa và những cô bạn thời con gái chưa biết buồn phiền, lo lắng. Dù thương yêu bao nhiêu, Nick cũng không thể chia sẻ hết với tôi nỗi nhớ về quá khứ ở miền đất xa với mà Nick chỉ đôi lần đặt chân đến. Gia đình của Nick sống ở Maryland đã mấy đời. Họ đều là những người hiểu biết và tốt bụng nên tôi không gặp khó khăn, phiền toái khi làm dâu nhưng muốn nói về quê hương, tôi chỉ có tìm anh em Quyên hoặc thỉnh thoảng nói với Cecilia. Cecilia thế mà hay. Con bé đã chọn một thanh niên Việt Nam. Trong thâm tâm tôi cảm thấy vui mừng, vui mừng theo kiểu của kẻ vừa tìm ra ngõ về nhà mình. Khi Cecilia bắt đầu có bạn trai, tôi thường ngấm ngầm mong con bé quen người Việt Nam. Tôi không biết tại sao tôi có ý muốn đó, có lẽ tôi cũng ích kỷ chăng? Tôi vuốt tóc Nick, hôn lên đôi bàn tay đang nắm chặt lấy bàn tay kia của tôi. Cám ơn thượng đế đã cho tôi người đàn ông này để dù cao ngạo mạnh mẽ, dù tự lập tự chủ và dù có cái nhìn mới so với những người Việt Nam thuần túy khác nhưng bên cạnh Nick, tôi nhận thức được thật rõ ràng "tôi chỉ là đàn bà", người đàn bà với những mẫn cảm nữ tính để được thương yêu, đùm bọc và chiều chuộng. Nick đã cho tôi tình yêu nhẹ nhàng nhưng sâu sắc…, chiều chuộng tôi khi bản tính khó chịu của tôi nổi dậy hằng tháng, khi tôi tức giận vì những điều không như ý trong đời sống …, đùm bọc tôi khi tôi yếu đau bệnh tật không thể tự lo cho chính mình được. Cuối cuộc đời, tôi xếp lại mọi hỷ, nộ, ái, ố để càng nhận ra mình vô cùng bình thường như mọi người bình thường khác. Điều tôi vẫn áy náy nhất chính là không còn ở bên cạnh Cecilia nữa dù con bé đã có gia đình, đã ở riêng … Có lẽ vì chúng tôi vẫn phone cho nhau hằng ngày nói với nhau đủ thứ chuyện như khi Cecilia còn ở nhà nên tôi vẫn còn quá quyến luyến con bé. Nhớ khi Cecilia còn nhỏ, tôi cứ mong con bé mau lớn để rồi khi con bé 11, 12 tuổi, tôi lại cứ thèm thuồng nhớ lại lúc con bé lên 3, lên 4 vẫn bắt tôi bế trên tay. Khi Cecilia 19, 20 tuổi tôi lại nhớ khi Cecilia 11, 12 tuổi, lứa tuổi tò mò về cơ thể, về cuộc sống để có những đêm hai mẹ con tán dóc với nhau quên cả giờ ngủ. Với Cecilia, tôi đôi lúc lẫn lộn giữa quá khứ và hiện tại vì tôi luôn đắm chìm trong tình cảm mẹ con sâu sắc. Bây giờ con bé đã biết an ủi tôi, chuẩn bị cho tôi ra đi bình an và mỉm cười mà đi trong khi tôi vẫn không đành lòng bỏ con bé lại chút nào… Tôi bỏ viết hẳn. Đôi lúc nhìn mảng trời xanh qua khung cửa sổ, tôi thèm có chút ý tưởng gì để viết nhưng rồi với thuốc thang, với cơn đau, ý tưởng không bao giờ đến và thèm thuồng cũng lặn mất. Những khi đó tôi thầm khâm phục những văn, thi sĩ đã có thể viết có tới phút cuối của cuộc đời. Có lẽ vậy nên tôi không bao giờ có thể là văn, thi sĩ chăng? Ý nghĩ này thường làm tôi mỉm cười, nhớ có người đã viết đại khái là hễ viết được là đã trở thành văn, thi sĩ… Còn tôi, tôi cứ thắc mắc thế nào là sự khác nhau của "viết được" và "biết viết" trong trường hợp "nhận vơ" như thế và cảm thấy tội nghiệp cho cái danh xưng "văn, thi sĩ" quá đỗi. Ngày cuối cùng cũng đến. Tôi nằm trong căn phòng của tôi, trên giường của tôi. Bên trái là Nich, bên phải là vợ chồng Cecilia. Chúng tôi đều cố gắng không khóc dù tôi như người mộng mị không biết đâu là đời đâu là cõi chết… Vợ chồng Cecilia hát nho nhỏ như lời ru: Tôi thấy "căn nhà" mới của tôi ở trên ngọn đồi nhỏ, căn nhà với địa chỉ "Cao Nghi Bình 19xx – 20xx"… Căn nhà mới quá và dù Nick đã cố "trang hoàng" ấm cúng nhưng tôi chỉ có một mình, không biết bao giờ gia đình của tôi mới lại hội ngộ như những tháng ngày đã qua? …
(**) Thánh Ca
|