Home Văn Học TRUYỆN NGẮN Tôi Làm “ĂNG-TEN”

Tôi Làm “ĂNG-TEN” PDF Print E-mail
Tác Giả: NT1 Trần Kim Khôi   
Thứ Ba, 11 Tháng 9 Năm 2012 20:36

Thưa các bạn! Khi đọc cái đề bài nầy hẳn có bạn ngạc nhiên. Bởi vì thói thường thì tốt khoe xấu che. Thế nhưng làm “ăng-ten” trong trại tù của V C chắc là không thể tốt rồi, vậy mà không ai khảo mà mình lại xưng, coi bộ không mấy bình thường phải không ạ?! Có lẽ mọi việc đều có cái “duyên” đưa dẩy.

Số là thế nầy: Kỳ nầy Tổng Hội cho ra báo Xuân, ông “chủ báo” lại cho cái chủ đề khá ư là tình cảm “ Mùa Xuân Yêu Thương” khiến tôi chới với, bởi vì tôi thuộc loại “ăn cục nói hòn” nên không làm sao viết nổi theo cái chủ đề nầy. Tôi bèn ngồi bậc computer ra lục lạo đọc linh tinh cho qua thì giờ…đọc hết mục nầy đến mục khác, bài nọ rồi tin kia…được một hồi lâu thì lại vớ ngay phải cái tin “ông Bùi Đình Thi mất”.

Cái tin nầy khá cũ rồi nên mọi người đều biết cả, điều làm cho tôi để ý là chuyện ông Thi làm khi còn ở trong tù VC thì rõ ràng là không-thể-chấp-nhận-được, thế mà vẫn có người bênh kẻ đỡ! Điều đó làm tôi sực nhớ lại hình như trước đây có người đưa vào MG tin ai đó làm “ăng-ten” và anh em ta cũng có bàn ra tán vào. Có người vì chưa biết làm “ăng-ten” trong trại tù VC nó như thế nào? Phải chăng là chuyện “ai cũng làm được”, hay là chỉ người có “năng khiếu” mới đảm đương nổi công việc nầy và mới hoàn thành “tốt công tác” được giao. Tôi nghĩ mình là người đã từng “kinh qua” công việc đặc biệt nầy rồi, thôi thì nhân lúc “bí đề tài” cứ lược kể lại (vì sự việc đã lâu quá nên quên khá nhiều) công việc và tâm trạng trong thời gian “hành nghề” để các bạn “hiểu” hơn đôi chút, bởi vì “đoạn trường ai có qua cầu mới hay”, chứ chưa qua thì chỉ đoán mò mà thôi! (Mà qua cái cầu “thúi om” như tui thì “vì hoàn cảnh” phải qua, xong thì ngậm miệng chứ mấy ai lại đi kể lại cho người khác biết bao giờ!).

Sau khi trắng trợn vi phạm hiệp định Hòa Bình Ba-lê, dùng vũ lực cưỡng chiếm toàn bộ miền Nam, với bản chất tráo trở gian manh, Cộng sản Bắc Việt đã dùng mưu ma chước quỉ đánh lừa Quân, Công, Cán Chính Việt Nam Cộng Hòa tự động dẫn xác đến nạp mạng cho chúng tại các địa điểm tập trung mà chúng không phải tốn công lùng bắt và tất nhiên là cũng không có sự phản ứng/ chống đối nào đáng kể xảy ra! Khi mọi thành phần cần bắt đã nằm gọn trong tay chúng, bấy giờ bọn CSBV mới để lộ bộ mặt hiểm ác của chúng: Một chính sách trả thù vô cùng đê hèn và ác độc được đem ra áp dụng cho những người mà trước đó chúng đã ra rả tuyên bố rằng “sẽ khoan hồng nhân đạo, chỉ học tập chín mười ngày, nửa tháng để thông suốt đường lối chính sách của ‘cách mạng’ rồi cho về với gia đình đề làm ăn sinh sống như một người dân thường và cùng góp tay xây dựng đất nước”. Thực chất các trại “cải tạo” chỉ là những nhà tù khổ sai vô tiền khoáng hậu trên thế giới, ở đó những người tù nguyên là Quân, Công, Cán , Chính VNCH bị đối xử tệ hơn súc vật.

Về vật chất chẳng những người tù phải lao động hết sức vất vả trong điều kiện thiếu đói rét lạnh cùng cực mà còn bị khủng bố tinh thần/ tâm lý thường xuyên như sỉ vả, nhục mạ, đe dọa, hành hạ bằng những biện pháp kỷ luật hết sức hiểm độc mục đích khiến cho người tù đôi lúc không còn nghĩ mình còn là con người. Thêm vào đó với chủ trương “ tù không án”, không thể ước đoán được ngày về càng làm cho người tù “cụt” mất hy vọng sẽ có ngày được ra khỏi cảnh địa ngục trần gian nầy.….

Trong một hoàn cảnh vô cùng bi đát và tuyệt vọng đó, bọn CSBV dùng mánh khóe thâm hiểm để dụ dỗ những người thiếu kiên định lập trường bằng lời hứa sẽ được hưởng những ưu đãi, kể cả lời hứa sẽ sớm được về đoàn tụ với gia đình, nếu biết lập công chuộc tội “cộng tác với cách mạng để kịp thời trừng trị những phần tử ngoan cố/ phản động không chịu học tập cải tạo!”. Đòn tâm lý nầy đã tỏ ra khá có hiệu lực vì trong bất cứ đội/nhà nào cũng có đôi ba người “học tập tiến bộ” hơn anh em khác, hoặc lộ liểu hoặc kín đáo theo dõi anh em cùng cảnh ngộ để báo cáo cho “cán bộ” những “biểu hiện sai trái” xảy ra trong đội/ nhà của mình….. Những người đó được anh em gọi là “ăng-ten”.

Sau khi quá thời hạn 3 năm mà không được thả về, chúng tôi bị chuyển từ các trại ở Kỳ Sơn do quân đội quản lý sang các trại Tiên Lãnh (Quãng Nam) và An Điềm (Thừa Thiên) do công an quản lý. Khi đến đây chúng tôi được “biên chế” lại thành các đội, có lẽ theo hồ sơ của các trại tù do quân đội quản lý trước đó giao lại.

Tổng trại Tiên Lãnh gồm có trại một và các phân trại. Trước đó trại 1 Tiên Lãnh dùng để giam giữ những cán bộ hành chánh và xã ấp của VNCH, bị chúng gọi là “ngụy quyền”, khi chúng tôi đến thì các cán bộ hành chánh và xã ấp bị đưa đi các phân trại vì không muốn cho chúng tôi tiếp xúc (“liên hệ”) với nhau. Số tù gốc quân đội được “biên chế” thành 8 đội (gọi là nhà), từ nhà 5 đến nhà 12. Nhà 5 được ở cùng dãy với các nhà 1, 2, 3, 4 (các viên chức xã ấp dược làm những công việc chuyên môn như mộc, rèn, sản xuất…từ nhà 6 đến nhà 10 được nằm cùng một dãy, trong đó các nhà 6, 7, 8 nằm trong một khu vực riêng có hàng rào kẻm gai bao bọc, hai nhà 9 và 10 nằm trong khu vưc riêng, còn hai nhà 11, 12 nằm dãy phía sau. Hai nhà 9 và 10 được “quản lý” chặc chẻ, không cho đi làm xa và không được “liên hệ” với các nhà khác. Tôi ở nhà 9 với NT1 Nguyễn Ngọc Viên.

Vào khoảng giữa năm 1981, khi chuẩn bị đi lao động thì tôi được anh Vinh nhà trưởng báo cho biết tôi phải ở nhà để gặp “cán bộ” làm cho tôi lo lắng vô cùng! Sự thật thì trước đó, khi còn ở Kỳ Sơn tôi thường bị “làm vịêc” riêng với “cán bộ”, bị bắt khai lý lịch lại nhiều lần vì cái chức vụ trưởng ban 5 của tôi. (số là trước khi đi tù, mẹ vợ tôi vốn là một người khá am tường về Việt cộng, đã dặn tôi “khi lên trên đó họ có biểu khai báo thì con đừng khai là chiến tranh chính trị mà nên khai là ban 5 – vì mẹ tôi sợ hai chữ “chính trị” chúng sẽ hiểu mình như là một ‘chính trị viên” của chúng - không dè khi khai là trưởng ban 5 thì tôi bị chúng bắt khai đi khai lại hoài.

Sau đó tôi đoán mò rằng vì chúng tìm được sơ đồ tổ chức của Trung đoàn, trong đó không có chức vụ trưởng ban 5, nên lần khai tiếp theo tôi phải giải thích rằng “trưởng ban 5 là trưởng khối CTCT Trung đoàn” và lập một bản giải thích là: Ban quản trị nhân viên: ban 1, tình báo: ban 2… CTCT: ban 5. Sau đó chúng bắt tôi khai đi khai lại một số lần nữa, khi thấy những bản khai của tôi không có khai thêm điều gì chúng mới để cho tôi yên). Nhưng từ khi lên Tiên Lãnh tôi không bị “làm việc “ với “cán bộ” lần nào, nên khi được bảo ở nhà để gặp “cán bộ” tôi hồi hộp và lo lắng lắm.

Như các bạn đã biết, khi một người tù mà bị gọi đi “làm việc” với “cán bộ” thì lành ít dữ nhiều. Cho nên trong thời gian chờ đợi viên trật tự của trại dẫn đi gặp “cán bộ” tôi cố soát xét lại xem gần đây mình đã có nói năng hay hành động sơ suất nào để bị báo cáo chăng và cũng cố ôn lại “hồ sơ lý lịch” cho hợp với những gì đã khai từ trước và dự trù những câu trả lời hợp lý nhất. Về hồ sơ lý lịch thì tôi chủ trương học thuộc lòng những điều đã khai, sau đó cứ mỗi lần khai lại thì bỏ bớt một số chi tiết lấy lý do là lâu ngày không còn nhớ rõ, không bao giờ khai thêm điều gì mới.

Về sinh hoạt trong tù, tôi cố gắng làm thế nào ẩn mình trong đám đông, không làm điều gì để chúng chú ý, dù là quá tệ hay là tỏ ra tài giỏi. Tỏ ra tài giỏi thì khó an thân với chúng vì với bản chất đố kỵ lại tự cao tự đại tất chúng sẽ tìm cách hành hạ hay “khử’ đi, trái lại quá tệ thì bị chúng khinh khi, sỉ vả, nhục mạ làm mình mất phẩm giá. Đây là kinh nghiệm bản thân tôi học được khi còn sống với Việt cộng trong thời Việt Minh tại Liên Khu V (Nam Ngải Bình Phú). Tuy khi hiệp định Genève tôi mới hơn 10 tuổi (11 tuổi tính theo kiểu VN), nhưng trong 2 năm 53 và 54 tôi cũng học được một vài điều khá quan trọng về “bản chất” của Việt Minh(*).

Ngoài ra tôi có lần bị tay “quản giáo” Ngô, một “quản giáo” rất khó tính và ranh mãnh, phụ trách về sản xuất cảu trại 4 gọi tôi lên hội trường để cật vấn tôi. Nguyên do là vì hồi đó tôi bị bệnh sạn thận nặng nhưng tôi không biết, cứ mỗi buổi sáng đi lao động chung với anh em, độ vài giờ sau tôi đi tiểu thì thấy nước tiểu đỏ rực, tôi tìm một cái mẻ hứng nước tiểu đem đến đưa cho anh tổ trưởng (một SQ khóa 24 Võ Bị, bạn cùng quê và học trung học cùng trường với tôi), nhờ anh ta đến “báo cáo” với vệ binh xin cho tôi về nghỉ. Suốt một tuần lễ như thế, sau anh “báo cáo” lên “quản giáo” Ngô và đề nghị cho tôi được làm việc nhẹ. “Quản giáo” Ngô cho tôi đi giữ bò.
Tôi giữ bò được một thời gian khoảng gần một năm. Một hôm có một người bạn tù làm công việc cắt cỏ cho bò ăn, anh ta có hành động lợi dụng việc công để chèn ép tôi, tôi bực mình “mắng” anh ta một trận. Anh ta tức giận, trong buổi họp kiểm điểm anh đưa vấn đề ra trước tổ để phê bình tôi, bị tôi phản ứng và vạch rõ sự lạm dụng việc công để cố ý xâm phạm vật dụng cá nhân của tôi. Anh ta bị thất lý nên lén báo cáo với “quản giáo” Ngô là tôi có quan hệ linh tinh với dân chúng… Hôm đó “quản giáo” Ngô nói với tôi “Có người báo cáo anh trong thời gian giữ bò đã quan hệ linh tinh với dân …” Tôi biết ngay là ai là người báo cáo, vì anh ta đi cắt cỏ thỉnh thoảng có thấy tôi đi vào ngõ nhà bà A nên mách lại, chứ thực ra thì anh ta không hề thấy tôi vào nhà bao giờ, nên tôi trả lời “ Thưa anh tôi không có quan hệ linh tinh với người nào cả, có lẽ ai đó đã báo cáo sai”, ông Ngô đổi sắc mặt và gằn giọng “Có thực là anh không có quan hệ với ai chứ? Anh có quan hệ với nhà bà A không?” Tôi đáp “Thưa anh, nhà bà A thì tôi có, nhưng đó là lệnh của anh, vì anh bảo cho cháu gởi con nghé theo đàn bò của trại, nên tôi làm theo, tôi chỉ đứng ngoài ngõ chờ cháu nhỏ lùa con nghé ra là tôi lùa bò đi, chỉ khi nào cháu dậy trể tôi mới đi vào đúng trước sân gọi thúc cháu lùa con nghé ra rồi tôi đi chớ tôi chưa bao giờ vào nhà”. Sự thực thì nhà nầy tôi có quen từ lâu, khi còn đi học. Lúc đó xã Kỳ Sơn bị VC chiếm, cả ông Chủ Tịch, Hội đồng xã và cán bộ xã ấp, nghĩa quân đều là người Quốc Dân Đảng, có tinh thần chống Cộng rất cao nên đùm túm nhau chạy xuống thị xã Tam Kỳ lập thành “hội đồng xã lưu vong”. Nhà ông chủ tịch lại ở gần nhà tôi trọ đi học nên tôi quen với gần hết những anh em nghĩa quân, cán bộ của xã Kỳ Sơn. Anh Q. chồng chị A là một trung đội trưởng nghĩa quân rất giỏi, VC rất gờm nên khi mất nước thì anh bị bắt giam trên tại Tiên Lãnh, ở nhà chỉ còn chị và 4 cháu nhỏ, Cháu A con đầu mới khoảng 13, 14 tuổi gì đó, gia cảnh rất eo hẹp, khó khăn… thỉnh thoảng tôi có gặp cháu A trên đường khi tôi lùa bò đi hay về, tôi có lợi dụng điều kiện thuận tiện ấy để hỏi thăm về cha cháu và hoàn cảnh sống của gia đình cháu nên cũng biết được chút ít.


----------------------


(*) Năm 1953 gia đình tôi - vì là giai cấp phú nông - nên bị “thối tô” hết sạch gia sản, chúng chỉ để lại cho gia đình tôi 5 ang lúa (1 ang= 5 kg lúa) để ăn cho đến khi giáp hạt (tức gặt lúa mới), nhưng với 5 miệng ăn, dù mẹ tôi cố nhín nhúc thế nào cũng không thể đủ, nên cha mẹ tôi quyết định cả nhà chỉ ăn mỗi ngày một bữa cháo gạo trộn với rau muống xắt vụn để cầm hơi trên nửa tháng trời, đến khi lúa vừa đỏ đuôi (vừa chín tới) mẹ tôi vội cắt một ít về sấy khô làm gạo ăn cho đến ngày gặt! Một bản tính quan trọng khác của cán bộ Việt Minh (tức CSVN/VC sau nầy) là rất độc ác và đố kỵ người tài, kẻ nào tài giỏi hơn chúng mà tỏ ra coi thường chúng thì trước sau gì cũng bị chúng trừ khử.

Mình ở tù đã thiếu thốn mà gia đình cháu A lại khó khăn hơn, nhân thời đó trại có phát bột mì cho tù ăn. Nhà bếp làm thành bánh “dẹp”, buổi sáng phát cho mỗi người một mảnh nho nhỏ…mấy anh bạn của tôi làm ở nhà bếp ăn uống đầy đủ nên không dùng loại bánh nầy, tôi dặn anh nào không ăn thì gom lại một chỗ để cho tôi…Mỗi sáng, khi ghé nhà bếp để lấy bi-đông nước chè, tôi lượm mấy mảnh bánh đó cất vào túi. Lần đầu, đợi khi cháu nhỏ lùa con nghé ra nhập với đàn bò của trại tôi sẽ kín đáo đưa bánh cho cháu, dặn cháu dấu kín đừng cho ai thấy rồi bảo cháu đem về chia cho anh em và cùng ăn. Mấy lần sau cháu biết ý nên đợi tôi đưa bánh cho liền dấu vào trong áo rồi chạy về nhà…. Vì biết gia đình nầy bị VC theo dõi nên tôi không bao giờ vào nhà, chỉ gặp cháu A ngoài đường… để thăm hỏi tin gia đình cháu hay nhắn tin gì về nhà tôi thôi. Việc liên hệ nầy thì không ai biết cả. “quản giáo” Ngô biết tôi nói đúng “sự thật” (biểu kiến!) nên không nói gì thêm về chuyện nầy, nhưng y lại lái vấn đề qua ngã khác, ông ta hỏi tôi “Tư tưởng anh không tốt, tôi muốn biết anh đang nghĩ gì ?”.

Tôi biết đây là một cái bẫy nên chậm rãi trả lời “Thưa anh tôi không có nghĩ gì cả, tôi yên tâm học tập, lao động tốt và chấp hành đúng nội qui của trại, ngoài ra không có suy nghĩ gì cả”. Ông ta lại hù “ Sao anh không nghĩ gì được. Tôi biết tất, nhưng muốn anh tự nói cho tôi biết những suy nghĩ của anh để xem anh có thành thật không?”. Tôi biết đây là một trò lừa ấu trĩ, VC tự thần thánh hóa mình lên rồi hù dọa những người ngờ nghệch chớ làm sao có thể biết người khác nghĩ gì được? Vì thế tôi lặp lại câu nói khi nãy. Ông ta im lặng một chút rồi bảo “Thôi anh về lại tổ, bắt đầu ngày mai đi lao động với anh em. Cho anh suy nghĩ lại, khi nào “thông” hãy lên gặp lại tôi”. Tôi trả lời “Thưa vâng ạ” rồi đi về báo với tổ trưởng là từ nay tôi mất “chức” chăn bò! Hai tuần sau “QG” Ngô lại gọi tôi lên hội trường để hỏi tiếp “ Anh đã nghĩ kỹ chưa? Anh cho tôi biết anh suy nghĩ gì”. Lần nầy thì tôi bí quá nên đành phải trả lời cho qua chuyện “ Thưa anh tôi nghĩ là tôi sẽ lâu về” – “Tại sao anh nghĩ như vậy?”. - “Thưa, vì cấp bậc của tôi lớn (lúc đó tại trại 4 Kỳ Sơn chỉ có cấp Đại Úy là cao nhất) và tôi ở trong diện “Chiến tranh chính trị”. – “Ai bảo với anh như vậy?” . – “Thưa, tôi suy luận như vậy thôi, chứ không ai nói cả”. – “Anh đoán sai rồi! Thôi anh về đi”. – “Thưa vâng ạ”…

Từ đó tôi càng cẩn thận hơn từ lời ăn tiếng nói đến các hành vi khác…không làm gì để bị “xoi mói” hay “nâng quan điểm”… Tôi quan niệm đây cũng là một “trận chiến” khác trong một hoàn cảnh nghiệt ngã hơn đối với mình. Mục tiêu chiến đấu là phải sống còn, vì “có giữ được sinh mạng thì mới làm được gì, nếu để VC ám hại thì xem như thua trận, mình mất tất cả”.

Sau khi chuẩn bị “tạm ổn” mọi chuyện tôi ngồi lâm râm niệm Phật , niệm Hồng danh Đức Thích Ca Mâu Ni Phật và niệm câu “ Nam Mô vọng nam nham cần lễ bái Quán Âm Như Lai già tỏa giải thoát nguyện” (đã được anh bạn Bảo Túc nằm cạnh bảo tôi nên niệm mỗi khi bị rối trí hay lo lắng) để bớt bị căng thẳng. Mãi đến khoảng 8 giờ rưỡi viên trật tự của trại (một người tù hình sự) mới đến dẫn tôi đi “làm việc”. Tôi hỏi anh ta và được biết tôi sẽ “làm việc” với “cán bộ” Bá, sĩ quan chấp pháp của tổng trại, một tên hắc ám nhất trong ban chỉ huy trại khiến tôi càng lo lắng hơn nên tôi tiếp tục niệm thầm trong đầu cho mãi đến khi gặp “cán bộ” để cố trấn an mình. Anh ta dẫn tôi đến một căn phòng đã mở cửa sẵn có một vệ binh đứng gác ngoài cửa và giao tôi cho người vệ binh đó. Tôi được tay vệ binh dẫn vào gặp “cán bộ” Bá. Khi bước vào phòng tôi thấy Bá ngồi phía sau một bàn làm việc hình chữ nhật, trên bàn trước mặt y có một tập hồ sơ đang mở ra ý chừng muốn cho tôi biết là y đang đọc lại hồ sơ lý lịch của tôi; ngoài ra còn có một ấm trà và một bao thuốc lá “Điện biên”, phía đối diện với y có đặt sẵn một chiếc ghế dài (banc). Thấy tôi vào y ngẩng mặt lên và nói “anh K. đến đó hả?” và ra dấu bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế dài trước mặt y. Bình thường “cán bộ” Bá luôn luôn tỏ ra rất hách dịch, khi chúng tôi lao động trong khu vực ban giám thị, nếu gặp y đi ngang qua, chúng tôi phải đứng dậy và nói “chào cán bộ”, y hoặc không thèm trả lời, hoặc xoi mói nhìn quanh anh em chúng tôi xem nếu có gì sơ sót y sẽ dừng lại “lên lớp” bắt bẻ hay sỉ vả một hồi rồi mới đi tiếp, nhưng lần nầy tôi thấy thái độ của y hơi khác. Y tỏ vẻ dễ dãi và thân mật. Tôi thầm nhủ chắc hôm nay y gặp tôi có một vấn đề gì đó đặc biệt và cảnh giác để khỏi bị sơ hở khi đối đáp với y. Tôi bước vào ngồi trên chiếc ghế trước mặt y, ngồi thẳng người, hai tay đặt song song trên bàn đúng theo quy định khi làm việc với “cán bộ” và chờ đợi… Y nhìn tôi mĩm cười, một nụ cười “bí hiểm” và hiếm thấy nở trên môi y, rồi vớ tay bưng bình nước trà rót vào một cái cốc nhỏ và đẩy bao thuốc lá đã khui sẵn đến trước mặt tôi bảo “anh uống nước và hút thuốc đi rồi ta làm việc”. Tôi trả lời nho nhỏ “vâng ạ”(**) rồi đưa tay rút một điếu thuốc, xin lửa mồi thuốc rồi cầm ly nước trà lên uống một hớp và chờ đợi. Lúc nầy thần kinh tôi rất căng thẳng mặc dầu bề ngoài cố giữ vẻ mặt thản nhiên. Tôi chờ y lên tiếng để phỏng đoán xem y muốn gì nơi tôi. Sau một phút yên lặng chờ tôi uống xong cốc nước và hít được vài hơi thuốc, y lên tiếng “thôi ta bắt đầu làm việc”, tôi dụi tắt điếu thuốc đặt trên mé bàn rồi chăm chú lắng nghe. Y mở đầu bằng những câu thăm hỏi thường tình như “anh có thường được thăm nuôi không?”, gia đình vợ con anh có được khỏe không? …. “ Tôi trả lời cũng theo kiểu chung chung “Thưa cán bộ, tôi vẫn được thăm nuôi như theo qui định của trại, gia đình vợ con tôi vẫn bình an…”, sau đó y vào đề, hỏi tôi “Anh có biết tại sao hôm nay tôi làm việc với anh không?” Đây là một câu hỏi rất khó trả lời, vì rất dễ bị “hớ” nên tôi trả lời theo kiểu vô thưởng vô phạt “Thưa cán bộ, tôi được lệnh ở nhà gặp cán bộ thì tôi ở nhà, chớ tôi không biết lý do”. – “Anh hồi trước được huấn luyện tại trường chính trị Đà Lạt phải không?”. – “Thưa vâng ạ”. – “Tôi biết hoàn cảnh gia đình của anh rất neo đơn. Mà diện của anh thì anh biết rồi! Anh phải phấn đấu học tập cải tạo cho thật tốt để sớm về với gia đình…”. – “Thưa vâng ạ”.

Sau một lúc thao thao bất tuyệt về dường lối chính sách “khoan hồng nhân đạo” của đảng và nhà nước và “lên lớp về chính trị, thình lình y chuyển đề dột ngột hỏi tôi: “ Theo anh, anh thấy tinh thần anh em trong nhà 9 thế nào ? Có biểu hiện gì tiêu cực không?” Tôi im lặng suy nghĩ làm như cố nhớ lại những gì thường xảy ra trong đội rồi từ tốn trả lời “Thưa cán bộ, tôi thấy chung chung thì anh em học tập cải tạo tốt, không có biểu hiện gì tiêu cực”. – “Như vậy là anh chưa nắm vững tình hình trong nhà. Anh về xem lại rồi hôm sau báo cáo cho tôi biết…” – “Thưa cán bộ vâng ạ”. – “Thôi anh về đi, khi nào cần tôi sẽ gọi…”, xong y gọi tên vệ binh dẫn tôi đến cổng trại tù giao lại cho sĩ quan trực trại. Sau khi được nghe “cán bộ” Bá “giao nhiệm vụ” tim tôi đập mạnh và đầu óc tôi căng thẳng nhưng tôi vẫn cố ---


(**)Tôi xin được mở ngoặc để giải thích về 2 chữ “vâng ạ” mà tôi thường dùng khi đối đáp với “cán bộ” khi còn ở tù, hay sau nầy khi đã được thả về sống với gia đình mà phải tiếp xúc với công an hay các viên chức chính quyền. Vì nội qui của các trại tù bắt buộc tù nhân phải “thưa cán bộ” và “dạ” khi đối đáp với vệ binh, quản giáo hay “ban” (giám thị), mục đích cố hạ thấp nhân phẩm của người tù. Về nhóm chữ “thưa cán bộ” thì tôi không “biến báo” gì được nên đành phải dùng, nhưng chữ “dạ” thì tôi cố “luồn lách” không dùng khi đối thoại với chúng vì tôi nghĩ chúng không xứng đáng để tôi phải “dạ”, một chữ chỉ để dùng đối với những bậc trưởng thượng đáng kính của tôi. Tôi nhận thấy tất cả bọn chúng, dù là người Nam hay người Trung đều phát âm theo giọng Bắc và dùng các từ ngữ của người miền Bắc, trong đó có chữ “vâng” nên tôi thử dùng chữ “vâng ạ” để thay vào cho chữ “DẠ”, sau vài lần thí nghiệm tôi thấy chúng không hề để ý đến cách dùng nầy, nên từ đó tôi chỉ dùng chữ “vâng ạ” khi đối đáp chứ không bao giờ dùng chữ “dạ” nữa].

Giữ vẻ bình thản suốt trong thời gian theo tên vệ binh trên đường đi trở về và chờ đợi sĩ quan trực trại cho về đội. Khi đã vào trong phòng, việc đầu tiên của tôi là đem bi-đông nước vào phòng tắm/cầu tiêu rửa mặt và thấm một ít nước lên tóc cho ướt đầu, để đầu óc bớt nhức vì căng thẳng rồi về chỗ nằm trãi chiếu, nằm dài ra nghỉ. Trong phòng lúc đó chỉ có vài anh bị bệnh được Bác sĩ cho nghỉ ở nhà và một anh “làm việc nhẹ” ở nhà trực phòng. Tôi nhắm hai mắt như ngủ nhưng thật ra là cố tập trung trí nhớ lược lại xem mình đã có những gì sơ suất để bị chú ý không và cố suy nghĩ xem vì sao mình lại bị giao cái công việc trớ treo và khốn nạn nầy? (Nhưng mãi cho đến bây giờ tôi vẫn không tìm được câu trả lời xác đáng!). Tôi biết mình đang lâm vào tình trạng vô cùng khó khăn: Làm chó săn cho chúng thì không khi nào mình chịu làm, nhưng nếu không “báo cáo” với “cán bộ” những gì đã xảy ra trong đội thì mình sẽ bị kết tội đồng lõa hay bao che (vì trong đội sẽ có “ăng-ten” khác báo cáo). Có nghĩa là mình sẽ bị đưa vào phòng kỷ luật bất cứ lúc nào. Điều khó xử hơn nữa là thỉnh thoảng lại phải ở nhà “đi làm việc với cán bộ” thì sẽ bị bạn bè/anh em nghi ngờ, đánh giá và xa lánh. Một sự nhục nhã đối với một người tù như chúng ta.

Tóm lại là từ đó trở đi cuộc sống “bình lặng” trong nhà tù của tôi đã bị khuấy động: Làm bất cứ việc gì cũng phải nhìn trước ngó sau không để một sơ hở nào để có thể bị những “ăng-ten” khác báo cáo, phải “luồng lách” thế nào để bọn “cán bộ” khỏi mượn lý do để hành hạ và nhất là để bạn tù khỏi khinh khi! Những ngày sau đó tôi thực sự nhức đầu vì cố tìm cách “hóa giải” cái “ách nạn” tệ hại nầy. Việc đối phó với bọn công an để hóa giải tình trạng của tôi lúc đó không phải dễ dàng gì! Tuy biết vậy nhưng đã rơi vào hoàn cảnh nầy thì cũng phải ráng vận dụng mọi khả năng để “đấu trí” với chúng, được đến đâu hay đến đó! Sau vài hôm suy nghĩ và cân nhắc kỹ càng những việc mình phải làm, tôi bắt đầu hành động. Dầu muốn dầu không tôi cũng phải “nghe ngóng” xem anh em trong nhà có những “biểu hiện” gì để có tài liệu báo cáo khi bị gọi đi làm vịêc lần tới. Để vừa có tài liệu mà lại không làm hại ai nên tôi phải thay đổi cách sống:Tự cô lập mình. Trước hết là tôi “xì” cho H. người ăn cơm chung với tôi từ bấy lâu nay là tôi bị gọi đi “làm việc” với “cán bộ” Bá. Chỉ cần nhắc đến tên “cán bộ” Bá là anh em đã đặt vấn đề rồi! Tiếp đến là tôi tìm cách công khai tỏ thái độ bất bình với H., người đã ăn chung với mình để tách ra ăn riêng một mình.

Làm như vậy sẽ vừa tránh được những di hại đến anh ta nếu tôi có bị tiếng xấu hay bị kỷ luật, mà cũng vừa “mượn” sự kiện nầy để gây sự chú ý với anh em trong đội, nhất là những người từng chơi thân với tôi để họ “cảnh giác” tôi! Tất nhiên tôi và H. ăn chung với nhau khá lâu mà không có gì sức mẻ, bữa nay tôi lại tìm cớ để tách riêng ra thì thế nào cũng gây sự chú ý của anh em trong đội, và chắc chắn tai tiếng sẽ rơi vào phần tôi. Theo thói quen thì H. ăn khá nhanh, còn tôi ăn chậm. Khi anh ta ăn xong là bỏ chén đũa đó đi qua chỗ các bạn khác ngồi uống nước trà, tán dốc. Tôi ăn chậm hơn nên sau khi ăn xong phải lo dọn dẹp, rửa chén… Bữa đó tôi quyết định mượn lý do nầy để cằn nhằn với anh ta là cứ giao cho tôi công việc dọn rửa hoài, nên đề nghị phần ai nấy ăn, phần ai nấy lo! Tuy là việc nhỏ không đáng gì nhưng vẫn bị anh em tò mò tra hỏi anh ta lý do tại sao rã đám. Anh ta cứ tình thiệt trình bày lý do tất nhiên tôi là người bị thiệt thòi vì anh ta là người quảng giao, được lòng bạn bè hơn tôi nhiều, lại được biết là tôi đã gặp “cán bộ” Bá thì thế nào H cũng sẽ nói lại với một số anh em trong nhà.

Chiêu đầu tiên của tôi coi bộ có kết quả như ý muốn của tôi vì tôi thấy nhiều anh em nhìn tôi với con mắt hơi khác. Sau đó tôi lân la đến các nhóm anh em đang chuyện vãng để nghe ngóng và ghi nhận tin tức. Nhưng trước mỗi khi đi tôi thường giả như vô tình làm một cái gì đó để có một số anh em chú ý đến tôi, chứ tôi không bao giờ âm thầm đi nghe ngóng! Mục đích của tôi là giúp họ thay đổi đề tài nếu cần khi có sự hiện diện của tôi. Có như vậy tôi mới khỏi phải nghe những câu chuyện mà một người đang bị gài vào thế bất dắc dĩ phải làm “ăng-ten” như tôi lúc đó không bao giờ muốn được nghe. Đối tượng tôi chọn là ghé đến những nhóm từ 3 người trở lên đang nói chuyện, vì tôi biết những câu chuyện được trao đổi giữa một nhóm nhiều người thì thường là những chuyện vô hại. Tôi tuyệt đối không đến nghe ngóng chuyện của 2 người đang to nhỏ với nhau. Thứ nhất là vì tôi biết khi 2 người nói chuyện với nhau thường là những chuyện rất riêng tư, đôi khi là bày tỏ những cảm nghĩ sâu kín của mình với nhau, kể cả quan điểm chính trị. Thứ hai là nếu tôi nghe chỉ 2 người nói chuyện với nhau, nếu có “ăng-ten” ghi nhận được sẽ báo cáo với nội dung tự đặt ra thì tôi không biết lấy ai để làm chứng là tôi nói đúng sự thật khi bị hạch hỏi, hoặc là câu chuyện đó, nếu có nội dung “tiêu cực” mà vì một lý do gì đó rò rỉ ra ngoài, đến tai “cán bộ” thì tôi sẽ bị nghi ngờ là người báo cáo.

Trong tuần lễ đầu, sau khi cửa phòng đã khóa, tôi đã lê la đến vài ba nhóm anh em đang nói chuyện và ghi nhận được một số câu chuyện vô thưởng vô phạt để dùng làm tài liệu báo cáo khi cần. Tuần lễ tiếp theo, trong khi đang lao động ngoài “hiện trường” thì tôi được anh Vinh nhà trưởng bảo tôi đến gặp tên Sơn quản giáo nhà 9 của chúng tôi. Tôi còn nhớ rõ, khi tôi đến tên Sơn đang ngồi chồm hổm trên một tảng đá to và cao, tôi đứng dưới đất trả lời những câu hỏi của y về một số sinh hoạt của anh em trong đội. Không biết tại sao lại có sự trùng hợp nầy. “Cán bộ” Bá, sĩ quan chấp pháp của trại vừa giao cho tôi nhiệm vụ theo dõi anh em để báo cáo lên y, nhưng tôi chưa hề báo cáo gì thì “quản giáo” Sơn lại nhiều lần gọi tôi lên để hạch hỏi. Tôi đoán là tên Sơn sợ tôi có thu lượm được những tin tức bất lợi đem báo cáo cho tên Bá mà Sơn chưa biết được thì Sơn sẽ bị phê bình là không “nắm” được tình hình của đội.

Ban đầu tôi cũng rất khổ tâm vì bị áp lực của cả 2 cái ách chụp lên đầu cùng một lượt làm đầu óc tôi bị căng thẳng tột độ. Lúc nào tôi cũng phải “động não” để tìm cách đối phó với hoàn cảnh đó. Sau tôi nghĩ lại trong cái rủi có cái may, nên lợi dụng ngay tình trạng “được làm việc” vừa với “cán bộ” chấp pháp của trại và cả với “quản giáo” của đội cùng một lúc để “gở” dần thế bị kẹt! Tôi kín đáo tiết lộ cho vài người bạn thật thân và rất hiểu về tôi như bạn Y, bạn T. biết rằng tôi đang bị ông Bá và ông Sơn bắt tôi phải theo dõi anh em để báo cáo. Dụng ý của tôi là muốn nhờ mấy bạn đó phao tin đồn là tôi đang “làm ăng-ten” để anh em tỏ thái độ nghi ngờ và xa lánh tôi. Có như vậy thì anh em mới giữ gìn lời nói mỗi khi có sự hiện diện của tôi. Tuy sắp xếp như vậy, nhưng trong giai đoạn đó cuộc sống của tôi cũng rất nặng nề, xấu hổ và lo lắng…


Độ 3 tuần sau lần “làm việc” đầu tiên, tôi lại được lệnh ở nhà để gặp “cán bộ”. Lần nầy tôi lo lắng hơn lần trước rất nhiều, vì tôi không biết những gì sẽ xảy ra với tôi sau khi “làm việc” với ông Bá. Tôi hồi hộp chờ đợi người trật tự của trại dẫn tôi đi “làm việc”. Thời gian trôi qua thật chậm. Tôi cố trấn an bằng cách tập trung vào việc niệm Phật và niệm danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tác cùng 2 câu kinh mà tôi thường niệm mỗi khi có chuyện lo lắng như tôi đã trình bày ở trên, thế nhưng tâm tôi vẫn không an tịnh nổi. Mãi sau 8 giờ sáng tôi mới được dẫn đi “làm việc”. Chỗ “làm việc” vẫn là căn phòng hôm trước. Lần nầy thì tôi đến trước nên được vệ binh dẫn vào trong phòng ngồi đợi. Khi thấy ông Bá bước vào, tôi đứng dậy chào. Vẫn với thái độ niềm nở giả tạo như lần trước, sau khi ông ta ngồi vào ghế liền bảo tôi ngồi xuống chiếc ghế dài rồi với tay lấy bình rót nước vào tách và mời tôi hút thuốc, uống trà…như lần trước, sau đó đi vào đề ngay chứ không có những câu hỏi xã giao nữa. Y hỏi tôi đã biết được những gì, báo cáo cho y nghe.

Tôi nhận thấy đây là một câu nói rất bao quát, nếu trả lời không khéo sẽ dễ có sơ hở và sẽ dễ bị vặn hỏi. Lợi dụng sự bao quát của câu hỏi, tôi làm ra vẽ thành thật, hăm hở kể lại cho y nghe rất nhiều câu chuyện mà tôi nghe được như anh T kể chuyện về sự phát triển của thành phố Đà Nẵng, anh H. kể chuyện về những món ăn nhậu của miền Nam như chuột đồng, cá lóc đắp bùn nướng…, anh S. kể chuyện đi câu mực ngoài biển…Tôi đang kể ngon trớn thì y bảo tôi ngừng lại. Y nói “Thôi đừng kể những chuyện đó nữa, anh có biết chuyện gì khác nữa không, chớ mấy chuyện đó mà kể làm gì?” Tôi trả lời “Thưa cán bộ, còn nhiều chuyện nữa, mà toàn là chuyện ăn nhậu, các món ăn đặc sản của mấy vùng miền trong, có anh thì kể chuyện kiếm hiệp, kể chuyện săn bắn…”. Y lại hỏi “Vậy chớ có anh nào nói chuyện chính trị hay nói xấu cách mạng không? ” – “Thưa tôi không nghe anh nào nói gì về những chuyện đó cả”. Vì có chủ ý nên tôi bèn hứa “Thưa cán bộ, để tôi về nghe ngóng thêm…”. Có lẽ nhờ câu hứa của tôi nên y không tỏ vẽ bực bội, chỉ bảo “Thôi anh về theo dõi tiếp rồi hôm sau lên gặp tôi”. Lần nầy trên đường trở về tôi thấy đầu óc đỡ căng thẳng hơn lúc đi rất nhiều, mặc dầu vẫn còn một số vấn đề làm làm cho tôi lo lắng.


Sau lần “làm việc “ nầy tôi thấy thái độ của nhiều anh em đối với tôi thay đổi rõ rệt hơn. Tôi tiếp tục “tung tin” là sáng nay đi gặp cán bộ Bá. Và nói nhỏ với mấy người bạn thân kể trên bảo anh em khác đừng tiếp xúc với tôi nữa vì tôi làm “ăng-ten”. Kế hoạch “tự cô lập” và “tự bôi nhọ” của tôi có kết quả khả quan hơn. Có thể nói là sau chuyến gặp “cán bộ” của tôi lần nầy, khi tôi đi nghe ngóng, theo dõi anh em trong nhà, tôi hoàn toàn không còn lo lắng là có thể nghe được những chuyện mình không muốn nghe nữa. Và cũng sau khi gặp “cán bộ” Bá lần nầy, khi “quản giáo” Sơn gọi tôi ra để hỏi tình hình, tôi mạnh dạn trả lời với “qg” Sơn rằng: “Cán bộ” và “cán bộ” Bá gặp riêng tôi nhiều lần quá, nên bây giờ trong nhà mọi người đều nghi ngờ tôi, tránh xa tôi nên tôi không thể nghe được những gì như “cán bộ” muốn”. Tôi hạ giọng cho có vẽ bí mật “Cán bộ thấy không? Anh em họ vừa làm vừa nhìn tôi kìa!”. Y nhìn xuống thì thấy có vài anh em vội quay mặt đi chỗ khác! Thế là tôi gỡ được phần nào cái ách “qg” Sơn tròng lên cổ tôi! Từ đó Sơn không còn gọi tôi lên gặp riêng nữa. Có một sự thú vị là mấy tháng sau thời gian nầy, khi anh H (người đã từng ăn chúng với tôi một thời gian lâu) được phân công trực nhà một tuần. Có một hôm anh H kể lại với tôi rằng: “Hồi trưa “quản giáo” Sơn xuống kiểm tra phòng ngủ, hỏi tôi “Ai nằm chỗ nầy?” tôi trả lời “Thưa cán bộ, anh T K K”, ông Sơn buộc miệng “Anh nầy là T kỳ khôi chớ T K K gì?” Tôi nghe và mĩm cười!….


Về phần “cán bộ” Bá thì khá lâu sau đó, có lẽ hơn một tháng sau lần “làm việc” thứ hai tôi mới bị gọi ở nhà để “làm việc” với “cán bộ”. Mặc dầu trong khi chờ đợi tôi vẫn niệm Hồng Danh đức Phật Thích Ca, Danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tác và 2 câu chú nói trên, nhưng lần nầy tôi cảm thấy ít lo lắng và hồi hộp hơn mấy lần trước. Cũng như đối với “quản giáo” Sơn, khi tôi gặp “cán bộ” Bá tôi cũng trình bày rằng: “Thưa cán bộ, tôi đoán là vì “cán bộ” và “quản giáo” Sơn “làm việc” với tôi nhiều lần quá nên anh em họ nghi ngờ tôi, họ cảnh giác mỗi khi thấy tôi đến chỗ họ nói chuyện. Gần đây tôi không nghe họ nói gì “tiêu cực” cả. Sau lần “làm việc” nầy, tiếp đến là đợt phóng thích vào cuối năm 1981 khá đông, nhà 8 trống chỗ nhiều nên tôi được biên chế sang nhà 8. Từ đó đến khi tôi được tha về, tôi không bị gọi lên gặp “cán bộ” lần nào nữa cả.

 

*
Tôi tưởng là cái “nghiệp” làm “ăng-ten” bất đắc dĩ của tôi đã chấm đứt khi tôi được phóng thích về với gia đình, nhưng bất hạnh cho tôi là cái “nghiệp” khốn nạn đó vẫn đeo đuổi tôi khá lâu sau khi tôi về, làm cho tôi lại phải áp dụng chiến thuật “tự cô lập” một thời gian nữa. Câu chuyện xảy ra như thế nầy. Tôi không nhớ rõ, nhưng có lẽ là vài ba ngày gì đó trước ngày được phóng thích, có một người tìm đến nhà 8 muốn gặp riêng tôi. Tôi ra ngoài tiếp chuyện thì được người đó xưng là công an ở ty công an Quảng Nam Đà Nẵng. Anh ta đưa cho tôi một cái bì thư trên đó có ghi sẵn địa chỉ, dặn tôi khi về đến nhà thì viết một lá thư cho biết là tôi đã về đến nhà, ghi địa chỉ nhà và gởi ngay cho anh ta theo địa chỉ đã ghi sẵn trên bì thư. Lúc đó vì trông mong ngày về nên tôi nhận cái bì thư mà hứa sẽ làm theo lời dặn của người ấy, nhưng không quan tâm lắm đến hậu quả của việc gởi lá thư nầy.


Khi về đến nhà, tôi cũng viết thư gởi ngay cho anh ta như lời dặn rồi lo tìm công việc làm để phụ với vợ nuôi con. Tôi không quan tâm mà cũng quên hẳn việc gởi lá thư nầy cho một người ở ty công an vì phải tất bật lo làm kiếm sống. Hoàn cảnh gia đình của tôi lúc đó rất là eo hẹp, thiếu trước hụt sau vì khi tôi đi ở tù tôi không có tài sản gì để lại cho vợ tôi cả. Vợ tôi lại ở đậu nhà mẹ vợ tôi. Khi tôi ở tù được vài tháng vợ tôi mới sinh đứa con đầu lòng.


Chẳng bao lâu sau vợ tôi lại bị “mất dạy” một thời gian, may mắn sau đó nhờ có người giúp đỡ nên xin được một chân thư ký của trường TP khá xa thị xã. Gia đình có một mẹ già, một con thơ mới sanh chưa được bao lâu mà chỉ mình vợ tôi bươn chải để nuôi gia đình, lại còn nhín nhúc để thăm nuôi tôi. Ngày ngày vợ tôi đành phải để con ở nhà cho bà ngoại chăm sóc, sáng sớm phải lo đạp chiếc xe đạp “cà tàng” đi làm, mãi đến chiều tối mới về đến nhà, mặc cho con khát sữa mà mẹ thì bị căn sữa đau nhức, đành phải nặn sữa đổ đi; Đó là chưa kể vào những ngày cuối tuần lại phải chạy về trên quê để làm thêm lúa, khoai, đậu, mè…để kíếm thêm chút đỉnh lương thực lo cho gia đình. Nên khi tôi về tôi phải làm việc cật lực để chia sớt bớt gánh nặng cho người vợ chân yếu tay mềm của tôi!.

Tôi xin được một chân làm công nhân của hợp tác xã sản xuất giấy. Nói là HTX giấy nhưng thực chất thì muốn sản xuất được giấy phải mua giấy vụn về ngâm tẩy, xay nhuyễn rồi “tráng” thành giấy pelure bằng phương pháp thủ công thịnh hành vào những năm đầu thập niên 50’ trong vùng Việt Minh, nghĩa là phải lùi lại 20 năm trong quá trình tiến hóa của khoa học kỹ thuật! Với cách thức sản xuất như vậy nên số lượng giấy sản xuất được rất ít, chủ yếu là sản xuất loại bìa rất thô, chỉ để làm lõi ống quấn chỉ để dệt là thích hợp nhất. Nguyên liệu chính để sản xuất loại bìa nầy là thân cây đót ( loại cây mà nguời ta lấy bông vừa nở về chế biến để kết thành chổi đót để quét nhà), rơm hay bã mía. Tôi phụ trách khâu “ra lò” đót, ngâm ủ đót/rơm/bã mía; rửa đót/rơm/bã mía…là khâu lao động nặng, vất vả và độc hại nhất vì hàng ngày phải “ra lò” trong điều kiện lò nấu đót có trộn sút (soude= NaOH) còn đang nóng, chỉ đủ thì giờ tháo nước lạnh vào xả vài lần cho giảm nhiệt độ mà thôi; rửa đót/ rửa rơm/ bã mía thì phải ngâm gần nửa người trong bồn nước còn chất sút hay vôi trong nhiều tiếng đồng hồ… Tôi làm ăn theo sản phẩm nên đi sớm về trễ. Tối về tôi lại có thêm công việc làm chổi đót “xuất khẩu” (xuất cảng) nên thường là phải làm đến 2 giờ sáng. Trong khi tôi làm chổi thì vợ tôi, sau khi đã chấm bài, soạn xong “giáo án” lại cặm cụi đan áo len “gia công” hay chúi mũi vào chiếc máy may “cải tiến” để thêu mấy chiếc áo cho bạn bè… đợi tôi xong việc mới cùng đi ngủ. Nhà cửa của mẹ tôi lợp tôn, nhưng đã quá cũ nên tôn bị sét rỉ, dột nhiều chỗ khi trời mưa. Cuối tuần còn dư chút thì giờ thì tôi lo “tu sửa” căn nhà. Một buổi trưa tôi đang ngồi đánh tranh dưới tàng cây trứng gà (có chỗ gọi cây “ô-ma”) bên cạnh giếng. Vì trời nóng nên tôi chỉ mặc chiếc quần đùi và áo lót. Đang ngồi đánh tranh mồ hôi nhuễ nhại, thình lình có một người xuất hiện trước mặt tôi. Nghe có tiếng động tôi ngẩng mặt lên nhìn thì thấy một người trung niên ăn mặc đường hoàn, áo bỏ vào trong quần, chân mang dép da (sandal) đứng ngay trước mặt tôi. Tôi chưa hết ngạc nhiên thì người đó lên tiếng hỏi tôi “anh nhớ tôi không?”. Tôi hoàn toàn bất ngờ khi nghe câu hỏi nầy.

Tôi cố lục lại trí nhớ xem người nầy là ai, nhưng không thể nào nhớ ra được. Thấy tôi không nhận ra anh ta, người đó lại nói: “anh cố nhớ lại đi”. Tôi ngồi thừ người ra suy nghĩ nhưng vẫn không hề nhớ lại nhân dạng của một người nào như vậy. Thấy tôi lúng túng vì không thể nhớ ra nổi, anh ta gợi ý: “ Anh có nhớ lá thư mà trước đây có người dặn anh gởi sau khi về nhà không?” Lúc đó tôi mới sực nhớ lại gã công an đã đưa cái bì thư và dặn tôi gởi. Tôi thầm than khổ trong lòng vì bấy lâu không hề nghĩ đến chuyện nầy, bây giờ mới biết “ách nạn” của tôi vẫn đeo đẳng! Tôi vội vàng đứng dậy và nói lời phân bua: “Xin lỗi anh, vì lo làm việc quá bận bịu để giải quyết cuộc sống, nên tôi quên khuấy đi chuyện đó mất”, rồi mời anh ta vào nhà, mời anh ta ngồi. Lúc đó ở nhà chỉ có tôi, mẹ vợ tôi và đứa con nhỏ mới mấy tháng. Thấy có khách lạ, mẹ tôi bồng cháu xuống nhà dưới để chúng tôi được tự do …Phần tôi, tôi vội lấy áo quần mặc vào, đi hâm nước và rót nước chè già mời anh ta uống. Xong đâu và đấy tôi mới ngồi tiếp chuyện anh ta. Sau vài câu hỏi xã giao theo thói quen “lịch sự giả” của Công an, anh ta đi vào vấn đề chính. Anh ta mở đầu: “Anh chưa được cấp hộ khẩu phải không?” Tôi trả lời “Thưa anh, chưa”. – “Chắc anh biết lý do rồi chớ?”. – “Thưa anh, tôi đâu biết lý do tại sao?”. – “Thôi được, tôi giải thích cho anh nghe. Anh là người Quê quán tại xã KK, nhưng lại ở tại thị xã thì khó mà nhập hộ khẩu được” – “Thưa, nhưng mà gia đình vợ tôi ở đây và quyết định của chính phủ cho tôi về sum họp với gia đình cũng cho phép tôi về sống tại đây”. – “ Tôi biết rồi, nhưng anh muốn địa phương cho anh nhập hộ khẩu, anh phải có gì đóng góp với cách mạng chớ?”. Tôi biết mình lại bị gài vào thế khó xử, nhưng vẫn giả bộ ngây thơ hỏi “Thưa anh, anh có thể giải thích cho tôi được không?”. – “ Thôi được rồi, tôi nói với anh thế nầy: Anh cần phải báo cáo với tôi hay công an huyện những biểu hiện tiêu cực gì anh ghi nhận được, ví dụ như biết được người nào có những tư tưởng hay hành động đi ngược lại đường lối, chính sách của đảng và nhà nước, anh nên báo cáo với cơ quan công an để giới chức có trách nhiệm theo dõi và giúp đỡ để họ tiến bộ, trở thành con người mới xã hội chủ nghĩa…Tôi hứa sẽ giữ kín những gì anh báo cáo, sẽ ghi nhận những cộng tác của anh và sẽ giúp đỡ anh được ở lại thị xã….” Tôi thật sự lúng túng không biết nên phản ứng thế nào, nhưng nghĩ lại có nói gì thì cũng vô ích. Tôi quyết định dùng chiến thuật “mua thời gian” rồi tùy cơ ứng biến. Sau vài phút lưỡng lự, tôi ngập ngừng trả lời “Thưa anh hoàn cảnh kinh tế gia đình của tôi quá eo hẹp, sợ không có thời giờ làm những điều anh dặn, nhưng tôi sẽ cố gắng”. – “Được, có gì anh cứ báo cáo thẳng với tôi cho tiện, đây là địa chỉ của tôi. Chúc anh khỏe mạnh…”. Tối đến tôi nói qua cho mẹ và vợ tôi biết “người khách lạ” đến nhà hồi xế là công an ở ty vào “làm việc”, nhưng không nói rõ các chi tiết vì sợ mẹ và vợ tôi lo. Mấy hôm sau đó tôi cố che dấu sự lo lắng, bồn chồn đang thiêu đốt trong lòng, cố tìm một phương cách tương đối ổn thỏa để giải quyết “ách nạn” đang đè nặng trong lòng. Cuối cùng tôi lại phải dùng phương cách “tự cô lập” như đã từng dùng trên trại.

 

(Tôi xin mở ngoặc để nói sơ về vụ “nhập hộ khẩu” của tôi. Khi còn ở trại 4 Kỳ Sơn, trại bắt tôi báo với gia đình làm đơn xin địa phương nhận cho cư trú sau khi được thả về. Tôi tin cho cha tôi làm đơn, nhưng địa phương (xã ấp) nơi sinh/trú quán của tôi không muốn nhận một Đại Úy “ngụy” như tôi. Sau đó tôi báo cho vợ tôi, lúc đó đang sống ở thị xã TK làm đơn xin thì được chấp nhận, vì vậy tôi khai địa chỉ của tôi khi được về là thị xã TK. Sau khi về, tôi xuống công an huyện để xin “nhập khẩu”, không may cho tôi là gã công an phụ trách phần hành nầy là người gốc quê tôi. Khi tôi trình quyết định tha do thủ tướng Phạm Văn Đồng ký, y đọc thấy quê tôi là xã KK. Y quay lại hỏi tôi “Sao anh lại về đây” Vì câu hỏi bất ngờ nên tôi chưa hiểu ý anh ta muốn nói gì, tôi hỏi lại “Thưa anh, anh hỏi vậy là sao?”. Y đưa tờ quyết định trước mặt tôi vừa chỉ vừa nói: “Quê anh là xã KK, sao anh không về trong đó mà lại về sống ở đây, ai cho anh về đây?” Tôi trả lời “Thưa anh, vì hồi đó gia đình tôi làm đơn xin cho tôi về KK, nhưng địa phương không nhận, nên tôi bảo vợ tôi làm đơn xin về đây, được thị xã nhận.

Trong quyết định phóng thích có ghi rõ cho tôi về sinh sống tại địa chỉ nầy”. Y trả lời “Không được, anh không được ở đây, anh phải về trong xã KK?” và đưa tờ quyết định trả lại cho tôi. Tôi cầm tờ quyết định và khiếu nại “Thưa anh, quyết định nầy do thủ tướng Phạm Văm Đồng ký, cho phép tôi về đây mà..” Y trả lời gay gắt: “Trên làm sai rồi, tôi không cho anh về đây, anh về xã KK trình diện xin nhập khẩu”. Tôi nghe thật lạ tai, một văn thư do thủ tướng ký mà bị một viên công an cấp thiếu úy phủ nhận, lại còn “phán” là “trên sai rồi”. Biết giải thích với một người có trình độ “đỉnh cao trí tuệ” loại nầy thì chỉ phí lời nói nên tôi lấy lại tờ quyết định rồi im lặng ra về. Sau vụ người công an của ty đến gặp tôi một thời gian, tôi được tin viên công an phụ trách việc “nhập hộ khẩu” đó đã được thay thế bằng một người khác, tôi đến công an huyện một lần nữa để xin “nhập hộ khẩu” thì được trả lời “anh phải có đóng góp gì với cách mạng thì mới được cứu xét…” .

Tôi lại cầm giấy tờ đi về. Từ đó tôi không bao giờ đến công an để xin nhập hộ khẩu nữa. Mãi đến năm 1989 có một công an là cha của một chú học sinh của vợ tôi đang phụ trách việc nầy, nghe vợ tôi nói tôi chưa có hộ khẩu nên đã bảo vợ tôi xuống công an anh ta sẽ giúp cho. May mắn cho tôi và gia đình, vừa nhập hộ khẩu và làm giấy “chứng minh nhân dân” cuối năm đó thì năm sau, 1990 có chương trình HO, nếu không thì không biết chúng tôi phải giải quyết thế nào với điều kiện kinh tế quá kiệt quệ như lúc đó…)

Tôi ở tù về khá trễ so với một số bạn bè của tôi ở cái thị xã nhỏ xíu nầy. Bạn tôi đa số vì có vốn liếng để lại cho vợ, lại về sớm nên đã ổn định được cuộc sống. Vì tôi thuộc loại “nghèo rớt mồng tơi” nên bạn bè cũ thương tình, thỉnh thỏang rũ tôi đi uống ly cà phê, ăn tô bún, tô mì…cho đỡ thấy tủi thân! Được bạn bè thông cảm rũ đi ăn uống nhiều lần mà tôi thì không đủ khả năng để “bao” lại bạn (có đôi lần tôi dành trả chỉ vài ly cà phê thôi mà bạn bè tôi vẫn nhất định không cho nên sau đó tôi không dành trả nữa! ). Nhân dịp nầy tôi thông báo cho bạn bè thân của tôi biết là tôi đang bị công an từ ty về “giao công tác” theo dõi anh em. Tôi dặn các bạn tôi từ nay cố gắng giảm tiếp xúc với tôi, nhất là đừng rủ tôi đi ăn uống gì ở các tiệm nữa. Làm như vậy tôi vừa có lý do để biện bạch với gả công an nói trên khi y vào “làm việc” lại vừa “giải” được cái mặc cảm “ăn bám” bạn bè hoài. Từ đó tôi bỏ hẳn thói quen uống cà phê mãi cho đến nay; Chỉ uống khi nào bạn bè bảo chứ không còn thấy “khoái khẩu” như những ngày xa xưa nữa! Sau khi áp dụng biện pháp “tự cấm vận” tôi thấy an tâm hơn, vì bạn bè của tôi cũng hiểu được thế “kẹt” của tôi nên ít tới lui. Tôi cũng đâm “lì” chả thèm đến công an huyện để xin nhập hộ khẩu nữa, cứ thản nhiên sống như một gã dân “lậu” ngay tại gia đình mình! Một thời gian sau tôi cũng quên hẳn cái “ách nạn” quái quỉ mà gã công an của ty công an Quãng Nam Đà Nẵng đã tròng vào cổ tôi….


Bặt đi một thời gian khá lâu, có lẽ hơn một năm, gã công an ở ty công an QN-ĐN lúc trước lại tìm vào “làm việc” với tôi. Lần nầy thì tôi không còn ngỡ ngàng nữa! Hôm đó là ngày cuối tuần, tôi về trên quê vợ để trồng khoai lang, y vào không gặp tôi nên hẹn với mẹ vợ tôi là chiều sẽ trở lại. Trưa vợ tôi vội đạp xe lên trên quê báo cho tôi biết để vể cho kịp hẹn. Khoảng 3 giờ chiều y trở lại. Vì tôi đã có chủ đích rồi cho nên tôi cũng không lo lắng lắm. Tuy biết rằng mình cũng sẽ phải “đấu trí” trong hoàn cảnh không cân sức, nhưng tôi vẫn bình tỉnh chờ đợi những “đòn” y sẽ ra rồi tùy cơ ứng biến. Sau những lời thăm hỏi xã giao, y vào đề bằng một câu khiển trách “Sao lâu quá mà không thấy anh viết thư cho tôi? Anh không muốn cộng tác với cách mạng hả?”. Nghe y đặt câu hỏi cũng thuộc loại “nặng ký” nhưng thấy thái độ của y không đến nỗi giận dữ nên tôi thầm nhận định rằng đây chỉ là một “đòn phủ đầu”, tôi cũng bớt lo. Bằng lời lẽ thật nhỏ nhẹ, tôi trình bày cho y thấy tình cảnh sinh hoạt của gia đình tôi vẫn khó khăn như mấy năm trước. Tôi nói “Thưa anh, thật tình thì bấy lâu nay tôi không có ghi nhận được gì cả. Anh biết đó, hoàn cảnh gia đình tôi như thế nầy nên tôi đâu có thời gian đi đâu. Chắc anh cũng biết, muốn thu lượm những tin tức như vậy thì cần phải la cà ở những quán ăn, tiệm cà phê hay những chỗ vui chơi, nhậu nhẹt…Anh cũng biết rõ (vì đương sự trước khi đến gặp tôi, hẳn y đã đến công an huyện để thu thập tin tức về sinh hoạt của tôi) là từ lâu tôi không hề vào quán xá nào cả, vì tôi không đủ tiền để đi uống một ly cà phê nói gì đến nhậu nhẹt, vui chơi. Thưa anh, tôi quá bận bịu với công việc kiếm sống nên không làm được chuyện gì như anh dặn cả. Anh khiển trách thì tôi chịu thôi chứ biết làm sao!”. Y nhìn quanh căn phòng trống trơn, vẫn cảnh nghèo túng như lần đầu y vào nhà…Y lại hỏi “ Anh không có thì giờ đi thăm bạn bè, vậy chớ anh không có bạn bè nào đến thăm anh sao? Họ không có nói gì với anh sao?” – “Thưa anh thỉnh thoảng thì cũng người đến thăm tôi, nhưng chúng tôi chỉ trao đổi chuyện sinh hoạt thường nhật mà tôi. Tôi nói thẳng với họ, hoàn cảnh gia đình của tôi quá khó khăn, tôi dồn thì giờ lo làm ăn để nuôi con, các anh đến thăm thì tôi cám ơn, nhưng tôi báo trước cho các anh biết, anh nào nói chuyện chính trị thì xin mời về dùm, tôi không có thì giờ để nghe những chuyện có nhiều rắc rối đó đâu!” Nghe giọng điệu của tôi có vẻ thành thật, vả lại y cũng đã được báo cáo những hành vi của tôi lâu nay, nên sau vài phút im lặng, y lên tiếng. “Thôi được, hoàn cảnh của anh như vậy thì tôi cũng thông cảm. Bây giờ anh viết cho tôi một tờ cam đoan là “không muốn cộng tác với cách mạng”. Đợi y nói xong, tôi trả lời “Như vậy là anh muốn giết tôi?”. Y có vẻ hơi ngạc nhiên khi nghe tôi nói câu đó. – “Sao vậy”, y hỏi. – “Thưa anh, anh bảo tôi làm tờ cam đoan như vậy không khác nào anh bảo tôi làm đơn xin đi ở tù!”. Y nhìn tôi mỉm cười. –“Thôi anh khỏi viết cam đoan, từ nay tôi không “làm việc” với anh nữa. Nhưng anh phải nhớ chỉ mình anh và tôi biết mà thôi. Anh không được nói lại với bất cứ ai, dù là vợ con”. – “Thưa anh, tôi hứa với anh là sẽ giữ kín”. Sau đó y ra về, và từ đó không thấy y vào nữa. Tôi thoát nạn, nhưng vẫn suy nghĩ mãi: Tại sao tôi lại bị gài làm “ăng-ten”?. Nếu công an muốn khó dễ tôi, muốn bắt tôi lại thì chúng bắt lúc nào chẳng được, cần gì phải “giao công tác” để lấy cớ bắt giam? Vả lại nếu chúng muốn gài tôi làm “ăng-ten” mà tôi không chịu làm gì cả và giải thích quanh như thế, chúng đâu có dễ dàng buông tha cho tôi! Tôi kết luận rằng đây chỉ là “đòn phép” bắn một mũi tên được 2 con chim. Nếu ai đó quá nhút nhát, vì tư lợi hay có tính phản bội thì sẽ có cơ hội để “tâng công”; Nhược bằng những người có tư cách, không chịu làm tay sai cho chúng thì phải tự cô lập mình… Biện pháp nầy có lẽ được áp dụng cho một số người mà khi ở tù bị chú ý để giới hạn sự quan hệ với nhau khi về sống trong xã hội.

Tôi kể lại sơ lược lại hoàn cảnh của tôi khi bị VC gài làm “ăng-ten” khi đang ở trong tù và khi trở về với gia đình để quí anh chị nào chưa bị VC giam tù cũng như anh chị nào chưa được “qua cầu” thì biết chút ít về nỗi “đoạn trường” đó. Khi lâm vào hoàn cảnh nầy thì nó chua chát lắm chứ không phải vui vẻ gì. Điều nầy khẳng định rằng một người làm “ăng-ten” cho VC dù khi đang hay khi đã được thả về với gia đình không phải đơn giản là “một sự yếu lòng”, vì hoàn cảnh hay môi trường sinh hoạt như có anh em nghĩ. Đây là một hành động của lý trí. Nếu là một người bình thường, gặp hoàn cảnh “éo le” bị VC gài, thì trước khi chấp nhận làm “ăng-ten” cho VC tất phải trăn trở, đấu tranh với bản thân rất gay go. Và nếu trong trường hợp không tìm được lối thoát: Hoặc là thẳng thừng từ chối để bị đi cùm, hoặc là miễn cưỡng làm nhưng không “hăng hái” như những người đã từng bị anh em cùng ở tù “ghi nhận thành tích”, như một số người mà cho đến nay vẫn còn bị anh em nhắc tên! Trong hoàn cảnh nghiệt ngã như trong tù VC thì số người bị VC mua chuộc làm “ăng-ten” cho chúng chắc chắn là có. Trong số nầy một phần là những người ít học, ví dụ như khi chúng tôi ở trại Sông Tranh có anh BS, một nghĩa quân viên rất hách dịch, hay ở trại 4 Kỳ Sơn có OVT, một chuẩn úy xuất thân từ cấp binh sĩ. Đối với những người như vậy chúng tôi chỉ tránh né chớ không khinh ghét. Nhưng với những người xuất thân là những sĩ quan thì không thể chấp nhận được! Những người từng làm “ăng-ten” trong tù VC, chẳng những bị anh em cùng ở tù khinh bỉ mà ngay cả bọn VC cũng xem thường. Tôi còn nhớ trong thời gian bị tù tại Kỳ Sơn do bộ đội VC quản lý, có “quản giáo” Nam, một người xuề xòa, thích xuống nói chuyện với chúng tôi. Có một lần anh Nam dặn chúng tôi đừng có nói chuyện nhiều với anh U (một cựu ĐU) vì anh ta sẽ báo cáo lại với “quản giáo” tất! anh Nam nói tiếp “ Anh U tưởng chúng tôi tin tưởng anh ta sao? Người cùng cảnh ngộ với ảnh mà ảnh còn không thương thì làm sao chúng tôi trọng ảnh được” Rồi hỏi tiếp chúng tôi “Các anh biết chữ “cảnh ngộ” chớ?”…

Thành phần làm “ăng-ten” cho VC trong tù thường là những người thiếu tư cách sẵn sàng luồn cúi kẻ thù; những kẻ ích kỷ, chỉ nghĩ đến những lợi ích cho bản thân mình, bất kể việc làm đó di hại đến ai!. Nhưng đáng tởm nhất là hạng người có học nhưng lại có bản tính phản bội, sẵn sàng “nhận giặc làm cha”, bán đứng bạn bè để hưởng lợi, hoặc những người có tâm lý bệnh hoạn, ưa lợi dụng hoàn cảnh để hảm hại anh em đồng cảnh ngộ!

Những người đã trót làm “ăng-ten” cho VC, về sau dù có được anh em tha thứ cho những hành động trong quá khứ do biết ăn năn hối cải nhưng không bao giờ phục hồi được tư cách, danh dự và phẩm giá của mình. Riêng đối với bản thân tôi thì như tôi từng khẳng định: Có 2 thành phần mà tôi không bao giờ kết bạn được đó là những tên làm nội tuyến và những kẻ làm “ăng-ten”!