Viên đạn cuối cùng |
Tác Giả: Trần Như Xuyên |
Thứ Bảy, 23 Tháng 6 Năm 2012 05:13 |
Tháng 8-1974, một trận đánh lớn xẩy ra tại Thường Đức giữa hai Lữ đoàn Nhẩy Dù của Quân lực VNCH và 3 Sư Đoàn quân Bắc Việt, trận chiến rất khốc liệt, sau 3 tháng quần thảo, số tổn thất của hai bên rất to lớn. Trận chiến đã trôi qua 37 năm, nhưng những người lính Nhẩy Dù năm xưa vẫn không quên âm vang của trận đánh và những đồng đội đã nằm xuống. ********* Tâm Anh bước những bước nhẹ trên hè đường Tự Do, cơn gió lạnh cuối năm khiến nàng khoanh hai tay lại suýt xoa. Những chiếc lá me khô lăn tròn như điệu nhạc luân vũ dưới chân nàng. Sài gòn năm nay được hưởng một cái lạnh khác thường, gần Noel rồi còn gì. Ngang qua Brodard, nhiều cặp mắt trong đó nhìn nàng, còn anh trong đó nữa đâu? Vậy là anh vĩnh viễn xa em rồi... Phải chi anh đừng mê đời lính, phải chi anh đừng mê súng đạn thì giờ này em đâu có cô đơn như thế này. Tâm Anh nhớ lại, cũng là Broadard này một ngày nào đó, ngày hai người còn quấn quýt bên nhau, khi đang ngồi uống nước, ngắm thiên hạ qua lại, bất chợt Chương nắm tay nàng: Cái ống hút rời khỏi đôi môi xinh xắn, nàng không ngạc nhiên nhưng có bàng hoàng. Tâm Anh chờ đợi ngày này sẽ đến và bây giờ nó đến, vậy mà vẫn không tránh được. Nàng hiểu tính Chương, thời gian gần đây, Chương luôn than phiền về một cái gì đó, không rõ ràng, có lúc Chương bảo sao chàng thấy thành phố này ngột ngạt quá, chỉ muốn xa khỏi đây, có lúc Chương đứng sững nhìn một người lính phía bên kia đường, lẩm bẩm: ”Vậy mà Trung nó chết cũng được nửa năm rồi” -Trung là một trong ba người bạn thân của chàng, cùng đang học Đại học, rồi cả ba bỏ đi lính. Khi mãn khóa, Trung chọn binh chủng Nhẩy dù, hai người kia chọn bộ binh và đổi đi xa, chỉ có Trung thỉnh thoảng về phép, rủ Chương và nàng đi chơi như ngày xưa, ngày mấy người còn vui chơi với nhau chung một nhóm. Trung đen hơn nhưng rắn rỏi, mỗi lần về, Trung say sưa kể về một trận đánh nào đó mà anh tham dự, nàng bắt gặp ánh mắt Chương rực sáng khi nghe Trung nói chuyện. Thế rồi Trung không còn dịp về nữa để kể chuyện chiến trường cho Chương nghe, anh đã hy sinh trong một trận đánh ở đâu đó, nàng không nghĩ Chương lại nối gót theo mấy người kia sớm tới như thế. - Anh bỏ đi như vậy, còn tình yêu chúng mình, còn em thì sao? Cuối năm 1972, chiến trường đã qua đi những trận đánh lớn, tháng giêng 1973, Hiệp định Paris được ký kết đúng với sự mong đợi của Hoa Kỳ và VC. Về phía Hoa Kỳ, có người bảo nhiệm vụ của họ đã xong, tức chiến lược toàn cầu của họ đã hoàn tất, giờ Mỹ có thể rút hết quân về nước, để hai bên VN giải quyết với nhau, đúng ra phải nói là để miền Bắc giải quyết miền Nam vì Mỹ không giữ lời cam kết là sẽ yểm trợ chính phủ VNCH. Trong khi miền Nam đơn độc chiến đấu thiếu cả về vũ khí lẫn viện trợ kinh tế thì CS Bắc Việt lại được sự yểm trợ to tát của toàn khối CS. Về phía Bắc Việt, ký kết Hiệp định Paris là cơ hội để họ xâm chiếm miền Nam, khi người Mỹ bắt đầu rút quân thì cũng là lúc CS đem quân ồ ạt vượt qua vĩ tuyến 17, chúng hoàn thành con đường đông Trường Sơn để chuyển quân và vũ khí được nhanh hơn, xe cộ và bộ đội rầm rộ chuyển vào như chỗ không người, trước đây chúng không dám ngang nhiên như vậy vì sợ B52 và quân ta phục kích. Hiệp ước Paris qui định ai ở đâu thì yên đó nhưng với VC, có khi nào ta tin được chúng. Kinh nghiệm cái Tết Mậu thân còn đó. Tuy quân VC gia tăng nỗ lực chuẩn bị cho cuộc chiến nhưng chúng vẫn chưa nắm vững không biết người Mỹ có quay trở lại hay không nếu chúng mở các cuộc tấn công lớn. Qua nhiều cuộc lấn chiếm thăm dò, Mỹ vẫn giữ thái độ im lặng, chúng quyết định mở một cuộc tấn công và nơi chúng lựa chọn cho cuộc thử thách này là Thường Đức, nếu chúng thắng cuộc chiến ở đây, chúng sẽ đưa quân thẳng ra biển, chia cắt miền Nam làm hai và sự sụp đổ của VNCH chỉ đếm từng ngày. Thường Đức là một quận nhỏ thuộc tỉnh Quảng Nam, được tách ra từ Quận Đức Dục, nằm phía Tây Đà Nẵng trên liên tỉnh lộ 4, cách Quốc lộ 1 khoảng 40 cây số. Đây là một điểm chiến lược quan trọng, coi như tiền đồn của của Đà Nẵng. Thường Đức trước kia là một trại LLĐB Mỹ, xây dựng kiên cố với những hầm ngầm bê tông cốt sắt.
VC tấn công Thường Đức với SĐ 304 (SĐ Điện Biên), SĐ 324 và nhiều Trung Đoàn tăng cường cùng các đơn vị Pháo và xe tăng. Quân trú phòng chống cự mãnh liệt, TĐ 79 BĐQ chiến đấu dũng cảm, gây thiệt hại to lớn cho quân tấn công; phía trú phòng cũng bị thiệt hại, Trung Tá Quân Trưởng bị thương nặng, Th/T TĐT /79 BĐQ cũng bị thương và gọi pháo bắn ngay trên đầu. Sau gần 10 ngày chống cự, với quân số địch quá đông và các họng pháo ở những ngọn đồi chung quanh bắn trực xạ vào Thường Đức, Quận bị thất thủ. Lo sợ cho Đà Nẵng, Tướng Trưởng xin Bộ TTM cho SĐ Dù tham chiến, Lữ đoàn 1 gồm 3 TĐ: 1,7 và 9 được không vận từ SG bằng C130 xuống Đại Lộc. Đường vào Thường Đức rất bất lợi cho quân giải tỏa, chỉ có một con đường độc đạo là liên tỉnh lộ 4 từ ngoài Đại Lộc tới Thường Đức mà hai bên đường có nhiều ngọn đồi mà VC đã chiếm, thiết lập công sự phòng thủ kiên cố trong vách đá, trong đó có ngọn đồi 1062, từ đây chúng có thể kiểm soát mọi sự di chuyển trên LTL4. VC đã chiếm ngọn núi này trước khi chúng tấn công Thường Đức vì chúng biết thế nào phía ta cũng đem quân giải cứu Quận lỵ này. Lữ đoàn 1 dàn quân xuất phát mà ưu tiên phải chiếm được ngọn đồi 1062, họ biết là quân VC đã sẵn sàng đợi họ ở đây. Tiểu Đoàn 1 của Chương được chỉ định chiếm ngọn đồi này, đường tiến quân rất khó khăn vất vả, phải băng qua những khoảng trống mà pháo của chúng đã có tọa độ sẵn, rồi các đồi đá phải vượt qua, bứng những chốt Cộng quân cài chung quanh để cầm chân bước tiến của quân Dù. Khi gần tới được gần 1062, TĐ1 đã bị một số tổn thất nhưng nhiệm vụ trước mắt vẫn là làm sao phải chiếm cho được ngọn đồi này để kiểm soát con đường nằm phía dưới dẫn vào Thường Đức. TĐ1 dàn quân dưới chân đồi 1062, một cái lưng yên ngựa phải vượt qua trước khi tới sát được dưới chân đồi, địch từ trên cao có lợi thế hơn và hầm hố chúng xây dựng trong hốc đá kiên cố với nhưng cây cổ thụ to được chúng cưa làm nóc hầm. Cả hai Đại Đội Dù được pháo binh yểm trợ xung phong chiếm mục tiêu nhưng gặp sức kháng cự mãnh liệt của địch, cối 120 ly và hỏa tiễn 122 ly được địch bắn xối xả vào vị trí quân Dù. Những mục tiêu tác xạ chúng đã tiên liệu trước và tiền sát của chúng từ những ngọn đồi chung quanh gọi pháo chính xác, suốt một ngày, Dù bị cầm chân. Đại Đội Chương mất một Th/U Trung đội trưởng và 5 binh sĩ cùng khoảng một chục bị thương. Lệnh từ TĐ cho ĐĐ Chương lùi lại, bố trí tuyến phòng thủ đêm lấy sức cho cuộc tấn công ngày hôm sau. Rạng sáng, ĐĐ Chương, bọc qua hướng khác, nơi có nhiều dốc đá thẳng đứng, hướng này địch có lơ là vì không nghĩ Dù sẽ chọn để tấn công. Pháo ta dồn dập đổ xuống đỉnh đồi, địch co cụm trong hầm hố tránh pháo, lính Dù bám từng hốc đá âm thầm leo lên ,khi gần tới đỉnh đồi, họ đồng loạt khai hỏa xung phong. Dù dùng lựu đạn ném xuống hầm, bị bất ngờ, chúng hốt hoảng bung hầm chạy. ĐĐ Chương chiếm được đồi 1062 nhưng ngay lập tức, địch pháo kích dữ dội với đủ loại pháo từ những ngọn đồi chung quanh. Lính Dù nhờ có hầm hố kiên cố sẵn của bọn chúng, tránh được nhiều thiệt hại. ĐĐ Chương được lệnh bố trí giữ ngọn đồi, sáng hôm sau sẽ có một ĐĐ bạn lên tăng cường nhưng tối đó, Chương không thể giữ được ngọn đồi mà suốt ngày hôm nay đã đổ bao xương máu mới chiếm được. Mới chập tối, địch pháo tàn sát ngọn đồi rồi cho nguyên một Trung đoàn xung phong tái chiếm. Ở tuyến phòng thủ phía Tây, Th/U Thành, một Trung đội trưởng xuất sắc của Chương gọi máy cho biết địch rất đông, đang tràn ngập mục tiêu, Thành xin pháo binh bắn ngay trên đầu. TĐ cho lệnh Chương rút xuống, Chương gọi máy cho lệnh, không có tiếng Thành trả lời, tuyến của Thành bị tràn ngập. Thành bị nguyên một băng AK nát hết người. Khi lính của ĐĐ rút hết, Chương xuống sau cùng, chàng gọi pháo dập xuống đỉnh 1062. Lúc Chương đang lao xuống gần chân đồi, một trái pháo nổ ngay cạnh Chương, không biết của ta hay của địch, Chương thấy tối tăm mặt mũi và rồi không biết gì nữa.
Cuối cùng, người ta đã cứu được Chương thoát lưỡi hái của tử thần nhưng không cứu được cái chân của anh, và khuôn mặt, một mảnh pháo chém sạt một bên má. Khi tỉnh lại, Chương biết mình bị thương nặng lắm, cái đầu cuốn trong băng trắng xóa và đau nhức khủng khiếp. Chương cũng biết mình mất mất một chân. Các Bác Sĩ khi thấy Chương đã đủ khỏe, họ cho anh biết sự thực về khuôn mặt, họ nói sẽ cố gắng đắp vá cho anh nhưng không thể nào có được hình hài như xưa. TĐ cho một người lính thân cận của Chương ở hẳn Bệnh viện để chăm sóc anh cùng với chiếc xe jeep. Đầy, người Hạ sĩ theo Chương từ ngày Chương gia nhập Nhẩy Dù. Đầy là người lo cho anh từ cái ăn, cái ngủ như người mẹ hiền, giờ vẫn cạnh ông thầy. Khi ông thầy bị thương quá nặng, vẫn chăm sóc anh từng li, từng tí. Chương không cho Đầy báo gì Tâm Anh biết, cho đến một ngày, Chương dặn dò Đầy đến cho Tâm Anh biết tin nhưng là một cái tin Đầy thấy khó khăn để nói. - Chú Đầy, Trung Úy không về hả, có thư không vậy chú? Đầy không nói gì cả, anh bước vào trong nhà, tay cầm chiếc mũ béret đỏ xoay xoay trong tay. Nhìn cử chỉ khác thường của Đầy, Tâm Anh biến sắc, nàng đưa tay lên ngực: gì thế này, có chuyện gì xẩy ra cho Chương rồi sao, đừng nói gì không may nghe chú Đầy, sao mặt chú lại buồn thế kia, đừng, chắc không có gì đâu, có gì nói đi, nói đi chú Đầy. Sau một chút ngập ngừng, Đầy lên tiếng: - Xin cô bình tĩnh, mời cô ngồi xuống, Trung Úy Chương đã hy sinh, ở mặt trận Thường Đức, quân địch tràn ngập mục tiêu, chúng tôi không lấy được xác Trung Úy, Trung Úy đã chiến đấu dũng cảm nhưng địch đông quá. Tâm Anh choáng váng mặt mày, nàng buông rơi mình trên ghế, không còn nghe những gì Đầy đang nói tiếp. Thế đấy anh ơi, sao giản dị quá: Trung Úy đã hy sinh. Câu nói thật đơn giản mà như đất trời sụp đổ, bao nhiêu người đã được nghe những câu đơn giản như thế này, bao nhiêu cõi đời tan nát? Hạ sĩ Đầy đã hoàn thành nhiệm vụ được Chương trao phó, một nhiệm vụ khác thường trong bao nhiêu việc Chương đã bảo anh làm trước đây. Công việc chút nữa đã không hoàn thành khi Đầy nhìn thấy sự đau khổ tột cùng trên gương mặt Tâm Anh. Nhờ là một người lính tác chiến sắt đá nên đã kềm chế được mình vì anh hiểu những gì ông thầy mình muốn cho quãng đời còn lại của ông ấy và nhất là cho Tâm Anh. Đầy cũng thương ông Trung Úy của mình không kém gì Tâm Anh, có điều hai tình thương khác nhau; với Đầy, Chương là một cấp chỉ huy gương mẫu, can đảm và thương yêu binh sĩ hơn cả tình đồng đội, những ngày ở Bệnh viện, đã bao lần Đầy ngăn nước mắt khi nhìn Chương trong hình hài không còn nguyên vẹn. Tâm Anh bỏ ngang việc học, nàng không còn tâm trí để nghĩ đến sách vở, nàng đi hát để tìm quên. Nhờ làn hơi thiên phú, chỉ trong thời gian ngắn, tiếng ca nàng vút cao trong nền ca nhạc ở Sài Gòn, nhiều nơi săn đón mời nàng hát cho phòng trà của mình, Tâm Anh chọn chỉ hát độc quyền cho Tự Do, một phòng trà mà lúc còn sống Chương rất thích. Ở đây, nàng như thấy Chương của một ngày mà Hey Jude, don’t let me down, ngày hai người quấn quýt bên nhau với tiếng hát của Billy Shane, của Strawberry Four. Nàng cũng thuộc lòng câu thơ Chương làm cho nàng trong một lần lên Đà Lạt thăm Chương về: Anh cứ sợ rồi mình sẽ quên nhau
Cứ mỗi tối, đúng 10 giờ, Tâm Anh xuất hiện trên sân khấu Tự Do, sau lời giới thiệu, nàng bước ra trong chiếc áo dài lộng lẫy, Tâm Anh cúi chào khán giả, mái tóc ngang vai xõa xuống che khuôn mặt u buồn, nàng hất mái tóc ra phía sau, giọng hát cất lên, nàng hát như gửi hồn vào một thời nào đó, có lúc nức nở như gửi tiếc thương cho một ai ở nơi xa xôi. Xong bài hát, người bồi mang lại mảnh giấy nhỏ đưa cho Tâm Anh, nàng liếc nhanh: ”Người đi qua đời tôi, cám ơn.” Quái lạ, mấy tuần nay, cứ đúng thứ bẩy, nàng lại nhận được mảnh giấy yêu cầu bài hát Người đi qua đời tôi, chắc vẫn là người khách này. Tiếng hát cất lên: “Người đi qua đời tôi, trong những chiều đông sầu...” Giọng Tâm Anh như nức nở “Anh đi qua đời em, có nhớ gì không anh?...” Hết phần trình diễn của mình, Tâm Anh ra về, nàng ngập ngừng trước cửa: vị khách kia chắc có một tâm sự buồn lắm, cùng tâm trạng như mình. Nàng đưa tay nhìn đồng hồ, để hôm nào mình phải gặp vị khách đó để thăm hỏi xem sao. oOo Sáu tháng sau, Tâm Anh lấy chồng, cũng một người trong Quân đội. Trong căn gác nhỏ, Chương nghĩ thôi thế cũng xong, mình đã chẳng từng cầu mong Tâm Anh được hạnh phúc hay sao, ngày rồi cũng lụi tàn, mình coi như đã chết trong Tâm Anh và nàng coi như đã xa khỏi đời mình. Chương bật cười - như cái chân nó cũng xa khỏi đời mình. Chương nhớ đồng đội khôn tả, nhớ những lúc băng mình trong lửa đạn, nhớ tiếng reo hò xung phong chiếm mục tiêu. Rồi tình hình chiến sự trong những ngày kế tiếp hết sức khẩn trương, Ban mê Thuột có thể thất thủ, Chương theo dõi báo chí và tin tức trên đài phát thanh. Đầy chạy đi chạy về hậu cứ Tiểu Đoàn cho Chương biết TĐ hiện đang ở đâu, làm gì. Tình hình càng ngày càng xấu đi, Lữ Đoàn đang chống giữ tại Khánh Dương, rồi đang đánh nhau ở Long Khánh... Chương giật mình, Long Khánh à, vậy là gần quá rồi, sao mà lại nhanh như vậy, mới đây thôi, mình còn làm cho chúng tan hoang ở Thường Đức mà. 29 tháng Tư, Đầy chạy vội lên căn gác: - Ông thầy, Tiểu Đoàn mình đang giữ cầu xa lộ, VC với xe tăng đang tiến từ Biên Hòa xuống, chắc sẽ đụng lớn ở đây. Chương nhỏm dậy, với tay lấy bộ quần áo hoa dù mặc vào người, dắt theo khẩu colt hấp tấp hỏi Đầy: - Có đúng Tiểu đoàn đang ở cầu xa lộ không? Chiếc xe Đầy lái chạy như bay qua ngã ba Hàng Xanh, quẹo theo hướng xa lộ, dọc đường, Chương thấy dân chúng nhốn nháo, có người sách cả đồ đạc như chạy loạn, chiếc xe chạy tới giữa cầu thì ngừng lại, lính Dù bố trí dọc theo hai bên thành cầu, có pháo rớt chung quanh. Chương chống nạng tới chỗ có mấy cái cần ăng ten, Trung Tá TĐT Tiểu đoàn Dù mà Chương phục vụ trước đây đang nói chuyện trên máy. Chương bước tới đứng nghiêm chào vị TĐT, người cách đây mấy tháng đã cùng anh xông pha trong lửa đạn ở Thường Đức. - Trời ơi Chương, cậu tới đây làm gì, lui xuống dưới kia, tụi nó sắp tới, có cả tăng nữa, lui xuống. Vị Tiểu Đoàn Trưởng Dù nhìn Chương trừng trừng, môi ông run run, một người vào sinh ra tử cả bao nhiêu trận, bỗng dưng thấy lòng chùng xuống, ông chào Chương, một thượng cấp chào thuộc cấp, chưa bao giờ Chương gặp trường hợp như vậy... Chàng lọc cọc chống nạng bước đi, cúi nhặt khẩu M16 của ai vứt cạnh đó cùng sợi dây ba chạc. Có tiếng Đầy: - Ông thầy chờ em, em đi cùng với ông thầy. Hai thầy trò xách 2 cây súng, ngồi dựa vào thành cầu, những người lính Dù đang nhắm súng vào hướng địch, có tiếng súng nổ từ hướng bên kia đầu cầu, tiếng đạn AK mà cả hai đã từng nghe quen, Chương lẩm bẩm: bài hát sao mà đúng thế, tai nghe quen đạn thù, chàng cao giọng: - Nhẩy Dù cố gắng nghe Đầy. Tiểu Đoàn Dù đã thiết lập được hai lô cốt tạm ở đầu cầu hướng về phía nhà máy xi măng Hà Tiên, bộ binh địch bắt đầu xông lên nhưng chạm phải Dù bắn trả, chúng lùi lại rồi xốc tới, một lần rồi hai lần, chúng bị chặn lại. Chưa bao giờ đánh nhau mà không được một sự yểm trợ nào cả như lần này, từ pháo binh tới phi cơ, Chương và Đầy nhắm vào toán VC gần chân cầu, lâu rồi Chương mới cầm khẩu M16 mà bắn như vậy, không còn lệnh lạc, không còn chỉ huy, chỉ còn nhắm quân thù mà bắn. Buổi tối, địch thôi tấn công, đêm yên lặng, thỉnh thoảng nghe tiếng pháo kích hướng Tân sơn Nhất và những tràng đạn nổ ở đâu xa nghe như pháo tết. Đầy kiếm được bịch gạo sấy và hộp thịt ba lát, Chương không ăn, hai thầy trò nằm cạnh nhau, trời trong và đẹp, những vì sao trên cao không sáng bằng sao ở Thường Đức. Đầy kể cho Chương nghe về những người người lính trong Đại Đội đã hy sinh ở đấy, về những người bạn ĐĐT và Trung đội Trưởng đã nằm xuống, Chương nhớ vô cùng những người lính trong ĐĐ trước đây, mỗi lần nói chuyện với họ, Chương luôn thấy ấm áp và một sự khoan khoái trong lòng, những người mà mới chuyện trò với họ hôm qua, hôm nay đã hy sinh, chịu đựng gian khổ và hiểm nguy, để được gì ngoài tình yêu quê hương. Đêm mấy tháng trước ở đó đâu có yên lặng như thế này, mà chắc cũng không yên được lâu đâu, chúng đang chuẩn bị đấy, khi chúng im lặng là chúng đang chuẩn bị cho cuộc tấn công tiếp theo. Không biết cả hai thiếp đi được bao lâu, có tiếng súng nổ ran từ phía đầu cầu. Trời mờ sáng, địch bắt đầu tấn công. Chương và Đầy gom mấy dây đạn lại. Chúng xuất hiện ngay dưới chân cầu, những người lính Dù chuyển đổi vị trí ẩn nấp. Có tiếng ì ì từ xa, xe tăng địch tới. Chẳng còn gì ở đây cả, chỉ còn ít cây M72, mấy ngày nay, Dù vừa di tản vừa phải chiến đấu, đạn dược, lương thực đã cạn, chưa được tiếp tế. Hai chiếc xe tăng địch đi đầu khai hỏa, địa thế trống trải, chúng bắn dọc theo cầu, pháo tăng nổ cấp tập trên mặt cầu, quân Dù rút dần về phía đầu bên này, một viên đạn pháo xe tăng nổ ngay chỗ Đầy nằm cách Chương mấy thước, Chương bò tới, Đầy bị trái pháo nát bấy người, nhìn thấy Chương, anh chỉ kịp thều thào “Trung Úy...” rồi ra đi. Chương nắm tay Đầy, vuốt mắt cho người lính thương yêu, người đã sống chết với anh bao lâu nay nơi chiến trường và săn sóc Chương trong những ngày đau đớn. Chiến tranh chưa ngưng, còn tàn hại tới giây phút cuối cùng, chàng nắm cây M16 nghiến răng bắn một loạt về phía mấy tên VC đi đầu. Tiếng tăng mỗi lúc mỗi gần, Chương tuyệt vọng, mấy tháng trước mình đã không chết ở Thường Đức, giờ mình chết ở đây, cũng không sao, Chương rút khẩu colt, lên đạn. Tiếng xe tăng nghe càng rõ dần, nhìn Đầy nằm bên cạnh, anh thì thầm: “Thầy trò mình có nhau, Đầy a!ỉ”. Một tiếng vang lên, không phải Chương đang lao xuống từ ngọn đồi 1062, anh đang lao xuống một vực sâu, sâu lắm. Trưa 30 tháng Tư, sau khi Dương văn Minh tuyên bố đầu hàng, dân chúng xuôi ngược trên cầu xa lộ nhìn thấy xác hai người lính Nhẩy Dù, trong đó có một người cụt mất một chân và tay họ nắm chặt lấy nhau.
VIẾT THÊM CHO LỜI KẾT
Trong số những người hy sinh của SĐ Dù, có nhiều ĐĐT và Trung đội trưởng, Đại Úy Ngụy văn Đàng, một ĐĐT của TĐ 3 Dù đã phải gọi pháo binh và phi cơ dội ngay trên đầu mình vì địch quá đông, tràn ngập điên cuồng trong chiến thuật biển người. Khi tìm được xác anh, ĐU Đàng chết trong thế ngồi, mắt mở trừng trừng, người đầy vết đạn, anh chết mà chúng vẫn tiếp tục bắn vào anh. Người bạn thân cùng khóa 25 Võ Bị với Chương là Đại Úy Võ Thiện Thư, Đại Đội trưởng ĐĐ34 cùng Trung Úy Tô văn Nhị khóa 26 lên tiếp cứu cho Đàng cũng đã chiến đấu dũng mãnh. Địch xử dụng 1 Trung đoàn, cuồn cuộn biển người, cuối cùng, cũng như Đàng, Thư đã gọi pháo binh bắn ngay lên đầu khi bị địch tràn ngập, cả hai hy sinh. Khóa 26 VB về Nhẩy Dù 10 Sĩ Quan thì nội trong trận Thường Đức cũng đã hy sinh 5 người. Các Sĩ quan tốt nghiệp Trường Võ Bị Đà Lạt phải trải qua một hành trình 12 năm ở Tiểu học và Trung học, 4 năm tại Trường Võ Bị, tổng cộng 16 năm, tốt nghiệp cấp bậc Thiếu Úy, những người sẽ là rường cột của Quân Đội sau này, nhưng chỉ cần một viên đạn, ngay trận đánh đầu tiên, đã hy sinh, có uổng phí không? Không, người Sĩ Quan Hiện dịch là như vậy, cần được tôi luyện trong khói lửa. Hơn 5 tháng sau trận đánh tàn khốc này, miền Nam rơi vào tay Cộng Sản. Một sự thật đau lòng bởi sự phản bội của người Mỹ, cả một Quân đội hùng mạnh bị trói chân, trói tay trong cuộc chiến tuyệt vọng. Ở Thường Đức, Nhẩy Dù đã anh hùng chiến đấu giữ vững được bờ cõi, những năm tháng trước đó, ở Quảng Trị, Bình Long, Kontum, Qưân lực VNCH đã chiến đấu dũng cảm, rồi bao trận đánh oai hùng năm xưa. Khi người Mỹ đã xong công việc, họ gọi là cuộc rút quân trong danh dự, thật ra đây là cuộc rút quân nhục nhã, cuộc rút quân phản bội, chỉ tội nghiệp, ta đã hy sinh uổng phí, mấy trăm ngàn người chết để đổi lấy một kết cuộc bi thảm. Bây giờ bỗng dưng nổi lên có những người mà năm xưa khi khói lửa chiến tranh, họ còn nhỏ, chưa phải cầm cây súng, chưa biết thế nào là chết chóc, chưa có cảm giác khi đồng đội ngã xuống bởi đạn thù, tóm lại, họ chẳng phải hy sinh gì hết, giờ họ lớn tiếng hỏi các Tướng lãnh (Quân Đội) đã xin lỗi nhân dân chưa? Câu hỏi thật lạ, chính họ phải xin lỗi những người đã nằm xuống vì đất nước, vì sự an toàn cho họ, họ phải xin lỗi vì sự nhởn nhơ ngoài vòng chiến mà bao người khác đã chết thay cho họ, những Don Quichotte thời đại cầm kiếm múa may, họ nghĩ rằng Quân Đội phải chịu trách nhiệm trong việc miền Nam bị mất mà họ thì không chăng? Một Don Quichotte khác lớn tiếng thóa mạ các Tướng Lãnh hèn nhát, làm mất nước, lạ một điều, những người này chưa hề cầm súng chống lại quân thù trong cuộc chiến vừa qua, những người này khi đất nước chìm trong lửa đạn, họ vắt mũi chưa sạch, nhưng giờ họ làm như thể nếu họ chỉ huy thì ta sẽ không thua. Các Tướng có hèn nhát không? Tướng Nguyễn viết Thanh, Tướng Đỗ cao Trí, Trương quang Ân đã hy sinh tại mặt trận, 5 vị Tướng đã tuẫn tiết không đầu hàng giặc, còn bao nhiêu Sĩ Quan khác nữa mà họ là những anh hùng trong bóng tối, họ có hèn không? Chương, cho đến khi dành viên đạn cuối cùng cho mình, nằm xuống mà vẫn không hiểu tại sao miền Nam lại mất, bao nhiêu bạn bè, đồng đội anh cũng đã nằm xuống mà không biết mình bị phản bội, giá biết được, liệu họ có liều hy sinh cho một điều vô lý như thế? Họ là những người lính, mà người lính lúc nào cũng nghĩ tới nhiệm vụ và thi hành lệnh. Xin kính chào những người lính Quân lực Việt Nam Cộng Hòa đã nằm xuống cho quê hương. |