Trận Cuối |
Tác Giả: Tưởng Năng Tiến |
Chúa Nhật, 10 Tháng 6 Năm 2012 05:59 |
"Từ máy thâu thanh cô nàng hát nhanh, trọn kiếp thương anh lính trẻ xa nhà, tôi là người đi lính miền xa, nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu... nhưng giữa rừng già tôi có thấy gì đâu..."
- Bản này mày ca tới hơn bản Xuân này con không về, mà đều mày đừng có nhắm mắt lại … - Sao vậy ? - Mày đui, mắt toàn tròng trắng không hà, mở ra hay nhắm lại thì cũng "có thấy gì đâu". Làm như vậy làm chi cho nó mất công mà tao ngó sao mắc cười quá hà… - Ờ... Sáu Mù ờ rất yếu và mặt thoáng trầm ngâm. Y bị tật nguyền đã mười năm mà vết thương, đôi lúc, tưởng chừng như vẫn chưa kéo da non. Một va chạm nhẹ vẫn có thể gây ra cái cảm giác đau đớn khó chịu. Bảy Què đang cười bỗng khựng. Nhìn mặt bạn nó biết liền là mình vừa giễu dở nên vội vàng biện bạch, khỏa lấp : - Cũng như tao vậy, mày thấy có khi nào tao ca bản "đường còn dài nhưng chân cứng đá mềm" mà hồi tụi mình học ở Vương Mộng Hồng đâu. Còn có một giò mà cứ làm bộ ắc ê đếm nhịp "một, hai, ba, bốn; một, hai, ba, bốn" hoài coi nó kỳ thấy mẹ ! - Vậy bữa nào rảnh mày dợt cho tao bài Người Nghệ Sĩ Mù đi. Bản đó tao hát nghe mà không rớt nước mắt tao làm con mày. - Bản đó mới vô làm sao cà? Bảy Què băn khoăn đưa tay lướt nhanh trên phím đàn mò nốt. - Tự nhiên tao cũng quên mất tiêu. Tao nhớ là hồi đó mình hay nghe ở cái quán cà phê gì ngoài Ðà Nẵng đó. Lúc mới vô đầu in tuồng có tiếng đờn, rồi tiếng tiền cắc thẩy vô lon nghe keng, keng... - Thôi tao nhớ rồi... Bản này của Hoàng Thi Thơ, Hùng Cường ca chớ đâu. Rồi Bảy Què lấy giọng vô luôn: "Ai dừng chân nơi đây buông lòng theo câu ca. Tôi ngồi trong bóng tối nghe đời đi ra xa... " - Nó đó... - Mà không được đâu... - Sao vậy ? - Hát bản này nghe giống như hai thằng mình đi ăn xin vậy. Tụi mình đâu có đi hát dạo kiếm ăn. Mình có trách nhiệm đàng hoàng mà, đúng không ? - Ờ . Lần này Sáu Mù " ờ" mạnh hơn và thốt nhiên nghiêng đầu nở một nụ cười rạng rỡ. Y luôn luôn thấy thích thú, vui vui sướng khi nghe Bảy Què nhắc đến chuyện " trách nhiệm " của hai thằng. Sáu Mù không nói ra được những điều mình biết và mình nghĩ trong lòng rành mạch như Bảy Què nhưng y khoái nghe bạn nhắc đi nhắc lại " nhiệm vụ " và " ý nghiã " này nọ. Có bữa cao hứng Bảy Què còn nói lung tung về tác dụng của chiến tranh tâm lý, tác dụng của nhạc trong tâm hồn quần chúng... Sáu Mù thiết tha được nghe cũng như Bảy Què khát khao được nói. Cả hai không bỏ lỡ cơ hội nào để bồi đắp niềm tin về cái ý nghiã xa xôi, mơ hồ nhưng cao đẹp cho phần đời thân tàn ma dại còn lại của hai thằng. Thường ngày hai thằng ngồi bên ngoài chợ trời. Bảy Què bầy đồ nghề trên một cái bàn xếp chỉ lớn bằng bề mặt hai cuốn tập và cái bảng nhỏ cạnh bên: "Vô Mực Ruột Viết Bic và Sửa Hộp Quẹt Zippo Giá Rẻ". Sáu Mù thì không làm được chuyện này. Y vừa ngồi thổi sáo vừa bán sáo. Cái nghề này kiếm ăn không khá. Sáu Mù sống lây lất được là nhờ sự đắp đổi của bạn. Ðiều này vẫn thường làm cho y buồn và mang nhiều mặc cảm. Bảy Què cứ phải an ủi hoài hoài : - Mày kiếm tiền không nhiều được bằng tao nhưng mày có dịp thổi sáo cả ngày. Cái lợi là mình làm cho những người khách qua đường được nghe tới nghe lui bản "Lòng Mẹ"," Con Thuyền Không Bến"... - Lợi làm sao ? Bảy Què đã nói cả trăm lần như vậy rồi mà lần nào Sáu Mù cũng ráng hỏi lại. - ... Thì đ.m... người ta nghe mấy bản nhạc đó thấy đã tai hơn là nghe mấy bản nhạc chướng tai của tụi nó. Từ đó người ta nhớ thời cũ và càng chán cái thời chó đẻ này. Làm được như vậy là kể như tụi mình đang chiến đấu rồi. Cái này kêu bằng chiến tranh tâm lý mà Sáu! Thiệt ra cái kêu bằng "chiến tranh tâm lý" này không phải là ý kiến của Bảy Què. Y chỉ lập lại những điều mà anh Hai hay nói cho tụi nó nghe thôi. Hai thằng quen anh Hai lâu rồi. Bữa đó, chợ trời bị bố ráp, rượt bắt một trận tơi bời. Bảy Què mất hết đồ nghề, mất luôn cây nạng. Sáu Mù cũng quờ quạng sao đó để mất luôn hết lưng vốn của mình, hai chục cái ống sáo. Sáu Mù cõng bạn chạy mà mệt muốn đứt hơi. May mắn gặp được anh Hai. Aûnh bỏ hai thằng lên xe chở tuốt về xóm. Từ đó anh Hai trở thành người anh kết nghĩa và ân nhân của hai thằng. Sáng, anh bốc hai thằng bỏ lên xe chở ra chợ. Chiều, anh cho hai thằng về. Lâu lâu còn có bữa anh "vớt" hai thằng về sớm hơn giờ đã định, đưa ra đường Hàm Nghi uống rum Lebon và nhậu củ kiệu với hột vịt bắc thảo. Anh Hai không bị đui, cũng không bị què. Anh chỉ bị chột mắt thôi. Anh Hai không bao giờ nói cho Bảy Què và Sáu Mù nghe về dĩ vãng của mình. Thường ảnh hay trầm ngâm và buồn. Lâu lâu anh Hai mới nhỏ giọng, nghiêm trang nói chuyện với hai thằng, với giọng nói rất chân tình và thuyết phục. Từ anh Hai mới có chuyện "chiến tranh tâm lý": "Cuộc chiến của mình vẫn đang âm thầm tiếp diễn trên mọi mặt trận. Hai em phải thấy, tụi nó chiếm được thành mà không chiếm được lòng người thì chưa kể được là thắng; hiện tại tụi nó không những đã làm mất lòng người mà còn mất luôn cả lòng sĩ tốt của nó nữa. Chung cuộc tụi nó sẽ thua.Vấn đề của anh em mình bây giờ là phải chiến đấu, đóng góp toàn lực trong khả năng riêng của từng thằng để rút ngắn con đường đưa đến chiến thắng càng sớm càng tốt..." Ðã nhất là anh Hai làm cho Sáu Mù và Bảy Què thấy rằng tụi nó không phải là kẻ tàn tật đứng bên lề cuộc đời. Tụi nó vẫn có khả năng, không những chỉ để sinh tồn mà còn để chiến đấu chống lại kẻ thù nữa. Từ đó, mỗi buổi chiều trở về xóm nhỏ thay vì chỉ nằm hát nghêu ngao chơi cho đỡ buồn thì Sáu Mù và Bảy Què dượt nhạc ráo riết. Mỗi tuần hai thằng được bà con vỗ tay tán thưởng, chia xẻ với niềm tin chung mãnh liệt của tất cả mọi người: cuộc chiến vẫn cứ đang tiếp diễn. Lúc anh Hai tới thì Bảy Què và Sáu Mù đang cãi cọ về bản Sài Gòn Vĩnh Biệt. Sáu Mù thích chơi bản đó nhưng bị Bảy Què cự nự: -Người ta chán nghe hát tới hát lui "Sài Gòn ơi anh xin hứa rằng anh trở veà" rồi! Nghe láu cá chết mẹ. Có thấy ai về đâu nào? - Nhưng mà - Sáu Mù nhỏ nhẹ - bà con vẫn cứ mong chớ đâu có chán. Mình ên mày không thích rồi mày nghĩ ai cũng vậy sao? Anh Hai can thiệp: - Thôi trễ rồi nha hai đứa. Thì cứ để cho thằng Sáu nó ca; bản nào bà con vỗ tay nhiều thì hát tiếp không thì tuần sau bỏ. Bốc hai thằng lên xe, đạp ra khỏi con hẻm rồi anh Hai mới hỏi: - Chiều nay tụi mày tính "hành quân" ở đâu đây? - Cho tụi em xuống trạm xe buýt ở góc Trương Công Ðịnh và Nguyễn An Ninh đi. - Hát ở ngay đó tụi công an nó đá cho dập mật à. - Ðâu có, tụi em đón xe lên Tân Cảng mà. Thì cũng làm y chang như mấy lần trước vậy. Ði xe đường dài, khúc nào khách không chen chúc quá đông thì mình làm vài bản. Lần quần chiều nay mà tụi em chơi chừng hai chục bài là coi như tạm đủ để trả nợ núi sông rồi. - Ðược - anh Hai tán thành – "kế hoạch hành quân" vậy là tạm ổn. Nhớ đừng chơi "Giã Từ Vũ Khí" nha, mấy cha. Cái gì mà "trả súng đạn này anh sạch nợ sông núi rồi", nghe rầu quá hà. Sáu Mù bắt liền: - ... anh chẳng còn chi, chẳng còn chi ngoài con tim héo em ơi. Xin trả lại đây, trả lại đây... - Thôi mà Sáu - Bảy Què dấm dẳn - sao mày toàn thích toàn mấy bản nhạc yếu xìu không vậy ? Cụt hứng, Sáu Mù tắt đài, chống chế bâng quơ : - Bị nó làm tao nhớ ông thượng sĩ Tâm, ổng già rồi mà hay ca: "rồi anh sẽ qua thăm nhà em, với miếng cau với miếng trầu ta làm lại từ đầu.." nghe thấy đã. Tới trạm vừa kịp lúc xe đến. Anh Hai đẩy Bảy Què lên trước rồi dắt Sáu Mù lên sau. Trước khi quay đi anh không quên dặn: - Chừng bảy giờ tao chờ tụi mày ở đây nha. Ở ngay trạm chính xe chật ních người. Bảy Què đút gọn cái nạng dưới gầm ghế, ôm sát cây đờn ghi ta để đứng trước ngực, ngồi che một khoảng nhỏ vừa đủ cho Sáu Mù dựa lưng vào thành xe và bó chặt hai đầu gối. Xe ngừng ở trạm Nguyễn Du rồi Pasteur. Người xuống nhiều hơn người lên. Sàn xe bắt đầu có khoảng trống đủ rộng có thể di chuyển dễ dàng. Bảy Què đẩy bạn lết ra giữa đường đi và bắt đầu dạo đờn nhè nhè làm cho mọi người chú ý. Theo đúng chương trình hai thằng sẽ mở đầu bằng bản "Trên Ðầu Súng": "Trên đầu súng quê hương, Tổ quốc đã vươn mình. Trên lưỡi lê căm hờn, hờn căm như triều sóng. Ôi xôn xao chiêng trống hối thúc đã giục giã khắp chốn rộn ràng. Ôi lửa thiêng dậy bập bùng tay lửa tay vung kiếm. Trên đầu súng xâm lăng xiềng xích với bạo tàn. Trên lưỡi lê nô lệ cùm gông phải đổ nát... " Người nghe không những chỉ chú ý mà còn hơi sửng sốt. Hát dạo trên xe buýt không phải là một hiện tượng xa lạ nhưng nói đến "nộ lệ," "cùm gông"... thì quả thực là những chữ lạ tai và đã tai! Nhắm thấy có bộ được, Bảy Què và Sáu Mù tiếp luôn bản "Cờ Bay": "Cờ bay, cờ bay oai hùng trên Tổ quốc thân yêu thề chiếm lại nay mai bằng máu. Cờ bay, cờ bay tung trời ta về với quê hương dang ngóng đợi quân ta tiến về... Ðón nhau về anh đưa em về Gio Linh, Cam Lộ, Ðông Hà. Sạch bóng thù, đồng ta xanh với nắng mới, vang câu hát tự do." Bản nhạc chấm dứt nhưng không ai vỗ tay. Bảy Què ngước nhìn lên và bắt gặp một hai người đang lấy tay chùi nước mắt. Y xúc động đến bối rối và cũng muốn khóc theo luôn. Y vừa đờn, vừa nói thầm với chính mình nhiều lần "nhảy dù cố gắng" để ngăn cho nước mắt khỏi chẩy. Sáu Mù thì chưa cảm nhận được kịp phản ứng của thính giả, vẫn tiếp tục say mê ngồi hát. Chương trình tiếp nối bằng một bản nhạc đơn ca "Trên Bốn Vùng Chiến Thuật: "Năm hai mươi mốt tuổi, tôi đi vào quân đội mà lòng chưa hề yêu ai. Người yêu tôi mới quen mà thôi.." Năm hai mươi mốt tuổi, Sáu Mù cũng đi vào quân đội. Tiểu Ðoàn Chín Nhảy Dù. Và người con gái y mới quen mà thôi ở quận Thượng Ðức - cách đây đã mười năm - mãi mãi vẫn còn trong tâm tưởng như một chiếc bóng đậm mầu. Lúc đơn vị đang tiến chiếm đồi 1062 thì Sáu Mù bị thương ở mắt. Y được trực thăng đưa thẳng về Tổng Y Viện Cộng Hoà. Giữa cái lúc nằm đau xót, mê man trên máy bay, Sáu Mù vẫn cứ nhớ và tiếc một điều: y đã không có dịp để nói với người ta một câu từ tạ, dù là "tạ từ trong đêm!". Mắt Sáu Mù được giải phẫu xong đúng bốn ngày thì Sài Gòn thất thủ. Y bị đẩy ra khỏi bệnh viện để dành chỗ cho phe thương binh thắng trận. Sáu Mù vĩnh viễn "giã từ ánh sáng" kể từ lúc đó. Cũng từ đó, không có thêm một người con gái nào lọt được vào đôi mắt trắng giã của y nữa. Trong cái bóng đêm dài hết một đời này, thỉnh thoảng, vẫn lóe sáng hình ảnh của hai người đàn bà: người mẹ và người con gái tóc thề mà Sáu Mù chưa kịp hỏi tên ở quận Thường Ðức. Những lúc lần dò, lê la ngoài hè phố hay trên xe buýt như thế này, tự thâm tâm Sáu Mù vẫn vừa mong mỏi, vừa lo sợ một điều: bất ngờ gặp lại được mẹ hay cố nhân. Khi bản nhạc chấm dứt thì Sáu Mù không còn thể nào ngăn được nước mắt đã lăn nhẹ trên đôi gò má gầy đến xương của y. Nhiều hành khách khác cũng khóc. Không khí trên xe trầm lắng đến nặng nề. Mọi người đều im lặng, thẫn thờ như họ đang bị thôi miên. Tài xế và lơ xe vẫn thi hành phận sự một cách bình thường, như không có chuyện gì quan trọng xẩy ra, dù nét mặt của cả hai bỗng nghiêm và buồn … thấy rõ! Ðứa bé bán chuối chiên cẫn trọng gói một trái chuối bự nhất, nhẹ nhàng mang đến đạt vào tay Sáu Mù. Cái cảm giác nong nóng ở tay khiến y biết ngay là có một người nào đó đã động lòng và dấm dúi cho mình một phần lương thực. Sáu Mù không cảm thấy bị xúc phạm, y chỉ càng tủi thân thêm. Mãi đến lúc đó nhiều người mới nhìn thật kỹ Sáu Mù và Bảy Què. Họ chợt nhận ra trước mắt mình là hai người thương binh - dù quân phục đã cũ nát, tả tơi và phù hiệu đơn vị đã bạc màu - chứ không phải là những kẻ ăn xin hát dạo như thường thấy. Sáu Mù đã cảm nhận được hết cái không khí thương yêu chia xẻ quanh mình. Y xúc động đến run người. May mắn là sự mù lòa giúp cho y đỡ bối rối hơn là Bảy Què trong lúc này. Bảy Què phải cúi gầm mặt xuống, tránh những ánh mắt chứa chan thiện cảm của những người xung quanh. Cảm tình của thính giả làm cho Bảy Què luống cuống. Bần thần một hồi y mới lấy lại được bình tỉnh. Y vội vàng chuyển nhịp, chơi bản "Hội Nghị Diên Hồng": "Toàn dân nghe chăng, sơn hà nguy biến? Hận thù đằng đằng, biên thùy rung chuyển... Toàn dân Tiên Long, sơn hà nguy biến ! Hận thù đằng đằng nên hòa hay chiến?" - Quyết Chiến!. Tiếng hô đáp bất ngờ của nhiều người trong xe khiến Bảy Què và Sáu Mù tưởng như có một luồng điện chạy qua người. Không riêng gì hai thằng mà có lẽ là tất cả mọi hành khách đều xúc động mãnh liệt. Sau đó có đến hơn chục người cùng cất cao giọng hát chung với hai thằng. Xe ngừng lai ở một vài trạm kế tiếp, không ai xuống! Lác đác chỉ có người lên. Mặc kệ cho những người mới bước lên xe ngơ ngác, Bảy Què, Sáu Mù và nhiều hành khách trên xe cứ hát. Sau khi "chiều" theo mọi người hát đi hát lại bản "Hội Nghị Diên Hồng" đến lần thứ ba, Bảy Què mới chuyển nhịp qua được bản "Mẹ Việt Nam Ơi Chúng Con Vẫn Còn Ðây": "Nhưng mẹ ơi, giờ đây sao mẹ khóc ? Hai vai gầy run rẩy nát tâm can. Lệ hồng pha Bến Hải nước tràn dâng. Áo nâu nghèo mẹ khóc để phơi thân. Một đàn con giờ quên ơn nuôi dưỡng. Súng đạn cầy tan nát luống quê hương... Mẹ lòng đau thương xót cảnh lầm than, xót xa nhiều phương Bắc chiếm phương Nam. Nhưng mẹ ơi, mẹ đừng than khóc nữa. Vì chúng con của mẹ vẫn còn đây..." Xe đến Tân Cảng, trạm cuối. Bản nhạc cuối cùng cũng vừa vặn chấm dứt ở đó. Mọi người lục tục xuống xe. Họ đi qua chỗ hai thằng, không quên nhét vội vào túi tụi nó những đồng tiền lẻ. Có người lục tìm mãi túi mình rồi bối rối nhét đại vào áo Sáu Mù một ít... thuốc rê! Hai thằng ngồi sượng sùng đón nhận những câu nói "cảm ơn" nho nhỏ và những đồng tiền, những món quà rơi như mưa vào người mình. Riêng Bảy Què thì không dưng mà chợt nhớ đến cái lúc mà y ngượng ngập, cúi đầu nhận vòng hoa chiến thắng, từ tay của em nữ sinh Trưng Vương, vào một buổi sáng (nào đó) đã xa lắc, xa lơ... . Trong đám hành khách, có hai người không móc tiền mà cũng không móc thuốc. Họ rút từ trong người ra khẩu K.54 dí vào ót của hai thằng. Cái cảm giác thép lạnh làm Sáu Mù điếng người. Hắn ú ớ lên tiếng hỏi : - Làm cái gì vậy ? - Về đồn rồi biết... Bảy Què hốt hoảng : - Tụi tui làm gì mà bắt chớ ? - Làm việc cho CIA chống phá cách mạng chứ còn làm gì nữa. Ðám đông hiếu kỳ còn đang kinh ngạc, tần ngần, nghe đến mấy chữ "CIA" liền bước nhanh xuống xe, vội vàng tản mát ra xa. Tay phải cầm súng, tay trái nắm cổ áo của Sáu Mù và Bảy Què, hai người đàn ông lực lưỡng lôi hai thằng xuống xe như lôi hai con chó! Chuyến xe buýt cuối cùng Tân Cảng - Sài Gòn đã đỗ trạm từ hồi xẩm tối nhưng anh Hai vẫn neo xe chờ Sáu Mù và Bảy Què cho đến tận khuya. Anh biết chắc hai thằng em mình "thua" rồi nhưng vẫn cứ chờ. Làm sao mà bỏ đi liền cho đặng ? Ngày xưa khi còn là một hoa tiêu trực thăng anh Hai cũng đã đi đón hụt nhiều chuyến như vậy rồi. Cái cảm giác mất mát lúc mang máy bay về không giữa đêm trường bao la sau khi đón hụt những toán biệt cách không làm cho anh thấy khổ sở và bứt rứt khủng khiếp như bây giờ. Hút đến điếu thuốc cuối cùng rồi anh Hai leo lên xe lầm lũi đạp ra hướng sông, sông Sài Gòn. Bờ sông vắng , nước đen, gió lạnh. "Sông đưa người rồi cũng mỏi mòn trông!" Anh Hai lẩm nhẩm một câu thơ chợt len vào trí nhớ, và chưa bao giờ thấy mình cô đơn như vậy. Anh nghĩ đến những thằng bạn đồng ngũ còn lận đận ở tận những phương trời xa xôi và tiếp tục lẩm nhẩm:"Tụi nó đều còn nguyên vẹn hết mà đã mười năm rồi, sao không thấy đứa nào quay trở lại. Trận chiến này chưa chấm dứt đâu mà …"• |