Hát Xoan : sự hồi sinh của một môn nghệ thuật giao duyên |
Tác Giả: Trọng Thành |
Thứ Tư, 07 Tháng 12 Năm 2011 22:41 |
Hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản nhân loại là một tin vui đối với những người yêu âm nhạc cổ truyền.
Hát mó cá trong môn nghệ thuật Hát Xoan (theo Báo ảnh Việt Nam) Môn nghệ thuật Hát Xoan của tỉnh Phú Thọ (Việt Nam) vừa được UNESCO - Tổ chức văn hóa, giáo dục của Liên Hiệp Quốc -, công nhận là « Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại cần phải được bảo vệ khẩn cấp », vào ngày 24/11/2011. Việc UNESCO công nhận Hát Xoan là một cơ hội quan trọng cho phép môn nghệ thuật này tiếp tục con đường hồi sinh. Hát Xoan được UNESCO công nhận là di sản nhân loại là một tin vui đối với những người yêu âm nhạc cổ truyền. Hồ sơ dự tuyển của Hát Xoan Phú Thọ đã được nhiều nhà nghiên cứu nghệ thuật Việt Nam và quốc tế chuẩn bị rất công phu từ nhiều năm nay. Đây là hồ sơ duy nhất nhận được sự đồng thuận hoàn toàn của Ban thẩm định và đánh giá là hồ sơ tốt nhất trong số 10 hồ sơ đệ trình trình đợt này. Hát Xoan, một môn nghệ thuật cổ truyền gắn với vùng đất truyền thuyết của các vua Hùng, được nói đến khá nhiều trên các phương tiện thông tin đại chúng, nhưng thực sự còn tương đối ít được công chúng rộng rãi biết đến. Không ít người cho rằng, Hát Xoan đơn điệu và cổ lỗ, và có một thái độ « kính nhi viễn chi » đối với thể loại nghệ thuật cổ truyền này. Trên thực tế, Hát Xoan đã một thời mai một. Sau cuộc chiến tranh Đông Dương lần thứ nhất, Hát Xoan gần như không còn được tổ chức tại các phường hát vùng Phú Thọ. Số người biết Xoan và có thể truyền dạy cho lớp trẻ chỉ còn đếm được trên đầu ngón tay. Rất may mắn là trong thời gian khoảng hai mươi năm trở lại đây, việc phục hồi lại Hát Xoan đã được một số cơ sở văn hóa tại Việt Nam rất chú trọng. Việc UNESCO công nhận Hát Xoan là một cơ hội đặc biệt quan trọng cho phép môn nghệ thuật này tiếp tục con đường hồi sinh. Trong tạp chí hôm nay, RFI chuyển tới quý vị, tiếng nói của các nhà nghiên cứu âm nhạc và nhạc sỹ về Hát Xoan. Khách mời của chúng ta là nhạc sỹ Đặng Huỳnh Loan và giáo sư Tô Ngọc Thanh từ Hà Nội, giáo sư Trần Quang Hải từ Paris và nghệ sĩ Trần Lãng Minh từ California. Hát mùa phồn thực ngay trước ban thờ Trước hết, giáo sư, nhạc sỹ Đặng Huỳnh Loan, nguyên Phó viện trưởng Viện Âm nhạc Việt Nam, cho chúng ta biết một cách tổng quan về nghệ thuật Hát Xoan Phú Thọ. Nhạc sỹ Đặng Huỳnh Loan là người phụ trách chính của hồ sơ Hát Xoan Phú Thọ, trình UNESCO. Cái nữa là, âm nhạc Hát Xoan có giai điệu hết sức mộc mạc, nhưng lại dễ nghe. Nó khác với Quan họ Bắc Ninh, hay các hình thức nghệ thuật khác, được rất nhiều nốt nhạc tô điểm, có nhiều biến hóa, … Điểm đặc biệt là, ở Hát Xoan, ngay trong một điệu hát cũng có sự « chuyển giọng » rất đột ngột, và sự chuyển giọng ấy gây cho nghệ thuật Hát Xoan có một hấp dẫn khác. RFI : Thưa anh, nghệ thuật Hát Xoan vừa là môn ca hát đối đáp để giao duyên nam nữ, vừa là một môn múa hát để thờ thần, tại một trung tâm sinh hoạt văn hóa tín ngưỡng của cộng đồng. Vậy, xin anh cho biết, giữa hai hoạt động này, quan hệ với nhau như thế nào ? Sau chặng hát mời vua, vua đã về ngự tọa tại đình làng, thì bắt đầu sang chặng, gọi là hát « Quả Cách ». Chặng hát Quả Cách ra đời sau này. Nếu đúng ra, sau khi mời vua về xem con dân ca hát, tức là những bài hát dân gian, những bài hát trao duyên, nhưng đến thời Lê, khi Nho giáo phát triển cực thịnh thì các thầy đồ, các nho sinh, ở vùng văn hóa đồi gò, tham gia vào trong tục Hát cửa đình này (tên gọi khác của Hát Xoan). Và như vậy, ra đời một chặng hát xen vào giữa : hát Quả Cách. Nội dung của hát Quả cách cũng là ước mơ sinh sôi, đồng thời cũng là cảm xúc, tình cảm của các nhà văn đối với mùa xuân, mùa thu, mùa đông, … và đặc biệt là cái cảm giác của họ, cái ý nghĩ của họ, cái ca tụng của họ với bốn nghề gắn liền với đời sống của các cư dân vùng gò đồi : Sĩ, Nông, Công, Thương. Trong nghề Nông, thì có chăn trâu, đánh cá, cấy lúa, Thứ nhất là điệu Đi Chơi Bợm Gái (tức đi chơi bạn gái). Điệu này thể hiện cái tinh thần, thể hiện cái thèm khát của nam giới trước nữ giới, và người nữ giới cũng thể hiện cái thèm khát của mình trước người nam giới. Và cái điệu thứ hai, thể hiện sâu sắc cho ước vọng sinh sôi, cho các phồn thực ấy, là nằm trong điệu Mó Cá. Mó Cá là điệu hát mà các cô đào xoan vòng tay làm thành lưới, và các chàng trai đứng giữa làm cá. Khi ấy, các chàng trai muốn thể hiện mình là người bắt cá, chứ không phải thụ động là con cá, vì vậy cho nên các anh chàng cá, thì lại biến thành các trai làng, và nhảy ra vồ vào các cô đào, với các điệu hát hết sức phồn thực. Và cùng với điệu hát ấy, các cô đào cất lên một tiếng hát rất hay : « là vông, vông tập, vông tập, tầm vông ». Vông tập, tầm vông, cái tiết tấu của nó như thách thức, như chào mời, như chờ đón những chàng trai làm cá nhảy ôm vào cái lưới. Chính điệu múa ấy là kết thúc đêm mời vua về xem con dân ca hát. Bình thường ta vẫn nghĩ rằng, ở trước bàn thờ phải hết sức nghiêm túc, hết sức rụt rè, thì ở đây là việc mời vua về xem, con dân ca hát, xin được mùa màng tốt tươi, xin được hạnh phúc, Thang ba nốt nhạc : dấu vết âm nhạc cổ sơ Giáo sư âm nhạc dân tộc học Trần Quang Hải cho chúng ta biết đặc điểm của âm nhạc Hát Xoan, một loại nghệ thuật rất cổ, với những ai chưa quen, cần phải có cách nghe thì mới cảm thụ được vẻ đẹp của nó : Hát Xoan bao gồm hát, múa, thơ và có tiết tấu. Ở trong các "điệu" khác tại Việt Nam, không có đủ hết những cái đó. Ví dụ như trong Nhạc cung đình, chỉ có nhạc và múa thôi, chứ không có hát, đối đáp, trong Quan Họ, chỉ có hát đối, hát đáp mà không có tiết tấu, còn trong Ca Trù, chỉ có hát, đờn mà không có múa. Bến đò - nơi mở đầu cho sự giao tình Hát Xoan không chỉ dừng lại ở đình hay miếu, không gian của Hát Xoan trải rộng từ trung tâm của làng cho đến bến đò. Chính ở bến đò, nơi phường hát từ làng bạn cập bến, là nơi bắt đầu cho một sự giao tình. Giáo sư Trần Quang Hải mô tả : Trần Quang Hải : Có những tục lệ riêng, thí dụ như ở hai phường An Thái và Phú Đức, cùng qua cái sông sang Đức Bắc, ở hai bến đò khác nhau. Trai Đức Bắc đem trống cơm ra đón xuân ở cả hai nơi. Tất cả các chuyện ấy cho thấy, lúc đó là người ta bắt đầu ca hát [làm quen] để giao duyên. Có những nơi, người ta thấy rằng, hai bên hát chung với nhau thì nó vui, rồi đến khi chót cùng, người ta mới hát giã từ với nhau. Hát giã từ là các loại "múa cá" này kia, rồi có lúc bắt đầu bằng hát "đố chữ", … mà [nếu vui], cũng có thể là hát thêm qua một đêm thứ hai. Tức hứng và tự nhiên, cái hấp dẫn trong nghệ thuật Hát Xoan RFI : Điều này rất là hay. Cái mà giáo sư nói, cho thấy giai đoạn chưa phải là chính thức : hát ở bến đò, hát để mời nhau, để tìm hiểu nhau, lại chính là cái giai đoạn gây một cái hưng phấn. Đây chính là lúc hai bên bắt đầu một đợt hát kết giao, đợt hát trải dài qua các chặng hát trong đình, sẽ khép lại với cuộc hát giao duyên hết sức sinh động trong phần kết. Hát giao duyên trong khuôn khổ của nghệ thuật Hát Xoan cần phải được hiểu như thế nào ? Xin Giáo sư hé mở thêm một vài giá trị của phần này ! Các câu chọc ghẹo được trao đổi, chọc ghẹo nghiêm túc, chứ không phải là lả lơi. Thí dụ như, cậu trai hát mời đào, khi nhận được quả Đúm, hát : « Đúm này kết ở tay ta, nào đào hát Đúm đâu là đứng lên ; nhác trông mơn mởn màu da, đào ơi đứng dậy, đôi ta hát thờ ». Cô đào đến lượt, mới trả lời : « Đúm ơi, ta dặn Đúm nghe, tìm nơi quần trắng, áo the, Đúm vào. Đúm vào, người hỏi làm sao, em là quả Đúm, em vào kết duyên ». Trong phần hát giao duyên này, hai phía đều tức hứng với nhau, chứ không phải là học thuộc bài. Tức hứng hát theo chỉ một giai điệu, với lời thay đổi. Khi hát một câu lục bát, theo điệu tình tính tang, tang tính tình, cả nhóm hát, bên kia đáp lại cùng điệu với lời thay đổi : « Ai về, về có nhớ, nhớ ta chăng. Ta về, về ta nhớ, nhớ hàm răng cô mình cười », tình tính tang, tang tính tình. Bên kia lại đáp lại : « Người đâu, đâu gặp gỡ, gỡ làm chi. Trăm năm, năm nào biết, có duyên gì, gì hay chăng », rồi tiếp tình tính tang, tang tính tình. Khi người con trai nhận được Đúm hát, phía bên cô gái nếu ưng ý sẽ trả lời lại. Rồi một cô khác cầm quả Đúm khác, liệng cho một cậu khác. Mà chỉ có các cô gái liệng Đúm, chứ con trai không liệng Đúm. Chúng ta, ai cũng biết, cái dải đất Việt Nam gắn liền với sông nước, cho nên trong thể hiện của Hát Xoan, chúng tôi thấy rõ ràng, có những hình ảnh, có những sinh hoạt, … ví dụ : « Ba mươi, ta đi ăn cá rô, mùng một cá ở sông Thao cá về, mùng hai cá đi ăn Thề, mùng ba cá về, cá vượt Vũ môn, … Làm trai lấy được vợ khôn, khác nào cá vượt Vũ môn hóa rồng… ».
|