Home Văn Học Điểm Sách Điểm sách “Đời thủy thủ” của Vũ Thất

Điểm sách “Đời thủy thủ” của Vũ Thất PDF Print E-mail
Tác Giả: Hoàng Lan Chi   
Thứ Năm, 26 Tháng 7 Năm 2012 21:25

“Đời Thủy Thủ” của Vũ Thất, xuất bản từ 1969 và tái bản 2012 là cuốn truyện lôi cuốn tôi xem hết trong một ngày. Tựa đề đã nói lên nội dung quyển sách. Cuộc đời của người lính sông nước sẽ là những khám phá thú vị cho người ngoài giới Hải quân. Không những thế, “Đời thủy thủ” còn hấp dẫn cả với chính những người hải quân muốn tìm lại chút kỷ niệm của một thời xưa cũ.

 

Tổng quát:

Trước kia thuở nữ sinh tôi thích “Đời phi công” nhưng bây giờ nhìn lại thì thấy có vẻ hơi hời hợt vì chỉ là chuyện tình thơ mộng lãng mạn và rất ít kiến thức về đời sống không quân được trình bầy.

“Đời thủy thủ” không phải thế. Trong “Đời thủy thủ”, tôi đã được biết cuộc sống của người lính trên một chiến hạm ra sao. Tất cả những nét khái quát đã được tác giả trình bầy. Đó là điều cần thiết vì người ngoài như chúng tôi không cần biết đến những chi tiết nhỏ nhặt.

300 trang, 15 chương và một chương kết. Bìa trình bày nhã, mang dấu ấn đại dương ở mầu xanh nước biển của nền, một chuyến tầu bồng bềnh, huy hiệu hải quân ở một góc. Hình ảnh hơi mờ nhạt không được sắc nét. Hình ảnh này theo tác giả cho biết đó là sự mô tả con tàu hải hành trực chỉ Hoàng Sa vào một chiều mù sương đầy sóng gió. Mặt sau là tiểu sử giản dị với hình ảnh Vũ Thất trầm tư ngắm nhìn vùng sông nước lặng lờ. Cũng mặt sau, còn có các cảm nhận ngắn gọn nhẹ nhàng của bốn bạn văn về quyển truyện.

Vũ Thất mở đầu với Chương 1 là chuyện tình của thiếu úy Bằng với một nữ sinh Gia Long. Chương kết là mẫu đối thoại với một người tình khác học y khoa. Cái đầu là dở dang để dẫn dắt độc giả đi vào thế giới “những người đàn ông trên chiến hạm”. Cái cuối cũng lửng lơ như con tàu đi vào vùng biển mênh mông... Còn lại 14 chương với khoảng 4 chương kể chuyện tình, vài chương đan xen nửa tình nửa biển, và còn lại là thuần túy sinh hoạt thường ngày của một chiến hạm. Sự phân bố dàn trải như vậy tôi cho là hợp lý. Người đọc không quá mỏi mệt với chiến trận kéo dài và cũng không quá “ngán ngẩm” với những mẩu chuyện tình thời hiện sinh yêu cuồng sống vội. Những trang cuối là phụ bản“Chiến thắng Vũng Rô năm 1965” với đầy đủ hình ảnh các chiến lợi phẩm như là một minh họa cho chương mô tả một trận đụng độ lớn nhiều ngày với bọn cộng sản xăm lăng.

Đời sống trên chiến hạm của người thủy thủ là những mảnh đời Thật, những bức tranh Thật và rất thú vị với tôi, một người ngoài quân đội.

Bên cạnh đó, những câu chuyện tình của nhân vật chính thì “bay bướm” quá, chính xác là khoảng bốn mối tình với bốn người con gái chừng như chỉ cốt để trình làng một Thiếu úy Hải quân hào hoa! Tôi cho rằng nếu Vũ Thất xây dựng cấu trúc khác, một mối tình Thật với một nữ sinh “con nhà lành” như một bến chọn kiểu “cây đa đình làng” thì sẽ hợp ý với nhiều độc giả hơn. Nhưng như vậy thì đâu còn cái “huyền thoại” về các chàng áo trắng mỗi bến bờ một bến đỗ?

Đời thủy thủ

Cái đặc sắc nhất của truyện là đời người lính biển trên chiến hạm. Tôi thú vị đọc. Điều trước nhất tôi cảm nhận là kỷ luật quân đội. Xuyên suốt truyện, Vũ Thất cho ta thấy người sĩ quan Hải quân – và nói chung sĩ quan quân đội Việt Nam Cộng Hòa - đã được đào tạo rất bài bản. Đầu tiên là việc tẩy rửa cuộc sống học trò lè phè bằng phương pháp sắt thép mệnh danh là trò chơi huấn nhục. Kỷ luật được thiết lập hợp lý. Kiến thức chuyên môn được trang bị đầy đủ. Riêng trên chiến hạm, thủ tục đón và tiễn hạm trưởng được viên thiếu úy trẻ mới ra trường viết bằng một giọng văn dí dỏm. Có một câu Vũ Thất nhớ ngay khi học “Huấn Thị Điều Hành Căn Bản Chiến Hạm” - và tôi cũng nhớ ngay là: “Hạm trưởng có toàn quyền sử dụng mọi biện pháp để duy trì an ninh trật tự, để bảo vệ sinh mạng và tài sản quốc gia”. Vũ Thất đã viết như sau: “Tôi rất hài lòng với quyển Huấn Thị. Muốn trở thành một hạm trưởng, tôi phải qua từng ban ngành, phải rành rẽ từng ban ngành cùng với những mối quan hệ đồng bộ giữa chúng. Yếu kém về bất cứ ngành nào cũng khiến việc chỉ huy mất hiệu quả”.

Qua từng ban ngành là qua từng ban ít rắc rối đến ban chuyên môn cao. Đó cũng là một nét hay của… đời thủy thủ. Sau hai năm rèn luyện nơi quân trường, viên Thiếu Úy trẻ phải tập sự từ những việc dễ nhất trên tàu. Sĩ quan mới ra trường trên chiến hạm phải bắt đầu bằng phụ trách ban ẩm thực. Rồi đến vận chuyển, trọng pháo, truyền tin, hải hành. Mỗi ban một chuyên môn hơn, rắc rối hơn. Điều đó giúp cho người hạm trưởng sau này biết rõ mọi thứ trên ngôi-nhà-chiến-hạm-của-mình. Và tôi, tôi rất hài lòng với những người lính như thiếu úy Võ Bằng trong truyện. Họ đã được dạy dỗ cẩn thận ở quân trường, họ thực tập nghiêm chỉnh ở chiến hạm, họ ý thức được nhiệm vụ và trách nhiệm sau này của họ đối với tổ quốc và đồng bào. Và tất cả bắt đầu bằng tình chiến hữu. Tình chiến hữu đã được tác giả mô tả ở nhiều khía cạnh. Một trong những khía cạnh năm trong sự mô tả của tác giả về công việc “sĩ quan ẩm thực”. Các sĩ quan này thường được “o bế’ vì các thủy thủ hay tiêu trước mượn sau.

Qua sự chỉ dẫn của hạm trưởng, hạm phó cùng các nhân viên chuyên ngành khác, thiếu úy Bằng đã được học và tôi, độc giả thì được biết! Một số thú vị đó là “hải hành trong sương mù chả khác gì hiệp sĩ mù nghe gió kiếm. Con tàu phải lắng nghe tiếng còi để tránh nhau. Khi ‘thấy’ nhau thì coi như đã muộn. Tàu không phải thắng như cái xe đạp. Thắng là giảm và lùi máy” (Trang 75).

Hay “phải nhận dạng phi cơ. Nếu không nhận dạng được thì cứ phải coi tất cả là …địch. Tàu phải chạy chữ chi. Tàu nào của ta cũng sơn cờ trên nóc đài chỉ huy để phi cơ nhận dạng.” (Trang 87). Tôi bật cười khi Vũ Thất dí dỏm: “Học bao nhiêu thứ mệt quá. Bây giờ lại phải học nhận dạng phi cơ! Xem chừng không dễ. Chiếc nào chẳng có mũi, có thân, có cánh, có đuôi? Vậy khác nhau ở chỗ nào hả trời?” Thiếu Úy Bằng “kêu trời” ở tuổi 22 lúc đó chả khác gì chúng tôi kêu trời ở tuổi 20 khi nhá mấy công thức hóa học. Xem ra mảnh bằng hạm trưởng nào có dễ gì hơn mảnh bằng đại học của chúng tôi?

“Mùi đất liền! Chỉ những ai đi biển lâu ngày mới nhận ra mùi hương tuyệt diệu đó” (trang 100). Tôi bất ngờ với giòng chữ nhỏ nhoi mà tha thiết này. Chưa bao giờ đi biển lâu nên tôi khó biết mùi đất liền nhưng người lính biển đã reo lên mùi đất liền và coi đó là một mùi hương tuyệt diệu làm cho tôi cảm được hết ý nghĩa của người sống lênh đênh sông nước ra sao!

“Di chuyển về đêm tôi rất sợ chiến hạm tông phải ghe thuyền…..Áp dụng nguyên tắc đối nhau, ‘xanh đối xanh, đỏ đối đỏ’. Xanh là mạn hữu, đỏ là mạn tả. Nhưng có khi thấy có cả đỏ và xanh nghĩa là hai tàu đang chạy ngược chiều trên một thủy trình. Vận chuyển thế nào cho xanh đối xanh và đỏ đối đỏ đây” (trang 104). Tôi cũng thú vị lây vì được học hàm thụ “xanh đối xanh đỏ đối đỏ” qua văn Vũ Thất!

Chương 12 cho tôi nhiều thú vị hồi hộp khi Vũ Thất mô tả chiến hạm ủi bãi vào một ponton nằm khơi khơi ngoài lòng sông. Những tư tưởng hết sức “nhân bản’ của người –lính-hạm-trưởng như “bắt dân chúng đợi lâu là thất nhân tâm” (trang 185) hay “Mắc cạn tàu rút ra được nhưng mất lòng dân là khó lấy lại” (trang 192). Cũng chương này Vũ Thất làm tôi kinh ngạc khi anh viết: “Trăng ở đất liền đẹp hơn. Ở biển, trăng chỉ tạo một đường sáng mờ ảo hạy dài tới chiến hạm. Trăng ở biển xa xăm và cô đơn. Trăng đất liền gần gụi và chia sẻ” (Trang 193). Đấy, nếu không là người lính với tâm hồn văn chương thì khó diễn tả trăng-đất-liền và trăng-ở-biển, cô đọng như thế. Và tôi, người-của- đất-liền làm sao biết được trăng đất liền gần gụi và chia sẻ nếu không đọc Vũ Thất?

Duy nhất cuốn truyện chỉ có Chương 15 mô tả trận chiến. Không biết các vị cựu quân nhân cảm nghĩ gì nhưng tôi thì thú vị khi đọc “Hạm trưởng và đại đội biệt kích tường trình cho thẩm quyền của mình kèm theo đề nghị riêng”. Hạm trưởng cho rằng ủi bãi được, nếu tăng cường hải và phi pháo. Ông Đại Đội Trưởng Biệt Kích thì từ chối nếu bãi ủi không được bảo vệ tương đối an toàn. Tôi tưởng tượng hai vị thẩm quyền sẽ quyết định thế nào trước tình huống này. Lính như con. Cả đôi bên “thẩm quyền” đều không muốn tổn thất cho “con của mình” nhưng tầu không ủi bãi được thì đại đội cũng không lên bờ chiến đấu được. Chương này cũng làm tôi não lòng vì sự ra đi của hạ sĩ Thành và đồng thời là sự cảm phục với Trung Đội Người Nhái. Với người ngoài quân đội, lại là phụ nữ, xuất thân nữ sinh Gia Long như tôi thì “người nhái hay biệt kích” vẫn là những hình ảnh rất oai hùng!

Tính nhân bản

Dù là quân nhân vốn mang tiếng “bỗ bã thô lỗ” nhưng “Đời thủy thủ” không cho tôi chút hình ảnh nào về những nét đặc trưng đó. Toàn cuốn truyện là tình chiến hữu. Từ ông hạm trưởng thi sĩ đầu tiên đến ông hạm trưởng lè nhè thứ hai, từ viên hạm phó nguyên tắc đầu tiên đến ông hạm phó hơi hách thứ hai đều có “tình chiến hữu” trong đó.

Tính nhân bản thể hiện ở ông Hạm Trưởng thứ hai khi tác giả mô tả một chiếc ghe suýt bị chiến hạm ghiền nát. Chiếc ghe này chở một người phụ nữ đạp phải mìn. Bố chồng và chồng của cô lái ghe đưa cứu cấp trong đêm tối. Hạm trưởng đã quát to khi chiếc thuyền này suýt đâm vào chiến hạm của ông: “giao liên hả?”, nhưng sau đó khi cho người phụ nữ lên chiến hạm, sơ cứu và giúp đưa họ đi bệnh viện, ông vẫy tay với ông cụ: “Cụ ơi, cụ ở lại mạnh khỏe và từ nay bỏ cái kiểu ‘bẩm cụ lớn, bẩm quan lớn’. Xưa quá rồi, Tây nó về nước hết rồi”. (trang 206).
Tính nhân bản và hết sức Thực cũng thể hiện ở chỗ viên thiếu úy trẻ nhìn anh hạ sĩ nổi tiếng ba gai, bỗng dưng có cảm tình. Có cảm tình chỉ vì khuôn mặt “du đãng” của anh ta. Điều đó không lạ chỉ vì viên Thiếu Úy mới đọc xong “Điệu ru nước mắt” của Duyên Anh! (trang 43) Tôi bật cười khi đọc đoạn này. Tôi hiểu Vũ Thất nói thật vì chính tôi, cô nữ sinh Gia Long ngây thơ ngày ấy, cũng bị ảnh hưởng của tiểu thuyết Duyên Anh để nhìn những người-du-đãng-nhưng-hào-hùng bằng con mắt ngưỡng mộ! Cũng hết sức Thật khi Vũ Thất buột miệng đề nghị người hạ sĩ cứ hỏi nếu gặp khốn khó rồi sau đó hối hận. Hối hận vì thấy lương thiếu úy của mình cũng chả nhiều nhặn gì theo kiểu “ốc chưa mang nổi mình ốc đã mong đeo bòng”. Tôi cho là Thật vì chỉ những người có lòng nhân thật sự, lòng nhân bẩm sinh mới có những suy nghĩ kiểu ấy. Buột miệng đề nghị rồi hối hận vì biết sức mình nhỏ nhoi!

Tính nhân bản rõ nét nhất ở chương 15 khi viên thiếu úy đau lòng vì cái chết của người hạ sĩ, và sau khi suy nghĩ, tính toán rồi “cân đong đo đếm”, anh quyết định tạm thời nhường căn nhà khang trang (mà người tình tặng cho anh để anh lấy vợ sớm, khỏi phải dành dụm trong 5 năm) cho gia đình vợ con viên hạ sĩ. (trang 268)

Khắc họa nhân vật

Số nhân vật của “Đời thủy thủ” không nhiều. Gấp cuốn truyện lại, vài nhân vật chính nổi bật với những cá tính riêng của họ: viên Thiếu Úy, người bạn cũ thời trung học nay là khóa đàn anh, 2 ông hạm trưởng, 2 ông hạm phó, viên hạ sĩ, 3 người tình nổi bật và 1 người tình mơ hồ nhưng lại xuất hiện ở Chương kết. Có lẽ để chủ đề chính là “Đời thủy thủ” với những gì viên thiếu úy trải qua ở chiến hạm cùng những mối tình điểm hoa cho đời lính nên vài nhân vật phụ có vẻ như chính. Tôi sẽ thích hơn nếu như 2 nhân vật phụ, là 2 viên Hạm trưởng và người bạn cũ, được mô tả nhiều hơn về sinh hoạt của họ. Tuy vậy, “Đời thủy thủ” chấp nhận được với toàn cảnh về nhân vật chính, Thiếu Úy Bằng, một người miền Nam chân thật, tốt bụng, hiền lương với đầy đủ “hỉ nộ ái ố” của đời thường. Thiếu Úy Bằng có tâm tốt nhưng cũng được vẽ rất thật với tính sợ ma và sợ chết khi đương đầu với sóng gió hay quân thù ở lần trực diện đầu tiên. Những phác họa dí dỏm về viên hạm trưởng thi sĩ. Độc giả cũng thấy được tài ba của viên hạm trưởng này khi điều khiển chiến hạm. Cũng với ngòi bút Vũ Thất, viên hạm trưởng thứ hai được mô tả với vẻ khó ưa hơn, hay lè nhè nhưng nghệ thuật điều khiển chiến hạm của ông quả là “cừ”.

Nói chung, để diễn tả “đảm lược” của người hạm trưởng hải quân Việt Nam Cộng Hòa tiêu biểu cho đời thủy thủ thì Vũ Thất đã hoàn thành trách nhiệm.

Tính giáo dục

Có lẽ xuất thân nhà giáo nên tôi chú trọng đến tính cách này của cuốn truyện. Ngoài phần mô tả những chuyện tình mà tôi không thích “tính cách bạo dạn” hơi lộ liễu của các nữ sinh thời 1960, còn lại thì tôi nghĩ rằng “Đời thủy thủ” đạt được mục đích giáo dục của nó. Ít ra thì những người trẻ, trẻ ở đây là không phải là người của VNCH, không phải lớn lên từ cuộc chiến, sau khi xem xong, cũng hình dung được một quốc gia Việt Nam Cộng Hòa như thế nào. Quốc gia ấy có nhân quyền không, có đào tạo quân đội đúng kỷ cương không, đạo đức chung trong xã hội có tốt đẹp không, tình người trong xã hội ấy như thế nào.

Lời kết

“Đời Thủy Thủ” là quyển sách đầu tay của Vũ Thất được kể bằng thể hồi ký qua nhân vật xưng “tôi”. Qua tác phẩm này viết vào 1963, tôi thấy ông là nhà văn có trách nhiệm: Trách nhiệm của người viết văn, không phải chỉ viết cho mình, mà là viết cho một tập thể mà mình là một phần của tập thể ấy.