Home Văn Học Điểm Sách Thảm sát Thiên An Môn 1989 qua hồi ký của Triệu Tử Dương

Thảm sát Thiên An Môn 1989 qua hồi ký của Triệu Tử Dương PDF Print E-mail
Tác Giả: LuongtamConggiao   
Chúa Nhật, 09 Tháng 10 Năm 2011 06:21

Cuốn hồi ký là kết quả của 30 giờ độc thoại, trong thời gian ông Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh

 


Ông Bào Đồng với cuốn sách mang hình Triệu Tử Dương

Le Monde 5/10/2011, với bài viết « Tháng Năm 1989, khi xe tăng nghiền nát Thiên An Môn », chú ý đến cuốn hồi ký của cựu Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc Triệu Tử Dương, vừa được phát hành tại Pháp. Cuốn «Hồi ký của một nhà cải cách ở cương vị đứng đầu Nhà nước Trung Quốc» kể lại với độc giả về những diễn biến chưa từng được công bố.

Các diễn biến xảy ra ở thượng đỉnh bộ máy quyền lực Trung Quốc, vào thời điểm lãnh đạo Trung Quốc đưa ra quyết định thảm sát phong trào đòi dân chủ của sinh viên tại Thiên An Môn năm 1989, được tác giả mô tả chi tiết. Cuốn hồi ký cũng đồng thời cho thấy quan điểm của cựu lãnh đạo Trung Quốc, khẳng định chế độ cộng sản Trung Quốc cần phải tiến hành một cải cách chính trị thực sự - chủ đề cho đến nay vẫn còn nguyên tính thời sự.

Cuốn hồi ký là kết quả của 30 giờ độc thoại, trong thời gian ông Triệu Tử Dương bị quản thúc tại gia ở Bắc Kinh, được ghi lại và được dấu vào các băng âm thanh kể chuyện trẻ em. Các bản ghi lời kể được bí mật chuyển sang Hồng Kông. Nhờ con trai của ông Bào Đồng, cộng sự thân tín của Triệu Tử Dương, cuốn hồi ký đã được xuất bản vào đầu năm 2009, đúng vào dịp 20 năm vụ thảm sát.

Đảm nhiệm chức vụ Tổng bí thư đảng Cộng sản Trung Quốc, vào thời điểm phong trào đòi dân chủ của sinh viên bùng nổ, ông Triệu Tử Dương mô tả sự khởi đầu rất có trật tự của phong trào sinh viên, nhân dịp lễ tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, nguyên Tổng bí thư và nhà lãnh đạo cải cách rất được người Trung Quốc yêu mến, vào ngày 22 tháng Tư năm 1989. Chính ông Triệu Tử Dương đã cho đưa loa ra quảng trường Thiên An Môn, để truyền trực tiếp buổi tưởng niệm Hồ Diệu Bang đến hàng chục ngàn sinh viên được cho phép có mặt tại đó.

Đặt câu hỏi, tại sao các sinh viên lại có thái độ nồng nhiệt như vậy trong buổi tưởng niệm ông Hồ Diệu Bang, Triệu Tử Dương đưa ra ba lý do. Thứ nhất là, Hồ Diệu Bang đã phục hồi cho rất nhiều nạn nhân, bị chế độ kết án oan, bản thân ông là người cổ vũ cho cải cách và mở cửa, và đặc biệt không tham nhũng. Thứ hai là, dư luận hết sức bất bình, vì việc ông bị phế truất một cách bất công khỏi cương vị Tổng bí thư vào năm 1987. Và lý do thứ ba là, chính sách cải cách và cởi mở đã bị trì hoãn, cải cách chính trị bị ngăn chặn, cải cách kinh tế không tiến lên. Ông Triệu Tử Dương nhận định: « Các sinh viên bất bình vì tình trạng này, đã nhân dịp lễ tưởng niệm, biểu thị hy vọng cải cách tiếp tục ».

Triệu Tử Dương kể lại, sau khi Nhân dân Nhật báo số ra ngày 26/4 đăng một bài xã luận, thể hiện quan điểm của phái cứng rắn trong đảng Cộng sản Trung Quốc, lên án các cuộc biểu tình của sinh viên, ngày 17/5 ông đã gọi điện yêu cầu gặp mặt trực tiếp Đặng Tiểu Bình – nhân vật đầy quyền uy chi phối chế độ cộng sản Trung Quốc từ trong hậu trường – để bày tỏ quan điểm về bài xã luận này. Triệu Tử Dương đã nhận được sự chuẩn thuận của Đặng Tiểu Bình. Nhưng ông đã không gặp được Đặng Tiểu Bình để nói chuyện trực tiếp, mà đối mặt với ông là gần như toàn bộ ê kíp lãnh đạo. Để trả lời cho đề nghị của Triệu Tử Dương, xem xét lại bài xã luận và không nên gây thêm căng thẳng với phong trào phản kháng, thủ tướng Lý Bằng và phó thủ tướng thứ nhất Diêu Y Lâm (Yao Yilin) – hai trong số các trụ cột của chế độ - đã quy cho Triệu Tử Dương trách nhiệm kích động phong trào sinh viên, với bài diễn văn tại Ngân hàng Phát triển Châu Á ngày 4/5. Đây là lần đầu tiên, nguyên Tổng bí thư Triệu Tử Dương bị chỉ trích trực diện, và thái độ chỉ trích quyết liệt này đã khiến ông bị bất ngờ.

Triệu Tử Dương hiểu rằng, chính Đặng Tiểu Bình đã ngầm bật đèn xanh cho cuộc phản công này. Triệu Tử Dương kể lại, Đặng Tiểu Bình đã đưa ra quyết định cuối cùng, khẳng định tính đúng đắn của bài xã luận 26/4 và tuyên bố, chế độ không còn đường nào khác hơn là phải dùng quân đội để ngăn chặn phong trào. Cũng trong buổi họp không chính thức này, Đặng Tiểu Bình đã ra lệnh cho thủ tướng Lí Bằng, chủ tịch nước Dương Thượng Côn và Ủy viên thường vụ Bộ Chính trị Kiều Thạch (Qiao Shi) thực hiện quyết định này.

Rời khỏi cuộc họp, với suy nghĩ, trên cương vị Tổng bí thư tự bản thân không thể nào ra lệnh cho quân đội đàn áp sinh viên, Triệu Tử Dương quyết định yêu cầu thư ký thảo đơn đề nghị từ nhiệm chức vụ đứng đầu đảng Cộng sản Trung Quốc.

Trong cuộc họp Ban chấp hành Trung ương tiếp theo cuộc thảm sát, ông Triệu Tử Dương rất ghi nhớ, việc ông bị quy tội tiếp tay cho các lực lượng phản cách mạng nhằm lật đổ đảng Cộng sản và lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Văn bản lên án ông được gửi đến tất cả các cử tọa, trong khi đó, bản thân ông lại không được trình bày quan điểm.

Để kết thúc bài giới thiệu cuốn hồi ký của cựu lãnh đạo đảng Cộng sản Trung Quốc, Le Monde đưa ra trích đoạn một số quan điểm của Triệu Tử Dương, về các cải cách chính trị cần phải thực hiện tại Trung Quốc. Theo ông, Trung Quốc cần phải học tập các kinh nghiệm quá độ của các xã hội đã có những chuyển biến, từ một chế độ mang tính truyền thống sang một nền dân chủ nghị viện, như Đài Loan hay Hàn Quốc. Để cải cách, đảng cầm quyền Trung Quốc phải thực hiện hai điều cốt yếu.

Thứ nhất là, bãi bỏ lệnh cấm các đảng phái chính trị và báo chí độc lập. Thứ hai là, thực hiện dân chủ hóa trong nội bộ đảng. Triệu Tử Dương khẳng định, « sự chuyển hóa từ một đảng cách mạng sang một đảng điều hành đất nước, và sự chuyển hóa sang một chế độ dân chủ nghị viện, không thể nào thực hiện được, nếu như không có sự dân chủ hóa trong đảng. Dân chủ hóa trong đảng, nói một cách khác, là việc bảo đảm về mặt pháp lý cho sự tồn tại các quan điểm khác nhau trong nội bộ đảng ».