Trong tháng 10, giới xuất bản vừa tung ra quyển "nhật ký" chưa từng được phát hành của Marilyn, gần nửa thế kỷ sau ngày cô qua đời.
|
Marilyn Monroe, trang bìa quyển sách "Fragments" tạm dịch là "Đoản Bút" (Editions du Seuil) |
Sinh thời, Marilyn Monroe đã là một huyền thoại. Cả thế giới bàng hoàng khi thần tượng điện ảnh đột ngột từ trần. Nhưng sự ra đi quá sớm ấy càng làm cho huyền thoại thêm phần bí ẩn, sinh động. Trong tháng 10, giới xuất bản vừa tung ra quyển "nhật ký" chưa từng được phát hành của Marilyn, gần nửa thế kỷ sau ngày cô qua đời.
Mang tựa đề Fragments tạm dịch là Đoản bút, quyển sách dày 280 trang, bao gồm các bản thảo viết tay hoặc đánh máy, các đoạn văn tùy bút và những bài thơ. Bên cạnh đó còn có các bức thư từ, các bản ghi chú cộng với hơn 30 tấm ảnh chụp, trong đó có nhiều bức ảnh chưa từng được phổ biến. Chẳng hạn như tấm ảnh chụp với nhà văn Carson McCullers và nhà thám hiểm Đan Mạch Karen Blixen, mà cuộc đời và sự nghiệp sau đó được dựng thành bộ phim Out of Africa với Meryl Streep và Robert Redford trong vai chính. Quyển nhật ký của Marilyn đã được dịch sang nhiều thứ tiếng để có thể tung ra cùng một lúc tại nhiều quốc gia trên thế giới. Tại Pháp, quyển sách này do nhà xuất bản Seuil phát hành.
Lúc còn sống, tuy không hề biết rằng mình sẽ qua đời rất sớm, nhưng Marilyn Monroe vẫn để lại một bản di chúc. Theo đó, cô yêu cầu nếu có bất cứ điều gì không may xẩy ra với mình, thì toàn bộ các vật dụng đồ đạc cá nhân phải được giao cho nhà biên kịch Lee Strasberg. Ông là một trong những người sáng lập và điều hành trường kịch nghệ Actors Studio (từ năm 1951 đến 1982), và đã chỉ dạy cách thức diễn xuất Stanislavski cho nhiều thế hệ diễn viên, trong đó có Marilyn. Sau khi ông từ trần, vợ của ông là bà Anna Strasberg đã thừa hưởng ‘‘di sản’’ của Marilyn. Chính bà là người đã quyết định cho xuất bản những bài thơ, các đoạn tùy bút và một số thư từ gửi cho bạn thân của ngôi sao màn bạc.
Hành trình thám hiểm nội tâm
Quyển nhật ký này được giới thiệu như là cuộc hành trình đi vào nội tâm của Marilyn Monroe. Trong văn học Anh Mỹ, thám hiểm nội tâm là chủ đề ưng ý của nhiều nữ văn hào, đi đầu vẫn là tác giả người Anh Virginia Woolf và Katherine Mansfield, người New Zealand. Không ai biết được liệu Marilyn đã đọc tác phẩm của các bậc tiền bối hay chưa. Điều chắc chắn là theo lời khuyên của chồng là nhà văn Arthur Miller (hai người sống chung với nhau trong vòng 5 năm từ 1956 đến 1961), Marilyn Monroe đã đọc nhiều tác phẩm lớn của nền văn học. Qua quyển sách, độc giả biết được là Marilyn rất ngưỡng mộ các tác giả như Hemingway, Steinbeck, Joyce, Kerouac, Flaubert và Camus.
Gọi là nhật ký, nhưng thật ra quyển Fragments lại giống như một quyển tùy bút của một người đàn bà tìm cách hàn gắn những mảnh vỡ trong tâm hồn. Đó là cảm nhận của ngòi bút phê bình Bernard Comment làm việc cho nhà xuất bản Seuil. Trả lời phỏng vấn ban tiếng Pháp RFI, nhà phê bình cho biết là ông đã thuyết phục được bà Anna Strasberg cho xuất bản tựa sách này :
‘‘Quyển sách này tập hợp những bài viết của Marilyn trong một thời gian dài, từ lúc cô mới trưởng thành cho đến những ngày cuối đời tức là vào mùa hè năm 1962. Bài đầu tiên được viết vào năm 1943, Marilyn lúc đó mới 17 tuổi. Đây là một bản đánh máy mà trong đó Marilyn kể lể những nỗi niềm của một người đàn bà bị chồng phản bội. Thời ấu thơ, Marilyn bị mẹ bỏ rơi, lúc đầu cô sống ở viện cô nhi, thời niên thiếu cô được giao cho người khác nuôi nấng. Marilyn thành hôn rất sớm vào năm 16 tuổi với một anh bạn hàng xóm, chính là để thoát khỏi cuộc sống gia đình, tù túng đầy gò bó với cha mẹ nuôi. Khi biết được chồng mình ngoại tình, Marilyn lại có cảm giác một lần nữa, cô bị bỏ rơi. Bức thư đánh máy này đáng ngạc nhiên ở một điểm : không người nào biết rõ là bức thư này gửi cho ai, lối viết tự sự đầy nỗi buồn ai oán, giống như một bức thư viết cho chính mình hơn là gửi cho tình nhân phản bội…Đây là một trong những tư liệu hiếm thấy còn được lưu lại cho đến bây giờ. Cũng cần biết rằng lúc còn sống, gia đình của ông Lee Strasberg đã tổ chức vào năm 1999 tại Sotheby’s một cuộc bán đấu giá các vật dụng của Marilyn. Nhưng theo tôi cũng may là các bản thảo viết tay hay đánh máy không lọt vào tay của các nhà sưu tầm tư nhân vì như vậy sẽ khó mà đem ra phổ biến với độc giả, công chúng. Cách đây 4 năm, tôi tình cờ gặp được bà Anna Strasberg. Từ đó chúng tôi giữ liên lạc với nhau, và tôi đã đi New York ít nhất là cả chục lần để thuyết phục bà nên tập hợp lại các bài viết để xuất bản thành sách’’.
Do tập hợp nhiều tư liệu khác nhau, nên quyển Fragments không thuần nhất trong cách viết. Nhà xuất bản Seuil đã sao chụp các tư liệu để có thể in nguyên một số bản thảo chép tay, các bài đánh máy, không sửa những lỗi chính tả cũng như để nguyên những chỗ có gạch ngang, xóa bỏ. Nhà phê bình Bernard Comment cho biết :
‘‘Quyển sách này không giống như một cuốn nhật ký theo đúng nghĩa của nó. Tựa đề Fragments (tạm dịch là Đoản bút) có ý nghĩa gần sát nhất với những bài viết của Marilyn, cô không viết một cách đều đặn, theo kiểu ngày qua ngày, mà lại viết theo ngẫu hứng của khoảnh khắc, để nói lên tâm trạng của mình vào một thời điểm nhất định. Có lúc là một bài thơ, đôi khi là những dòng suy nghĩ về một quyển sách mà cô đã đọc, hay là cô hồi tưởng những kỷ niệm tuổi thơ hoặc ghi chép những điều cô cần phải làm trong những ngày tới. Các bài viết ở đây đôi khi bị gián đoạn trong vòng nhiều năm trời, vì thế mà khó thể nào được ghi chép theo kiểu liền tục một mạch. Nhưng có một điều chắc chắn là những bài viết thường phản ánh những trăn trở suy tư của Marilyn, một góc vườn thầm kín và riêng tư chứ không phải được dành cho nhiều người đọc. Một trong những người duy nhất đã có cơ hội đọc được các đoạn văn của Marilyn là nhà thơ người Mỹ Norman Rosten. Ông khuyến khích cô đeo đuổi cách viết lách, không phải là để xuất bản hay để giới thiệu với công chúng, mà chủ yếu vì nó nuôi dưỡng và làm giàu đời sống nội tâm, một điều cần thiết cho sự nghiệp diễn viên của cô’’.
Đoản bút : từ bỏ rơi đến phản bội
Theo ông Bernard Comment, trong số các bản thảo viết tay của Marilyn, các đoạn tùy bút và nhất là các bài thơ được viết một cách nghiêm túc nhất. Nếu có một sợi chỉ đỏ xuyên suốt duy nhất, thì đó sẽ là những cảm xúc mông lung và bất chợt khi Marilyn viết về bản thân cũng như về sự nghiệp của mình.
‘‘Quả thật là các bài viết của Marilyn hầu như lúc nào cũng phản ánh một nỗi buồn da diết. Chẳng hạn như trong bài thơ với câu mở đầu : suốt đời tôi đi tìm niềm vui dài lâu, nhưng hạnh phúc lúc nào cũng khoác áo u sầu. Nhưng điều đó không có nghĩa là Marilyn lúc nào cũng buồn bã, chán nản. Ngược lại cô biết tìm nghị lực khi cần phải thực hiện những dự án sắp tới. Dĩ nhiên, Marilyn dễ tìm nguồn cảm hứng trong nỗi buồn nhiều hơn là trong niềm vui khi cô viết về chính mình. Theo cô, có một sự hiểu lầm đáng tiếc giữa cô với các hãng phim. Làng điện ảnh Hollywood chỉ gán cho cô một hình ảnh duy nhất : một người đàn bà tóc vàng, gợi tình gợi cảm, hiện thân của dục vọng phơi bày trong bóng tối phòng chiếu phim, hay trên trang bìa các tạp chí sáng loáng. Dĩ nhiên, Marilyn dễ viết về tất cả những gì đã dằn vặt cô trong suốt cuộc đời : từ những vết thương trong tâm hồn trẻ thơ, thời còn nhỏ Marilyn không hề biết cha ruột mình là ai. Mẹ cô bị chứng trầm cảm kinh niên, nên phải vào bệnh viện tâm thần, vì vậy mà cô phải lớn lên trong viện mồ côi. Ấy là chưa kể đến tất cả những mối tình ngang trái khiến cho Marilyn suốt đời phải sống với điều nghịch lý : một thần tượng làm thổn thức say đắm hàng triệu con tim, nhưng không có một người đàn ông nào thật sự yêu cô hết mình, chấp nhận sống với cô trọn đời để Marilyn không bị bỏ rơi một lần nữa’’.
Câu chuyện của Marilyn không chỉ lôi cuốn báo chí, độc giả và những người chuyên viết tiểu sử, mà còn thu hút luôn cả các nhà phân tích tâm lý. Theo chuyên gia Marie Magdeleine Lessana, tác giả của một quyển sách nói về quan hệ giữa Marilyn với ngành phân tâm học, độc giả cần có một cách nhìn khác về nhân vật đầy huyền thoại này.
‘‘Năm 1955 đánh dấu một bước ngoặt quan trọng trong cuộc đời của Marilyn. Vào năm 29 tuổi, cô đã là một ngôi sao màn bạc, trong sự nghiệp cô đã đóng nhiều bộ phim ăn khách. Nhưng lúc đó, Marilyn đã lấy một quyết định đầy cản đảm là rời bỏ các hãng phim Hollywood để đến New York tầm sư học đạo. Mục tiêu của cô là học thêm nghề diễn xuất để trở thành một diễn viên thực thụ, thoát ra khỏi tầm ảnh hưởng của các nhà sản xuất vì cô không còn muốn lâm vào cái cảnh đặt đâu ngồi đó. Động lực nào đã thúc đẩy cô làm điều này? Khi quay bộ phim Gentlemen prefer blondes (Đàn ông chuộng đàn bà tóc vàng hơn), Marilyn ý thức là đã đến lúc cô phải làm chủ cuộc đời và sự nghiệp của mình. Marilyn đóng phim này cùng với nữ diễn viên Jane Russel, nhưng tiền thù lao của cô lại thấp hơn 10 lần so với bạn đồng nghiệp. Đến New York, Marilyn ghi tên vào trường sân khấu Actors Studio, theo học với thầy là ông Lee Strasberg. Nhưng ông thầy lại ra điều kiện tiên quyết là để học phương pháp của ông, các học trò phải qua một khóa phân tích tâm lý, vì để diễn đạt trọn vẹn nội tâm của nhân vật, diễn viên trước hết phải hiểu những cảm xúc của chính mình. Đây là giai đoạn mà tôi rất quan tâm vì có thể nói là từ năm 1955 cho đến những ngày tháng cuối đời tức là vào năm 1962, Marilyn đều gặp một cách đều đặn các nhà phân tâm học, trong đó có nhà phân tích tâm lý Ralph Greenson, có ảnh hưởng rất lớn đối với cô. Quá trình phân tích có cả hai mặt của nó : mặt trái là Marilyn luôn phải trực diện với quá khứ đau thương của mình, khi phải hồi tưởng kỷ niệm tuổi thơ hay những năm tháng bất hạnh trong đời. Mặt phải là Marilyn trở nên sáng suốt về chính mình, cô ý thức đâu là những hành động tự hủy hoại bản thân. Vì thế mà có nhiều ý kiến cho rằng : việc Marilyn bị chứng trầm cảm, đau buồn đến mức phải tự tử là điều không thể tin được’’.
Áo giáp không đủ dày trước mũi tên định mệnh
48 năm sau ngày qua đời, cuộc tranh luận xung quanh cái chết bí ẩn của Marilyn vẫn chưa có kết luận dứt khoát. Có người cho rằng Marilyn rốt cuộc đã tự kết liễu cuộc đời vì ý thức rằng cô không thoát khỏi nỗi bất hạnh truyền kiếp.Nhưng cũng có người nghĩ rằng : Marilyn đã bị ám sát vì có nhiều dấu hiệu cho thấy trong những ngày tháng cuối cùng, cô đang yêu đời trở lại. Theo nhà phê bình Bernard Comment, câu chuyện không đơn giản như thế.
‘‘Vào tháng 12 năm 1961, tức là 6 tháng trước khi qua đời, Marilyn có gửi một bức thư dài cho thầy Lee Strasberg để nói về các kế hoạch trong tương lai của cô : đặc biệt là dự án thành lập một công ty sản xuất phim với nam tài tử Marlon Brando. Cả hai diễn viên đều đang ở trên đỉnh cao sự nghiệp, và đang tiếp tục ăn khách với những bộ phim được cho ra mắt. Vài tháng sau đó, trong một bức thư gửi cho bạn thân, Marilyn lại nhắc đến kế hoạch này, giọng điệu của cô lúc đó rất vui, và chuyện tiền bạc không đặt thành vấn đề. Nhiều ý kiến cho rằng một người có ý định tự vẫn, thường buông thả mọi thứ trên đời, chứ không lên kế hoạch đầu tư như vậy. Nhưng theo tôi, nội dung viết trong thư chỉ là những dấu hiệu, chứ chưa phải là bằng chứng hẳn hoi để có thể quả quyết bất cứ điều gì. Điều chắc chắn là Marilyn là một nhân vật hết sức phức tạp, với đời sống nội tâm mãnh liệt. Biết bao quyển tiểu sử đã được viết về cô mà không có quyển sách nào có thể vén màn bí mật xung quanh nghi án Marilyn Monroe’’.
Nhìn lại, quyển sách Fragments, cũng như tác phẩm Blonde trước đó của nhà văn Joyce Carol Oates, không có tham vọng tiết lộ gì thêm về cái chết đầy bí ẩn của thần tượng điện ảnh Marilyn Monroe. Cả hai phe chống cũng như binh tiếp tục tin vào lập luận của mình, và họ sẽ đi tìm bất cứ dấu hiệu nào có thể hà hơi tiếp sức cho lập trường của họ. Do được thêm củi lửa, nên tranh luận lại càng dễ bùng lên chứ chưa thể nào mà dập tắt ngã ngũ. Nhưng mỗi bên càng đưa ra các giả thuyết theo kiểu tiết lộ giật gân bao nhiêu, thì bức màn bí mật lại càng dày đặc thêm bấy nhiêu.
Theo các nhà phê bình, có một điều mà quyển Fragments làm nổi bật đó là Marilyn có một tâm hồn cực kỳ nhạy cảm. Cuộc hành trình đi vào nội tâm là một chuyến phiêu lưu, thám hiểm đầy thử thách. Thực tế phủ phàng đến nổi khi mới vào nghề diễn viên, Marilyn thà nói rằng mẹ mình đã qua đời, hơn là thừa nhận bà bị nhốt trong bệnh viện tâm thần. Kiếp đàn bà oan nghiệt đến mức, bao lần Marilyn thầm khóc cho tuổi thơ bất hạnh, thở than cho thân phận con người. Trong huyền thoại Marilyn, dường như không có chiếc áo giáp nào đủ dày, để chống đỡ mũi tên của định mệnh. |