Home Văn Học Điểm Sách Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội

Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội PDF Print E-mail
Tác Giả: Tân Tử Lăng   
Thứ Sáu, 29 Tháng 7 Năm 2011 18:49

Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội là bản dịch tác phẩm Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông của Tân Tử Lăng.

 

Tác giả vốn không theo văn nghiệp nhưng là cán bộ chuyên về nghiên cứu và giảng dạy tại Học Viện Quân Sự Cấp Cao, Đại Học Quân Chính, Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc … nên được tiếp xúc với nhiều tài liệu mà cán bộ thường không được biết, từ đó ông để tâm nghiên cứu cái xã hội mà ông sống trong lòng nó.

Năm 1950, khi toàn cõi Hoa lục bị đặt dưới quyền cai trị của Đảng Cộng Sản cũng là lúc Tân Tử Lăng vừa tới tuổi trưởng thành và ông gia nhập Hồng quân Trung Hoa. Trong khung cảnh chung đó của xã hội, Tân Tử Lăng đã trôi theo làn sóng cuồng nhiệt suy tôn lãnh tụ Mao Trạch Đông, say mê lý thuyết Cộng Sản và tích cực tham gia mọi phong trào chính trị do Mao Trạch Đông phát động.

Từng bước một trong cuộc đời làm “cái đinh ốc không rỉ” — theo lời người anh hùng Trung Quốc Lôi Phong — của bộ máy chuyên chính vô sản do Mao dựng nên, ông được thực tế cuộc sống cho thấy “chủ nghĩa Cộng Sản chỉ là những lời lẽ dối trá, lường gạt” và thần tượng Mao Trạch Đông đã hiện nguyên hình “một bạo chúa dã man”, một thủ phạm gây ra những “tội ác tày trời đối với dân tộc và đất nước Trung Hoa.”

Từ những quan sát, rồi chiêm nghiệm, suy ngẫm của mình, năm 1993, một năm trước khi rời chức vụ giám đốc Biên Tập tại Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc để về hưu với cấp bậc đại tá, Tân Tử Lăng đã hoàn thành tác phẩm Mao Trạch Đông Toàn Truyện. Tác phẩm này là khúc dạo đầu cho cuốn Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông – Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội sau này. Nó được trao cho một nhà xuất bản ở Hong Kong ấn hành.

Bước qua đầu thế kỷ 21, dù đã vào tuổi bảy mươi, Tân Tử Lăng không thể yên tâm khi thấy còn nhiều người vẫn dùng mọi lời lẽ xảo trá, đổi trắng thay đen để đề cao Mao Trạch Đông với chủ đích đẩy đất nước trở lại thời chủ nghĩa xã hội bạo lực, đặc biệt là chính tập thể đương quyền Bắc Kinh vẫn chưa dám nêu rõ sự thật về con đường phản dân hại nước của Mao Trạch Đông.

Trước thực cảnh đáng buồn biểu hiện một tình trạng u mê nguy hiểm, Tân Tử Lăng quyết định viết cuốn sách thứ hai, Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông – Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội, với mong mỏi giúp mọi người nhìn rõ mức tác hại của nhân vật Mao Trạch Đông và chủ nghĩa Cộng Sản. Cuốn sách cũng lại được giao cho một nhà xuất bản tại Hong Kong ấn hành vào tháng 7/2007 và một năm sau, tháng 6/2008 đã được tái bản.

Trong lần tái bản, cuốn sách có thêm Lời Tựa của Lý Nhuệ. Lý Nhuệ là một trong số các lãnh tụ lão thành của đảng Cộng Sản Trung Quốc, từng tham gia chính phủ Cộng Hoà Nhân Dân Trung Hoa ở cương vị thứ trưởng và đã có một thời gian dài ở bên cạnh Mao Trạch Đông với tư cách thư ký riêng của lãnh tụ họ Mao. Nhưng cũng tương tự trường hợp tác giả Thiên Thu Công Tội Mao Trạch Đông, Lý Nhuệ đã thức tỉnh về tác động hủy hoại đời sống của chủ nghĩa Cộng Sản cùng các tội ác không thể biện minh của Mao Trạch Đông. Vì vậy Lý Nhuệ đã viết Lời Tựa cho tác phẩm của Tân Tử Lăng khi tác phẩm này được tái bản năm 2008 để bày tỏ sự tán đồng quan điểm của tác giả.

Trên thực tế, vào tháng 9 năm 2010, cả Lý Nhuệ đã vào tuổi chín mươi và Tân Tử Lăng đang bước tới ngưỡng cửa tám mươi đã cùng ký tên trong một tâm thư gửi Quốc Hội Trung Quốc yêu cầu nhà nước Trung Hoa đoạn tuyệt với con đường mà Đảng Cộng Sản Trung Quốc từng theo đuổi và tới giờ này tập thể đương quyền Bắc Kinh cũng chưa dứt khoát từ bỏ.

Lý do được nêu là đời sống con người và xã hội chỉ có thể hình thành và phát triển trong không khí chính trị hài hoà luôn tôn trọng các quyền tự do căn bản của công dân và không thể đặt bất kỳ một đảng phái, một phe nhóm nào vào vị thế độc tôn. Có thể bảo ý hướng đó chính là ý hướng chung của hết thẩy mọi con người ở bất kỳ nơi đâu luôn mong có cuộc sống bình an.

Nhưng ý hướng đó lại luôn bị các tập thể đương quyền tôn thờ bạo lực dùng mọi thủ đoạn để triệt hạ, trong đó thủ đoạn phổ dụng nhất là lường gạt bằng những lời lẽ dối trá và những mưu mô đổi trắng thay đen để tô son điểm phấn cho mọi thứ tội ác.

Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội của Tân Tử Lăng là một cuốn sách đặc biệt, rất đáng đặt trên kệ sách của những ai quan tâm tới một hiện tượng khủng khiếp không tiền khoáng hậu từng có trong lịch sử loài người.

Qua cuốn sách này bạn đọc có thể biết và hiểu được những gì đã xảy ra trong lịch sử Trung Hoa cận đại. Rất nhiều dữ kiện suốt thời gian trị vì của “hoàng đế đỏ” Mao Trạch Đông mà Đảng Cộng Sản Trung Hoa và chính quyền Trung Hoa giấu kín đã được bạch hoá và trình bày trung thực trong một cuốn sách nhỏ nhưng mang mục đích lớn. Tác giả muốn làm một cuộc khảo nghiệm về hệ thống duy ý chí ngu xuẩn và tàn bạo được thực hiện ở Trung Quốc, đồng thời cũng mang tính biểu tượng chung cho mọi quốc gia có đảng cộng sản cầm quyền.

Cuốn sách còn phân tích tỉ mỉ mánh lới xảo quyệt của những tên ngụy quân tử hiện đại, trên thực tế là những con quỷ mang mặt người.

Ngoài ra, cuốn sách cũng chính là kết quả nhiều năm nghiền ngẫm, chiêm nghiệm của một con người nặng trĩu suy tư về sự tồn vong của mỗi con người, mỗi dân tộc cũng như của cả quần thể các dân tộc trong một đất nước hàm chứa vô vàn tai nạn khó lường đoán nổi.

Có thể nói, cuốn sách được viết ra bằng trái tim rỉ máu trước nỗi đau của đồng loại, nỗi giận dữ câm nín trước tội ác, nỗi hổ thẹn vì bất lực trước cái Ác.

Tác giả Tân Tử Lăng chắc chắn đã phải tự nén lòng nhiều lắm để không thét lên tiếng thét phẫn nộ hầu bình tĩnh dẫn dắt người đọc dõi theo dòng lịch sử diễn ra bên trong sào huyệt bí mật của một bạo chúa lớn nhất mọi thời đại, giúp xoá bỏ những ngộ nhận do các thủ đoạn tuyên truyền lường gạt kéo dài nhiều năm tháng có thể còn gây ra những sai lạc để mọi người hiểu rõ ngọn nguồn của một thời hồng hoang đã hiện diện trên đất nước Trung Hoa.

Trong cuốn sách nhỏ, Tân Tử Lăng đã phải 21 lần nhắc tới con số 37 triệu 550 ngàn đồng bào của mình bị chết đói, đủ cho thấy sự phẫn nộ của ông lớn tới cỡ nào.

Vén tấm màn bí mật ấy lên, trưng ra những bằng chứng không thể chối cãi về một xã hội chuyên chế khủng khiếp với những tội ác trời không dung đất không tha của Mao Trạch Đông và bè lũ — dù đến nay vẫn còn nhiều hồ sơ lịch sử về những sự kiện trọng đại chưa được giải mật —, tác giả lên án chế độ độc đảng thống trị, lên án cái gọi là xã hội “xã hội chủ nghĩa” trên đất đai của tổ quốc ông, trên diện tích mênh mông của cái gọi là “phe xã hội chủ nghĩa” một thời, nơi hàng trăm triệu người dân vô tội bị ném vào vạc dầu đấu tranh giai cấp và những cuộc cách mạng hoang tưởng nhân danh một lý thuyết hão huyền.

Tân Tử Lăng gọi cái xã hội ấy, khi nhẹ nhàng là “xã hội chủ nghĩa không tưởng”, khi gọi trắng ra là “xã hội chủ nghĩa bạo lực” và qua các bằng chứng về tội ác của Mao Trạch Đông, còn cho thấy khi quyền lực thống trị nằm trong tay một người — hoặc một nhóm người — thì kết cục bao giờ cũng chỉ là thảm cảnh người dân phải nhận lãnh thân phận nô lệ trong cuộc sống lầm than còn thua cả loài súc vật dưới các thủ đoạn hành hạ tàn khốc của những kẻ nhẫn tâm đang thủ đắc quyền lực.

Tân Tử Lăng không chỉ là người chứng kiến.

Với cấp bậc đại tá, là cán bộ nghiên cứu và giảng dạy tại học viện quân sự cấp cao — Đại Học Quân Chính, Đại Học Quốc Phòng Trung Quốc — nên dù muốn dù không, Tân Tử Lăng đã từng phải tham gia các phong trào mệnh danh là “đấu tranh cách mạng” do Mao Trạch Đông phát động, nói cách khác, từng tham gia vào những việc gây ra tội ác… Do đó, lời bộc bạch của tác giả với tư cách một thân phận con sâu cái kiến bị quăng vào giữa vòng xoáy của những đảo lộn “long trời lở đất” trong cuộc “cách mạng vô sản” đẫm máu để bất đắc dĩ trở thành đồng phạm chà đạp cuộc sống của những người cùng chung huyết mạch, và cũng chính là lời ăn năn đau đớn cùng cực của một con người còn giữ được nhịp đập của trái tim chưa khô cằn hết cảm xúc.

Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội được ấn hành lần đầu tại Hồng Kông vào năm 2007 tức mười năm sau khi Hồng Kông trở về với Trung Hoa lục địa và tròn 30 năm sau khi Đặng Tiểu Bình phục hồi vị thế trong tập đoàn quyền lực.

Việc này dễ dàng gợi nên một câu hỏi tự nhiên: Tại sao tác phẩm không thể xuất hiện ở Hoa lục là nơi những sự kiện được trình bày gần gụi với người đọc nhiều hơn, được quan tâm nhiều hơn so với người đọc ở vùng đất trước kia là tô giới của nước Anh với một thể chế chính trị xã hội khác hẳn?

Câu trả lời nằm ngay trong tác phẩm.

Mặc dầu Tân Tử Lăng không tiếc lời ca ngợi đường lối “cải cách – mở cửa” do chủ soái Đặng Tiểu Bình khởi xướng, chính quyền Trung Quốc sau thời Mao Trạch Đông vẫn không hẳn rời xa các định chế chuyên quyền thống trị, vì chỉ tiến hành một vài thay đổi không thuộc về căn bản và nặng phần sơn phết điểm tô một vẻ ngoài đẹp mắt như cải cách kinh tế trong khi giữ nguyên chủ trương không cải cách chính trị, một đảng độc tôn, xây dựng chủ nghĩa xã hội mang màu sắc đặc thù Trung Quốc vv…

Nhìn chung, những đòi hỏi khiêm tốn khoác tấm áo hiền lành của tác giả như yêu cầu tôn trọng tự do báo chí, tự do ngôn luận, chấp nhận sự hình thành các công đoàn độc lập, thực sự cải cách chính trị bao gồm cả cải cách ý thức hệ lẫn cải cách thể chế, pháp luật hoá quyền tư hữu tài sản, đặc biệt là tư hữu đất đai, thể hiện đúng tinh thần dân chủ theo mô hình quản trị xã hội của các nước phương Tây vv… vẫn chưa thoát khỏi tình cảnh bị nhìn bằng ánh mắt thù địch và không thể tránh khỏi bị kết tội là “tuyên truyền chống nhà nước xã hội chủ nghĩa”, “âm mưu lật đổ chính quyền”…

Dù cho tác giả đã tự bảo vệ chặt chẽ bằng các đoạn trích dẫn chỉ tỏ chính Karl Marx và Engels vào những ngày cuối đời đã thay đổi cách nhìn về bước đi của lịch sử, lên tiếng từ bỏ chủ nghĩa xã hội bạo lực, nhưng sự vạch trần chủ nghĩa Marx giả hiệu của Mao Trạch Đông vẫn không thể làm vừa lòng tập thể lãnh đạo mới ở Trung Nam Hải.

Bởi theo thực tế, tập thể lãnh đạo mới ở Trung Nam Hải chưa hề đặt chân vào nẻo đường nào khác biệt so với con đường đã vạch ra bởi Mao Trạch Đông.

Cho nên tác phẩm được công khai xuất hiện có thể chỉ vì đã có những đoạn tác giả đề cao tập thể nắm quyền là “phái cải cách” vào đúng lúc chính những kẻ này đang hết sức cần tạo một vẻ ngoài mới mẻ trước công luận.

Nhưng dù tập thể lãnh đạo ở Trung Nam Hải cần tô điểm vẻ ngoài “đổi mới” ra sao, tác phẩm của Tân Tử Lăng chỉ được phép xuất hiện tại Hong Kông, vì Mao Trạch Đông vẫn được xưng tụng là “lãnh tụ vĩ đại của nhân dân Trung Quốc”, chân dung vẫn được trưng bày trang trọng trước Thiên An Môn nên không thể dễ dàng đưa đến tay người dân một tác phẩm có những lời kết luận thẳng thừng như những dòng chữ mà Tân Tử Lăng đã viết:

“Mao Trạch Đông tâm địa tối tăm, giả dối, xảo trá, không từ bất cứ việc làm xấu xa nào, lại muốn lưu tiếng thơm muôn thuở…Ngồi trên đỉnh kim tự tháp tác oai tác quái, bức hại cán bộ lãnh đạo các cấp, lừa bịp toàn đảng, toàn quân, toàn dân… không chỉ là “tứ nhân bang” — lũ 4 tên — mà chính là “ngũ nhân bang” do Mao Trạch Đông làm bang chủ”.

Có thể nói Tân Tử Lăng gặp may, vì chính những kẻ cầm quyền độc tài bạo ngược nhất vẫn cần có bộ dạng bên ngoài giả dối để che khuất những ý hướng thực sự của họ.

Trong tác phẩm của mình, Tân Tử Lăng đã mô tả hướng nhắm của “phái cải cách” là “dân chủ mới” và mấy chữ này có vẻ tạo được bề ngoài thuyết phục cho con đường đặc thù của cái chế độ hoang dã mang tên “xã hội chủ nghĩa” mà tập thể lãnh đạo Trung Nam Hải đang tận tín tôn thờ.

Vì thế, Tân Tử Lăng đã tránh được số phận hẩm hiu của Lưu Hiểu Ba. Bởi qua tác phẩm Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội, những gì Tân Tử Lăng mong được thấy ở đất nước Trung Hoa trong tương lai chẳng mấy khác những đòi hỏi mà nhà dân chủ Lưu Hiểu Ba đã viết ra trong Hiến Chương 08 — Linh Bát Hiến Chương — và vì thế đã bị kết án 11 năm tù giam.

Nhưng dù Tân Tử Lăng may mắn không rơi vào thân phận của Lưu Hiểu Ba thì cũng không có nghĩa là đã có dấu hiệu tốt đẹp nào cho xã hội Trung Hoa, nhất là dấu hiệu về một cuộc đổi đời theo đúng ước nguyện chính đáng của người dân.

Thực tế chứng tỏ quá rõ rằng rất khó có những nhà lãnh đạo cộng sản thành tâm tự nguyện tính sổ với quá khứ để hội nhập cùng cộng đồng nhân loại. Bởi cái quá khứ cộng sản của họ — về thực chất chưa hẳn là cộng sản — khó thể tách rời khỏi tính lừa bịp truyền thống của cộng sản trong hình thức mới của chế độ độc tài cổ điển với mục tiêu cuối cùng luôn chỉ là đáp ứng tham vọng riêng của một bè nhóm hay một cá nhân.

Nhận định trên không chỉ là kết luận riêng cho xã hội Trung Hoa qua mô tả của Tân Tử Lăng mà chính là kết luận chung cho mọi quốc gia do Cộng Sản thống trị. Những gì Tân Tử Lăng nói về Trung Quốc cũng là nói về những nước cùng chung mô hình : Bắc Triều Tiên, Cuba, Việt Nam.

Chính vì thế mà số phận của cuốn Mao Trạch Đông Ngàn Năm Công Tội của Tân Tử Lăng không chỉ bị cấm lưu hành ở Hoa lục, nó cũng bị chung số phận tại Việt Nam.

Bản Việt ngữ do cơ quan Thông Tấn Xã Việt Nam tại Hà Nội thực hiện ghi rõ “tài liệu tham khảo đặc biệt” (tức là chỉ dành cho một số người được phép “tham khảo”), nó đã lọt được ra ngoài theo nhiều kênh khác nhau,và sau đó bị cấm lưu hành

Tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải không thể cho phổ biến tác phẩm của Tân Tử Lăng tại Hoa lục thì tập đoàn lãnh đạo Hà Nội cũng không thể cho phổ biến tác phẩm đó tại Việt Nam.

Trên thực tế, bản dịch Việt ngữ tác phẩm của Tân Tử Lăng không hẳn là một bản dịch hoàn chỉnh. Bản dịch dù đã được thận trọng dẫn giải bằng Lời Nói Đầu rằng đây chỉ là ý kiến riêng của một cá nhân nhưng vẫn có không ít sự việc bị loại bỏ hoặc chỉ tóm lược sơ sài thay vì dịch đúng theo nguyên tác. Cho nên vào giờ này tại Hoa lục, không phải người dân nào cũng biết về các hành vi của Mao Trạch Đông dù tác phẩm của Tân Tử Lăng đã xuất hiện nhiều năm.

Với đa số dân chúng Việt Nam thì chắc chắn không có bao nhiêu người biết rõ về con người và cuộc sống của Mao Trạch Đông, ngoài 4 danh hiệu vĩ đại vẫn được thường xuyên nhắc nhở là Người Thầy Vĩ Đại, Lãnh Tụ Vĩ Đại, Thống Soái Vĩ Đại, Người Cầm Lái Vĩ Đại — vĩ đại đạo sư, vĩ đại lãnh tụ, vĩ đại thống soái, vĩ đại đà thủ.

Bằng thủ thuật suy tôn đó, lãnh tụ luôn được diễn tả như vị đại ân nhân ban bố phúc lành cho quần chúng, nên do đó, quần chúng không thể không triệt để tuân thủ mọi lệnh truyền của những kẻ vẫn đang đi theo con đường của lãnh tụ.

Tác phẩm của Tân Tử Lăng dù chỉ ghi lại các sự việc của một thời đã qua trên riêng địa bàn Hoa lục vẫn luôn cần thiết được phổ biến rộng rãi tới mọi người. Bởi nội dung của tác phẩm cùng các tác phẩm tương tự chính là câu trả lời thích đáng nhất bằng thực tế về tương lai đất nước khi bị buộc phải tận trung với hệ thống chính trị độc tài độc đảng mà các tập đoàn lãnh đạo Trung Nam Hải hay Hà Nội đang cố áp đặt.

Nói cách khác, giữa các điều kiện thực tế hiện nay của chính trường Trung Quốc và Việt Nam, tác phẩm của Tân Tử Lăng chính là tiếng gào khẩn thiết báo nguy về hiểm hoạ cái chết ngột ngạt kinh hoàng đang trùm lên toàn bộ đất nước do chủ trương của các tập đoàn lãnh đạo.

Hơn bao giờ hết, tiếng gào khẩn thiết báo nguy này cần được gửi gấp tới hết thẩy mọi người.

QUANG NAM