Thái hậu cùng tôi & dư luận |
Tác Giả: Lý Anh | |
Thứ Hai, 04 Tháng 7 Năm 2011 04:34 | |
Thái hậu cùng tôi là cuốn tự truyện của Sir Edmund Backhouse, Anh Quốc, được dịch ra tiếng Hoa vừa xuất bản ở Hương Cảng vào tháng 04/2011. Nội dung cuốn truyện nói về cuộc sống dâm ô của Từ Hy Thái hậu, “nữ hoàng” cuối cùng của chế độ phong kiến Trung Quốc, và cuộc tình vụng trộm giữa “Lão Phật Gia” với chính tác giả từng được các nhà nghiên cứu học thuật bàn cãi, dư luận bàn tán xôn xao. “Lão Phật Gia” là tên mà viên thái giám Lý Liên Anh “nịnh hót” dùng để gọi Từ Hy Thái hậu. Lý Liên Anh là một thái giám trẻ, đẹp và hát hay, được Từ Hy yêu chuộng cho hầu cận suốt ngày đêm (hắn là thái giám thật hay giả còn chưa kiểm chứng được). Nhờ vậy hắn cậy quyền thế “làm mưa làm gió” trong triều. Biết Từ Hy Thái hậu sùng đạo Phật, thường hay “phóng sanh” vào ngày rằm, hắn sai quân hầu mua thật nhiều chim và cắt cánh để chúng không thể bay xa. Từ Hy tụng kinh xong, thả những chú chim tội nghiệp gọi là “phóng sanh”. Chim bay lên rớt ngay xuống chân bà. Lý Liên Anh “lanh miệng” nói loài chim thương Từ Hy Thái hậu như một vị Phật sống nên quấn quít không muốn xa bà. Hắn ra lệnh cho mọi người tung hô bà là “Lão Phật Gia”. Dĩ nhiên Từ Hy cũng rất thích được mọi người gọi mình với danh xưng đó. Cuộc tình giữa Từ Hy với Sir Edmund Backhouse tuy từng gây ra nhiều tranh cãi trong giới học thuật, nhưng đây là lần đầu tiên được in thành sách xuất bản. Người xuất bản cuốn sách này là Bao Phác, con trai ông Bao Đồng, nguyên là thư ký của Triệu Tử Dương, cựu Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc đã bị Đặng Tiểu Bình hạ bệ năm 1989, sau khi xảy ra cuộc biểu tình của sinh viên học sinh tại Thiên An Môn Bắc Kinh. Trước cũng như sau khi cuốn Thái hậu cùng tôi chào đời, từng có nhiều dư luận bàn về tính chính xác của cuốn truyện. Ngày 30/03/2011, trước khi bản tiếng Anh và tiếng Hoa chào đời ở Hương Cảng vào tháng 04/2011, New York Times từng viết bài bình luận: “Giữa lúc sự nghiệp của Sir Edmund Backhouse vô cùng hiển hách, được nhiều người ca ngợi ông là một người nổi tiếng về phương Đông … một số nhà nghiên cứu phê phán ông là kẻ lường gạt, những cống hiến của ông giúp cho người phương Tây hiểu về Trung Quốc nhiều hay ít, quan trọng hay không, đang chờ sự đánh giá chính xác của các nhà sử học”. Sir Edmund Backhouse là ai? Sir Edmund Backhouse chào đời ngày 20/10/1873 tại Darlington, Quận Durham, Anh Quốc, trong gia tộc Quaker vô cùng hiển hách. Ông từng theo học và lấy bằng tại Đại học Oxford. Năm 1899 ông đến Bắc Kinh, được Tiến sĩ George Ernest Morrison, ký giả nổi tiếng của The Times, nhờ phiên dịch một số tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Trung Quốc hoặc ngược lại. Ông là người tinh thông Hán học, thông thạo tiếng Quan thoại, tiếng Mãn, được Tiến sĩ George Ernest Morrison giới thiệu vào làm công tác dịch thuật cho The Times và Bộ Ngoại giao Anh Quốc. Ngoài Hán học, ông còn học thêm tiếng Nga và Nhật Bản. Năm 1903, triều đình nhà Thanh mời ông làm giáo sư pháp luật và văn học tại Đại học Bắc Kinh. Năm 1918 ông được trao tặng danh hiệu Nam tước. Ông đã dành hầu hết cuộc đời mình ở Bắc Kinh cho đến ngày tạ thế tại thành phố này vào tháng 01/1944, tính ra khoảng 45 năm. Về học thuật, năm 1910, ông cộng tác với J.O.P. Bland, ký giả báo The Times viết cuốn Trung Quốc dưới ách thống trị của Thái hậu (China under the Empress Dowager), sau khi xuất bản từng nổi tiếng thế giới. Cuốn sách này lần đầu tiên dùng con mắt độc đáo giới thiệu cho độc giả biết Từ Hy Thái hậu, người thống trị triều đình cuối cùng của Trung Quốc và sự sụp đổ của triều đình nhà Thanh. Ít lâu sau ông lại cùng J.O.P. Bland viết tác phẩm thứ 2 là Hồi ức về Cung đình Bắc Kinh ( Annal & Memo of the Court of Peking), rất được giới học thuật ca ngợi. Sau đó ông cùng Tước sĩ Sir Sydney Barton hoàn thành cuốn Từ điển Khẩu ngữ Hán Anh. Nói về cá tính của Sir Edmund Backhouse, những người bạn thân của ông có nhận xét ông là người tính tình cổ quái, thích làm những cái gì mình muốn, ôn hòa dịu dàng, được nhiều người mến. Bất luận người nào tiếp xúc với ông đều nói ông là người có tài ăn nói, thu phục nhân tâm. Sống ở Bắc Kinh 45 năm, ông chưa hề ở gần khu vực các tòa đại sứ ngoại quốc được canh gác bảo vệ nghiêm ngặt. Ông là người sống giản dị, quần áo bình thường, hầu hết mặc theo trang phục của người Trung Hoa. Đặc biệt ông không thích tiếp xúc với người phương Tây. Tháng 01/1944, ông từ trần ở Bắc Kinh, hưởng thọ 71 tuổi. Một năm trước khi từ trần, được sự giúp đỡ của bác sĩ R. Hoeppli, người Thụy Sĩ, ông hoàn thành hai tác phẩm Những ngày trôi qua và Thái hậu cùng tôi. Tác phẩm đầu viết về thời còn trẻ ở Châu Âu, tác phẩm thứ hai viết về cuộc sống dâm ô của Từ Hy Thái hậu. Sir Edmund Backhouse qua đời, bác sĩ R. Hoeppi không muốn xuất bản khi mình còn sống. Năm 1973 bác sĩ R. Hoeppi từ trần, bạn thân của bác sĩ mang 2 tác phẩm này đến cho thư viện Bodleian của Đại học Oxford, sinh thời Sir Edmund Backhouse thường hay lui tới. Trước khi từ trần, bác sĩ R. Hoeppi cũng từng sao lục tác phẩm đó thành nhiều bản gửi cho Viện Bảo tàng Anh Quốc, thư viện Đại học Harvard. 67 năm sau khi Sir Emund Backhouse từ trần, tác phẩm Thái hậu cùng tôi mới được xuất bản bằng 2 thứ tiếng Anh và Trung văn giới thiệu cùng độc giả xa gần. Sir Edmund Backhouse là người song tính luyến ái, từng ngủ chung giường và có quan hệ tính dục với những người nổi tiếng thế giới gồm các chính khách, nhiều nhà văn nhà thơ nổi tiếng nước Anh và thế giới như: Lord Rosebery (Archibald Philip Primrose 5th Earl of Rosebery {07/05/1846 - 21/05/1929}, từng là Thủ Tướng Anh Quốc) Paul Verlaine, (Công chúa Ottoman); Oscar Wilde, nhà văn nổi tiếng của Ireland. Ông cũng từng có quan hệ tình dục với Từ Hy Thái hậu trong một thời gian lâu dài. Nữ hoàng dâm ô Thái hậu cùng tôi (tiếng Anh và tiếng Hoa) vừa xuất bản lần đầu tiên ở Hương Cảng là tác phẩm miêu tả một cách đầy đủ cuộc cống tính dục muôn màu muôn vẻ của người thống trị hàng trăm triệu người Trung Hoa vào cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20. Trong số những người “làm tình” với bà có từ thợ hớt tóc, sư phụ làm bánh đến kép Kinh kịch nổi tiếng … Cách thức “làm tình” cũng muôn màu muôn vẻ … Trong Thái hậu cùng tôi, Sir Edmund Backhouse miêu tả quan hệ tình dục muôn màu muôn vẻ giữa Từ Hy Thái hậu với bản thân ông và những chàng trai trẻ, khỏe mạnh, hoặc ‘Lão Phật Gia” từng chứng kiến những cuộc làm tình của những người đồng tính luyến ái nam với những chàng trai làm nghề “đĩ đực”. Nhiều người xem xong, đặc biệt các tiểu thuyết gia coi xong đều cảm thấy thú vị, gọi Thái hậu cùng tôi là một cuốn kỳ thư (sách lạ). Sách kể rằng, có một lần Sir Edmund Backhouse đến một nhà tắm nam định làm tình với bọn đàn ông, bỗng “Lão Phật Gia” cải trang thành nam giới ngự giá đến, đám đàn ông trần truồng người nào cũng hồn bay phách lạc. Không ngờ … “Lão Phật Gia” ra lệnh cho đám đàn ông đó làm tình với nhau để bà tận hưởng. Bà nói: “Thần dân hãy trổ hết tài cho ta thưởng thức tài nghệ làm tình của những chàng trai trẻ”. Sau khi xem bọn đàn ông “làm tình”, Từ Hy khoái chí, vui vẻ thưởng cho mỗi người vài trăm lạng bạc. Trong Thái hậu cùng tôi còn thuật lại những lời viên thái giám Lý Liên Anh cho biết những kẻ làm tình với Từ Hy Thái hậu gồm sư phụ làm các loại bánh bột mì, con trai kỳ lưng trong nhà tắm, thợ hớt tóc, những người nhắc vai trong các vở kinh kịch và bọn “điếm đực” khỏe mạnh và đẹp trai. Sir Edmund Backhouse còn nói những lúc ông làm tình với Thái hậu, khi cao hứng “Lão Phật Gia” thường nói những lời tục tĩu, dâm đãng. Khi làm tình, bà còn thay đổi nhiều tư thế khác nhau, cho đến khi mệt phờ mới chịu … “đầu hàng”. Theo trang mạng forum iask.ca: Năm 1976, trong tác phẩm Cuộc đời ẩn dật - Bí mật của tước sĩ Edmund Backhouse (A Hidden Life: The Enigma of Sir Edmund Backhouse) bản in ở Hoa Kỳ đổi tên là Ẩn dật ở Bắc Kinh - Cuộc đời ẩn dật của Tước sĩ Edmund Backhouse (The Hermit of Peking: The Hidden Life of Sir Edmund Backhouse), nhà sử học người Anh Hugh Trevor - Roper (1914 – 2003) miêu tả hình ảnh Edmund Backhouse hoàn toàn khác với nhiều người đã biết trước đó. Ông phê phán “Sir Edmund Backhouse là người có kế hoạch ngụy tạo chứng cớ để lường gạt thế gian với hy vọng trở thành người tiếng tăm lừng lẫy, nên đã vi phạm hàng loạt hành động lường gạt người đời”. Sau khi nêu ra một số tội lỗi về đạo đức của Sir Edmund Backhouse, Hugh Trevor - Roper còn kết tội ông là kẻ “Phản quốc thân địch” … Trong khi đó, người dịch cuốn Thái hậu cùng tôi ra tiếng Hoa là nhà văn Vương Tiếu Ca, tốt nghiệp Cao học Ngôn ngữ Văn học Anh tại trường Đại học Ngoại ngữ Thượng Hải lại cho rằng cuối đời nhà Thanh từng xảy ra nhiều cơn bão táp từ Loạn Nghĩa hòa đoàn, Liên quân tám nước tràn vào Bắc kinh, chạy loạn về Tây Đô, đến Quang Tự và Từ Hy Thái Hậu từ trần … đều được người đời chú ý đến. Đó không những là chuyện đau thương vui buồn của đương sự còn là nguồn gốc thay đổi cuộc sống của người Trung Hoa. Vương Tiểu Ca nói: “Tác giả nhờ được gần gủi với tầng lớp cao trong xã hội Trung Quốc thời đó, hoặc miêu tả trực tiếp, hoặc thông qua lời kể của các nhân vật, đã cung cấp những tài liệu có giá trị”. Khi trả lời phỏng vấn, Bao Phác, Chủ nhiệm Nhà xuất bản Tân thế kỷ Hương Cảng, cho rằng sau khi lãnh hội được mục đích sáng tác của Sir Edmund Backhouse, ngòi bút “Thương phong bại tục” của ông tuy khiến cho nhiều người kinh ngạc vẫn cảm thấy thật là sâu sắc và hợp lý. Tác giả cố tình miêu tả sự khoan dung đối với đồng tính luyến ái, đặc biệt là đồng tính luyến ái nam của triều đại nhà Thanh, để so sánh với thái độ khắc nghiệt đối với đồng tính luyến ái ở phương Tây. Năm 1895 nhà văn nổi tiếng người Ái nhĩ lan Oscar Wilde bị cáo buộc tội “cùng những người đàn ông khác làm những chuyện ‘thương phong bại tục’ bị kết án tử hình” so với những gì Sir Edmund Backhouse miêu tả trong Thái hậu cùng tôi quả thật là một trời một vực. Trước khi rời khỏi Anh Quốc, Sir Edmund Backhouse từng bôn ba khắp nơi minh oan cho Oscar Wilde, sau đó mới đến Trung Quốc ẩn dật |