Tất cả đều là một thứ guồng máy đồ sộ, một “cỗ máy nghiền” nhằm tiêu diệt mọi nhen nhúm đe dọa cho sự độc quyền chuyên chế của đảng cộng sản ở mỗi nước.
( Nhân đọc cuốn sách “Enemies of the people” dài 272 trang. Của tác giả Kati Marton, nhà báo nổi danh Do nhà xuất bản Simon & Shuster ấn hành năm 2009)
|
Đây là một cuốn chuyện kể lại một cách thật sống động về một gia đình tỵ nạn cộng sản trên đất Mỹ đã trên 50 năm nay. Cuốn sách có nhan đề phụ nữa là : “ My Family’s Journey to America “ ( Cuộc hành trình của gia đình tôi đến nước Mỹ ). Dưới ngòi bút điêu luyện của một nhà báo và cũng là một tác giả nổi danh, cuốn sách tường thuật lại nhiều chi tiết éo le của một gia đình là nạn nhân trong chế độ hà khắc cộng sản ở Hungary hồi đầu thập niên 1950, giữa thời cao điểm của cuộc chiến tranh lạnh tại khu vực Đông Âu.
Cuốn sách dài 272 trang, được dàn trải trong 20 chương kèm theo nhiều hình ảnh của gia đình, và đặc biệt là do sự khai thác cả hàng ngàn trang tài liệu của cơ quan mật vụ cộng sản Hungary, mà tác giả chỉ được biết đến mãi gần đây vào các năm 2006 - 08, sau khi cả người mẹ và cha của bà đã lần lượt lìa đời năm 2004 và 2005.
I – Thân thế và sự nghiệp của tác giả Kati Marton. Kati Marton sinh năm 1949 tại thành phố Budapest, thủ đô của nước Hungary. Cả cha và mẹ là Endre và Ilona Marton đều là nhà báo nổi tiếng cộng tác với thông tấn AP (Associated Press) và UP (United Press) của Mỹ, giữa thời cộng sản còn đang rất quá khích hung hãn tại Hungary dưới quyền sinh sát của nhà độc tài khét tiếng là Matyas Rakosi tại quốc gia này trong vùng Trung Âu. Kati nói rành rẽ tiếng mẹ đẻ Hungary và tiếng Pháp ngay từ thời thơ ấu, do vú nuôi Gabrielle người Pháp hướng dẫn. Sau này lại được theo học tại các trường trung học và đại học ở Mỹ và cả ở Sorbonne và trường Cao đẳng chính trị tại Paris. Trong nhiều năm, Kati là một phóng viên của hãng truyền hình ABC, chuyên tường thuật về Âu châu và Trung Đông. Và bà cũng là tác giả của 7 cuốn sách được nhiều người chú ý, điển hình như các cuốn “The Great Escape”, “Raoul Wallenberg”, “ A Death in Jerusalem” v.v… Raoul Wallenberg là nhà ngọai giao Thụy Điển đã cứu thóat được nhiều người Do Thái tại Hungary thời đệ nhị thế chiến. Sau đó, ông bị Hồng quân Liên Xô bắt giữ và bị hãm hại trong nhà tù tại nước Nga. Kati Marton lại còn được nhiều người biết đến vì là phu nhân của hai nhân vật đều rất nổi danh, đó là Peter Jennings – người điều khiển chương trình xuất sắc trong nhiều năm của đài truyền hình ABC, và Richard Holbrooke – nhà ngọai giao lỗi lạc của nước Mỹ từ trên 40 năm vừa qua. Kati có hai người con tên là Elizabeth và Christopher với Peter Jennings là người đã mất năm 2005 vì bệnh ung thư phổi. Còn Richard Holbrooke thì cũng đã qua đời vào cuối năm 2010 vừa qua vì bệnh tim mạch. Người Việt nam tỵ nạn cộng sản tại Mỹ đặc biệt biết ơn công lao của Richard Holbrooke, vì ông đã tận tình vận động chánh phủ Mỹ dành quy chế riêng cho người tỵ nạn từ Đông Dương dưới thời Tổng thống Jimmy Carter vào hồi cuối thập niên 1970.
II – Tóm tắt nội dung cuốn sách “Enemies of the People”. Với kinh nghiệm lâu năm của một nhà báo, tác giả đã rất thận trọng khôn khéo trong việc tìm kiếm và khai thác các nguồn tài liệu, đặc biệt là kho hồ sơ liên hệ đến gia đình được lưu trữ tại văn khố cũ của cơ quan mật vụ Hungary dưới thời cộng sản, cơ quan này được gọi là AVO, cũng tương tự như cơ quan STASI của cộng sản Đông Đức. Tác giả lại còn tìm cách gặp lại để phỏng vấn nhiều nhân chứng từ cái thời đầu thập niên 1950, lúc mà cha mẹ của bà chịu nhiều sự truy bức, rình rập và giam hãm đày đọa của nhà nước cộng sản. Người cha tên là Endre Marton xuất thân từ dòng dõi thượng lưu quý phái gốc Do thái lâu đời tại Hungary, ông có bằng tiến sĩ về kinh tế học, lại thông thạo nhiều ngọai ngữ. Bà mẹ Ilona cũng là người gốc Do thái, có bằng tiến sĩ về sử học và cũng thông thạo nhiều ngọai ngữ. Cả hai ông bà đều phải chạy trốn sự truy tầm của chính quyền Đức quốc xã hồi đệ nhị thế chiến, nhằm tiêu diệt người Do thái. Và nhờ được bà con người Hungary bảo bọc che chở, nên ông bà đã tránh thóat được tai họa diệt chủng này. Nhưng cả gia đình ông bà cụ thân sinh của bà thì đều bị thảm sát trong lò thiêu của Đức quốc xã. Sau chiến tranh ít lâu, thì ông được mời làm thông tín viên cho thông tấn AP và bà thì làm cho thông tấn UP. Sau năm 1952, ông bà là hai phóng viên duy nhất còn có thể hành nghề giúp cho các hãng thông tấn quốc tế và được giới truyền thông ngọai quốc đánh giá cao về các bài tường thuật khá đày đủ và chính xác về tình hình xã hội chính trị tại Hungary. Do nhu cầu công tác, ông liên lạc chặt chẽ với giới chức ngọai giao Anh, Mỹ, Pháp tại Budapest và lại còn thường xuyên tham dự những buổi sinh họat văn nghệ thể thao với họ. Vì thế mà cơ quan mật vụ đã mở cả một chiến dịch rất tinh vi khôn khéo để rình rập theo dõi mọi hành vi, thái độ và giao tiếp của cặp vợ chồng nhà báo này, mà họ liệt vào hàng ngũ “ Những kẻ thù của nhân dân”, từ ngữ thường được dùng trong các quốc gia cộng sản thời đó. Dưới đây là một số chi tiết của mạng lưới dày đặc các “ báo cáo viên” (informers) trong vụ án này :
A / Các bản báo cáo của bà vú nuôi Gabrielle. Bà vú nuôi người Pháp tên là Gabrielle Guillemet quê tại Chinon nước Pháp được gia đình mướn vừa để trông coi, vừa để dậy tiếng Pháp cho hai cô con gái Juli và Kati. Trong nhà các cô vẫn gọi bà là Madame. Bà này thường xuyên gửi báo cáo rất chi tiết về mọi sinh họat trong gia đình, kể cả các chuyện nhỏ nhặt và hình ảnh về hai cô gái còn rất nhỏ tuổi cho cơ quan AVO. Bà dùng tên bí danh là “Gaspar”. Hồ sơ tại AVO còn lưu lại rất nhiều báo cáo của Gaspar về nhất cử nhất động của cả hai ông bà Marton, kể cả về sinh họat của bà Ilona sau khi ông Endre bị bắt giữ vào tháng Hai năm 1955. Và rồi cuối cùng chính bà mẹ Ilona cũng bị bắt giữ vào ngày 23 tháng Sáu năm 1955, để lại hai đứa con nhỏ dại bơ vơ không cha, không mẹ.
B / Những báo cáo viên được cài đặt ngay tại phòng giam. Trong suốt thời gian bị giam giữ để điều tra, AVO đều bố trí cho các người tù ở chung phòng với Endre để theo dõi và báo cáo chi tiết về lối sống, suy nghĩ và tâm sự nhớ vợ nhớ con của ông. Họ còn bày đặt cho một báo cáo viên này bảo ông viết thư về cho bà vợ thế này, thế nọ; nhưng tất cả các thư đó đều lại rơi vào tay cơ quan mật vụ hết. Các bản báo cáo này đều còn được lưu trữ trong hồ sơ của AVO. Mánh lới này cũng được áp dụng đối với bà Ilona, nhưng với mức độ ít thâm độc hơn. Khỏi phải nói là sau nhiều ngày tháng bị giam giữ và bị truy bức khủng bố tinh thần, Endre đã lâm vào tình trạng quẫn trí tột cùng, đến độ tìm cách quyên sinh bằng thuốc ngủ tích lũy nhiều ngày . Vì quá thương hai con còn nhỏ dại, nên ông đâm ra yếu đuối, phải nhượng bộ trước áp lực của cán bộ điều tra. Các chi tiết này, chỉ được biết đến sau khi ông qua đời, lại càng làm cho Kati mến phục và yêu thương người cha của mình.
C / Việc xét xử hai vợ chồng Endre và Ilona Marton. Vào cuối năm 1955, hai ông bà bị đem ra xét xử. Vị chánh án tên là Bela Jonas còn có biệt danh là “Chánh Án Sắt Máu” (Blood Judge), vì trong thời kỳ đại khủng bố vào năm 1952, ông này đã tuyên án đến 50 người bị tử hình, mà ông ta còn đích thân đến xem các vụ hành quyết các nạn nhân đó nữa. Kết cục vị chánh án này đã nêu lý do tội “làm cố vấn thường xuyên” cho người Mỹ, lại còn “đánh cắp” bản ngân sách của Hungary để trao cho người Mỹ, và xử phạt 13 năm tù giam đối với Marton. Và tuyên án 6 năm tù giam đối với Ilona Marton về tội rất khôi hài là “ thảo luận về giá cả của trứng và thịt ở Hungary với người Mỹ” . Nhưng sau đó, thì án này lại được giảm bớt xuống một nửa, chỉ còn 6 năm và 3 năm đối với hai vợ chồng. Về ông chánh án sắt máu Bela Jonas này, thì trong cuộc cách mạng nổi dậy vào tháng Mười năm 1956 ở Hungary, ông ta đã phải tự sát. Chi tiết này làm cho giới tù nhân chính trị ở Việt nam nhớ đến tên tuổi của vị chánh án Lê Thúc Anh cũng là một người rất sắt máu tàn bạo quá khích trong các phiên xử tội phạm chính trị ở Saigon sau năm 1975. Ông này hai năm trước đây còn bị giới luật sư ở Saigon tẩy chay lúc ông được Bộ Tư pháp đặt để vào chức vụ Chủ tịch Luật sư đòan Việt nam.
D / Cuộc giải thóat khỏi nhà tù và cả gia đình được qua định cư tại Mỹ. Trước bản án tòa xử nặng nề như vậy đối với hai ký giả Marton , dư luận báo chí ở Âu Mỹ đã tỏ ra rất phẫn nộ và đặc biệt là Bộ Ngọai giao Mỹ dưới sự điều khiển của Ngọai trưởng Foster Dulles đã phản ứng mạnh mẽ đòi chính phủ Hungary phải trả tự do tức khắc cho cả hai người. Cũng may là vì lúc đó đang có cuộc thương thảo hòa hõan giữa Mỹ và Liên Xô, thông qua cuộc Họp thượng đỉnh của hai lãnh tụ Eisenhower – Krushev ở Geneva, nên hai ông bà lần lượt được trả tự do vào giữa năm 1956. Ông bà trở lại ngay với công việc cũ với các hãng thông tấn AP và UP, đặc biệt là việc tường thuật rất đày đủ và chính xác về cuộc cách mạng nổi dậy của dân chúng ở Hungary vào tháng Mười 1956, và tiếp theo là sự đàn áp đẫm máu của quân đội Liên Xô, tàn sát rất nhiều người dân ngay tại thủ đô Budapest. Nhưng qua năm 1957, trước nguy cơ bị bắt trở lại của nhà cầm quyền cộng sản đang nhằm trả thù những phần tử có dính líu đến cuộc nổi dậy vừa qua, thì gia đình Marton gồm cha mẹ và hai con gái đã được cấp hộ chiếu để đi qua Vienna thủ đô của nước Áo. Và từ đó, thì được qua định cư tại Mỹ với quy chế tỵ nạn chính trị. Tại Mỹ, Endre được bố trí ngay làm phóng viên thường xuyên tại Bộ Ngọai giao và đã trở thành một nhà báo ngọai quốc có tên tuổi tại thủ đô Washington. Ông được sự tin tưởng quý mến đặc biệt của các Ngọai trưởng Foster Dulles, Dean Rusk và Henry Kissinger cũng như của nhiều nhân vật trong chính giới Hoa kỳ.
E / Dù đã định cư ở Mỹ, Endre Marton vẫn còn bị Hungary “theo dõi”. Trong chương 18 gần cuối cuốn sách này, tác giả Kati Marton đã kể lại chi tiết về chiến dịch có ám danh là “Flower” (Bông Hoa) do mật vụ AVO tổ chức nhằm lôi cuốn dụ dỗ Endre Marton chịu làm “cộng tác viên với họ”, mặc dầu ông bà và gia đình đã định cư ổn định tại Mỹ. Chiến dịch Flower này bắt đầu từ năm 1962 với sự bố trí một nhà báo trẻ người Hungary làm việc tại Washington đến tiếp súc và làm quen với Endre nhằm tìm hiểu chi tiết về nếp sinh họat của ông, để có thể tạo cơ hội dụ dỗ hay ép buộc ông phải hợp tác với chính quyền cộng sản Hungary. Kati chỉ được biết chuyện này, mãi sau này khi được tham khảo tài liệu lưu trữ ở Budapest với hồ sơ có ký hiệu là “B Dossier”, chữ B ở đây viết tắt thay cho chữ “Benzervezes” có nghĩa là “ Tuyển dụng những phần tử không sẵn lòng hợp tác” làm công tác gián điệp cho AVO ( recruiting in the unwilling for espionage). Nhưng đến năm 1967, thì do một viên chức cao cấp tại tòa Đại sứ Hungary ở Washington đào thóat khỏi nhiệm sở, nên chiến dịch Flower này bị hủy bỏ. Sau đó trên 40 năm, vào năm 2008 thì Katiđã tìm gặp được người phụ trách chiến dịch này ở Budapest và đã phỏng vấn ông ta về chuyện này. Rõ rệt, đây là một chuyện y hệt như truyện trinh thám hồi hộp gay cấn hết sức vậy đó.
III – Thay lời kết luận. Bài viết tới đây kể đã dài rồi, tôi chỉ xin tóm tắt lại với mấy nhận định ngắn gọn như sau : Thứ nhất, về hình thức tác giả Kati Marton đã tỏ ra hết sức bình tĩnh, thanh thóat khi được đọc các tài liệu, các báo cáo cho cơ quan mật vụ AVO xuất phát từ những người thân cận với gia đình. Bà tỏ ra có sự thông cảm bao dung đối với những người đã vì yếu đuối mà cam tâm cộng tác với AVO để làm hại cho cha mẹ của bà. Thứ hai, với kỹ thuật điêu luyện của một nhà báo có tầm vóc lớn, tác giả đã thuật lại nhiều chi tiết về vụ án mà cha mẹ bà đã phải trải qua, cũng như những hệ lụy gây đến cho cả gia đình. Vì thế mà cuốn sách đã có sức lôi cuốn hấp dẫn, đày những chi tiết rất mới lạ đến ngạc nhiên thích thú đối với người đọc. Thứ ba, riêng đối với độc giả Việt nam, thì chúng ta có thể nhận ra sự tương đồng của lề lối làm việc của cơ quan mật vụ cộng sản VN với tổ chức AVO cộng sản Hungary, STASI của cộng sản Đông Đức và dĩ nhiên là cả với KGB – NKVD của cộng sản Liên Xô. Tất cả đều là một thứ guồng máy đồ sộ, một “cỗ máy nghiền” nhằm tiêu diệt mọi nhen nhúm đe dọa cho sự độc quyền chuyên chế của đảng cộng sản ở mỗi nước. Đó là một tập đòan tội ác tàn tệ nhất trong lịch sử nhân lọai, mà đã gây ra không biết bao nhiêu đau thương tang tóc cho hàng trăm triệu con người ở khắp nơi trong gần một thế kỷ qua vậy./
California, 19 tháng Tư 2011 |