Đọc “Chứng từ của một Giám Mục” |
Tác Giả: Đoàn Thanh Liêm | |
Thứ Hai, 13 Tháng 12 Năm 2010 12:07 | |
Nguyệt san Diễn Đàn Giáo Dân tại miền Nam California vừa cho tái bản cuốn Hồi ký của vị cố Giám mục Phụ Tá Tổng Giáo Phận Hanoi là Lê Đắc Trọng vào cuối năm 2009. Có thể nói đây là một cuốn Hồi ký đầu tiên do một vị chức sắc cao cấp của Giáo hội Công giáo Việt nam ghi lại những điều mình chứng kiến trong một thời gian lâu dài phải sống dưới chế độ cộng sản ở miền Bắc Việt nam. Tập Hồi ký này đã được phổ biến ở trong nước từ mấy năm trước, lần lượt trong ba cuốn với chung một nhan đề rất khiêm tốn là: “Những câu chuyện về một thời”. Và nay thì được gom lại, chọn lọc và tái bản ở hải ngoại chung trong một cuốn sách duy nhất với nhan đề chính là: “Chứng từ của một Giám mục” kèm theo phụ đề: “Những câu chuyện về một thời”. Sách được in trên giấy trắng ngà, khổ chữ 12 sắc nét với bìa cứng, được trình bày rất mỹ thuật, sáng sủa, dễ đọc. Tác giả sinh năm 1918, theo học trong nhiều năm tại chủng viện từ hồi còn nhỏ tuổi, và được truyền chức linh mục khi đã tròn tuổi 30 vào năm 1948. Ông phụ trách hướng dẫn giáo dân tại giáo xứ ở thành phố Nam Định một thời gian dài, và sau cùng được bổ nhiệm làm Giám mục Phụ tá tại Tổng Giáo phận Hanoi. Ông vừa qua đời năm 2009, hưởng thọ 92 tuổi. Là một vị chân tu, với lòng đạo hạnh sâu xa vững chắc, nên chứng từ của ông được ghi lại với sự trung thực và sự can đảm đáng quý, vì thế mà có độ khả tín rất cao. Cuốn sách dài trên 500 trang, được chia thành 4 phần như sau : 1 – Phần Một: Tuổi thơ và bước đường mục vụ, gồm trên 150 trang (từ trang 13 đến trang 170). 2 – Phần Hai: Giáo Hội Công giáo VN trước cơn bão thời đại, gồm 101 trang ( từ trang 171 đến trang 272). 3 – Phần Ba: Cái nhìn đối với Việt minh và Chủ nghĩa Cộng sản, gồm 176 trang ( từ trang 273 đến trang 449). 4 – Phần Bốn: Phụ Lục gồm nhiều bài của các tác giả khác, chiếm đến 91 trang (từ trang 450 đến trang 542). Cuốn sách tuy do một vị Giám mục công giáo viết, nhưng lại cung cấp cho người đọc rất nhiều tư liệu quý báu liên hệ trực tiếp đến chánh sách đàn áp tiêu diệt tôn giáo của chánh quyền cộng sản ở miền Bắc, như được mô tả chi tiết trong phần Hai. Và đặc biệt, trong phần Ba, tác giả đã nêu ra được một sự phân tách và lý giải rất sâu sắc, xác đáng trong chủ trương” tiêu thổ kháng chiến” hồi cuối thập niên 1940, và nhất là trong chiến dịch “cải cách ruộng đất” hồi giữa thập niên 1950, thường được người cộng sản gọi là “cuộc cách mạng long trời lở đất”, mà tác giả được đích thân chứng kiến và tìm hiểu, kiểm chứng tại địa phương các tỉnh xung quanh thủ đô Hanoi. Để bạn đọc có thể theo rõi chi tiết về mấy đề tài chính yếu nêu trên, người viết xin liệt kê từng mục và trích dẫn một vài đoạn tiêu biểu như sau đây : A/ Chuyện tiêu thổ kháng chiến hồi đầu chiến tranh Việt Pháp vào cuối thập niên 1940. Bàn về chánh sách tiêu thổ kháng chiến, nhờ được đọc một tài liệu do người em rể tên là Lê Văn Ban vốn là cán bộ đi theo Việt minh cho xem vào năm 1947, ngay sau khi bùng nổ cuộc kháng chiến từ cuối năm 1946, thì ông đã thuật lại theo trí nhớ như sau : “Đánh đổ quân đội Pháp là một mục tiêu; đánh đổ giai cấp tư bản là mục tiêu khác, còn quan trọng hơn. Vì giả sử có đuổi được quân đội Pháp, mà tư bản vẫn còn chễm chệ ngồi yên, thì đối với Việt minh, cách mạng chưa kể là thành công. Phải tiêu diệt hai kẻ thù cùng lúc, mà kẻ thù tư bản cần phải được đánh gục hơn…” (trang 100). Nơi khác, ông còn viết rõ hơn : “ Cái chiến lược vườn không nhà trống, không phải chỉ để đối phương không còn chỗ đặt chân, mà nhất là dân cư của vườn, của nhà không còn gì!” (trang 307). Nhân đây, thiết nghĩ các nhà nghiên cứu sử học cũng nên tìm kiếm các tài liệu liên quan đến chủ trương và chỉ thị của đảng cộng sản về việc thực hiện chánh sách tiêu thổ kháng chiến trong giai đọan cuối thập niên 1940 này. Rõ rệt là giới lãnh đạo cộng sản Việt nam đã áp dụng theo khuôn mẫu của Liên Xô và Trung quốc, để lợi dụng chiến tranh phá họai tài sản, tiêu thổ nhà cửa nhằm san bằng xã hội, để dễ dàng cho việc xây dựng nền chuyên chính vô sản ở nước ta. B/ Chiến dịch cải cách ruộng đất vào giữa thập niên 1950. Bàn về chiến dịch cải cách ruộng đất, ông còn phân tách rất tỉ mỉ chi tiết, như : “ Người cộng sản Việt nam học được kinh nghiệm của các anh Liên Xô, Trung Quốc, nên công cuộc được tổ chức rất chu đáo cặn kẽ, từ lúc phát động đến (lúc) hoàn thành” (trang 377). Trong phần Phụ lục cuốn chuyện “Ngày Long Trời, Đêm Lở Đất” của tác giả Trần Thế Nhân (hiện còn ở trong nước), do nhà xuất bản Cành Nam ở Virginia ấn hành, thì có bản chụp phóng ảnh thư của ông Hồ Chí Minh viết tay bằng tiếng Nga để gửi cho “đồng chí Staline” vào năm 1952, lúc đó Staline vẫn còn sống, kèm theo bản cương lĩnh của đảng cộng sản Việt nam về vấn đề ruộng đất. Trong thư này, ông Hồ Chí Minh có viết là “bản cương lĩnh này được soạn thảo với sự cố vấn của đồng chí Lưu Thiếu Kỳ”, ông này lúc đó là một nhân vật nòng cốt trong giới lãnh đạo cộng sản Trung quốc. Như vậy, bức thư chính thức này do chính tay nhà lãnh đạo cộng sản Việt nam viết và ký tên đó, rõ ràng đã minh xác cho lời ghi chép của Giám mục Lê ĐắcTrọng như đã trưng dẫn ở trên. Tác giả lại còn ghi rõ là đã có dịp đến xem một trường đào tạo cán bộ của đội cải cách tại Phủ Lý của tỉnh Hà Nam, gần với thành phố Nam Định. Ông còn mô tả chi tiết một số vụ đấu tố do cán bộ đội cải cách “mớm cho người bần cố nông” để xỉa xói, vạch mặt người địa chủ một cách rất tàn bạo, độc ác, theo đúng bài bản đã được cho người nông dân học tập từ trước. Những mô tả này đều phù hợp với các chứng từ khả tín của nhiều nhân chứng đã thuật lại trước đây, nên ta khỏi cần phải nhắc lại ở đây nữa. Tác giả đã tóm lược sự việc này như sau: “Lấy lại ruộng đất chỉ là phương tiện để cải cách, (mà) chính việc cải cách cũng chỉ là phương tiện cho sự thống trị của giai cấp vô sản. Nói đúng ra cho sự thống trị của Đảng chuyên chính được thiết lập vững chắc (trang 410)… Cái bầu trời phát quang, cái mặt đất phẳng lì lì. Muốn dựng lên cái gì thì dựng, với cái tính tàn khốc, tính quá khích, đã tạo nên bầu trời quang, và cái mặt bằng, cái tính tình man rợ đó đã in sâu trong lòng, không biết phải bao nhiêu thế hệ mới xóa nổi chăng?” (trang 420) C/ Chiến dịch “Phá Đạo Công giáo”. Là nạn nhân cũng như là nhân chứng, Giám mục Trọng quả là người biết rõ hơn ai hết về những âm mưu thủ đoạn của người cộng sản nhằm triệt hạ Giáo hội công giáo, mà họ coi là một kẻ thù nguy hiểm nhất cho chế độ độc tài chuyên chế của họ. Ông ghi rõ về chuyện công sản đã sử dụng chính một số người trong nội bộ công giáo để phá nát hàng ngũ Giáo hội, đúng theo sách lược rất thâm độc “dùng củi đậu để nấu đậu”, “dùng gậy ông đập lưng ông”. Bắt đầu là “ Hội Liên lạc Những Người Công giáo Yêu Nước và Hòa bình” được thiết lập tại miền Bắc sau năm 1954. Sau năm 1975, thì lập ra “Ủy Ban Đoàn kết Những Người Công giáo Yên Nước” trong cả nước. Ông viết rõ ràng: “Người Công giáo chịu bao khốn khó, tù đày cũng là do nhóm này.”(trang 260) Những điều tác giả ghi ra trong cuối Hồi ký này đều ăn khớp với chứng từ của nhiều tác giả khác nhau trong giới công giáo, cũng như trong giới tu sĩ và tín đồ các tôn giáo khác, đặc biệt là của Hòa Thượng Thích Quảng Độ của Giáo Hội Phật giáo Việt nam Thông Nhất. Và ông đã kiên quyết nêu vấn đề: Đã đến lúc phải Dẹp bỏ cái” Ủy Ban Đoàn Kết Công giáo Yêu Nước” đó đi thôi. (trang 270) D/ Phần Phụ Lục Phần này gồm nhiều bài viết của các tác giả trong nước như Vũ Sinh Hiên, Giám mục Chu Văn Minh, Tổng Giám mục Ngô Quang Kiệt, Tổng Giám mục Nguyễn Kim Điền… Và đặc biệt bài viết rất công phu của nhà văn Trần Phong Vũ ở California. Nói vắn tắt lại, thì đây là những chứng từ rất đáng tin cậy của một vị tu sĩ có tinh thần đạo hạnh sâu sắc, luôn gắn bó chặt chẽ với cộng đoàn tí hữu công giáo của mình và có tấm lòng nhân ái thiết tha với nhân quần xã hội. Các chứng từ này rõ rệt sẽ góp phần soi sáng cho những ai muốn tìm hiểu sâu xa hơn về tình hình sinh hoạt của người dân Việt nam dưới sự kềm kẹp của chế độ công sản từ trên 60 năm nay. Người viết xin trân trọng giới thiệu với quý độc giả cuốn Hồi ký rất có giá trị của một vị Giám mục vốn được tiếng là rất khiêm nhu đạo đức này. California, Tháng Mười 2010
|