Hài tính con người Việt Nam được biểu hiện khi kín đáo, lúc trắng trợn, khi thư thả, lúc hậm hực, khi châm biếm, lúc mỉa mai…
Hài tính của mỗi dân tộc mang một chất khí khác nhau. Khác nhau qua thể thức biểu lộ, qua thời gian, qua nếp sống vật chất cũng như tinh thần đặc trưng của mỗi xã hội. Như nhà triết học Pháp Bergson trong quyển sách luận về hài tính đã nói: “Muối hiểu biết cái cười, ta cần đặt nó lại trong hoàn cảnh tự nhiên tức là đời sống xã hội, nhất là phải xác nhận tác dụng hữu ích của nó, tức là một tác dụng xã hội.”
Hài tính con người Việt Nam được biểu hiện khi kín đáo, lúc trắng trợn, khi thư thả, lúc hậm hực, khi châm biếm, lúc mỉa mai…ẩn chìm, lảng vảng qua những dòng ca dao ngọt dịu, những dòng ca dao kêu gào, những dòng ca dao thiết tha, những dòng ca dao nức nở…; phong phú, vô dạng, sống hoài!
Trong thi ca truyền miệng Việt Nam từ ngàn đời, ta tìm thấy: - Những nụ cười nhẹ nhàng tưởng như lời đùa cợt nhưng đôi lúc thật thấm thía làm cho ta phải suy nghĩ bâng khuâng để tìm cho ra được đối tượng, mục đích của sự diễu cợt ấy. - Những nụ cười tự thương thân trách phận của người con gái lở thì, của người con gái vì hoàn cảnh phải bị ép duyên với ông chồng già, của người đàn bà ém mình mà sống vì những phong tục khắc khe, tục tảo hôn, môn đăng hộ đối, coi trọng văn bảng… làm ta cảm thấy bất nhẫn cho thân phận người con gái thời xưa. - Cũng có những nụ cười tự mỉa mai cái vụng về, cái thất bại của mình của kẻ thất chí hay người mắc vào tứ đổ tường. - Những nụ cười cay độc trắng trợn để nói lên những bất công oan nghiệt, những phong tục khắc khe, những tập quán mục nát mà thường là người đàn bà, người dân nghèo, người dân ngu muội phải gánh chịu. Đôi lúc ta phải sống trong xã hội phong kiến thời ấy mới thấm thía được cái hài hước đắng cay đó. - Những nụ cười thật nhẹ, cười trong ánh mắt, cười trong nét nhếch môi, cười trong cái nhìn ranh mảnh, cười ngạo đời kín đáo, thường chỉ để được hiểu ngầm, thường chỉ để chế riểu cái ngu dốt, cái gian lận, cái nhỏ nhen của người đời. - Những nụ cười nói lên được sự công kích kịch liệt những tệ đoan bất công, quan quyền trong xã hội và đồng thời cũng nói lên cái hả dạ của người khám phá ra sự thật, cắt, tỉa được phần nào những cái chướng tai gai mắt ở đời. - Những nụ cười chỉ để mua vui trong phút mắt, để biểu lộ tinh thần lạc quan, ý muốn vui tươi, để tăng cường phần nào lòng tự tin cố đương đầu, cố vượt qua những cam go trong cuộc sống.
Ai ơi! Chớ lấy học trò, Dài lưng, tốn vải, ăn no lại nằm. Mùa đông trời rét căm căm, Đi cấy được ba mươi sáu đồng kẽm về, nó lại nằm, nó ăn.
Ai làm cho cải tôi ngồng, Cho dưa tôi khú, cho chồng tôi chê. Chồng chê thì mặc chồng chê, Đua khú nấu với cá trê ngọt lừ!
Anh về rẫy vợ anh ra, Con anh thơ dại thì đà có tôi. Anh đã rẫy vợ anh rồi, Con anh thơ dại? Mặc trời với anh!
Anh thương em không biết để đâu, Để trong cái hủ, lâu lâu lại nhìn.
Anh ơi! Anh đợi em cùng, Em còn đốt mả cho chồng em đây.
Anh hùng gì? Anh hùng rơm, Tôi cho mớ lửa, hết cơn anh hùng!
Ao sâu thì lắm ốc nhồi, Chồng mình lịch sự, nửa người, nửa ta. Ghen lắm thì đứt ruột ra, Chồng mình sẽ tới tay ta phen này!
Ba đồng một mớ đàn ông, Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
Ba cô đội gạo lên chùa, Một cô yếm thấm, bỏ bùa cho sư. Sư về, sư ốm tương tư, Ốm lăn, ốm lóc cho sư trọc đầu. Ai làm cho dạ sư sầu, Cho ruột sư héo, như bầu đứt dây…?
Ba trăm một mụ đàn bà, Đem về mà trải chiếu hoa cho ngồi.
Bà cốt đánh trống long song, Nhảy lên nhảy xuống, con ong đốt bà.
Bà già đã tám mươi hai, Nằm trong quan tài, hát ví thợ sơn.
Bà già đã tám mươi tư, Ngồi bên cửa sổ gởi thư kén chồng. Bà già đi chợ cầu Đông, Bói xem một quẻ có chồng được không? Ông thầt gieo quẻ nhủ rằng: “Lợi thì có lợi nhưng răng không còn”
Bồng bồng bế chồng đi chơi, Đi qua vũng nước, đánh rơi mất chồng. Chị em ơi! Cho tôi mượn cái gào sòng, Để tôi tát nước vớt chồng tôi lên.
Buồn chẳng muốn nói, gọi chẳng muốn trông, Tưởng sự lấy chồng: Tỉnh như con sáo! Bữa cơm, múc nước, rửa râu, hầu cơm, hầu rượu, hầu trầu, hầu tăm. Đêm đêm dắt cụ đi nằm, Than thân phận gái, ôm lưng lão già. Ông ơi! Ông bỏ tôi ra, Kẻo ai trông thấy, người ta lại cười!
Càng già,càng dẽo, càng dai, Càng gẫy chân chõng, càng sai chân giường.
Cái cò lặn lội bờ ao, Hỡi cô yếm đào! Lấy chú tôi chăng? Chú tôi hay tửu hay tăm, Hay nước chè đặc, hay nằm ngủ trưa. Ngày thì ước những ngày mưa, Đêm thì ước những đêm thừ trống canh.
Càng đẹp thì lại càng lo, Đem nằm, lắm kẻ lần mò, ước ao. Thà rằng xấu xí như tao, Nằm đâu, ngủ đấy, sướng sao sướng này!
Cậu cai nón dấu, lông gà, Ngón tay đeo nhẫn gọi là cậu cai. Ba năm được một chuyến oai, Áo ngắn đi mượn, quần dài đi thuê. Cậu cai buông áo em ra, Để em đi chợ, kẻo mà chợ trưa.
Có chồng càng dễ chơi ngang, Đẻ ra, con thiếp, con chàng, con ai?
Có ăn thiếp ở cùng chàng, Không ăn thiếp tếch, cơ hàn thiếp lui.
Có bát sứ, tình phụ bát đàn, Nâng niu bát sứ, vở tan có ngày!
Cô kia cắt cỏ bên sông, Cái váy thì cộc, cái lông thì dài. Thuyền chài nó trả quan hai, Thưa rằng: chẳng bán, để dài quét sân.
Con sóc , -mày trèo cành nho, Anh kia không vợ, hay mò đi đêm.
Còn duyên anh cưới ba heo, Hết duyên anh đánh ba hèo, đuổi đi.
Của chua, ai thấy chẳng thèm, Em cho chị mượn chồng em vài ngày. - Chồng em nào phải trâu cày, Mà cho chị mượn cả ngày lẫn đêm!
Củi mục bà để trong rương, Hể ai nói đến, trầm hương của bà.
Có duyên lấy được chồng già, Ăn xôi bỏ cháy, ăn gà bỏ xương.
Có ông bốn vợ Một vợ rửa bát cầu ao, Chẳng may gió cả rạt vào bụi tre. Một vợ thì đi buôn bè, Chẳng may gió cả, nó đè xuống sông. Một vợ thì đi buôn bông, Chẳng may gió cả, nó bồng lên cây. Một vợ thì buôn mây, Chẳng may gió cả, nó bay lên trời.
Có thằng chồng ghiền như ông tiên nho nhỏ, Tối lại vô mùng đền đỏ tợ sao.
Con gái Sơn Tây, yếm thủng bằng giần, Răng đen hạt nhón, chân đi cù nèo. Tóc rễ tre cài lược bồ cào, Xù xì da cóc, hắc lào tứ tung. Trên đầu chất rận như sung, Rốn lồi quả mít, má hồng trộn tiêu. Cô tưởng mình cô ái ố mỹ miều, Chồng con chẳng lấy, để liều thân ru? Hai nách cô thơm như ổ chuột chù, Mắt thì dán nhắm lại gù lưng tôm. Trứng rận bằng quả nhãn lồng, Miệng cười tủm tỉm như sông Ngân hà. Con rận bằng con ba ba, Đêm nằm nó gáy cả nhà thất kinh. Hàng xóm vác gậy đi rình, Hóa ra rận đựcnóng mình bò ra. Bánh đúc nếm hết nồi ba, Mía re tráng miệng hết vài trăm cây. Giã gạo vú chấm đầu chầy, Xay thóc cả ngày, được một đấu ba. Đêm nằm nghĩ hết gần xa, Trở mình một cái, gẫy ba mươi cái thang giường.
Còn duyên kén cá chọn canh, Hết duyên ếch đực, cua kềnh cũng vơ! Còn duyên kén những trai tơ, Hết duyên ông lão cũng vơ làm chồng!
Cô kia cứ hát ghẹo trai, Cái mồm méo xếch như quai chèo đò. Đến đây anh nắn lại cho, Ngày mai chèo đò, ăn bát cơm thiu.
Cụ già đầu bạc răng long, Cưới cô con gái còn măng tuổi đào. - Cưới nàng anh toan dẫn voi, Anh sợ quốc cấm, nên voi không bàn. Dẫn trâu sợ họ máu hàn, Dẫn bò, sợ họ nhà nàng đau gan. Miễn là có thủ bốn chân, Dẫn con chuột béo, mời dân , mời làng. - Chàng dẫn thế, em lấy làm sang, Nỡ nào em lại phá ngang như là. Người ta thách lợn, thách gà, Nhà em thách cưới một nhà khoai lang. Củ to thì để mời làng, Còn như củ nhỏ, họ hàng ăn chơi. Bao nhiêu củ mẻ chàng ơi! Để cho con trẻ ăn chơi giữ nhà. Bao nhiêu củ rụi, củ hà, Để cho con lợn, con gà nó ăn.
Cha đời cái áo rách này! Mất chúng, mất bạn, cũng mày áo ơi!
Chập chập rồi lại cheng cheng, Con gà trống lớn để riêng cho thầy! Đơm xôi thì đơm cho đầy, Đơm mà vơi dĩa thì thầy không ưa.
Chồng cùng lấy vợ cũng cùng, Nằm phản thì chật, nằm nang thì vừa.
Chèo ghe bán cá long tong, Bớ chị ghe lồng, muốn tía tôi không? Tía tôi lịch sự lịch sàng, Cái lưng mốc thích, cái đầu chơm bơm.
Chính chuyên lấy được chín chồng, Vò viên bỏ lọ, gánh gồng đi chơi. Không ngờ quang đứt lọ rơi, Bò ra lổn cổn, chín nơi chín chồng.
Chính chuyên chết cũng ra ma, Lẳng lơ, chết cũng đưa ra ngoài đồng.
Chổi cùn cắp nách khăng khăng, Hể ai nói đến thì văng ngàn vàng.
Chồng người chẳng mượn được lâu, Vừa mượn hôm trước, hôm sau người đòi.
Chồng em vừa xấu vừa đen, Vừa kén nhan sắc, vừa hèn chân đi. Chồng em rỗ sứt, rỗ sì, Chân đi chữ bát, mắt thì ngưỡng thiên. Bao giờ vào đám tháng giêng, Bắt chồng em đến khiêng chiêng cho làng.
Chồng người đi ngược về xuôi, Chồng tôi nằm bếp, thò đuôi ra ngoài.
Chớ nghe quân tử nói òn, Mà rồi có lúc ẵm con một mình.
Chữ trinh đáng giá ngàn vàng, Từ anh chồng cũ, đến chàng là năm. Còn như yêu vụng, dấu thầm, Họp chợ trên bụng, hàng trăn con người.
Đàn ông năm bảy đàn ông, Đem bỏ vào lồng cho kiến nó tha.
Đàn ông không râu, bất nghì, Đàn bà không vú lấy gì nuôi con?
Đàn ông năm bảy đàn ông, Vợ dặn mua hồng, lại mua quít non.
Đàn bà năm bảy đàn bà, Chồng dặn mua gà, lại mua cuốc con.
Đẻ đứa con trai. Chẳng biết nó giống ai. Cái mặt thì giống ông cai, Cái đầu ông xã, cái tai ông trùm.
Đêm năm canh, năm vợ ngồi hầu, Vợ Cả pha nước chêm trầu chàng xơi. Vợ Hai trải chiếu chia bài, Vợ Ba coi sóc nhà ngoài nhà trong. Vợ Tư trải chiếu quạt mùng, Vợ Năm thức dậy trong lòng Xót xa. Chè thang, cháo đậu bưng ra, Chàng xơi một bát kẻo mà công lênh.
Đêm qua anh nằm nhà ngoài, Để em thở ngắn than dài nhà trong. Ước gì anh được vô phòng, Loan ôm lấy phượng, phượng bồng lấy loan.
Đêm qua mới gọi là đêm, Ruột xót như muối, dạ mềm như dưa. Mong chàng như cá mong mưa, Nhớ chàng như bữa cơm trưa dói lòng.
Đêm qua ra đứng bờ ao, Trông cá cá lặn, trông sao sao mờ. Buồn trông con nhện giăng tơ, Nhện ơi! Nhện hỡi! Nhện chờ mối ai? Buồn trông chênh chếch sao mai, Sao ơi! sao hỡi! Nhớ ai sao mờ?
Đêm đêm tưởng dãi Ngân hà, Bóng sao tinh đẩu đã ba năm tròn. Đá mòn nhưng dạ chẳng mòn, Tào Khê nước chảy vẫn còn trơ trơ.
Đêm trăng thanh anh mới hỏi nàng: Tre non đủ lá đan sàng nên chăng? - Đan sàng thiếp cũng xin vâng, Tre vừa đủ lá, non chăng hở chàng? Đi đâu mà chẳng lấy chồng, Người ta lấy hết, chổng mông mà gào. Gào rằng: “Đất hỡi! Trời ơi!” Sao ông không thí cho tôi chút chồng. Ông trời ngảnh cổ lại trông: “Mày hay kén chọn, ông không cho mày!”
- Đổng Kim lân hồi còn nhỏ Đi bán giỏ nuôi mẹ già. Anh gặp em đây không cử không nhà, Muốn vô gá nghĩa biết đà được không? - Anh ví như vậy còn sai, Em thấy hoài thật quả. Hể khi anh hút đã, Như hành Giã loạn thiên. Gặp buổi hết tiền, Như Lưu Huyền chạy giặc. Em có nói một hai lời, Làm mặt Trương Phi. Hươi “Hòa tim thương” Đường Na Tra xuất trận, Mắt lim nhim như ông Khổng nghiệm binh cơ, Phà hơi khói như Kinh Kha oán khì. Vui thú yên hà, toại chí phong lưu.
Đôi cô vát gậy chòi đào, Cô lớn, cô bé, cô nào với ai? Cô lớn vuốt bụng thở dài: Trời ơi! Đất Hỡi! Lấy ai đỡ buồn! Cô be mặc yếm hở lườn, Dêm nằm ngỏ cửa, con lươn bò vào… Gió nam đánh tốc yếm đào, Anh nghĩ oản trắng, anh vào thắp nhang.
Em là con gái đồng trinh, Em đi bán rượu qua dinh ông Nghè. Ông Nghè sai lính ra ve, Trăm lạy ông Nghè: “Tôi đã có con!”
Em như cục cứt trôi sông, Anh như chó đói, đứng trông bên bờ.
Em thương anh không biết để đâu, Để trong thúng cám, để đầu chuồng heo.
Em là con gái nhà giàu, Mẹ cha thách cưới ra màu xinh sao! Cưới em, trăm tấm lục đào, Một trăm hòn ngọc, hai mươi tám ông sao trên trời. Tráp tròn dẫn đủ trăm đôi, Ống thuốc bằng bạc, ống vôi bằng vàng. Sắm xe tứ mã đem sang, Để quan viên họ nhà nàng đưa dâu. Ba trăm nón Nghệ, đội đầu, Mỗi người một cái quạt tàu thật xinh. Anh về đắp nhiễu Nghi Đình, May chăn cho rộng, ta mình đắp chung. Cưới em, chín chỉnh mật ong, Mười cót xôi trắng, mười nong xôi vò. Cưới em tám vạn trâu, bò, Bảy vạn dê lợn, chín vò rượu tăm. Lá đa mặt nguyện đêm rằm, Răng nanh chú Cuội, râu cằm Thiên Lôi. Gan ruồi, mỡ muỗi cho tươi, Lại thêm chín chục con dê góa chồng. Thách thế mới thỏa tấm lòng, Nếu không lo được, đừng hòng lấy em.
Gà tơ xào với mướp già, Vợ hai mươi mốt, chồng đà sáu mươi. Ra đường chị diễu em cười, Rằng hai ông cháu, kết đôi vợ chồng. Đem nằm tưởng cái gối bông, Giật mình, gôí phải râu chồng nằm bên. Sụt sùi, tủi phận, hờn duyên, Oán cha, trách mẹ, tham tiền bán con.
Gái đâu có gái lạ lùng! Chồng chẳng nằm cùng, Nổi giận đùng đùng ném chó xuống ao.
Giàu thì thịt cá cơm canh, Khó thì lưng rau, dĩa muối, cúng anh tôi đi lấy chồng. Hỡi anh chồng cũ tôi ơi! Anh đã khôn thiêng, xin anh trở dậy, ăn xôi, nghe kèn. Thôi anh đã về kiếp ấy xin đừng nghen, Để cho người khác cầm quyền thế nhi…
Gỗ trắc đêm bắt ván cầu, Yến sào đem nấu với đầu tôm khô.
Hai tay em xách búa đồng, Miệng hỏi mẹ chồng: “Có sợ con không?” Con ơi mẹ sợ mẹ run, Con đừng nói nữa, mẹ chun xuống sàn. Mẹ chun con cũng chun theo, Con xách cù nèo, ngoéo cổ mẹ ra! Chồng thương chẳng nệ chi ai, Đũa bếp cho dài gắp cổ mẹ ra.
Hạt tiêu nó bé nó cay, Đồng tiền nó bé nó hay cửa quyền.
Hỡi thằng cu lớn! Hỡi thằng cu bé! Cu tí, cu tị, cu tỉ, cu tì ơi! Con dậy con ăn con ở với bà, Để mẹ đi kiếm một vài con thêm. Chớ cha con chết đi, trong bụng mẹ hãy còn thèm! Mẹ xin quẻ bói, vẫn còn đàn em trong bụng này. Con ra gọi chú vào đây, Để mẹ giao trả cái cơ nghiệp này, để mẹ bước đi…
Hòn đất mà biết nói năng, Thì thầy địa lý hàm răng không còn.
Hôm qua anh đến chơi nhà, Thấy mẹ vét chảo, thấy cha vét nồi, Thấy em dực cột liếm môi, Anh ngỡ con chó, anh lùi chần ra.
Hơn nhau tấm áo manh quần, Thi ra bóc trần, ai cũng như ai.
Kim đâm vào thịt thì đau, Thịt đâm vào thịt, nhớ nhau cả đời.
Khó khăn thì chảng ai nhìn, Đến khi đổ trạng, chín nghìn anh em.
Không hoa có quả mới kỳ, Có hoa, có quả, cây gì lại không? Không chồng mà chửa mới ngoan, Có chồng mà chửa, thế gian sự thường!
Làm trai cho đáng nên trai, Ăn cơm với vợ, lại nài cạy niêu.
Làm trai rửa bát quét nhà, Vợ gọi thì dạ: “Bẩm bà tôi đây!”
Lẳng lơ chả một mình tôi, Làng trên, xã dưới cũng đôi ba người. Nói ra sợ chị em cười, Lấy chồng tháng chín, tháng mười có con.
Lỗ mũi thì tám gánh lông, Chồng yêu, chồng bảo râu rồng trời cho. Đêm nằm thì gáy pho pho, Chồng yêu chồng bảo gáy cho vui nhà. Đi chợ thì hay ăn quà, Chồng yêu chồng bảo về nhà đỡ cơm. Lỡ quan, lỡ lính, lỡ làng Lỡ hàng dân giã, lỡ hàng công danh.
May thay chút nữa em lầm, Khoai lang khô xắt lát, em tưởng cao ly sâm bên tàu.
- Mẹ ơi! Năm nay con mười tám tuổi rồi! Chồng con chưa có, mẹ thời tính sao? Con chim khách nó mách có hai bà mối. Mẹ ngồi thách cưới: Tiền chẳn năm quan, Cau chẳn ba ngàn, Lợn béo năm con, Áo quần năm đôi. - Mẹ ơi! Năm nay con hai mươi ba tuổi rồi! Chồng con chưa có, mẹ thời tính sao? Con chim khách nó mách có hai bà mối. Mẹ ngồi, thách cưới: Tiền chẳn ba quan, Cau chẳn một ngàn, Lợn béo ba con, Áo quần ba đôi. - Mẹ ơi! Năm nay con ba mươi hai tuổi rồi! Chồng con chưa có, mẹ thời tính sao? Con chim khách nó mách co hai bà mối. Mẹ ngồi thách cưới: Tiền chẳn một quan, Cau chẳn một ngàn, Chó béo một con, Áo quần một đôi. - Mẹ ơi! Năm nay con đã bốn mươi ba tuổi rồi! Chồng con vẫn hoàn chưa có. Mẹ thời…Mẹ thời…Cho không!
Mười quan thì đặng tước hầu, Nam quan tước bá, ai hầu kém ai!
Nạ dòng mà lấy được trai tơ, Đêm nằn hí hửng như mơ được vàng.
Năm nay con gái hổn hào, Trai chưa làm rể, gái đã vào làm dâu.
Nước giữa dòng, chê trong chê đục, Vũng trâu đầm, hì hục khen ngon.
Ngồi buồn đốt một đống rơm, Khói lên ghi ngút, chẳng thơm tí nào. Khói lên đến tận thiên tào, Ngọc Hoàng phán hỏi: “Thằng nào đốt rơm?”
Nhà anh lợp những mo nang, Nói láo với nàng nhà ngói năm căn.
Nhà này có quái trong nhà, Có con chó mực cắn ra đằng mồm.
Nhà này có con chó đen, Người lạ nó cắn, người quen nó mừng.
Ông ơi! Tôi chẳng lấy đâu! Ông đừng cạo mép, nhổ râu tốn tiền.
Ông thánh còn có khi nhầm, Huống chi con gái, tám nhăm tuổi đầu.
Phượng hoàng chặt cánh đuổi đi, Bắt con bìm bịp đem về mà nuôi.
Phình phình lớn giữa lớn ra, Con ơi! Mẹ chẳng ở nhà được đâu! Ở nhà hàng xóm bắt trâu, Cho nên mẹ phải cắm đầu, ra đi!
Quan thấy tiền như kiến thấy mỡ.
Quân tử là quân tử tàu, Ăn cơm thì ít, ăn rau thì nhiều! Ra đường võng giá nghênh ngang, Về nhà hỏi vợ: “Cám rang đâu mày?” “Cám rang tôi để cối xay” “Hể chó ăn mất thì mày biết ông!”
Rau răm ngắt ngọt còn tươi, Những nơi phải lứa thì trời không xe, Những nơi bạc ác gớm ghê, Tôi không lấy nó, trời xe tôi vào. Tiếc thay cái sợi chỉ đào! Áo rách chẳng vá, vá vào áo tơi. Bực mình tôi lắm , Trời ơi! Muốn chôn bà nguyệt, muốn vùi ông tơ. Giận người làm nối vẩn vơ, Duyên tôi đã lỡ, ônt Tơ lại lầm.
Rung rinh nước chảy qua đèo, Bà già tấp tểnh mua heo, cưới chồng. Sáng ngày ra đứng cử đông, Xem một quẻ bói, lộn chồng được chăng? Thầy bói gieo quả nói rằng: “Lộn thì lộn được nhưng năng phải đòn” Mồ cha có đứa sợ đòn, Miễn là lấy được chồng giòn thì thôi.
Số cô thì giàu chẳng nghèo, Ngày ba mươi Tết, thịt treo trong nhà. Số cô có mẹ, có cha, Mẹ cô đàn bà, cha cô đàn ông. Số cô có vợ, có chồng, Sinh con đầu lòng, chẳng gái thì trai.
Ta rằng: ta chẳng có ghen, Chồng ta, ta nghiến, ta nghiền, ta chơi.
Tám mươi ngả gậy ra ngồi, Hỏi rằng xuân có tái hồi nữa chăng? Xuân rằng xuân chẳng tái hồi, Bốn dài, hai ngắn mà lôi xuân vào.
Tiếc thay con gái mười ba, Liều thân mà lấy ông già sao đang?
Tháng tám có lệnh vua ra: Cấm quần không đáy, người ta hãi hùng. Không đi thì chợ không đông, Đi thì phải mượn quần chồng sao đang! Có quần, ra quán bán hàng, Không quần ra đứng đầu làng trông quan.
Thân em làm lẽ chẳng hề, Há như chính thất mà lê giữa giường? Tối, tối, chị giữ mất chồng, Chị cho manh chiếu, nằm xuông chuồng bò. Mong chồng chẳng xuống cho, Đến khi chồng xuống, gà đã o, o gáy dồn. Chém cha con gà kia, sao mày vội gáy dồn. Làm tao mất vía, kinh hồn về nỗi chồng con!
Thân em mười sáu tuổi đầu, Cha mẹ ép gả làm dâu nhà người. Nói ra sợ chị em cười, Năm ba chuyện thảm, chín mười chuyện cay. Em về đã mấy năm nay, Buồn riêng thì có, vui vầy thì không. Ngày thời vất vả ngoài đồng, Tối về lại chịu nằm không một mình. Có đêm thức suốt năm canh, Rau heo, cháo cho, loanh quanh đủ trò. Ai về nhắn mẹ cùng cha, Lấy chồng nhà khó, khổ ba bảy đường. Đêm nằm lưng chẳng bén giường, Mụ già đã xốc vô giường kéo ra. Bảo la con lợn, con gà, Lo xay cối lúa, quét nhà, thổi cơm. Ốm đau thì mụ chẳng thương, Mụ hành, mụ hạ, đử đường khốn thân. Tối về bưng bát cơm ăn, Mụ cầm cái đọi, mụ quăng vô người. Lấy chồng giầu khổ lắm chị em ơi!
Thế gian còn dại chưa khôn, Sống mặc áo rách, chết chôn áo lành.
Thế gian ba sự không chừa, Rượu nồng, dê béo, gái vừa xuân xanh.
Thối tai, hôi nách rình rình, Chẳng ai hỏi đến, cậy mình chính chuyên.
Thương em không biết để đâu, Để trong túi áo, lâu lâu anh dòm.
Trai tơ lấy phải nạ dòng, Như nước nắm thúi, chấm lòng lợn thiu.
Tròng trành như nón không quai, Như thuyền không lái như ai không chồng. Gái có chồng như gông đeo cổ, Gái không chồng như phản gổ long đong. Phản gổ long đong, anh còn chữa được, Gái không chồng chạy ngược , chạy xuôi, Không chồng khổ lắm chị em ơi!
Trâu kia ăn cỏ bờ ao, Anh kia không vợ, đời nào có con. Người ta con trước, con sau, Thân anh không vợ như cau không buồng. Cau không buồng, không tuồng ra đực, Trai không vợ, cực lắm anh ơi! Người ta đi đón về đưa, Thân anh đi lẻ, về loi một mình.
Trời sinh ra ông tướng có tài, Cờ bạc, xóc dĩa, rông dài cả đêm. Canh trước tưởng hãy còn tiền, Canh sau cởi áo ngồi bên lọ hồ. Bây giờ quan tướng thua to, Ao quần cởi hết, trở ra về trần. Về giữa sân, vạch quần bắt rận, Vợ trong nhà, vợ giận chẳng thổi cơm. Bây giờ tướng chui ổ rơm, Chẳng dám hạch nước, hạch cơm, hạch trầu. Vợ thương chồng ra màu rét mướt, Đem tiền đi chuộc lấy áo về. Từ rày tướng hẳn xin thề, Đã đi cờ bạc xóc dĩa, còn về chi đây?
Vắng sao hôm, có sao mai, Vắng chàng, thiếp đã có trai trong nhà.
Vắng chồng thì lại có chồng, Việc gì mà chịu nằm không một mình.
Ví dầu nhà dột cột xiêu, Muốn đi hỏi vợ, sợ nhiều miệng ăn.
Vợ anh đen lắm anh ơi! Đem ra chỗ nắng mà phơi cho dòn. Thóc phơi ba nắng thì dòn, Vợ anh ba nắng, sắp đòn ra khiêng.
Vô duyên mua phải gương mờ, Bao giờ gương vỡ mà mua gương lành.
Vô duyên, vô phúc, Múc phải anh chồng già, Ra đường người hỏi rằng cha hay chồng? Nói ra đau đớn trong lòng, Ấy cái nợ duyên kiếp, chứ có phải chồng em đâu!
Vợ chồng như đôi cu cu, Chồng thì di trước, vợ gật gù théo sau.
Vú em chum chúm chũm cau, Cho anh bóp cái, có đau anh đền! Vú em chỉ đáng một tiền, Cho anh bóp cái, anh đền năm quan…
Xưa kia ai cấm duyên bà? Bây giờ bà già, bà cấm duyên tôi?
Xưa khi có thế này đâu? Bởi vì sợ vợ nên râu quặp vào!
Xưa khi ăn những của chồng, Kiếm được một đồng, đỏng đảng ăn riêng.
Xưa khi ở với mẹ cha, Mẹ cha yêu dấu như hoa trên cành. Từ ngày tôi ở với anh, Anh đánh, anh chửi, anh tình phụ tôi. Đất xấu nặn chẳng nên nồi, Anh đi lấy vợ, cho tôi lấy chồng.
Tài liệu tham khảo: -Việt nam Văn Học Sử yếu – Dương Quảng Hàm – Bộ Giáo Dục Trung Tâm Học Liệu - Tục ngữ, cao dao và dân ca – Bảo Vân – Nhà xuất bản Quê Hương - Hoa Đồng Cỏ Nội – Minh Hương – Nhà xuất bản Xuân Thu - Ca Dao Trử Tình Việt Nam – Vũ Dung, Vũ Thế Anh, Vũ Quang Hào – Nhà xuất bản Giáo Dục
Đây là bài sưu tầm rất đơn sơ mà người soạn chỉ tìm lại được trong khả năng hạn hẹp của mình, chỉ mong chia sẻ cùng bạn đọc . Trong vườn hoa thi ca truyền miệng Việt Nam còn vô số, muôn hình vạn trạng những cành hoa đơn sơ, thơm dịu… mãi mãi làm ngát lòng nguời.
|