Tình tự miền Nam |
Tác Giả: LS. Nguyễn Đức Lập | |||
Thứ Sáu, 22 Tháng 4 Năm 2011 18:27 | |||
Bạn hỏi tôi, còn miền Nam thì sao? Có ngọt ngào bóng bẩy, có thanh tao đằm thắm như ở Bắc và Trung không?
Nầy bạn thân,
Bạn đã từng thích thú với những lời tỏ tình ngọt ngào bóng bẩy, với những câu trách cứ nhẹ nhàng mà đau, với những lời hứa thanh tao đằm thắm của những đôi trai tài gái sắc, qua ca dao, ở miền Bắc và miền Trung nước Việt. Bạn hỏi tôi, còn miền Nam thì sao? Có ngọt ngào bóng bẩy, có thanh tao đằm thắm như ở Bắc và Trung không? Xin thưa liền với bạn, nòi tình thì ở đâu cũng có và đã nói tới chuyện tình thì, lúc vui lúc buồn, khi yêu khi giận, ba hồi thì sum hợp, bốn hồi thì cách ngăn, có khi kẻ mặt mâm, người mặt thúng, ở đâu cũng diễn tiến như nhau mà thôi. Cái câu mà người ta thường nói: “Miền Nam muối mặm nước phèn như hai với hai là bốn” là để diễn tả cái bản tánh chơn chất thiệt thà của dân miền Nam. Hai chữ “bạch tuộc” là để diễn tả cái lòng dạ thẳng ngay, trong bụng nghĩ làm sao, ngoài miệng nói làm vậy của dân miền Nam. Còn cái chuyện tỏ tình hứa hẹn, thề bồi, trách cứ, hờn giận trong tình yêu hả? Bạn đã nói đến ca dao, thôi thì, tôi cũng đem ca dao ra để nói với bạn, ca dao miền Nam. Bây giờ, bạn giả bộ như vầy đi, giả bộ làm một người viễn khách, để tôi dắt bạn đi một vòng Lục Tỉnh Nam Kỳ, nghe những câu hò điệu hát, thắc mắc của bạn sẽ được giải tỏa một cách thỏa mãn hơn. Bạn đừng nôn nóng gì hết thảy. Bạn là viễn khách mà. Cứ từ từ mà chiêm ngưỡng phong cảnh quang thổ miền Nam. Sông sâu nước chảy. Gió thổi hiu hiu. Lục bình trôi riu ríu. Dừa quì lả ngọn rọi bóng bờ kinh. Bền gie đóm đậu. Cơn dông khói đen, ghe trước đợi ghe sau. Và, cũng cứ từ từ, bạn hãy để cho tâm hồn lắng dịu, để nghe tiếng nói tâm tình. Kìa, kìa, bạn có nghe không? Trên trời có mây hóa kiểng Dưới biển có cá hóa long Con cá lòng tong nó còn ẩn bóng ăn rong Anh đi lục tỉnh giáp vòng Tới đây trời khiến đem lòng thương em Chắc bạn ngạc nhiên lắm phải không? Thương sao mà thương bất nhơn làm vậy, mới gặp mặt đã thương liền? Tôi đã nói mà, “bụng nghĩ làm sao, miệng nói làm vậy” mà, đâu có gì phải e dè, môi mép. Có sỗ sàng, bặm trợn một chút cũng đâu có sao, trai “yêng hùng” đâu có cần rao nam rao bắc đẩy đưa. Và, nữa kìa, bạn hãy nghe gái “thuyền quyên” trả lời: Trầu Bà Điểm xé ra nửa lá Thuốc Gò Vấp hút đã một hơi Buồn tình, gả ngãi mà chơi Hay là anh quyết ở đời với em? Tán thì tán trắng trợn, hỏi thì hỏi sàn sạt vậy đó, nhưng bạn đừng vội kết luận rằng cuộc tình của những đôi trai gái miền Nam không thơ mộng. Và bạn cũng đừng vội mà kết luận rằng đôi nam nữ nầy tiến quá nhanh, quá mạnh, như muốn cướp thời gian. Có nhiều chàng trai còn mau mắn hơn nữa kìa. Thí dụ như cái anh chàng nầy: Đi qua nhà nhỏ Thấy đôi liễn đỏ có bốn chữ vàng Thạnh suy anh chưa biết Thấy nàng anh vội thương Đã “vội thương” rồi thì chàng hỏi liền: Đổng Kim Lân hồi còn nhỏ Đi bán giỏ nuôi mẹ già Anh gặp em đây không cửa không nhà Muốn vô gả ngãi biết là đặng chăng? Thường thì nghe vậy, cô gái phải trả lời: Nhà em cao, hàng rào em kín Nhà em tám, chín mười từng Con ong bay vô không lọt Biểu con bướm đừng xôn xao Anh về sắm lễ cho cao Cậy mai dong cho giỏi Mới bước chưn vô nhà em Nhưng cũng có cô gái trả lời theo kiểu khác: Quân vi thần cang Phụ vi tử cang Phu vi thê cang Giả tam cang tối thiện Anh giữ trọn ba giềng, em nguyện gởi thân Nhiều khi thấy anh chàng có vẻ bạt mạng quá, cô nàng cũng phải kéo dài thời gian, để lửa tình không phải là lửa ngọn: Đèn Sài Gòn ngọn xanh ngọn đỏ Đèn Mỹ Tho ngọn tỏ ngọn lu Em biểu anh về học lấy chữ nhu Chín trăng em đợi, mười thu em chờ Nghe tới chữ “đợi”, chữ “chờ” là chàng thắc mắc liền một khi: Đèn treo trong quán Tỏ rạng bờ kinh Em có thương anh thì ăn nói cho thiệt tình Đừng để cho anh lên xuống một mình bơ vơ Nàng phải hứa chắc để cho chàng yên lòng, có thì giờ mà tu tâm dưỡng tánh: Bên nầy sông Em lập cái cầu mười hai tấm ván Bên kia sông Em lập cái quán mười hai tầng Bán buôn nuôi mẹ cầm chừng đợi anh Bạn thân, Thiệt ra đâu có phải chàng trai nào cũng mau mắn tới mức sổ sàng như vậy đâu! Có nhiều chàng cũng e ấp, thẹn thùng cho mối tình đầu lắm chớ, cũng phải nhờ cánh thư hồng để trao lời vàng lời đá. Để tôi chỉ cho bạn coi một lối gởi thơ đặc biệt: Giấy hồng đơn bán mấy Cho anh mua lấy một tờ Viết thơ quốc ngữ Dán trên trái bưởi Thả xuống giang hà Bớ cô gái gánh nước trên bờ Xuống sông vớt bưởi để mà xem thơ Có cái kiểu gởi thơ nào mà lãng mạn, nên thơ như vầy không bạn? Chàng ta đâu có cần phải: Tờ thơ đo đỏ Anh dán con cò đen Gởi về thăm bạn có tên em trong nầy Cái lối “mượn giòng lá thắm, chỉ đường chim xanh” của chàng khiến cho nàng phải cảm động mà kêu lên: Con chim nho nhỏ Đỏ mỏ xanh lông Đỏ mồng xanh kiếng Nó kêu xao xuyến Nhiều tiếng lạ lùng Kêu sao cho quân tử nghe cùng Phải duyên thì kết, phải lòng thì thương Được lời như cởi tấc lòng, chàng phải nói lên tình yêu của mình cho nàng biết: Anh thương em trầu hết lá lươn Cau hết nửa vườn, cha với mẹ nào hay Dầu mà cha mẹ có hay Nhứt đánh nhì đày, hai lẽ mà thôi Chết thì chịu chết, lìa đôi anh không lìa Bạn có biết “trầu hết lá lươn” là nghĩa gì không? Dây trầu khi đâm nhánh mới, thì cái nhánh mới đó được kêu bằng “nọc lươn”. Những lá trầu ở trên nọc lươn không ai dám hái, vì người ta phải dưỡng cho mọc cứng cáp để trở thành dây. Vậy mà chàng trai nầy dám hái hết lá trên nọc lươn, kể cũng thiệt liều mạng vì tình. Càng liều mạng hơn nữa là “chết thì chịu chết, lìa đôi không lìa”.
Đó, bạn thấy không? Mới tỏ tình sơ sơ mà đã bộc trực gay cấn như vậy rồi đó, còn nói chi tới chuyện hò hẹn, tâm sự, thề bồi. “Đối với những người đang yêu nhau, thời gian trở nên ngắn ngủi vô cùng”, có ai đó đã viết như vậy. Gặp nhau, mừng nhau, rồi còn phải than thở nói lên nỗi niềm nhớ thương trong những lúc xa cách, không thấy mặt nữa chớ. Đã nhớ đã thương, cho rằng cơm có dưng tận miệng, cao lương mỹ vị dẫu có ê hề, cũng đâu lấy làm ngon: Có mặt mình ăn muối cũng vui Vắng mình một bữa không vui chút nào Đó là tâm trạng của nàng. Về phần chàng, cũng quên ăn biếng ngủ đâu có kém: Mâm thau chùi sáng Để nằm trên ván Bóng lộn thấy hình Cháo đậu xanh kia, đường cát nọ Nhớ mình quên ăn Nàng như muốn tranh hơn cùng chàng trong cái sự đau thương buồn khổ vì những ngày xa cách: Đêm khuya nguyệt lặn sao tàn Đồng hồ điểm nhặt nhớ chàng không quên Nàng còn muốn nói lên cái cảnh canh khuya, bấc lụn dầu hao, nỗi nhớ thương dằn vặt mà nàng không dám hé môi cho ai được biết: Anh buồn có chốn thở than Em buồn như lọn nhang tàn thắp khuya Chàng cũng phải nói lên nỗi lòng của chàng chớ, đâu có biết “ai buồn hơn ai”: Bậu buồn, qua dễ chẳng buồn Cá dưới sông biếng lội Chim trên nguồn biếng bay Bạn thấy không? Nội cái chuyện thở than cho những ngày không gặp mặt, cũng đủ hết ngày hết giờ rồi, chẳng trách sao: Cây đa tróc gốc thợ mộc đang cưa Anh gặp em hồi đứng bóng đang trưa Trách trời sao vội tối, anh phân chưa cạn lời Nói gì mà nói dữ thần vậy, gặp nhau hồi giữa trưa, nói tới tối cũng chưa hết chuyện? Trách như vậy cũng tội nghiệp cho họ. Nội cái sự gặp mặt nhau, mừng nhau, cầm lấy tay nhau cũng có biết bao nhiêu chuyện cho họ nói. Bạn có nghe chàng trai bắt đầu nhập đề rồi không: Nước chanh giấy rưới vô mắm mực Rau mũi viết trộn lẫn giấm son Bốn mùi họp lại càng ngon Cũng như qua gần bậu, chẳng còn chờ trông Chàng còn lẻo mép thấy thương: Cầm tay em như ăn bì nem gỏi cuốn Dựa lưng nàng như uống chén rượu ngon Bởi chàng “lẻo mép thấy thương” nàng cũng phải nói đẩy đưa cho vừa lòng bạn: Thương sao thương quá bất nhơn Bữa nay gặp mặt, thương hơn bữa nào Nàng sốt sẳng, chàng phải sanh nghi: Mình có thương Mình chặt tóc mình thề Chỉ trời, vạch đất chớ hề bỏ nhau Nàng, tuy không “chặt tóc” để thề như chàng đòi hỏi, nhưng bộc bạch nỗi lòng cho chàng yên lòng: Thuyền tôm kia nói có Ghe cá nọ nói không Phải chi miếu ở gần sông Em chỉ tay thề lại kẻo lòng anh nghi Tâm sự thở than tới như vậy mà cũng đã hết chuyện đâu, bạn. Họ còn phải nhắc đi nhắc lại cái tình yêu “chặt không đứt, bứt không rời” khăng khắng trong lòng họ nữa kìa. Chàng thì chăm bẳm liều mạng: Cha mẹ anh có đánh quằn đánh quại Bắt anh ra treo tại nhành dương Biểu từ ai, anh từ đặng Chớ biểu anh từ người thương, anh không từ Nàng thì dịu dàng hơn, nhưng cũng cương quyết không kém: Một nong tầm bằng năm nong kén Một nong kén bằng chín nong tơ Em thương anh tháng đợi năm chờ Lòng nào dứt mối lìa tơ cho đành Bạn thân, Rồi, bạn sẽ hỏi rằng những cuộc tình như vậy có bền vững không, có khi nào gặp phải cảnh ngang trái cách chia không! Dĩ nhiên là phải có chớ bạn. Nếu không có, làm sao bạn nghe giọng hò não ruột đang lan dài trên mặt trường giang bát ngát kia: Bùn xa bèo, bùn khô bùn héo Lựu xa đào, lựu xéo đào nghiêng Vàng cầm trên tay rớt xuống không phiền Chỉ phiền cho một nỗi nợ với duyên không tròn Đã có cái cảnh “nợ với duyên không tròn” ắt là có than có thở, có nước mắt, có hờn, có trách. Bạn có nghe lời than đẫm nước mắt kia không? Bước xuống ruộng sâu, em mảng sầu tấc dạ Tay em ôm bó mạ, lụy em ứa đôi hàng Ai làm cho lỡ chuyến đò ngang Cho loan với phượng đôi đàng biệt ly Và, bạn có chia sẻ nỗi ngậm ngùi cùng chàng không? Bên kia sông, qua lập cái kiểng chùa Tân Thiện Bên nầy sông, qua lập cái huyện Hà Đông Cái huyện Hà Đông để cho ông Bao Công xử kiện Cái chùa Tân Thiện nhiều kẻ tu hành Chim kêu dưới suối trên cành Qua không bỏ bậu, sao bậu đành bỏ qua Còn có cái cảnh nào thảm thiết cho bằng cái cảnh bị phụ phàng rẻ rúng như một cô gái đã gặp phải: Nhứt nhựt chi mã tiến tề văn Tưởng anh có ngãi, mấy trăng em cũng chờ Chạy theo anh té xấp ngang bờ Biểu anh một đợi, hai chờ, anh cũng không Và, cũng không có cái cảnh nào bẽ bàng cho bằng: Đường trơn trợt gượng đi kẻo té Áo còn nguyên ai nỡ xé vá quàng Hồi sớm mai, gặp em sao anh không hỏi Hay dạ của chàng đã hết thương? Thiệt là thảm thiết, bẽ bàng, phải không bạn? Đối diện với nhau, đã làm mặt lạ, vậy mà cô gái còn phải hỏi ra miệng là “hay dạ của chàng đã hết thương?” Thì hết thương rồi mới ngoảnh mặt làm ngơ như vậy chứ. Nếu không thì đã vồ vập, săn đón từ đàng xa rồi kìa. Chắc bạn hỏi rằng, khi duyên nợ không tròn, thì phản ứng của chàng trai ra sao? Bạn nghe kìa, tâm sự của một kẻ thất tình: Ngày nào anh nói em đành Cuốc đất trồng hành, gieo cải, vãi kê Bây giờ, anh nói em chê Để cải anh héo, cho kê anh tàn Khi yêu nhau, chàng đã mang nhiều mộng ước, và cố gắng xây dựng một tương lai. Nhưng, tương lai đó đã kết thúc trong buồn đau. Chàng còn toan tính nhiều nữa kìa và ngẩn ngơ tiếc nuối nhiều nữa kìa: Ngày nào anh nói em đành Bụi tre trước ngõ để dành đan nôi Bây giờ anh nói em thôi Bụi tre trước ngõ đan nôi ai nằm? Có những chàng trai, khi nghe người yêu lên thuyền hoa về nhà người khác, đã gần như là tuyệt vọng: Đờn cò lên trục kêu vang Qua còn thương bậu, bậu khoan có chồng Muốn cho nhơn ngãi đạo đồng Qua đây thương bậu như chồng bậu thương Chiều nay qua phản bạn hồi hương Nghe bậu ở lại, vầy duôn nơi nào Ghe lui tới chỗ cấm sào Nghe bậu có chốn muốn nhào xuống sông Bạn ơi, yêu càng liều mạng, thì phản ứng khi bị tình phụ lại càng liều mạng hơn: Đèn cầu tàu ngọn lu ngọn tỏ Anh trông không rõ, anh ngỡ đèn màu Rút gươm đâm họng máu trào Để em ở lại, em kiếm thằng nào hơn anh * * * Bạn thân, Bạn đã hiểu được chưa, tình tự của miền Nam? Ô kìa, sao bạn lại buồn làm vậy? Phải chăng bạn vừa nghe một câu hò vừa cất lên giữa trời cao đất rộng, trải dài trên cánh đồng “cò bay thẳng kiếng, chó chạy ngay đuôi” dưới ánh trăng vàng vằng vặc: Ai phụ tôi có đất trời chứng giám Phận tôi nghèo, tôi không dám phụ ai Tưởng giếng sâu tôi nối sợ dây dài Ai hay giếng cạn, tôi tíếc hoài sợi dây…
|