Home Trang Nhà Diễn Đàn Thử minh họa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Tâm trạng người dân qua 30 năm ca dao

Thử minh họa Xã Hội Chủ Nghĩa Việt Nam - Tâm trạng người dân qua 30 năm ca dao PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Ngọc Bảo   
Thứ Ba, 19 Tháng 1 Năm 2010 09:54

{jcomments off}"Bác Hồ ta thật vẻ vang, đang từ khỏe mạnh chuyển sang… từ trần".

Việt nam có một ông già 
Râu dài, tóc bạc tên là Chí Minh
Ông hay uống rượu một mình
Khi buồn lại rủ Trường Chinh uống cùng
Say sưa ông nói lung tung:
Việt Nam mình sẽ sánh cùng năm châu
- Này ông, chuyện ấy còn lâu!!!

Câu ca dao nêu trên có lẽ được sáng tác và lưu hành tại miền Bắc từ ngày **** còn có thể ngồi lai rai uống rượu và ăn nói lung tung, tức là trước cái ngày ông được nhân dân ca tụng bằng hai câu ca dao khác cũng chẳng kém mùi "phản động": "bác Hồ ta thật vẻ vang, đang từ khỏe mạnh chuyển sang… từ trần".

Phải công nhận tác giả câu ca dao tả bác uống rượu, và cả những người góp phần khẩu truyền câu ca dao, quả là trông xa thấy rộng. Ngay từ bốn, năm thập niên trước, khi đảng cộng sản Việt Nam nói riêng và cộng sản quốc tế nói chung đang làm mưa làm gió trên quả địa cầu, những người dân ấy đã đủ sáng suốt để vỗ vai bác, dù là vỗ vai bằng chữ nghĩa, mà bảo bác rằng "Này ông, chuyện ấy còn lâu!".

Quả thật, cho đến hôm nay, dưới sự lãnh đạo của cộng sản, chuyện Việt Nam có thể sánh vai cùng cộng đồng nhân loại vẫn còn lâu, lâu lắm. Trong suốt hơn nửa thế kỷ kể từ ngày cai trị miền Bắc và ba thập niên từ lúc cưỡng chiếm miền Nam, cộng sản Việt Nam đã gieo rắc muôn vàn tang thương cho dân tộc. Biết bao tiếng kêu đau đớn và phẫn uất của nhân dân đã vang lên trong suốt chiều dài lịch sử này. Trong số ấy, nhiều tiếng kêu đã cô đọng thành những câu ca dao thật độc đáo.

Tự ngàn xưa, cổ nhân đã nhận định là muốn tìm hiểu bản chất một chế độ thì chỉ cần xét tinh thần của người dân sống trong chế độ. Tuy nhiên, làm thế nào để biết được tinh thần người dân? Để trả lời câu hỏi, các cụ dậy rằng "dễ lắm, tinh thần người dân luôn luôn được phản ảnh qua thơ và nhạc lưu truyền trong dân gian". Cũng vì vậy mà cụ Khổng đã bảo "thanh âm chí đạo dữ chính thông hỹ", tức là "đạo thanh âm tương thông với chính trị", và cụ nói rõ rằng "thơ nhạc gốc ở tình cảm, mà tình cảm gốc ở chính trị". Từ quan niệm này, cụ đã san định Kinh Thi, gồm hơn ba trăm bài thơ mà đa số là những bài thơ "quốc phong", tức thơ của dân gian, về đời vua Văn nhà Chu (1186 đến 1135 trước Tây Lịch) để mô tả xu hướng chính trị và luân lý của xã hội thời bấy giờ.

Hôm nay, 30 năm sau ngày miền Nam đổi chủ, bắt chước cổ nhân, người viết xin dùng những câu ca dao được lưu truyền tại Việt Nam kể từ biến cố tháng tư năm 75 để minh họa bức tranh xã hội chủ nghĩa và tâm trạng người dân trong suốt 30 năm qua. Trong số những câu ca dao này, có những câu ta thán đầy thê lương ảo não, có những câu trào phúng "bề ngoài cười nụ, bề trong khóc thầm", có những câu châm biếm chua cay, và có cả những tiếng mắng chửi vô cùng hằn học. Có thể nói tất cả những câu ca dao ấy là một hình thức phản kháng, một thứ vũ khí đấu tranh của người dân thấp cổ bé miệng trước sự áp bức của bạo quyền.

Cũng xin nói thêm, người viết rời quê hương trong ngày cuối cùng của cuộc chiến và cho đến hôm nay, sau 30 năm tỵ nạn nơi đất khách, vẫn chưa về thăm lại quê nhà để đi "thực tế" (mượn tạm ngôn từ của cộng sản) một chuyến. Vì vậy, những câu ca dao trích dẫn trong bài là những câu hoặc đã sưu tầm được trên sách báo và trên mạng lưới điện toán, hoặc do những người đã từng sống nhiều năm với cộng sản kể lại khi đến định cư tại xứ người, hoặc do các thân hữu về thăm Việt Nam mang sang làm "quà lưu niệm".
Đến hôm nay, có lẽ những người di tản đợt đầu tiên từ gần 30 năm trước vẫn còn nhớ đôi câu thơ phát xuất tại miền Nam sau ngày Sài Gòn đổi chủ. Vâng, chúng ta đã nghe nhắc đến đôi câu ấy trong những năm tháng đầu xa quê hương. Nghe mà dạ bùi ngùi. Nghe mà lòng chua xót:

Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý
Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do

Câu thơ đánh dấu sư kiện, tại Sài Gòn, nhà cầm quyền cộng sản đổi tên đường Công Lý thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa và đường Tự Do thành Đồng Khởi. Ở một ý nghĩa khác, công lý đã chết tức tưởi và tự do thì đã vội vã ra đi.

Và đôi câu khác cũng được phổ biến khá rộng rãi trên mọi miền đất nước, từ sông Bến Hải đến tận mũi Cà Mau:

Dép râu dẫm nát đời son trẻ
Nón tai bèo che khuất nẻo tương lai

Đau đớn thay:

Chim xa rừng còn thương cây nhớ cội
Việt Cộng về thành làm tội dân ta

Ba mươi năm bị làm tội làm tình, quãng thời gian dài gấp đôi đoạn đường luân lạc của Thúy Kiều thuở trước. Từ ngày ấy đến hôm nay, bao nhiêu hàng nước mắt đã lăn dài trên gò má người dân cùng khổ.

Đổi tiền và học tập cải tạo

Một thời gian ngắn sau khi tống giam hàng trăm ngàn quân nhân công chức chế độ Việt Nam Cộng Hòa vào cái gọi là trại cải tạo, nhà cầm quyền đã ban lệnh đổi tiền để tước đoạt tài sản người dân miền Nam. Có lẽ những người dân miền Nam từng sống dưới chế độ cộng sản còn nhớ là chỉ trong vòng 10 năm kể từ ngày chiếm miền Nam, cộng sản đã ba lần đổi tiền. Lần thứ nhất vào ngày 2 tháng 9 năm 1975 theo tỷ giá quy định là 500 đồng Việt Nam Cộng Hòa đổi lấy một đồng Giải Phóng, có nghĩa là năm đồng tiền cũ đổi lấy một xu tiền mới. Thêm nữa, mỗi hộ, tức mỗi gia đình, chỉ được đổi tối đa 200 đồng tiền mới, tức 100.000 đồng tiền cũ bất kể hộ có bao nhiêu nhân khẩu. Có nhiều người, ngay sau khi đổi tiền, cầm những tờ giấy bạc mới đứng khóc nức nở, khóc mùi mẫn nơi vệ đường.

Vì vậy, người dân có câu ca dao:

Năm đồng đổi lấy một xu
Thằng khôn đi học, thằng ngu làm thày

"Đi học" ở đây tức là bị học tập cải tạo còn "thày" tức cán bộ cộng sản phụ trách giảng dậy tại các trại cải tạo.

Cả nước thiếu ăn

Sau khi chiếm miền Nam, cộng sản xóa bỏ quyền tư hữu, áp đặt chế độ bao cấp như tại miền Bắc và phát tem phiếu để người dân xếp hàng mua nhu yếu phẩm tại mậu dịch, mà nhu yếu phẩm thì lúc có lúc không. Lúc bấy giờ dân miền Nam mới thấm thía hai câu nhại Kiều của người miền Bắc từ đầu thập niên 60:

Bắt phanh trần phải phanh trần
Cho may ô mới được phần may ô

(nguyên văn: "bắt phong trần phải phong trần, cho thanh cao mới được phần thanh cao").

Từ khi ta có Bác Hồ
Nhân dân chẳng được ăn no ngày nào

Vài tháng sau, vật giá gia tăng một mức khủng khiếp. Rau muống là thức ăn chính của người dân. Có câu ca dao chơi chữ khá độc đáo mô tả tình trạng này:

Lương chồng, lương vợ, lương con
Đi ba buổi chợ chỉ còn lương tâm
Lương tâm đem chặt ra hầm
Với rau muống luộc khen thầm là ngon

Vài tháng sau nữa, lạm phát trở thành "siêu phi mã". Lương tháng trung bình một công nhân viên khoảng 60 đồng tiền mới, chỉ mua được 30 bó rau muống. Người dân bèn réo tên ba lãnh tụ cao cấp nhất của đảng:

Anh Đồng, anh Duẩn, anh Chinh
Ba anh có biết dân tình cho không?
Rau muống nửa bó một đồng
Con ăn bố nhịn, đau lòng thằng dân

Rồi dân không còn đủ gạo để ăn với rau muống vì nhà cầm quyền thu gom gạo để trả nợ chiến tranh. Ngoại trừ những cán bộ trung cấp và cao cấp trong đảng, gần như cả nước đã phải nhai sắn thay cơm:

Ai sinh ra cái củ mì?
Hỏi : Để làm gì? Đáp : Để mà ăn!
Nước nhà mãi mãi khó khăn
Dân mình mãi mãi phải ăn củ mì

Ăn sắn, ăn mì, và đi dự các buổi học tập tại địa phương để hoan hô đảng và đả đảo Mỹ Ngụy là thời biểu bó buộc của người dân miền Nam lúc ấy:

Dân đói mà đảng thì no
Sức đâu ủng hộ, hoan hô suốt ngày
Đảng béo mà dân thì gầy
Độn bắp, độn sắn biết ngày nào thôi?

Chỉ đôi ba năm sau, ngô sắn cũng dần cạn, nhà cầm quyền cầu viện các đàn anh Đông Âu và được đàn anh viện trợ hữu nghị cho một món thực phẩm họ thường dùng cho ngựa ăn. Đó là bo bo, thứ thực phẩm được nhà nước cường điệu gọi là "cao lương". Trong suốt một thời gian dài cả nước vêu mồm ra mà thi nhau nhai thứ cao lương này. Dù có ninh kỹ và nhai kỹ đến đâu thì bo bo vẫn là thứ hạt bao tử con người không thể tiêu hóa nổi, ăn thế nào thì ra thế nấy. Bởi vậy người dân có ca dao rằng:

Hoan hô độc lập tự do
Để cho tớ nhá bo bo sái hàm
và:

Nhân dân thì chẳng cần lo
Nhà nước lo sẵn bo bo mỗi ngày
Hãy chăm tay cấy tay cầy
Nhịn ăn nhịn mặc chờ ngày vinh quang

Khi truyền miệng câu ca dao nêu trên, người dân miền Nam hóm hỉnh đọc trại chữ "l" thành "n" để chế nhạo các cán bộ miền Bắc phát âm sai hai chữ này. Vì vậy câu ca dao bỗng dưng mang một ý nghĩa khá khôi hài:

Nhân dân thì chẳng cần "no"
Nhà nước "no" sẵn bo bo mỗi ngày

Mùa hè năm 1980, nhằm mục đích tuyên truyền, cộng sản Việt Nam đã khẩn cầu Liên Xô cho Phạm Tuân làm "lơ" phi thuyền, tháp tùng phi hành gia Victor Gorbatco trong chuyến bay vào vũ trụ trên con tầu Liên Hợp. Lúc bấy giờ đang đói vêu vì thiếu ăn, nhân dân bèn có câu:

Một thằng lên vũ trụ
Trăm thằng đi Mút Cu (Moscow)
Nghìn thằng chè chén lu bù
Để dân bảy mươi triệu đói thò cu ra ngoài
Có người tức quá nên hoạnh họe:
Nhân dân thiếu gạo thiếu mì
Mày vào vũ trụ làm gì hở Tuân???
Và người khác thực tế hơn:
Ai lên vũ trụ thì lên
Còn tôi ở lại ghi tên mua mì