Bị cáo buộc thân chính quyền, Khôi nguyên Nobel Văn học Mạc Ngôn biện minh. |
Tác Giả: Tú Anh |
Thứ Sáu, 12 Tháng 10 Năm 2012 13:34 |
Lời tuyên bố đầu tiên của ông là kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba,Nobel Hòa bình 2010, lãnh án 11 năm tù.
Nhà văn Trung Quốc Mạc Ngôn trong cuộc họp báo tại làng Cao Mật, tỉnh Sơn Đông, 12/10/2012
Nổi tiếng là một nhà văn « thân cận » với chính quyền Trung Quốc, tân khôi nguyên Nobel Văn học 2012 Mạc Ngôn được Bắc Kinh nhiệt liệt khen ngợi, nhưng bị giới ly khai chỉ trích. Là nạn nhân của « Cách mạng Văn hóa » và sáng tác trong chế độ độc tài, nhà văn mang bút hiệu « Không Lời » chứng tỏ ông là người bản lĩnh. Lời tuyên bố đầu tiên của ông là kêu gọi trả tự do cho Lưu Hiểu Ba,Nobel Hòa bình 2010, lãnh án 11 năm tù. Từ Hoa Kỳ, nhà ly khai Ngụy Kinh Sinh chỉ trích Ủy ban Nobel Văn học tìm cách làm hài lòng Bắc Kinh khi chọn Mạc Ngôn ,một nhà văn thân chế độ, trao giải thưởng 2012. Nhà tranh đấu được xem là tiên phong trong Phong trào Dân Chủ Trung Quốc, tuy khen ngợi tài năng của Mạc Ngôn, nhưng đặt nghi vấn về một số động thái của khôi nguyên Nobel Văn học 2012, cụ thể là chép tay một đoạn diễn văn của Mao Trạch Đông, để đăng trong một quyển sách tưởng niệm nhà lãnh đạo độc tài hồi tháng 5 năm nay. Bài diễn văn nổi tiếng này vào năm 1942 là căn nguyên nguồn cội của những đợt thanh trừng, tử hình, cải tạo qua chiến dịch « trăm hoa đua nở ». Có tiếng là người thân chế độ hiện hành, Mạc Ngôn bị nhiều nhà văn khác của Trung Quốc phê bình là không có tinh thần đoàn kết với văn nghệ sĩ và các nhà dân chủ bị trấn áp, bị cầm tù. Sau khi giáo sư Lưu Hiểu Ba, được Ủy ban Nobel Hòa bình trao giải thưởng 2010, Trung Quốc đã nổi giận và trả đũa bằng một đợt đàn áp tại Hoa Lục. Trong số những người phải chạy ra nước ngoài tỵ nạn, nhà văn Dư Kiệt bình luận trên báo chí Đức như sau về giải thưởng dành cho Mạc Ngôn : « Đây là một vụ tai tiếng xấu lịch sử. Trao giải Nobel cho một nhà văn từng chép tay một văn kiện của Mao Trạch Đông, kẻ đã gây tội ác hơn cả Stalin và Hitler ». Nghệ sĩ Ngải Vị Vị, người đang bị chính quyền trả đòn thù bằng biện pháp « truy thuế » bình luận : Không biết nên cười hay nên khóc vì Mạc Ngôn luôn đứng về phía chính quyền. Bên cạnh những lời chỉ trích cũng có những lập luận thuận lợi hơn. Thái Linh, một trong những nữ sinh viên lãnh đạo Phong trào Thiên An Môn 1989, nay đứng đầu một hiệp hội hải ngoại chống chính sách cưỡng bức phá thai tại Trung Quốc, lưu ý : Sự kiện chính quyền Trung Quốc khen ngợi tác phẩm mới nhất của Mạc Ngôn là một tín hiệu lạc quan. Tác phẩm Oa, hay Ếch nhái, phê bình chính sách một con tại Trung Quốc cũng như biện pháp triệt sản và phá thai ép buộc. Về phần chính quyền Trung Quốc, phản ứng trong 24 giờ qua mang tính hoan hỉ hài lòng. Đích thân trưởng ban tuyên giáo đảng Cộng sản Trung Quốc Lý Trường Xuân vinh danh « tiến bộ của văn học Trung Quốc » rồi phát ngôn viên bộ Ngoại giao Hồng Lỗi khen ngợi quyết định của Ủy ban Nobel Văn học Thụy Điển. Vào năm 2000, khi Giải Nobel văn học được trao cho nhà văn lưu vong Cao Hành Kiện thì Bắc Kinh gọi đây là « thái độ thách thức ». Thái độ của Bắc Kinh đổi khác, vì người được giả thưởng năm nay là đảng viên đảng Cộng sản, giữ chức phó chủ tịch Hiệp hội các Nhà văn Trung Quốc. Trước những khen chê này, Mạc Ngôn đáp trả rằng, giải thưởng Nobel của ông mang tính văn học chứ không phải là chính trị. Ông cho rằng không phải vì ông có thẻ đảng viên mà không xứng đáng với giải Nobel. Ông lưu ý, các tác phẩm của ông được sáng tác « trong một nước do đảng Cộng sản cầm quyền ». Mạc Ngôn nói thêm là những người phê bình ông không có đọc sách của ông, vì nếu có đọc, họ sẽ thấy ông viết « trong điều kiện bị áp lực cao độ và hiểm nguy cho bản thân ». Các tác phẩm của ông chỉ nhằm « phục vụ con người ». Theo giới phê bình văn học của Tây phương, các tác phẩm của Mạc Ngôn phê phán rất gây gắt tình trạng tham ô, lạm quyền và bất công trong xã hội Trung Quốc, nhưng ông tránh đem chính trị vào văn chương. Cuộc họp báo đầu tiên của Nobel văn học 2012, từ quê hương Sơn Đông vào ngày hôm nay 12/10/2012 có lẽ sẽ làm cho rất nhiều người, kể cả chính quyền, phải thay đổi định kiến. Nhân cơ hội này , Mạc Ngôn xác nhận có đọc những bài phân tích văn học của Lưu Hiểu Ba và ông gián tiếp kêu gọi chính quyền trả tự sớm cho Nobel Hòa bình 2010, một người đang bị Bắc Kinh xem là kẻ thù đe dọa lật đổ chế độ bằng diễn biến hòa bình. |