Home Tin Tức Thời Sự Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-10-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 11-10-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Trọng Thành   
Thứ Năm, 11 Tháng 10 Năm 2012 14:22

 Tha một bị cáo, chính quyền Nga muốn chia rẽ ban nhạc Pussy Riot

 

Cô Yekaterina Samutsevich, ban nhạc Pussy Riot sau khi được tự do ngày 10/10/2012.
Reuters

 

Phiên tòa xử phúc thẩm vụ án ban nhạc Pussy Riot hát chế nhạo tổng thống Putin, ngày hôm qua 10/10/2012, tiếp tục là chủ đề nhiều báo Pháp quan tâm.

Le Figaro chạy tựa « Tư pháp Nga muốn bẻ gẫy sự đoàn kết của nhóm Pussy Riot ».

Tờ Libération cũng cùng một nhận định qua bài viết : « Ban nhạc Pussy Riot bị tan nát trong phiên phúc thẩm ».

Hôm qua, như chúng tôi đã đưa tin, trong phiên xử phúc thẩm, trong số ba bị cáo của vụ án xử các nghệ sĩ Nga thuộc ban nhạc Pussy Riot, một người được trả tự do, trong khi đó, hai bị cáo còn lại vẫn phải chịu án tù 2 năm.

Luật sư đưa ra một lập luận như sau để giúp cho bị cáo được giảm án xuống mức tù treo. Đó là việc người này chỉ mới có ý định tham gia vào cuộc trình diễn lời cầu nguyện bằng nhạc punk tại nhà thờ lớn của Matxcơva, nhưng chưa kịp thực hiện hành vi này thì đã bị công an câu lưu.

Le Figaro dẫn nhận định của hội đồng xét xử, theo đó, bị cáo Ekaterina Samoutsevitch, 30 tuổi, « ít có tội hơn » là hai đồng phạm.

 Tuy nhiên, hai luật sư của các bị cáo Maria Aliokhina, 24 tuổi, và Nadejda Tolokonnikova, 22 tuổi, phản đối phán quyết của tòa và khẳng định không hề có sự khác biệt nào trong hành động giữa ba bị cáo, với nhận xét, trong khi bị cáo được trả tự do ở lại trên vị trí biểu diễn 15 giây, thì hai cô Mario và Nadejda cũng chỉ có mặt ở đó 50 giây.

Luật sư của một trong hai nữ nghệ sĩ bị y án bày tỏ sự ngạc nhiên đối với phán quyết của tòa phúc thẩm.

Theo ông, phán quyết này là một mưu đồ chính trị « nhằm chia rẽ các thành viên của ban nhạc Pussy Riot ».

Theo nhận định của Le Figaro, với việc trả tự do cho Ekaterina Samoutsevitch, tư pháp Nga đã xé bỏ được bức tranh cao quý với hình tượng ba người phụ nữ đoàn kết chống Putin, gây khó khăn cho chính quyền Matxcơva.

Dù một người vừa được trả tự do, cho chịu án treo, nên trên thực tế cả ba vẫn bị kết án tù.

Theo Le Figaro, cả ba nữ nghệ sĩ sẽ tiếp tục cuộc chiến pháp lý, cho đến tận Tòa án Nhân quyền Châu Âu Strasbourg.

Chồng của nghệ sĩ vừa được trả tự do cho biết, các nghệ sĩ Pussy Riot rất hài lòng, họ chúc mừng Nastia (tên thân mật của Ekaterina Samoutsevitch) và « tình bạn của họ được thử thách qua tranh đấu sẽ tiếp tục tồn tại. Không hề có sự chia rẽ trong nhóm ».

Theo Libération, đặc biệt tại phiên tòa, nghệ sĩ Maria Aliokhina đã phê phán quyết liệt thái độ của giáo hội Chính thống Nga, đã đề nghị một sự đánh đổi, các nghệ sĩ nhận tội và sám hối, đổi lại họ sẽ được giảm án.

Nghệ sĩ Maria Aliokhina đã sử dụng thời gian được nói để châm biếm thái độ giả dối của tổng thống Putin. Trong một bộ phim vừa được phổ biến vào dịp sinh nhật 60 tuổi, ông Putin đã tuyên bố không dính líu gì đến các quyết định của tư pháp trừng phạt Pussy Riot.

 Còn nghệ sĩ Nadejda Tolokonnikova thì cảnh báo rằng, với việc trừng phạt này, tổng thống Nga « đang đưa đất nước vào nội chiến ».

Ekaterina Samoutsevitch rời phiên tòa trong tiếng hoan hô vang dậy của những người ủng hộ. Một số người hát : « Đức Mẹ Maria, mẹ của Chúa Trời, hãy đuổi cổ Putin… ».

Theo Le Figaro, có đến 80% người Nga ủng hộ phán quyết của tòa án, còn theo Libération, số người đồng ý là 69%.

 Le Figaro dẫn lời một thành viên có ảnh hưởng của Giáo hội Nga, theo đó, nếu như trước kia, Giáo hội chính thống Nga đứng về phía những người đòi tự do, thì hiện nay, Giáo hội đứng về phía phe bảo thủ. Còn theo nhà ly khai Nga nổi tiếng Liudmila Alexeeva, Giáo hội chính thống Nga trên thực tế đã trở thành một tôn giáo Nhà nước.

 Phe nổi dậy Syria chia rẽ do bất đồng giữa Qatar về Ả Rập Xê Út

Syria tiếp tục là chủ đề thời sự quốc tế được nhiều báo Pháp chú ý.

Le Figaro có bài : “Syria : cuộc nổi dậy tan tác đối diện với chế độ”. Bài viết chỉ ra : một trong những nguyên nhân dẫn đến sự chia rẽ của phe nổi dậy là do các nguồn tài trợ đến từ Ả Rập Xê Út và Qatar.

Theo ghi nhận của một nhân chứng, Qatar và Ả Rập Xê Út hoạt động một cách riêng rẽ trong việc cung cấp vũ khí cho các nhóm nổi dậy mà ủng hộ.

 Cụ thể là, Qatar cấp vũ khí cho nhóm Huynh đệ Hồi giáo, còn Ả Rập Xê Út thì hỗ trợ những người thuộc trào lưu Hồi giáo Salafiste.

Sự chia rẽ bắt đầu sau một cuộc cãi vã vào đầu tháng 9 giữa những người phụ trách cấp vũ khí Qatar và Ả Rập Xê Út trong việc phân phối vũ khí cho quân nổi dậy, dưới sự điều hành của Thổ Nhĩ Kỳ tại khu vực biên giới.

Sở dĩ có mâu thuẫn giữa hai quốc gia cấp vũ khí kể trên là do nhóm Huynh đệ Hồi giáo, được Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ, muốn kiểm soát luồng cung cấp vũ khí. Điều này bị Ả Rập Xê Út phản đối. Mâu thuẫn này còn khiến các nhóm nổi dậy nằm ngoài hai lực lượng kể trên, đặc biệt là các binh sĩ chính phủ đào ngũ theo quân nổi dậy lại thiếu nguồn viện trợ vũ khí.

Sự mâu thuẫn kể trên có những hậu quả rất lớn, gây chia rẽ trầm trọng hàng ngũ các binh sĩ nổi dậy. Ví dụ như khi một thủ lĩnh quân nổi dậy từ chối làm việc với Qatar, thì phía Qatar tiếp cận với người phó, để đề nghị các hợp tác riêng.

Lo ngại về sự chia rẽ trong hàng ngũ phe nổi dậy, từ nhiều tháng nay, phương Tây kêu gọi lực lượng nổi dậy thành lập một bộ tư lệnh thống nhất.

Tuy nhiên, cho đến nay, mọi nỗ lực đều thất bại.

Theo yêu cầu của Thổ Nhĩ Kỳ, các trung đoàn nổi dậy phải do một sĩ quan đào ngũ lãnh đạo, tuy nhiên, các chiến binh Hồi giáo không chấp nhận việc này. Tuy nhiên, trên thực tế các chiến binh Hồi giáo chỉ chiếm tỷ lệ nhỏ trong lực lượng nổi dậy.

 Sự ngờ vực giữa các phe nhóm khác nhau trong quân nổi dậy là rất nặng nề.

Cũng theo số liệu của Liên Hiệp Quốc, được Le Figaro dẫn lại, trong hàng ngũ của nổi dậy hiện nay có đến 2.000 chiến binh thuộc các nhóm thánh chiến ngoại quốc chiến đấu tại Syria, nghĩa là tăng gấp 3 lần so với cách đây nửa năm.

Một số cuộc khủng bố đẫm máu mới đây, đặc biệt là 3 cuộc khủng bố tại Alep khiến 48 người thiệt mạng, mà nhóm thánh chiến Hồi giáo nhận trách nhiệm, gây lo ngại đặc biệt.

Pháp : ủng hộ hay phản đối hôn nhân đồng tính

Về thời sự nước Pháp, chủ đề đám cưới đồng tính tiếp tục là một vấn đề căng thẳng trong công luận. Về vấn đề này, Le Figaro có bài : “Hôn nhân đồng tính : sự phản đối của các thị trưởng cánh hữu”, khẳng định quan điểm của đảng UMP, theo đó cần tổ chức một hội nghị bàn về vấn đề gia đình, để tránh “những lệch lạc có thể xảy ra”.

Theo Le Figaro, ngày hôm qua, chính phủ Pháp thông báo dự luật về hôn nhân đồng tính sẽ được trình ra Hội đồng Bộ trưởng vào ngày 31/10 tới. Dự luật này trước mắt chỉ liên quan đến hôn nhân và việc tiếp nhận con nuôi của các cặp đồng tính.

Thủ tướng Pháp hứa hẹn chính phủ sẽ sẵn sàng chuẩn bị một luật bổ sung về gia đình.

Quyết định này của chính phủ đã gây ra một làn sóng phản đối mạnh ở cánh hữu. Một nhóm mang tên “Các thị trưởng vì trẻ em” ra đời.

150.000 thị trưởng và phó thị trưởng đã nhận được thư mời tham gia. Mục tiêu của nhóm này là yêu cầu các thị trưởng và phó thị trưởng cho ý kiến về hôn nhân đồng tính. Song song với việc này, một lời kêu gọi lấy chữ ký phản đối hôn nhân đồng tính cũng được gửi đến các đại biểu dân cử.

Hiện tại 1.248 người phản đối đã ký vào lời kêu gọi này.

Libération chạy trên trang nhất hàng tựa “Đám cưới gay. Liên minh của phe phản động”, với nhận định : với sự đối lập của một phần cánh hữu, của Giáo hội Công giáo và hàng trăm thị trưởng sẵn sang “bất tuân dân sự để phản đối”, mặt trận chống lại dự luật hôn nhân của những người đồng tính đang gia tăng.

Báo Libération ủng hộ dự luật của chính phủ với quan điểm : “Những người đồng tính có quyền sống thành cặp, có quyền chọn cách chung sống, như sống chung tự do, hôn nhân chính thức hay sống chung với Pacs – hay thỏa thuận chính thức. (…) Họ cũng muốn được sống như các cặp vợ chồng một nam, một nữ khác, với những hạnh phúc và bất hạnh của đời sống gia đình, có con, nhận con nuôi, hay ly dị”.

Libération khẳng định, “Gia đình là một trong những nền tảng của các xã hội chúng ta, việc công nhận và chấp nhận người đồng tính phải được thể hiện qua thể chế hôn nhân”.

Để phản bác lại các quan điểm phản đối của các thị trưởng đảng cánh hữu UMP, Libération tuyên bố : “Cần phải xem xem vì sao hôn nhân gay lại khiến các giới chức UMP tức giận và cho rằng hôn nhân đồng tính cũng có nghĩa là loạn luân, đa thê hay ấu dâm. Mà các hành vi phạm pháp như vậy tồn tại cả trong các gia đình một nam, một nữ”.

50 năm sau Vatican II : sự đánh giá không khoan nhượng của Giáo hội Công giáo

Về một sự kiện lớn đối với người Công giáo, nửa thế kỷ sau Công đồng Vatican II, báo Le Figaro hôm nay có bài thuật lại hội nghị các giám mục toàn cầu tại Roma, với tựa đề : “Vatican II : sự đánh giá không khoan nhượng của Giáo hội Công giáo”.

Hội nghị kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II, sư kiện mở ra nhiều thay đổi lớn lao trong Giáo hội Công giáo, có sự tham gia của 250 giám mục, được lựa chọn, và khoảng 100 chuyên gia và người tham dự từ khắp nơi trên thế giới.

Theo ghi nhận của đặc phái viên Le Figaro từ Roma, dịp kỷ niệm 50 năm Công đồng Vatican II này không hề có không khí vui mừng phấn khích. Bởi một thực tế là, bản tổng kết về quá trình 50 năm qua có mầu tối nhiều hơn.

Chủ trương “aggiornamento”, đại kết để hiện đại hóa, của Giáo hoàng Jean XXIII hiện nay đặt ra nhiều câu hỏi hơn là giải quyết được các vấn đề.

Cũng hôm nay, Giáo hoàng Benedicto 16 phát động “một năm đức tin”, với hy vọng các tín đồ Công giáo có thể tái phát hiện đức tin của mình.