Home Tin Tức Thời Sự IMF: Kinh tế thế giới ‘ngày càng tồi tệ’

IMF: Kinh tế thế giới ‘ngày càng tồi tệ’ PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Tư, 10 Tháng 10 Năm 2012 14:34

IMF hiện đang bi quan về triển vọng phục hồi của kinh tế thế giới

  

Bảng hiệu của IMF ở Washington

 

Sự phục hồi kinh tế toàn cầu đang có những dấu hiệu hụt hơi khi mà các biện pháp của các chính phủ đã không khôi phục được lòng tin, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) nhận định.

Cũng theo định chế tài chính này thì có nguy cơ ‘rất lớn’ triển vọng kinh tế thế giới ngày càng tồi tệ và nguy cơ này vẫn đang tiếp tục tăng.

IMF cũng hạ dự đoán tăng trưởng toàn cầu cho năm 2013 xuống còn 3,6 từ mức 3,9% mà họ dự đoán hồi tháng 7.


Cứu cánh của châu Âu?

Một trong những quốc gia bị giảm ước đoán tăng trưởng mạnh nhất là Anh. Các chuyên gia IMF cho rằng nền kinh tế nước này sẽ suy giảm 0,4% trong năm nay.

Trước đó, kinh tế Anh được dự đoán sẽ tăng trưởng 0,2%. Còn triển vọng tăng trưởng trong năm tới của nước này được dự đoán là 1,1%, giảm từ dự đoán trước đây là 1,4%.

Còn trên bình diện toàn cầu, triển vọng tăng trưởng trong năm nay cũng giảm từ 3,5 xuống 3,3%.

Về tổng thể, IMF đánh giá sản lượng kinh tế sẽ ‘chậm chạp ở các nền kinh tế phát triển nhưng vẫn tương đối ổn định ở nhiều thị trường mới nổi và các nước đang phát triển’.

Cũng theo IMF thì phần lớn triển vọng kinh tế thế giới tùy thuộc phần lớn vào các hành động của các chính phủ châu Âu và Hoa Kỳ.

  IMF nhấn mạnh tầm quan trọng của Cơ chế bình ổn Châu Âu (ESM), vốn là một quỹ thường trực nhằm cứu nguy cho các nền kinh tế và các nhà băng đang khốn khó.

Tổ chức này cũng cho rằng khu vực đồng euro cần tăng cường hội nhập về các chính sách thuế và chi tiêu cũng như có các biện pháp bắt đầu quá trình liên kết các ngân hàng trong khối.

“Cơ chế bình ổn Châu Âu cần phải can thiệp vào hệ thống ngân hàng để hỗ trợ cho các chính phủ, còn các lãnh đạo quốc gia phải làm việc để xây dựng một liên minh kinh tế và tiền tệ thật sự,” IMF kêu gọi.

Chủ tịch của ESM Jean-Claude Junker đã ca ngợi quỹ này là ‘một cột mốc lịch sử trong việc định hình tương lai của liên minh tiền tệ’ với năng lực cho vay lên đến 500 tỷ euro cho đến năm 2014.

ESM có khả năng cho các chính phủ vay trực tiếp và cùng lúc cũng có thể mua lại nợ của các chính phủ. Hành động này sẽ giúp giảm chi phí vay mượn của các nước đang nợ ngập đầu như Tây Ban Nha và Ý.


Kinh tế Mỹ


Khẩu hiệu bày tỏ đoàn kết với Hy Lạp tại Lisbon

 

Châu Âu vẫn đang nằm trong tâm bão của của kinh tế thế giới

Còn tăng trưởng ở Hoa Kỳ tùy thuộc vào một thỏa thuận ngăn chặn cái gọi là ‘vực thẳm tài chính’ – khi mà các biện pháp cắt giảm chi tiêu và tăng thuế tự động sẽ bắt đầu có hiệu lực vào đầu năm ngoái, IMF nhận định.

Nếu các nhà hoạch định chính sách kinh tế Hoa Kỳ nhất trí đẩy lui các biện pháp này và nới mức trần nợ công của họ thì nền kinh tế lớn nhất thế giới ‘sẽ quay trở lại con đường suy thoái’ với những tác động trực tiếp nghiêm trọng đến phần còn lại của thế giới, theo phân tích của IMF.

Còn nếu không, thì kinh tế Mỹ trong năm 2013 sẽ tăng 2,1%, giảm từ mức dự đoán trước đó là 2,3%.

Tuy nhiên, trong năm nay thì kinh tế Mỹ lại tăng trưởng nhanh hơn ở mức 2,2% so với 2% như dự đoán trước đó.

 IMF phê bình các chính phủ đã không hành động đủ để cứu nguy kinh tế thế giới.

Các biện pháp giúp giảm bớt ‘gánh nặng nợ gia đình kinh niên’ không tương xứng với tầm vóc của vấn đề, IMF nhận định.

 Trong khi đó, cũng theo IMF, ‘các nỗ lực tăng cường cơ chế điều tiết các định chế tài chính và các thị trường thì mang tính chắp vá’.

Mặc dù đã có những thành công nhất định trong việc xây dựng lại nguồn vốn cho các ngân hàng nhưng các chính phủ đã không hành động đủ để đẩy lùi tình trạng ‘mạo hiểm quá mức’ trên các thị trường tài chính.


Thất nghiệp không giảm

IMF cũng kêu gọi các chính phủ có thêm hành động để xử lý tình trạng thất nghiệp kéo dài quá lâu.

Các số liệu được đưa ra hôm thứ Sáu ngày 5/10 cho thấy tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ đã giảm xuống 7,8%, mức thấp nhất kể từ tháng Giêng năm 2009 nhưng vẫn còn cao hơn rất nhiều so với phần lớn 20 năm qua.

Tuần trước, số liệu cho thấy thất nghiệp ở khu vực đồng euro vẫn duy trì ở mức cao kỷ lục là 11,4%. Tây Ban Nha và Hy Lạp có tỷ lệ thất nghiệp cao nhất khi mà cứ 4 người trong lực lượng lao động thì có 1 người không có việc làm.

 Còn tại các nền kinh tế mới nổi, mặc dù có tốc động tăng trưởng tương đối mạnh mẽ so với các nền kinh tế phát triển, IMF cũng hạ mức triển vọng tăng trưởng của các nước này.

Ở châu Á, ‘triển vọng ngắn hạn và trung hạn kém lạc quan hơn so với sự tăng trưởng của khu vực này trong những năm gần đây’, IMF nhận định. Theo đó, xuất khẩu yếu đi do sụt giảm nhu cầu của các nước phương Tây là nguyên nhân chính.

Trung Quốc, nền kinh tế lớn thứ hai thế giới, chỉ sẽ tăng 7,8% trong năm nay thay vì 8% như dự báo trước đó và sang năm 2013 sẽ tăng 8,2% so với mức dự báo trước là 8,5%.

Còn dự đoán tăng trưởng của Ấn Độ cũng bị cắt bớt đáng kể. Theo đó, nước này chỉ tăng trưởng 4,9% trong năm nay và 6,1% vào năm tới, theo IMF.