Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 10-10-2012 |
Tác Giả: Mai Vân |
Thứ Tư, 10 Tháng 10 Năm 2012 11:35 |
Nhật Bản được Nobel, Trung Quốc ấm ức
Giáo sư đại học Kyoto Nhật Shinya Yamanaka, người vừa được nhận giải Nobel Y học 2012 làm cho người Trung Quốc phải ghen tỵ.
Với mùa trao giải Nobel 2012 khai mở từ thứ hai đầu tuần, châu Á lại vừa được vinh danh với Bác sĩ Nhật Bản Shinya Yamanaka được trao giải Nobel Y học cùng với một giáo sư Anh. Sự kiện đáng vui mừng cho châu Á này tuy nhiên lại làm cho nhiều người Trung Quốc ấm ức vào lúc Bắc Kinh và Tokyo đang căng thẳng với nhau trên vấn đề quần đảo Senkaku/Điếu Ngư. Trên trang ý kiến, nhật báo Singapore The Straits Times vào hôm nay đã đề cập đến vấn đề trong bài viết mang tựa đề “Người Trung Quốc ngóng đợi thành công trong giải Nobel”. Tác giả bài báo trước tiên ghi nhận là cho đến nay, không một công dân Trung Quốc nào đoạt được giải Nobel ngoại trừ nhà ly khai Lưu Hiểu Ba, được giải Nobel Hòa bình vào năm ngoái. Tình hình đó năm nay có lẽ không thay đổi, đặc biệt là trong lãnh vực khoa học. Điều tệ hại hơn đối với Trung Quốc là nước này lại bị Nhật Bản che khuất ở giải Nobel, đúng vào lúc Bắc Kinh và Tokyo đang hục hặc với nhau. Tác giả bài báo giải thích : Bác sĩ Shinya Yamanaka đã trở thành người Nhật Bản gần đây nhất đoạt giải Nobel khi ông được vinh danh trong lãnh vực y học vào hôm thứ Hai vừa qua cùng với giáo sư người Anh John Gurdon. Sự kiện đó giúp cho Nhật Bản vươn lên thành nước đứng thứ hai sau Hoa Kỳ trong thập kỷ vừa về sô giải Nobel giành được trong các ngành khoa học - một lĩnh vực mà Trung Quốc khao khát thành công. Theo hãng tin Nhật Bản Kyodo, cho biết rằng đã có 10 nhà khoa học Nhật đoạt giải Nobel từ năm 2000, so với 43 người đối với Mỹ. Còn nhìn chung, Nhật Bản có cả thảy 18 người đoạt giải Nobel. Tác giả bài báo đã trích dẫn một cư dân mạng Trung Quốc than rằng « Hỡi ơi, tình hình cũng như bóng đá, Trung Quốc và Nhật Bản cùng khởi đầu, nhưng Trung Quốc lại lao xuống địa ngục, trong khi Nhật Bản lại lên được thiên đàng ». Điều đáng nói hơn nữa, như Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long từng nêu lên vào tháng trước trong một bài phát biểu tại Bắc Kinh là có đến tám người đoạt giải Nobel về khoa học là người gốc Hoa, nhưng họ đều đã trở thành công dân Mỹ trước khi hoặc sau khi đoạt giải. Tình hình đó có nghĩa là Trung Quốc hiện bị lâm vào một tình trạng đáng lúng túng là họ chỉ có một công dân duy nhất đoạt giải Nobel là Lưu Hiểu Ba, nhưng người này lại bị chính quyền cầm tù với tội danh phản loạn. Theo một học giả Trung Quốc được báo The Straits Times trích dẫn, sở dĩ giới khoa học gia Trung Quốc chưa tỏa sáng được đó là vì điều kiện ổn định chưa có : « Nghiên cứu khoa học đòi hỏi một môi trường tương đối ổn định và một mặt bằng nghiên cứu yên tĩnh. Ở Trung Quốc ngày nay, những điều này chưa tồn tại ». Trong lúc đó thì Nhật Bản lại có nhiều thuận lợi, vì là một xã hội công nghiệp trưởng thành với một hệ thống nghiên cứu chặt chẽ. Trong mùa Nobel năm nay, Nhật Bản lại còn có cơ hội qua mặt Trung Quốc cả về mặt văn học, với khả năng nhà văn Nhật Haruki Murakami đoạt giải thay vì tiểu thuyết gia Mạc Ngôn (Mo Yan) của Trung Quốc hay Philip Roth của Mỹ. Murakami được cho là nhiều triển vọng đoạt giải, nhưng Mạc Ngôn, được biết đến qua tác phẩm « Hồng cao lương » từng được nhà làm phim Trương Nghệ Mưu đưa lên màn bạc, cũng được nhiều người ưa thích. Có điều là, tác giả bài báo ghi nhận : Những người hâm mộ Murakami tại Trung Quốc sẽ khó tìm ra các cuốn như « Rừng Na Uy » hay « 1Q 84 » trên thị trường vào lúc này. Lý do là vì chính quyền Trung Quốc đã cấm sách liên quan đến Nhật Bản từ cách nay hai tuần, trong đó có cả tiểu thuyết của các tác giả Nhật Bản lẫn sách giáo khoa ngôn ngữ. Hành động này đã bị nhà văn Nhật Murakami phê phán, cho rằng không nên để cho chủ nghĩa dân tộc hẹp hòi phá hoại giao lưu văn hóa giữa nhân dân cả hai bên. Miến Điện : Sắc tộc Kachin trong cảnh thống khổ Nhìn về Châu Á, Le Monde có bài phóng sự nêu bật nổi thống khổ của người sắc tộc Kachin ở phiá Bắc Miến Điện, sát biên giới Trung Quốc, luôn luôn phải chạy lánh nạn chiến sự. Trong hàng tựa trang thế giới, Le Monde thương xót cho « Những người tỵ nạn ‘lang thang’ giữa Miến Điện và Trung Quốc ». Mở đầu bài viết tác giả nêu trường hợp của bà Mungji Hkwan Nan, đã phải di tản 3 lần, trong không đầy một năm rưỡi. Lần đầu vào tháng 6/2011, bà phải rời bỏ ngôi làng một phần nằm trên khu vực quân đội Miến Điện kiểm soát và một phần trên đất lực lượng vũ trang Kachin đòi độc lập. Le Monde nhận định khá gay gắt là nếu chế độ Miến Điện trong những tháng qua đã có nhiều dấu hiệu mở cửa ra thế giới bên ngoài, thì tình trạng các sắc tộc không hề được cải thiện. Hàng ngàn người bị di dời, bị dồn nén trong các trại. Trong lúc mà phần còn lại của Miến Điện đang dần dần ra khỏi chế độ độc tài thì người Kachin rơi vào chiến tranh : Cuộc ngưng bắn với Lực lượng Kachin đòi độc lập kéo dài từ 17 năm qua đã kết thúc. Bài phóng sự nêu lên cảnh lính Miến Điện thả chó giết heo, gà của người dân, bắt dân làm phu khuân vác, phụ nữ lo sợ bị hãm hiếp... Bà Mungji Hkwan Nan giải thích với phóng viên Le Monde, là họ không dám nói năng gì cả và chỉ còn cách bỏ chạy sang Trung Quốc lánh nạn. Nhưng ở đó cũng không được yên thân. Gia đình của người phụ nữ có sáu đứa con này chỉ được ở tạm vài tháng ở một trại bên kia biên giới trên đất Trung Quốc. Tháng 12/2011 bà và gia đình phải dời đến một trại khác, trại Laying. Người phụ nữ kể lại với phóng viên Le Monde là Trung Quốc không muốn người tỵ nạn Kachin lánh nạn tại đây, các viên chức chính quyền và công an Trung Quốc thường xuyên đến thúc họ hồi hương, thậm chí dọa đốt trại buộc người tỵ nạn lại phải ra đi. Theo bà Mungji Hkwan Nan, thì quả thật trại đã bị phá hủy. Theo bài báo trên số 7000 người vượt biên giới lánh nạn, hơn 3100 đã bị đuổi đi vào mùa hè vừa qua. Trong số còn lại ở Trung Quốc, 2000 người còn tập trung trong một trại nằm một phần trên đất Trung Quốc một phần trên đất Miến Điện, ở chốt biên giới số 6. Trung Quốc để yên nhưng không giúp đỡ gì. Lực lượng Kachin, theo bài báo, tỏ ra rất kín đáo về thái độ nói trên của Trung Quốc, vì họ phải dựa vào Trung Quốc trên hầu như mọi mặt, từ lương thực cho đến nhiên liệu, phương tiện viễn thông... Một số người giải thích tình hình căng thẳng đối với người Kachin xuất phát từ việc Đại hội đảng Cộng sản gần kề, hoặc là vì người Kachin theo đạo Thiên chúa và Trung Quốc không muốn đức tin này lan truyền. Riêng trên lãnh thổ bang Kachin, theo Le Monde, số người bị di dời tập trung trong các trại ty nạn lên đến hơn 57.000, và nếu tính cả các trại ở vùng quân đội Miến Điện kiểm soát, số lượng có thể vượt mức 100.000. Theo tác giả bài báo thì người Kachin hiện nay nghi ngờ cả bà Aung San Suu Kyi. Họ công nhận là công cuộc cải tổ của ông Thein Sein đang đưa Miến Điện tiến bước trên con đường dân chủ hóa, nhưng đối với vấn đề sắc tộc, vấn đề người Kachin, thì ông không làm gì cả. Còn bà Aung San Suu Kyi, trong mắt họ tuy bà rất tốt, nhưng bà trước tiên là một người Miến Điện ! Nghi thức nhập tịch Mỹ Trên bình diện xã hội, Le Monde nhìn về phía Hoa Kỳ, đặc biệt chú ý đến lễ trao quốc tịch Mỹ, dưới tựa đề «Đứng trước lá cờ, tay trên quả tim ». Tờ báo ghi nhận là cứ mỗi thứ Sáu, ở Manhattan, có 500 người nhận quốc tịch Mỹ trong một buổi lễ với nghi thức rất chặt chẽ. Buổi lễ nhận quốc tịch tập thể tổ chức tại cơ sở bộ an ninh nội địa ở Manhattan chỉ kéo dài vài phút nhưng phải ghi được dấu ấn mạnh mẽ. Le Monde hóm hỉnh cho là khi bước vào thì nào là người Việt Nam, người Sierra Leone (châu Phi), người Ecuador (Nam Mỹ)… nhưng khi họ trở ra thì toàn là người Mỹ cả, dĩ nhiên là sau khi hát quốc ca và tuyên thệ.Mỗi người được phát một tài liệu, có lời hát, và trong đó có phần dặn dò người đến buổi lễ nhận quốc tịch là phải ăn mặc nghiêm trang ( không được mặc quần Jeans, quần short hay mang dép kẹp). Tờ báo nhắc lại là công thức tuyên thệ được thống nhất từ năm 1929... Le Monde cũng so sánh là để được quốc tịch, thì cũng như ở Pháp, một người phải cư ngụ 5 năm, phải biết nói, biết viết tiếng Anh, phải hiểu biết về lịch sử Hoa Kỳ và không hề phạm pháp. Theo bài báo vào năm ngoái, 2011, hơn 694.000 người nước ngoài được quốc tịch Mỹ,( trên số 314 triệu dân). Đứng đầu là người gốc Mêhicô và Ấn Độ, kế đến là Philippines, Trung Quốc, Colombia. Nhưng tính về mặt lục điạ gốc thì châu Á đông nhất, 37,2% người nhận quốc tịch, kế đến là Bắc Mỹ, 16,3%, châu Âu là 12,1%, Châu Phi, 8,1%. Giáo dục Pháp : Những ưu tiên Liên quan đến thời sự Pháp, sự kiện nổi bật và được bình luận dông dài là phát biểu của tổng thống François Hollande, hôm qua tại đại học Sorbonne về cải cách giáo dục ở Pháp, với một ưu tiên thực hiện ngay vào năm 2013 cho cấp 1 : tuần học 4 ngày rưỡi. Vấn đề bài tập ở nhà cần giảm thiểu, vấn đề ở lại lớp, vấn đề điểm cũng được nêu lên ... Ông Hollande đề cập đến những hướng đi mới, những công trình mới, từ đây đến năm 2017, để thay đổi sâu sắc trường học Pháp, đóng góp cho việc ‘vực dạy’ đất nước. Nhìn chung thì các báo đón nhận một cách tốt chính sách giáo dục của tổng thống Hollande, như tờ Libération, cho là tổng thống Pháp đã thúc đẩy một sự cải tổ lớn về chính sách giáo dục. Gắn vấn đề giáo dục với sự vực dậy của đất nước là rất đúng, đặt ưu tiên cho cấp 1, chấm dứt với vấn đề ở lại lớp ngu xuẩn, hay tái lập việc đào tạo giáo viên, tăng thêm người ở những vùng khó khăn… là những chọn lựa đúng đắn. Riêng tờ báo cánh hữu Le Figaro thì rất bực mình, không tán đồng việc xét lại hệ thống điểm và cho một ‘điểm xấu’ tổng thống Pháp. Le Figaro cho là điều người ta chờ đợi nơi ngành giáo dục quốc gia, là « truyền cho lớp trẻ sự hứng thú, ham học, tinh thần chiụ khó, cố gắng... Thế nhưng tổng thống Pháp đã không thôi thúc những điều này. »
|