Home Tin Tức Bình Luận Kinh tế Việt Nam, từ ‘cọp’ thành ‘mèo’

Kinh tế Việt Nam, từ ‘cọp’ thành ‘mèo’ PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Thứ Năm, 04 Tháng 10 Năm 2012 21:41

Phải thay đổi, nhưng khó thúc giới cầm quyền

HÀ NỘI (NV) - Trong một bài phân tích dựa trên những thí dụ nổi bật chứng minh cho các chính sách sai lầm chỉ để làm đầy túi cho đám quan lại tham nhũng, tạp chí Newsweek số ra ngày 1 tháng 10, 2012 trình bày một số những lý do đã làm cho Việt Nam từ triển vọng thành cọp Á Châu lại biến thành một con mèo nhỏ đầy khuyết tật.

 

Vịnh Vân Phong thuộc tỉnh Khánh Hòa, một dự án cảng biển quốc tế với vốn đầu tư lên nhiều tỉ đô la nhưng thất bại của tổng công ty tàu biển Vinalines. Những chiếc trụ xi măng trơ trọi phơi sương phơi nắng trong nước biển là biểu tượng của chiến lược sai lầm của đám quan quyền tham nhũng “có dự án là có cơ hội chấm mút” bất kể hậu quả cho đất nước. (Hình: AP)

 

Theo bài viết này, “Ðể cứu một nền kinh tế có nhiều vấn đề, những người làm chính sách tại Việt Nam cần phải thực hiện các kế hoạch cải cách thật sự sâu rộng và đúng nghĩa.”

“Tuy nhiên, điều này có làm hay không hoàn toàn tùy thuộc vào cái đầu của những kẻ nắm giữ quyền lực, mà người ta tin họ không dễ dàng từ bỏ các đặc quyền đặc lợi.”

Bài phân tích mở đầu bằng cuộc thăm viếng Hà Nội hai năm trước của bà Christine Gregoire thống đốc tiểu bang Washington đứng mời khách hàng món khoai tây chiên tại tiệm thức ăn nhanh KFC ở Hà Nội.

Mục đích chính của bà không phải đi cổ võ khoai tây chiên mà đi cắt băng khánh thành cảng nước sâu Cái Mép-Thị Vải thuộc tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.

Cảng biển này, tốn phí xây dựng và chuẩn bị suốt 6 năm lên tới $160 triệu USD, liên doanh giữa công ty Carrix's Marine Unit trụ sở ở Seattle và Cảng Sài Gòn, một đơn vị thành viên của Tổng Công Ty Vận Tải Biển Việt Nam (tức Vinalines).

Từ khi khánh thành đến nay, cảng Cái Mép chìm sâu vào thua lỗ.

Theo bài viết của báo Giao Thông Vận Tải ngày 1 tháng 10 năm 2012, “Hầu hết các cảng container khu vực Cái Mép-Thị Vải đều thua lỗ ít cũng 6-7 triệu USD, nhiều tới 20-30 triệu USD”. Một trong những lý do là thiếu trang bị hạ tầng bên cạnh những lý do khác.

Công ty mẹ Vinalines thì đầy vấn đề mà những kẻ cầm đầu đã bị bắt giữ gần đây với cáo buộc tham nhũng và “cố ý làm trái gây hậu quả nghiêm trọng...”

Sau khi Việt Nam gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới (WTO) giới đầu tư ngoại quốc đua nhau đổ tiền vào đây, tưởng nước này một sớm một chiều sẽ trở thành một thứ hổ con ở Á Châu.

Thống kê năm 2007 cho thấy tổng số đầu tư ngoại quốc đổ vào Việt Nam nhiều bằng tổng số đầu tư vào các nước Indonesia, Thái Lan, Phi Luật Tân và một số nước trong vùng. Nhưng chế độ Hà Nội không kịp tiêu hóa số lượng đầu tư quá lớn là một bài học mà giới kinh tế gia gọi là tính toán tài chính sai lạc.

“Việt Nam là trường hợp cổ điển về một nước nhỏ được thúc đẩy quá bạo”. Ruchir Sharma, phân tích gia về thị trường mới nổi của công ty Margan Stanley Investment Management ở New York, nhận định.

“Những kẻ cầm quyền hoặc chưa sẵn sàng hoặc không đủ khả năng tiếp nhận một lượng lớn tư bản ngoại quốc đổ tới trong thập niên qua.”

Tiền đầu tư đổ vào những dự án hạ tầng có vẻ hữu dụng như Cái Mép, các đường lộ và cầu từ Bắc chí Nam. Nhưng tiền cũng được đổ vào các dự án xây dựng cao ốc trong các thành phố. Nhiều đất nông nghiệp biến thành các khu công nghệ.

Tất cả các chương trình và công trình dồn dập, nay có rất nhiều tòa cao ốc bỏ hoang, các khu công nghệ chỉ có khoảng 810 ha là được sử dụng trên tổng số 3,645 ha “quy hoạch” xây dựng. Nông dân thì kiện cáo triền miên vì bị đẩy vào vòng đói khổ do đất đai sản xuất bị nhà nước tước đoạt rồi đền bù bằng những số tiền nhỏ. Họ ăn hết trong thời gian ngắn và không biết làm gì để sống.

Khi nền kinh tế thế giới chạy chậm lại, đầu tư ngoại quốc giảm dần từ năm 2008, các ngân hàng thương mại ở Việt Nam, thay thế tư bản ngoại quốc, bơm tiền thúc đẩy tăng trưởng.

Phần lớn những đồng tiền này chạy vào các tập đoàn và tổng công ty quốc doanh gồm khoảng 100 công ty mà số nợ hiện lên đến $50 tỉ USD, bằng một phần ba tổng sản lượng quốc gia (GDP).

Thua lỗ triền miên, nợ khổng lồ

 Một số đại gia quốc doanh này thua lỗ triền miên vì tham nhũng và vì đầu tư bừa bãi nhờ vào “tiền chùa” mượn nợ dễ dàng nhân danh nhà nước. Có dự án là có cơ hội chấm mút.

Việc bắt giữ Nguyễn Ðức Kiên, một trong những cổ đông lớn của một số ngân hàng thương mại, Lý Xuân Hải, tổng giám đốc ngân hàng ACB và thêm một số ông khác gồm cả cựu Bộ Trưởng Trần Xuân Giá mới đây chứng tỏ hệ thống tài chính ngân hàng ở Việt Nam nhiều lỗ hổng.

Một bản phúc trình của Ủy Ban Kinh Tế Quốc Hội CSVN hồi đầu tháng 9, 2012 ước lượng phải cần số tiền đến $12 tỉ USD để giải quyết cái núi nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại trong khi dự trữ ngoại hồi của Việt Nam chỉ có khoảng $14 tỉ USD. Ðây là điều Hà Nội không thể tự giải quyết được nếu không tìm nguồn tín dụng nào đó từ bên ngoài.

Nếu cứ in bừa bãi tiền thì sẽ dẫn đến lạm phát cao. Chế độ Hà Nội đã phải đối phó với lạm phát một cách khó khăn và cũng không hoàn toàn thành công.

Một trong những cách giải quyết mà Hà Nội nhắm tới là cố lôi kéo đầu tư ngoại quốc quay trở lại. Tuy nhiên, người ta chẳng mấy hào hứng cắn mồi.

Tập đoàn đóng tàu Vinashin vay $600 triệu USD rồi ỳ ra không trả nợ và nhà nước tránh né trách nhiệm hậu thuẫn là một trong những thí dụ điển hình để họ suy nghĩ cẩn thận.

Thêm nữa, luật lệ tròng tréo và mù mờ ở Việt Nam gây khó khăn cho giới đầu tư ngoại quốc không ít. Ðó là chưa kể tham nhũng vòi vĩnh hối lộ rất phổ biến.

Sự thiếu khả năng tự tài trợ để giải quyết khó khăn và giới đầu tư ngoại quốc tránh né làm cho Hà Nội có ít giải pháp đối phó. Trong đó, không loại trừ khả năng phải bơm tiền ứng cứu trước khi hệ thống tài chính sụp đổ.

Ở tình thế như vậy, Hoa Thịnh Ðốn có thể giúp Hà Nội dàn xếp một món vay từ Quỹ Tiền Tệ Quốc Tế (IMF) nhưng nếu chuyện này xảy ra, bài phân tích của Newsweek cho rằng “có thể đặt nền móng cho các tàu hải quân Mỹ quay lại cảng Cam Ranh”.

Dù sao, khi có tin Hà Nội cần sự trợ giúp tài chính của IMF, Ngân Hàng Nhà Nước đã vội vã cải chính là họ không cần.

Nếu tiền đến từ nguồn nào đó bên ngoài, nó phải có những điều kiện. Cải cách sâu rộng và triệt để, gồm cả việc giải tán đám quốc doanh “lời giả lỗ thật” và phải áp dụng chặt chẽ luật lệ minh bạch là những đòi hỏi để có tín dụng.

Nhưng những kẻ cầm quyền ở Hà Nội có chịu cải cách thật sự hay không lại là chuyện không dễ xảy ra, một chuyện đã bị các định chế tài trợ quốc tế áp lực từ khi có chương trình “đổi mới” đến nay vẫn chỉ thấy những cải cách nửa vời.

Cải cách thật sự có thể dẫn đến mất quyền lực, mất cơ hội tham nhũng. Cũng vì vậy mà Việt Nam từ triển vọng trở thành cọp lại chỉ thành một thứ mèo con bệnh hoạn. (T.N.)