Về một cái chết |
Tác Giả: Lê Phan | |||
Thứ Sáu, 14 Tháng 9 Năm 2012 16:04 | |||
Như vậy chúng ta thấy rõ đây là một cuộc tấn công thực sự, có tổ chức với hỏa lực...
Đại sứ Mỹ tại Libya Christopher Stevens - Ảnh: AFP Một đồng nghiệp của tôi, vốn quen rất thân với Ðại Sứ Christopher Stevens, đã bảo tôi: “Nếu Chris còn sống, chính ông ta sẽ bảo mọi người là chuyện đã xảy ở ở Benghazi phải không là lý do để Hoa Kỳ rút lui khỏi Libya và vùng Trung Ðông.
Trước câu hỏi của báo chí là tại sao ông đại sứ lại có mặt tại Benghazi, Phát ngôn nhân của Ngũ Giác Ðài giải thích: “Ðại Sứ Stevens thường xuyên lui tới Benghazi để kiểm soát tình hình phát triển ở miền Ðông. Ông đã là đặc sứ của ngoại trưởng và của tổng thống tại Hội Ðồng Quốc Gia Lâm Thời trước khi Gadhafi sụp đổ và đã ở khá lâu tại Benghazi và có rất nhiều người quen ở đó. Thành ra đây chỉ là một trong những chuyến viếng thăm thường xuyên của ông.”
Viên chức của Ngũ Giác Ðài, trong buổi họp riêng cho báo chí, cũng đã nhắc lại: “Tôi xin chỉ ra là các thành viên cao cấp của chính phủ Libya đã nhanh chóng và mạnh mẽ đứng ra lên án hành động này và đề nghị hỗ trợ chúng ta.” Bà cũng nhắc là lực lượng an ninh Libya đã chiến đấu suốt bốn tiếng đồng hồ của cuộc tấn công, từ lúc 10 giờ đêm đến 2 giờ sáng, sát cánh bên cạnh lực lượng an ninh riêng của tòa tổng lãnh sự, không một lúc nào bỏ rơi những đồng minh Hoa Kỳ của mình. Hơn thế viên chức của Ngũ Giác Ðài còn cho biết thêm: “Một trong những tổ chức dân quân địa phương vốn đã thân thiện với tòa đại sứ đã đến giúp đỡ.” Chính những sự tăng viện này đã giúp đẩy lùi lực lượng tấn công.
Người bạn của tôi cho biết là theo viên chức Ngũ Giác Ðài thì tòa tổng lãnh sự là một tòa nhà tạm mà chính ông Stevens đã mua từ thời còn chế độ Gadhafi. Ðây là một cái biệt thự có một nhà lớn tức là tòa tổng lãnh sự và một tòa nhà phụ ở sau được dùng làm nơi đồn trú cho đơn vị an ninh Mỹ bảo vệ tòa đại sứ. Khi cuộc tấn công xảy ra, lực lượng an ninh Libya, bảo vệ vòng ngoài, đã bắn trả nhưng không đủ sức chống cự. Họ chỉ có súng nhỏ trong khi lực lượng tấn công có súng bắn hỏa tiễn và súng phóng lựu. Lực lượng tấn công đã bắn được vào tòa nhà chính. Trong tòa nhà chính lúc đó có Ðại Sứ Stevens, một nhân viên an ninh vùng và ông Smith, một nhân viên lãnh sự. Nhân viên an ninh thoát được ra ngoài khi tòa nhà bốc cháy. Ông này bèn cùng một nhân viên an ninh khác xông vào để cứu hai ông Chris và Sean (Smith). Họ tìm thấy ông Smith, đã chết, và kéo ông ra khỏi tòa nhà. Họ không tìm thấy được ông Stevens, trong khi đó, súng, khói mù và lửa làm họ phải rút khỏi tòa nhà. Khoảng 45 phút sau, nhân viên an ninh ở tòa nhà sau tìm cách tấn công vào tòa nhà chính, nhưng họ bị đánh bật lại. Khoảng 50 phút sau, lực lượng an ninh Libya lại cố gắng một lần nữa và lần này họ đã vào được và lập lại kiểm soát ở tòa nhà chính. Mọi người được di tản sang tòa nhà phụ. Tòa nhà phụ bị tấn công vào lúc 12 giờ đêm và tiếp tục trong hai tiếng đồng hồ sau đó. Trong cuộc tấn công vào tòa nhà phụ, hai nhân viên Hoa Kỳ nữa tử nạn, và hai người bị thương. Mãi đến 2 giờ sáng, nhờ sự tăng viện lực lượng an ninh Libya giành lại được quyền kiểm soát tình hình.
Phía Hoa Kỳ mất liên lạc nhưng có vẻ như những người bạn Libya đã tìm đưa ông đại sứ đến bệnh viện, rất tiếc là khi tới nơi ông đã yếu quá, không cứu sống nổi. Như vậy chúng ta thấy rõ đây là một cuộc tấn công thực sự, có tổ chức với hỏa lực vượt khỏi sức kháng cự của nhân viên an ninh Libya và Hoa Kỳ có mặt tại tòa tổng lãnh sự. Tất cả những ai trong chúng ta đã từng sống qua Sài Gòn trong những năm chiến tranh đều biết là một đơn vị đặc công cảm tử có thể thực hiện một cuộc tấn công vào một địa điểm dầu phòng vệ cách mấy chăng nữa.
Và lại, thử hỏi trước ngày 11 tháng 9 hay trước ngày 7 tháng 7, có ai nghĩ đến những hành động táo bạo của khủng bố như đã được thực hiện hay không? Thống Ðốc Mitt Romney thì đã lên tiếng chỉ trích chính phủ Obama và nhất là Tòa Ðại Sứ Hoa Kỳ ở Cairo, Ai Cập, là “quá yếu” với Hồi Giáo quá khích và quá thích Mùa Xuân Ả Rập. Nhiều nhân vật bảo thủ trong chính trị Hoa Kỳ đồng nghĩa phong trào nổi dậy của Hồi Giáo với những nhóm Hồi Giáo quá khích thù hận, và coi phong trào Huynh Ðệ Hồi Giáo đang cai trị ở Ai Cập và Tunisia là đe dọa cho đồng minh chính của Hoa Kỳ là Israel. Người Mỹ nói chung rất lo ngại bị kéo vào việc can thiệp ở Syria và lo ngại về Iran có bom hạt nhân. Họ quá chán bị gọi là chống Hồi Giáo trong khi xã hội Hoa Kỳ bao dung cho những người Shia hơn là các quốc gia Hồi Giáo Sunni. Với binh sĩ đã ra khỏi Iraq, cố gắng thúc đẩy tiến trình hòa bình giữa Israel và Palestine không đi đến đâu, và nguồn khí đốt mới giúp giảm lệ thuộc vào dầu Ả Rập, chắc hẳn đây là lúc nên bỏ cho những người “đó” muốn tự phá hoại mình thì cứ việc và rút lui về pháo đài Hoa Kỳ chăng?
Ðiều đã làm Ðại Sứ Stevens lạc quan trước khi ông qua đời là Libya đã chọn một chính phủ ôn hòa, không thuộc cả phe Hồi Giáo quá khích Salafist lẫn Huynh Ðệ Hồi Giáo. Ngay hôm Ðại Sứ Stevens qua đời, Quốc Hội Libya đã bầu lên một kỹ sự tốt nghiệp ở Hoa Kỳ làm thủ tướng. Ðến ngay cả nhóm Salafists cũng như nhóm Ansar al-Sharia cũng tìm cách tách rời ra khỏi toán nhỏ đã tổ chức vụ ám sát và khuyến khích dân quân truy lùng họ.
Quan sát viên này bảo là thảm kịch này có thể là giây phút giúp người dân Libya ý thức được là cần đoàn kết lại để bảo vệ nền dân chủ mong manh của họ. Nếu được vậy thì Ðại Sứ Steven đã không chết uổng.
|