US Congress PDF Print E-mail
Tác Giả: Nguyễn Văn Khanh   
Thứ Ba, 11 Tháng 9 Năm 2012 11:36

Ðông đúc, nhộn nhịp thì có, nhưng đừng trông chờ các vị dân cử liên bang sẽ đệ nạp những dự luật quan trọng

 

Sau cả tháng trời nghỉ hè, các ông bà dân cử Hoa Kỳ đã gặp lại nhau ngày hôm qua (Thứ Hai, mùng 10 Tháng Chín, 2012) để trên nguyên tắc, làm việc trở lại.

Sinh hoạt của Thượng và Hạ Viện nhộn nhịp hẳn lên, tất cả các văn phòng đều mở cửa, nhiều buổi điều trần được xếp đặt (chẳng hạn như buổi điều trần trước Ủy Ban Ngoại Giao Hạ Viện vào sáng ngày Thứ Tư tới đây để nghe trình bày về “thái độ hung hăng của Trung Quốc ở biển Ðông” và nghe câu trả lời chính phủ Hoa Kỳ phải làm gì trước những hành động gây hấn của Bắc Kinh).

Văn phòng chủ tịch Hạ Viện và chủ tịch khối đa số cũng nói sẽ có những cuộc họp báo hàng ngày, chưa kể đến những cuộc họp báo mang tính “đột xuất” mỗi khi các vị dân cử thấy cần phải bày tỏ quan điểm.


Ðông đúc, nhộn nhịp thì có, nhưng đừng trông chờ các vị dân cử liên bang sẽ đệ nạp những dự luật quan trọng, cũng đừng vội nghĩ những “chuyện lớn” như ngân sách, thuế má, sẽ được bàn thảo và quyết định trước nghị trường.

 Lý do thứ nhất: Còn có 8 tuần nữa đã đến ngày bầu cử, chẳng ai thấy vội phải giải quyết chuyện đất nước ngay trong lúc này, cho dù tất cả những ông bà nghị sĩ và dân biểu vẫn liên tục đưa ra những phát biểu rất giống nhau, đại ý cho rằng “quốc gia đang ở trong giai đoạn cực kỳ khó khăn, nhiều vấn đề cần giải quyết tức khắc, không cho phép chúng ta chậm trễ hơn được nữa”.

Lý do thứ nhì: Cuộc họp kỳ này kéo dài chỉ có 13 ngày, sau đó ông “thượng” bà “hạ” lại kéo nhau về địa phương vận động tranh cử tiếp. Có lẽ thời gian 2 tuần không đủ để giải quyết những vấn đề lớn nên các ông bà dân cử mặc nhiên đồng ý với nhau để đến sau ngày bầu cử xong rồi hẵng tính.


Thí dụ rõ ràng nhất là chuyện ngân sách và thuế. Trong 3 năm qua nước Mỹ không có ngân sách, khoản tiền chính phủ đang chi tiêu đều là khoản tiền đã được thông qua cho tài khóa 2009 cộng với những khoản tiền phụ trội đặc biệt được Quốc Hội chấp thuận theo yêu cầu của hành pháp.

 Cả 2 đảng đều lên tiếng nói phải sửa đổi lại hệ thống thuế cho hợp lý hơn (điều này được nói đến nhiều lần ở Ðại Hội Cộng Hòa tại Tampa, Florida và Ðại Hội Dân Chủ ở Charlotte, N. Carolina), nhưng chưa thấy lưỡng viện Quốc Hội nhúc nhích gì cả.


Tại sao không nhúc nhích?

Tìm câu trả lời chẳng khó. Giả sử ứng viên Mitt Romney của đảng Cộng Hòa đắc cử tổng thống vào Tháng Mười Một tới đây, các vị dân cử Cộng Hòa ở Thượng và Hạ viện sẽ từ chối tham gia những cuộc thảo luận về ngân sách và thuế khóa cho đến sau ngày ông Romney tuyên thệ nhậm chức.

 Giả sử cánh Cộng Hòa thua bầu cử tổng thống nhưng lấy được thêm ghế để nắm khối đa số ở Thượng Viện, tất cả những ý kiến của phe Dân Chủ sẽ bị bác bỏ cho đến khi Quốc Hội nhóm khóa mới vào đầu năm tới.


Trong trường hợp tình hình không thay đổi -tức ông Obama vẫn ngồi ở Tòa Bạch Ốc, Cộng Hòa nắm Hạ Viện, Dân Chủ điều khiển Thượng Viện-, lúc đó chính trường Hoa Kỳ sẽ ở trong trạng thái bế tắc cũ: Phe Cộng Hòa không chấp nhận cắt giảm hay tăng thuế theo đề nghị của ông Obama, cánh Dân Chủ không ủng hộ tất cả những dự luật cải tổ thuế mà phe Cộng Hòa đệ nạp.


Ðiều vừa nêu hoàn toàn không phải là dự đoán vì được sự xác nhận của lãnh đạo 2 đảng ở Quốc Hội.


Khi được hỏi liệu từ giờ đến cuối năm Quốc Hội có thông qua được dự luật nào ở tầm quan trọng hay không?

 Thượng Nghị Sĩ Dick Durbin, trưởng ban điều hành đảng Dân Chủ -và là người mới đọc lời giới thiệu ứng viên Obama với cử tri ở Charlotte- trả lời “nếu Tòa Bạch Ốc đổi chủ, chẳng có chuyện quan trọng nào được giải quyết ở Quốc Hội cả”, ám chỉ phía Cộng Hòa sẽ không chịu làm việc chung, chờ đến ngày ông Romney dọn về Washington D.C. rồi hẵng tính.

Thượng Nghị Sĩ Cộng Hòa Mitch McConnell -người mới đọc diễn văn ở Tampa kêu gọi cử tri toàn quốc bỏ phiếu cho ông Romney- thì đổ lỗi cho phe Dân Chủ, bảo “nếu có thay đổi sau cuộc bầu cử, liệu bên đó (Dân Chủ) có sẵn sàng làm việc trước ngày tổng thống tuyên thệ nhậm chức không?” Ông McConnell còn bảo thêm với giọng ngao ngán: “Tôi mong điều đó sẽ xảy ra, nhưng khó lắm!”


Như vậy chuyện gì sẽ xảy ra từ nay đến cuối năm?

Chưa ai có được câu trả lời, cho dù ai ai cũng biết những chuyện sẽ xảy ra nếu Quốc Hội không bắt tay vào việc:


1. Ðầu Tháng Mười chính phủ liên bang sẽ tạm đóng cửa nếu trong 13 ngày sắp tới, Thượng và Hạ Viện không thông qua đạo luật tạm thời cấp cho hành pháp một khoản tiền nào đó để chi tiêu trong lúc chờ đợi các vị dân cử gặp lại nhau vào đầu năm tới (2013) bàn chuyện ngân sách.


2. Cũng có thể sau ngày bầu cử Tháng Mười Một, các vị dân cử sẽ gặp nhau để bàn chuyện tiếp tục giảm thuế cho dân chúng, vì quy định giảm thuế được ấn định từ thời George W. Bush và tiếp tục thi hành dưới thời Obama sẽ hết hạn vào ngày 31 Tháng Mười Hai năm nay. Nếu Quốc Hội không làm điều này, dân chúng Hoa Kỳ sẽ chịu mức thuế cao hơn kể từ ngày mùng 1 Tháng Giêng 2013.


3. Nếu Thượng và Hạ Viện không làm việc với nhau sau ngày bầu cử, từ đầu năm tới số tiền chính phủ trả cho những dịch vụ y tế nhận Medicare sẽ giảm bớt so với giá hiện nay; cũng có thể lúc đó hành pháp Mỹ đã tiêu đến mức nợ trần 16,300 tỷ mà Quốc Hội cho phép được vay.

 Nếu không cho phép vay thêm tiền để tiêu và nếu hai đảng không đồng ý với nhau về kế hoạch cắt giảm ngân sách, lúc đó (về mặt hình thức, trên giấy tờ) chính phủ Hoa Kỳ có thể lâm vào cảnh vỡ nợ.


Ðó là những điều tất cả các ông bà dân cử đều biết. Chuyện họ sẽ làm tới đâu thì người dân vẫn phải chờ.

Văn phòng ông Chủ Tịch Hạ Viện John Boehner cho hay “mọi chuyện rồi sẽ được giải quyết”. Nhưng giải quyết như thế nào thì chưa nghe các ông bà dân cử 2 đảng Cộng Hòa lẫn Dân Chủ bàn tới.