40 năm sau Watergate, Nixon tệ hơn ta tưởng |
Tác Giả: Carl Bernstein và Bob Woodward | |||
Thứ Ba, 19 Tháng 6 Năm 2012 22:16 | |||
Nixon đã đánh mất thẩm quyền tinh thần của một tổng thống
Carl Bernstein (trái, áo trắng) và Bob Woodward (phải, áo xanh)
Câu chuyện của hai chàng phóng viên trẻ về vụ đột nhập Watergate lúc đầu không được quần chúng và giới truyền thộng Mỹ quan tâm Nghị Sĩ Sam Ervin kết thúc sự nghiệp 20 năm ở Thượng Viên vào năm 1974 và công bố bản tường trình cuối cùng với tư cách Chủ Tịch ủy ban Watergate của Thượng Viện, ông đã nêu câu hỏi: “Watergate là gì?” Vô số những câu trả lời đã được đưa ra trong 40 năm qua kể từ ngày 17 tháng Sáu, 1972, khi một nhóm kẻ trộm mặc đồ lớn và đi găng tay bằng cao su đã bị bắt vào lúc 2:30 sáng tại trụ sở Đảng Dân Chủ đặt ở tòa nhà Watergate ở Washington. Bốn ngày sau đó, tòa Bạch Ốc của Nixon đã đưa ra câu trả lời: “Một số phần tử có thể cố làm to chuyện này hơn tầm mức của nó”, tham vụ báo chí Ronald Ziegler đã mỉa mai, coi thường chuyện này như một vụ “trộm hạng ba”. Lịch sử đã chứng minh nó hoàn toàn không phải như vậy. Hai năm sau, Richard Nixon trở thành tổng thống Hoa Kỳ đầu tiên và duy nhất phải từ chức, vai trò của ông trong âm mưu phạm tội cản trở công lý – che đậy vụ Watergate – đã được chứng tỏ rõ ràng. Một câu trả lời khác đã tồn tại từ đó, thường không bị thách thức: đó là quan niệm rằng bao che còn tệ hơn tội phạm. Tư tưởng này làm nhỏ đi tầm cỡ và hành động phạm pháp của Nixon. Trả lời của Ervin cho chính câu hỏi của ông lộ rõ tầm quan trọng của Watergate: “Trong khuôn khổ cuộc bầu cử Tổng Thống năm 1972, [Watergate đã] phá hủy uy tín của tiến trình đề cử và bầu cử Tổng Thống Hoa Kỳ.” Nhưng Watergate còn hơn thế nữa. Ở tầm mức độc hại nhất, Watergate là một cuộc tấn công trơ tráo và liều lĩnh, do chính Nixon chỉ huy, chống lại tâm điểm của nền dân chủ Hoa Kỳ: Hiến Pháp, hệ thống bầu cử tự do của chúng ta, chế độ pháp trị. Ngày nay – hơn gấp bội thời điểm khi chúng tôi mới tường thuật câu chuyện này qua cương vị là những phóng viên trẻ của báo Washington Post –đã có nhiều dữ liệu cung cấp những câu trả lời và tang chứng rành rành về Watergate cùng ý nghĩa của nó. Những dữ liệu đã liên tục bành trướng qua nhiều thập niên với những bản ghi từ những cuốn băng bí mật dài hàng trăm giờ của Nixon, bổ sung chi tiết và văn cảnh cho những cuộc điều trần tại Thượng và Hạ viện Quốc Hội; những phiên tòa và lời nhận tội của khoảng 40 thuộc hạ và cộng tác của Nixon đã vào tù; và những hồi ký của Nixon và các phụ tá. Những tài liệu như vậy giúp ta phát hiện sự chủ động của cá nhân tổng thống trong quá trình rộng lớn về tình báo chính trị, âm mưu phá hoại và những việc làm phi pháp khác chống lại những kẻ thù đích thực hay trong tâm tưởng của ông. Trong khoảng thời gian 5 năm rưỡi ở chức tổng thống, bắt đầu vào năm 1969, Nixon đã phát động và điều hành năm cuộc chiến nối tiếp hoặc xen kẽ– chống lại phong trào phản đối cuộc chiến Việt Nam, giới truyền thông, phe Dân Chủ, hệ thống tư pháp và, cuối cùng, chống lại chính lịch sử. Tất cả phản ảnh một tâm địa và một cung cách hành xử rất tiêu biểu và cá biệt về Nixon: Sẵn sàng coi thường pháp luật cho quyền lợi chính trị, và phương thức “bới lông tìm vết” các đối thủ như mục đích chính để duy trì chức vị tổng thống của ông. Nhiều năm trước khi vụ đột nhập Watergate bùng nổ, các chuyện dò la, trộm cắp, nghe lén và phá hoại chính trị đã trở thành đường lối trong Bạch Ốc của Nixon. Watergate là gì? Đó là năm cuộc chiến của Nixon. 1. Cuộc chiến chống lại phong trào phản chiến Cuộc chiến đầu tiên của Nixon là chống lại phong trào chống chiến tranh Việt Nam. Tổng thống cho rằng đó là cuộc nổi dậy có tính chất lật đổ và nghĩ rằng nó bó tay ông trong việc điều hành cuộc chiến ở Đông Nam Á theo đường lối của ông. Vào năm 1970, ông chấp thuận Kế hoạch Huston tối mật, cho phép CIA, FBI và các đơn vị quân báo tăng cường theo dõi bằng các dụng cụ điện tử các cá nhân bị coi là “đe dọa an ninh nội địa”. Trong số các biện pháp của kế hoạch là việc chận thư và nới lỏng hạn chế về chuyện “xâm nhập lén lút ” –nói cách khác, những vụ đột nhập hay lục lọi mật. Thomas Charles Huston, người phụ tá của Bạch Ốc đã thảo ra kế hoạch này, nói với Nixon rằng nó bất hợp pháp, nhưng tổng thống vẫn cứ chấp thuận. Nó đã không được chính thức rút lại, cho đến khi Giám Đốc FBI J. Edgar Hoover phản đối – không phải trên nguyên tắc đạo đức, nhưng vì Hoover quan niệm rằng những chuyện đó là lấn quyền của FBI. Không nao núng, Nixon vẫn chú tâm vào những việc làm đó. Trong một bản ghi nhớ đề ngày 3 tháng Ba, 1970, phụ tá tổng thống Patrick Buchanan viết cho Nixon về điều ông ta gọi là “cơ chế hóa năng lực của phe tả tập trung vào những cơ sở ủng hộ Đảng Dân Chủ”. Đặc biệt quan tâm là Viện Brookings, một cơ sở “suy tính” (think tank) tại Washington thiên về phe tả. Vào ngày 17 tháng Sáu, 1971 – đúng một năm trước vụ đột nhập vào Watergate – Nixon gặp “chief of staff” của ông, chức vụ tương đương bộ trưởng phủ tổng thống, H.R. “Bob” Haldeman tại Phòng Bầu Dục, và cố vấn an ninh Henry Kissinger. Vấn đề được thảo luận là một hồ sơ về việc cựu tồng thống Lyndon Johnson ra lệnh ngừng ném bom [Bắc] Việt Nam vào năm 1968.
“Đúng thế”, Kissinger nói, “nhưng Bob và tôi đã cố gắng gom chuyện trời đánh này lại với nhau trong nhiều năm”. Họ muốn có toàn vẹn câu chuyện về những hành động của Johnson. “Huston thề độc rằng có một hồ sơ tại Brookings”, Haldeman nói. “Bob”, Nixon nói, “bây giờ anh nhớ kế hoạch Huston chứ? Thực hiện đi…. Tôi muốn nói, tôi muốn nó được thực hiện trên căn bản trộm cắp. Trời đánh thánh vật, đột nhập và lấy những hồ sơ đó. Phá két sắt để lấy nó”. Nixon đã không để chuyện này bị bỏ qua. Mười ba ngày sau, theo một băng khác ghi âm cuộc đối thoại với Haldeman và Kissinger, tổng thống nói: “Đột nhập và lấy nó ra. Anh hiểu chứ?” Sáng hôm sau, Nixon nói: “Bob, tiến hành làm ngay chuyện ở Brookings đi. Tôi muốn đập cái két sắt ở đó”. Và trễ hơn vào sáng hôm đó, ông vẫn dai dẳng, “Ai sẽ đột nhập vào Viện Brookings?” Có những lý do không bao giờ được tỏ tường, vụ đột nhập có vẻ đã không được thi hành. 2. Trận chiến chống truyền thông Cuộc chiến thứ nhì của Nixon không ngừng nghỉ chống lại báo chí, vì giới này kiên trì tường thuật thêm nhiều suy thoái về chiến tranh Việt Nam và sự hữu hiệu của phong trào phản chiến. Mặc dầu Hoover nghĩ rằng ông ta đã dẹp Kế hoạch Huston, thật ra nó đã được thực hiện bởi các phụ tá cao cấp của Nixon. Một đơn vị “Thợ ống nước” và nhóm trộm cắp được lập ra dưới quyền điều khiển của cố vấn Bạch Ốc John Ehrlichman và một phụ tá, là Egil Krogh, và lãnh đạo bởi trưởng nhóm hành động của đám trộm Watergate trong tương lai, là cựu nhân viên hoạt động của CIA là Howard Hunt và cựu nhân viên FBI G. Gordon Liddy. Hunt được mướn như là một tham vấn viên bởi phụ tá chính trị của Nixon là Charles Colson, người chủ trương “không nhận tù nhân” nhậy cảm hợp với đường lối của tổng thống. Chỉ định công tác ban đầu là phá uy tín của Daniel Ellsberg, người đã cung cấp tài liệu mật Bộ Quốc Phòng, một lịch sử bí mật về chiến tranh Việt Nam cho báo chí vào năm 1971. Chuyện các tài liệu được phổ biến trên báo New York Times, Washington Post và cuối cùng các báo khác đã khiến Nixon nổi giận ghi lại trên những cuốn băng của ông ta, về Ellsberg, phong trào phản chiến, báo chí, người Do Thái, người Mỹ thiên tả và cấp tiến trong Quốc Hội – tất cả đều bị gộp chung lại. Mặc dầu Ellsberg đã bị truy tố về tội gián điệp, toán người cầm đầu bởi Hunt và Liddy đột nhập văn phòng bác sĩ tâm vấn của Ellsberg, kiếm thông tin có thể bôi nhọ Ellsberg và phá hủy uy tín của ông ta trong phong trào phản chiến. “Anh không thể bỏ qua, Bob”, Nixon nói với Haldeman vào ngày 29 tháng Sáu, 1971. “Anh không thể để cho bọn Do Thái ăn cắp thứ đó rồi không bị gì cả. Anh hiểu chứ?” Ông ta nói tiếp: “Dân chúng không tin bọn trí thức Miền Đông Hoa Kỳ. Hắn là dân Harvard. Hắn là Do Thái. Anh biết chứ, và hắn là một tên trí thức ngạo mạn”. Sự kỳ thị giận dữ của Nixon đã được biết rõ bởi những người làm việc gần ông ta, kể cả một số phụ tá người Do Thái. Như chúng tôi đã viết trong cuốn sách vào năm 1976, Những Ngày Cuối Cùng, (The Final Days) là ông ta thường nói với các phụ tá, kể cả Kissinger, rằng “bọn Do Thái quỷ quyệt tìm cách hại tôi”. Trong một cuộc nói truyện với Haldeman vào ngày 3 tháng Bảy, 1971, ông ta nói: “Chính quyền đầy bọn Do Thái. Thứ nhì, hầu hết Do Thái không trung thành. Anh biết tôi nói gì không? Chúng ta có một Garment [cố vấn Bạch Ốc Leonard Garment] và một Kissinger và, đúng ra, một Safire [người viết diễn văn cho tổng thống William Safire], và, nhờ Trời, họ là những người ngoại lệ. Nhưng Bob, nói chung, anh không thể tin bọn chó đẻ đó. “Chúng là đám phản chủ.” Vụ Ellsberg làm lộ tài liệu mật dường đã dung dưỡng sự thành kiến và đa nghi của ông ta. Để đáp ứng những tiết lộ tin mật cho báo chí về Việt Nam [nghi là phát xuất từ phe khuynh tả], vào năm 1969, Kissinger ra lệnh cho FBI nghe lén điện thoại của 17 nhà báo và phụ tá Bạch Ốc, không có sự chấp thuận của tòa án. Nhiều bản tin dựa trên những tiết lộ chất vấn sự tiến bộ trong nỗ lực chiến tranh của Mỹ, làm nóng thêm phong trào phản chiến. Trong một cuốn băng ghi âm từ Phòng Bầu Dục vào ngày 22 tháng Hai, 1971, Nixon nói, “Quan sát vấn đề trước mắt, sẽ dễ dàng hơn nhiều, phải vậy không, nếu ta có thể điều khiển cuộc chiến này theo một đường lối độc tài, giết hết bọn ký giả và tiếp tục cuộc chiến”. “Báo chí là kẻ thù của ta”, Nixon giải thích năm ngày sau trong cuộc họp với Đô Đốc Thomas H. Moorer, chủ tịch Bộ Tham Mưu Liên Quân, theo một cuốn băng khác. “Kẻ thù. Ông hiểu chứ?… Bây giờ, đừng bao giờ hành động như vậy… mời họ uống, ông biết chứ, đối xử tử tế với họ, làm như ông thích làm như thế, như ông muốn cố gắng giúp đỡ. Nhưng đừng giúp đỡ bọn chó đẻ đó. Đừng bao giờ. Bởi vì chúng nó sẽ cố gắng cầm dao đâm thẳng vào háng chúng ta”.
John N. Mitchell, người thân tín và đứng đầu ban vận động của Nixon, gặp Liddy tại Bộ Tư Pháp vào đầu năm 1972, khi Mitchell là Bộ Trưởng bộ này. Liddy đệ trình kế hoạch một triệu đô la, mang tên “Ngọc thạch” (Gemstone) để do thám và phá hoại trong cuộc vận động bầu cử tổng thống sắp tới. Theo tường trình của Thượng Viện về Watergate và theo hồi ký của Liddy vào năm 1980, anh ta dùng sơ đồ nhiều mầu do CIA sắp đặt để mô tả các thành phần của kế hoạch. Chiến dịch Kim cương sẽ vô hiệu hóa những người biểu tình chống chiến tranh bằng những toán dẹp trộm cướp và nhóm bắt cóc; Chiến dịch Than đá sẽ dồn tiền mặt cho Dân Biểu Shirley Chisholm, một nữ dân biểu da đen từ Brooklyn muốn được đảng Dân Chủ đề cử tranh chức tổng thống, trong cố gắng gieo chia rẽ vì chủng tộc và giới tính trong đảng; Chiến dịch Opal dùng các dụng cụ điện tử theo dõi các mục tiêu khác nhau, kể cả trụ sở trung ương của các ứng cử viên thuộc đảng Dân Chủ trong cuộc bầu cử tổng thống là Edmund Muskie và George McGovern; Chiến dịch Sapphire sẽ bố trí một số gái điếm trên một du thuyền, có đặt dụng cụ nghe lén, đậu ngoài bãi biển Miami vào dịp diễn ra Đại hội toàn quốc Đảng Dân Chủ. Mitchell từ chối kế hoạch và bảo Liddy đốt sơ đồ. Trong cuộc họp thứ nhì, gần ba tuần sau, Liddy đệ trình một kế hoạch thu gọn, chỉ còn tốn nửa triệu đô la; Mitchell lại từ chối. Nhưng chẳng bao lâu sau đó, Mitchell chấp thuận kế hoạch tốn 250.000 đô la, theo lời Jeb Magruder, phụ tá trưởng ban vận động. Nó bao gồm việc thu góp tin tình báo về phía Dân Chủ, qua nghe lén và trộm cắp. Qua lời khai hữu thệ sau đó, Mitchell chối việc chấp thuận kế hoạch. Ông khai đã nói với Magruder: “Chúng ta không cần thứ này. Tôi chán nghe về nó rồi”. Theo lời khai của chính ông, ông ta đã không phản đối với lý do kế hoạch bất hợp pháp. Vào ngày 10 tháng Mười, 1972, chúng tôi đã viết một bài trên Washington Post, nêu ra những phá hoại rộng lớn và hoạt động do thám của ban vận động cho Nixon và Bạch Ốc, cách riêng chống lại Muskie, và nói rằng vụ trộm tại Watergate không là sự việc đơn lẻ. Bài báo nói rằng ít nhất có 50 vụ đã can dự vào việc do thám và phá hoại, nhiều vụ trong số này dưới quyền chỉ huy của một luật sư trẻ tuổi ở California là Donald Segretti, nhiều ngày sau, chúng tôi tường thuật rằng Segretti đã được mướn bởi Dwight Chapin, thư ký phụ trách tiếp kiến của Nixon. (Ủy ban Watergate Thượng Viện sau đó tìm thấy trên 50 người phá hoại, kể cả 22 người được Segretti trả công). Herbert Kalmbach, thư ký riêng của Nixon, lấy trên 43.000 đô la từ quỹ vận động còn thừa trả cho Segretti về các hoạt động này. Từ đầu tới cuối chiến dịch, Howard Hunt đã đều đặn liên lạc với Segretti. Cuộc điều tra của Thượng Viện đã cung cấp thêm nhiều chi tiết về sự hữu hiệu của những nỗ lực thầm kín chống lại Muskie, người vào năm 1971 và đầu năm 1972 đã được Bạch Ốc coi như nhân vật Dân Chủ có khả năng nhất để đánh lại Nixon. Ban vận động của tổng thống đã trả cho người tài xế của Muskie, một vận động viên tình nguyện tên là Elmer Wyatt, mỗi tháng một ngàn đô la để chụp những bản ghi nhớ nội bộ, giấy tờ cắt cử địa vị, tài liệu lịch trình và chiến lược, và trao bản sao cho Mitchell cùng ban vận động của Nixon. Hành động phá hoại khác nhằm thẳng vào Muskie gồm cả thông cáo báo chí giả và những tố cáo hoạt động tình dục sai trái chống lại các ứng cử viên Dân Chủ khác – viết ra trên những giấy mang tiêu đề giả của Muskie. Một trò chơi bẩn được ưa thích đã gây thiệt hại tại những điểm dừng chân vận động liên hệ tới việc lấy hết giầy của các phụ tá Muskie để ngoài hành lang khách sạn cho đánh bóng, rồi đem liệng hết vào thùng chứa rác. Haldeman, giữ chức tương đương với Bộ Trưởng Phủ Tổng Thống, cố vấn cho Nixon về kế hoạch phá hoại của Chapin-Segretti vào tháng Năm, 1971, theo một trong những cuốn băng của tổng thống. Trong một bản ghi nhớ gửi cho Haldeman và Mitchell, đề ngày 12 tháng Tư, 1972, Patrick Buchanan và một phụ tá khác của Nixon viết: “Mục tiêu đầu tiên của chúng ta, để ngăn ngừa Nghị Sĩ Muskie sớm hốt hết phiếu trong các cuộc bầu cử sơ bộ, bảo đảm kết quả tại đại hội vào tháng Tư, và đoàn kết Đảng Dân Chủ sau lưng ông ta vào mùa Thu, đã được hoàn tất”. Các cuốn băng còn cho biết nỗi ám ảnh của Nixon đối với một nhân vật khác của đảng Dân Chủ: Nghị Sĩ Edward Kennedy. Một trong những công tác sớm nhất của Hunt làm cho Bạch Ốc là đào sâu những bẩn thỉu trong cuộc sống tình dục của Kennedy, bắt đầu từ vụ tai nạn xe hơi năm 1969 tại Chappaquiddick, Mass., làm thiệt mạng một nữ phụ tá trẻ của Kennedy, cô Mary Jo Kopechne. Mặc dầu Kennedy đã tuyên bố không ứng cử tổng thống vào năm 1972, ông ta chắc chắn sẽ giữ vai trò quan trọng trong cuộc vận động này, và chưa loại bỏ chuyện ứng cử vào năm 1976. “Tôi rất muốn có được băng ghi âm Kennedy”, Nixon nói với Haldeman vào tháng Tư năm 1971. Theo cuốn sách của Haldeman vào năm 1994, Nhật Ký Haldeman, (The Haldeman Diaries) tổng thống còn muốn chụp hình Kennedy trong tình trạng đáng chê trách rồi tuồn hình ảnh cho báo chí. Và khi Kennedy được Mật Vụ bảo vệ khi ông vận động cho McGovern, ứng viên được Đảng Dân Chủ đề cử, Nixon và Haldeman thảo luận về một kế hoạch giả tưởng để giữ ông ta trong tầm quan sát: Họ sẽ cài một nhân viên Mật Vụ đã về hưu, Robert Newbrand, người đã từng trong đoàn bảo vệ Nixon khi ông là phó tổng thống, vào trong nhóm bảo vệ Kennedy. “Tôi sẽ nói với Newbrand và bảo anh ta làm thế nào để tiếp cận”, Haldeman nói, “vì Newbrand sẽ làm bất cứ điều gì tôi bảo anh ta làm”. “Chúng ta có thể gặp may bắt được thằng chó đẻ này và làm hắn tiêu tùng cho năm 76”, tổng thống đáp, và thêm, “Chuyện này sẽ rất vui”. Vào ngày 8 tháng Chín, 1971, Nixon ra lệnh cho Ehrlichman chỉ đạo Sở Thuế (IRS) điều tra về hồ sơ nộp thuế của tất cả những người có thể là ứng cử viên tổng thống thuộc đảng Dân Chủ, cũng như Kennedy. “Có phải chúng ta theo dõi việc nộp thuế của họ không?” Nixon được hỏi, và trả lời: “Anh biết ý của tôi chứ? Có rất nhiều vàng ở những quả đồi đó”.
Trong một băng ghi âm ngày 23 tháng Sáu, 1972, sáu ngày sau vụ bắt giữ tại Watergate, Haldeman báo động Nixon rằng “trong cuộc điều tra, như tổng thống biết, vụ đột nhập đảng Dân Chủ, chúng ta trở lại lãnh vực rắc rối, vì FBI không kiểm soát được… cuộc điều tra của họ bây giờ hướng tới vài lãnh vực hiệu quả, vì họ có thể tìm ra manh mối tiền bạc”. Haldeman nói Mitchell đã tính tới một kế hoạch để CIA nêu ra rằng bí mật an ninh quốc gia sẽ bị thiệt hại nếu FBI không ngưng cuộc điều tra về Watergate. Nixon chấp thuận âm mưu này và ra lệnh cho Haldeman gọi Giám Đốc CIA Richard Helms và Phó Giám Đốc là Vernon Walters. “Phải chơi mạnh tay”, tổng thống chỉ thị. “Đó là cách họ chơi, và đó là cách chúng ta sẽ chơi như vậy”. Nội dung cuốn băng đã được công bố vào ngày 5 tháng Tám, 1974. Bốn ngày sau, Nixon từ chức. Một cuốn băng khác ghi lại cuộc thảo luận tại Phòng Bầu Dục vào ngày 1 tháng Tám, 1972, sáu tuần sau khi bắt đám kẻ trộm, và vào ngày báo Post đăng bài đầu tiên của chúng tôi trình bầy rằng quỹ vận động của Nixon đã chuyển vào chương mục ngân hàng của một trong những kẻ trộm bị bắt. Nixon và Haldeman thảo luận về việc trả tiền mua chuộc đám kẻ trộm và lãnh đạo của họ đề giữ họ khỏi nói với các nhà điều tra liên bang. “Họ phải được trả tiền”, Nixon nói. “Đó là tất cả cho việc này”. Vào ngày 21 tháng Ba, 1973, một trong những trao đổi đáng nhớ nhất tóm được trên băng, Nixon gặp cố vấn [pháp luật] John W. Dean, người từ cuộc đột nhập đã giữ vai trò điều hợp bao che. “Chúng ta bị đe dọa” bởi Hunt và các tên trộm, Dean báo cáo, và thêm nhiều người “sắp bắt đầu tự đổi lời khai”. “Anh cần bao nhiêu tiền?”, Nixon hỏi. “Tôi có thể nói đám này sẽ làm tốn một triệu đô la trong hai năm tới”, Dean trả lời. “Và anh có thể nhận tiền mặt”, tổng thống nói. “Tôi, tôi biết có thể kiếm được ở đâu. Tôi muốn nói, không dễ đâu, nhưng có thể làm được”. Hunt đòi ngay 120.000 đô la. Họ thảo luận về việc ân xá cho anh ta và những kẻ trộm khác. “Tôi không chắc là Tổng Thống có thể bảo đảm ân xá cho anh ta”, Dean nói. “Có thể đó là chuyện quá nóng”. “Không thể làm chuyện đó cho đến sau bầu cử 74, đó là cái chắc”, Nixon truyên bố. Rồi Haldeman vào phòng, và Nixon hướng sang việc tìm cách “lo cho mấy thằng ngốc đang bị giam”. Họ thảo luận về số tiền bí mật 350.000 đô la đang giữ trong Bạch Ốc, việc khả dĩ có thể nhờ các linh mục giúp kín đáo trả tiền cho bọn trộm, “rửa tiền” qua Las Vegas hay các nhà đánh cá cược ở New York, và triệu tập một đại bồi thẩm đoàn mới để mọi người có thể chọn thái độ im lặng theo tu chính Hiến Pháp Thứ Năm hay nại cớ trí nhớ suy thoái. Cuối cùng, họ quyết định cử Mitchell làm cuộc vận động gây quỹ khẩn cấp. Tổng thống khen ngợi những cố gắng của Dean. “Anh lo chuyện này rất đúng. Anh cố giữ nó. Bây giờ, sau bầu cử, chúng ta phải có một kế hoạch khác”. 5. Trận chiến trên lịch sử Trận chiến cuối cùng của Nixon, vẫn còn kéo dài ngay cả đến ngày nay bởi một số phụ tá và các sử gia xét lại, nhằm giảm đi mức quan trọng của Watergate và trình bầy nó như là một điểm trong sự nghiệp của tổng thống. Nixon sống thêm 20 năm sau khi từ chức và làm việc không mệt mỏi đẻ giảm thiểu xì căng đan này. Mặc dầu ông chấp nhận toàn xá từ Tổng Thống Gerald Ford, Nixon nhấn mạnh rằng ông đã không phạm bất cứ tội gì. Trong cuộc phỏng vấn năm 1977 dành cho nhà báo Anh David Frost, ông nói rằng ông đã “làm nhân dân Hoa Kỳ bị thất vọng”, nhưng ông đã không cản trở công lý. “Tôi đã không nghĩ đó là một sự bao che. Tôi đã không chủ tâm bao che. Tôi muốn nói, nếu tôi định bao che, tin tôi đi, tôi đã làm được điều đó”. Trong hồi ký RN vào năm 1978, Nixon đã nói về vai trò của ông trong vụ Watergate: “Những hành động và thiếu sót của tôi, trong khi đáng tiếc và có thể không bào chữa được, nhưng không thể truất phế được”. Mười hai năm sau đó, trong cuốn sách Trong Đấu Trường (In the Arena), ông chê bai hàng tá “huyền thoại” về Watergate và nói rằng ông vô tội về rất nhiều tố cáo chống lại ông. Một huyền thoại, ông nói, là ông ra lệnh trả tiền mua chuộc cho Hunt và những người khác. Nhưng băng ghi âm ngày 21 tháng Ba, 1973, cho thấy ông ra lệnh cho Dean lấy tiền tới 12 lần. Ngay cả bây giờ, vẫn còn những bàn tay cũ của Nixon và những người bênh vực, họ loại bỏ sự quan trọng của Watergate, hay nói rằng những câu hỏi chính vẫn chưa được trả lời. Năm nay, Thomas Mallon, giám đốc chương trình viết sáng tạo tại Đại học George Washington, xuất bản một cuốn truyện mang tựa Watergate, một truyện đôi khi dí dỏm và hoàn toàn tiể̀u thuyết gồm nhiều vai thật. Frank Gannon, cựu phụ tá Bạch Ốc thời Nixon bây giờ làm cho Cơ Sở Nixon, đã điểm cuốn sách này cho Wall Street Journal. Gannon viết: “Những gì phát xuất từ Watergate là một nỗi hoang mang thâm sâu về bao nhiêu điều chúng ta vẫn chưa biết khi đề cập đến những sự việc trong ngày 17 tháng Sáu, 1972”. “Ai ra lệnh đột nhập?… Mục đích thực sự là gì? Phải chăng nó đã được cố ý làm hỏng? CIA đã can dự bao nhiêu?… Và làm thế nào một chính khách cứng rắn và khôn ngoan như Richard Nixon đã để cho mình bị lật nhào bởi một “vụ trộm hạng ba?” “Suy đoán của quý vị cũng tốt như của tôi”. Dĩ nhiên, Gannon đã đúng khi nêu ra rằng còn một số câu hỏi chưa được trả lời – nhưng không phải là những câu hỏi lớn nhất. Bằng cách chú trọng vào những chi tiết coi như nhỏ nhặt liên can tới vụ trộm ngày 17 tháng Sáu, 1972, ông đã đánh lạc hướng chúng ta ra khỏi câu truyện lớn hơn. Và về câu truyện đó, khỏi cần phải suy đoán. Vào mùa Hè năm 1974, không phải báo chí hay phía Dân Chủ đã đứng lên chống lại Nixon, mà chính là Đảng Cộng Hòa của tổng thống. Ngày 24 tháng Bảy, Tối Cao Pháp Viện ra phán quyết 8 trên 0 rằng Nixon phải trao những cuốn băng bí mật theo lời yêu cầu của công tố viên đặc biệt về Watergate. Ba người do tổng thống chọn lựa vào tòa đó – Thẩm phán Chủ Tịch Warren E.Burger, Thẩm phán Harry Blackmun và Thẩm phán Lewis Powell đồng ý với phán quyết đó. Một người khác do Nixon chọn lựa, Thẩm phán William Rehnquist, tự ý không tham gia vụ xử. Ba ngày sau, sáu người thuộc đảng Cộng Hòa trong Ủy Ban Tư Pháp Hạ Viện cùng với phía Dân Chủ bỏ phiếu theo tỉ lệ 27 trên 11, yêu cầu truất phế Nixon về chín hành động cản trở công lý trong vụ bao che Watergate. Đến tháng Tám, đe dọa truất phế Nixon tại Hạ Viện là điều chắc chắn, và một nhóm thuộc đảng Cộng Hòa, lãnh đạo bởi Nghị Sĩ Barry Goldwater đã cùng nhau tuyên bố chức tổng thống của ông đã tiêu tùng. “Quá nhiều gian dối, quá nhiều tội lỗi”, Goldwater nói. Ngày 7 tháng Tám, nhóm này gặp Nixon tại Bạch Ốc. Có bao nhiêu phiếu liệu ông sẽ có được trong phiên xử tại Thượng Viện? Tổng thống hỏi. “Tôi làm một cuộc đếm đầu người hôm nay”, Goldwater trả lời, “và tôi không thể tìm được trên bốn phiếu chắc chắn, và đó là những người già thuộc miền Nam. Một số rất lo lắng về các diễn tiến đang xẩy ra, và chưa quyết định, và tôi là một trong số đó”. Ngày hôm sau, Nixon lên truyền hiình quốc gia và loan báo ông sẽ từ chức. Trong nhận định cuối cùng về Watergate với tư cách là một nghị sĩ, Sam Ervin 77 tuổi, một người tôn kính hiến pháp được nể trọng bởi cả hai đảng, đặt ra câu hỏi cuối cùng: “Tại sao lại có Watergate?” Tổng thống và các phụ tá, Ervin trả lời, đã có “một thèm khát quyền lực chính trị”. Sự thèm khát đó, ông giải thích, “làm họ mù quáng trước những suy xét về đạo đức và đòi hỏi bởi pháp luật; trước câu cách ngôn của Aristotle nói rằng cái tốt của con người phải là mục đích của chính trị”. Nixon đã đánh mất thẩm quyền tinh thần của một tổng thống. Những cuốn băng bí mật của ông – và những gì chúng phơi bầy – có lẽ sẽ là cơ nghiệp tồn tại lâu dài nhất của ông. Qua chúng, người ta đã nghe ông nói hầu như vô tận về những gì tốt cho ông, địa vị của ông trong lịch sử và, trên hết, sự hằn thù của ông, những oán hận và mưu chước trả thù. Điều có vẻ không bao giờ được nhắc đến là bất cứ thảo luận nào về những gì tốt đẹp và cần thiết cho vận mệnh của quốc gia. Watergate mà chúng tôi đã viết trên The Washington Post từ 1972 đến 1974 không phải là Watergate như chúng tôi được biết hôm nay. Nó chỉ là một thoáng nhìn vào một cái gì tệ hơn nhiều. Cho đến khi ông bị buộc phải từ chức, Nixon đã biến Bạch Ốc của ông, đến một mức không lường, thành một doanh nghiệp phạm pháp. Vào ngày ông rời tòa Bạch Ốc, mùng 9 tháng Tám, 1974, Nixon đã đọc một diễn văn từ biệt đầy xúc cảm tại Đông Phòng trước các nhân viên, bạn hữu và thành phần Chính Phủ của ông. Người trong gia đình đứng với ông. Gần cuối lời phát biểu, ông vẫy cánh tay, như để nhấn mạnh điều quan trọng nhất ông phải nói. “Luôn nhớ rằng”, ông nói, “những người khác có thể ghét ta, nhưng những người ghét ta không thắng được trừ khi ta ghét họ, và rồi ta tự tiêu diệt chính mình”. Sự thù ghét đã đưa ông xuống dốc. Nixon có vẻ đã nắm được ý nghĩa sâu xa này, nhưng đã quá trễ. Ông ta đã tự tiêu diệt mình rồi. ♦ Chuyển ngữ: Đinh Từ Thức
|