Home Tin Tức Bình Luận VAALA: Một thử nghiệm và thách thức cộng đồng người Việt hải ngoại

VAALA: Một thử nghiệm và thách thức cộng đồng người Việt hải ngoại PDF Print E-mail
Tác Giả: Võ Long Triều   
Thứ Ba, 20 Tháng 1 Năm 2009 23:00

Một lớp người trẻ của Hội Văn Học Nghệ Thuật Việt-Mỹ gọi tắt là VAALA chủ trương lợi dụng sự tự do sáng tác nghệ thuật để tổ chức cuộc triển lãm tại Santa Ana. Họ trưng bài tranh ảnh có tính khiêu khích chính trị và thách thức cộng đồng người Việt hải ngoại chẳng những ở Bắc Cali mà cả khắp nơi trên thế giới. Ðiều nầy làm dấy lên sự phản đối của tuyệt đại đa số người Việt. Sự tự do cá nhân được luật pháp định nghĩa là chỉ được sử dụng khi nó không phương hại đến người khác. Nhóm người trong tổ chức VAALA đang sử dụng tự do của họ để gây đau thương phẫn hận cho các nạn nhân của cộng sản đang sống ở hải ngoại bằng cách trưng bày năm bức tranh có tính khiêu khích và mạ lị:

1- Một bản vàng có ba sọc đỏ bằng dây kẽm gai được ban tổ chức và tác giả chú thích một cách xảo trá là ba miền Nam, Bắc, Trung đều mất tự do. Nhưng người xem phải hiểu ngay là chế độ Việt Nam Cộng Hòa tượng trưng bằng lá cờ vàng ba sọc đỏ bị ràng bó bằng dây kẽm gai không có tự do.

2- Nền vàng ba hàng đỏ vẽ tàu thủy, phi cơ, và dân quê trên xe trâu, máy cày cũng được giải thích xảo trá là người Việt bỏ xứ ra đi tìm tự do. Nhưng người xem phải hiểu ngay là Việt Nam Cộng Hòa thua trận tháo chạy. Muốn hiểu như ban tổ chức chú giải thì phải vẽ nền đỏ sao vàng mới hữu lý.

3- Nền vàng với dòng chữ trích bài hát quốc ca Việt Nam Cộng Hòa trên những khối tường gãy đổ màu đỏ ai cũng phải hiểu nghĩ không cần giải thích.

4- Cô gái mặc áo cờ đỏ sao vàng nhìn tượng Hồ Chí Minh tác giả Brian Ðoan giải thích là chế nhạo cộng sản đả sụp đổ nên tượng Hồ Chí Minh để trên bàn ăn, cờ đỏ dùng may áo để mặc. Ðó là xảo trá để công khai nhằm phổ biến cờ máu và tượng của lãnh tụ đảng cộng sản ngay trong cộng đồng người Việt tị nạn. Phải chăng là một sự khiêu khích? Hay là lộng giả để thành chơn? Một cách xâm nhập từ từ làm cho người ta quen dần với những hình ảnh bị đố kỵ

5- Cô gái Việt Nam đầu đội vương miện hoa hậu, vai mang cờ Việt Nam Cộng Hòa, tay cầm lọ thuốc Viagra, rõ là sự bôi bác nữ giới Việt Nam Cộng Hòa thế mà người ta giải thích rằng thời nay xã hội tiến bộ dùng hoa hậu để quảng cáo thuốc.

Thiết tưởng không cần giải thích dài dòng, không cần lý luận để chứng minh rằng nhóm người chủ trương có thể bị một bàn tay vô hình nào đó xúi giục hay thuê mướn.

Bọn người đó đã quản cáo cho cuộc triển lãm của họ là:

“Tạo những cuộc đối thoại tìm hiệu giữa nghệ thuật, chính trị và cộng đồng về những điều bị xem là cấm kỵ hoặc là kiềm chế trong cộng đồng”. Phải chăng là một sự công khai thách thức? Hay lợi dụng sự tự do diễn đạt và sáng tác để thử nghiệm xem phản ứng của người Việt ở hải ngoại như thế nào, mạnh đến đâu để “điều chỉnh” theo lời phát biểu của hai cô Lan Dương và Trâm Lê khi đến dự cuộc họp của các hội đoàn bàn việc biểu tình phản đối, bị la ó phải bỏ ra về. Ðiều chỉnh cái gì? Phải chăng là điều chỉnh kế hoạch đánh phá cộng đồng, gây chia rẽ ngày càng trầm trọng, lợi dụng sự tự do ở xứ người đem hình ảnh và tuyên truyền của cộng sản Hà Nội xâm lấn vào môi trường sống của cộng đồng Việt Nam tị nạn cộng sản.

Cô Trâm Lê còn tuyên bố với báo chí rằng: “Tôi cảm thấy có sự sợ hãi chung quanh cộng đồng Việt Nam” và “Tôi cảm thấy cộng đồng nầy muốn tuột dốc (slippery slope), rằng chúng ta không thể tiến đến một cuộc thảo luận cởi mở và chấp nhận những quan điểm trái ngược về chính trị”.

Thử hỏi bọn người nầy nếu thật sự ngay tình muốn “đối thoại tìm hiểu” thì có dám đem hình ảnh và cờ Việt Nam Cộng Hòa về Hà Nội triển lãm không?

Tuy nhiên sự trắc nghiệm của nhóm người VAALA cũng có thể là một liều thuốc bổ cho cộng đồng người Việt hải ngoại nếu mọi người chúng ta thấy rằng đã đến lúc phải siết chặt hàng ngũ quốc gia, bỏ qua mọi tị hiềm cá nhân, khác biệt nhỏ nhặt, cầm lấy mẫu số chung là không chấp nhận cộng sản độc tài quân phiệt để cùng nhau tranh đấu cho tự do dân chủ được thực hiện tại quê nhà.

Năm 1998 tôi có viết về vấn đề “cộng sản lồng người trong cộng đồng người Việt hải ngoại” nay chúng nó lộ hình xúi giục thuê mướn hay trực tiếp hiện nguyên hình. Và sau khi Nghị Quyết 36 của cộng sản được ban hành và tháo khoán một ngân khoản khổng lồ, tôi cũng đã báo động rằng môi trường sống của chúng ta sẽ trở thành vùng xôi đậu và tiền tài của cộng sản có thể làm thay đổi nhiều điều bất lợi cho chúng ta. Từ đó đến nay ngày càng hiện rõ những dấu hiệu cộng đồng bị đánh phá nhiều mặt.

Tuy nhiên chính nghĩa quốc gia còn vững mạnh hơn bao giờ hết vì tuyệt đại đa số đồng bào trong và ngoài nước đã chán ghét và căm hờn bọn cộng sản gian ác, đó là một yếu tố mạnh nhất chận đường bành trướng của bọn gian.

Garden Grove
17-01-09

Nhân cơ hội một số người trẻ tự cho mình cái quyền tự do diễn tả mà không hiểu biết gì vế quá khứ hay bị tuyên truyền dụ dỗ bằng món mồi gian dối xảo quyệt nên hành động nông nổi, tôi đọc lại bài của anh bạn cựu Ngoại Trưởng Việt Nam Cộng Hòa Vương Văn Bắc viết về “Lứa tuổi sinh trưởng tại hải ngoại trách đàn anh” đăng trên báo Tiếng Gọi Dân Tộc do tôi làm chủ nhiệm ở Paris cách đây 15 năm nay vẫn còn nguyên giá trị. Xin trích đang lại để độc giả tường lãm.

Paris ngày 4-5-1993

Anh Triều,

Trong buổi họp mặt một số bạn cũ hồi cuối tháng 4, anh có đọc cho chúng tôi vài đoạn trích trong những lời phát biểu của mấy bạn trẻ, đại ý chê trách thế hệ đi trước họ - thế hệ chúng ta - đã vì quá cố chấp, khư khư ôm lấy những oán hận chống đối lỗi thời, thành thử cản bước thế hệ trẻ phục vụ đất nước. Chúng ta đã bàn luận nhiều về những lời phê phán ấy, để kết luận là sự ngộ nhận nầy cần được giải tỏa ngõ hầu duy trì niềm thông cảm giữa hai thế hệ dẫu sao cũng đồng hội đồng thuyền, vì cùng chung cảnh ngộ lưu vong và cùng muốn thấy một ngày mai sáng sủa trên quê nhà.

Hôm nay tôi xin được đóng góp vài lời tham luận vào cuộc đối thoại cần thiết ấy.

Trước hết ta nên bàn thêm về hai chữ cố chấp.

Theo thiển ý, trung thành với những điều mà mình cho là phải, là đúng -hơn nữa, lại được thực tại lịch sử gần đây chứng nghiệm là phải, là đúng - không phải là cố chấp mà chỉ là chung thủy, trước sau như một, là lương thiện với mình và với người. Chúng ta đã chống lại cộng sản vì nghĩ rằng chủ nghĩa cộng sản không phải là tương lai của loài người, rằng lồng cuộc đấu tranh giành độc lập tự do của dân tộc vào khuôn khổ cuộc đấu tranh vô sản quốc tế là một sự lựa chọn sai lầm và tai hại. Thời cuộc đã chứng minh rằng quan điểm ấy xác đáng. Tại sao chúng ta lại phải giấu giếm chối bỏ như một tì tích xấu xa.

Có người cho rằng thái độ chống đối ấy lỗi thời vì cộng sản không còn là một thực tế đáng quan ngại nữa. Nói một cách cầu kỳ hơn, mâu thuẫn quốc cộng đã bị lịch sử vượt qua rồi. Nhận định như thế, theo ý tôi, là quá hấp tấp và hời hợt, nếu không phải là cố tình chối bỏ một vấn đề khó chịu.

Quả thế, cộng sản không còn là một hiểm họa sinh tử đối với các cường quốc Tây Phương nữa, từ ngày Liên Bang Xô Viết tan rã. Do đó, các cường quốc ấy có thể chuyển sự chú ý của họ đến những vấn đề khác, chẳng hạn như giải quyết xung đột chủng tộc, phục hồi sinh hoạt kinh tế hay chia lại những phần thị trường. Trái lại, ở Việt Nam, cộng sản vẫn còn là một thực tại hiển hiện ở khắp nơi, khắp bậc: Trong quốc hội, trong hiến pháp, luật lệ, ở mỗi ty sở, ở mỗi phường khóm. Chẳng lẽ phải nhắm mắt bưng tai trước sự thật ấy mới khỏi bị chê là cố chấp?

Các bạn trẻ đưa ra lời phê phán nên biết rằng chúng tôi không phải là quái vật tiền sử, không quên điều gì và không học gì thêm, tự giam mình trong những thành kiến cũ mà không thấy ngoại vật đã đổi thay. Không, chúng ta không đến nỗi lạc hậu như vậy: Chúng ta ý thức rằng không có sự chống đối nào là vĩnh cửu, không có thù hận nào là muôn đời. Chúng ta biết rằng hiện thời, các phái đoàn Á Rập đang gặp phái đoàn Do Thái ở Hoa Thịnh Ðốn để tìm thỏa hiệp về vụ Palestine, đại biểu Bắc Kinh và đại biểu Ðài Bắc đang hội họp nhau ở Tân Gia Ba để thử san bằng tranh chấp quốc cộng, lãnh tụ da đen và lãnh tụ da trắng đang thương nghị ở Johannesburg để tiến tới một quốc gia Nam Phi đa chủng đa nguyên. Rõ rệt xu hướng ưu thắng trên thế giới hiện nay là hòa giải. Nhưng không ai cổ xúy một thứ hòa giải bừa bãi, vô nguyên tắc, lấy mỹ từ đoàn kết che đậy thực tế đầu hàng.

Chúng ta nghĩ rằng vì tương lai đất nước, phải có hòa giải thay vì loại trừ, nhưng chúng ta cũng nghĩ rằng sự hòa giải ấy phải đặt trên cơ sở bình đẳng tự do phải được tiến hành trong tinh thần tương nhượng và phải hướng về một mục đích duy nhất: Một nước Việt Nam độc lập, tư do, dân chủ và công bằng, không có độc đảng, độc quyền, không phân biệt đối xử theo những đường ranh ý thức hệ, kiểu phân biệt chính ngụy. Chủ trương như vậy không phải là cố chấp mà chỉ là sáng suốt, trông xa để tránh những “thất bại” sau nầy.

Bây giờ, ta xét đến lời trách cản đường. Theo ý tôi đây là một sự hiểu lầm khác cần được dẹp bỏ.

Thế hệ chúng ta không muốn là - mà cũng chẳng thể trở thành - những ụ đất ngăn cản bước đi của thanh niên trên đường về nước phục vụ, nếu đó là ý nguyện của họ. Chúng ta đã tranh đấu vì tự do và bỏ nước ra đi cũng vì tự do, lẽ nào chúng ta lại không tôn trọng quyền tự do của các bạn trẻ. Khi đã trưởng thành, mỗi người đều có quyền và có bổn phận quyết định về tương lai của mình, theo lương tâm và tri thức của mình.

Tuy nhiên, không cấm cản chẳng có nghĩa là thờ ơ bỏ mặc. Chúng ta không thể không tha thiết đến tương lai, đến sự thành bại của người trẻ, dẫu sao cũng phần nào do sự chọn lựa của chúng ta mà phải sanh sống ở ngoài quê hương.

Bởi vậy, dựa trên chút vốn kinh nghiệm và suy tư còn lại, chúng ta gởi đến thế hệ trẻ một vài lời khuyên chân thành dưới hình thức mấy câu hỏi mà họ nên giải đáp rõ ràng trước khi dấn thân.

Có thể nào đổi mới kinh tế mà không cần đổi mới chính trị hay không?

Hoạt động kinh tế không thể tách rời khỏi toàn khối sinh hoạt cộng đồng. Cơ chế kinh tế thị trường không phải là cây đũa thần có thể tạo phép lạ trong bất cứ môi trường chính trị nào. Ðiều nầy dễ hiểu vì Nhà Nước là tác nhân quan trọng nhất trong sinh hoạt kinh tế. Từ quyền sở hữu đất đai đến giấy phép xây cất đến giấy phép nhập khẩu, tín dụng, thuế khóa, thâu lợi, chuyển tiền Hoạt động kinh tế luôn luôn đặt dưới sự chi phối của quyền lực nhà nước. Như vậy làm sao có được kinh tế tự do nếu có chính quyền độc tài thư lại?

Hơn nữa, nếu thiếu một chính quyền thật sự do dân mà có và vì dân mà làm, có gì đảm bảo chỉ có những dự án đầu tư lâu dài, đứng đắn, đem lại thịnh vượng bền vững và kỹ thuật hiện đại cho đất nước sẽ được chấp nhận, chứ không phải là dự án ăn xổi ở thì, nhằm lợi dụng tài nguyên thiên nhiên và nhân công rẻ rúng ở Việt Nam để thu doanh lợi thật nhanh thật nhiều - lợi cho người cho phép, lợi cho người được phép, nhưng không lợi cho người dân - nếu tình trang ấy xẩy ra, Việt Nam sẽ có cơ biến thành một miền xơ xác, một tai họa môi sinh, như nhiều miền ở Ðông Âu hay ở Nga hiện nay.

Có người nhắc đến trường hợp Trung Quốc để kết luận rằng đổi mới kinh tế có thể tiến hành trong khung cảnh chính quyền độc tài. Chúng ta không muốn tin rằng những người có nhận định ấy lại muốn nhân dân Việt Nam trải qua một cuộc đàn áp Thiên An môn thứ hai. Dầu gạt ra ngoài yếu tố chính trị nầy, ta cũng nhận thấy rằng trường hợp Việt Nam không thể ví với trường hợp Trung Quốc vì có nhiều điểm khác nhau. Chỉ cần kể ở đây hai điều khác biệt:

- Bắc Kinh dám dựa nhiều vào khối Hoa kiều đông đảo và trù phú ở Mỹ Châu, Âu Châu và Á Châu, khối nầy đã đầu tư hằng chục tỉ Mỹ kim vào Trung Hoa lục địa (phần lớn từ Hồng Kông và Ðài Loan) và đã trở thành dây chuyền cần thiết giữa kinh tế Hoa Lục và kinh tế thế giới. Trái lại Hà Nội chưa dám tin tưởng vào khối Việt kiều bên ngoài, chỉ trông chờ ở doanh nhân và doanh nghiệp ngoại quốc.

- Bắc Kinh dám nhìn nhận quyền tự trị rộng rãi cho các địa phương, chẳng hạn như vùng duyên hải Hoa Nam, đảo Hải Nam hay tỉnh Tứ Xuyên, để giảm bớt hiệu lực kìm hãm của chính quyền trung ương. Trái lại, Hà Nội không nới lỏng sự kiểm soát của trung ương trên những địa phương như miền Nam, hay Tây Nguyên hay thượng Du Bắc Việt.

Những điểm khác biệt ấy khiến cho sự so sánh không còn giá trị chứng nghiệm. Câu hỏi vẫn còn nguyên vẹn: Với chính quyền hiện thời ở Việt Nam, một chính quyền độc tài, độc đảng, liệu có thể có được phát triển kinh tế khả dĩ mang lại lợi ích thật sự cho người dân không?

Một câu hỏi, còn quan trọng hơn cả câu hỏi trên đây, đó là: Có thể nào có hòa giải thật sự nếu một bên nhất định giữ thái độ độc tôn, trong tư tường cũng như trong hành động?

Chừng nào chưa xóa bỏ trong tư tưởng cũng như trong đời sống sự phân biệt phi lý và miệt thị giữa những người “yêu nước” (chỉ người cộng sản và thân cộng) và những thành phần “ngụy” theo thực dân đế quốc, để xác định rằng đã có những đường lối yêu nước khác nhau; chừng nào chưa xóa bỏ vai trò chỉ đạo của một ý thức hệ, của một đảng phái, để nhìn nhận quyền tham gia của một công dân, một chính đảng trên lập ước bình đẳng vào đời sống cộng đồng; chùng nào những quyền tự do cơ bản của con người và của công dân chưa được long trọng thừa nhận và nghiêm chỉnh thi hành đối với mọi người; chừng nào những lực lượng đàn áp, những trại giam, những trại cải tạo còn đe dọa những người đối lập với chính quyền tại vị thì chừng ấy, viễn tượng “hòa giải” vẫn chỉ là bánh vẽ trong sách hay mặt trăng trên trời.

Vương Văn Bắc