“…Lá phiếu lần này dành cho Obama vì tôi dạy con tin rằng nếu chúng cố gắng sẽ thành công, và chúng sẽ mang trách nhiệm để giúp đất nước này giàu mạnh, bình đẳng hơn …”
“… John McCain là một chính trị gia độc lập, thành thực, sẵn sàng bất đồng ý kiến với các đảng viên Cộng Hòa cực hữu, sẵn sàng nói lên chính kiến xuất phát từ lương tâm của mình …”
“… lá phiếu của tôi cho Obama chỉ vì một khía cạnh duy nhất: sự bình đẳng của màu da… John McCain là một chính trị gia độc lập, thành thực…”
1 Lá phiếu cho Obama Đoàn Hưng Quốc
“…Lá phiếu lần này dành cho Obama vì tôi dạy con tin rằng nếu chúng cố gắng sẽ thành công, và chúng sẽ mang trách nhiệm để giúp đất nước này giàu mạnh, bình đẳng hơn …”
Còn vài ngày nữa là đến ngày bầu cử, năm nay tôi sẽ bỏ phiếu cho ứng cử viên Obama. Trong hoàn cảnh nước Mỹ phải đối đầu với khủng hoảng kinh tế và những thử thách quân sự chính trị, lá phiếu lại dành cho vấn đề không kỳ thị màu da – một tình trạng rất phổ thông giữa các nhóm thiểu số da màu: người da đen không thích người gốc Mễ; người Mễ ganh tị người Việt; người Việt xem thường cả Mỹ đen, Mễ, Ấn Đô, v.v…
Có người nói người tị nạn Việt Nam mang món nợ ân tình với TNS McCain vì 6 năm tù trong Hoả Lò Hà Nội. Tôi kính trọng và ghi nhớ sự dũng cảm đó. Suốt cuộc đời ông đã hoàn trả trách nhiệm người công dân, vậy mà giờ đây ở lớp tuổi 72 ông không hề ngần ngại đứng ra nhận trọng trách trong hoàn cảnh hết sức khó khăn.
Nhưng tôi cũng nhớ đến vị lãnh đạo da đen Martin Luther King và phong trào Civil Rights cho người thiểu số: nếu không có sự phản kháng vào thập niên 60 thì con em Việt Nam sang tị nạn sau 1975 sẽ không có nhiều cơ hội, học bổng để vào các trường đại học và thành công vẻ vang sau này. Người Hoa, Ấn, Việt đã hưỡng thành quả của đấu tranh trong lúc tập thể da đen còn đắm chìm trong nghèo khó, tội ác và nghiện nghập.
(Tôi cũng hiểu đối với nhiều người tị nạn thì làn sóng phản kháng thập niên 60 đã dẫn đến việc Mỹ bỏ miền Nam, nhưng chúng ta cũng không thể phủ nhận thành quả tích cực mở ra cánh cửa cơ hội cho người thiểu số da màu ở chính trên đất Mỹ).
Tình thật mà nói tôi không biết giữa hai ông McCain và Obama chính sách nào sẽ chóng mang Hoa Kỳ ra khỏi khủng hoảng kinh tế và không sa lầy tại Iraq và Afghanistan. Ông Obama đắc cử sẽ tăng thuế người giàu và thêm khoản chi tiêu xã hội, có thể sẽ giúp nền kinh tế hay tạo thêm gánh nặng khiến phục hồi bị trì trệ, cả hai lý luận đều có các chuyên gia thượng thặng phê bình nên khó biết đúng sai. Ông McCain lên sẽ cứng rắn trong ngoại giao, nhất là phải dồn nỗ lực chiến thắng tại Trung Đông, nhưng có thể nào vì thế mà ông lơ là vùng Đông Nam Á để Trung Quốc có cơ hội bành trướng – cho đến giờ này cũng khó biết thực hư.
Chỉ biết một điều dù lãnh đạo nào lên cũng không còn chủ động trong mọi tình huống: Hoa Kỳ có hứa hẹn với VN mà không đủ phương tiện giúp đỡ thì chỉ là những lời nói hão. Khi Âu-Mỹ vận động họp G8 mở rộng và kêu gọi Trung Quốc hùn tiền cứu vãn kinh tế thì Ôn-Gia-Bảo trả lời mập mờ… Bắc Kinh sẽ làm tròn trách nhiệm, nhưng “khoan” …. Đằng sau cái khoan đó là những điều kiện gì, khi Mỹ còn nợ hơn 1 ngàn tỉ chưa kể số tiền sắp tới đây, thì làm sao dám mạnh miệng bên vực cho ai?
Ngày xưa Khổng Minh có dặn Quan Công “Bắc cự Tào Tháo, Đông hoà Tôn Quyền”, Quan Công tự phụ đánh Đông dẹp Bắc rốt cuộc quân đội tan tành và bị bắt xử chém. Nay Mỹ dù là siêu cường cũng không thể gánh nặng cùng một lúc đối phó với Iran, Bắc Hàn, Hồi Giáo ở Trung Đông Afghanistan Pakistan, hoà bình Do Thái và Palestine, bành trướng của Nga và Trung Quốc. Hoa Kỳ sẽ phải đặt trọng tâm chiến lược, và câu hỏi đặt ra là liệu VN có ở hạng nhất nhì hay không?
Trở lại vấn đề màu da, cộng đồng người Việt nhất là người lớn tuổi có phản ứng tình cảm rất mạnh về ứng cử viên Obama. Có những nhà bình luận khuynh hướng cấp tiến dân chủ mà giờ này lại viết bài kêu gọi bỏ McCain, có lẽ vì người Việt chưa sẵn sàng để chấp nhận một nhà lãnh đạo da đen hơn là vì chính sách?
Mâu thuẫn là trạng thái rất bình thường trong nhân tính: một người có thể tranh đấu cho công bình dân chủ tại VN nhưng đồng thời vẫn kỳ thị màu da vì nền nếp xả hội đã tạo nên mình. Hơn nữa, người Việt đánh giá người da đen thấp vì thực tế họ kém siêng năng, không suy tính, nhiều tội ác nghiện ngập; buôn bán nhỏ lẻ thì sợ bị cướp vũ trang – nhưng bù lại, không ít gia đình VN nuôi con ăn học thành tài bằng vào tiền mua bán với người da đen! Cuối cùng, người Á Châu nói chung thấy bề ngoài người da đen có điều gì “sợ sợ”, có lẽ vì họ không sáng sủa đẹp đẽ như người da trắng (!).
Chính vì những lý do đó mà lá phiếu của tôi cho Obama chỉ vì một khía cạnh duy nhất: sự bình đẳng của màu da. Hoa Kỳ chỉ là ánh sáng của dân chủ nhân quyền khi xã hội còn thay đổi để cá nhân không bị phân biệt giai cấp chủng tộc, giới tính – như văn hào de Tocqueville đã viết vào thế kỷ 18: “Nước Mỹ hùng mạnh khi họ tốt. Và ngày mà Hoa Kỳ không còn tốt thì họ sẽ đánh mất sự hùng mạnh” (America is great because she is good. If America ceases to be good, America will cease to be great).
Lá phiếu lần này dành cho Obama vì tôi dạy con tin rằng nếu chúng cố gắng sẽ thành công, và chúng sẽ mang trách nhiệm để giúp đất nước này giàu mạnh, bình đẳng hơn.
2. Tại sao cần ủng hộ lập trường John McCain? Lý Trọng Hiệp
“… John McCain là một chính trị gia độc lập, thành thực, sẵn sàng bất đồng ý kiến với các đảng viên Cộng Hòa cực hữu, sẵn sàng nói lên chính kiến xuất phát từ lương tâm của mình …”
Trong bầu không khí tranh cử cực nóng vào những ngày áp chót trước thời điểm của lễ hội chính trị trọng đại 4 tháng 11 tại Mỹ, khối cử tri gốc Việt cũng đang hăm hở chuẩn bị thực thi quyền hạn chính trị tối thượng của mình trong một xã hội tự do dân chủ: đi đầu phiếu! Đi đầu phiếu là thể hiện một hành động chính trị thiết thân, nhưng đầu phiếu cho lập trường nào còn quan trọng không kém.
Khối cử tri gốc Việt đang có một khuynh hướng được xem là ngoại lệ trong kỳ bầu cử 2008 này. Khi đa số của khối cử tri gốc Việt vẫn có truyền thống gắn chặt với đảng Cộng Hòa, ủng hộ ứng cử viên John McCain, nhiều trong thành phần trẻ lấy thái độ công khai ủng hộ đảng Dân Chủ, ủng hộ ứng cử viên Barrack Obama. Nhưng trong những lý do mà hai thành phần cử tri gốc Việt dựa vào để ủng hộ liên danh Barrack Obama hoặc liên danh John McCain, có những luận cứ xốc nổi, hời hợt.
Thành phần trẻ gốc Việt bị cuốn hút bởi năng lực trẻ trung của Obama là điều dễ hiểu, nhưng điều thôi thúc hơn phải là sự bàng bạc của lý tưởng công bằng xã hội mà ứng cử viên Obama đang muốn thể hiện qua chính sách đánh thuế và qua khẩu hiệu "Đổi thay". Tuổi trẻ thường xốc nổi, dễ bị hấp dẫn bởi những lý tưởng mang tính quảng đại, mang tính bác ái, và lý tưởng công bằng xã hội là một. Nhưng giữa lý tưởng và thực tế là một khoảng cách khá xa, trong đó phương pháp thực hiện trên thực tế luôn là một vấn đề gay go nhưng lại thường không được nhình thấu đáo vì họ bị che lấp bởi hào quang cứu cánh. Quan niệm của Barrack Obama là dùng nhà nước liên bang như là một phương tiện để thực hiện công bằng xã hội, nhà nước sẽ đóng luôn vai trò cung cấp càng nhiều dịch vụ xã hội càng tốt cho người dân. Hậu quả hiển nhiên là bộ máy nhà nước liên bang sẽ lớn kềnh càng, mức thuế phải tăng để trang trải cho ngân sách chi phí. Điều nghịch lý của lý tưởng công bằng xã hội này là dùng quyền lực nhà nước để áp đạt mức thuế cao trên một thành phần xã hội nhằm cung cấp phúc lợi cho một thành phần xã hội khác. Tuổi trẻ lớn lên ở Mỹ không có kinh nghiệm về vấn đề và hậu quả của các ý tưởng chủ nghĩa xã hội mà nhiều phần còn lại của thế giới đã trải qua.
Thành phần cử tri gốc Việt ủng hộ John McCain phần nhiều cũng dựa trên những lý do hời hợt. Chỉ vì John McCain đã từng là một quân nhân đánh cộng sản, bị cộng sản Hà Nội bắt bỏ tù nên mặc nhiên được ủng hộ. Các dân biểu gốc Việt thuộc đảng Cộng Hòa cũng thường ve vãn cử tri gốc Việt bằng những luận điệu mị dân nhằm phục vụ các cuộc tranh cử của các ứng cử viên thuộc đảng Cộng Hòa trong mùa bầu cử này. Nhưng khi bị chất vấn về lập trường ủng hộ bang giao giữa Mỹ và chính quyền cộng sản Hà Nội của John McCain, thành phần ủng hộ John McCain không thể trả lời được và chỉ tìm cách né tránh. Và điều rất ấu trĩ là thành phần ủng hộ Barrack Obama dùng luận cứ này để chỉ trích John McCain thân cộng.
Thật sự trước hết lập trường này của John McCain phải rất xứng đáng được sự ủng hộ trong cộng đồng Việt Nam. Sự cao cả trong con người của John McCain nằm ở chỗ đó. Hành động ủng hộ bang giao giữa Mỹ và chính quyền cộng sản Hà Nội chứng tỏ John McCain đã thực sự đến Việt Nam chiến đấu cho lý tưởng tự do dân chủ, và tiếp tục theo đuổi lý tưởng còn dở dang của mình. Bởi vì một cách giản dị là chỉ khi chính quyền cộng sản bang giao với Mỹ, xích lại gần Mỹ, thoát ra khỏi vòng kềm tỏa của cộng sản Trung Quốc, thì khi đó tự do dân chủ cho Việt Nam mới có thể được gia tốc trong diễn tiến hòa bình, các nền tảng của xã hội dân sự sẽ có cơ hội thành hình và phát triển. Phải hiểu rằng chừng nào Việt Nam chưa có tự do dân chủ, chừng đó những nhục hình mà John McCain đã phải trải qua trong nhà tù cộng sản ở Hỏa Lò và cả sự hy sinh của gần sáu mươi ngàn thanh niên Mỹ ở Việt Nam vẫn là vô ích.
John McCain đã là một quân nhân dũng cảm và trách nhiệm. John McCain đang là một chính trị gia dũng cảm và trách nhiệm. John McCain không chủ trương đến Iraq rồi bỏ ngang, không dội bom để tìm đường bỏ chạy như Johnson đã làm ở Việt Nam trước đây. Dân chủ ở Iraq phải thành công để hình ảnh của một cuộc chiến ở Việt Nam sẽ không tái diễn. Cuộc chiến ở Iraq là một giá tối thiểu mà người Mỹ phải trả để ngăn ngừa quân khủng bố, để mở rộng dân chủ ở Trung Đông, mang lại hòa bình cho khu vực và cả thế giới. Quân đội Mỹ đang bình định tình hình ở Iraq, sẽ rút quân trong vinh quang. Đây là lập trường của John McCain mà cộng đồng người Mỹ gốc Việt có thể chia sẻ sự đồng cảm, và qua đó tìm thấy một chút an bình trong tâm khảm đối với hậu quả của cuộc chiến gần bốn mươi năm trước.
Một lập trường quan trọng khác của John McCain xứng đáng nhận được sự ủng hộ của cử tri gốc Việt đó là tiếp tục kiên định con đường giấc mơ Mỹ cho người Mỹ, đó là sự tự vươn lên thành công (self-made success). Triết lý tổ chức nhà nước do vậy phải càng ít kềnh càng, phải tạo không gian càng rộng rãi càng tốt cho sinh hoạt của xã hội dân sự, của sinh hoạt kinh tế. Nó khuyến khích sự năng động tự thân. Self-made success đã là chìa khóa của sự thịnh vượng của người Mỹ, của nước Mỹ. Cộng đồng người Mỹ gốc Việt đã từng là nạn nhân của chế độ trung ương tập quyền, và đã là một minh chứng sống động cho sự tự vươn lên thành công trong xã hội Mỹ, hơn ai hết cần ủng hộ và quãng diễn lập trường này của John McCain.
Và điều cần biết nữa về John McCain, là ông là một chính trị gia độc lập, thành thực, sẵn sàng bất đồng ý kiến với các đảng viên Cộng Hòa cực hữu, sẵn sàng nói lên chính kiến xuất phát từ lương tâm của mình. John McCain là một người bạn chân thành với người Việt Nam.
|