Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 29-10--2012 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Hai, 29 Tháng 10 Năm 2012 11:41 |
Pháp muốn trở lại Châu Á
Vùng Châu Á Thái Bình Dương đóng vai trò quan trọng về kinh tế lẫn an ninh trong thế kỷ 21. Mỹ đã có chiến lược trở lại khu vực này, còn Pháp thì sao, vì dù sao Pháp cũng từng đến khai thác thuộc địa ở vùng này trước cả Mỹ ? Nhật báo Le Monde đăng bài phân tích đề tựa : «Pháp rẽ bước thận trọng về Châu Á ». Ngày 5 tháng 11 tới đây, tổng thống Pháp sẽ đến thủ đô Viêng Chăn của Lào để tham dự hội nghị thượng đỉnh Á-Âu (ASEM). Đây là chuyến công du châu Á đầu tiên của tổng thống Hollande kể từ khi đắc cử hồi tháng 5 rồi. Trong thượng đỉnh ASEM lần này, ông Hollande là nguyên thủ của một nước Châu Âu duy nhất đến tham dự, tức sẽ không có mặt cả thủ tướng Đức Angela Merkel và thủ tướng Anh David Cameron. Đây là động thái biểu thị chính sách hướng về Châu Á của tổng thống Hollande. Chính sách này cơ bản như thế nào ? Tờ báo cho biết, tổng thống Hollande lấy nước Nhật làm ưu tiên số 1. Trước kia, tổng thống Jacques Chirac cũng đặc biệt coi trọng phát triển quan hệ với các nước Á Châu, nhất là với Nhật Bản và Trung Quốc. Sau đó, khi tiếp quản Điện Elysée, ông Nicolas Sarkozy đã có chính sách ngược lại là không mặn mà trong quan hệ với Nhật và gây sóng gió với Trung Quốc trên hồ sơ Tây Tạng. Trong khi đó, trong diễn văn về chính sách đối ngoại đầu nhiệm kỳ, đương kim tổng thống Pháp François Hollande đã tuyên bố : Nhật sẽ là ưu tiên số 1 của Pháp ở Châu Á. Năm tới, ông Hollande sẽ công du Nhật Bản, và đó sẽ là chuyến công du Châu Á đầu tiên của tổng thống Hollande nếu xét về quan hệ song phương. Đối với Trung Quốc, nước Pháp dưới thời tổng thống Hollande sẽ tái thúc đẩy quan hệ song phương với trọng tâm là thiết lập sự ổn định trong quan hệ giữa hai nước dựa trên ba nguyên tắc sau đây : Tôn trọng lẫn nhau, có tinh thần trách nhiệm và nguyên tắc có qua có lại trong quan hệ kinh tế. Ngoài hai nước trên, Pháp cũng muốn tận dụng những tranh chấp lãnh thổ và cuộc chạy đua vũ trang ở khu vực Đông Nam Á để tìm kiếm những hợp đồng bán vũ khí. Malaysia đã mua tàu ngầm của Pháp. Ấn Độ cũng đang định mua máy bay chiến đấu Rafale của Pháp. Hiện tại, Miến Điện cũng đang dần trở thành thị trường béo bở cho các nước bán vũ khí trong đó có Pháp. Như vậy, Pháp đã thật sự muốn trở lại Châu Á, nhưng Le Monde nhận định chính sách này chỉ mới trong giai đoạn hình thành. Cũng như hồi tháng 6 rồi, tại diễn đàn an ninh Châu Á tổ chức ở Singapore, bộ trưởng Quốc phòng Pháp ông Jean-Yves Le Drian đã tuyên bố : Châu Á-Thái Bình Dương là một khu vực có lợi ích to lớn, Pháp muốn bày tỏ sự quan tâm của mình trên những vấn đề chiến lược trong khu vực. Tuy nhiên, ý định này của Pháp sẽ gặp nhiều thử thách. Pháp lấy Nhật làm ưu tiên nhưng cũng muốn tăng cường quan hệ với Trung Quốc trong khi vấn đề lãnh hải đang rất nhạy cảm trong quan hệ Nhật-Trung. Tranh chấp lãnh thổ trong vùng đang rất phức tạp, Pháp phải ngã về Asean hay Trung Quốc là một chuyện rất khó. Le Monde cho biết, Pháp không đủ phương tiện cũng không có ý định công khai cạnh tranh với Mỹ trong việc trở thành chỗ dựa cho các nước trong khu vực đang có tranh chấp và đang lo ngại sự lớn mạnh của Trung Quốc. Thêm vào đó, Pháp nói riêng và Châu Âu nói chung cần phải có thời gian để xây dựng vị trí của mình trong khu vực Châu Á Thái Bình Dương, bởi vì từ sau khi hệ thống thuộc địa sụp đổ, chỉ có các doanh nhân Châu Âu là quan tâm đến Châu Á, còn nhà cầm quyền Châu Âu thì hầu như đã không còn để mắt đến khu vực này. Lào ra sức cân bằng quan hệ với Việt Nam và Trung Quốc Nhân sự kiện Lào trở thành thành viên chính thức của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), nhật báo Le Monde có bài ghi nhận sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế nước này với dòng tựa : « Lào : nước mới trỗi dậy của vùng Viễn Đông ». Tờ báo nhắc lại, hồi Đại hội 9 của Đảng Nhân Dân Cách Mạng Lào tháng 3 năm ngoái, tổng bí thư-chủ tịch nước Choummaly Sayasone đã tuyên bố những điểm ưu tiên trong chính sách phát triển kinh tế Lào như sau : Đảm bảo tăng trưởng 8%/năm, phấn đấu từ đây đến năm 2015 giảm tỷ lệ nghèo xuống còn 10%, cố gắng đạt chỉ tiêu 100% trẻ em được đến trường. Những lời hứa này đã được thực hiện với những biện pháp cải cách kinh tế và cải cách hành chính. Kết quả đạt được thật khả quan : dự kiến tăng trưởng GDP của Lào năm nay sẽ đạt 8,3%, tức cao nhất vùng Đông Nam Á. Chưa hết, năm 2001 thu nhập bình quân đầu người của Lào chỉ có 300 đô la, nhưng năm 2011 con số này đã lên đến 1 200 đô la. Chính phủ Lào đang đặt chỉ tiêu đạt 1 700 đô la trong ba năm tới. Lào hiện đang phấn đấu đến năm 2020 sẽ được lọt vào danh sách các nước có thu nhập trung bình. Còn trong quan hệ ngoại giao, Le Monde cho biết, Lào đang ra sức phát triển quan hệ với cả Trung Quốc và Việt Nam. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành nước đầu tư lớn nhất tại Lào. Nhà cầm quyền Lào đã giao nhiều diện tích đất đai của nhà nước cho các công ty Trung Quốc để trồng cao su và phát triển các dự án nông lâm nghiệp khác. Trong khi đó, Việt Nam lại là đồng minh lâu đời của Lào. Le Monde nhắc lại, hồi chiến tranh với Mỹ, quân đội Việt Nam đã đào tạo sĩ quan cho Lào và đã giúp những người cộng sản Lào chiến thắng hồi ngày 2/12/1975. Le Monde cũng nói thêm, Trung Quốc vốn là đối thủ cạnh trạnh của Việt Nam tại Lào. Hiện tại, Trung Quốc muốn sử dụng Lào làm trụ chính trong việc xây dựng tuyến đường nối miền tây nam Trung Quốc với khu vực Đông Nam Á. Kinh tế thị trường ngày càng khẳng định vị trí Theo báo Le Figaro, «Kinh tế thị trường đang thắng thế ». Trước tiên tờ báo đề cập đến trường hợp của Lào. Kinh tế Lào đáng phát triển nhanh, dự kiến năm nay sẽ đạt chỉ số tăng GDP cao nhất khu vực Đông Nam Á. Nam cũng đã gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO). Đây là thành quả của quá trình mở cửa kinh tế của Lào. Còn tại Miến Điện, quá trình mở cửa hướng về kinh tế thị trường cũng đã được thế giới ghi nhận. Nhìn về Cuba, nước này cũng ngày càngcó động thái mở cửa kinh tế. Tuần rồi chính phủ Cuba còn nới lỏng thêm quyền xuất cảnh của người dân. Le Figaro cũng ghi nhận sự hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam từ mấy thập niên nay. Tuy nhiên, theo tờ báo, hiện trong khu vực vẫn còn một nước « chưa chịu giang tay » chấp nhận nền kinh tế thị trường, đó là Bắc Triều Tiên. Tờ báo nhận định, thời đại Kim Jong-un cũng sẽ giống như thời Kim Jong-il là « bí ẩn » và « khi nóng khi lạnh ». « Nóng » tức là có thái độ nồng ấm với bên ngoài khi cần sự giúp đỡ lương thực của quốc tế, « lạnh » tức tỏ ra lạnh lùng với bên ngoài khi đề cập đến chủ đề vũ khí nguyên tử chẳng hạn. Thế nhưng, trong xu hướng hội nhập kinh tế thế giới hiện tại, Le Figaro đặt câu hỏi : liệu chính quyền Bắc Triều Tiên có thể đóng cửa được bao lâu nữa ? Tẩy sơn móng chân móng tay có thể bị ung thư Cuối cùng trong lĩnh vực ý tế, nhật báo Le Monde có bài cảnh báo : « Chất trichloroéthylène được xếp vào danh sách những chất gây ung thư ». Mới đây, Trung tâm Nghiên cứu ung thư quốc tế trực thuộc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã công bố bản đánh giá nguy cơ gây ung thư có liên quan đến những dung dịch tẩy rửa. Theo đó, chất trichloroéthylène, trước đây được xếp vào loại « có thể gây ung thư », giờ đây đã được tăng thêm một bậc để trở thành « chất gây ung thư ». Hiện tại, chất trichloroéthylène được dùng cho việc tẩy rửa hoặc trong việc sản xuất các hợp chất clo. Đáng chú ý là chất này còn được dùng cho dung dịch tẩy nước sơn móng tay móng chân của quý bà. Một chuyên gia của trung tâm nói trên nêu rõ : tiếp xúc trichloroéthylène làm tăng gấp đôi nguy cơ bị ung thư thận. |