Home Tin Tức Tin Nóng Nguyễn Tấn Dũng bị tước bớt quyền lực

Nguyễn Tấn Dũng bị tước bớt quyền lực PDF Print E-mail
Tác Giả: Người Việt   
Chúa Nhật, 28 Tháng 10 Năm 2012 20:16

Nguyễn Phú Trọng sẽ nắm ‘cơ quan chống tham nhũng’

HÀ NỘI (NV) - Quốc Hội CSVN họp hôm 26 tháng 12, 2012 chuẩn bị cho một dự thảo sửa đổi Luật Phòng Chống Tham Nhũng, theo đó sẽ chuyển “Ban Chỉ Ðạo Trung Ương Phòng Chống Tham Nhũng” từ tay Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng đưa sang tay tổng bí thư đảng Nguyễn Phú Trọng.

 

Ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra chính phủ CSVN: “Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội”. (Hình: VNExpress)

 

Ông Huỳnh Phong Tranh, tổng thanh tra chính phủ, và cũng là đại biểu Quốc Hội, đọc tờ trình của chính phủ về cái dự thảo luật vừa nói, kết quả của quyết định phiên họp trung ương đảng kỳ 6, một tuần trước khi họp Quốc Hội.

Theo tờ trình này được các báo tại Việt Nam phổ biến rộng rãi, điều nổi bật nhất trong dự thảo sửa đổi Luật Phòng Chống Tham Nhũng là gạt bỏ quy định thủ tướng là người cầm đầu Ban Chỉ Ðạo Phòng Chống Tham Nhũng.

Chuyển tay người chỉ huy chống tham nhũng từ nhà nước sang đảng từng được quyết định từ kỳ họp trung ương đảng kỳ 5 hồi giữa tháng 5, 2012 nhưng vẫn không có một văn kiện chính thức nên ông thủ tướng vẫn ôm cái “Ban Chỉ Ðạo Trung Ương” cho đến nay.

Ngoài sự sửa đổi lấy quyền chống tham nhũng ra khỏi tay ông thủ tướng, hiện chưa dứt khoát còn có thêm gì khác được sửa chữa hay thay đổi của Luật Phòng Chống Tham Nhũng biểu quyết thông qua từ khóa họp Quốc Hội tháng 11 năm 2005.

Ông Nguyễn Tấn Dũng khi biểu quyết luật chống tham nhũng là phó thủ tướng. Sáu tháng sau được đôn lên làm thủ tướng. Ngày 27 tháng 6, 2006 được Quốc Hội “nhất trí” cử làm thủ tướng, ông Nguyễn Tấn Dũng đã mạnh mồm tuyên bố “Nếu không chống được tham nhũng tôi xin từ chức”.

Nhưng tham nhũng ngày càng tồi tệ hơn. Ông đã bị đả kích kịch liệt trong cả hai kỳ họp đảng vừa qua về vấn đề tham nhũng.

Khóa họp Quốc Hội cuối năm ngoái, ông lên tiếng nhận lỗi về tai tiếng tham nhũng thất thoát bạc tỉ đô la ở tập đoàn đóng tàu Vinashin. Năm nay lại xảy ra vụ tổng công ty tàu biển Vinalines, một số người bị bắt với nghi vấn lũng đoạn thị trường tài chính.

Khi ra Quốc Hội hôm 22 tháng 10 năm 2012, ông Nguyễn Tấn Dũng chỉ xin lỗi về những yếu kém của chính phủ chứ không hề nói đến từ chức.

Tháng 5 năm 2011 ông chủ tịch nước CSVN Trương Tấn Sang được báo chí tường thuật kêu trước mặt cử tri ở Sài Gòn: “Trước đây chỉ một con sâu làm rầu nồi canh, nay thì nhiều con sâu lắm. Nghe mà thấy xấu hổ, không nhẽ cứ để hoài như vậy. Mai kia người ta nói một bầy sâu, tất cả là sâu hết thì đâu có được. Một con sâu đã nguy hiểm rồi, một bầy sâu là ‘chết’ cái đất nước này.”

Ngay sau cuộc họp trung ương đảng đầu tháng 10 này ông Sang không nói thẳng tên ông thủ tướng mà chỉ đổ lên đầu “đồng chí X” tội làm cho tham nhũng ngày một tràn lan làm cử tri “bức xúc”.

Năm ngoái, khi tiếp xúc với cử tri, ông tổng bí thư đảng CSVN Nguyễn Phú Trọng kêu “Hiện tượng hư hỏng, tham nhũng, tiêu cực đúng là lắm lúc nghĩ hết sức sốt ruột, nhìn vào đâu cũng thấy, sờ vào đâu cũng có...”

 * Tham nhũng nhiều, xử phạt ít

 Trong buổi họp đầu tiên của khóa họp Quốc Hội, hôm 22 tháng 10 năm 2012, ông Huỳnh Phong Tranh thay mặt chính phủ báo cáo khoe phát hiện và truy tố tội phạm tham nhũng năm 2012 “đều tăng hơn so với cùng kỳ năm ngoái”.

Ông khoe rằng trong 5 năm qua, các cơ quan hành chính nhà nước giải quyết được 59,496 vụ trên tổng số 70,587 vụ tố cáo tham nhũng, tức chỉ giải quyết được 84.3% vụ. Tuy nhiên, trong số đó lại chỉ chuyển đến cho các cơ quan điều tra có 464 vụ, tức chưa được 1% của tổng số vụ việc.

Ông Tranh kêu rằng các vụ việc chuyển cho cơ quan điều tra “ít là do thanh tra có khuyết điểm là thanh tra phát hiện vi phạm chưa đến nơi đến chốn, do chất lượng cán bộ thanh tra chưa cao”.

Nhưng ông nhìn nhận “Tham nhũng nghiêm trọng, gây bất bình trong xã hội”. Trong cuộc họp này, ông Tranh công nhận “có tiêu cực trong hoạt động thanh tra” đã là một trong những nguyên nhân dẫn đến ít vụ việc tham nhũng bị truy tố.

Bản chỉ số xếp hạng tham nhũng tại Việt Nam hàng năm của Tổ Chức Minh Bạch Quốc Tế năm 2011 cho Việt Nam 2.9 điểm. Ba năm liền từ 2008 đến 2010, Việt Nam chỉ được 2.7 điểm trên tổng số 10 điểm (là ít tham nhũng nhất).

Ngày 3 tháng 5 năm 2012, một bản báo cáo về vấn đề kiểm soát tham nhũng được UNDP và Trung Tâm Nghiên Cứu Phát Triển và Hỗ Trợ Cộng Ðồng (CECODES) phối hợp với nhà cầm quyền CSVN mở cuộc nghiên cứu thấy rằng 77% người ở Việt Nam không tin nhà cầm quyền “nghiêm túc xử lý các vụ việc tham nhũng đã phát hiện”, theo VNEconomy.

Theo tin các báo tại Việt Nam, việc sửa đổi luật đưa cơ quan chống tham nhũng về tay đảng, sẽ được thi hành như thế nào nay vẫn chưa rõ ràng. Mới chỉ thấy hé lộ một điều căn bản là “Việc thành lập, tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống tham nhũng sẽ do đảng quy định”. Trong khi đó “công tác chỉ đạo phòng, chống tham nhũng của cơ quan này sẽ được thực hiện thông qua các nghị quyết, chỉ thị, kết luận của đảng”, không theo một luật nào.

Như thế, vấn đề chống tham nhũng cũng vẫn sẽ co giãn tùy theo nhu cầu phe nhóm, sự gia ơn hay trừng phạt tùy tiện của kẻ nắm quyền lực trong đảng, thay vì chống theo luật và do cơ quan tư pháp hành động độc lập cũng như có thực quyền.

Ông Jairo Acuna-Alfaro, cố vấn chính sách của LHQ trong Cơ Quan Phát Triển LHQ (UNDP) tại Việt Nam, đưa ra nhận xét: “Sửa không khéo, luật chống tham nhũng như hổ không răng”, theo VietNamNet tường thuật. (T.N.)