Ngân hàng Thế giới : Môi trường kinh doanh Việt Nam được cải thiện, nhưng chậm hơn nhiều láng giềng |
Tác Giả: Trọng Nghĩa |
Thứ Ba, 23 Tháng 10 Năm 2012 07:21 |
Việt Nam vẫn giữ nguyên thứ hạng 99 so với năm ngoái
Trụ sở chính của Ngân hàng Thế giới tại Washington DC
Ngân hàng Thế giới (WB) và Tổ chức Tài chính Quốc tế (IFC) vào hôm qua, 22/10/2012 đã công bố bản báo cáo thường niên, đánh giá và xếp hạng 185 nền kinh tế trên trên toàn thế giới về các biện pháp đề ra để cải thiện môi trường kinh doanh từ tháng 6/2011 đến tháng 6/2012. Trong bản báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013 (Doing Business), Việt Nam vẫn giữ nguyên thứ hạng 99 so với năm ngoái, nhưng vị trí tương đối đã bị sụt vì có thêm hai nước mới được đưa vào danh sách. Trong bản thông cáo báo chí công bố vào hôm nay, văn phòng đại diện Ngân hàng Thế giới tại Hà Nội đã ghi nhận nỗ lực chung của Việt Nam nhằm « cải thiện môi trường pháp lý, tạo điều kiện kinh doanh thuận lợi năm thứ 8 liên tiếp », và trong năm qua vẫn tiếp tục thực hiện các « cải cách pháp lý tạo thuận lợi về thành lập doanh nghiệp cho doanh nghiệp trong nước ». Trong bản báo cáo của mình, Ngân hàng Thế giới đặc biệt nêu lên việc « Việt Nam đã tạo thuận lợi trong thủ tục thành lập doanh nghiệp bằng việc cho phép doanh nghiệp trong nước sử dụng hóa đơn thuế giá trị gia tăng tự in ». Bà Victoria Kwakwa, Giám đốc thường trú của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, công nhận rằng Việt Nam đẫ có nhiều nỗ lực cải thiện môi trường kinh doanh trong thời gian qua. Tuy nhiên, bà cho rằng kết quả báo cáo năm nay cho thấy là Việt Nam « cần nỗ lực nhiều hơn… để sánh ngang với các nền kinh tế trong khu vực ». Thông cáo của Ngân hàng Thế giới nhắc lại rằng theo bản báo cáo Môi trường Kinh doanh 2013, « các quốc gia khác trong khu vực Đông Á – Thái Bình Dương có sự cải thiện môi trường kinh doanh mạnh mẽ hơn so với Việt Nam ». Liên quan đến các nước Đông Á – Thái Bình Dương, theo bản báo cáo, Singapore vẫn tiếp tục đứng đầu thế giới về các điều kiện thuận lợi cho kinh doanh, theo sau là Hồng Kông (2), Hàn Quốc (8), Úc (10), Malaysia (12), Đài Loan (16), Thái Lan (18). Nếu tính riêng Đông Nam Á, ngoài Singapore, Malaysia và Thái Lan được nằm trong nhóm 20 nước có môi trường kinh doanh tốt nhất, phải lần xuống hạng 79 mới thấy Brunei, xuống hạng 99 mới thấy Việt Nam, theo sau là Indonesia (128), Cam Bốt (133), Philippines (138), Lào (163). Riêng Miến Điện không nằm trong danh sách. Căn cứ vào các tiêu chí để đánh giá và xếp hạng, điểm yếu nhất của Việt Nam được nêu bật trong bản báo cáo là vấn đề « Bảo vệ nhà đầu tư », Việt Nam bị xếp thứ 169 trong lãnh vực này. Hai điểm yếu khác là vấn đề « Cung cấp điện năng » (hạng 155), và « Xử lý doanh nghiệp mất khả năng thanh toán » (hạng 149). |