Home Tin Tức Tin Nóng Trung Quốc : Báo chí chính thức chỉ trích việc bắt giam một nhà bất đồng chính kiến

Trung Quốc : Báo chí chính thức chỉ trích việc bắt giam một nhà bất đồng chính kiến PDF Print E-mail
Tác Giả: Đức Tâm   
Thứ Sáu, 19 Tháng 10 Năm 2012 10:35

Nhậm Kiến Vũ (Ren Jianyu), 25 tuổi, đòi chấm dứt sự « lãnh đạo độc tài » của đảng Cộng sản Trung Quốc.

 

Blogger Nhậm Kiến Vũ
DR

 

Báo chính thống của Nhà nước Trung Quốc, như Hoàn cầu thời báo, một chi nhánh của Nhân dân nhật báo, cơ quan ngôn luận của đảng Cộng sản Trung Quốc, hay Tin tức Bắc Kinh, trong tuần trước, đã lên tiếng chỉ trích việc bắt giam một cán bộ địa phương chỉ vì đã kêu gọi chấm dứt sự lãnh đạo của Đảng.

 Sự kiện này gây ngạc nhiên và một số chuyên gia nhận định, đây có thể là một tín hiệu cho thấy Bắc Kinh chấp nhận nới lỏng chút ít quyền tự do ngôn luận.
 

Thanh niên Nhậm Kiến Vũ (Ren Jianyu), 25 tuổi, một cán bộ cấp làng, ở huyện Bành Thủy, Trùng Khánh, bị kết án 2 năm cải tạo lao động, sau khi anh đã đăng trên internet thông điệp đòi chấm dứt sự « lãnh đạo độc tài » của đảng Cộng sản Trung Quốc.

Luật sư của Nhậm Kiến Vũ cho biết, sau vụ tai nạn tàu cao tốc hồi tháng Bẩy năm ngoái, thân chủ của ông đã đăng trên internet bức ảnh chủ tịch Hồ Cẩm Đào và thủ tướng Ôn Gia Bảo, với hàng chữ: « Đả đảo đảng Cộng sản Trung Quốc ».

Thanh niên này cũng đăng khẩu hiệu : « Chấm dứt sự lãnh đạo độc đảng, tự do và dân chủ muôn năm! », và bức ảnh ông Lý Khắc Cường, người sẽ lên thay thủ tướng Ôn Gia Bảo, với chú thích : « Thủ lãnh Mafia ».

Bình thường ra, Nhậm Kiến Vũ sẽ bị báo chí Nhà nước chỉ trích gay gắt, thậm chí quy chụp nhiều tội danh khác. Thế nhưng, lần này, Hoàn cầu thời báo và Tin tức Bắc Kinh lại phê phán bản án, kêu gọi mở rộng quyền tự do ngôn luận, để cho người dân có quyền chỉ trích chính quyền.

Nhà báo Yu Jincui, trong bài viết nhan đề « Kiểu trừng phạt chỉ trích đã lỗi thời tại đất nước Trung Hoa ngày nay », đăng trên Hoàn cầu thời báo, ngày 12/10/2012, viết : « Thật là buồn khi người dân còn có thể bị trừng phạt do bầy tỏ hoặc viết các bài chỉ trích ở đất nước Trung Hoa hiện đại » và « trừng phạt vì bày tỏ ý kiến tiêu cực là một truyền thống chính trị vẫn tồn tại ở một số nước trong thế kỷ 20…Điều này đã lỗi thời và đi ngược lại quyền tự do ngôn luận và tinh thần thượng tôn pháp luật ngày nay ».

Một số chuyên gia có thái độ lạc quan, nhận định rằng sự kiện này là dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh muốn làm giảm bớt căng thẳng xã hội bằng cách nới lỏng quyền tự do ngôn luận và có thể đây là một ưu tiên của ban lãnh đạo mới.

Giáo sư Doug Young, khoa Báo chí, đại học Phục Đán, Thượng Hải, được Reuters trích dẫn, nói rằng, có thể một vài quan chức cấp cao muốn báo chí được tự do hơn. « Thực tế là điều này đang xẩy ra, lời kêu gọi tự do ngôn luận được đưa ra sát với thời điểm chuyển giao lãnh đạo, là không bình thường ».

 Và « nếu lạc quan, người ta có thể coi đây là một tín hiệu về việc chính phủ sắp tới sẽ coi tự do ngôn luận là một ưu tiên trong thời kỳ lãnh đạo của ông Tập Cận Bình ».

Ông Lý Đại Đồng, nguyên là nhà báo lại nghĩ rằng đây là một trường hợp ngoại lệ bởi vì vụ việc liên quan đến chính quyền thành phố Trùng Khánh của cựu bí thư thành ủy Bạc Hy Lai.

Tuy nhiên, một số nhà quan sát nhận định, sở dĩ báo chí được phép chỉ tríchlà  vì dường như Bắc Kinh đang muốn cải cách hệ thống trại « cải tạo lao động », nơi mà công an và chính quyền có thể tùy tiện giam giữ người dân mà không cần phải đưa ra tòa xét xử.

Một nhà báo xin ẩn danh, thuộc Hoàn cầu thời báo, nói rằng, ảnh hưởng của internet đối với các phương tiện truyền thông ngày càng lớn.

 Hoàn cầu thời báo đề cập đến trường hợp thanh niên Nhậm Kiến Vũ, vì chủ đề này được thảo luận rất sôi nổi trên mạng xã hội Vi Bác (Sina Weibo), với khoảng 800 000 thông điệp phản đối, tố cáo tình trạng lạm dụng quyền lực của các quan chức địa phương.

Do áp lực của công luận trên internet, báo chí Nhà nước Trung Quốc cũng đã buộc phải lên tiếng về một số vụ người dân bị chính quyền đối xử oan sai.

 Ví dụ vụ bà Đường Tuệ, ở Vĩnh Châu, tỉnh Hồ Nam, bị chính quyền địa phương trả thù bằng cách đưa đi cải tạo lao động vì bà đòi trừng phạt những kẻ đã hãm hại con gái bà.

Cuối cùng, bà đã được trả tự do và sự kiện này làm dấy lên cuộc tranh luận về việc duy trì hệ thống các trại cải tạo lao động ở Trung Quốc.