Home Tin Tức Tin Nóng Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-10-2012

Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 19-10-2012 PDF Print E-mail
Tác Giả: Thụy My   
Thứ Sáu, 19 Tháng 10 Năm 2012 10:19

 Dân Bắc Triều Tiên vẫn thiếu đói, dù Kim Jong Un hứa cải cách

 


Các nông dân Bắc Triều Tiên làm việc trên cánh đồng tập thể tại tỉnh Hwanghae. Ảnh chụp dưới sự kiểm soát của chính quyền Bình Nhưỡng.
REUTERS/Damir Sagolj/Files

 

Cuộc phỏng vấn hiếm hoi bốn người dân Bắc Triều Tiên sống tại Đan Đông, thành phố Trung Quốc giáp ranh cho thấy trên thực tế, cuộc sống vẫn rất chật vật, hầu như không thay đổi mấy từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền.

Phụ trang của Le Figaro hôm nay dịch lại một bài phóng sự trên tờ New York Times mang tựa đề « Những thay đổi nhỏ nhoi tại Bắc Triều Tiên ».

Bài viết mở đầu với câu chuyện của một phụ nữ 52 tuổi chuyên nuôi heo, cho biết họ của bà là Kim. Hàng tuần, khi đi mua hàng tại trung tâm Bình Nhưỡng, bà cố không nhìn đến những căn hộ mới xây, những chiếc xe hơi Mercedes đậu dọc theo các đại lộ trước đây hoang vắng, và trang phục lịch lãm của các thiếu nữ.

 Bà không bao giờ đến Công viên giải trí nhân dân Runga, nơi từ mùa hè rồi con em của tầng lớp ưu đãi tha hồ vui chơi. Bà Kim nói : « Tại sao tôi phải quan tâm đến cách ăn mặc mới mẻ của các viên chức cao cấp và con cái họ, trong khi tôi không thể nuôi nổi gia đình mình ? ». Bà cho biết, hai con trai của bà luôn bệnh hoạn vì suy dinh dưỡng, và những người hàng xóm kém may mắn hơn thì đã chết vì thiếu đói.

Từ khi Kim Jong Un lên nắm quyền cách đây mười tháng, thủ đô Bình Nhưỡng có vẻ đã trở mình, theo như các nhà ngoại giao, các tổ chức từ thiện và các giảng viên đại học có dịp đến đây. Nhưng cuộc phỏng vấn những người dân Bắc Triều Tiên hiếm hoi chịu trả lời, đã cho thấy không hề có một tiến triển nào.

Trên thực tế cuộc sống còn khó khăn hơn, dù nhà lãnh đạo trẻ tuổi có hứa hẹn cải thiện điều kiện sống người dân. Kim Jong Un cũng đã làm cho thế giới hy vọng là Bình Nhưỡng sẽ từ bỏ tham vọng quân sự, tập trung cho cải cách kinh tế.

Giá thực phẩm tăng cao do hạn hán và do vụ phóng hỏa tiễn thất bại hồi tháng Tư. Các tổ chức phát triển lên án những kẻ đầu cơ đã làm cho giá gạo tăng gấp đôi kể từ đầu mùa hè, tình trạng thiếu nhiên liệu, điện và nguyên vật liệu khiến cho đa số nhà máy phải ngừng hoạt động, làm hàng triệu công nhân phải thất nghiệp.

Bà Park, 50 tuổi, đảng viên đảng Lao động tại một thành phố lớn, cũng trả lời với điều kiện chỉ nêu họ chứ không nói tên như bà Kim, vì sợ bị trả thù khi trở về Bắc Triều Tiên. Bà cho biết : « Chúng tôi đã từng hy vọng Kim Jong Un sẽ đem lại cho dân một cuộc sống khá hơn, nhưng lãnh tụ đã làm chúng tôi thất vọng ».

Để nuôi sống gia đình, bà Park phải bán những chiếc bánh làm bằng bột bắp ngoài chợ, nhưng than phiền rằng các trẻ em đói khát thường ăn cắp hàng hóa của bà. Bà cho biết thường trông thấy xác chết của của những người quá yếu sức nên không thể trộm cắp được thức ăn, và nói thêm : « Nếu tôi có đồ ăn thì tôi đã cho họ rồi », và xấu hổ cúi mặt tránh những cái nhìn.

Đương nhiên là Kim Jong Un có phong cách lãnh đạo mới mẻ : ông để cho phụ nữ được ăn mặc theo kiểu phương Tây, và, trái với truyền thống, đã nhìn nhận thất bại sau vụ phóng hỏa tiễn được tuyên truyền rầm rộ. Ngược lại, không có gì chứng tỏ những cải cách kinh tế là quan trọng như đã loan báo. Chẳng hạn như dự án được đưa ra vào mùa xuân – theo các nhóm người tị nạn Bắc Triều Tiên – cho phép nông dân được giữ lại 30% sản lượng.

Nhà nước cũng có chương trình cho phép hàng ngàn người kiếm được ngoại tệ khi làm việc tại thành phố Đan Đông và ngoại vi, một đô thị đang phát triển, với những nhà hàng món nướng lung linh ánh điện, khiến những người Bắc Triều Triên với chiếc bụng rỗng phải thèm thuồng. Tuy vậy, bốn người dân chịu trả lời phóng viên đều không tỏ ra lạc quan.

Họ kể rằng, những người ăn xin lang thang kiếm sống đầy trên các sân ga, trong khi các doanh nhân có thế lực tiếp tục làm giàu qua việc buôn bán với Trung Quốc, các viên chức thì bỏ túi những khoản tiền phạt và tiền hối lộ.

 Cả bốn nhân chứng này đều e dè : nếu bị phát hiện nói chuyện với các nhà báo hay các nhà truyền giáo, họ có nguy cơ bị bắt đi cải tạo. Một người khẳng định : « Nếu chính quyền phát hiện tôi đang đọc Kinh thánh, thì cuộc đời tôi coi như chấm hết ».

Sự tăng cường an ninh ở hai bên biên giới làm cho việc trốn sang đất Trung Quốc nay rất khó khăn. Các nhà hoạt động chuyên giúp người Bắc Triều Tiên sang tị nạn ở Hàn Quốc cho biết những cuộc càn quét của công an Trung Quốc và các vụ đàn áp buôn lậu đã làm cho số người tị nạn ít hẳn đi.

Số ít người may mắn sang được Đan Đông sững sờ khi trông thấy những chiếc xe hơi đậu san sát trên đường, được tắm nước nóng, được nói những gì mình nghĩ. Nhưng nỗi vui mừng to lớn nhất của họ là đồ ăn thức uống tràn trề và đa dạng.

Nếu những người đồng hương lo nhồi nhét vào dạ dày nào cơm, nào những chiếc bánh nhân thịt, thì bà Kim chỉ ăn toàn táo trong năm ngày đầu tiên trên đất Trung Quốc. Bà nói từ nhỏ đến lớn chưa hề biết được mùi vị thứ trái cây này.

 Người phụ nữ kết luận : « Tôi từng nghĩ là đất nước tôi tốt đẹp, nhưng tôi đã lầm to ».

Bốn mươi triệu đàn ông Trung Quốc sẽ ế vợ

Còn tại Trung Quốc, thông tín viên của tờ báo miễn phí « 20 minutes » tại một ngôi làng ở tỉnh Hà Bắc, mô tả tình cảnh của những người đàn ông ở đây : họ không thể nào tìm được vợ. Bài viết mang tựa đề « Ai nấy đều lo kiếm vợ ».

Tại ngôi làng Tiancun có 3.000 dân này, có 10% đàn ông đành phải sống độc thân, còn ở tầm quốc gia, thì 40 triệu người đàn ông Trung Quốc từ khoảng 2020-2030 có nguy cơ không lấy được vợ. Theo nhà xã hội học Mỹ Dudley Poston, thì đó là do truyền thống trọng nam khinh nữ, cùng với chính sách mỗi gia đình chỉ có một con, đã tạo nên tình trạng mất cân bằng nam nữ nghiêm trọng.

Cụ Vương, một vị trưởng thượng 75 tuổi của làng cho biết, ở đâu cũng thế, nam luôn nhiều hơn nữ, và tại những địa phương xa xôi hẻo lánh, đặc biệt là ở miền nam và miền tây, còn có một số làng chỉ toàn đàn ông.

 Bà Lý, một phụ nữ trong làng nói thêm : « Những ai không lấy được vợ trước hết là những người đời sống không khá giả. Tại làng này người ế vợ có đủ lứa tuổi, từ 18 đến 50 ». Còn ông Dương, một người đàn ông 40 tuổi được phóng viên hỏi chuyện thì cố tranh thủ tìm một hy vọng mỏng manh : « Liệu ông có thể giúp tôi làm quen với các phụ nữ Pháp được không ? »

Số phận một nhà đấu tranh cho môi trường Trung Quốc

Cũng tại Trung Quốc, nhật báo Le Monde viết về « Số phận của ông Lưu Phúc Đường đã khiến các nhà hoạt động vì môi trường Trung Quốc phải lên tiếng ».

Cựu viên chức ngành lâm nghiệp ở đảo Hải Nam bị bắt ngay tại giường bệnh và đang phải ra tòa vì tội « in ấn, xuất bản và phân phối bất hợp pháp » ba quyển sách nói về việc phá hoại môi trường trên đảo.

Ông Lưu Phúc Đường (Liu Futang), 65 tuổi, bị tiểu đường, hồi tháng Bảy đã bị công an đến bắt ngay tại bệnh viện Hải Khẩu, nơi ông điều trị cao huyết áp và bị giam giữ ở một nơi bí mật.

 Phiên tòa xử ông đã được mở ra ngày 11/10 và hiện chưa có phán quyết, nhưng ông có nguy cơ lãnh bản án 5 năm tù giam. Hiện có hơn hai chục tổ chức phi chính phủ và hàng trăm nhân vật thuộc các hiệp hội và trong ngành báo chí Trung Quốc đã đứng ra vận động các mạng xã hội và các báo để bảo vệ cho ông.

Theo tờ báo, nghịch lý là ở chỗ tại Trung Quốc, các cuộc đấu tranh vì môi trường thường được dung thứ hơn là đấu tranh cho nhân quyền, trừ phi đụng chạm đến lợi ích của các viên chức địa phương và các tập đoàn nhà nước. Đó cũng là lý do khiến ông Lưu Phúc Đường, từng được tờ The Guardian trao giải « Nhà báo công dân », đã bị bắt một cách thô bạo : nhờ sự hỗ trợ của ông, dân cư địa phương đã thành công trong việc chống lại dự án một nhà máy nhiệt điện mà chính quyền định áp đặt.

Kinh tế Trung Quốc đang ở cuối chu kỳ tăng trưởng

Trong lãnh vực kinh tế, bài xã luận của nhật báo kinh tế Les Echos mang tựa đề « Ngôi sao Trung Quốc và các lỗ đen » nhận định, sau khi phát triển theo thuyết trọng thương một cách vô độ, chủ nghĩa tư bản kiểu Trung Quốc nay đang bị đe dọa bởi một nền tài chính không thể kiểm soát nổi.

Tỉ lệ tăng trưởng của Trung Quốc năm nay là 7,4%, một nhịp độ mà kinh tế Pháp chưa bao giờ đạt được từ sau khi chiến tranh thế giới chấm dứt đến nay, nhưng đây lại là tỉ lệ thấp chưa từng thấy trong vòng ba chục năm qua của người khổng lồ châu Á. Những con số mới nhất thì cho thấy từ tiêu thụ cho đến xuất khẩu, đầu tư đang tiếp tục tăng, và Trung Quốc tiếp tục là siêu sao của toàn cầu.

Nhưng theo Les Echos, thì mọi sự giờ đây không còn như trước nữa. Nghi ngờ ngày càng tăng, khi người ta dựa theo những chỉ số cụ thể và khó phù phép, như sản lượng điện và xi-măng, hay theo ý kiến của các nhà mua hàng.

Xuất khẩu bị hãm phanh do lương công nhân tăng, đồng nhân dân tệ ở mức cao, đơn đặt hàng từ châu Âu giảm. Đầu tư không thể đổ vào hơn nữa, chẳng hạn chi tiêu cho thiết bị đường sắt đã tăng đến 78% trong vòng một năm.

Dưới áp lực của Bắc Kinh, các công ty quốc doanh và các chính quyền địa phương đã đầu tư quá nhiều trong công cuộc tái thúc đẩy nền kinh tế hồi năm 2008, để xây dựng những nhà máy để không và những cây cầu không được sử dụng. Và việc lại đổ tiền vào địa ốc sẽ làm nhà đất tăng giá, trong khi đại đa số người dân không có khả năng tậu được một mái nhà riêng.

Tác giả nhận định, trên thực tế, Trung Quốc đang ở cuối chu kỳ tăng trưởng. Các nhà lãnh đạo nước này hoàn toàn ý thức được là phải hướng về tiêu dùng.

 Theo các chuyên gia thì tỉ lệ tăng trưởng sắp tới chỉ cò, từ 6 đến 8% một năm, và Trung Quốc có nguy cơ rơi vào lỗ đen của tài chính. Các ngân hàng tràn ngập nợ xấu, và rồi những lỗ đen này sẽ nuổt trọn tất cả vùng ánh sáng. Bài báo kết luận, rốt cuộc về thực chất, thì chủ nghĩa tư bản Trung Quốc cũng chẳng khác mấy với phương Tây.

Libya hậu Kadhafi : Tương lai bất định vì phe Hồi giáo

Nhìn sang Bắc Phi, trong bài viết « Libya, năm thứ nhất hậu Kadhafi », tờ báo cánh hữu Le Figaro nhận xét, một năm sau cái chết của nhà độc tài, tuy Libya không rơi vào hỗn loạn, nhưng chính quyền vẫn gặp nhiều khó khăn trong nỗ lực vãn hồi trật tự.

 Phe Hồi giáo, được những người bảo thủ ủng hộ, đã làm cho tương lai đất nước trở nên bất định.

Đúng một năm sau khi Mouammar Kadhafi bị hạ sát ngày 20/10/2011 trên đường chạy trốn, Quốc hội lâm thời Libya đã bầu ra được Thủ tướng, bắt đầu soạn thảo Hiến pháp mới, và việc sản xuất dầu được tiếp tục. Nhưng các nhà đầu tư nước ngoài đã chùn chân sau vụ những người Hồi giáo cực đoan sát hại đại sứ Mỹ ở Benghazi cách đây một tháng.

Đảng Công lý và Xây dựng do phe Huynh đệ Hồi giáo giật dây đã chiếm được 17 trong số 80 ghế dành cho các đảng chính trị, và trong 120 ứng cử viên « độc lập », đã có đến khoảng ba chục người là các nhân vật cao cấp của Huynh đệ Hồi giáo.

Tuy không đề cử ứng viên cho chức Thủ tướng để dư luận khỏi e ngại, nhưng một trong những mục tiêu của phe này là đưa được luật Hồi giáo charia vào Hiến pháp Libya.

Theo một trong số ba mươi dân biểu trên, thì « Hầu như tất cả các dân biểu đều đồng ý, vì ở Libya, mọi người đều là người Hồi giáo và bảo thủ ».