Điểm Báo Pháp Quốc Ngày 16-10-2012 |
Tác Giả: Lê Phước |
Thứ Ba, 16 Tháng 10 Năm 2012 14:03 |
Đất trồng lương thực bị thu hẹp, 870 triệu người thiếu đói
Tại nhà một nông dân miền bắc Nicaragua,11/10/2012
Nhân ngày lương thực thế giới 16/10, báo Pháp có nhiều bài phản ánh nguy cơ thiếu lương thực đang đe dọa thế giới do việc ở nhiều nước đất trồng lúa bị trưng dụng trồng các loại cây phục vụ cho ngành công nghiệp năng lượng sinh học. Nhật báo Công Giáo La Croix dành trang nhất cho chủ đề này với dòng tít lớn : « Đất nông nghiệp rất được thèm khát ». Tờ báo cho biết, tuần rồi, Tổ chức Nông Lương Liên Hi ệp Quốc (FAO) công bố một báo cáo khá ảm đạm về tình hình thiếu đói trên thế giới, theo đó hiện tại số người thiếu đói toàn cầu đã lên đến 870 triệu người. Báo cáo cho biết, nguyên nhân của tình trạng bi đát này là do khủng hoảng kinh tế, do việc phát triển ào ạt ngành công nghiệp năng lượng sinh học, do giá nguyên liệu nông nghiệp tăng và nạn đầu cơ gắn liền với việc tăng giá nguyên liệu, do thiên tai, tất cả đã đe dọa đến an ninh lương thực thế giới, nhất là ở các nước đang phát triển. Ủy ban Công giáo chống nạn đói và vì sự phát triển (CCFD) của Pháp và nhật báo Công Giáo La Croix công bố kết quả thăm dò tại Pháp về tình hình thiếu đói trên thế giới. Kết quả cho thấy có đến 56% người Pháp cho rằng nạn thiếu đói trên thế giới đang trầm trọng thêm. La Croix cho biết, xu hướng này đang ngày càng mạnh trong dư luận trong vòng 5 năm trở lại đây, khoảng thời gian ghi đậm dấu ấn của nạn thiếu đói: các vụ nổi dậy ở một số nước do đói khổ hồi năm 2008 và hai cuộc khủng hoảng lương thực ở khu vực Sahel Châu Phi và nạn đói ở Somalia vừa qua. Thăm dò nói trên cũng nhấn mạnh đến nguyên nhân gây thiếu lương thực hàng đầu đó là tình trạng đất trồng lương thực ở một số nước bị trưng dụng cho các dự án công nghiệp năng lượng sạch, tức thu đất trồng lúa để giao cho các nhà đầu tư trồng bắp hay mía để sản suất Ethanol chẳng hạn. Theo La Croix , từ ba năm nay, chủ đề này gây đau đầu cho Liên Hiệp Quốc và các tổ chức phi chính phủ, đồng thời cũng thu hút giới truyền thông và dư luận nói chung. Colombia, Mali : thu hút đầu tư phát triển năng lượng sinh học La Croix cũng minh chứng cho việc trưng dụng đất trồng lương thực cho ngành công nghiệp năng lượng sạch bằng trường hợp của Colombia và Mali. Tờ báo cho hay tại Colombia, có đến 7 triệu hecta đất nông nghiệp đang thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc, Braxin, Achentina, Ấn Độ và Israel với những dự án trồng bắp, đậu nành hay thông. Còn tại Mali, nhiều đất đai màu mỡ của nông dân cũng bị chính quyền trưng dụng cho nhà đầu tư nước ngoài thuê. Châu Âu, giải Nobel về nạn đói ? « Châu Âu, giải Nobel về nạn đói ? », đó là tựa đề bài viết đăng trên nhật báo Cộng Sản Pháp L’Humanité phản ánh tình hình thiếu đói tại Châu Âu. Châu Âu được xem là châu lục giàu có không hề biết đói khát là gì, thế nhưng nạn đói vẫn hiện diện. Hiện tại, tình trạng thiếu đói tại Pháp và ở Châu Âu đang có xu hướng tăng lên. Các tổ chức thiện nguyện đang ra sức kêu gọi mọi người tăng cường sức ép để cứu chương trình hỗ trợ lương thực Châu Âu (Pead). Năm rồi chương trình này đã bị cho tạm ngừng 2 năm. Tờ báo cho biết, nếu chương trình này bị dẹp bỏ, tại Châu Âu sẽ có ít nhất 18 triệu người thiếu đói. Hồi tháng 11 năm rồi, các nước thành viên EU đã phát động một dự án cứu trợ mới với mục đích là giảm bớt ¼ tỷ lệ nghèo trong giai đoạn 2014-2020 với ngân sách hàng năm là 360 triệu euro do các nước cùng đóng góp. Thế nhưng, con số này còn khá thấp so với nhu cầu thực tế. Thêm vào đó là khó khăn về pháp lí, bởi cần phải đợi Hội đồng Châu Âu thông qua vào cuối tháng này, và còn phải đợi từng nước trong khối chính thức thông qua. Hiện tại khó khăn đã xuất hiện cho dự án : 07 trong số 27 nước thành viên EU cho rằng sự đóng góp phải tùy vào thiện ý của từng nước cụ thể. Cựu hoàng Sihanouk : bảo vệ quyền lực bằng mọi giá Báo chí Pháp hôm này đặc biệt chú ý đến sự ra đi của cựu vương Cam Bốt Norodom Sihanouk qua nhiều bài tổng kết lại cuộc đời và sự nghiệp của ông với những thăng trầm lịch sử. Nhật báo cánh tả Pháp Libération cũng có bài thể hiện cách nhìn nhận của mình về nhân vật này qua bài viết chạy tựa : « Sihanouk, cố hoàng thân « đỏ » của thảm kịch Cam Bốt ». Cái « thảm kịch » mà tờ báo muốn đề cập đó chính là thảm họa diệt chủng Khơ Me Đỏ hồi cuối những năm 1970, và đây cũng là một điểm mờ trong bức tranh sự nghiệp của cựu hoàng Sihanouk. Tờ báo nhận định tổng quát như sau : chính phủ Pétain của Pháp đã đưa Sihanouk lên ngôi khi mới 19 tuổi, vì cho rằng ông là người « dễ bảo » « có thể làm « bù nhìn » cho chính quyền thuộc địa Pháp, cựu hoàng Sihanouk đã tùy theo tình hình để thay đổi liên minh nhằm duy trì quyền lực, thế nhưng ông đã không thể ngăn chặn được thảm họa diệt chủng Khơ Me Đỏ. Đi sâu vào hồ sơ Khơ Me Đỏ, Libération nhắc lại, cựu hoàng Sihanouk đã tỏ ra độc tài khi vào năm 1967 cho quân đàn áp một cuộc nổi dậy ở Samlaut làm thiệt mạng khoảng 1 000 người. Đó cũng chính là những « tiền đề » cho cuộc nội chiến đẫm máu sau này tại Cam Bốt. Vào thời điểm đó, chính cựu hoàng Sihanouk đã là người sáng tạo ra từ Khơ Me Đỏ, lấy ý tưởng từ lá cờ ba màu tượng trưng cho ba giai cấp của Pháp. Ông từng phát biểu rằng : « Ở Cam Bốt có những người « Khơ Me Xanh » theo phe cộng hòa, người « Khơ Me Trắng » theo chế độ quân chủ và người « Khơ Me Đỏ » theo cộng sản ». Theo Libération, lúc đầu cựu vương Sihanouk ủng hộ chính quyền Bắc Việt và để cho quân đội miền Bắc mượn đường trên lãnh thổ Cam Bốt để tránh các cuộc pháo kích của Mỹ. Vì thế, Washington muốn loại trừ Sihanouk. Năm 1970, Sihanouk bị lật đổ bởi Lon Nol, một người thân Mỹ khi ấy là thủ tướng. Khi ấy Sihanouk đang thăm Paris, sau đó ông phải tới Bắc Kinh để xin chính phủ Trung Quốc giúp ông chiếm lại quyền lực. Thủ tướng Trung Quốc lúc bấy giờ là Chu Ân Lai đã chấp nhận giúp đỡ, nhưng với điều kiện là Sihanouk phải ủng hộ lực lượng Khơ Me Đỏ. Libération nhận định, khi ấy Sihanouk đã thỏa thuận với Chu Ân Lai mà không hề lường trước được hậu quả diệt chủng Khơ Me Đỏ. Tờ báo còn nhắc lại, khi ấy, ông Sihanouk còn nói với một nhà báo rằng : « Khi nào lấy lại được quyền lực, tôi sẽ nhổ bỏ Khơ Me Đỏ giống những nhổ bỏ hột sơ ri vậy ». Thế rồi, ông kêu gọi người dân Cam Bốt đứng lên lật đổ Lon Nol và ủng hộ chính quyền Khơ Me Đỏ, nhờ đó mà Pol Pot và Khơ Me Đỏ lên nắm quyền và bắt đầu một thảm họa diệt chủng với gần 2 triệu người Cam Bốt bị sát hại. Năm 1975 khi Khơ Me Đỏ chiếm đóng Phnom Penh, Sihanouk được bầu làm quốc trưởng nhưng chỉ là bù nhìn, sau đó ông sống cảnh bị quản thúc tại gia. Hiểu được nguy cơ nên ngay năm sau đó ông đã từ chức và chạy đến lánh nạn ở Bắc Kinh rồi ở Bình Nhưỡng. Khi quân đội Việt Nam tiến đánh Khơ Me Đỏ trên lãnh thổ Cam Bốt, Sihanouk đã « hoan nghênh », nhưng sau đó ông phản đối chính quyền mới của Cam Bốt bởi cho rằng do Việt Nam lập nên. Libération nhắc lại, dù rằng hơn chục người trong gia đình ông bị Khơ Me Đỏ sát hại, nhưng để lật đổ cho được chính quyền « thân Việt Nam », với sự ủng hộ của Mỹ, Sihanouk đã quyết định hợp tác một lần nữa với Khơ Me Đỏ. Năm 1991, hiệp định Paris được ký kết chấm dứt 10 năm nội chiến và hai năm sau đó Sihanouk lại lên ngôi vua. Năm 2004, « vì lí do sức khỏe », quốc vương Sihanouk đã thoái vị, nhường ngôi lại cho con trai, để lên ngôi thái thượng hoàng. Theo Libération, cựu vương Sihanouk lúc đầu muốn tham gia làm nhân chứng tại phiên tòa xét xử Khơ Me Đỏ nhưng sau đó đã từ chối. Ông cũng không đồng ý việc thành lập bảo tàng diệt chủng tại Cam Bốt vì lo sợ « khơi lại vết thương quá khứ ». Tờ báo nhận định, cựu vương không muốn nhìn về quá khứ bởi lo ngại tái hiện những « bóng ma dĩ vãng » trong đó có bóng ma của chính mình. Một nhà báo từng gặp cựu vương Sihanouk nhiều lần cho biết : « Tôi không hề nghe ông ấy thừa nhận rằng ông ấy là thủ phạm » trong vụ Khơ Me Đỏ. Kinh tế : Trung Quốc khả quan, Ấn Độ u ám Trong lĩnh vực kinh tế, nhật báo Le Figaro quan tâm đến hai đại gia Châu Á là Trung Quốc và Ấn Độ với bài viết : « Giá hạ tại Trung Quốc, tăng vọt ở Ấn Độ ». Hai đại gia Châu Á này trước tiên có một điểm chung là, kinh tế tăng trưởng chậm hơn so với dự kiến, khiến Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) đã phải hạ dự báo tăng trưởng dành cho hai nước này. Thế nhưng, đi sâu vào tình hình kinh tế, hiện tại nền kinh tế hai nước đang phát triển ngược chiều nhau, khi mà lạm phát tại Trung Quốc giảm nhiều còn ở Ấn Độ thì lại tăng đáng kể. Tờ báo cho biết, lạm phát tại Trung Quốc tháng 9 rồi tăng ở mức 1,9%, tức thuộc hàng thấp nhất kể từ hai năm nay. Qua đó cũng cho thấy lĩnh vực tiêu dùng vẫn còn hạn chế dù chính phủ đã có nhiều chính sách kích cầu. Các nhà phân tích nhận định, trong bối cảnh đó, Bắc Kinh còn nhiều khả năng kích thích tính dụng và thúc đẩy tăng trưởng. Trong khi đó tại Ấn Độ chỉ số lạm phát tháng rồi đã lên đến 7,8%, tức cao nhất kể từ đầu năm. Trong bối cảnh đó, chính phủ rất khó có thể giảm lãi suất ngân hàng. Ngân hàng trung ương Ấn Độ dự kiến giảm lạm phát xuống mức 5 hoặc 6% vì thế sẽ tiếp tục chính sách thắt chặt tiền tệ. Trong khi đó, chính phủ New Delhi đang gặp khó khăn trong hành động bởi ngày càng có nhiều người yêu cầu giảm lãi suất để kích thích tiêu dùng. Công ty thẩm định tài chính Standard & Poor’s tuần rồi đã dọa hạ điểm tín nhiệm của Ấn Độ « nếu tăng trưởng nước này tiếp tục u ám, nếu tình hình chính trị tiếp tục xấu đi và nếu cải cách ngân sách tiếp tục trì trệ ». Người hiện đại có mặt ở Đông Nam Á cách đây 50 000 năm Trong lĩnh vực khảo cổ, nhật báo La Croix có bài cho biết : «Người hiện đại (homo sapien) có mặt ở Đông Nam Á cách đây 50 000 năm ». Các dữ liệu về gien và khảo cổ học cho thấy 60 000 năm trước Công Nguyên đã diễn ra làn sóng di cư ào ạt từ Châu Phi đến vùng Nam Á. Thế nhưng, khu vực Đông Nam Á lâu nay vẫn thiếu bằng chứng hóa thạch để minh chứng cho sự hiện diện của những người đầu tiên đến đây. Thế là vào năm 2009 các nhà khảo cổ đã tìm thấy một chiếc sọ người ở miền Đông-Bắc Lào, được công bố trên tạp chí PNAS của Viện Khoa học Quốc gia Hoa Kỳ hồi tháng 8 rồi và cách đây mấy hôm chiếc sọ lần đầu tiên được ra mắt các nhà báo. Các phương pháp xác định niên đại cho thấy chiếc sọ này có tuổi thọ từ 46 000 năm đến 63 000 năm. Chiếc sọ có hình dạng trán và xương hàm hoàn toàn thuộc người hiện đại. Như vậy, cách đây trên 50 000 năm người hiện đại đã có mặt ở vùng Đông Nam Á. Trước nay, các nhà khoa học vẫn cho rằng người hiện đại rời Châu Phi đi cặp theo bờ biển đến vùng Đông Nam Á, thế nhưng phát hiện nói trên đặt ra giả thuyết rằng : còn có những đường di cư khác khó khăn hơn, như dãy Trường Sơn chẳng hạn (Chaîne annamitique theo tiếng Pháp). |