Home Tin Tức Tin Nóng Cựu hoàng Campuchia Sihanouk băng hà

Cựu hoàng Campuchia Sihanouk băng hà PDF Print E-mail
Tác Giả: BBC   
Thứ Hai, 15 Tháng 10 Năm 2012 22:18

Norodom Sihanouk là người gắn liền với các giai động đầy biến động của đất nước Campuchia

   

Quốc vương Sihanouk và hoàng hậu trong lễ hội đua thuyền ở Phnom Penh hồi năm 2001

 

 

Cựu hoàng Norodom Sihanouk của hoàng gia Campuchia, nhân vật lịch sử đã trải qua nhiều thăng trầm của đất nước Đông Nam Á này, đã băng hà vào rạng sáng thứ Hai ngày 15/10.

Cựu hoàng Sihanouk đã trút hơi thở cuối cùng ở tuổi 89 tại một bệnh viện ở thủ đô Bắc Kinh của Trung Quốc sau khi lên cơn đau tim. Đã nhiều năm qua sức khỏe của ông rất yếu.

Theo tin mới nhất từ BBC Hoa ngữ, phó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã đích thân đến chia buồn với Hoàng thái hậu Monique ở Bắc Kinh.

Trong lúc này, Quốc vương Campuchia Sihamoni cũng vừa đến Bắc Kinh để đưa thi hài phụ vương Ngài về nước làm lễ tang và lễ an táng.


‘Mất mát to lớn’

Ông lên ngôi vào năm 1941 và đưa đất nước Campuchia giành được độc lập từ tay người Pháp vào năm 1953.

Mặc dù có nhiều giai đoạn phải sống lưu vong và đến năm 2004 thì thoái vị vì lý do sức khỏe, ông vẫn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn ở đất nước này.

Hồi năm 2004, Quốc vương Sihanouk đã rời khỏi ngai vàng để nhường ngôi cho con là Quốc vương Norodom Sihamoni hiện nay.

“Sự ra đi của Ngài là một mất mát to lớn đối với Campuchia,” Hoàng thân Sisowath Thomico đồng thời cũng là trợ lý của ông nói, “Quốc vương Sihanouk không chỉ thuộc về hoàng gia, Ngài còn thuộc về Campuchia và thuộc về lịch sử.”

Di hài của ông sẽ được đưa về Campuchia để phát tang chính thức tại hoàng cung ở Phnom Penh, phát ngôn nhân của chính phủ nước này cho hay.

Sinh vào năm 1922, Norodom Sihanouk là hoàng tử trưởng của Quốc vương Norodom Suramirit và Hoàng hậu Kossamak.

 Ông học trường Pháp tại Sài Gòn thuộc miền Nam Việt Nam và tại thủ đô Paris của Pháp.

Hồi năm 1941, chính phủ bù nhìn Vichy của Pháp vốn do Đức Quốc xã chỉ huy đã đưa ông lên ngai vàng Campuchia mà bỏ qua phụ vương của ông lúc đó vẫn còn sống với hy vọng dễ bề thao túng nhà vua mới 18 tuổi

Tuy nhiên, sau khi Đệ nhị Thế chiến kết thúc, Quốc vương Sihanouk đã dấn thân trên trường quốc tế để giành độc lập cho đất nước ông.

Cuối cùng Campuchia cũng giành được độc lập mà không đổ máu vào năm 1953 – sau gần một thế kỷ cai trị của người Pháp.

Hai năm sau, ông thoái vị để nhường ngôi lại cho phụ vương. Ông trở thành thủ tướng và bộ trưởng Ngoại giao của Campuchia.

Ông đã nỗ lực, nhưng bất thành, để giữ đất nước ông tránh khỏi Chiến tranh Lạnh lúc đó đang bao trùm lấy cả khu vực đông nam Á châu vào những năm 1970.
Thỏa thuận định mệnh

Khi Lon Nol tiến hành đảo chính với sự hậu thuẫn của Mỹ để lãnh đạo đất nước, Sihanouk, lúc đó buộc phải đi lưu vong ở Bắc Kinh, trong bối cảnh Mỹ ném bom các du kích quân Việt Cộng đang hoạt động bên trong lãnh thổ Campuchia.

Chính tại Bắc Kinh ông đã có một thỏa thuận định mệnh với lực lượng phiến quân theo chủ nghĩa Mao lúc đó là Khmer Đỏ vốn đang ngày càng lớn mạnh. Khi Khmer Đỏ tiếm quyền vào năm 1975, Sihanouk về nước với tư cách nguyên thủ nhưng bị bắt giữ ngay sau đó.

Sau đó ông bị quản thúc tại hoàng cung trong gần bốn năm mà Khmer Đỏ cai trị đất nước với khoảng 1,7 triệu người bị tàn sát.

 

Norodom Sihanouk

 

Thái thượng hoàng Sihanouk băng hà là tổn thất to lớn của Campuchia

Đồng bào của ông hoặc bị giết, hoặc lao động khổ sai, hoặc bị bỏ đói đến chết sau khi Khmer Đỏ đuổi người dân ra khỏi các thành phố về nông thôn làm việc.

Sihanouk sau đó đã lên án Khmer Đỏ đã gây ra các cuộc thảm sát, trong đó có con cái của chính ông.

Khi quân đội Việt Nam lật đổ chế độ Khmer Đỏ, một lần nữa Sihanouk chạy đến Bắc Kinh. Ông không về nước trong suốt 13 năm trong lúc Campuchia đang trải qua nội chiến và vật lộn để tái thiết từ điêu tàn.

Vào năm 1991, khi Liên Hiệp Quốc thuyết phục được Việt Nam rút quân và đưa đất nước Campuchia theo một lộ trình dân chủ, Sihanouk về nước và một lần nữa lên ngôi vua vào năm 1993.

Càng ngày ông càng đóng vai trò trung gian hòa giải giữa các phe phái chính trị kình chống nhau của Campuchia. Tuy nhiên khi đất nước ông đang dần đi đến sự ổn định chính trị thì sức khỏe của ông cũng ngày một suy yếu.

Năm 2004, ông loan báo ông sẽ nhường ngôi cho một trong số các hoàng tử của ông là Norodom Sihamoni vốn từng là vũ công ballet. Quốc vương Sihamoni đăng quang vào tháng 10 năm 2004.
Bắc Kinh chia buồn

   Sau khi nhường ngôi, Sihanouk giành phần lớn thời gian ở nước ngoài, khi ở Bắc Kinh, khi ở Bình Nhưỡng.

Tuy nhiên ông vẫn là một nhân vật có tầm ảnh hưởng ở tầm vóc quốc gia. Mặc dù bị chỉ trích là chuyên quyền và xa rời dân chúng và bị một số người buộc tội là ủng hộ chế độ Khmer Đỏ lúc đầu nhưng ông vẫn là biểu tượng của tấm lòng trung kiên với đất nước trong những năm tháng Campuchia chìm trong bạo lực.

Trung Quốc đã nhanh chóng gửi lời chia buồn với Campuchia và ca ngợi cựu hoàng Norodom Sihanouk là ‘một người bạn lớn của nhân dân Trung Quốc’ hôm thứ Hai ngày 15/10.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết các quan chức hàng đầu của nước này bao gồm Ủy viên Quốc vụ viện Đới Bỉnh Quốc, quan chức ngoại giao cao nhất của nước này, và Ngoại trưởng Dương Khiết Trì đã đến tận bên giường bệnh của Sihanouk và gửi lời chia buồn đến Hoàng thái hậu Monique.

Trung Quốc là nơi vị cựu hoàng thường xuyên lui tới để chữa bệnh. Kể từ tháng Giêng năm này, ông đã ở luôn tại dinh thự riêng tại Bắc Kinh.

Trong giai đoạn đầu của sự nghiệp chính trị của mình và nhất là trong cuộc chiến tranh Đông Dương và Chiến tranh Lạnh, cựu hoàng Sihanouk đã được sự ủng hộ của Bắc Kinh như là một đồng minh quan trọng.

Cá nhân ông cũng thân cận với các lãnh đạo cách mạng Trung Quốc như Mao Trạch Đông và Chu Ân Lai.

“Tôi luôn xem Trung Quốc là quê hương thứ hai... chỉ có Trung Quốc đã ủng hộ chúng tôi, cuộc kháng chiến của người Khmer. Liên Xô không muốn chúng tôi,” ông từng phát biểu hồi năm 1971