Khoảng 70,000 căn nhà tại Sài Gòn-Hà Nội bỏ trống |
Tác Giả: Người Việt |
Thứ Bảy, 13 Tháng 10 Năm 2012 22:02 |
Hàng tỉ đô la mục dần HÀ NỘI (NV) - Chỉ riêng tại 2 thành phố lớn nhất nước Hà Nội và Sài Gòn, khoảng 70,000 căn nhà hoặc đã hoàn tất, hoặc xây dở dang rồi bỏ cho cỏ dại mọc.
Một khu nhà xây dựng dở dang rồi bỏ cho cỏ dại mọc ở phía Tây thành phố Hà Nội. (Hình: HOANG DINH NAM/AFP/GettyImages)
Các nhà đầu tư địa ốc, trong đó không ít là những đại gia quốc doanh muốn ăn xổi, vay tiền ngân hàng xây ào ạt, nay đang trong cái thế chết chùm. Báo Lao Ðộng ngày Thứ Sáu 12 tháng 10, 2012 dẫn một bài tham luận về kinh tế Việt Nam năm 2012 của bộ phận nghiên cứu thuộc tổ chức đầu tư Dragon Capital nêu con số nhà “tồn kho” khổng lồ như trên và nói các nhà đầu tư chôn trong đó từ 70,000 tỉ đồng (khoảng $3.5 tỉ USD) đến 140,000 tỉ đồng (khoảng $7 tỉ USD) nếu trị giá của mỗi căn nhà tối thiểu từ 1 tỉ đồng đến 2 tỉ đồng. Tờ báo dẫn chi tiết của bản tham luận cho biết 69 đại gia đầu tư địa ốc (gồm nhiều đại gia quốc doanh của Bộ Xây Dựng CSVN) niêm yết trên sàn giao dịch, tính đến quý thứ tư của năm 2011, đã gánh số nợ khoảng 67,000 tỉ đồng (khoảng $3.35 tỉ USD) từ các ngân hàng thương mại và phải trả tiền lời mỗi năm 13,400 tỉ đồng (khoảng $670 triệu USD). Riêng trong năm nay, nợ đáo hạn phải trả lên đến 39,800 tỉ đồng hay khoảng $1.99 tỉ USD. Các công ty đầu tư xây cất không bán được nhà, không có tiền trả nợ, hệ thống ngân hàng ở Việt Nam ôm một số nợ khó đòi khổng lồ, rất có thể mất luôn. Theo tờ Lao Ðộng, tiền mặt của 69 đại gia đó chỉ đủ trả một phần tư số nợ và “lợi nhuận từ hoạt động kinh doanh trước lãi vay và thuế chỉ bằng 1/3 chi phí lãi vay mỗi năm. Ước lượng, tổng tiền nợ khách hàng của các doanh nghiệp bất động sản chừng 50,000 tỉ đồng- tương đương $2.5 tỉ USD. Ðây là số nợ khủng khiếp. Con số này có thể còn lớn hơn cả nợ xấu ngân hàng”. Bán không được, bị chôn vốn, có những công ty quảng cáo bán giảm giá tới 50% trên 1m2. Liên tiếp mấy năm trước, tăng trưởng kinh tế hơn 7%, nhà xây lên bán ào ào. Nhiều công ty quốc doanh lớn dù không phải trong ngành xây dựng, như Vinashin, cũng chen vào vay tiền ngân hàng xây nhà kiếm ăn. “Những năm qua, thị trường bất động sản Việt Nam phát triển không ổn định. Những cơn sốt giá và lợi nhuận trong kinh doanh đã phát đi những tín hiệu sai lệch về nhu cầu và khả năng chi trả thực sự của thị trường, tạo nên làn sóng DN ồ ạt đổ vào đầu tư phát triển BÐS, kể cả các đơn vị không có kinh nghiệm và năng lực tài chính. Dư nợ cho vay bất động sản tăng nhanh lại đầu tư quá lớn vào phân khúc cao cấp, trong khi nguồn cầu lại chủ yếu là phân khúc bình dân và thu nhập thấp”. Ông Nguyễn Trần Nam, thứ trưởng Bộ Xây Dựng CSVN nói trên báo Lao Ðộng. Ngày 19 tháng 9 năm 2012, báo Lao Ðộng nói “thị trường bất động sản suy thoái gần như toàn diện”. Rất nhiều khu vực ở Hà Nội và Sài Gòn, nhà cầm quyền “quy hoạch” rồi ép dân bỏ cày bán đất ruộng cho các quan xây nhà bán kiếm lời. Hiện nhiều nơi dân không được trồng cấy gì, “dự án đô thị” bỏ cho cỏ dại mọc. Theo tờ Tuổi Trẻ ngày 17 tháng 9 năm 2012, chỉ riêng huyện Mê Linh đã có tới 110 dự án xây nhà lập khu đô thị mới với tổng diện tích đất của dân bị “thu hồi” tới 2,312 ha. “Ðiểm chung của các dự án này là phần lớn diện tích đã giải phóng mặt bằng xong đều bỏ hoang cho cỏ mọc”. Báo Tuổi Trẻ viết. Mức lợi tức đầu người ở Việt Nam chỉ khoảng 1,300 đô la một năm nhưng giá bán một căn nhà lên hàng trăm ngàn đô la, đại đa số quần chúng chỉ có thể đứng xa mà ngó. “Giả định phần lớn nguồn cung bất động sản trong những năm gần đây là nhằm tới nhóm đối tượng có mức thu nhập bình quân đầu người cao nhất thì với mức thu nhập 70 triệu đồng (năm 2010) người đó cũng phải mất tới hơn 20 năm không tiêu dùng gì mới đủ để mua một căn nhà bình thường trị giá khoảng 1.5-2 tỷ đồng hoặc mất hơn 5 năm nếu cả gia đình 4 người có thu nhập bình quân 5 triệu đồng/người/tháng không tiêu dùng gì cả”. Báo Pháp Luật Việt Nam (cơ quan tuyên truyền của Bộ Tư Pháp CSVN), dẫn lời ông Tiến Sĩ Vũ Ðình Ánh nói như vậy. Theo báo VNExpress ngày 17 tháng 9, 2012 có những công ty xây dựng “Cam kết bàn giao nhà vào quý 1/2012 nhưng đến quý 3 dự án An Ðiền (quận 8, Sài Gòn) chỉ xây được nửa phần thân nên đã bị khách hàng đòi rút vốn vì chậm bàn giao nhà.” Không những vậy “Không chỉ khách hàng cá nhân muốn trả nhà đòi tiền, các cổ đông và đối tác lớn cũng theo nhau cơ cấu danh mục đầu tư khiến doanh nghiệp bất động sản khó khăn chồng chất khó khăn”. Sau mấy bài viết về tình trạng “chết lâm sàng” của các công ty đầu tư bất động sản, báo Lao Ðộng ngày 26 tháng 9, 2012 nói rằng “hết thuốc chữa cho thị trường bất động sản”. (T.N.) |