Home Phiếm Trà Lũ Mùa Xuân Dân Chủ

Mùa Xuân Dân Chủ PDF Print E-mail
Tác Giả: Trà Lũ   
Chúa Nhật, 13 Tháng 5 Năm 2012 07:34

Sống ở Canada gần 40 năm mà chưa bao giờ tôi thấy giới truyền thông Canada nói tới lịch sử Canada nhiều như tháng này.

Chẳng hạn biến cố Canada đánh bại quân Mỹ khi Mỹ tiến lên xâm lăng Canada vào năm 1812. Lúc đó Mỹ có ý chiếm luôn Canada. Canada sắp làm lễ kỷ niệm 200 năm chiến thắng này vào lễ quốc khánh sắp tới.


Chẳng hạn chiến thắng oanh liệt của quân đội Canada trong Đệ Nhất Thế Chiến khi chiếm được ngọn đồi Vimy Ridge ở Pháp. Ngọn đồi này ở miền bắc nước Pháp bị quân Đức chiếm giữ và phòng thủ kiên cố. Quân Pháp và quân Anh đã mở nhiều cuộc tấn công dữ dội tái chiếm mà đều thất bại. Thế mà binh đội Canada gồm 4 sư đoàn dưới quyền chỉ huy tài ba của tướng Sir Arthur Currie, 5 giờ 30 sáng tinh mơ ngày 12.4.1917, đã dùng chiến thuât mưa bom mưa pháo mà chiếm được ngọn đồi dài 7 cây số này. Rõ ràng quân Canada giỏi hơn quân Anh và quân Pháp. Thật là vinh quang và hiển hách lắm chứ. Chiến thắng to lớn này đã làm cả thế giới ngạc nhiên và thán phục một nước còn rất trẻ nhưng đầy sức mạnh và tiềm năng.


 Đọc kỹ lịch sử Canada tôi mới thấy Canada là một nước có lòng với thế giới, trong việc bảo vệ hòa bình, cứu giúp người nghèo và người tỵ nạn. Lúc tham gia Thế Chiến Thứ Nhất thì Canada mới vừa đúng 50 tuổi và dân số mới trên 8 triệu. Nào có quy luật nào, quy ước nào bắt một nước trẻ và ít người như vậy tham gia cuộc chiến đâu! Thế mà Canada vẫn cho quân đi nửa vòng trái đất, từ Bắc Mỹ sang tận Âu châu để đánh Đức quôc xã. Nhưng Canada đã trả một giá rất đắt cho chiến thắng Vimy Ridge trên đây : 3.598 người chết và 10.600 người bị thương.


           Ngày 12 tháng Tư vừa qua, Canada đã làm lễ tưởng niệm và ghi ơn những người đã nằm xuống trong trận chiến này. Lễ được diễn ra khắp nơi, tại thủ đô Ottawa, tại Toronto. Điều làm tôi sửng sốt hết sức là năm nay đã có hơn 5.000 sinh viên Canada sang miền Vimy Ridge ở Pháp để thăm viếng chiến địa ngày xưa. Đây là những cháu chắt các chiến sĩ Canada đã tham dự trận đánh. Dân làng Vimy Ridge ở Pháp đã ôm lấy những người anh em Canada thân yêu này và tiếp rước rất nồng hậu. Chỉ tiếc là hiện nay ở Canada không còn sống một cựu chiến binh nào của trận chiến này.
 Chẳng hạn biến cố Titanic, con tàu lịch sử đã chìm xuống đại dương cách đây đúng 100 năm. Tàu đụng băng sơn lúc 11g40 đêm 14.4.1912 và chìm lúc 2g20  sáng 15.4.11912 . Mãi gần đây, ngày 11.9.1985 mấy khoa học gia Pháp và Mỹ mới tìm ra đúng vị trí xác con tàu. Nơi này chỉ cách miền Halifax thuộc tỉnh bang Newfoundland của Canada 600 cây số về phía đông nam. Ngày đó Halifax đã tiếp rước hơn 700 nạn nhân được tàu cứu sinh đem vào bờ. Ngoài ra, 4 tàu Canada còn đi vớt xác đang trôi trên mặt biển. Trong số 332 xác vớt được, 150 xác đã được chôn cất ở nghĩa trang Halifax. Ngày lễ vừa qua, rất đông người đã đến viếng nghĩa trang.


 Tại Halifax, đúng giờ năm xưa con tàu chìm, chuông nhà thờ đã đổ hồi như vẫn còn nhớ thương những nạn nhân đã mất. Chính nhà thờ cổ kính này cách đây 100 năm đã làm lễ tiễn đưa các nạn nhân. Năm nay, có hai chuyến tàu đã đến viếng đúng vị trí tàu Titanic chìm, một tàu đến từ Anh Quốc nơi tàu Titanic xuất phát, và một tàu đến từ New York là điểm tới mà con tàu dự định. Bao nhiêu vòng hoa đã được thả xuống, bao nhiêu lời kinh đã được cất lên. Khách trên tàu đa số là con cháu chắt của những nạn nhân đã bỏ mạng nơi đây. Đặc biệt có ông già Connor O’Daly cho báo chí biết : cha mẹ tôi đã mua vé đi chuyến tàu lịch sử này, nhưng vào phút trót vì tới trễ nên đã hụt lên tàu, nhờ thế mà thoát chết và nhờ thế mới có chúng tôi. Bà Lori-Anne Beckford, một công chức liên bang của Canada cũng tới thăm Halifax vào ngày lịch sử vừa qua, bà đã cho biết cảm nghĩ như sau :  Có 2 bài học ta nên rút ra từ biến cố Titanic. Thứ nhất là trên đời không có cái gì mà không chìm được, thứ hai chúng ta chớ bao giờ kiêu căng và tự mãn.


 Còn ở Toronto cũng có những buổi tưởng niệm. Các rạp chiếu phim Titanic đều đông nghẹt. Khách sạn Windsor Arms Hotel tổ chức một bữa ăn tối sang trọng mà thực đơn đúng y chang thực đơn bữa ăn tối cuối cùng trên tàu Titanic. Thực khách được yêu cầu bận lễ phục như thực khách hạng nhất trên tàu năm xưa. Còn quán Ceili Cottage  thì bán thức ăn đúng y như thực đơn dành cho khách bình dân hạng ba củaTitanic : một tô xúp và một miếng bánh mì thịt bò.


 Chị Ba Biên Hòa nghe nói tới phim Titanic bèn hỏi chuyện tình Rose và Jack trong phim có thực hay không. Các cụ còn nhớ mối tình đẹp tuyệt vời giữa anh chàng Jack thuộc hạng 3 trên tàu với cô Rose khách hạng nhất trong phim chứ. Ôi mối tình thơ mộng và táo bạo làm sao.


Bồ chữ ODP trong làng liền trả lời ngay : Tôi cũng có thắc mắy y như Chị. Tôi lên mạng tìm hiểu và thấy rằng chuyện tình không có thật. Đây là tài nghệ thần diệu của nhà làm phim. Tác giả đã biến chuyện một con tàu khô khan hóa thành một ngôi nhà tình ái tuyệt vời. Tuy chuyện tình Rose và Jack không có thật, nhưng có một chuyện tình rất thật rất cảm động đã xảy ra khi con tàu Titanic sắp chìm. Sách báo ghi rất rõ ràng. Đó là chuyện bà Ida Straus từ chối lên tàu cứu sinh để ở lại cùng chết với chồng là ông Isidor Straus. Bà bảo : “Vợ chồng mình đã sống với nhau bao nhiêu năm, nay mình ở đâu em sẽ ở đó. Trên tàu còn nhiều phụ nữ và trẻ em cần được cứu sống”. Nóí xong bà đã đẩy chị giúp việc Ellen Bird lên tàu cứu sinh và cởi luôn chiếc áo choàng bằng lông thú hiếm qúy trao cho chị :  “Chị giữ lấy mà dùng, tôi sẽ không còn cần đến nó nữa”. Hai ông bà đã chết theo tàu. Câu chuyện tình yêu vợ chồng và lòng can trường này đã được những người sống sót kể lại và đăng trên báo chí ngay ngày hôm sau.  Xác bà vợ Ida mất tích. Xác ông chồng Isidor đã được con tàu Mackay-Bennett vớt được và người ta đã mai táng ông tại nghĩa trang Bethel ở Bronx, thành phố New York. Trên bia mộ, người ta đã ghi những dòng chữ này :  Many waters cannot quench love, neither can the floods drown it  /  Nước đại đương không thể dập tắt được lửa yêu, sóng thần cũng không thể nhận chìm được tình yêu.


Đọc thêm tài liệu người ta còn kinh ngạc và thán phục hơn khi biết rằng thời đó ông Isodor Straus vừa là dân biểu của liên bang Hoa Kỳ vừa là chủ nhân giầu có của cửa hàng danh tiếng Macy ở New York. Ông bà là hai vị khách hạng danh dự của chuỳến tàu, được mọi người kính nể. Hai người danh tiếng và giầu có như vậy mà sẵn lòng ôm nhau cùng chết theo tàu, nhường chỗ cho những đàn bà và trẻ em khác, thật đáng kính phục vô biên, và là một tấm gương lớn cho hậu thế.


Xin được ngưng chuyện tình Titanic.


Bây giờ xin trình chuyện sinh hoạt của làng tôi. Chuyện phải kể ngay là ngay thượng tuần tháng Tư làng tôi đã rủ nhau đi xem hoa anh đào. Toronto cũng có nhiều nơi trồng anh đào, chỗ có nhiều nhất và hoa nở đẹp nhất là công viên High Park. Năm nay vì mùa xuân đến sớm, tiết trời ấm lên lạ thường nên cây hoa gốc Nhật này nở khá sớm. Nhiều dân làng đã coi chuyến đi xem hoa này là một thứ đi thiền, đi ngắm hoa để lòng mình lắng xuống. Không ngờ làng tôi đã trở thành làng thiền sinh. Dân làng lại còn trở thành các nhiếp ảnh gia. Thế mới hay chứ. Bây giờ cái máy điện thoại cầm tay cũng là cái máy chụp hình. Các cụ có biết hoa anh đào nhìn lúc nào thì đẹp nhất không ? Thưa, lúc có ánh nắng chiếu vào. Hoa anh đào quê nó ở Nhật nên nó giống y như người Nhật. Nó đứng một mình thì không đẹp, nhưng san sát bên nhau thì hoa anh đào trông đẹp hết sức vậy đó. Chỉ tiếc một điều là hoa anh đào ở Canada không có mùi thơm. Ông bồ sách ODP cho biết chỉ có hoa anh đào mọc bên Nhật mới thơm, nhất là mọc ở chân núi Phú Sĩ thì thơm đặc biệt. Khi hoa ra khỏi nước thì nó không đem theo hương thơm đi cùng. Bên Mỹ  hoa anh đào đẹp nổi tiếng ở thủ đô Washington DC. Nghe nói thủ đô này có những 3.000 cây anh đào, và các cây này vừa mừng 100 năm có mặt ở thủ đô. Theo sách ghi lại thì năm 1910 Minh Trị Thiên Hoàng đã gửi biếu thủ đô 2 .000 cây nhưng  hai năm sau, khi  nhà vua Nhật băng hà, các cây anh đào ở đây cũng đã khóc thương vua mà tàn héo hết. Người Nhật cho là điềm không tốt nên liền tức tốc gửi anh đào mới sang thay thế. Năm 1965 số cây anh đào ở thủ đô Washington DC đếm được 3.800 gốc,
Canada cũng trồng hoa anh đào, cũng lấy giống từ Nhật. Và tôi nói điều này xin các cụ bên Hoa Kỳ đừng buồn nha, là nơi trồng hoa anh đào nhiều nhất Bắc Mỹ không phải Washington DC mà là Vancouver, miền tây Canada nha, nơí mấy năm trước đây đã tổ chức thế vận hội mùa đông ấy mà.  Ở Washington DC theo báo chí cho biết có 3.000 cây anh đào, bên Vancouver có những 37.000 cây, nghĩa là nhiều hơn 10 lần.


Tiếng Nhật gọi hoa anh đào là ‘sakura’. Người Nhật có một bài dân ca rất lâu đời và rất nổi tiếng, tên là Sakura. Dân Nhật ai cũng biết cũng thuộc. Các cụ nếu quen người Nhật nào thì xin họ hát bài Sakura cho mà nghe. Êm ái dịu dàng hay lắm. Đối với người Nhật hoa anh đào tượng trưng sắc đẹp, bởi vậy người Nhật có một điều ước :


Nếu là hoa, xin làm hoa anh đào,
Nếu là người, xin làm võ sĩ đạo samurai


Có lẽ cụ Tố Hữu lãnh tụ văn chương của CSVN thích câu này của người Nhật nên cụ cũng làm hai câu ước nhái theo, mộng của cụ như sau:


 Nếu là hoa, xin làm hoa hướng dương,
 Nếu là người, xin làm người cộng sản


Ai muốn theo chân cụ Tố Hữu thì nhớ phải là hoa hướng dương và là người cộng sản nha.
Ở Nhật, đất tổ của hoa anh đào, năm nào cũng có lễ hội mừng hoa nở rất trọng thể và ở khắp nưóc. Nơi chính vẩn là thủ đô Tokyo. Riêng năm nay, đáng lẽ lễ hoa anh đào được tổ chức vào ngày 14 tháng Tư, nhưng Nhật đã phải hủy bỏ với lý do ‘Để chuẩn bị cho tình huống bất ngờ’. Tình huống này chỉ việc Bắc Hàn phóng vệ tinh. Thay vì chuẩn bị mừng lễ hoa anh đào, bộ Quốc Phòng Nhật đã phải bày binh bố trận đề phòng cái anh CS Triều Tiên khùng, sợ nó cắn trộm bất ngờ.
 Cụ B.95 ngồi nghe chúng tôi nói các chuyện trên trời thì ngáp liên hồi. Chị Ba Biên Hòa nháy anh John . Anh John hiểu ý bèn lên tiếng xin ngưng các thứ chuyện cao siêu trên trời để nói chuyện dưới đất. Cụ B.95 nghe xong liền vái anh John ba cái : Xin đội ơn thần tượng của tôi. Chỉ có anh là hiểu rõ tâm can của tôi.


           Anh John cũng vái lại cu 3 cái rồi xin kể chuyện Canada. Chuyện đầu tiên là chuyện nước Canada vừa được quốc tế sắp hạng thứ 5 về mặt hạnh phúc trong danh sách 156 quốc gia.  Bốn nước được đánh giá có hạnh phúc cao hơn Canada là nước Đan Mạch, Na Uy, Phần Lan, và Hòa Lan. Theo bản công bố của cơ quan LHQ nghiên cứu về vấn đề hạnh phúc, World Happiness Report, thì cơ quan này đã căn cứ vào 5 yếu tố để cho điểm  : ‘Gia đình, sức khoẻ, tài sản, tự do, không có tham nhũng’. Canada đứng thứ 5, Hoa Kỳ thứ 11 và Anh Quốc thứ 18. Đứng cuối cùng là nước Benin và Togo ở Phi Châu.


             Cụ B.95 nghe xong thì vừa cười vừa nói : Có lẽ cái cơ quan này nói sai phần đầu. Canada mới là nước hạnh phúc nhất thế giới chứ. Tôi đã hỏi mấy ông bà gìà bạn thân của tôi bên Pháp, bên Đức, bên Mỹ, thì tôi thấy không đâu bằng được Canada. Nào có xứ nào mà đêm nằm ngủ không phải đóng cửa, không bị thằng công an vào xét giấy, thuốc men không phải mất tiền mua, cứ cuối tháng chính phủ nhét vào ví của mình hơn một  ngàn đô la, thức ăn ê hề chung quanh…Báo chí mới cho biết rằng một thày tiên tri nổi tiếng như thần nói CSVN và CS Tàu sắp sụp đổ đến nơi… Ôi, tôi sung sướng qúa. Chúng ta ở Canada hạnh phúc nhất thế giới, phải không các bác.


 Bồ chữ ODP lúc này mới lên tiếng : Cụ nói đúng, tôi cũng đồng ý với cụ là Canada phải là nước hạnh phúc nhất thế giới. Cứ xem dân làng ta đây này, nào có ai phải khổ sở gì đâu, mặt mũi ai cũng tươi rói, gặp nhau là cười liên tu bất tận, chúng ta đang ở thiên đàng chứ còn gì nữa. Nhân nghe chuyện hoa anh đào bên Nhật và nhắc tới võ sĩ đạo samurai bên Nhật, hôm nay xin cho tôi nói lạc đề một chút, tôi xin nói về cái vốn văn chương chữ nghĩa của họ. Chuyện của tôi hôm nay như thế này:


Người Nhật cũng như người Việt Nam, ai cũng ghét cái lối bá đạo  chuyên đi  xâm lăng của người Tàu nhưng, lạ thay, ai cũng yêu cái kho văn chương chữ nghĩa ngày xưa của Tàu. Một chứng cớ rõ ràng nhất là người Nhật nói chung rất thích truyện Tam Quốc Chí. Họ viết ra tiếng Nhật bằng văn vần văn xuôi, còn cả bằng tranh nữa. Đặc biệt họ mê nhất hai nhân vật Lã Bố và Triệu Tử Long.
 Người Nhật coi 2 nhân vật này là hai võ sĩ đạo samurai vì hai người hùng lúc nào cũng quyết chiến và quyết thắng. Triệu Tử Long là một nhân vật thật đặc biệt thời Tam Quốc. Về binh nghiệp thì chàng chưa hề thua trận bao giờ, chỉ có một lần giả thua là vì phải theo lệnh của Khổng Minh để dụ địch vào bẫy. Ngay cả khi rút quân, nếu biết có Triệu Tử Long đi đoạn hậu thì địch quân không bao giờ dám đuổi theo. Như trong lần đưa Khổng Minh từ Đông Ngô về trên một chiếc thuyền nhỏ, Triệu Tử Long đã chỉ dùng một nũi tên mà bắn đứt dây buồm chiến thuyền của tướng Ngô Từ Thịnh làm ông tướng này kinh sợ không dám đuổi theo để giết Khổng Minh theo lệnh của Chu Du nữa. Trong số ngũ hổ tướng  của Tam quốc Chí, chỉ có Triệu Tử Long và Mã Siêu là an nhàn chết già vì bệnh, còn ba ông tướng kia thì chết thê thảm : Quan Vũ bị chặt đầu, Trương Phi bị tùy tướng hạ sát, Hoàng Trung trúng tên.


         Còn Lã Bố thì là một tướng tài, có sức khoẻ hơn người, cỡi ngựa bắn cung vô địch thiên hạ, dám mê Điêu Thuyền một tỳ thiếp của bố nuôi Đổng Trác.  


 Kể đến đây rôi ông ODP ngừng lại nhấp một miếng trà. Thấy dân làng vẫn mải mê theo dõi câu chuyện thì ông luận tiếp : Xin chấm dứt chuyện người Nhật mê Triệu Tử Long và Lã Bố. Xin bàn sang chuyện bên cạnh. Đó là chuyện sex. Thường thì các chuyện xưa nay đều phải có sex mới hay, phải không cơ. Thế nhưng các bạn đọc kỹ mà xem, bộ Tam Quốc Chí dài bao nhiêu tập mà tác giả La Quán Trung không hề tả cảnh sex nào cả, thế mà độc giả vẫn say mê. Đáng nể qúa chứ.
 Anh John xin có ý kiến : bác ODP nói đúng, sách Tam Quốc Chí không tả cảnh sex mà vẫn hay. Sở dĩ nó hay nó hấp dẫn là vì tài viết văn diễm tuyệt của tác giả. Ngòi bút của tác giả có thần. Chứ cuộc đời này mà không có sex thì không phải là cuộc đời. Có âm có dương thì mới có thế gian này. Có âm có dương thì mới nảy ra tình yêu, mới có nam có nữ. Nam nữ hút nhau, đó là cuộc đời.  Ý tưởng này tôi thấy được nói rõ trong Kinh Dịch :


             ‘ Nhất âm nhất dương chi vị Đạo’
              Một âm một dương gọi là Đạo


Ông ODP giơ tay xin phát biểu ngay : Anh John nói vòng vo như vậy là nói chuyện chữ nghĩa và sách vở kinh điển. Lúc nãy tôi khen Tam Quốc Chí không nói sex mà vẫn hay là chỉ cốt đề cao tài viết văn có thần của tác gỉả La Quán Trung mà thôi, chứ tôi không hề chối bỏ việc trai gái yêu nhau, vợ chồng yêu nhau. Đó là cái lý đương nhiên phải có. Kìa xem ai nhiều chữ nghĩa và triết lý như cụ Nghè Nguyễn Khuyến ngày xưa, thế mà Cụ cũng đã gật gù với câu nói dân gian:


              Sự đời như cái lá đa
             Đen như mõm chó, chém cha sự đời.


Cụ Nguyễn Khuyến đã đặt lá đa vào hàng ‘càn khôn’, nghĩ đi thì cho là tục, mà nghĩ lại thì thấy nó hay thấm thía và đúng vô cùng. Cu Nguyễn Khuyến nói về âm dương càn khôn hay qúa sức. Sách vở ghi rằng thuở ấy có Cô Tư Hồng ở xóm trên, và cụ Nguyễn Khuyến ở xóm dưới. Cô Tư Hồng là một cô điếm hạng thượng lưu. Cô được vua phong tước ‘ Phụ nhân của Triều Đình’, bố cô được phong tước Hàn Lâm Thị Độc tức là chức ông hàn đọc sách cho vua nghe. Cô bèn  mở đại tiệc ăn khao sắc phong. Cô liền cho dựng cổng chào. Cô đến xin cụ Nguyễn Khuyến mấy chữ đại tự treo ở cổng chào. Cụ Nguyễn Khuyến liền cho 3 chữ đại tự ‘ Cửa Càn Khôn’. Người bước qua cổng chào một cách vui vẻ và hãnh diện là ông thống sứ Pháp vì ông có hiểu gì chữ của Cụ Nguyễn Khuyến đâu. Còn các quan An Nam vì hiểu thâm ý cụ Nguyễn Khuyến nên khi bước qua cổng thì mặt ai cũng đỏ gay. Nhưng các quan đều bước qua hết vì nghĩ cho cùng ở đời trăm họ đều ở cửa càn khôn mà ra cả.


 Hôm sau có anh đồ nho xỏ lá dán dưới 3 chữ đại tự Cửa Can Khôn câu đối này:


       Khi khép lại khìn khin khít khịt
       Lúc mở ra toác toạc toàng toang.


Các quan gật gù cười rồi nói nhỏ với nhau : Cái bác đồ nho này viết lách rõ ràng lộ liễu qúa, không kín đáo như Cụ Nghè chút nào!


Cũng một lập trường về cửa càn khôn như cụ Nguyễn Khuyến trên đây, Cụ tiến sĩ Uy viễn Tướng Công Nguyễn Công Trứ, theo khẩu truyền thì cụ có tới 16 bà vợ. Bạn bè chê cụ là dê xồm, là ‘dâm’. Cụ cười rồi bảo : Không dâm sao nảy ra thánh hiền ?’. Chính cụ đã tự thật chuyện cụ ngủ đêm với một cô gái trên sông Hương :


 Thuyền nan một chiếc cỏn con
 Một cô thiếu nữ, một quan đại thần
            ………….
 Ban ngày quan lớn như thần
 Ban đêm quan lớn tần mần như ma
 Ban ngày quan lớn như cha
 Ban đêm quan lớn rầy rà như con


Các cụ có thấy bài thơ này hay tuyệt vời không? Hay qúa chứ, những chữ ‘ tần mần như ma’ , ‘rầy rà như con’ qủa là có lửa, quả là có thần.


 Tôi mới chỉ nói tới Cụ Nguyễn Khuyến và Cụ Nguyễn Công Trứ, những vị chỉ nói sơ sơ vòng ngoài về cửa càn khôn thôi, chứ những vị mà nói ngay tới vòng trong, ngay tới tâm điểm như nữ sĩ Hồ Xuân Hương thì còn gay cấn hơn nhiều.


          Nói đến đây ông ODP xem đồng hồ rồi ông thưa với cả làng : Về đề tài này thì nói cả ngày không hết, xin cho tôi ngưng ở đây để mời Cụ Chánh tiên chỉ làng cho ý kiến.

                   
Cụ Chánh lên tiếng ngay : Đúng như ông bạn gìa ODP nói : đề tài Cửa Càn Khôn mênh mang như đại dương, chúng ta cứ để đó, cứ cất vào kho để dành, mỗi lần họp làng ta nói xa nói gần một tý cho vui. Hôm nay đã gần cuối tháng Tư, sắp đến ngày kỷ niệm đau thương mất nước, xin cho lão phát biểu đôi lời về nạn Cộng sản.


 Gíá mà CSVN có được một chút lương tâm của tiền nhân thì đất nước ta đã không khổ sở như bây giờ. Khi nói tới tiền nhân lão muốn nói tới cái tâm của Cụ Nguyễn Trãi và của Vua Lê Thánh Tông.
 Cụ Nguyễn Trãi đã dạy con cháu về cái tâm phải lớn như thế này:


            Đem đại nghĩa để thắng hung tàn
            Lấy chí nhân mà thay cường bạo…


          Vua Lê cũng có một tấm lòng nhân ái y như Nguyễn Trãi. Khi quân ta nổi lên đánh đuổi giặc Minh, với khí thế vũ bão, quân ta đánh đâu được đó. Biết sức mình không chống nổi, tướng nhà Minh là Vương Thông và quân sĩ của ông ta xin đầu hàng. Quân ta muốn giết chúng hết để trả thù tội ác chúng làm trong suốt thời gian chúng đô hộ đất nước ta, nhưng Vua Lê đã không cho giết. Vua Lê đã tha tội và còn ra lệnh cấp đầy đủ phương tiện cho bọn hàng binh Tàu về nước. Vua nói với tướng sĩ:  Bản tâm của người nhân đức  là không giết người. Ta không nên vì muốn trả thù mà mang tiếng xấu muôn đời là giết kẻ đã đầu hàng.


Đấy là lịch sử VN. Bên Hoa Kỳ cũng có những tâm hồn lớn y như vậy. Nhìn vào lịch sử, Hoa Kỳ cũng đã chia rẽ và chém giết nhau trong thời Nam Bắc phân tranh 1864-1865.  Miền Nam đã thua trận và tướng Robert Lee của miền Nam tuyên bố đầu hàng. Khi  tướng Lee ký văn kiện đầu hàng xong thì tướng Ulysses Grant của quân đội miền Bắc đã ôm lấy tướng Lee và tuyên bố : Trong cuộc chiến này, chỉ có nước Hoa Kỳ chiến thắng chứ không có bên nào thắng bên nào thua. Rồi tướng Grant ra lệnh cho quân đội dưới quyền không được reo hò chiến thắng mà phải tỏ lòng kính trọng các chiến binh bại trận. Tướng Grant và bộ chỉ huy của ông đã kính cẩn tiễn chào tướng Lee ra về. Quân sĩ miền Nam được quyền đem lừa ngựa của mình về quê. Ngay cả lá cờ của họ cũng không bị cấm đoán. Thật đáng khâm phục tấm lòng của chiến binh Hoa Kỳ trong cuộc nội chiến này. Việc này còn biểu hiện ở nghĩa trang quốc gia ở Arlington vùng thủ đô Washington, ở đó không ai phân biệt mộ liệt sĩ anh hùng miền Bắc hay miền Nam.


 Giá mà CSVN có được một chút tấm lòng của Nguyễn Trãi, Lê Thánh Tông Lê Lợi, và của tướng Ulysses Grant Hoa Kỳ trong việc đối xử với Miền Nam sau ngày 30.4.1975 thì bộ mặt VN ngày nay đã hoàn toàn khác. Tiếc rằng người CSVN lòng lang dạ thú, có lẽ người CSVN không phải là người VN.


 Anh H.O. nghe đến đây thì xin ngắt lời Cụ Chánh : Cụ bảo ‘có lẽ’, chứ cháu bảo hẳn là người CSVN hoàn toàn không phải là người VN. Ông Tố Hữu là một nhân vật CS  thứ dữ và hạng nặng mà hèn hạ tôn kính Xít Ta Lin hơn cha mẹ, xin hôn cung kính vết chân Lênin.  Sách vở còn ghi rõ ràng chính ông ta xưng cái hèn hạ của ông ta ra như thế này:


- Thương cha thương mẹ thương chồng
Thương mình thương một thương ông thương mười…
        - Hôn dùm anh nền đá lát công trường
           Nơi yêu dấu Lênin từng dạo bước…


Ông đứng đầu văn nghệ mà còn hèn như vậy thì hỏi lớp đàn em theo chân sẽ hèn như thế nào!
Cụ. B.95 nghe đến đây thì la lên : Xin ngưng, xin thôi nói về CSVN, kẻo chúng tôi ăn cơm mất ngon và đêm nay chúng tôi mất ngủ.


 Cả làng xin vâng.


            Mùa xuân của đất trời đang đến. Xin Ơn Trên cho đất nước VN chúng con cũng được đi vào mùa xuân Tự Do Dân Chủ.