Lá thư Canada : Làng tôi mùa World Cup |
Tác Giả: Trà Lũ | ||||
Chúa Nhật, 18 Tháng 7 Năm 2010 09:43 | ||||
Từ trung tuần tháng Sáu, dân làng chúng tôi ngày nào cũng họp tại nhà ông anh cả ODP để xem các trận cầu quốc tế. Họp tại đây là vì ông mới mua một cái TV có màn ảnh cực lớn, xem thật đã mắt. Một tháng xem các trận đấu của 32 đội banh thế giới đã làm cho tình bằng hữu của chúng tôi vốn đã thắm thiết nay trở nên thắm thiết hơn nữa. Các bà thay nhau đi chợ nấu cơm. Các ông thay nhau mua các thùng bia. Ôi vui biết chùng nào. Rồi một sự kiện bất ngờ đã xảy ra vào buổi trưa ngày 23/6. Các nhà quân tử chúng tôi đang gián mắt vào màn hình thì kià, lạ chưa, sao các chai bia, sao các ly bia bỗng dưng đổ ra bàn hết một lượt thế này. Nào có ai đụng vô mặt bàn đâu ? Các cụ phương xa có biết việc gì đã xảy ra chưa ạ ? Mãi hồi lâu phe tôi nghe radio mới biết là vừa có động đất. Toronto mà động đất ư ? Canada xưa nay là đất thiên đàng mà lại có động đất thật sao ? Chúng tôi đang ngạc nhiên thì có tin nóng hổi từ radio : Canada vừa qua một cơn đông đất nhẹ.Tâm điểm của trận động đất ở mạn bắc thủ đô Ottawa 61 cây số, sức mạnh là 5.5 độ Richter. Nó lan tới các miền chung quanh, Toronto ở phía nam, Montreal ở phía đông, cả New York bên Hoa Kỳ phía dưới đều cảm thấy rung chuyển. Thật may vô cùng, nó chỉ mạnh 5.5 và kéo dài trong 30 giây. Cụ B.95 nghe tin động đất thì mặt tái xanh vì sợ qúa. Cụ bảo thế này là tận thế đến nơi rồi. Đây là dấu hiệu ông trời cảnh cáo nhân gian là hãy bớt biểu tình hãy bớt chia rẽ đi. Các cụ ở xa có hiểu ý Cụ B.95 không ạ ? Chả là Toronto đang có hội nghị G.8 và G.20, dân tứ chiếng đổ về đây để xuống đường đả đảo các lãnh tụ trong nhóm nhà giàu, và ở tỉnh bang Quebec bên cạnh Ontario phong trào đòi ly khai đã âm ĩ ngày xưa nay đang sống lại. Anh John mở radio nghe một chập nữa rồi anh đúc kết trấn an Cụ B.95 và phe các bà : đây là cơn động đất nhỏ nhất và đã qua hết rồi, không có thiệt hại vất chất gì cả. Lâu lâu Canada cũng phải nếm một chút mùi động đất chứ. Mình có bị thường xuyên đâu. Cơn động đất ở Canada gần đây nhất là vào tháng 10 năm 1998, với cường độ 5.4. Đã 12 năm rồi còn gì. Nghe tin và lời trấn an xong, dân làng thấy hết lo âu. Ai cũng thở phào nhẹ nhõm. Dân làng lại tiếp tục xem và nghe đá banh. Tôi nói nghe đá banh là nghe lời bình luận của mấy phóng viên đài CBC trực tiếp ở sân cỏ, nghe thêm lời bình của mấy ông vua mê đá bóng trong làng như Cụ chánh, ông ODP, ông H.O, và nghe thêm tiếng kèn tù-và của Nam Phi. Các cụ có thích tiếng kèn này không, cái kèn vuvuzela kêu vu vu như tiếng con ong ấy mà. Làng tôi thì không, dứt khoát không thích. Nó làm nhức đầu, nó làm chia trí, nó gây ồn ào. Phe liền ông trong dân làng thì chú ý tới các đường banh, còn phe các bà thì chú ý tới cầu thủ. Mấy cầu thủ da đen trong các đội banh của Pháp, của Đức, của Hòa Lan làm các bà ngạc nhiên. Bây giờ các bà mới biết là người da đen chơi rất giỏi môn bóng đá bóng rổ, và nước Pháp nước Đức nước Hòa Lan có rất nhiều công dân da đen. Cụ Chánh bảo mọi người : Muốn biết mặt mũi anh con trai khi sung sướng cực điểm ra sao thì hãy xem cái anh cầu thủ vừa đá lọt lưới đối phương và các cầu thủ vừa thắng trận. Cũng như muốn xem lòng yêu nước được biểu lộ mãnh liệt ra sao, hãy xem khán giả ở cầu trường. Cụ nói đúng qúa. Anh H.O. nói hùa theo : muốn biết thức uống lúc nào là ngon nhất và thích nhất thì hãy xem phe liền ông uống la ve khi họ xem đá banh. Ừ, mà cũng lạ thay, hễ xem đá banh thì phải uống la ve. Các cụ phương xa có biết điều đặc biệt này không, là ở Ontario chính phủ dành đặc quyền bán lave. Ở các nơi khác thì ai bán cũng được và ai đi mua cũng được, còn ở Ontario này, chỉ những cửa hiệu của chính phủ mang tên LCBO thì mới được bán la ve và phải người lớn từ 18 tuổi trở lên mới được phép vào mua. Các cửa hàng LCBO thường mở cửa lúc 11 giờ sang, đặc biệt trong dịp World Cup 2010 này chính phủ mở cửa lúc 10 giờ để dân xem đá banh có lave uống khi các trận đấu bắt đầu lúc 11 giờ. Cụ B.95 hỏi : Thế đội banh Canada thắng bao nhiêu bàn rồi. Các cụ phương xa có biết câu trả lời không ạ ? Thưa, môn bóng đá soccer là môn thể thao còn mới mẻ ở Canada. Các di dân đã mang nó tới Canada, và nó đang thời kỳ phát triển, chưa đạt đến độ có thể đá thi quốc tế. Môn thể thao chính của nước này là hockey và football. Football ở đây chỉ môn bóng bầu dục. Đá banh là môn bóng tròn và tên nó là soccer. Canada có đội banh soccer nhưng đội của Canada đã bị loại ngay vòng đầu, y như đội banh của VN vậy. Rồi các nhà quân tử phe chúng tôi bàn tới đội banh nước Cao Ly. Ôi đáng yêu làm sao hai cái đội banh của nước củ sâm này. Cái đội Bắc Hàn đã hạ đội Brazil ngay trận đầu ra quân, sao mà tuyệt vời đến thế. Nhưng rồi về sau, trận thứ hai khi đấu với Bồ Đào Nha thì lại thua đậm, bị Bồ Đào Nha hạ tới 7 trái. Mà đội Bồ Đào Nha có giỏi hơn đội Brazil bao nhiêu đâu! Cái gì vầy nè ? Về sau mới vỡ lẽ : có 4 anh cầu thủ giỏi của Bắc Hàn đã trốn khỏi đoàn để xin tỵ nạn chính trị. Đội Bắc Hàn xuống tinh thần. Bị bọn cán bộ đi kèm dọa nạt, các cầu thủ còn lại đã mất hết tinh thần. Đá banh mà tâm trí không để vào qủa banh mà để vào hình ảnh nhà tù sắp xảy ra cho mình thì đá giỏi làm sao nổi. Than ôi. Tôi thương đội banh Bắc Hàn qúa. May thay còn đội banh Nam Hàn. Trên sân cỏ, đội Nam Hàn và đội Nhật Bản đã làm nở măt dân da vàng. Nhắc tới Nam Hàn, Cụ Chánh hít hà : Không thể ngờ được cái nước Nam Hàn này nó tiến bộ vượt bực nhanh chóng làm vậy. Chính lão đây là chứng nhân. Thập niên 1970 lão có cửa hàng bán TV ở Saigon. Hồi đó VNCH đã sản xuất được TV mà Nam Hàn thì chưa. Hồi đó người mình gọi lính Nam Hàn là Đại Hàn. Anh lính Đại Hàn nào khi rời Saigon về nước thì cũng đến hiệu của lão mua TV, có anh không chỉ mua một mà mua tới hai hay ba cái, đem về nước vừa để xem vừa làm qùa. Cũng hồi thập niên 1970, VNCH đã sản xuất được xe hơi , hiệu La Dalat, mà Đại Hàn thì chưa. Hồi đó Đại Hàn còn thua VNCH nhiều mặt, thế mà bây giờ, mới sau 40 năm, Đại Hàn đã tiến những bước khổng lồ. Còn VN thì khựng lại. Cái gì làm VN tụt hậu thê thảm thế này? Chị Ba Biên Hòa nghe nói tới Đại hàn thì liền nhớ ngay tới nhiều sản phẩm của nước củ sâm. Một thứ mà chị thích nhất là món dưa chua Kim Chi. Chị đã bỏ công nghiên cứu và học hỏi với các bà bạn Đại Hàn, và đã đạt tới mức số một. Nghe chị nói về Kim Chi thì mê lắm. Xin mời các cụ tạm rời sân banh để nghe Chị Ba thuyết pháp nha. Kim Chi xuất hiện ở Cao Ly cách đây dễ chừng 3.000 năm. Nó được coi là một trong những mòn ăn điển hình của văn hóa ẩm thực Cao Ly. Như món phở và chả giò đi theo người VN, Kim Chi là món luôn đi theo người Cao Ly trên mọi nẻo đường. Như người VN chúng ta làm dưa chua từ rau cải với muối, Kim Chi cũng làm từ rau cải với muối nhưng nó khác với dưa chua VN vì do nhiều gia vị khác nhau thêm vào, như dưa leo, tỏi, hành, gừng, ớt. Kim Chi biến đổi theo vùng. Ở những vùng ấm áp thì có nhiều ớt và muối để tránh bị hư. Ở những vùng lạnh giá, nó được làm nhạt đi và ít ớt cay hơn. Trong các hội chợ quốc tế, gian hàng Cao Ly bao giò cũng bày bán các loại Kim Chi. Chưa cần nếm, chỉ cần ngắm nhìn các lọ dưa Kim Chi đã thấy ngon qúa sức rồi. Ngoài món Kim Chi, Cao Ly còn nổi tiếng với món sườn bò nướng Kalbi, món cháo gà ướp gừng, tỏi, táo nấu với gạo nếp. Và đặc biệt món thịt chó. Người Cao Ly cũng coi trọng món thịt chó như người Việt mình. Nhớ hồi năm xưa khi Nam Hàn tổ chức hội chợ quốc tế, báo chí ngoại quốc quay vào chê người Nam Hàn là man di mọi rợ vì dám giết chó ăn thịt. Hội Thịt Chó Đại Hàn đã lên tiếng đáp lễ ngay : Người da trằng các anh nuôi chó để bồng để bế như con, còn người Triều Tiên chúng tôi nuôi chó không phải để bồng để bế mà để ăn thịt. Chúng ta ăn thịt bò thịt heo thị dê, tai sao lại không ăn thịt chó ? Nước chúng tôi có cả một hệ thống kỹ nghệ nuôi chó để ăn thịt. Các anh mới có mấy trăm năm văn hóa, còn chúng tôi có mấy ngàn năm văn hóa, các anh biết gì vê văn hóa nhiều như chúng tôi mà dám lên mặt dạy dỗ. Hình như sau bài lên tiếng này thì báo chí quốc tế hết còn dám chê món thịt chó. Tôi nghĩ người VN chúng ta nên biết ơn người Nam Hàn vì họ đã nói thay cho chúng ta. Thịt chó muôn năm. Anh John lúc này mới xin góp ý. Rằng người Cao Ly giống người VN nhiều mặt. Họ tôn kính tổ tiên và coi trọng gia đình. Khi gặp người lạ, họ thường tìm cách nói xa nói gần hỏi về dòng họ để mong tìm ra đường giây họ hàng. Ở Triều Tiên có chừng 300 họ khác nhau, nổi bật là các họ Kim, Lee, Pak, Jo, Jang, Cho, Gang Jong, Yun… Nói đến đây thì anh nhìn tôi rồi mỉm cười : Riêng dòng họ Lý, viết là Lee, có gốc từ VN vì là họ của Cụ Lý Long Tường hồi thế kỷ 13 đã mang đại gia đình từ Việt Nam sang Cao Ly tỵ nạn. Món Kim Chi đã đưa các cụ đi xa qúa rồi. Xin mời các cụ trở về sân banh. Mỗi trận đấu có 2 hiệp, mỗi hiệp dài 45 phút, xen kẽ là một thời gian nghỉ xả hơi. Đây là lúc ông ODP và Cu Chánh bình luận. Hai vị tổ sư này đá banh từ bé. Ngoài việc bình luận về những đường banh đẹp mắt, về những chiến thuật mà mỗi đội banh vừa áp dụng, hai đại sư lại còn nói chuyện qúa khứ. Hai vị đã kể cho chúng tôi những thần tượng ngày xưa trên sân banh, nào Pelé của Ba Tây năm 1958, nào Maradona của Á Căn Đình năm 1986, nào Zidane của Pháp năm 1998, nào Ronaldo của Bồ Đào Nha hiện nay. Chưa hết, Ông ODP còn đưa chúng tôi về Saigon với những trận đấu có trung vệ nổi tiếng Nguyễn Văn Ứng trong đội banh Cảnh Sát Quốc Gia vào thập niên 1950, và trung vệ nổi tiếng Tam Lang, một cầu thủ chân vàng đã làm cho đội banh của VNCH chiếm Giải Vô Địch Túc Cấu Merdeka năm 1965 của Mã Lai. Hai tổ sư đã làm cả làng tôi lạc vào mê cung túc cầu. Chỉ có Cụ B.95 là không bị bùa mê mà thôi. Cụ mê cái khác. Cụ mê tiếng cười và thèm tiếng cười. Ông ODP vừa ngưng lời bình luận để uống bia thì cụ lên tiếng. Cụ xin cho cụ ra khỏi sân banh . Ông H.O. chiều ý cụ ngay. Ông vừa nói vừa cười : Cụ đã sống với dân làng được 15 năm nhưng ngôn ngữ của cụ vẫn là ngôn ngữ Bắc Kỳ rặt. Cháu mới chép được 3 bài thơ tả cuộc gặp gỡ thân mật của hai anh chị đang thời yêu nhau. Cả ba bài thơ đều là lời cô gái nói với người yêu là anh con trai đang ra chiều lả lơi. Cô gái người Nam nói thế này : Ý chèng ui Hổng được đâu Cái mặt ngầu Tui ớn lạnh Ngồi bên cạnh Rục rịch hoài Lỡ gặp ai Kỳ qúa hà Thôi zô trỏng Cho thỏa lòng Đồ qủy sứ Để từ từ Nè cha nội Còn cô gái Trung thì thế ni : Còn cô Bắc Kỳ thì nói thế này : TRÀ LŨ
|