Home Phiếm Gã Siêu Thế Giới Không Đàn Bà

Thế Giới Không Đàn Bà PDF Print E-mail
Tác Giả: Gã Siêu   
Thứ Ba, 21 Tháng 8 Năm 2012 04:48

  Ước chi không có đờn bà, Một mình thanh thản, cửa nhà êm ru.

        Trước khi đi vào bài viết hôm nay, gã xin ghi lại một so sánh khập khiễng mà gã đã sưu tầm được. Nhà địa lý nhìn người đờn bà bằng cặp mắt méo mó nghề nghiệp của mình và đã diễn tả như sau :
    
    Ở độ tuổi từ mười lăm đến hai mươi, người phụ nữ được ví như nước Công gô, một nửa đã được khám phá, và một nửa vẫn còn hoang dại.
    
    Ở độ tuổi từ hai mươi đến ba mươi, người phụ nữ được ví như nước Mỹ, đã được khám phá trọn vẹn và hoàn chỉnh về mặt kỹ thuật.
    
    Ở độ tuổi ba mươi đến ba mươi nhăm, người phụ nữ được ví như nước Ấn độ, rất nóng bỏng, rất xinh đẹp và đầy hiểu biết.
    
    Ở độ tuổi ba mươi nhăm đến bốn mươi, người phụ nữ được ví như nước Pháp, một nửa đã bị tàn phá sau chiến tranh, nhưng vẫn rất hấp dẫn.
    
    Ở độ tuổi bốn mươi đến năm mươi, người phụ nữ được ví như nuớc Đức, không còn đấu tranh nhưng vẫn cứ hy vọng.
    
    Ở độ tuổi năm mươi đến sáu mươi, người phụ nữ được ví như nước Nga, rất rộng, rất yên tĩnh, nhưng không còn thu hút nữa.
    
    Ở độ tuổi sáu mươi đến bảy mươi, người phụ nữ được ví như nước Anh, với một quá khứ vẻ vang, nhưng tương lai thì chẳng có gì.
    
    Còn sau lứa tuổi bảy mươi ấy hả ? Người phụ nữ được ví như Sibêria, tất tật đều biết nơi này, nhưng chẳng ai thèm tới.
    
    Từ những so sánh khập khiễng và có tính cách méo mó nghề nghiệp trên, gã xin đi vào điểm cốt lõi của vấn đề.
    
    Ngày xửa ngày xưa, lúc còn bé, gã rất khoái đọc cuốn truyện “Gulliver phiêu lưu ký”. Chuyện ấy kể lại rằng :
    Ngày nọ, Gulliver đi lạc vào lãnh địa của những người tí hon. Người người này đã coi Gulliver đích thực là một anh chàng khổng lồ, đem tai họa đến cho quê hương đất nước của họ. Và thế là họ bàn mưu tính kế quyết định giết Gulliver. Nhưng phải làm sao bây giờ ?
    
    Chả lẽ lại như hội đồng chuột trong câu chuyện ngụ ngôn. Toàn thể đại hội của họ hàng nhà chuột đều nhất trí cao là phải đeo một cái chuông vào cổ mèo, để hễ mèo đi đến đâu, thì liền phát ra những âm thanh kính keng, báo động cho họ hàng nhà chuột biết đường tẩu thoát. Ý kiến ý cò thì rất tuyệt vời, nhưng rồi chẳng một con chuột nào dám thực hiện cả.
    
    Ở đây thì khác, nhưng người tí hon không giống như họ hàng nhà chuột, họ nói và làm liền tức khắc. Họ huy động cả nước, đợi cho Gulliver ngủ say, và thế là a-lê-hấp, tất cả đều nhất tề đóng những chiếc cọc đâm sâu xuống đất, rồi dùng những sợi dây nhỏ cột chặt Gulliver lại.
    
    Khi tỉnh giấc, Gulliver đã không thể nào dứt đứt những sợi dây nhỏ ấy. Và thế là anh chàng Gulliver tội nghiệp của chúng ta bỗng chốc trở thành tù bình cho những người tí hon.
    
    Đó là trong chuyện cổ tích ngày xưa. Còn hôm nay trong đời thường, gã có một anh bạn thân. Anh bạn này, thời còn giai trẻ đã khổ đau với những mối tình còm của mình. Khi thì bị cô này cho leo cây, lúc lại bị chị kia cho tuột dù. Mãi tới “bốn mươi mí” hắn ta mới kiếm được một cô vợ.
    
    Cứ tưởng rằng có vợ rồi ắt hẳn sẽ yên bề gia thất và cuộc đời sẽ mỉm cười với hắn ta, ai dè đâu hắn ta vớ phải cô vợ thuộc týp bà chằng, chỉ kém sư tử Hà Đông có một tẹo, thành ra chó đen vẫn giữ mực, mèo vẫn hoàn mèo. Khổ đau thì vẫn cứ khổ đau, nhưng xem ra còn có mòi dai dẳng và cay đắng hơn trước. Chính những khổ đau ấy đã kết tủa thành một cục sạn to tổ bố trong óc não của anh ta.
    
    Vì thế, hễ mở mồm mở miệng đá động tới đờn bà con gái là hắn ta phun ra toàn những lời độc địa, chua hơn chanh và cay hơn cả ớt. Thậm chí, hắn ta còn ra sức sưu tầm và “ngâm kíu” những tư liệu nói xấu đờn bà con gái.
    
    Hễ tờ báo nào có bài thơ hay mẩu viết hợp gu với hắn ta, là hắn ta bèn cắt béng ngay đi, cất kỹ vào ngăn tủ, khóa chặt lại, để mỗi khi bà xã đi vắng, thì bèn lôi ra mà tủm tỉm tụng niệm.
    
    Tối hôm ấy, trước khi đi ngủ hắn đã lâm râm đọc một bài thơ mà hắn đã thuổng của một tác giả nào đó trong báo “Phụ nữ Chủ nhật” :
    - Ước chi không có đờn bà,
    Một mình thanh thản, cửa nhà êm ru.
    Đầu óc chẳng phải lu bù,
    Sợ lời léo nhéo, gật gù làm theo.
    Chẳng lo va vấp, chẳng mèo mỡ chi.
    Ăn, ngủ, chơi thích là đi.
    Chẳng lo tra hỏi : làm gì ? Ở đâu ?
    Thật vui khi chẳng muộn sầu,
    Chẳng người yêu bước lên tàu sang ngang.
    Một mình cuộc sống an nhàn,
    Ung dung, thư thái, đàng hoàng. Cần chi ?
    Tươi vui cuộc sống có khi,
    Kéo dài tuổi thọ, ít thì gấp...ba.
    Ước chi không có đàn bà,
    Đờn ông một lũ, thế là khỏe...ru!
    
    Lâm râm đọc xong bài thơ ấy, hắn ta thiếp ngủ lúc nào cũng không hay, trên miệng vẫn còn nở một nụ cười...ruồi, rất ư là mãn nguyện
    
    Trong lúc ngủ mê mệt như vậy, hắn ta mơ thấy mình đang đi dưới ánh trăng vàng, thì gặp một ông già, râu tóc bạc phơ. Hắn ta nhớ mang máng hình như đã gặp ông già này ở đâu thì phải. Hắn ta ngẫm nghĩ, rồi vỗ trán đánh đét một cái và mừng rỡ kêu lên :
    - Đúng rồi, ngài chính là “nguyệt lão” đã cột cẳng chân ta bằng một sợi dây đỏ vào với cẳng chân của cô ấy, để rồi ta với cô ấy nên duyên vợ chồng.
    
    Thế là lập tức ba chân bốn cẳng, hắn ta chạy vắt giò lên cổ tới ra mắt nguyệt lão. Nguyệt lão nhìn hắn ta rồi lên tiếng nói :
    - Nhà ngươi hãy báo cáo cho ta tình hình bà xã ngươi như thế nào ?
    
    Mặt hắn ta liền xụ xuống, ủ rũ như cờ tang. Rồi hắn thành thực khai báo với nguyệt lão :
    Cô nàng mà ngài đã cột vào cẳng con chẳng còn ra thể thống nào cả. Này nhé, con chỉ xin kể ra một vài tội “điển hình tiên tiến” mà thôi.
    
    Tội thứ nhất đó là cô ấy mắc phải cái chứng bệnh than một cách trầm trọng. Nước Mỹ sau ngày 11 tháng 9 năm 2001, mới chỉ có mấy người chết vì cái chứng bệnh này, ấy thế mà họ đã lo sốt vó, lo cuống cà kê cả lên. Còn cô ấy hả ? Mắc chứng bệnh than mãn tính. Này nhé “sáng ra, cô ấy than hết tiền hết gạo. Chiều về, cô ấy than hết xăng hết dầu. Đầu tháng cô ấy than giá cả tăng cao. Cuối tháng cô ấy than tiền lương hạ thấp. Ngày, cô ấy than nhiều việc làm không xuể. Đêm, cô ấy than mệt mỏi đau lưng. Đến cơ quan, cô ấy than chồng không bằng người. Về nhà mình, cô ấy than đồng nghiệp xấu tính xấu miệng. Hết than người rồi lại đến than mình. Nhiều lúc cô ấy đấm ngực thùm thụp mà than : bè bạn bằng tuổi có nhà có cửa, có chồng làm ông nọ ông kia, có con thi cấp này cấp khác. Thật khốn thân tôi vớ phải ông chồng…...cả tũm. Uổng bao công sức học hành, nai lưng ra làm việc mà cũng chẳng nên cơm cháo gì. Hơi mệt trong người một tí, cô ấy than như mắc phải chứng nan y...Suốt ngày, hở lúc nào lại ra rả như vậy thì làm sao con chịu nổi”.
    
    Ngoài ra, cô ấy còn mắc phải cái “hội chứng trí thức” nữa mới chết con. Ngày xưa, như ngài đã biết, hành trình của bất cứ bà vợ nào cũng là từ nhà ra đến chợ và rồi lại từ chợ về đến nhà. Đơn giản chỉ có vậy mà thôi.
    
    Còn bây giờ ấy hả. Với mảnh bằng đại học trong tay, cô ấy đã nhảy bổ ra ngoài xã hội. Rất may là việc nhà cô ấy không nỡ phó mặc cho bố nó, nhưng vẫn còn kiêm nhiệm, nên cũng đỡ khổ cho cái thằng con. Bình thường thì cô ấy cũng hiền cũng dịu, nhưng chỉ phiền một nỗi, đó là mỗi khi không vừa ý, hay tức giận điều chi, thì cô ấy la toáng lên, khiến mấy thằng bạn xấu bụng xấu dạ đã “bình luận” với con rằng :
    - Bà xã mày, mặt thì mặt đờn bà, nhưng cốt lại là cốt đờn ông.
    
    Nếu hứng chí bày trò làm thơ ca tụng cô ấy thì đừng có mà nói tới “công dung ngôn hạnh”. Xưa rồi Diễm ơi. Bài thơ có phệu ra được, thì chí ít cũng phải như một tác giả mang tên Đỗ :
    - Em vất vả nơi văn phòng máy lạnh,
    Hồ sơ đầu tư đè nặng vai gầy.
    Em tất tả giữa ngân hàng sóng gió.
    Chân rã rời cao ốc chạm vào mây.
    
    Đôi khi cũng muốn có tí ý kiến ý cò với cô về chuyện này chuyện nọ, thì liền bị kê tủ đứng vào miệng :
    - Rõ đồ hai lúa, quê một cục, biết gì mà nói.
    
    Vừa báo cáo tới đây, nguyệt lão bèn xua tay và bảo :
    - Đủ rồi, đủ rồi. Ta rất hiểu hoàn cảnh não nùng và bi đát của ngươi. Này đây ta sẽ cho ngươi được phỉ chí toại lòng.
    
    Nói xong, nguyệt lão bèn giơ cao chiếc gậy trúc, rồi hô :
    - Một, hai, ba, đờn bà...biến.
    
    Lập tức tất tật đờn bà con gái liền lặn khỏi mặt đất, hay do phép thần thông biến hóa của nguyệt lão, mà bỗng trở nên “tàng hình” hay ẩn nấp ở cái xó xỉnh nào không ai nhìn thấy.
    
    Hắn ta đủng đỉnh bước ra khỏi nhà, hít thở một bàu không khí trong lành và nhẹ nhõm như vừa thoái khỏi cái ách gông cùm, bởi vì trai có vợ như rợ buộc chân.
    
    Ngoài đường phố hắn ta chỉ thấy rặt có phe mình, toàn những đấng mày râu không hà. Anh nào anh nấy nét mặt tươi rói, cười cười nói nói, ồm ồm như sấm vàng, rất ư là vô tư. Gặp nhau tay bắt mặt mừng và hô lớn bằng đủ thứ ngôn ngữ :
    - Chào... Hai... Rua...
    
    Ôi, cái ngày vắng bóng đờn bà con gái mới khoái làm sao. Báo chí, truyền thanh và truyền hình đã có những phóng sự, những hình ảnh thật tuyệt vời về ngày trọng đại này. Phóng viên Hùng Khâm của một tờ báo nào đó, trong tiểu phẩm của mình đã mô tả như sau :
    
    Đó là buổi sáng khi bạn thức dậy mà chẳng cần ai đánh thức, có nghĩa là bạn được ngủ rất ư thoải mái và lố vào giờ làm việc đến hơn một tiếng đồng hồ. Chẳng sao cả, không có ai càu nhàu về chuyện bạn đi làm muộn. Không ai bắt bạn phải thay quần áo và bạn cứ tự do đeo lên người bộ đồ đã nhăn nhúm từ hôm qua.
    
    Bạn ra đường không sợ xui vì “gặp đờn bà” và cũng không phải liếc ngang liếc dọc tìm ngắm một bóng hồng nào...Và bạn còn có thể ra quán cà phê ngồi gác chân lên ghế, thậm chí gếch cả hai chân lên bàn mà không phải ngượng vì một cô gái nào đó đi qua, nhìn và đánh giá tư cách của bạn. Tất nhiên cô chủ quán cũng sẽ chẳng có mặt để đòi cái số nợ mà bạn còn ghi sổ từ tháng trước.
    
    Ban chiều, bạn sẽ không phải nghe điện thoại với cái câu chán ngắt :
    - Anh thích ăn gì để em còn đi chợ.
    
    Và bạn sẽ chẳng cần phải nghĩ cách nói dối rằng tối nay bận họp hành gì gì đó để rồi trốn đi nhậu với bạn bè. Nghĩa là bạn được tư do hoàn toàn. Thật tuyệt vời ! Bạn cứ việc nhậu cho thoải mái, cho mát mái luôn và chẳng cần nghĩ đến chuyện về, cứ uống mút chỉ tới sáng cũng được mà.
    
    Hai giờ sáng bạn mới ngất ngưởng về đến nhà. Sẽ chẳng có ai đứng ở cửa với khuôn mặt...hình sự. Bạn sẽ chẳng phải nghe những lời than vãn vì sự thiếu trách nhiệm, vì sự bê tha và vì đủ thứ tội trên đời. Thậm chí ác liệt hơn thì còn có thể là :
    - Trời đất ơi ! ngày xưa có tới mười bốn anh toàn đẹp trai, học giỏi, con nhà giàu đeo đuổi tôi, vậy mà sao tôi lại đâm đầu vào lấy anh.
    
    Hay những bài đít cua, đít cáy đại loại là như vậy.
    
    Không hề có những rắc rối và bạn được tự do mở ti vi đúng chương trình đá banh mà bạn thích, rồi cứ tự nhiên để nguyên cả quần áo, giày dép mà phi lên giường, làm một giấc tới lúc nào thích thì dậy. Một giấc ngủ tuyệt vời không hề có ác mộng hay phải mơ tới một cô gái nào. Và rồi bạn lại bắt đầu một ngày thần tiên mới...
    - Ôi , cuộc đời vẫn đẹp xinh. La vie est en rose. Cuộc đời quả là tươi hồng.
    
    Hắn ta cũng vậy. Để kỷ niệm ngày xổ chuồng, tối hôm ấy hắn cùng với mấy tên bạn chí cốt ra ngồi thiền ở quán lẩu dê bên lề đường, làm một chầu tới ngoắc cần câu. May mà còn đủ tỉnh để lê từng bước chân âm thầm, thậm chí đôi lúc còn phải bò trong bóng đêm mà lết về tới nhà. Rồi sau đó là một giấc ngủ vật vã.
    
    Thế nhưng, như một đồng tiền, cuộc đời có mặt phải, thì cũng có mặt trái của nó nữa. Và lúc này, hắn ta đang mon men tiến gần tới mặt trái của công cuộc giải phóng đờn ông.
    
    Ban sáng thức giấc, đầu nhức như búa bổ, bụng đói cồn đói cạo, nhào vô bếp kiếm chút cháo dằn vào bao tử mà chẳng có đí gì sốt. Mở tủ kiếm áo quần tươm tất để đi làm, thì lại chẳng còn bộ nào cả. Mọi sự đều nằm gọn trong chiếc thau, bốc mùi chua ngoét.
    
    Riêng bộ vía hắn ta đang đeo trên mình thì lại nồng nặc toàn mùi rượu. Sở dĩ như vậy vì “mồ hôi rượu” của hắn chảy ra ròng ròng, rồi thấm vào chiếc áo. Nếu đem ngâm chiếc áo hắn ta đang mặc với một chút nước, rồi vắt cho cạn kiệt thì chí ít cũng được khoảng một bát. Cái dung dịch ấy phải chứa tới mấy chục phần trăm cồn, lúc thèm rượu đem ra uống cũng đủ giải bớt cơn sầu, nếu không muốn nói là cũng có thể ngồi đâu khóc đó.
    
    Bạn bè thường sánh ví hắn ta với một chiếc bình “ắc qui” :
    - Mày đúng là một chiếc bình gin, cầm hơi hết xảy.
    
    Bước chân ra đường, vắng đờn bà con gái thì cũng vắng luôn những sắc màu của cuộc sống. Ôi thời oanh liệt nay còn đâu ?
    
    Phải, còn đâu nữa màu xanh, màu đỏ, màu tím, màu vàng và cả màu cứt ngựa...của những chiếc áo dài thướt tha, của những thứ váy dài váy ngắn, khoe rốn, khoe đùi, kheo cẳng...
    Còn đâu nữa những cặp môi đỏ choét như tiết gà mái, những cặp môi xám ngắt như thịt trâu ôi theo mốt tài tử Hàn quốc.
    
    Còn đâu nữa những mái tóc dài ngắn đủ màu đủ kiểu.
    
    Báo chí, phim ảnh,tuồng kịch...tóm lại tất cả các bộ môn nghệ thuật đều tắt ngấm, bởi vì không còn đờn bà con gái thì các tác giả cũng hết chất, chẳng còn đề tài để mà lia máy, múa bút hay vung cọ.
    
    Ta với ta, đối mặt nhau, toàn dân đực rựa, nói cười oang oang, nhưng lại cộc cằn như dùi đục chấm mắm tôm. Chẳng mấy chốc, bầu khí trở nên căng thẳng và oi bức như nắng hè đổ lửa.
    Còn đâu những lời nói dịu êm, như ru hồn lạc vào chốn thiên thai.
    
    Và thế là cái đức tính “ga lăng”, hào hoa phong đòn gánh của những bậc công tử cứ mỗi ngày một thui chột rồi mất tăm mất tích. Chỉ còn là chữ nghĩa đọng trong tự điển mà thôi. Mai mốt phải mỏi mồm mỏi miệng cắt nghĩa thì con cháu mới hiểu được thế nào là ”ga lăng” và thế nào là hào hoa phong đòn gánh.
    
    Về tới nhà, lũ con nheo nhóc, đói bụng đòi ăn thế là hắn ta lại phải đâm đầu vào bếp. Rất may vì đã được bà xã dạy vỡ lòng cho cái môn “nam công gia chánh”, nên nồi cơm hắn ta nấu không đến nỗi trên sống dưới khê, tứ bề nhão nhoét.
    
    Ngó vào xó góc nào cũng bụi bậm bẩn thỉu, thế là hắn lại phải cặm cụi quét dọn, rửa ráy. Chăn mùng mền toát ra một mùi xú khí nồng nặc đến không chịu nổi, thế là hắn lại phải lầm lũi giặt dũ...toát cả mồ hôi hột lúc nào cũng chẳng hay.
    
    Biết bao nhiêu công việc không tên trút lên đầu, lên cổ hắn ta, mà lúc trước, khi còn bóng dáng bà xã, hắn ta chẳng hề động ngón tay lay thử, thậm chí cũng chẳng bao giờ thèm nghĩ tới. Đi làm về, hắn ung dung ngồi đọc báo hay xem truyền hình chờ cơm. Trong khi đó, bà xã hắn cũng đi làm về, nhưng lại phải lăn xả vào bếp và lo giùm cho hắn những việc lỉnh kỉnh ấy. Nếu có giúp thì hắn ta cũng chỉ giúp qua quít cho phải phép mà thôi. Không chừng lại còn làm vướng chân thiên hạ vì cái bản năng đoảng và cả quỷnh của hắn ta.
    
    Lúc này, hắn ta mới cảm thấy thèm được ăn một tô canh chua cá lóc, thèm được có người đứng đợi khi hắn ta tan sở về nhà, thèm một cử chỉ chăm sóc, thèm một lời an ủi nhẹ nhàng.
    
    Và lỡ có quá chén mà say xỉn, thì hắn ta lại thèm một ly nước chanh tọng vào bao tử hay một chiếc khăn lạnh đắp lên mặt cho giã rượu.
    
    Khi cảm cúm, thì hắn lại thèm được một bàn tay mềm dịu cạo gió, hay một nồi nước xông cho toát cả mồ hôi.
    Và hắn ta còn thèm. Thèm rất nhiều thứ khác nữa.
    
    Hắn hốt hoảng khi phải sống trong một thế giới không còn đờn bà con gái nữa. Sự hốt hoảng làm hắn ta đập mạnh chân xuống giường đánh rầm một cái.
    
    Hắn ta tỉnh giấc và thầm nói :
    - May quá, đó chỉ là một giấc mơ.
    
    Và kể từ giấc mơ ấy, hắn ta đã đổi mới tư duy và lập trường của hắn ta như chiếc bản lề, quay phắt một trăm tám mươi độ. Hắn ta không còn coi cô ấy như đối thủ, hay như địch thủ của mình nữa, mà lại coi cô ấy như bà xã thứ thiệt, như người vợ chính hiệu con nai vàng của mình.
    
    Mặc cho bè bạn chê bai, hắn vẫn cứ vững như kiềng ba chân và còn rất lấy làm tự hào về tác phong của mình :
    - Vuốt râu nịnh vợ con bu nó.
    
    Và cũng kể từ giấc mơ ấy, hắn ta bắt đầu sưu tầm và “ngâm kíu” những tư liệu ca tụng đờn bà con gái.
    Và những lúc hứng chí trước mặt bà xã hắn đã tuôn ra rông rổng những bài thơ bài thẩn, chẳng hạn như mẩu sau đây của ông thợ thơ Trần Thiện Ngân :
    - Nếu đời không có đờn bà,
    Bầu trời u ám như là đêm đông.
    Còn đâu bóng dáng hoa hồng,
    Mấy chàng thi sĩ cũng không viết bài.
    Viết rồi biết tặng cho ai ?
    Khi đời còn có con trai không hà.
    Trăng kia chênh chếch xa xa,
    Chế súng cao xạ, bắn cho tan tành.
    
    Nếu đời chỉ có các anh,
    Lấy ai hầu hạ, cơm canh đêm ngày.
    Áo dơ anh chẳng thèm thay,
    Quần anh sứt chỉ ai may cho mình.
    Suốt ngày im ắng lặng thinh,
    Anh thèm nghe tiếng của mình thân yêu.
    Chẳng lo vợ mãi nói nhiều,
    Lời hay ý đẹp, vì yêu thôi mà.
    
    Nếu đời chỉ có các...cha,
    Nhậu hoài cũng chán chẳng ra con người.
    Mong rằng trái đất vẫn tròn,
    Vạn ngàn năm nữa vẫn còn các...em !!!
    
    Từ cõi trên nhìn xuống, nguyệt lão cảm thấy mãn nguyện. Và cũng trong đêm trăng sáng ấy, nguyệt lão đưa tay vuốt chòm râu bạc, đắc chí mỉm cười :
    - Có thế chứ.